
Cha hy vọng vào tôi rất nhiều, nhưng không hề kỳ vọng. Khi còn nhỏ, mỗi lần tôi thi tốt, hay mỗi lần tôi thi không tốt, cha đều chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cùng. Vào năm 20 tuổi, khi rớt visa Mỹ, tôi gọi điện cho cha, giọng ông có chút buồn và hụt hẫng nhẹ, nhưng ngay lập tức bình tĩnh nói: “Không sao con ạ, rớt thì thôi, còn nhiều cơ hội”.
Suốt hơn hai mươi năm qua, cha chưa bao giờ gây áp lực tinh thần lên con cái. Trường học truyền thống vốn dĩ là một nơi tạo ra nhiều cuộc ganh đua, thế nhưng, từ năm học mẫu giáo đến đại học, tôi nghĩ rằng bản thân không hề có một cái tôi cạnh tranh cực đoan nào với bè bạn mà đơn giản là tự vượt lên chính mình. Điều đó, tôi tin rằng, được ảnh hưởng rất lớn bởi nền tảng giáo dục ở gia đình, đặc biệt là cha. Cha luôn nhấn mạnh với anh em tôi về việc phải tự thân vận động trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Một trong những phẩm chất quý mà tôi học được ở cha là sự bình tĩnh. Nghề mộc nói riêng hay thực hành thủ công nói chung giúp cha có được sự nhẫn nại trong mọi việc, dù tôi biết ông cũng là một người nóng tính. Không có sự bình tĩnh, chúng ta sẽ luôn để những hiện tượng suy nghĩ và cảm xúc nhất thời lấn lướt mình hay kiểm soát mình, từ đó đánh mất sự khôn ngoan. Hiện tượng suy nghĩ và cảm xúc khởi lên chỉ bất chợt, chúng sẽ tan biến sớm hay muộn, nếu quyết định dựa trên hiện tượng nhất thời này, sẽ khiến chúng ta dễ hối hận khi tâm trở về trạng thái cân bằng. Vì thế, tôi thường ít đưa ra quyết định quan trọng khi mình đang rơi vào một nỗi buồn hay thậm chí là hạnh phúc. Điều trước tiên tôi làm là quan sát tâm, để tâm thả lỏng dần về trạng thái bình ổn. Khi đó, đưa ra một quyết định cũng chưa muộn màng.
Hồi xưa, tôi thường theo cha làm mộc, những việc nhỏ thôi, như chà giấy nhám, và học hỏi rất nhiều về sự kiên nhẫn trong đó. Việc chà giấy nhám đòi hỏi một lực tay đều và tâm nhẫn nại. Đã vài lần, tôi rất thiếu kiên nhẫn và chán nản. Nhưng hễ bề mặt gỗ nào chưa ổn, cha nghiêm khắc bảo tôi làm lại. Cứ thế, cứ thế, đức tính nhẫn nại trong tôi được trui rèn mỗi ngày.
Thế nhưng, trong đời, có một vài trải nghiệm đầu tiên đến với tôi, khiến tôi khó giữ được sự bình tĩnh. Vào năm 13 tuổi, khi tôi được chọn đi thi nói tiếng Anh, lúc vào thi, người tôi run lên cầm cập đến nỗi cô giáo tiếng Anh ngồi sau tôi phải khích lệ: “Trang, không có gì phải sợ! Chỉ là nói tiếng Anh thôi mà!” Thế nhưng, tôi không thể làm chủ được sự run sợ ấy. Tôi đã rớt trong kỳ thi đó. Nhưng trải nghiệm đó đã góp phần làm tôi trưởng thành lên rất nhiều ở chặng đường sau này, khi tôi đứng nói chuyện trước rất nhiều người, và nhiều lần, tôi không còn hồi hộp hay tự ti nữa. Cảm giác run sợ đã biến mất sau cái lần run sợ ấy. Tôi đã trui rèn sự bình bĩnh thông qua hơi thở sâu và niềm tin tuyệt đối rằng đây không phải là một cuộc thi dù nó là cuộc thi, đây không phải là một talkshow mà bản thân là diễn giả, đây chỉ đơn thuần là một cuộc trò chuyện với những người bạn. Khi tự bên trong mình không có sự phân chia, không có sự ganh đua, thì mọi thứ diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Sự bình tĩnh xảy đến cũng tự nhiên như thế.
Rồi tôi tin rằng, nếu trong đại dịch này, tôi không coi đây là một cuộc chiến với Covid, thì chắc chắn bản thân sẽ có được sự bình tĩnh như thế. Đây chỉ đơn giản là cách tôi đưa tâm về trạng thái xem Covid không phải là kẻ thù, và không phải là một tội ác. Bởi tôi biết, khi tôi xem Covid là tội ác, trong tôi chắc chắn sẽ sản sinh ra một trường năng lượng xấu, một sự phân biệt đối xử với một sinh vật hoàn toàn vô tội.
Sẽ thật khó khăn để ta yêu thương một thứ có khả năng hủy hoại ta, nhưng tôi nhủ mình rằng tâm thức phải tiến về sự yêu thương ấy, bằng tất cả lòng can đảm và sự đối diện.