
Ðặc san Hoa Ðàm, số 4, chủ đề VĂN HỌC PHẬT GIÁO,
Lotus Media phát hành tháng 11, 2016.
Hướng dẫn đề tài: Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Tâm Quang Vĩnh Hảo,
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang
Kết tập: Tâm Thường Ðịnh Bạch Xuân Phẻ, Nguyên Túc Nguyễn Sung,
Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh, Quảng Pháp Trần Minh Triết
… nếu như tất cả con người trên mặt đất này ai cũng thấy được vẻ huyền diệu của hoa như Thiền sư Huyền Quang ở thế kỷ thứ mười ba, và thương hoa nhưng không nỡ đưa tay hái, chỉ nghiêng lòng đón lấy hương như Quách Tấn ở hậu bán thế kỷ 20, thì có lẽ nhân loại ở ngày hôm nay đã tránh được hậu quả vô cùng tai hại của thiên tai như bão lụt, động đất ngày càng dữ dội, và nhất là trái đất ngày càng nóng lên như các nhà môi sinh đã báo động liên tục chăng?
Trong bài viết kỷ niệm ngày Quách Tấn qua đời, có nhan đề Tìm về núi củ xem mai nở,vừa được in lại trong tập Quách Tấn, thiên nhiên và quê hương . Trong bài đó, tôi có nhắc lại lời của cố học giả Nguyễn Hiến Lê. Đại khái, Nguyễn Hiến Lê có nói rằng, khi đọc tác phẩm Nước Non Bình Định của Quách Tân, thì thấy tác giả chỉ dành có 18 trang để viết về các cửa biển, nên đọc xong Nguyễn Hiến Lê vẩn còn cảm thấy thèm.
Ngược lại, Quách Tấn đã dành hơn 80 trang để viết về núi non của tỉnh Bình Định. Và rồi trong nhật ký được viết vào những ngày cuối đời, Nguyễn Hiến Lê vẩn nhắc lại rằng: “Nhất là cảnh núi non, tôi tin chắc rằng không ai có thể viết hay hơn Quách Tấn được”.
Đúng như lời nhận định của Nguyễn Hiến Lê, Quách Tấn rất yêu núi non, tình yêu ấy được tác giả thể hiện rõ ràng nhất qua bài thơ có tên là Tình Sơn Lâm, trong thi phẩm Mông Ngân Sơn của ông như thế này:
Nhân thế nguôi tình thương
Ôm thu nằm Khánh Dương
Rừng trăng đôi lá rụng
Lành lạnh gió đem hương.
Và có phải say mê vẻ đẹp của núi non là người có lòng nhân (nhân giả nhạo sơn), như lời của Khổng Tử đã được truyền tụng từ hơn 20 thế kỷ nay?
Vậy bây giờ ta thử xem trong thơ của Quách Tấn, một người rất say mê núi non đã thể hiện trong thi ca của mình như thế nào về lòng nhân ấy?
Vào một buổi chiều, có lẽ là một buổi chiều mùa đông. Quách Tấn đang đi trên con đường quê, chợt nhìn thấy trên cành cây bên vệ đường có một tổ chim. Nhìn kỷ thì ông thấy đó là tổ chim sâu, con chim mẹ đang đút mồi cho chim con. Quan sát cảnh tượng đầy cảm động ấy Quách Tấn đã ghi lại cảm xúc của mình trong bài thơ Nhánh Chiều:
Chiều đọng nhánh mồ côi
Nhìn chim sâu đút mồi
Nhớ thương tràn gió lạnh
Làng củ bóng mây trôi
Rainer Maria Rilke, thi sĩ của nước Đức, trong tác phẩm lừng danh Thư gởi người thi sĩ trẻ tuổi, đã khuyên những người thi sĩ trẻ tuổi rằng, khi nào mà thấy tâm hồn mình cô đơn, cằn cỗi và lạt lẽo thì hãy hồi tưởng lại tuổi thơ bé bỏng của chính mình:
“Và ngay cả khi ông đang ở trong tù, tường vách bưng bít không để lọt một âm thanh nào đến với giác quan ông. Phải chăng lúc đó ông vẩn còn tuổi thơ, bé bỏng của ông, kho tàng vương giả quý báu, sự giàu sang tuyệt vời, chất chứa bao nhiêu là kỷ niệm? Hãy hướng tâm tư của ông về nơi đó. Hãy cố gắng làm tuôn chảy ào ạt lại những cảm giác ẩn chìm phát nguồn từ dĩ vãng bao la đó”
Đúng là như vậy rồi, cứ mỗi lần đọc hai câu:
Nhớ thương tràn gió lạn
Làng củ bóng mây trôi
Là tâm hồn tôi lại tràn ngập một tình yêu mênh mông khó tả về một làng quê của tuổi thơ có nhiều mây trắng và nắng vàng đã xa xôi.
