
Mây Trắng Hỏi Đường Qua
Tác giả: Thích Thái Hòa
Hồng Đức xuất bản tại Việt Nam, 2018
Lotus Meda xuất bản tại Hoa Kỳ, 2021
Vi tính: Quảng Huệ | Chính tả: Tâm Dung
Bìa và trình bày: Hoa Đàm
ISBN: 978-1-0879-7096-7
© Tác giả và Lotus Media giữ bản quyền, 2021
Pháp Thoại Thầy Thích Thái Hòa giảng vào ngày 29, tháng giêng, năm Quý Mùi, tức ngày 01/03/2003 cho Đạo Tràng tu học Chánh Niệm tại chùa Thuyền Lâm Huế, do đệ tử Nhuận Hạnh Châu và Mãn Toàn kính phiên tả.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thưa đại chúng,
Chúng ta có rất nhiều điều kiện, rất nhiều yếu tố, rất nhiều phương tiện để tạo ra phước đức cũng như tạo sự hạnh phúc và an lạc cho ta.
Ở giữa đời này người nghèo nhất vẫn là người có thể sử dụng phương tiện vốn có của mình để tu tập và tạo ra hạnh phúc. Người nghèo nhất ở trong đời cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Có người nào ở trong đời mà không có mắt không? Giả sử như họ bị mù thì họ còn có tai. Giả sử như họ điếc thì họ cũng còn có mũi. Nếu họ bị điếc mũi nữa, thì họ còn có miệng, mà nếu bị câm nữa, thì cũng còn có thân thể. Khi đã có thân thể thì họ có tâm ý. Do đó, người nghèo nhất cũng có thể tu tập để tạo ra hạnh phúc trong đời sống hằng ngày của chính mình, vì sao? Vì giàu hay nghèo gì thì đối với mọi người ai cũng đều có tâm ý cả. Có tâm ý là ta đã có điều kiện căn bản để thiết lập sự tu tập và tạo ra hạnh phúc cho ta và cho mọi người.
Đôi mắt là cửa ngõ vào và ra Niết bàn hay sinh tử Đôi mắt của mỗi chúng ta là phương tiện để chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc và an lạc cho ta. Nếu ta biết sử dụng đôi mắt của ta với tâm ý chánh niệm, ý thức tỉnh giác thì đôi mắt của ta là một phương tiện tích cực để tạo ra hạnh phúc cho ta.
Với đôi mắt có ý thức chánh niệm tỉnh giác, ta nhìn mọi hiện tượng của thế gian với tâm không chiếm hữu, với tâm phụng sự lợi ích cho mọi người và mọi loài, thì đôi mắt của ta là một phương tiện để giúp ta thành tựu hạnh phúc lớn rộng trong đời sống con người và giúp ta đi tới được với đời sống cao thượng. Vậy, đôi mắt là phương tiện giúp ta thực hiện hạnh phúc, thực hiện an lạc, thực hiện giải thoát một cách có hiệu quả.
Thưa đại chúng,
Khi chúng ta nhìn một người hay một sự kiện mà ta thiếu chánh niệm, thiếu tỉnh giác thì ta nhìn sự kiện đó, đối tượng đó bằng con mắt thèm khát.
Khi ta nhìn sự kiện, nhìn đối tượng bằng đôi mắt thèm khát là ta nhìn bằng nhục nhãn.
Nhìn ai đó mà nhìn bằng đôi mắt thèm khát và muốn chiếm hữu, như vậy là ta đã nhìn cuộc đời, nhìn đối tượng bằng nhục nhãn. Cái nhìn nhục nhãn hay còn gọi là cái nhìn bằng mắt thịt sẽ tạo ra khổ đau cho ta, sự thất vọng cho ta. Bởi vì sao? Bởi vì mọi sự hiện hữu ở trong thế gian này không có cái nào hiện hữu để cho ta chiếm hữu, mà ta tưởng rằng, mọi cái hiện hữu đó là hiện hữu để cho ta chiếm hữu, cho nên ta bị thất vọng và khổ đau.
Đại chúng thấy, ngay cả bản thân mình mà mình có chiếm hữu được không? Cái ở trong tầm tay ta mà ta chưa chiếm hữu được huống là những cái mà ta chỉ tiếp xúc nó bằng mắt, thế mà ta muốn những cái đó thuộc về ta và ta muốn chiếm hữu nó. Chiếm hữu không được đương nhiên sẽ bị thất vọng và khổ đau. Bởi vậy, đôi mắt để chúng ta nhìn cuộc đời là mắt thịt thì chúng ta sẽ khổ đau, từ khổ đau này đến khổ đau khác, từ thất vọng này đến thất vọng khác. Bởi vậy mà đôi mắt có thể là phương tiện tạo ra khổ đau cho ta và cũng là phương tiện tạo ra an lạc và hạnh phúc cho ta.
Đôi mắt có thể tạo ra an lạc và hạnh phúc cho ta là đôi mắt đó có gốc rễ từ tâm hồn chánh niệm tỉnh giác của ta.
Đôi mắt có thể tạo ra hạnh phúc và an lạc cho ta là đôi mắt đó có gốc rễ từ Bồ đề tâm rộng lớn của ta.
Nếu ta nhìn cuộc đời, nhìn mọi hiện tượng của thế gian: tài, sắc, danh, thức ăn, tiện nghi vật chất bằng một tâm thiếu chánh niệm tỉnh giác, và bị thúc đẩy bởi lòng tham của ta, thì tức khắc đôi mắt của ta sẽ trở thành vẩn đục, đôi mắt của ta sẽ trở thành ra tà kiến.
Tà kiến là gì? Tà kiến là nhìn sai vấn đề, tà kiến là cái nhìn không khám phá ra sự thật toàn phần mà chỉ khám phá ra một phần trong toàn phần và bị mắc kẹt trong cái một phần đó, hoặc có khi khám phá sai hoàn toàn, cái đó gọi là cái nhìn phiến diện, cái nhìn mê lầm, cái nhìn đó gọi là cái nhìn nhục nhãn.
Trái lại, khi ta nhìn một sự kiện, khi mắt ta đối diện với sắc: sắc của con người, sắc của các loài chúng sinh, sắc của các sự vật. Ta nhìn và ta quán sâu vào chúng, và nếu sự nhìn sâu của ta được thiết lập trên nền tảng của chánh niệm, trên nền tảng của tuệ giác, thì đôi mắt của ta sẽ khám phá ra được sự vật xung quanh ta một cách chính xác. Sự khám phá ấy gọi là chánh kiến.
Như vậy, đôi mắt của chúng ta là một phương tiện để cho chúng ta thực tập đời sống hạnh phúc nếu đôi mắt đó được gắn liền với những chất liệu chánh niệm, với những chất liệu chánh kiến ở trong tâm hồn ta, ở trong sự hiểu biết của ta.
Có những lúc mình nhìn sự kiện cần phải mở to đôi mắt ra, nhưng cũng có lúc mình nhìn sự kiện cần phải nhắm kỹ đôi mắt lại. Có những trường hợp mình mở to mắt ra để nhìn, mình mới khám phá ra được sự thật của vấn đề. Có trường hợp mình phải nhắm đôi mắt lại để nhìn mới nhận ra sự thật của vấn đề. Ta mở to đôi mắt với chánh niệm tỉnh giác thì ta mới có khả năng khám phá ra được sự thật của vấn đề, và ta cũng có thể nhắm đôi mắt lại ở trong chánh niệm tỉnh giác, ta mới khám phá ra sự thật của vấn đề. Trái lại, ta mở to đôi mắt ra mà nhìn với tâm vọng niệm, với tâm điên đảo, với tâm tà kiến, với tâm sân hận, với tâm cố chấp thì đúng là ta có mở to đôi mắt đến mấy, thì ta cũng không thấy được sự thật của vấn đề. Ta có nhắm mắt lại mà nhắm trong vô minh, trong tà kiến, trong kiêu mạn, trong tham vọng, trong u mê thì dù ta có nỗ lực nhắm mắt đến mấy cũng không thấy được vấn đề. Cho nên, nhắm mắt hay mở mắt, nó phải được thiết lập trên nền tảng của chánh niệm, của tỉnh giác, của Bồ đề tâm thì chúng ta mới khám phá ra sự thật của vấn đề mà ta cần khám phá.
