
Nguyễn Trãi viết: “Mà hào kiệt đời nào cũng có” (而豪傑世未常乏, Nhi hào kiệt thế vị thường phạp). Đọc lịch sử thời Bắc thuộc chúng ta thấy đúng như vậy; đời nào cũng có anh hùng hào kiệt nổi lên. Những cuộc khởi nghĩa liên tiếp suốt một ngàn năm đã chuẩn bị cho một vị thủ lãnh tuyên bố độc lập và tất cả mọi người đồng ý. Vì lúc đó người Việt đã hết rụt rè, không còn sợ hãi, tin rằng nước mình có thể vững vàng.
Dân Việt Nam “hết sợ” vào lúc nào? Có thể đoán mỗi lần theo hào kiệt nổi lên lại thêm nhiều người “bớt sợ.” Sau khi chứng kiến cảnh quân thiên triều bị quân Nam Chiếu đánh tan tác, lại bị thua cả quân Lâm Ấp, người ta càng ngày càng bớt sợ! Khi khối người hết sợ đông hơn, những người khác cũng bớt sợ, sẽ đến lúc đại đa số cùng hết sợ. Hiện tượng đó đã diễn ra trong những cuộc khởi nghĩa thời Lý Bôn hoặc Phùng Hưng. Tâm lý tập thể của người Việt “hết sợ” cho nên tôn xưng Phùng Hưng làm “đại vương.”
Phùng Hưng vốn là một thủ lãnh địa phương, có sách nói ông là người Mường, tức là những người thuộc giống dân Việt cổ đã rút lên sống ở miền núi nên không bị Hán hóa như dân ở đồng bằng.
Tổ bẩy đời của Phùng Hưng đã làm “quan lang,” là lãnh tụ “dân thiểu số” gốc Việt đặt ra từ thời Hùng Vương. Nhờ uy tín đó ông được mời sang tận kinh đô nhà Đường “dự yến.” Năm 791 ông khởi nghĩa ở Phong Châu, vùng Mê Linh quê hương của Hai Bà Trưng, ở đỉnh đầu tam giác châu thổ sông Hồng. Hiện tượng này chứng tỏ dòng dõi các thủ lãnh ở địa phương, như các lạc hầu lạc tướng đời Hùng Vương, vẫn đóng một vai chủ chốt trong xã hội, trong suốt ngàn năm nước ta bị chiếm đóng. Dù chỉ mấy tháng sau khi chiếm thành ông đã bị bệnh qua đời, nhưng Phùng Hưng được tôn thờ làm Bố Cái Đại Vương. Danh hiệu này cho thấy dân chúng coi ông là một người lãnh đạo “trong truyền thống Lạc Việt.” Theo truyền thuyết Lĩnh Nam Chích Quái, người Lạc Việt vẫn gọi Lạc Long Quân là Bố; khi gặp hoạn nạn thì khấn “Bố ơi Bố, sao không về cứu chúng con!” Suy tôn Phùng Hưng làm “Vua Bố, Vua Mẹ” là dấu hiệu dân chúng thấy ông thừa kế chính thống địa vị của “Bố” Lạc Long Quân.
Được dân thờ làm Đại Vương nhưng Phùng Hưng, cũng như họ Khúc sau đó vài chục năm, chưa tuyên bố độc lập. Chắc vì thời gian ông nắm chính quyền ngắn quá, thế lực dân mình chưa đủ mạnh, mà nhà Đường bên Trung Quốc chưa suy.
Việt Điện U Linh Tập (越甸幽靈集) của Lý Tế Xuyên kể chuyện Phùng Hưng: “Vương thung dung vào đô thành cắm bảy mươi ngọn cờ, hùng oai muôn dặm, độc quyền một phương, họa phúc do tay, nghiễm nhiên như một họ Triệu, họ Lý vậy, há phải như Mai Hắc Đế chỉ chiếm một châu mà ví được đâu?” Trước đó hai thế hệ, Mai Thúc Loan, xuất thân từ vùng Hoan Châu, nay thuộc Hà Tĩnh, đã nổi lên đánh quân Tàu. Ông có thể thuộc dòng những người Việt cổ da hơi đen, còn giữ nhiều đặc tính “tiền Mã Lai. “ Có lẽ ông không lôi cuốn được những thủ lãnh Việt tộc cho nên thất bại.
Lý Tế Xuyên so sánh ba người Phùng Hưng, Triệu Quang Phục, và Lý Phật Tử coi như ngang nhau. Cả ba vị đều xuất thân ở vùng châu thổ sông Hồng, cái nôi văn minh từ đời Hùng Vương. Cho nên ông coi thường Mai Hắc Đế, chỉ nổi lên được ở “miền trong” nhỏ bé.
Nếu tính thời gian thì sự nghiệp Phùng Hưng rất ngắn ngủi, chưa đầy một năm đã dứt. Tại sao Bố Cái Đại Vương để lại ấn tượng mạnh và bền trong lịch sử nước ta như vậy?
Vì Phùng Hưng đánh dấu một khúc quanh trong chuỗi dài các cuộc nổi dậy chống người phương Bắc. Thứ nhất là cách ông vận động dân chúng địa phương khởi nghĩa; thứ hai là ông xác định một quan hệ mới giữa người cầm quyền và dân chúng.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Phùng Hưngđã được “các ấp bên cạnh” quy phục. Nói “các ấp quy phục” cho thấy ông đã huy động được các tổ chức làng xã chỉ huy dân làng cùng nổi lên. Khác với các cuộc khởi loạn trước đó của binh lính người Hoa ở quanh phủ, thành rồi lại tàn, một thủ lãnh người Việt biết dùng sức mạnh của mạng lưới làng xã gây ra một “phong trào” ảnh hưởng rộng rãi và lâu dài hơn. Lý Tế Xuyên kể Phùng Hưng theo kế của Đỗ Xuân Hàn, một người cùng làng, để gây thanh thế, “đem binh tuần hành mấy châu Đường Lâm, Trường Phong, thảy đều quy thuận cả; uy danh chấn động” trước khi tấn công đô hộ phủ, “khiến Cao Chính Bình bị bệnh vàng da mà chết.” Việc “đem binh tuần hành mấy châu” cho thấy uy danh Phùng Hưng có thật, và phản ảnh lòng người đang sôi nổi.”Uy danh chấn động” của ông là dấu hiệu một phong trào dấy lên khắp các làng, xã.
Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng có đủ tính chất một cuộc “cách mạng.” Trước đó nhiều hào kiệt nổi dậy nhưng phần lớn chỉ là những cuộc đảo chính lật đổ người cầm quyền. Có nhiều người hùa theo nhưng không tạo nên một phong trào quần chúng. Với Phùng Hưng đã xuất hiện một giai đoạn mới trong lịch sử khởi nghĩa của dân Việt.
Một thủ lãnh gốc Việt được dân tôn lên làm “cha mẹ” qua tên gọi “Bố Cái Đại Vương,” lần đầu tiên thiết lập mối tương quan giữa ông vua và người dân, giống như liên hệ huyết thống, giữa cha mẹ và con cái. Trong việc thu phục nhân tâm, Phùng Hưng không sử dụng các huyền thoại, cổ tích như Triệu Quang Phục (nằm mộng gặp Chử Đồng Tử), cũng không dùng tôn giáo và các huyền thoại như Lý Phật Tử.
Ngay trong truyền thuyết, Phùng Hưng là một con người thật, không thấy gì thần bí. Chính ông có “sức hấp dẫn” (charisma) thu hút người chung quanh nhờ tư cách cá nhân. Hình ảnh của ông được sử sách ghi lại là.”sức khỏe tay không đánh hổ,” hoặc “đói, ăn hết một con bò.” Phùng Hưng là một con người tự mình làm nên sự nghiệp lớn. Khi Cao Chính Bình bị quân của Đỗ Anh Hàn bao vây, bệnh mà chết, Phùng Hưng, như Lý Tế Xuyên mô tả, đã “thong dong tiến vào thành, hạ cờ bẩy mươi cứ điểm, đường bệ một vị đế vương.” Sau cuộc khởi nghĩa của “Đại Vương Bố Mẹ,” người dân Việt chắc chắn hết sợ. Lúc đó đến lượt các quan đô hộ lo sợ.
Nhưng chính các viên quan đô hộ từ trước đó cũng thay đổi thái độ. Nhiều viên quan đã nhìn thấy những thay đổi lớn trong xã hội Việt Nam và tỏ ra biết kính trọng dân Việt hơn. Các viên quan đô hộ có học vấn đã bỏ công sưu tầm các truyện tích trong dân chúng, hoặc chuyện các anh hùng người Việt. Có lẽ vì họ đã chứng kiến một phong trào phục hưng văn hóa truyền thống diễn ra trong dân gian.
Một phong trào phục hồi văn hóa
Sử sách cho thấy từ thế kỷ thứ 9 các quan đô hộ không coi giống dân Việt chỉ là man di cần giáo hóa nữa. Lý Tế Xuyên ghi lại một bài thơ của Tiết độ sứ Tăng Cổn. Bài thơ viết để khen ngợi Cao Biền, nhưng vô tình cho thấy cảm tưởng của một quan đô hộ nhà Đường đối với đất dân Việt, nước Việt. Tăng Cổn (曾袞), từng làm chức hiệu úy dưới quyền Cao Biền (高駢), đã sống nhiều năm ở nước ta, ông kể chuyện Cao Biền nằm mộng gặp Cao Lỗ (皐魯), một nhân vật huyền thoại trong sử Việt từng giúp An Dương Vương đời trước. Nhưng ông viết:
“Việt địa sơn xuyên,
Đường gia nhân vật.
Ứng nhân gian chi thụy khí,
tự cảm động vu quỉ thần,
hiệu Nam quốc chi giang sơn,
thắng thần long vu Thục địa.
Giao Châu hưu xúc ngạch,
kim tái đổ thăng bình.”
(越地山川,唐家人物。應人間之瑞氣,自感動于鬼神。號南國之江山,勝神龍于蜀地。交洲休蹙額,今再睹昇平. )
Nguyễn Duy Chính đã dịch nghĩa là: “Sông núi đất Việt – Người của nhà Đường. Quả là khí lành của nhân gian – nên động đến tận quỉ thần. Giang sơn nước Nam kia hơn hẳn rồng thần đất Thục. Một khi Giao Châu không còn lầm than [trán không nhăn] nữa thì [dân chúng] trở lại vui sướng ngay.”
Sử gia Keith Taylor đã bàn về hai câu “Việt địa sơn xuyên, Đường gia nhân vật.” Lê Hữu Mục dịch Việt Điện U Linh Tập đã diễn tả hai câu này sát nghĩa: ““Đất Việt núi sông xưa – Nhà Đường nhân vật mới”
Taylor nhận xét hai câu này so sánh cảnh vô thường chính trị với giá trị bất biến của văn hóa dân Việt: “Hai câu thơ đầu ngụ ý là, trong khi các triều đại (ở Trung Quốc) lên xuống thì các tập tục văn hóa của một dân tộc-bám rễ sâu trong mảnh đất họ sống và trở thành kiên cố nhờ lưu truyền qua bao thế hệ-vẫn là những nét bất biến của lịch sử.”
Tăng Cổn không gọi nước ta bằng những tên do người Hán đặt ra, như An Nam, Giao Châu hay Giao Chỉ. Ông viết Việt Địa; hai chữ Việt Địa (một lãnh thổ), đối với hai chữ Đường Gia (một triều đại), ở vị trí ngang hàng với nhau. Một người làm thơ rất nhiều như Tăng Cổn thường chọn chữ, đặt câu rất kỹ lưỡng. Ông nói đến núi sông đất Việt trong câu trước, đặt triều đại nhà Đường ở câu sau. Hai câu thơ trên cho thấy ông tỏ lòng kính trọng đối với văn hóa và lịch sử miền đất của Lạc Việt xưa. Nguyễn Duy Chính còn thấy mấy câu thơ khác trong bài đều chứng tỏ lòng tôn kính của Tăng Cổn đối với đất Giao Châu:
“Mỹ hĩ Giao Châu địa,
Du du thiên tải lai.
