
Suốt hai năm qua là một quãng thời gian có rất nhiều sự thay đổi đột ngột đến với tôi. Tất cả những sự kiện bất ngờ mang đến tổn thương vốn dĩ lại là căn duyên thật tốt đẹp đánh thức nội tâm và giúp bản thân tìm về chính mình giữa bao vô thường của cuộc sống.
Hữu duyên may mắn cho tôi có cơ hội gặp những người anh, người chị, người bạn học Phật chân chính. Qua cuộc trò chuyện với một cư sĩ là họa sĩ, anh bảo tôi: “Em có duyên sâu với Phật đó!” Việc học Phật của tôi nảy nở một cách tự nhiên, và sự nương nhờ vào Phật pháp không chỉ đơn thuần là một cách cứu rỗi tâm hồn mà tự trong tôi thực sự muốn lấy kho tàng minh triết làm chiếc cầu để từ đó nghiên cứu học hỏi cái tâm thức của mình, xem đây là một quá trình khoa học thực sự, nhằm đúc rút bản chất cuộc sống thực sự là gì, ý nghĩa việc sống này là gì.
Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài nói rằng trong thời mạt pháp, tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng. Giờ nhìn lại, tôi cảm nhận điều đó là đúng đắn, nhưng chưa bao giờ tôi bi quan. Tôi nhớ những năm tháng tuổi đôi mươi, khi bước đi một cách cô độc trong hành trình tinh thần, tôi bén duyên với cuốn Hành trình về phương Đông. Những câu chuyện trong đó như đánh thức những gì đã ngủ thật yên và thật sâu trong a lại da thức của tôi, và như một hạt gống vốn đã gieo sẵn từ rất nhiều đời trước nay bỗng vươn mình trở dậy. Những năm tháng đó, tôi cũng đọc những cuốn sách tinh thần rất thịnh hành của Osho, Krishnamurti, Nguyên Phong, Lão Tử, Trang Tử,… Nhưng sau một vài cuốn của Osho, tôi thấy dường như có nhiều điều không đúng đắn, còn Krishnamurti lại không cảm nhận được sự gần gũi với trực giác bên trong mình. Tôi nghiêng về những cuốn của Nguyên Phong, Trang Tử và Lão Tử nhiều hơn bởi sự sâu sắc chân thật và đạo lý thiêng liêng của chúng. Dẫu biết sự đọc của mình là vô cùng khiêm tốn, nhưng tôi có cảm nhận dường như hành trình này của bản thân vẫn chưa thực sự sáng tỏ.
Tôi biết rằng những cuốn sách mình đã từng đọc dẫu không có một kết nối chân thật với bên trong mình thì cũng là một gợi mở quan trọng để mình tìm về điều gì thực sự là bản chất. Suốt một quãng thời gian dài kể từ khi Covid xảy ra, tôi dần thu mình và tự bên trong vẫn muốn tìm thầy học đạo. Thông qua những tháng thực hành thiền cùng chị em, đó là một duyên lành để tôi tìm hiểu về các tông phái Phật giáo từ Mật tông, Thiền tông đến Tịnh độ tông. Tôi dần nhận ra, các tông phái dẫu có khác nhau về pháp môn thì tất cả đều phải dựa trên nền tảng lời Phật dạy.
Tôi nhớ năm 22 tuổi, khi tôi đọc cuốn Tứ Diệu Đế của Đức Dalai Lama, bài giảng đầu tiên của Đức Phật, tôi chưa cảm thấy một sự kết nối sâu sắc. Nhưng trong thời gian này đọc lại, quán chiếu vào tâm mình và những trải nghiệm mình từng đi qua, tôi mới thấy sự khoa học đúng đắn của nó. Tôi nghĩ rằng chỉ cần nắm bắt thật thấu đáo Tứ Diệu Đế thôi, thì con người ta sẽ thực sự hiểu đạo Phật có nghĩa là gì. Nhưng nếu chỉ nhìn vào hiện tượng mạt pháp lúc bây giờ để đánh giá thì thật đáng tiếc biết bao. Trong quá trình học Phật, tôi chưa bao giờ nhìn vào những rối ren Phật giáo hiện nay để lấy đó làm phiền lòng, mà làm sao để hiểu thật cặn kẽ nền tảng Phật dạy để không rơi vào mê lầm/mê tín dị đoan giữa những thuyết giảng mênh mông.