Thưa đại chúng,
Đôi mắt của mỗi chúng ta là mỗi phương tiện. Nếu chúng ta biết sử dụng phương tiện đó cho mục tiêu tu học, cho mục tiêu hướng thượng, cho mục tiêu giải thoát, thì đôi mắt của chúng ta giúp cho chúng ta đạt đến năm mức độ của sự hiểu biết.
Mức độ thứ nhất là hiểu biết được cái nhìn của con người
Ngày xưa khi Phật còn tại thế, có một cư sĩ đến thưa với đức Phật: Bạch Thế Tôn con thấy bác A này như vậy, cô B này như vậy, chị C này như vậy con không có vui, con không có bằng lòng. Đức Thế Tôn dạy: “Con nên nhìn mọi người bằng đôi mắt thịt, nhìn mọi người bằng đôi mắt thịt mình sẽ dễ có bạn, nhìn mọi người bằng đôi mắt sâu sắc mình sẽ khó có bạn”.
Các thầy Tỷ khưu chỉ lỗi cho nhau, đức Phật cũng nói vậy: “Các thầy nên nhìn nhau bằng đôi mắt bình thường, còn nếu các thầy nhìn vấn đề bằng cặp mắt thiền quán thì các thầy khó mà thấy có sự thanh tịnh từ người khác”.
Tức là có những chuyện mà mình nhìn với cặp mắt bình thường thì cuộc đời nó còn có một chút để thương, để yêu và để quý; nhưng nếu mình nhìn bằng cặp mắt sâu sắc thì cuộc đời không còn chi để mà yêu để mà quý cả. Nhìn một vấn đề nào đó, một người nào đó, với một thân thể nào đó dưới cặp mắt bình thường, thì mình còn có chút để thương, để gần gũi. Nhưng mình nhìn bằng cặp mắt sâu sắc thì trong đời chẳng có mấy ai để mình gần gũi, để mình thương và để mình quý cả.
Vậy nên đức Phật dạy có những vấn đề cần sử dụng mắt thịt, thì mình dùng mắt thịt để nhìn, có những vấn đề cần giải quyết bằng mắt thịt thôi, thì mình nên sử dụng mắt thịt để giải quyết vấn đề, biết sử dụng như vậy, thì mình sẽ có hạnh phúc.
Bởi vậy, khi mà mình nhìn vấn đề và giải quyết vấn đề bằng đôi mắt thịt, thì mình có thể quan tâm ngang những vấn đề mà mắt thịt của mình nhìn thấy, mình sẽ tạo ra được niềm tin cho mình và mình sẽ có hạnh phúc. Cái nhìn và giải quyết như vậy gọi là cái nhìn nhục nhãn, là nhìn với đôi mắt bình thường. Mình dùng cái nhìn bình thường để tạo ra chất liệu hạnh phúc cho mình và cho những người xung quanh.
Mức độ thứ hai là nhìn cuộc đời với đôi mắt của chư Thiên
Khi mình dùng đôi mắt chư Thiên để nhìn cuộc đời, thì phước đức của mình nó lớn lên, mình hiểu sâu hơn. Khi mình nhìn hành động của một người khác bằng Thiên nhãn thì mình sẽ thấy người làm việc thiện như vậy, họ hạnh phúc như vậy là do động cơ nào, do tác nhân nào, do tác duyên nào mà họ có được hạnh phúc đó, mà họ có được sự an ổn đó? Tại sao người đó khổ đau? Do tác nhân nào? Do tác duyên nào mà đưa đến cái quả khổ đau như vậy?
Ta sử dụng đôi mắt của chư Thiên để thấy rõ nhân quả thiện ác ở trong thế gian, thấy cái ác của thế gian mà tránh, thấy cái thiện của thế gian, thì mình thân cận, gần gũi học tập và thăng tiến. Cái nhìn như vậy, tiếp xúc với cuộc đời như vậy gọi là Thiên nhãn. Bởi vì, con mắt của chư Thiên được hình thành bởi thiện nghiệp hữu lậu, mà do thiện nghiệp hữu lậu, nên còn rơi vào trong sinh tử, nhưng mà mình có phước báu và mình đem đôi mắt có phước báu ở trong cõi sinh tử luân hồi mà nhìn, mà khám phá cuộc đời, mà hiểu cuộc đời. Sử dụng cái nhìn như vậy gọi là sử dụng đôi mắt của chư Thiên để nhìn cuộc đời.
Khi dùng Thiên nhãn để nhìn loài cá, tuy rằng bị thọ quả báo cá, nhưng có những loài cá bị làm thịt mà ăn, nhưng cũng có những loài cá được ở trong chậu kiểng để mọi người không ăn mà còn mua thức ăn ngon cho nó. Đồng là cá cả, đáng lẽ phải bị ăn thịt hết, nhưng có những con cá có phước báu hơn, nên không bị nằm phơi thây trên đĩa của bữa ăn, mà được ở trong chậu kiểng và con người phục vụ nó, chứ không phải nó phục vụ cho con người. Khám phá ra được sự thật nhân quả như vậy, khám phá ra được điều đó, dưới cái nhìn của chư Thiên để thấy nhân quả nghiệp báo của từng loài. Tuy ở trong cõi sinh tử, nhưng có loài nhận quả báo hết sức khốc liệt và có loài lại nhận quả báo hết sức nhẹ nhàng.
Ngay cả chiếc xe thôi, nếu ta nhìn chúng bằng đôi mắt của chư thiên: Như xe Dream, xe ô tô, có xe nó cũng có phước báo, có xe nó không có phước báu. Có những chiếc xe được sử dụng để đi giết người, nhưng có những chiếc xe nó được sử dụng để chở các bậc đức hạnh tu hành. Chúng đều là những chiếc xe cả, nhưng có chiếc chỉ là phương tiện để giúp người ta giết người, mà cũng có những chiếc xe là phương tiện giúp cho người ta tạo ra phước đức.
Có những chiếc xe người ta đi về lau chùi sạch sẽ, đậy mền cho nó, nhưng cũng có chiếc đi về người ta vứt ngoài hè. Chỉ là xe thôi, nhưng cũng có chiếc có phước báo, có chiếc không có phước báo. Rồi có những xe, tuy cùng sản xuất ra trong một hãng, nhưng rồi những chiếc xe đó xuất cảng ra các quốc gia, có những xe ở lại nội địa của Nhật, nội địa của Mỹ, có những chiếc xe thân phận của chúng xuất cảng đến Philippin, đến Việt Nam. Rồi ở Việt Nam có chiếc được đi ở thành phố lớn và sạch sẽ, có chiếc vô phước nó đi về những thành phố nhỏ, về thị trấn, lên núi chạy sỏi đá. Chỉ là xe thôi, nhưng có chiếc có phước đức, có chiếc vô phước đức, nhưng chúng đều có gốc rễ từ một hãng sản xuất.
Khi mình nhìn phước báu của từng loài, của từng đối tượng mà mình biết rõ thì cái nhìn đó được gọi là Thiên nhãn, đó là con mắt nhìn mà biết rõ bản chất thiện ác, biết rất rõ bản chất xấu tốt của từng đối tượng.
Cách nhìn thứ ba là nhìn nhận vấn đề bằng đôi mắt tuệ
Người mà có chất liệu của đôi mắt tuệ khi nhìn vào ngũ dục của thế gian, thì vị đó biết rõ ngũ dục của thế gian chúng có vị ngọt. Nhìn vào sắc của thế gian, thì biết rất rõ là sắc có vị ngọt và có sức hấp dẫn của nó. Ai nói sắc đẹp là không hấp dẫn? Ai nói danh vọng là không hấp dẫn? Ai nói tiền tài là không có vị ngọt và không hấp dẫn? Ai nói thực phẩm ăn uống là không có vị ngọt và không hấp dẫn? Trong tất cả những cái đó đều có vị ngọt và đều hấp dẫn.
Vị có mắt tuệ nhìn thấy rằng, tất cả ngũ dục của thế gian đều có vị ngọt, đều có hấp dẫn nhưng mà sau vị ngọt đó là cái nguy hiểm. Như vậy, người có mắt tuệ nhìn cuộc đời, không những chỉ dừng lại ở nơi thế giới hiện tượng mà đã đi sâu vào thế giới bản chất và thấy được cái hiểm họa do cái bản chất tạo ra thế giới hiện tượng đó như thế nào, cái nhìn như thế là cái nhìn của mắt tuệ, nhìn như vậy rồi, thấy được nguy hiểm của vị ngọt các dục thế gian, vị đó mong muốn thoát ly, vượt ra khỏi chúng. Cái nhìn như vậy là cái nhìn của mắt tuệ.