Cổ hiền năng đắc kiến,
Chung bất phụ linh đài.
Bách Việt điện khu vũ,
Nhất hán định sơn hà,
Thần linh giai tá thuận,
Đường gia cảnh sơ diên.”
Nguyễn Duy Chính dịch:
“Đẹp thay đất Giao Châu,
Mang mang nghìn xưa cũ.
Hiền xưa mới thấy được,
Mãi mãi tựa [vào] linh đài.
Điện gác giòng Bách Việt,
Một sông lớn thành sơn hà.
Thần linh đều phò hộ,
Nhà Đường mới vươn tới.”
Tăng Cổn cũng là viên quan đầu tiên đã sưu tầm và ghi chép chuyện cổ tích của nước ta để sau này các tác giả người Việt kể lại, như chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh (chuyện thứ 23 trong Việt Điện U Linh Tập, có ghi xuất xứ từ Giao Châu Ký của Tăng Cổn).
Trước Tăng Cổn, Vua Đức Tông nhà Đường cử Triệu Xương làm An Nam Đô Hộ, đem theo một đạo “Viễn Nhu Quân,” dùng lời lẽ dụ Phùng An để tái lập nền đô hộ. Chính Triệu Xương đã ghi lại những điều ông ta nghe dân Việt kể về Phùng Hưng, các tài liệu cho Lý Tế Xuyên sau này viết lại.
Triệu Xương làm quan nước ta hai lần; trong mười năm đã đi thăm các “đền đài miếu vũ” của đất Giao Châu, và viết một tập Giao Châu Ký khác, còn gọi tên là Phủ Chí, trong đó kể nhiều chuyện tích của dân Việt. Những chi tiết Triệu Xương kể về chuyện Phùng Hưng, chuyện Thần sông Tô Lịch, Lý Phục Man; sau đều là tài liệu cho Việt Điện U Linh Tập.
Tại sao các viên quan đô hộ cất công đi tìm hiểu các chuyện thần thoại, cổ tích của người bản xứ để ghi chép lại?
Phải có một phong trào phục hoạt văn hóa ở đất Giao Châu trước đó, và đang dâng lên trước mắt hai quan đô hộ này, sôi nổi và đông người tham dự khiến họ phải tìm hiểu. Thái độ của Tăng Cổn và Triệu Xương tôn kính mảnh đất Việt Nam chắc đã phản ảnh tâm trạng họ và những người Hoa có học khác, khi chứng kiến những biến chuyển trong xã hội nước ta. Trong dân gian, một phong trào phục hưng văn hóa Lạc Việt chắc đã bắt đầu từ nhiều thế hệ, tới lúc lan rộng và biểu lộ mạnh mẽ khiến các quan đô hộ không thể làm ngơ. Phong trào này có thể bao gồm từ tín ngưỡng đến phong tục, với các điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội, đình đám. Thói quen kể lại các truyền thuyết, chuyện cổ tích, thần thoại của người Việt đã lan rộng trong dân gian, nuôi dưỡng một niềm tự hào văn hóa. Có thể so sánh như phong trào của người Phần Lan, vào thế kỷ 18 sau nước ta một ngàn năm, cũng phục hồi ngôn ngữ, sưu tầm những truyện tích, phong dao của tổ tiên họ trong cuộc vận động dành độc lập.
Người Việt không những chỉ kể chuyện mà còn cúng tế, làm lễ, rước kiệu các vị thần linh và các anh hùng dân tộc đã “hóa thần” còn bảo hộ con cháu. Các quan cai trị nhà Đường chắc được chứng kiến không khí chảy hội của người Việt trong ngày tưởng niệm Trưng Vương, hoặc đã thấy hai làng người Việt cùng tế một thành hoàng Lý Phục Man, (một tướng giỏi của Lý Nam Đế chết vì nước trước đó ba trăm năm). Trong các buổi tế ở làng Kẻ Giá, còn có màn “diễu binh” tưởng niệm. Chứng kiến phong trào phục hưng văn hóa này, cho nên những tiết độ sứ như Cao Biền phải thờ lạy các thần linh nước Việt, mượn uy linh của các vị thần thu phục nhân tâm. Cao Biền kể chuyện đã nằm mộng thấy thần núi Tản Viên, kể chuyện được thần sông Tô Lịch, và cả Lữ Gia báo mộng. Đến lượt Triệu Xương, Tăng Cổn, họ đã vào chốn dân gian sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép các truyện cổ tích, huyền thoại.
Vào thế kỷ thứ chín, quan lại nhà Đường đã nhìn nhận và tỏ lòng kính trọng một dân tộc Việt có lịch sử lâu dài. Người Việt cũng thấy dân tộc mình đã “mở mặt” trước mắt các viên quan cai trị. Đã tới lúc mảnh đất Việt sẵn sàng. Những hạt giống văn hóa của tinh thần độc lập đang nẩy mầm, tới thế kỷ thứ mười thì sinh hoa kết trái.
Tiến tới vận động chính trị
Có thể hình dung từ đầu thế kỷ thứ 10, sau khi Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ phủ thành trốn về phương Bắc, nhiều cuộc nổi dậy tự động cướp chính quyền đã nổ ra. Họ Khúc ở Hải Dương, không xa vùng châu Diên, quê hương của những Thi Sách và Triệu Túc đời trước, dựa theo lòng dân đến chiếm Thành Đại La, tự xưng làm tiết độ sứ. Biết Trung Quốc đang phân ly, Khúc Thừa Mỹ thiết lập các liên minh, có lúc kết giao với nước Nam Hán, mới lập từ năm 917 ở Quảng Đông. Sau ông lại tính nhờ hậu thuẫn triều đình Hậu Lương ở Biện Kinh để chống lại Nam Hán. Năm 931, chỉ một năm sau khi quân Nam Hán bắt Thừa Mỹ và chiếm đóng nc ta, bao nhiêu hào kiệt khác vẫn nuôi tham vọng giành lại quyền lãnh đạo.