Và chẳng phải sứ mệnh của bất cứ một nghệ sĩ chân chính nào trên mặt đất này đều củng phải khơi dậy cho kỳ được tình yêu thương đó đến trên cuộc đời vốn thiếu vắng tình thương này hay sao?
Cũng vào một buổi chiều trên con đường quê, nhưng lần này thì lại khác hẳn, nghĩa là không phải nhìn chim sâu đút mồi nữa, mà Quách Tấn nhìn thấy hai con sáo sậu đang Tương tàn với nhau trên lưng con trâu:
Lưng trâu đôi sáo sậu
Không chút lòng thương nhau
Lông cánh tơi bời rụng
Ngày chiều gió thổi mau
Có lẽ với hầu hết chúng ta, quanh năm suốt tháng đều chỉ bận tâm đến những vấn đề mà chúng ta tự cho là trọng đại, mà quên đi những chuyện có vẻ tầm thường nhỏ nhặt, như chuyện hai con sao sậu đang Tương tàn với nhau chẳng hạn. Nhưng với Quách Tấn thì chuyện đó chẳng hề là tầm thường và nhỏ nhặt chút nào, cứ đọc hai câu cuối:
Lông cánh tơi bời rụng
Ngày chiều gió thổi mau
Thì có thể thấy được tâm trạng của ông khi nhìn thấy hai con sáo sậu tương tàn với nhau. Dường như, đối với ông lúc đó bầu trời như chợt tối hẳn lại?
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm là, dù trong thơ Quách Tấn có nhắc nhiều đến những cảnh mà chỉ có người đã sanh ra và lớn lên ở thôn quê mới biết như “Co ro thân cò lép, bến lạnh đứng rình mồi”, “Qua hàng tre nắng nhuộm, giòn dã tiếng cu cườm”, “Lắc lư chim chèo bẻo, trên nền trời rạng đông”,“Nắng nhuộm đồng lúa thơm” hay “Vườn xưa muôn cách trở, phảng phất mùi hoa câu” chẳng hạn. Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể xếp ông như một nhà thơ chỉ thuần túy nói lên cái đẹp của đồng quê Việt Nam như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ hay Nguyễn Bính. Theo tôi, phải xem Quách Tấn như một nhà thơ lúc nào cũng boăn khoăn đi tìm một quê hương tâm linh cho chính mình:
Chiều chiều trong nước Lại Giang chảy
Thấp thoáng buồm treo mộng cố hương.
Như Quách Tấn đã xác định như vậy từ Mùa Cổ Điển thủơ còn trai trẻ của ông.
Dường như thi nhân là những kẻ trực nhận một cách mạnh mẽ hơn ai hết về sự mong manh, thoáng chốc của mọi thứ mà con người cho là hạnh phúc trên cuộc đời này. Trong đoàn tụ thì thi nhân đã linh cảm đến lúc phải chia ly, trong cảnh vui vẻ đầm ấm của gia đình thì thi nhân đã phải nghĩ ngây đến những bất hạnh đang chờ trước mắt:
Ánh lửa hoàng hôn đã lập lòe
Oanh vàng còn nuối bóng hoa lê
Hỡi anh trương ná, dừng tay lại
Cửa tổ con đang ngóng mẹ về
(Hoàng hôn)
Quách Tấn có bi quan lắm không? Chắc chắn là không, ông chỉ muốn nói lên một sự thật, dù sự thật ấy có hơi phũ phàng. Nếu bi quan thì làm sao ông có thể gần như “Van xin” con người hãy bớt tàn ác đi, đừng bóp chết những hy vọng mong manh của cuộc đời vừa mới chớm dậy:
Hỡi anh trương ná, dừng tay lại
Cửa tổ con đang ngóng mẹ về.