Mình nhìn ngũ dục của thế gian mà không thấy nó là nguy hiểm mà chỉ thấy vị ngọt thôi, đó là cái nhìn nhục nhãn. Nhìn ngũ dục của thế gian thấy có vị ngọt và dùng đủ các phương pháp để mà hưởng thụ vị ngọt đó, chứ không thấy cái nguy hiểm của chúng. Đó là cái nhìn của nhục nhãn và thiên nhãn.
Nhìn ngũ dục của thế gian thấy có vị ngọt và nguy hiểm, muốn thoát ly vị ngọt đó, thoát ly cái nguy hiểm của ngũ dục thế gian đó là cái nhìn của mắt tuệ.
Lại nữa, khi mình đưa mắt tuệ để nhìn mọi sự hiện hữu giữa cuộc đời, thì mình phải biết không có một sự hiện hữu nào độc lập, tất cả mọi sự hiện hữu đều liên hệ chặt chẽ với nhau dưới dạng này hoặc dưới dạng khác.
Khi nhìn vào trong cái mặt của mình, mình nghĩ rằng, cái mũi nó hoạt động độc lập với miệng, miệng hoạt động độc lập với tai, tai hoạt động độc lập với tim, tim hoạt động độc lập với bao tử… đó là cái nhìn của nhục nhãn, của thiên nhãn. Nhưng, dưới cái nhìn của tuệ nhãn thì mũi không thể hoạt động độc lập với miệng, miệng không thể hoạt động độc lập với tai, da không thể hoạt động độc lập với máu… cái nhìn mà thấy ở giữa này không có sự hoạt động nào độc lập cả, mọi hoạt động đều có tính cách tương tác liên đới, cái nhìn như vậy là cái nhìn của mắt tuệ. Khi ta có cái nhìn thường trực như vậy, thì tính kiêu mạn nơi ta mới tiêu, cái chấp thủ tự ngã ở nơi ta mới tiêu.
Nếu ta nhìn không thường trực bằng mắt tuệ, thì cái chấp ngã của ta nó trồi lên. Do đó, mình không ngạc nhiên, khi vào chùa, ai cũng dễ thương, ai cũng hiền, nhưng khi ra khỏi chùa, thì không còn hiền, không còn dễ thương nữa. Bởi vì khi vào chùa, mình có điều kiện để thực tập đôi mắt tuệ và trong giây phút đó, mình có một chút tuệ, nên mình dễ thương, nhưng ra khỏi chùa là mình không còn điều kiện để thực tập đôi mắt tuệ nữa, và đôi mắt tuệ trong mình vắng bóng, và cuối cùng nó trở về lại với mắt thịt, trở về lại với thế giới của nhục nhãn. Cho nên, các phiền não lại biểu hiện lên trong lời nói và việc làm của ta, khiến cho ta không những ưu phiền mà còn làm cho nhiều người ưu phiền nữa.
Cho nên, một vị sử dụng đôi mắt của trí tuệ để tạo ra hạnh phúc cho mình, thì vị đó hạnh phúc rất là lớn, lớn so với cái nhìn của mắt thịt, so với cái nhìn của mắt chư Thiên. Vị đó hạnh phúc lớn lắm và vị đó khám phá ra rất nhiều cái đẹp, cái chân thật của mọi vấn đề.
Mắt thứ tư là pháp nhãn tức là con mắt của Chánh pháp
Mình đưa đôi mắt của Chánh pháp mà tiếp xúc với các hiện tượng, tiếp xúc với các đối tượng và mình đưa đôi mắt của Chánh pháp mà tiếp nhận Chánh pháp, để hành trì thì phước đức của mình rất lớn.
Nhìn bằng đôi mắt của Chánh pháp là nhìn như thế nào? Đôi mắt của Chánh pháp là đôi mắt chúng ta nhìn mọi hiện tượng, mọi sự hiện hữu không có sự hiện hữu nào đơn điệu mà hình thành, không những vậy mà chính các yếu tố tạo nên các sự kiện, không có yếu tố nào tự nó hiện hữu và tồn tại, tất cả chúng đều là sự rỗng lặng và di chuyển liên tục, chúng biến thiên liên tục. Tất cả Pháp môn mà đức Phật dạy cho chúng ta đều là phương tiện, chúng chỉ là phương tiện giúp ta đi tới giải thoát, chứ Pháp môn không phải là giải thoát. Do nhân duyên tụng kinh, giúp chúng ta đi đến đời sống giải thoát, chứ tụng kinh không phải là giải thoát.
Có nhiều người tưởng rằng, tụng kinh là giải thoát, cho nên khi cha mẹ chết, ông bà chết, họ mời quý thầy về tụng kinh hoặc là mình tụng kinh cho cha mẹ hoặc ông bà của mình, rồi mình cho rằng, như vậy là ông bà hay cha mẹ mình đã giải thoát. Sự suy nghĩ như vậy chẳng có gì chính xác cả. Tụng kinh chỉ là phương tiện đi tới với giải thoát, cho nên ta tụng kinh với chánh niệm, với tỉnh giác, tụng kinh với tâm vô ngã, thì kinh đó có tác dụng giúp ta đi tới đời sống giải thoát và có tác dụng giúp ta cầu nguyện cho ai đó, thì người đó nhân nơi cái duyên đó, mà có thể sinh khởi tâm chí hướng tới đời sống giải thoát, chứ tụng kinh không phải là giải thoát. Đây là điều mà chúng ta bị hiểu lầm rất nhiều.
Ngồi thiền không phải là giải thoát. Ngồi thiền chỉ là phương tiện giúp ta đi tới với đời sống giải thoát, giúp ta thực tập đời sống giải thoát. Cho nên, khi mà ta ngồi thiền, ta tụng kinh, ta trì chú, ta bố thí,… thì đó chỉ là phương tiện huân tập và khơi mở chủng tử giải thoát giác ngộ trong tâm thức ta. Khi ta thực tập các phương pháp đó, phương pháp đó chế tác ra chất liệu của giải thoát trong tâm thức ta và chất liệu đó lớn mạnh ở trong đời sống của ta, thì việc tụng kinh của ta thành công, việc ăn chay của ta thành công. Cho nên, ăn chay làm cho ta có thành công hay không, là trong khi và sau khi ăn chay, ta hình thành được chủng tử từ bi vô lượng hay không, nếu không thì việc ăn chay của ta chưa thành công và nếu có, thì chính cái chủng tử từ bi vô lượng đó, mới bảo chứng thành công cho việc ăn chay của ta. Khi ăn chay như vậy, nó nuôi lớn tâm từ bi trong ta và nó giải tỏa được mọi oán kết giữa ta và chúng sinh. Cái nhìn như vậy là cái nhìn của Pháp nhãn, cái nhìn của Chánh pháp. Cho nên, trong kinh Kim Cang, đức Phật nói với ngài Tu Bồ Đề rằng:
“Tu Bồ Đề, Như Lai thuyết Pháp như phiệt dụ giả, Pháp thượng ưng xả, hà huống phi Pháp” (Này Tu Bồ Đề, Như Lai thuyết Pháp ví như chiếc thuyền đưa người sang sông, Pháp còn phải bỏ đi huống là không phải Pháp).
Như vậy, Giáo pháp của đức Phật nói ra ví như chiếc thuyền đưa người sang sông, người sang sông khi đã qua bờ bên kia rồi, mà cứ ngồi trên thuyền, thì có qua được và lên bờ không? Hoặc lên bờ rồi, mà còn tiếc chiếc thuyền, vác thuyền trên vai mà đi, thì có thong dong tự tại được không?