Trong cùng một thời gian, các thủ lãnh người Việt ở nhiều địa phương đều thấy một cơ hội khiến chính họ có thể đứng lên lãnh đạo đồng bào chống lại quân Nam Hán. Hiện tượng đó cho thấy có một phong trào tỉnh thức về chính trị, từ cuối thế kỷ thứ chín sang thế kỷ thứ mười. Phong trào chính trị này nối tiếp cuộc vận động phục hưng văn hóa trong các thế kỷ thứ bẩy, thứ tám. Phục hưng văn hóa củng cố ý thức dân tộc, đẩy lòng tự tin tập thể lên cao. Nhờ thế phát sinh phong trào giành độc lập, kết thúc ách thống trị ngọai bang. Vào đầu thế kỷ 20 ở nước ta, nhiều đảng phái cách mạng cùng ra đời trong khoảng những năm 1930-40, cũng giống như vậy.
Một thủ lãnh từ vùng Thanh Nghệ kéo quân bản bộ ra tấn công thành Đại La, đánh bại luôn đoàn quân tiếp viện của Nam Hán.
Vì nhiều người đang nổi lên khắp nơi cho nên Dương Diên Nghệ vừa chiếm được thủ phủ đã phải đối phó ngay với các lãnh tụ địa phương khác muốn tranh quyền.
Khi Dương Diên Nghệ bị Kiều Công Tiễn ám hại, con rể là Ngô Quyền có danh nghĩa chính thống để lên thay. Chiến thắng phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 939 xác định vai trò “cứu nước” của Ngô Quyền. Ông nổi bật lên, uy tín và địa vị vượt trên các tay hào kiệt khác.
Ngô Quyền vẫn tìm cách chứng tỏ mình chính là một người nối nghiệp của “Ông Vua Bố Mẹ,” trong phong trào “dựng nước.” Lý Tế Xuyên kể chuyện Ngô Quyền nằm mộng thấy Phùng Hưng. Việt Điện U Linh Tập viết: “Thời Ngô Tiên chúa kiến quốc, Bắc binh nhập khấu, Tiên chúa đã lo, nửa đêm hốt nhiên mộng thấy một ông già đầu bạc, y quan nghiêm nhã, tay cầm quạt lông, chống gậy trúc, tự xưng tính danh rằng: ‘Ta lãnh thần binh vạn đội, sẵn sàng mai phục các chỗ yếu hại, chúa công tức tốc tiến binh chống cự, đã có âm trợ, chớ lo phiền chi cả. ’ Đến khi tiến binh trên Bạch Đằng, (Ngô Tiên chúa) quả nhiên thấy trên không có tiếng xe ngựa, trận ấy quả được đại tiệp; tiên chúa lấy làm lạ, chiếu kiến lập miếu điện, trang nghiêm có từng hơn xưa…”
Ngô Quyền sinh trưởng ở Phong Châu trong châu thổ sông Hồng, lại là con rể một lãnh tụ vùng sông Mã có sẵn truyền thống đối kháng từ Bà Triệu tới Mai Thúc Loan. Ngô Quyền từng được Dương Diên Nghệ giao cho cai trị miền Hoan, Ái. Hai vùng Phong Châu phía Bắc và Ái Châu phía Nam đã kết hợp lại trong cơn sóng trào đòi tự chủ.
Ngô Quyền chiếm được thủ phủ La Thành nhưng bỏ không dùng. Ông lại đặt kinh đô ở Cổ Loa. Trước đó, Phùng Hưng, Khúc Hạo, cho tới Dương Diên Nghệ vẫn đóng ở thành Đại La. Ngô Quyền không đóng đô tại một thành trì do nhà Hán, nhà Đường xây dựng kiên cố, mà trở về với nền kinh đô cũ của An Dương Vương. Quyết định “trở về cố kinh,” mà từ ngàn năm trước đã có Thần Kim Quy, có Cao Lỗ giúp xây dựng, phản ảnh một ý chí tự chủ mạnh mẽ. Ý chí này chắc đã nung nấu trong dân gian qua nhiều thế hệ mà Ngô Vương thấu hiểu.
Ngô Quyền trở về với cội nguồn nước Âu Lạc, bỏ các thành quách đã xây trong thời Bắc thuộc ở Đại La, Tống Bình. Đây là một cách công bố cho dân chúng cũng như cho người phương Bắc thấy: Một quốc gia mới đã ra đời nối tiếp một quốc gia đã có từ hàng ngàn năm trước. Cố ý xóa bỏ một thủ phủ của chế độ lệ thuộc, Ngô Quyền chứng tỏ một “thực tại chính trị” mới trên miền đất tổ tiên. Hành động này cho thấy ý thức dân tộc đã hoàn toàn trưởng thành, dân tộc Việt công khai lập một quốc gia.
Sau khi Ngô Quyền qua đời, nhiều vị tướng của ông còn hùng cứ một phương, cho tới khi bị Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp hết. Hiện tượng 12 sứ quân này chứng tỏ thời đó rất nhiều “hào kiệt” ở nước ta vẫn nuôi “chí lớn” thống nhất sơn hà !
Đời Ngô Quyền, ông cũng chỉ xưng vương. Ba mươi năm sau, Đinh Bộ Lĩnh mới xưng đế, năm 968. Kể từ thời Lý Nam Đế, đã trải qua bốn thế kỷ! Sau hai thế hệ, nhà Đinh và Tiền Lê đã đặt nền tảng vững chắc cho nước Việt Nam sau này. Sử gia Lê Văn Hưu (thế kỷ 13) quá câu nệ nên coi Đinh Tiên Hoàng mới là người khởi đầu thời kỳ độc lập của dân tộc, vì Ngô Quyền chưa xưng đế. Đến đời Lê Ngô Sĩ Liên mới ghi công, coi Ngô Quyền là người cha khai sáng một nước Việt độc lập.
