
Cả thế giới nhìn thấy những con số KHÔNG tròn trĩnh trước cuộc đổ quân của Hoa Kỳ vào Afghanistan năm 2001: phụ nữ không ra đường khi không có đàn ông đi kèm, không tham gia vào đời sống xã hội, không để đầu và mặt trần, không được đi học… Trước ngày 15/8 vừa qua, tỷ lệ nữ giáo chức ở đất nước này là 30%, và tỷ lệ nữ sinh là 38% trong hệ thống giáo dục của một Afghanistan vừa sụp đổ.
Bất chấp sự đe doạ bị thủ tiêu và nhiều cái chết thảm khốc của những phụ nữ xuất sắc do sự tấn công từ cả lực lượng phiến quân lẫn những tay đàn ông cực đoan, trong 20 năm dưới chính quyền dân sự thế tục, phụ nữ Afghanistan đã tham gia tích cực vào nhiều lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nước này.
Chúng ta có thể thấy những cái tên phụ nữ rất giỏi. Trong khi đám đàn ông ham thích bạo lực và quyền lực sắc máu, phụ nữ Afghanistan đã cố gắng trao dồi kiến thức để tham dự vào việc kiến tạo một xã hội phồn vinh. Ommolbanin Hassani, nhà nghệ thuật nữ đầu tiên của Afghanistan về “graffiti” vẽ tranh trên tường, và cũng là phó giáo sư Khoa Mỹ thuật tại Đại học Kabul. Mina Mangal, Cố vấn chính trị của Uỷ ban Văn hoá Quốc hội Afghanistan (bị sát hại ngày 11/5/2019). Rangina Hamidi, Bộ trưởng giáo dục Afghanistan, người đã ở lại thủ đô Kabul đến giờ phút cuối cùng. Và còn nhiều cái tên khác…
Hai mươi năm qua, họ đã cố gắng học tập và làm việc để dự phần vào lương lai của đất nước họ. Để rồi đến ngày 15/8/2021, mọi dự phóng cho tương lai đều sụp đổ, không những thế, tính mạng của họ đang bị đe doạ. Nhiều nữ sinh đại học phải đốt hết những bằng chứng về thành tựu học tập và làm việc của mình để tránh một sự thanh trừng của chính quyền phiến quân Taliban mới.
Ngày 15/8, theo tờ the Guardian, một nữ sinh đại học giấu tên đang cùng các bạn nữ khác hoảng hốt tìm nơi để ẩn nấu sau khi được báo là lớp học sáng hôm đó bị hủy, cô kể, những gã đàn ông đứng gần đó cười nhạo trên nỗi sợ hãi của đám nữ sinh: “Chạy đi và hãy mặc burqa vào”, “Đây là ngày cuối cùng các cô được ở ngoài đường”, “Tôi sẽ cưới bốn người các cô trong một ngày”. Nhiều người phụ nữ ở đây đã bị sát hại vì những tên đàn ông tin rằng một phụ nữ nghe nhạc, vẽ tranh, đi dạy, tham chính, làm báo… là xứng đáng phải chịu chết.
Thế giới chỉ nhìn thấy một sự sụp đổ của một thể chế chính trị, sự rời đi trong sợ hãi nhục nhã của một cơ quan ngoại giao của một siêu cường (trước đó đã đến nơi này cũng trong sợ hãi), chứ không thể tận mắt chứng kiến hàng triệu cuộc đời phụ nữ Afghanistan sắp sa vào chảo lửa (thực ra thì chảo lửa có khi dễ chịu hơn một không gian chung sống với đám đàn ông ngu muội và bạo lực.
Ở góc xa xôi đó của thế giới, lịch sử đã được tái hiện: Sài Gòn những năm tháng cũ và Afghanistan những giây phút hiện tại. Nhưng tương lai của phụ nữ dưới chế độ Taliban chắc chắn thảm khốc hơn phụ nữ miền Nam nhiều vì căn cước Hồi giáo và bối cảnh riêng của quốc gia họ. Đối với cả thế giới, ừ thì chỉ là một cuộc tháo chạy của Hoa Kỳ khỏi vũng lầy chiến tranh, ừ thì phiến quân tràn vô cướp chính quyền và …nhà mặt tiền. Nhưng hàng triệu người phụ nữ Afghanistan đang lâm vào địa ngục trần gian, và hệ lụy của sự thay đổi này còn kéo dài cả trăm năm sau nữa.
Những niềm tin ngu muội cố duy trì sự bất bình đẳng trong thế giới này tồn tại ở rất nhiều dạng thức. Và niềm tin rằng phụ nữ không xứng đáng để hưởng những gì đàn ông đang có là một trong những thứ ngu muội tồn tại dai dẳng nhất. Và khi niềm tin ngu muội của số đông được sự hỗ trợ của cả quyền lực và bạo lực, nó có khả năng chà đạp những người đi ngược lại niềm tin đó một cách khốc liệt nhất.
Những dòng viết này, để ở đây, như những giọt lệ khóc thương cho những kiếp đời phụ nữ Afghanistan đang đối mặt với một tương lai cực kỳ đen tối, và đây cũng là lời cầu nguyện chân thành nhất dành cho họ. Cầu xin bình an cho tất cả những ai đang nỗ lực để cứu vớt càng nhiều càng tốt, những người phụ nữ ra khỏi xứ sở ấy. Các tổ chức nhân quyền quốc tế hãy đưa phụ nữ ra khỏi đó, và hãy để cho đám đàn ông sắc máu sống với nhau, và tiếp tục chiến đấu với nhau.