Cũng vậy, Pháp mà mình thực tập có mục đích là đạt được đời sống giải thoát. Cho nên, khi đã đạt được đời sống giải thoát rồi, thì ta không nên vướng mắc vào phương tiện, ta mới có khả năng để thể nhập hoàn toàn vào Pháp giải thoát đó, nếu ta còn kẹt ở nơi Pháp ta chứng, thì ta và Pháp còn là hai. Vì còn là hai, cho nên ta còn nặng nề, còn vướng mắc và không tự tại được. Bởi vậy, nên ta nhìn mọi hiện tượng, mọi đối tượng và phải nhìn chính ta bằng đôi mắt của Chánh pháp, thì ta mới có thể khám phá ra được cái sự thực toàn diện của ta, của người và của mọi hiện tượng ở chung quanh ta. Nhìn tất cả cuộc đời với đôi mắt như vậy, gọi là nhìn đời bằng đôi mắt của Chánh pháp. Cho nên, người Phật tử học đạo nhìn đời bằng đôi mắt của Chánh pháp, thì đời sống của họ là rất cởi mở, rất phóng khoáng, rất thoải mái, không có thành kiến, không có sự cố chấp. Bởi vì sao? Bởi vì họ biết hết thảy Pháp môn chỉ là phương tiện mà thôi.
Người giàu họ có tiền, họ đi máy bay, mình nghèo mình đi xe lửa. Đi máy bay sau một giờ thì từ Huế đến Sài Gòn, mình đi xe lửa thì sau 24 giờ mình cũng đến Sài Gòn, trước sau gì rồi mình cũng đến, vấn đề là mình có đi hay không? Hễ có đi là có định hướng và có lên đường thì dứt khoát sớm hay muộn gì cũng tới. Có đôi người không có tiền đi tàu lửa, thì đạp xe đạp, khoảng sáu tháng là tới nơi. Thường thường mình đả kích nhau cái phương tiện, đã là phương tiện thì có phương tiện nhanh, phương tiện chậm, nhưng mà ta đã lầm phương tiện là rốt ráo, là cứu cánh. Cái lầm như vậy rất là nguy hại.
Cho nên, người có đôi mắt của Chánh pháp, người ấy nhìn tất cả Pháp tu, Pháp hành hay nhìn các pháp vô vi, các pháp sinh diệt rất là thanh thản, rất là sâu lắng, ai thực hành Pháp nào mình cũng thương hết, mình cũng vui vẻ, mình biết rất rõ, có Pháp môn, thì đi chậm, đi loanh quanh, có Pháp môn thì đi thẳng, Pháp môn này đi mất thời gian ít, Pháp môn kia đi mất thời gian dài. Đôi khi người ta đi nhanh lại không tới mà còn bị tai nạn nữa! Bởi vì, mình không biết lái xe hơi mà mình ưa lái xe hơi để đi, nên có sự cố thôi. Cho nên, có đôi người ham Pháp, nói mình là tu theo Pháp tối thượng thừa, còn vị kia là tu theo Pháp nhỏ, bởi vậy mà tâm kiêu mạn nổi dậy. Pháp tối thượng thừa là Pháp môn của bậc đại căn, đại trí, nhưng căn trí của ta thì nhỏ, mà lại sử dụng căn thân, khí giới của bậc đại căn, đại trí, cho nên căn thân và khí giới của ta bị nổ toang thành từng mảnh vụn. Bởi vì, cái phát điện của mình chỉ xài đến 50W thôi, thế mà mình xài đến 70W, nên bị hỏng ngay là phải, huống chi là xài quá. Nếu khả năng của mình là 50W, mình chỉ nên xài 40W thôi, chứ xài 50W, nó cũng mau hư, xài khoảng 50W, thì nó sáng lắm, nhưng rồi sẽ tắt sau đó, và khoảng 60W thì bật lên là nó cháy liền.
Cho nên, có người bỏ đường tu nửa chừng, bởi vì cái khả năng để tu thì ít, mà cái ước muốn của đường tu thì nhiều; cái điều kiện thì ít, mà cái tham vọng thì nhiều, cho nên có nhiều vị xuất gia cũng như tại gia bị thất bại trên bước đường tu học, vì sao? Vì những vị đó không có đôi mắt của Chánh pháp để nhìn.
Có khi chưa xuất gia, ta đọc được kinh sách, ta rất thích đời sống xuất gia. Có nhiều vị mới vào chùa không dùng cơm chiều, họ chỉ ăn một ngày một bữa thôi, vì người xuất gia là chỉ ăn một ngày một bữa. Một người có kinh nghiệm tu học lâu năm và có đôi mắt của Chánh pháp, họ sẽ nhìn vị kia mỉm cười và nói rằng: “con cố gắng ăn đi cho có sức khỏe, con còn phải tiếp tục để thực tập, nếu không có sức khỏe thì rất khó cho sự tu tập con à!”. Nhưng, vị đó cũng không nghe, cũng tiếp tục ăn một ngày một bữa thôi. Rồi thời gian đi qua vài ba tháng, hay vài ba năm, vị đó không những ăn một bữa mà ăn nhiều bữa, không những ăn ban ngày mà còn ăn cả ban đêm, không những ăn chay mà ăn luôn cá thịt. Tại sao như vậy? Tại vì, ý chí và thân thể không giữ được tâm của sự tu học ban đầu. Tâm tu học lúc đầu bao giờ cũng mạnh, mạnh có khi đến mức hăng chát, cực đoan nữa! Và cũng có những vị chỉ cần khởi tâm là đã thành tựu, cất bước là đã đến nơi. Sự thành đạt như vậy, là vì căn cơ của họ lớn, họ chỉ cần đủ duyên là họ đạt được Thánh quả vô lậu, còn ta nhiều đời chìm nổi, bây giờ chỉ mới kết duyên với sự tu học thôi, mà duyên như vậy còn quá yếu, nếu ta thực tập quá mạnh, thì sự tu tập của ta sẽ bị hỏng. Có những vị khi học Pháp, họ thực tập một cách trọn vẹn, họ rất thích thú và họ đạt tới sự thành công ngay, vì họ không phải chỉ là một hành giả và một vị thánh giả ở trong một đời này, mà họ đã tu tập nhiều đời rồi, cho nên khi họ xuất hiện trong cuộc đời này, nghe Pháp là họ thực tập thành công ngay.
Quý vị thấy ngày xưa, năm anh em Kiều Trần Như, khi gặp đức Phật tại Vườn Nai, ngay trong buổi chuyển Pháp luân đức Phật nói rằng: “Hãy đến đây, nơi an toàn và hạnh phúc hỡi các Tỷ khưu!”. Nghe tiếng gọi của đức Thế Tôn như thế, năm vị đó đều trở thành Tỷ khưu và các oai nghi của họ đều đầy đủ như là những vị Tỷ khưu đã đắc đạo, vì sao như vậy? Bởi vì căn cơ, trình độ tu học của họ đã trải qua nhiều đời rồi.
Trái lại, mình thì còn cả mắm nêm, cả cá và ruốc, còn hôi mùi tanh thịt cá và còn cả đủ thứ trong đời, thì làm sao mình có thể sánh với sự tu tập thành đạt nhanh chóng như các Ngài. Mình không thể so sánh, vì mình giống như con cá bị ướp mắm, vớt lên rửa sạch, nhìn bên ngoài có vẻ sạch sẽ, nhưng vẫn hôi mắm như thường, vì chất mắm đã ăn sâu vào trong tế bào, vào trong máu, cho nên ta nhìn bên ngoài không thấy nhớp chi cả, nhưng vẫn cứ hôi mùi mắm.