Tinh thần độc lập của dân tộc không phát khởi ở một thời điểm nhất định nào, mà là một diễn trình lâu dài, được nung nấu suốt ngàn năm Bắc thuộc. Mỗi lần người dân đoàn kết cùng nhau chống các quan đô hộ, khi họ tin tưởng vào những thủ lãnh có khả năng thay đổi cuộc sống tập thể, tự nhiên ý thức dân tộc mạnh hơn. Có những quá khứ chung, từ đó cùng nhau vẽ ra những ước vọng tương lai chung. Thần, Người và Đất Việt đã kết hợp, xây dựng nền độc lập. Nhờ nhiều cơ duyên may mắn, đến thế kỷ thứ 11 Lý Thường Kiệt có thể tuyên bố: “Núi sông nước Nam thuộc chủ quyền hoàng đế nước Nam.”
Chúng ta phải công nhận một điều: Dân tộc Việt nuôi được ý thức tự chủ trong hơn ngàn năm Bắc thuộc không phải chỉ nhờ tổ tiên người Việt tài giỏi hơn những người cùng thời sống ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến hay Vân Nam. Ngoài yếu tố địa dư và phong thổ, người Việt còn may mắn hơn dân ở các vùng kia là dân tộc mình tương đối thuần nhất. Dân Lạc Việt đã thành hình từ đời Hùng Vương, một chi sau tách ra thành đồng bào Mường; ngoài ra không thay đổi bao nhiêu. Nhờ tinh thần bao dung, những đám di dân mới đến rồi dần dần hội nhập, trở thành người Việt. Từ Lý Bôn cho tới Ngô Quyền tổ tiên chúng ta đều biết rằng trên căn bản họ có một khối dân đông đảo, cùng huyết thống. Ngoài người Kinh ở đồng bằng, các sắc tộc ít người ở xa trên núi cũng đều là nạn nhân của các quan cai trị từ nhà Hán đến nhà Đường với chính sách khai thác các tài nguyên rừng biển làm cống phẩm gửi về Trung Quốc. Suốt nhiều thế kỷ, các nhóm dân “bị trị” này đã bị bóc lột như nhau, chịu nhục nhã như nhau. Cho nên họ đoàn kết với nhau khi cần tranh đấu chống chế độ cai trị hà khắc. Ngược lại, ông vua các nước Đại Lý, Nam Tề hay Nam Hán cai trị nhiều sắc dân phức tạp hơn, và triều đại của họ cũng ngắn ngủi. Người Lạc Việt quả thật may mắn hơn các sắc dân Âu Việt, hay Mân Việt. Các vua đời Ngô, Đinh, Tiền Lê đã khai mạc một giai đoạn lịch sử mới, như lời Nguyễn Trãi diễn tả, sau đó bốn trăm năm: “Giang san từ đây mở mặt-Xã tắc từ đây vững nền.”
Xã tắc từ đây vững nền
Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt mình vào địa vị tổ tiên sống vào giữa thế kỷ thứ 10, thì chắc cũng không lạc quan tin rằng “xã tắc” có thể “vững nền.” Nhiều nhóm nổi lên muốn giành cái ghế ở Tống Bình (Hà Nội). Trước khi quân Nam Hán kéo tới Ngô Quyền phải đối phó với nội bộ. Rất nhiều người tự coi mình mới đáng làm vua. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh chết, một người tự nhận là dòng dõi họ Ngô chạy vào Lâm Ấp, năm 979 còn nhờ vua Chàm giúp quân đưa về Hoa Lư giành ngôi. Đạo thủy quân của họ tan vì gặp bão nên quân Lâm Ấp rút về. Đời Lê Hoàn vẫn còn phải sai Phạm Cự Lượng đi đánh dẹp các cuộc nội loạn. Tại các quốc gia mới độc lập sau nhiều thế kỷ ngoại thuộc, tình trạng phân ly thế nào cũng diễn ra.
Nhưng mối đe dọa lớn nhất vẫn là các chính quyền phương Bắc. Sau một ngàn năm vẫn coi Giao Châu là một quận thuộc vào Trung Quốc, liệu họ có từ bỏ tham vọng tấn công, tiêu diệt “nhóm phản loạn,” và “ly khai” ở quận này hay không? Các ông hoàng đế ở Biện Kinh hay Nam Kinh vẫn nuôi tham vọng tái chiếm một di sản của đời Hán, đời Đường. Thế kỷ 13 (quân Nguyên), thế kỷ 15 (nhà Minh), thế kỷ 18 (nhà Thanh) vẫn nuôi ý định đó.
Trước mối đe dọa đó, dân tộc Việt từ thế kỷ thứ 10 có được hai thế kỷ lo xây dựng “xã tắc vững nền.” Một cơ duyên may mắn, là đúng lúc nước ta đứng lên giành quyền tự chủ thì Trung Quốc đang phân liệt, đặc biệt là tại miền Nam. Trong 80 năm đầu tiên, khi nước Việt mới thành lập, nếu miền Nam Trung Hoa có một chính quyền mạnh thì nền tự chủ của dân Việt cũng khó giữ được. Một nước mới dựng lên thế nào cũng còn chia rẽ, vì nhiều người hào kiệt muốn lên ngôi “lãnh tụ!” Ngô Quyền chỉ cầm quyền được 5 năm thì mất. Từ năm 944 cho đến lúc Đinh Bộ Lĩnh dẹp hết các sứ quân (năm 968) là thời gian các hào kiệt tranh hùng, chưa có một chính quyền trung ương thực sự cai trị cả nước. May mắn cho dân ta, khi vận nước còn mong manh, bên Tầu còn rối loạn hơn nước mình!