Tôi đã đọc thật kỹ và quán xét thật rõ sau khi đọc Tứ Diệu Đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo,… mà Phật dạy. Hiểu được triết lý vô ngã (không tồn tại một bản ngã hay một linh hồn thật sự mà chỉ có cái tâm rỗng lặng là chân thực), nguyên nhân gây ra đau khổ, tánh không,… Đạo Phật nhấn mạnh nguyên nhân gây ra đau khổ vì đó là cái nhân khiến chúng sinh mãi trôi lăn trong lục đạo luân hồi, chứ không phải là cái nhìn bi quan về cuộc đời này. Và nhiều người nghĩ rằng sự tu tập mà đạo Phật nói là nhằm đạt một cái gì đó, nhưng thực chất không phải là đạt một cái gì cả. Đạo Phật không nhằm mục đích đạt bất cứ một điều gì kể cả an lạc hay hạnh phúc. Tất cả chân lý đã có sẵn ở đây hết rồi, Đức Phật chỉ ra nguyên nhân vì vô minh mà con người tự trói mình trong bản ngã mà không nhìn ra được chân lý có khắp mọi nơi. Tu tập hay thiền cũng không phải là để đạt đến một trạng thái nào siêu việt, mà là trở về thực tại. Ai biết sống trong thực tại thì thực tại này chính là niết bàn. Vì thế, niết bàn hay giác ngộ không phải là một cõi hay một điều gì đó xa xôi. Mà ai ai cũng đã có sẵn sự giác ngộ bên trong mình. Ai ai cũng đã có sẵn cái tâm rỗng lặng bên trong mình, và ý nghĩa đích thực của Phật giáo là chỉ cho con người con đường trở về cái tâm rỗng lặng ấy. Chứ không phải là đạt được cái tâm rỗng lặng hay an lạc…
Tôi thật sự biết ơn khi mong nguyện tìm thầy học đạo của mình đã thành hiện thực. Trong kho tàng kinh điển bao la và vô cùng nhiều người thuyết pháp, tôi tìm thấy người thầy cho mình là hòa thượng Viên Minh. Mặc kệ cho ai đó nói rằng đạo Phật chỉ dành cho người trí, thì thầy chính là người bảo với trò mình rằng đạo Phật thực sự đơn giản, chỉ cần nắm cốt lõi thì ai ai cũng có thể thực hành. Thầy không nói suông, mà chứng minh điều mình thuyết pháp thông qua quá trình tu tập suốt hơn 50 năm, rồi đúc rút thành một cách tu tập hết sức dễ hiểu giản đơn mà vô cùng sâu sắc. Thầy giảng giải mọi chân lý trong kinh điển theo ngôn ngữ dung dị và đi sâu vào đời sống. Thầy đập tan mọi quan niệm sai lầm về tu sửa như: vì sao thiền định dễ khiến con người dính mắc, sống thiền chứ không phải hành thiền, không đưa bản ngã ra tu,…. Thầy đã chỉ ra cốt lõi của đạo Phật nằm ở một từ BUÔNG, mà buông này là buông về mặt thái độ, theo một lối diễn giải thật khiêm nhường, từ tốn và trí tuệ. Vậy là suốt những năm tháng học đạo, tôi cũng tìm thấy một bậc thầy hoằng pháp chính nghĩa, không những nói ra được chân lý Phật dạy mà còn diễn giải nó thật rõ ràng, không màu mè tôn giáo hoa lá cành, phù hợp với những bạn trẻ học Phật ngày nay.
Càng học Phật, tôi càng nhận ra ý nghĩa của câu tùy duyên thuận pháp, hiểu một cách tóm lược là nhận biết đúng đắn duyên đến với mình và sẵn sàng đối diện với nó. Không chống đối hay sợ hãi. Thản nhiên mặt đối mặt để thấy sự vô thường của pháp. Để đi đến được cái buông đích thực mà Phật dạy, con người ta phải trải qua rất nhiều đau khổ, phải biết sống đối diện chứ không phải là trốn tránh. Bởi thế, sư Viên Minh mới bảo đó là lý do Phật dạy con người phải xúc chạm mới học được. Bởi nếu không tương tác, không trải nghiệm, làm sao anh thấy được cái gì khởi lên bên trong mình mà nhận biết. Đạo Phật không chỉ dạy con người phải đóng cửa cài then để ngồi tu hay tìm một nơi thật tĩnh tại như rừng biển để thiền. Có người có căn duyên với rừng, có người lại có căn duyên tu ở nơi phố thị phồn hoa. Tất cả mọi nơi trên mặt đất này đều là nơi phù hợp.
Với tôi, việc thiền không phải là hành thiền mà làm sao để sống thiền. Không phải cứ ngồi một chỗ, bán kiết già hay kiết già mới gọi là thiền, mà làm sao để đưa thiền vào sinh hoạt hàng ngày. Làm sao để sống có chánh niệm tỉnh giác (tức thận trọng – chú tâm – quan sát) trong từng phút giây. Và việc sống thiền này tức là trở về thực tại, trở về thực tại có nghĩa là buông xả. Buông xả ở đây là về thái độ chứ không phải là trạng thái. Chẳng hạn, khi một người nói một điều gì đó khiến cho bạn cảm thấy buồn, thì thái độ của bạn mới chính là nguyên nhân gây ra trạng thái nỗi buồn ấy. Thái độ của bạn cho rằng người đó đang xúc phạm và gây tổn thương nặng nề đến bạn, rồi thái độ bạn quay ra hằn học và thù ghét họ. Thái độ này khiến trạng thái buồn thêm buồn mà thậm chí là sân hận. Nhưng, phần lớn con người chỉ muốn thay đổi trạng thái buồn ấy mà không đi đến thay đổi thái độ. Vậy thái độ đúng ở đây là gì? Đó là không chống đối, không phán xét, hãy có mặt trọn vẹn với nỗi buồn. Và đây cũng chính là ý nghĩa đích thực của buông xả. Tức buông xả là thái độ không xen vào, không phân tích đúng sai, không phản ứng với các trạng thái đang diễn ra trong tâm. Buông xả giúp ta thấy bản chất (sinh ra và diệt đi) của hiện tượng và trả thực tại lại cho thực tại như nó đang là. Vì khi thái độ còn tạo tác thì càng không thể thấy thực tại. Chỉ khi buông xả, ta mới cảm nhận rõ nội tâm thanh tịnh và thấy rõ các pháp (tức sự vận động của mọi sự vật – hiện tượng). Đó là lý do vì sao nhà Phật kết hợp chặt chẽ giới – định – tuệ. Nếu thiếu một trong ba điều này thì đó không còn là chính pháp nữa.
______________________________
Ảnh một năm trước, Rab Huu chụp.