Nên, với con mắt Chánh pháp, ta nhìn sâu vào trong ta, thì ta thấy căn khí của ta, ta biết rằng, dù tập khí nghiệp chủng của chúng ta đối với thế gian còn rất nặng, nhưng ta phải biết rằng, nghiệp chủng ấy vốn không có tự tánh, chúng có thể chuyển hóa được bởi những nhân duyên tốt, miễn rằng cần phải có thời gian. Cái nhìn như vậy là cái nhìn của con mắt Chánh pháp. Và vị Bồ tát nhìn cuộc đời như vậy, nên ai đến với Bồ tát, thì Bồ tát cũng hoan hỷ tùy phương tiện mà cởi mở cho họ, Bồ tát không từ chối ai cả, dù là người đó rất xấu, họ đã từng chém cha giết mẹ, bất hiếu, bất mục, nhưng mà đến với Bồ tát, thì Bồ tát vẫn sử dụng phương tiện đúng với căn cơ của họ, đúng với trình độ của họ, đúng với nghiệp cảm của họ, để cho họ có nhiều cơ hội thay đổi đời sống của họ. Vị Bồ tát mà sử dụng phương tiện như vậy là nhờ có đôi mắt của Chánh pháp. Nên, Bồ tát nhìn ai không có thất vọng, còn nếu ta nhìn họ bằng nhục nhãn, thì đôi khi ta dễ thất vọng. Ta nhìn đời bằng nhục nhãn, nhìn mọi đối tượng bằng nhục nhãn, là ta chỉ thấy được một đoạn trong con đường dài thôi. Cuộc đời không phải là một đoạn, không phải là một khúc mà là dài vô tận, ta chỉ nhìn đời một khúc, một đoạn nên làm sao mà nhìn nhận cho đúng được. Cuộc đời không phải chỉ là một vấn đề mà mình chỉ nhìn cuộc đời bằng một vấn đề thôi, thì làm sao cho đúng được. Mình thương một người nào đó, là vì bất chợt, mình gặp một điểm nào đó tương đồng với mình là mình thương, trong lúc đó mình không biết người đó còn có những điểm khác không dễ thương nữa. Nên khi mình nhìn cái dễ thương của người đó hợp với mình thì mình thương, nhưng khi cái dễ thương của người đó đi qua, và những cái không dễ thương của người đó lại xuất hiện, thì khi đó mình ghét người đó lắm à! Tại sao trước đó mình thương mà bây giờ mình ghét?. Sở dĩ như vậy, vì nhục nhãn của mình chỉ thấy được một khúc, hay một đoạn thôi. Nếu khi khúc thương hay giai đoạn thương ấy đi qua, là cái ghét lại thay thế. Nhưng, thật ra cái thương và cái ghét không phải từng khúc mà là cả một dòng, nó thay nhau diễn biến liên tục trong cuộc sống của chính mình. Cho nên, khi nhìn một đối tượng, mình phải nhìn bằng sự trôi chảy liên tục của dòng nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của đối tượng, thì cái thương, cái ghét ở nơi con người mình, nó mới lắng xuống được, và nó chỉ còn lại những cái thông cảm, bao dung, tha thứ, dìu dắt và nâng đỡ.
Cái nhìn từng khúc, từng đoạn là cái nhìn nhục nhãn, cho nên thế gian này cái thương nó trở thành cái ghét không mấy hồi, cái ghét trở thành cái thương không mấy chốc; và chính cái thương, cái ghét đó đã làm cho thế gian khổ đau rất nhiều.
Khổ đau vì không có pháp nhãn
Thưa đại chúng,
Chiều hôm qua tôi có đi thăm một gia đình bệnh nhân, chúng tôi thấy ngôi nhà đó sang trọng, có khu vườn xinh đẹp, trong gia đình rất đầy đủ tiện nghi, tiện nghi lắm, tiện nghi hơn nhà anh Tú chị Nga nhiều, tiện nghi hơn nhà anh Viên chị Phụng nhiều, tiện nghi hơn nhà anh Lai chị Mỹ nhiều,.. có thể nói là tiện nghi hơn tất cả ngôi nhà nào của quý vị đang ngồi ở đây. Gia đình có trí thức, giàu có, con cái có công ăn việc làm, ai cũng có sự nghiệp cả, nhưng ngồi một lát, thấy không khí gia đình không có hạnh phúc. Chị đó nói với tôi: “Thầy lâu ngày quá, bốn năm rồi con không gặp”. Và rồi tôi nói đùa với anh: “anh có biết nhà thơ TB không?”. Khi nói như vậy, anh đó bảo: “Thầy ơi, nhà con không có cho con lấy hiệu là nhà thơ TB nữa- cấm”. Anh vừa nói như thế, thì chị ngồi đó và liền tỏ ra gay gắt với thái độ khó chịu. Anh cười và nói: “Té ra cái gì mình kín đáo, nhưng rồi mình cũng bị khám phá. TB là tên người yêu của con khi còn trẻ, chỉ yêu thôi, chứ không có đời sống lứa đôi, nên khi làm thơ để kỷ niệm cho tình yêu đầu đời, mà lấy bút hiệu ấy, nhưng nhà con không có biết, lâu ngày mới khám phá ra được, nên cấm tuyệt, không được lấy tên tác giả là TB nữa”. Lúc đó tôi thấy chị ấy rất là tội nghiệp.
Quý vị thấy, ở trên đời này, khổ đau không phải là không có nhà cửa, không có cơm ăn, không có trí thức, không có sự nghiệp mà khổ đau chỉ vì cái tên TB! Cái khổ đau do cái tên TB đem lại, nó còn bi đát hơn cả con cái thất nghiệp, hơn cả cha mẹ chết, hơn cả mất tiền của. Nhưng thật ra, cái tên TB chỉ là cái ngôn từ, chỉ là ngôn ngữ đùa cợt cho vui thôi, chẳng có ý nghĩa chi cả, nhưng nếu nó bị gắn chặt vào con người, dưới cái nhìn của nhục nhãn nó sẽ trở thành chất liệu khổ đau triền miên trong cuộc sống con người. TB dưới cái nhìn của Thiên nhãn nó cũng khổ đau qua một dạng khác tinh tế hơn. Nhưng, TB được nhìn dưới cái nhìn của Pháp nhãn, thì TB được chuyển thành ra không gian thênh thang, vì quả thật TB vốn không có tự tánh. T và B là hai thực thể không thể tách rời nhau. T có mặt trong B và B có mặt trong T. Nên có khi B chính là T và T chính là B. Vậy, tự tính nào tính thiệt của T và B mà khiến cho ta bị mắc kẹt vào. Hễ ta bị mắc kẹt vào T hay B, thì ta đều bị khổ đau cả. Cái khổ đau bởi cái tên gọi không đâu ấy, đã làm cho từng gia đình nổi lên sóng gió, đã làm cho hành tinh này đắm chìm trong biển khổ đau.
Nên, nếu mình nhìn mà thiếu tuệ giác, thì cái gì cũng làm cho mình khổ đau cả, chứ không phải chỉ là cái tên ghép giữa người này người kia. Cho nên, dưới cái nhìn của đôi mắt Chánh pháp là mình nhìn toàn thể cái thân này không có tự tính, mà từng yếu tố tạo nên thân thể này như: sắc uẩn cũng không có tự tính, thọ uẩn cũng không có tự tính, tưởng uẩn cũng không có tự tính, hành uẩn cũng không có tự tính, thức uẩn cũng không có tự tính,… huống chi là danh hư của thức uẩn, danh hư của thọ uẩn, sắc uẩn,… Chính những cái đó cũng không có tự tính huống chi danh hư của nó. Thế mà đôi khi ta bị kẹt vào cái danh từ đó mà làm cho ta khổ đau. Cho nên, quý vị thấy, có tài sản, có nhà cửa, ruộng vườn, có trí thức, có sự nghiệp trong đời, có danh vọng trong đời,… mà vẫn không có hạnh phúc là bởi vì sao? Bởi vì ta không có cái nhìn của tuệ nhãn, không có cái nhìn của Pháp nhãn, chỉ là cái nhìn của nhục nhãn, nên ta không thể nào tạo ra được hạnh phúc cho chúng ta. Chính vì vậy mà quý vị phải tu để cho có tuệ nhãn và pháp nhãn.
Cũng nhà đó, cũng vợ đó, cũng con đó, cũng sự nghiệp đó, cũng trí thức đó mà ta nhìn với tuệ nhãn, với pháp nhãn thì tức khắc tất cả những yếu tố đó là những phương tiện tích cực tạo ra hạnh phúc cho ta. Như vậy có hạnh phúc dễ không hay khó? Quý vị tu học một ngày khi về nhà thực tập cho sâu sắc, đem con mắt của tuệ nhãn mà nhìn mọi hiện tượng, mọi sự giao tiếp, mọi sự tiếp xúc, đem đôi mắt của Chánh pháp mà nhìn mọi hiện tượng, mọi sự giao tiếp, mọi sự tiếp xúc, tôi tin chắc rằng quý vị sống ở đâu cũng hạnh phúc, đi đến đâu cũng an toàn, ở với ai cũng tốt đẹp, chứ đừng nói, tôi chỉ chơi với người này, còn người kia không chơi được, đó là cách nhìn và cách nói có gốc rễ từ nhục nhãn. Với cách nhìn và cách nói như vậy, thì ráng mà chịu lấy khổ đau thôi!