Vào thế kỷ thứ 10, vương quốc Nam Hán kiểm soát phía bên kia biên giới nước ta. Khi Lưu Nham lập quốc, ông ta tính đặt tên nước là Đại Việt, vì đó là vùng đất Nam Việt cũ của Triệu Đà. Sau nghĩ mình họ Lưu, dòng giõi nhà Hán, nên đổi tên là Đại Hán, nuôi tham vọng chiếm cả nước Tàu! Tên Nam Hán là do các sử gia sau này gọi, để phân biệt với các triều đại họ Lưu khác ở phía Bắc. Vua Nam Hán chỉ kiểm soát được một vùng chung quanh sông Tây Giang, thuộc hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay. Chính Lưu Nham phải đối phó với nhiều tay hào kiệt khác cũng nuôi mộng đế vương. Sau khi bị Ngô Quyền đánh bại ở sông Bạch Đằng, vua Nam Hán không thể đưa quân trở lại phục thù vì ở phía Bắc dân Hồ Nam đã nổi dậy muốn tái lập nước Sở; họ Đoàn đang cai trị nước Đại Lý ở phía Tây, mở rộng cương thổ xuống đến nước Lào; Vương Thẩm Trí từ trước đã xưng hùng, lập nước Mân trong vùng Phúc Kiến. Khi phải đối đầu với quân Nam Hán Khúc Thừa Mỹ đã từng tìm kế liên minh với Vương Thẩm Trí. Nhưng phía Bắc đất Mân còn nước Ngô Việt mới tái lập, bao gồm cả Hàng Châu tới Thượng Hải bây giờ. Giữa nước Sở và Mân lại có triều đình Nam Đường, kiểm soát cả khúc cuối Trường Giang, từ Vũ Hán ra đến biển. Nam Hán ở giáp với nước ta nhưng vì còn lo bị các nước khác tấn công, nên phải ngưng cuộc phiêu lưu ở nước Việt.
Nếu lúc đó vua Nam Hán đã thôn tính được thêm nước Mân; hay một trong những nước Sở, nước Ngô Việt, rồi chiếm cả miền Nam Trung Quốc, chắc họ cũng đủ binh lực tấn công phục thù trận Bạch Đằng; rồi sau đó chưa biết lịch sử sẽ diễn biến ra sao.
May mắn thứ hai là đến lúc nhà Tống thống nhất nước Tầu thì họ lại còn có rất nhiều mối lo bên trong. Triệu Khuông Dẫn lên ngôi ở Trường An năm 960; nhưng cho tới năm 999 triều đình nhà Tống vẫn chưa kiểm soát được cả nước.
Thực lực Nhà Tống yếu ớt đến nỗi chính họ đã phải cắt đất nhường cho các vua “Rợ Hồ,” gồm chúa Tây Hạ ở phía Tây và vua Liêu, gốc Mãn Châu. Vua Tống cầu viện quân Kim (cũng từ Mãn Châu) nhờ đánh quân Liêu; sau đó một nửa miền Bắc bị nhà Kim chiếm đóng luôn. Theo thông lệ thì chỉ có các hoàng đế Trung Hoa bắt vua các nước nhỏ xưng thần và cống tiến. Nhưng lúc đó chính vua nhà Tống phải chấp nhận vai trò đảo ngược.
Trong tình cảnh đó, vua Thần Tông nhà Tống lại nghe quan địa phương ở Ung Châu tâu: “Nếu không đánh chiếm Giao Châu thì sau này sẽ thành mối lo ngại.” Quân Tống trở lại tấn công nhưng dân Việt đã có hơn một trăm năm chuẩn bị, đủ sức đối đầu. Trong cuộc xâm lăng năm 980, quân hai mặt thủy bộ đều bị Lê Hoàn đẩy lui. Vì trong nước họ chưa yên, năm sau vua Tống đành chấp nhận phong cho Lê Hoàn làm “Tiết độ sứ,” cộng thêm tước “Giao Chỉ Quận Vương,” một tước hiệu đã phong cho Đinh Bộ Lĩnh.
Tới đời nhà Lý, khi thấy nhà Tống động quân khiêu khích, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân sang đánh châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông) và châu Ung (Quảng Tây), tàn phá, sát hại hàng chục ngàn người rồi rút về. Cuộc tàn sát này cũng tàm bạo không kém gì lần quân Trung Quốc sang đánh nước ta năm 1979. Năm sau, 1076, quân Tống sang phục thù. Tống Thần Tông muốn dân trong nước ủng hộ tham vọng bành trướng, giảm bớt nỗi bất mãn do chương trình cải cách kinh tế và hành chánh của Vương An Thạch gây ra. Nhưng một viên quan nhìn xa là Trương Phương Bình đã ngăn cản, nêu lý do: “Địa thế khó khăn cho người, ngựa và việc vận lương,” chưa kể món chi phí “mỗi ngày tốn nghìn lượng vàng.”
Thần Tông không nghe lời can; năm 1077 hai tướng Quách Quỳ và Triệu Tiết xuất binh. Đạo quân hùng hậu, với 100 ngàn quân, 10 ngàn ngựa giống Thiểm Tây, 200 ngàn dân phu phục dịch. Nhà Tống còn sai sứ sang dụ vua Chiêm Thành hai lần, nhờ họ tấn công từ phía Nam lên để chia lực lượng quân Việt. Tống Thần Tông dặn dò hai tướng: “Sau khi bình định được Giao Chỉ, sẽ đặt thành châu, huyện như trong nước ta.” Họ muốn tiếp tục sự nghiệp nhà Đường gần 200 năm trước. Cả triều đình Nhà Tống phải cố giữ bí mật chiến dịch này, vì họ vẫn lo quân Tây Hạ phía Tây và quân Liêu ở phía Đông đánh úp khi kinh đô thiếu lính phòng bị. Vì vậy, một viên quan “tiết lộ bí mật” là Ôn Kỳ đã bị trừng phạt. Theo Tống sử, sứ thần nhà Liêu gặp Ôn Kỳ, hỏi thăm: “Nam Man có chuyện gì xẩy ra vậy?” Trả lời: “Nam Man bị giặc cướp, triều đình chỉ sai quân đi dẹp cướp thôi.” “Có sai đến hàng vạn quân không?” “Làm gì có, chưa đến vài ngàn.” “Ai làm tướng?” “Quách Quỳ và Triệu Tiết.”