Đó là Quách Tấn đối với chim chóc, tức là những sinh vật cũng biết đau đớn, cũng ham sống và sợ chết như con người. Có lẽ chúng chỉ khác con người ở chổ con người biết tính toán hơn thua và nhất là đủ nhẫn tâm để hại chúng mà thôi.
Còn đối với cỏ cây hoa lá thì sao?
Mặc dù hầu hết chúng ta đều xem cỏ cây, hoa lá là những vật vô tri, vô giác, là thứ khi nào cần thì chúng ta bẻ đem vào để trang hoàng cho những cuộc vui của chúng ta, xong cuộc vui thì đem vức vào đống rác khổng lồ ở các thành phố mà không hề có một lời cảm ơn vì nó đã vừa góp phần tô điểm cho những cuộc vui vô bổ đó.
Quách Tấn có hai bài thơ nói lên hết tất cả tấm lòng của ông đối với hoa.
Trong Mộng Ngân Sơn:
Tình quê phong nhụy thắm
Đơn chiếc nở bờ hương
Không nỡ đưa tay hái
Nghiêng lòng đón lấy hương
Và trong Giọt Trăng:
Thương hoa không nỡ hái
Hoa rụng lòng thêm thương
Vén cỏ chiêu hồn lại
Ngàn xanh hiu gió sương
Đây không phải chỉ thuần túy là sự trang trọng của một nghệ sĩ trước vẻ đẹp của hoa thôi, mà chắc chắn đã phát xuất từ lòng nhân của một tâm hồn đa cảm, xem hoa cũng có linh hồn như chính mình.
Đọc hai bài thơ trên của Quách Tấn tôi lại liên tưởng đến Thiền Sư thi sĩ Huyền Quang dời Trần ở thế kỷ thứ mười ba.
Thiền sư Huyền Quang vốn rất say mê bông cúc, ông có đến những sáu bài thơ vịnh bông cúc.
Trong sáu bài thơ đó, có một bài ông trách các cô gái không thấy được vẻ huyền diệu của hoa, mà cứ đến đâu hễ thấy hoa là ngắt cài đầy lên mái tóc của mình rồi mới chịu về:
Niên niên hòa lộ hướng thu khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai.
Nghĩa là:
Hàng năm cùng sương móc, vào thu hoa cúc nở
Trăng thanh gió mát, thỏa thích tấc lòng.
Thật đáng cười cho kẻ không hiểu vẻ huyền diệu của hoa
Đến đâu là hái hoa dắt đầy đầu mà trở về.
Ta có thể giả thiết như thế này, nếu như tất cả con người trên mặt đất này ai cũng thấy được vẻ huyền diệu của hoa như Thiền sư Huyền Quang ở thế kỷ thứ mười ba, và thương hoa nhưng không nỡ đưa tay hái, chỉ nghiêng lòng đón lấy hương như Quách Tấn ở hậu bán thế kỷ 20, thì có lẽ nhân loại ở ngày hôm nay đã tránh được hậu quả vô cùng tai hại của thiên tai như bão lụt, động đất ngày càng dữ dội, và nhất là trái đất ngày càng nóng lên như các nhà môi sinh đã báo động liên tục chăng?
Thích Phước An
(bài viết cho đặc san Hoa Ðàm, số 4, Lotus Media phát hành tháng 11, 2016 tại Hoa Kỳ)
* Tỳ kheo Thích Phước An (Ảnh: Huỳnh Quang Vũ)
1 thought on “Thích Phước An: Thi nhân với tình yêu núi non”