Dù cho một người xấu đến mấy đi nữa, thì cái xấu trong người họ cũng không có định tính. Họ xấu, bởi vì họ gặp thầy tà, bạn ác, và họ sống trong hoàn cảnh bi đát như vậy, nên họ bị như vậy. Nếu họ gặp thầy hiền, bạn tốt, hoàn cảnh tốt, thì chắc chắn cái xấu đó sẽ giảm thiểu và cái tốt sẽ bắt đầu phát sinh và lớn dần.
Quý vị mà biết như vậy, nhìn được sự kiện như vậy, nhìn đời bằng đôi mắt như vậy, tôi tin chắc rằng, quý vị là những người rất yêu đời, sống rất là đẹp, không có chi để mà than dài, không có chi để mà thở ngắn, không có chi để mà thốt ra những lời lẽ não nuột. Cuộc đời chẳng có chi để ta buồn hay để ta mơ mộng, cũng chẳng có chi để ta hy vọng hay thất vọng. Cuộc đời là vậy, mà ta có thấy được cái như vậy của cuộc đời để sống vui, sống đẹp, sống hùng tráng và hữu ích hay không? Núi muôn đời vẫn là cao, nước từ chỗ cao chảy về chỗ thấp, biển ngàn đời nước mặn, mặt trời, mặt trăng thì sáng, quả đất thì làm chỗ lưu trú và nuôi dưỡng muôn loài,… chuyện đời, xưa cũng như vậy, nay cũng như vậy và ngàn sau cũng như vậy, ta có thấy được điều đó không? Nếu không thấy được như vậy, thì ta làm sao tránh được những thất vọng và khổ đau? Ta khổ đau là do ta không nhìn vạn hữu bằng đôi mắt của tuệ nhãn và Pháp nhãn, và ta không chuyển đổi tâm ta và mọi hành động cũng như cuộc sống của ta theo cách nhìn ấy. Ta hãy nhìn và sống theo cách nhìn của Pháp nhãn và tuệ nhãn là ta sẽ có được đời sống giải thoát, đời sống tự tại. Nếu không có cách nhìn và cách sống đó, thì ta làm cái gì là ta bị mắc kẹt bởi cái đó. Bị mắc kẹt là đời sống của ta chẳng khác nào loại cá cắn câu. Cá cắn câu, chúng chỉ đau khổ theo bản năng, còn con người mà bị cắn câu bởi ngũ uẩn và ngũ dục, thì không những chỉ đau khổ theo những sinh hoạt bản năng mà còn bị đau khổ bởi những sự sinh hoạt mắc mớ theo ý thức cấp cao nữa!
Cách nhìn thứ năm là Phật nhãn
Cho nên, sau khi đại chúng tu học rồi, mình nhìn tất cả mọi vấn đề phải nhìn từ nhục nhãn trước đã. Mình nhìn bằng nhục nhãn là để chấp nhận nơi gặp gỡ giữa con người với con người. Nếu mình đang sống với thế giới con người mà mình gạt qua cách nhìn ấy, mình sẽ không bao giờ gặp được con người giữa này để nói chuyện. Ta phải nhìn đối tượng bằng cặp mắt bình thường, sau đó ta hãy nhìn sâu vào đối tượng bằng cặp mắt của Thiên nhãn, rồi nhìn nhau bằng cặp mắt của Tuệ nhãn, và tiến tới nhìn nhau bằng cặp mắt của Pháp nhãn và Phật nhãn.
Với những cách nhìn như vậy, không những chỉ giúp ta khám phá ra mọi chân nghĩa và giá trị của cuộc sống, mà còn giúp ta chế tác ra những chất liệu hạnh phúc và an lạc đích thực cho chính sự thăng hoa của chúng ta.
Khi ta biết sử dụng đôi mắt nhục nhãn để nhìn, thì chính đôi mắt ấy cũng có thể tạo ra hạnh phúc cho chính ta, bởi vì ta biết chính đôi mắt ấy là phương tiện mà. Người biết sử dụng như vậy, gọi là người không bị mắc kẹt, mà trong kinh Kim Cang gọi là “Ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm”, tức là hãy phát tâm không nên bị mắc kẹt, khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Do tâm ta không bị mắc kẹt, nên ta luôn luôn khám phá ra được cái mới, từ nơi cái thấy của ta, từ nơi các đối tượng và từ nơi cái nhận định mọi vấn đề của ta.
Rồi, đến cái nhìn cuộc đời bằng Phật nhãn, nghĩa là sử dụng đôi mắt của Phật để mà nhìn cuộc đời.
Khi mà mình sử dụng đôi mắt của Phật mà nhìn cuộc đời, mình thấy rằng, tất cả chúng sanh đều có Phật tính và tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật.
Nhìn thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tính và tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật; đó là cách nhìn bằng đôi mắt Phật. Khi có cách nhìn như vậy, nó sẽ tỏa ra cách hành xử bình đẳng đối với mọi người và mọi loài một cách tự nhiên. Bình đẳng ở đây, không phải là bình đẳng ngang bằng, sổ thẳng như nhau, mà bình đẳng ở đây là phải thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tính, nghĩa là trong mỗi tự thân của chúng sanh đều có Phật tính, nhưng mà Phật tính của chúng sanh đang bị nghiệp báo và phiền não của họ che lấp. Nếu phật tính của người này bị nghiệp báo và phiền não của họ vùi sâu hơn phật tính của người kia, thì với cách nhìn và cách giải quyết của phật nhãn là phải biết vận dụng phương tiện để giúp cho từng loại chúng sanh tháo gỡ những thứ phiền não, nghiệp báo đang che lấp Phật tính đó. Nếu Phật tính của một người bị che lấp cạn, thì nên sử dụng phương tiện nào để giúp họ. Và nếu một người mà Phật tính của họ bị các phiền não, nghiệp chướng che lấp rất sâu, thì phải giúp họ phương tiện như thế nào để khai quật, để giúp cho Phật tính ở nơi họ tiết lộ ra, hiển lộ ra, cách nhìn và cách sử dụng các phương tiện thiện xảo của Phật như vậy, đều là từ cách nhìn và cách sử dụng mọi phương tiện một cách bình đẳng.
Trong gia đình mình, con cái có năm đứa, nhưng mà mình đưa mắt Phật mà nhìn chúng, thì thấy đứa nào cũng có Phật tính cả, nên thấy đứa nào cũng có cái dễ thương của nó hết, mỗi đứa dễ thương mỗi kiểu, nhưng muốn nuôi dưỡng cái dễ thương của nó, thì mỗi đứa ta phải nuôi một kiểu khác nhau, chăm sóc một kiểu khác nhau. Nếu cả năm đứa đều được chăm sóc theo một kiểu, thì sự chăm sóc đó không còn là cái chăm sóc từ mắt Phật nữa. Biết được căn tính của chúng không đồng nhau, biết được chủng tử tạo nên chúng không đồng nhau, biết được những sở thích của chúng không đồng nhau, cái phương tiện sống của mỗi đứa mỗi khác, nên ta phải biết được cái tướng dụng của từng đứa để chăm sóc; thì cái chăm sóc đó, cái thấy đó, cái sử dụng đó là những cái thấy và những cái làm của chư Phật. Có đứa mình phải sử dụng phương tiện bỏ nhà ra đi mới chăm sóc được hạnh phúc của nó. Có đứa mình phải ở nhà bên nó, thì mới chăm sóc được hạnh phúc và sự lớn khôn của nó. Chuyện cha mẹ bỏ nhà ra đi hay không bỏ nhà ra đi chỉ là phương tiện tạo nên hạnh phúc và sự trưởng thành cho con cái. Sử dụng phương tiện bỏ nhà ra đi để cho con cái có khả năng tự lập là một trong những phương tiện giáo dục độc đáo của kinh Pháp Hoa.
Cha ở một bên, nên con cái thấy cha là thường, dạy gì cũng không nghe, nhưng khi người cha biết như vậy, ông bỏ đi qua nước khác và ông cho người về bảo cha quý vị đã chết rồi, cho nên mấy đứa con có đứa say vừa vừa, khi nghe cha chết, nó buồn tủi, có đứa say sưa quá mức, nghe cha nó chết, nó chẳng biết gì cả, đứa say vừa vừa, sau khi tỉnh rồi, nó đi ra giữa xã hội thấy mọi người có cha, khi đó nó mới có cảm giác trống trơn cô đơn, đôi khi người ta nhiếc mắng đồ con không có cha, tự nhiên nó mặc cảm và khao khát được có cha. Khi mà mình khao khát rằng, mình có ông cha mà ông cha xuất hiện thì mình thế nào? Vui mừng quá sức và cha nói gì mình cũng nghe hết.