Ôn Kỳ đãche đậy, nói rằng chỉ đưa vài ngàn quân đi. Nhưng việc tiết lộ tên hai viên tướng chỉ huy với “gián điệp” nước Liêu, cũng đủ khiến ông ta bị hỏi tội và cách chức. Vụ này cho thấy triều đình nhà Tống bên trong vẫn run sợ.
Sau khi quân Tống thua trận sông Như Nguyệt phải rút chạy, các sớ viết về báo cáo, “Lương thực chín đạo quân đã cạn; lúc xuất quân có mười vạn quân, dân phu hai mươi vạn. Vì nóng nực, lam chướng, quân và phu đã mất quá nửa rồi, non một nửa còn lại thì bị bệnh.” Tô Đông Pha (1037-1101) biện minh cho quyết định không đánh phục thù, viết: “Nước Nam Việt từ Tam Đại trở xuống, không đời nào dẹp yên cả;” và giải thích: “Phương chi Nam Việt là chỗ hoang vắng, không đáng phiền lụy đến quân đội nhà vua!”
Trên thực tế, các ông vua nhà Tống chưa kiểm soát được cả nước, dù trên danh nghĩa họ vẫn làm vua. Có lúc, theo sử ghi lại, một phần tư số thuế thu được trên toàn quốc chỉ do một tỉnh Thiểm Tây đóng góp (Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc). Trong nước Trung Hoa thực ra có nhiều tỉnh lớn hơn và trù phú hơn Thiểm Tây. Sự kiện này chứng tỏ triều đình nhà Tống không thâu được thuế của các tỉnh khác. Từ năm 1127, vua nhà Tống đã chạy xuống phía Nam lánh nạn; cầu viện các đại hãn Mông Cổ giúp đánh nước Kim. Sau cùng, quân Mông Cổ chiếm cả nước.
Một lý do khiến các ông vua bên Tàu không hăng hái “tái chiếm An Nam” là tính toán kinh tế. Vào thế kỷ cuối cùng cai trị An Nam, nhà Đường đã có kinh nghiệm chiếm đóng Giao Châu không được lợi bao nhiêu, so với phí tổn rất cao. Mối lợi rất lớn trước đó là thuế ngoại thương, vì Giao Châu mở ra cửa biển. Nhưng từ thế kỷ thứ 10 thì Quảng Châu đã phát triển mạnh lên nhờ chính sách mở cửa. Những lớp di dân mới đông đảo kéo tới, sản xuất nhiều và trao đổi nhiều, Quảng Châu trở thành một trung tâm thương mại quốc tế. Theo gương đó, các thành thị khác mọc lên ở miền duyên hải Trung Quốc cũng phát đạt, sau thành những thị trấn Phúc Châu, Ôn Châu, đến cuối thế kỷ 20 vẫn là các trung tâm chuyên việc chế hóa hàng xuất cảng. Hàng Châu ở bên bờ biển đã trở thành một thị trấn lớn sau khi nhà Tùy đào con sông thông thương từ miền Bắc xuống. Bạch Cư Dị đời Đường, Tô Đông Pha đời Tống đã đắp đê lấy nước tưới ruộng, cuối thế kỷ thứ 10 tại Hàng Châu đã có các nhà buôn Á Rập tới mua bán.
Vai trò Giao Châu không còn quan trọng; đầu tư vào việc đánh chiếm đất “An Nam” mang quá nhiều rủi ro khi so sánh với lợi nhuận. Vì vậy, sau khi người Việt đứng dậy giành quyền tự chủ, các đạo quân phương Bắc chỉ tấn công hai lần; năm 981 bị Lê Đại Hành đánh bại; và năm 1076 bị thua Lý Thường Kiệt. Trong lần thứ nhì, quân Tống chiếm vùng châu Quảng Nguyên rất rộng, từ tỉnh Cao Bằng qua Lạng Sơn bây giờ mở lên phía Tây Bắc, đặt 3, 000 quân đồn trú; nhưng hai năm sau cũng trả lại. Những cuộc xâm lăng sau khi Ngô Quyền lập quốc cho thấy các hoàng đế Trung Hoa vẫn nuôi tham vọng chinh phục; nhưng dân Việt đã chứng tỏ khả năng chống trả!
Những ông vua đi chân đất
Vào thế kỷ 11, người Việt Nam đã hoàn toàn tự tin vào khả năng tự vệ. Khi đòi lại châu Quảng Nguyên, nhà Lý trả lại 221 tù nhân mà Lý Thường Kiệt, Tôn Đản đã bắt trong dịp tấn công qua biên giới. Các tù binh bị thích vào trán những chữ “Đầu Nam triều” (Đã hàng triều đình nước Nam) trên trán những người trên 19 tuổi và “Thiên tử binh” (Lính của thiên tử), cho các thiếu niên 15 đến 19 tuổi. Việc thích chữ lên trán này chứng tỏ vua Lý thấy quân lực đủ mạnh, khinh thường quân địch, nên không sợ bị trả thù. Không những thế, vua nhà Lý còn tự xưng mình là “thiên tử,” địa vị không thua kém gì vua nhà Tống.
Trong thời gian từ lúc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi (968) đến khi nhà Tống bị tiêu diệt (năm 1274), các triều đình bên Trung Quốc không có thời giờ và năng lực để xâm lăng, tái chiếm Giao Châu. Nhờ ba thế kỷ tương đối bình an, qua bốn triều Đinh, Lê, Lý, Trần, nhà nước Đại Việt đủ thời gian để xây dựng nền tảng một độc lập thêm vững vàng. Các ông vua đầu tiên tổ chức lại triều đình, chú trọng đến các tôn giáo. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng quy định cấp bậc văn võ, phong Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang trao chức Sùng chân uy nghi. Lê Hoàn lên ngôi, đặt các chức quan Thái sư, Thái úy, Tổng quản, Đô chỉ huy sứ; phong Hồng Hiến, một di dân gốc Hoa, làm Thái sư, chứng tỏ tinh thần rộng lượng.