Như vậy có phải người cha luôn luôn ở bên cạnh với con mình mà thương đâu, có khi thương là phải đi xa. Cho nên vấn đề ở hay đi, xuất hiện hay ẩn tàng, từ ái hay la rầy, chúng chẳng có gì dứt khoát cả. Đem cặp mắt của Phật mà nhìn, có người la mới nên, có người khen mới nên, có người nói xẳng mới nên, có người nói ngọt mới nên, có người phải bỏ đi mới nên, có người phải ở bên cạnh mới nên. Cho nên, xẳng hay ngọt,… cũng không nhất định, đừng ngạc nhiên, vì sao mà phải nói xẳng xẳng – xẳng mà nên – thuốc đắng nhả tật. Sử dụng phương tiện một cách diệu dụng như vậy, chỉ có mắt Phật mới biết, chỉ có hạnh của Phật mới làm nổi, với mắt thường của chúng ta không thấy nổi, với hạnh của chúng ta không làm nổi, nên ta đem cái tâm tầm thường, cái tâm của phàm phu mà định lượng cái tâm của Phật, định lượng việc làm của Phật, định lượng cái thấy, cái biết của Phật, thì làm sao mà định lượng nổi.
Mỉm cười với vạn hữu
Cho nên, Phật là tượng trưng cho pháp giới tính bình đẳng. Ngài đã thấy pháp giới tính bình đẳng và từ nơi pháp giới tính bình đẳng ấy, Ngài sử dụng vô số phương tiện để mà giáo hóa vô số chúng sanh.
Khi nhìn đời bằng đôi mắt của Phật, là biết rằng, tuy chúng sanh ở nơi địa ngục, chịu trăm đắng ngàn cay, chịu trăm thứ bất như ý như vậy, nhưng mà Phật tính nơi họ cũng không bao giờ bị giảm sút. Bởi vì, Phật tính vốn là như vậy, nên khi ở trong địa ngục Phật tính cũng không giảm, khi vào Niết bàn Phật tính cũng không tăng. Chứ không phải khi đọa xuống địa ngục, thì Phật tính của mình bị teo lại, khi lên Niết bàn Phật tính của mình nở ra. Phật tính ở đâu và lúc nào cũng vậy, không có teo hay nở gì cả. Phật tính không có tăng, không có giảm, ở địa ngục không giảm, lên Niết bàn không tăng. Thấy Phật tính nơi hết thảy chúng sanh không tăng, không giảm chi cả, đó là cái thấy của chư Phật. Phật tính nơi hết thảy chúng sanh là không tăng, không giảm, nhưng phiền não, nghiệp chướng nơi chúng sanh thì có tăng, có giảm, có cạn, có sâu, nên thời gian tu tập chuyển hóa phiền não có chậm, có nhanh.
Cho nên, đức Phật nhìn cái gì, nhìn ai Ngài cũng mỉm cười. Còn như chúng ta có mỉm cười được đâu. Ta nhìn cái gì hay nhìn ai mà ta vui, ta khoái chí là ta cười toe toét. Còn ta nhìn cái chi mà không cười được, không vui được, thì cái mặt của ta, như cái mặt của cậu câu ếch. Đối với Phật, không có cái vui nào làm cho Ngài bị lay động, không có cái buồn nào làm cho Ngài phải ray rứt. Chuyện vui – buồn là chuyện của thế gian, chuyện của nhục nhãn, chuyện của thiên nhãn. Đối với tuệ nhãn cần có vui, có buồn, vì biết rằng ngũ dục là nguy hiểm, mà may quá mình vượt qua ngũ dục cho nên cảm thấy vui.
Pháp nhãn thì còn thấy các pháp không có tự tính, cho nên còn có trạch pháp, còn có những phần vui buồn vi tế. Vì vậy, còn có đối tượng để bước tới và còn có cái để đoạn và chứng.
Phật nhãn thì không còn có cái gì để hướng tới, không còn cái gì để đoạn trừ, không còn cái gì để chấp nhận và không còn cái gì để từ chối. Ngay đó mà thấy rõ và thể nhập pháp thân. Ngay đó là đi, ngay đó là về, chứ không có đi hay về ở đâu nữa. Cho nên, dưới cái nhìn của bậc giác ngộ, mọi sự đều viên mãn, đều trọn vẹn, không có tỳ vết, cái nhìn không còn sứt mẻ.
Từ cái nhìn đó mà chất liệu thanh thoát, yên lắng và trọn vẹn của Phật tỏa ra một cách tự nhiên. Cho nên, đức Phật đã hiến tặng cho thế gian nụ cười đẹp nhất là nụ cười mỉm. Hiến tặng cho thế gian những bước đi đẹp nhất là bước đi thanh thoát, và đã hiến tặng cho cuộc đời cái nhìn đẹp nhất là cái nhìn bao dung, thương yêu và sâu lắng. Còn mình vui thì mình cười toạc ra, buồn thì nhăn mặt lại. Chính vì vậy mà mình chạy theo với khổ đau. Khổ với cái vui và vui với cái khổ, khổ vui trong cái thường tình như vậy. Cho nên, nụ cười viên mãn nhất, trọn vẹn nhất, cứu cánh nhất, toàn hảo nhất đó là nụ cười mỉm; nụ cười mỉm có gốc rễ từ nơi một cái tâm an tịnh hoàn toàn, từ nơi tâm của một vị tự chủ, một bậc giác ngộ hoàn toàn.
Báu vật đầy nhà tha hồ sử dụng
Như vậy, đại chúng thấy, khi mà mình khéo sử dụng phương tiện của đôi mắt để mà tu tập, để mà đối diện với cuộc đời, để mà chuyển hóa, thì những gì đã đi qua trong đời sống của mình, hay những gì mình đang tiếp xúc và sẽ tiếp xúc bằng ý thức chánh niệm tỉnh giác, thì mình có thể thăng tiến được cái nhìn của mình, từ nhục nhãn cho đến Phật nhãn.
Khi mình biết sử dụng nhục nhãn để tu tập, thì nhục nhãn cũng là điều kiện để tạo ra phước đức cho ta.
Nhục nhãn mà còn là điều kiện để tạo ra phước đức cho mình huống chi là thiên nhãn, huống chi là tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn.
Cho nên, chúng ta hãy cố gắng thực tập chánh niệm trong đôi mắt bình thường của chúng ta, khi nhìn các sự vật, thì chắc chắn rằng, chúng ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc và an lạc và chúng ta sẽ khám phá ra những điều kỳ diệu ngay nơi bản thân của mọi sự hiện hữu.
Lỗ tai của chúng ta cũng vậy, cũng là một phương tiện đặc biệt, nếu chúng ta khéo sử dụng, chúng cũng sẽ giúp ta tạo ra vô lượng phước đức.
Lỗ tai của mình là lỗ tai của kẻ phàm tục, gọi là nhục nhĩ, nhưng cũng có thể là lỗ tai của chư thiên, gọi là thiên nhĩ. Mình nghe một cách phàm tục là mình vừa nghe lỗ tai, nó lại liền ra ở lỗ miệng, nghe mà không gạn lọc gì hết, nghe rồi sao nguyên y văn bản chính, nghe như vậy gọi là nghe theo kiểu nhục nhĩ. Như vậy, ngoài ngũ nhãn, ta còn có ngũ nhĩ: nhục nhĩ, thiên nhĩ, Pháp nhĩ, tuệ nhĩ, Phật nhĩ.
Như vậy, chúng ta không những có ngũ nhãn mà còn có ngũ nhĩ. Khi đã có ngũ nhĩ rồi, thì nhất định phải có ngũ tỷ: nhục tỷ, thiên tỷ, tuệ tỷ, Pháp tỷ, Phật tỷ.
Trong kinh đức Phật dạy, có một thế giới gọi là thế giới Hương Tích, chúng sanh ở nơi thế giới đó, họ học đạo là nhờ ngửi mùi thơm mà họ nhận ra được đạo lý và đi tới với Chánh pháp, đi tới với đời sống giác ngộ. Cho nên, có những thế giới tác dụng của chúng sanh thiên về đôi mắt, có những thế giới tác dụng của chúng sanh thiên về đôi tai hoặc thiên về lỗ mũi hoặc thiên về tâm ý.