Tuy dân tộc Việt gặp cơ duyên may mắn nhưng lý do chính giúp nước ta được bình yên là vì vua và dân trên dưới một lòng, ý chí tự lập vững vàng.
Tình đoàn kết của dân Việt bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa vua và dân. Các vị vua đầu tiên của nước ta lập nghiệp đều phải dựa vào lòng dân đồng lòng nổi dậy. Quân khởi nghĩa được các làng xã ủng hộ, họ huy động, tập họp các nông dân. Không có một đội quân chuyên nghiệp nên các thủ lãnh phải chú ý đến dân, và của các làng xã đại diện họ. Trước mối đe dọa quân phương Bắc trở lại báo thù, các vị vua tự nhiên phải giữ liên lạc với dân chúng qua hệ thống làng xã. Hội nghị Diên Hồng sau này thể hiện tập tục truyền thống đó.
Chính các vị anh hùng lập quốc cũng đều xuất phát từ nông thôn. Ông cha của họ một, hai đời trước vẫn là những nông dân áo vải. Căn bản kinh tế nước ta lúc đó chỉ là nông nghiệp, nếp sống tập thể cũng đơn giản, xã hội vẫn theo các nếp cũ từ ngàn năm. Cho nên sau khi lên ngôi, ông vua vẫn theo lề lối chính trị giản dị như trong làng xã, không theo những mô thức của triều đình Trung Hoa.
Trong hai triều Đinh và Tiền Lê sử chỉ ghi lại những cuộc chinh phạt và việc tổ chức quân đội, mà không nói đến các quyết định cải tổ hành chánh, từ cấp trung ương xuống dưới. Nếu có, chỉ là việc ban hành những hình luật rất nghiêm khắc để đối đầu với tình trạng bất an sau thời loạn lạc. Lề lối cai trị của các ông vua này chắc vẫn theo nền nếp đơn sơ của một xã hội nông nghiệp. Cho nên chắc cũng chưa có nhu cầu phải đặt ra các quy tắc lễ nghi giống như triều đình Trung Quốc. Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn đều không chọn con trưởng để nối ngôi, tức là không bắt chước một quy tắc căn bản của các vua bên Tầu.
Tinh thần hòa đồng giữa vua và dân cũng thể hiện trong văn hóa, kiến trúc. Nguyễn Phúc Long, (Les Nouvelles Recherches archéologiques au Vietnam, 1975) cho biết các hoa văn tại di tích ở chùa Vạn Phúc (đời Lý Bôn) và Hoa Lư (cố đô nhà Đinh và Tiền Lê) đã lấy nguồn cảm hứng từ đời sống thôn làng, với những mẫu hình voi, ngựa, sư tử. Các ông vua nước ta không theo những mẫu mực thông dụng trong nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa lúc đó, như vẽ hình long, ly, quy, phụng.
Trong thời gian lập quốc, triều đình chưa tổ chức nghiêm chỉnh theo lối các vua nhà Tống. Tình trạng một anh thuộc lại lẻn vào cung ám sát Đinh Tiên Hoàng trong lúc ông vua say rượu ngủ, cũng cho thấy cuộc sống vua với dân không xa cách, khác biệt bao nhiêu. Một sứ giả nhà Tống đến Việt Nam năm 990 đã kể lại: “Lê Hoàn đi chân đất, bước xuống nước câu cá với một cần câu dài làm bằng tre. Mỗi lần ông vua câu được một con cá thì cả quần thần nhảy lên reo mừng.” Triều đình nước ta khi mới độc lập giản dị như vậy. Hơn 400 năm sau, hai ông vua cuối đời Trần vẫn còn bác bỏ các đề nghị thay đổi triều nghi cho giống bên bên Tàu. Họ nêu lý do mỗi nước có quy củ, phép tắc riêng biệt.
Một đặc điểm trong thời kỳ mở nước là, sau Ngô Quyền và Đinh Bộ Lĩnh, hai ông vua khai sáng triều đại mới là Lê Hoàn và Lý Công Uẩn không dùng vũ lực chiếm lấy quyền, cũng không ai được ông vua trước trao quyền thừa kế theo quy tắc Nho Giáo, cả hai đều do các quan đề cử lên. Hành động suy cử người hiền tài này được mọi người chấp nhận dễ dàng chắc phải là một tập tục lâu đời của dân Việt. Nếu các đời sau đó nước ta giữ được truyền thống cử hiền như vậy thì đã tránh được nhiều “hôn quân vô đạo.”
Từ khi Ngô Quyền lập quốc đến lúc Lý Thường Kiệt phá Tống, thời gian hơn 100 năm thừa đủ để dân ta xác định chủ quyền dân tộc một cách hùng hồn, “Nam quốc sơn hà nam đế cư.”
Chúng ta có thể vẫn tự hỏi: Nếu trong 300 năm đầu tiên khi nước Đại Việt đang thành hình và củng cố mà bên Trung Quốc có một triều đình thống nhất đủ mạnh thì họ có để cho các vua nhà Lý, nhà Trần sống bình yên và củng cố nền móng chính trị cho nước ta hay không? Nếu không phát triển được một quốc gia có quy củ trong hai thế kỷ thì sau đó dân Việt có khả năng chống lại hai cuộc xâm lăng của nhà Nguyên (1285 và 1288); rồi khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh (1418) hay không? Chắc dân tộc mình cũng có phần may mắn, như Nguyễn Trãi viết: “Là nhờ thiên địa tổ tông giúp đỡ che chở cho nước ta vậy!”
Tất nhiên, là người Việt Nam thì ai cũng tin tưởng dù hoàn cảnh thế nào ông cha mình cũng sẽ giành được độc lập, tự chủ. Nếu không có cơ duyên may mắn vì loạn lạc ở bên Tầu thì “các cụ” sẽ phải tranh đấu với nhiều gian truân hơn; có thể sẽ mất thêm mấy thế kỷ nữa mới đạt được mục tiêu độc lập. Nhưng sớm hay muộn, chắc chắn phải có ngày độc lập.