Cho nên, chúng ta khéo sử dụng lỗ mũi của chúng ta trong sự tu tập thì chúng cũng có khả năng tạo ra vô lượng phước đức, vô số chất liệu hạnh phúc và an toàn trong đời sống cho chúng ta. Chúng ta không phải chỉ có ngũ tỷ mà chúng ta còn có ngũ thiệt: nhục thiệt, thiên thiệt, tuệ thiệt, Pháp thiệt và Phật thiệt.
Như vậy, chúng ta ưa hạnh phúc và an lạc cỡ nào trong ngũ thiệt, thì chúng ta có thể sử dụng miệng lưỡi cỡ đó, để tạo ra phước đức cũng như sự an lạc và hạnh phúc cỡ đó cho chúng ta.
Chúng ta cũng có ngũ thân: nhục thân, thiên thân, tuệ thân, Pháp thân và Phật thân.
Dùng thân nào để đi đến cõi nào là tùy chúng ta. Chúng ta ưa sử dụng nhục thân để đi đến cõi sinh tử, thì chúng ta cứ sử dụng để đi. Cho nên, chúng ta có thân này rồi, nếu chúng ta tu tập có chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta muốn sử dụng thân nào trong năm thân để tạo ra phước đức, hạnh phúc và an lạc là quyền của chúng ta. Và ý cũng vậy, chúng ta cũng có ngũ ý.
Phàm ý là ý của kẻ phàm tục, trong tâm ý của kẻ phàm tục nó đầy dẫy tham, sân, si, ích kỷ, ghen tuông. Nếu chúng ta sử dụng tâm ý này mà đi đến với nhau, thì cuộc sống của chúng ta trở nên phàm tục, và ta là phàm tục.
Thiên ý là tâm ý của chư Thiên, là tâm ý ưa chuộng điều thiện và không ưa điều ác. Chính tâm ý ấy tạo ra thiên đàng hạnh phúc. Trong gia đình cha con, mẹ con đi đến với nhau bằng Thiên ý, thì mình có thể tạo ra thiên đàng ngay trong gia đình mình, chứ đâu có phải đợi đến sau khi chết mới lên thiên đàng. Thiên đàng hạnh phúc phải được tạo ra ngay ở trong mỗi giây phút và mỗi không gian mà chúng ta đang sống.
Vậy, Thiên ý là gì? Đó là tâm ý hướng về điều thiện, tâm ý đến với nhau bằng điều thiện và yêu mến điều thiện một cách tự nhiên. Nếu chúng ta biết sử dụng tâm ý đó, để tu tập, để ứng xử với nhau, thì thiên đàng đối với chúng ta không còn là một ước muốn mà là một hiện thực.
Tuệ ý là tâm ý của trí tuệ, tức là tâm ý thấy rõ thế gian là vô thường, ngũ dục của thế gian là nguy hiểm, cho nên không tham, không mong cầu đối với chúng, cần phải tránh xa chúng. Ta không tranh giành cái lợi trong ngũ dục của thế gian, nên ta không bị trở thành con thiêu thân ở trong thế gian này. Pháp ý là tâm ý của Chánh pháp. Tâm ý ấy có nội dung của tuệ giác, không những chỉ thấy rõ tính chất vô tính của năm uẩn, mà còn thấy rõ tính chất vô tính nơi mỗi uẩn, khiến cho tâm ý vượt ra khỏi sự mắc kẹt đối với những vọng tưởng sai lầm về một bản ngã cố hữu nơi tự thân và một tự tính cố hữu nơi vạn hữu.
Đã có Pháp ý là phải có Phật ý, tức là mình sử dụng hạt giống toàn giác ở nơi tâm thức mình mà thiết lập, bảo toàn tịnh độ, và bảo toàn nhân dân ở nơi cõi tịnh độ trong ý hướng của Bồ đề tâm. Cho nên, Bồ đề tâm tức là tâm ý của Phật. Từ nơi tâm ý này, mà chư Phật thành tựu báo thân và biểu hiện vô số ứng hóa thân để hóa độ vô số, vô biên chúng sanh. Và cũng từ nơi tâm ý này, mà chư phật đã thiết lập vô số cảnh giới tịnh độ, làm quê hương giác ngộ cho hết thảy chúng sanh.
Thưa đại chúng, có mắt là ta có phương tiện để tu tập.
Giữa thế gian này ai cũng có mắt cả, nên ai cũng có thể tu tập được cả. Cho nên, đừng bao giờ nói rằng, chỉ có chị đó mới tu được, còn mình không tu được; hay nói rằng, chỉ có mình tu được, còn người khác không thể tu được. Nói như vậy là nói ẩu, nói như vậy là nói không đúng với chân nghĩa. Nói như vậy, kinh Pháp Hoa cho rằng, là nói theo tâm trạng mặc cảm tự ti của kẻ bần cùng, khốn khổ, hay nói theo tâm trạng mặc cảm tự tôn của kẻ đầy kiêu ngạo.
Có mũi, có hơi thở, có không khí là ta có thể tu tập được rồi, đợi chi phải có nhà to, đợi chi phải có chùa lớn, đợi chi phải có tiền bạc nhiều! Ta hiện hữu giữa đời này với sự đầy đủ của thân thể và tâm hồn là một sự hiện hữu hết sức mầu nhiệm rồi, ta không cần phải đi tìm kiếm sự mầu nhiệm nào nữa cả. Thở đã là mầu nhiệm, huống gì thở có chánh niệm và tuệ giác. Thở đã là mầu nhiệm, huống gì thở với cả một tâm hồn rộng lớn, thương yêu và chân thật.
Cho nên, ta có hơi thở là ta có thể tu tập được rồi. Ta có thể sử dụng hơi thở để an tịnh thân thể và tâm ý. Ta có mắt là ta có điều kiện để tu tập được rồi. Ta hãy đem mắt thương mà nhìn cuộc đời, như Bồ tát Quán Thế Âm đã nhìn vậy. Và ta hãy đem mắt tuệ mà thấy tự tánh không sinh diệt nơi tánh thấy của ta và nơi vạn hữu, như Bồ tát Quán Thế Âm đã từng thấy.
Có tai là ta có thể tu tập được rồi. Ta hãy dùng lỗ tai của ta để lắng nghe bao nhiêu âm thanh bất hạnh của chúng sanh giữa cuộc đời, nhằm làm vơi đi bao nỗi khổ đau của họ. Và ta hãy sử dụng lỗ tai vốn có của ta để lắng nghe lại tính nghe vốn không sinh diệt ở nơi chính chúng ta. Ngài Quán Thế Âm, tu lỗ tai thôi mà Ngài đã thành tựu không những nhĩ căn viên thông mà còn viên thông luôn cả sáu căn nữa. Nên, mình lạy Ngài mấy cũng không thấy vừa, mình niệm danh hiệu của Ngài mấy cũng không thấy chán. Bao nhiêu hình tượng của Ngài ta tạc ra, bao nhiêu lễ đài, bao nhiêu chùa tháp tôn thờ, bao nhiêu hình ảnh biểu hiện về hạnh từ bi cứu khổ của Ngài mà loài người chúng ta đã biểu hiện một cách cung kính. Chùa Hương cũng là hóa thân của ngài Quán Thế Âm. Công chúa Diệu Thiện cũng là hóa thân của Quán Thế Âm do tu tập thành tựu nhĩ căn mà ứng hiện. Cho nên, ta có lỗ tai là ta có một phương tiện rất mầu nhiệm để tu tập.
Vậy, trong chúng ta có ai không có lỗ tai không? Không những một lỗ mà còn có cả hai lỗ nữa. Như vậy, ta giàu to. Tất cả chúng ta đều là giàu. Chúng ta toàn là tỷ phú hết, thế mà cứ cho rằng mình là nghèo.
Có miệng, có thân, có ý là có điều kiện để tu tập, là ta đã có điều kiện để thực hiện điều thiện, không phải đợi lớn tuổi hay nhỏ tuổi, không đợi phải có cơm ăn áo mặc, không đợi phải có nhà ở sang trọng, hay đợi có bất cứ cái gì nữa! Có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, là ta đã có khả năng thực hiện điều thiện, để thăng hoa bản thân và làm đẹp cuộc đời.