
Sách giáo khoa môn sử nước ta thường không kể các biến loạn diễn ra giữa hai cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng năm 43 và Bà Triệu năm 248.
Thực ra đã có nhiều cuộc nổi dậy liên tiếp, tập tung ở các quận phía Nam , Cửu Chân và Nhật Nam, có lúc lan lên tới Giao Chỉ. Nếu không biết những biến động đó, thì phải ngạc nhiên tại sao sau hai thế kỷ “hòa bình ổn định” một cô gái 20 tuổi ở Nông Cống, Thanh Hóa, lại chiêu mộ được tới “một ngàn tráng sĩ” từ núi kéo về tấn công thành Cửu Chân, kéo dài đến sáu tháng.
Nổi tiếng là dân bất trị
Tại hai quận phía Nam, trong hai thế kỷ đầu, cứ mỗi thế hệ lại có ít nhất một cuộc nổi loạn, vào những năm 100, 136, 144, 157 và 184. Binh lính ở Giao Chỉ cũng nổi loạn hai lần trong 15 năm, một lần nổi lên chiếm trụ sở đô hộ vì cưỡng lệnh không ra trận.
Quận Nhật Nam nổi tiếng là dân bất trị. Keith Taylor, trong The Birth of Viêtnam, trích dẫn các sử gia người Nhật Katakura Minoru (1972), Gotò Kimpei (1975), nói rằng Nhật Nam vẫn không bao giờ yên sau khi Mã Viện đặt hệ thống cai trị chặt chẽ hơn trước. Quan lại nhà Hán gửi sang thường không ở được bao lâu đã bị đổi về. Quân Hán không thể nào bình định được Tượng Lâm; một vùng trong quận Nhật Nam, từ Quảng Bình vào gần tới Quảng Nam bây giờ. Vùng đất này rất xa trung tâm nên giữ truyền thống đề kháng từ đời Hán đến cuối đời Đường.
Cả hai cuộc nổi dậy năm 136 và 144 đều do “binh lính nổi loạn.” Chắc các sử gia đời Hán căn cứ vào lời các quan cai trị mới được đưa tới làm công việc “phủ dụ.” Sách sử không cho biết lính và dân có đòi được quyền lợi nào không khi chịu “ngưng chiến.” Cũng không nói dân tiếp tục chống đối nữa hay không, và chống được bao lâu. Nhưng hai biến động trong vòng 8 năm chứng tỏ một thái độ bất phục tùng, cho thấy dân không sợ.
Năm 157, Chu Đạt ở Cư Phong từ trên núi tiến xuống đánh thành Cửu Chân, giết quan đô hộ là Nghê Thức ngay tại trận; sau đó bị tướng nhà Hán là Ngụy Lang dẹp. Hậu Hán Thư ghi chép vụ này, trong khi các cuốn sử nước ta như Việt Sử Lược và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bỏ qua không nhắc đến. Có giả thuyết đoán Chu Đạt là một người Hoa; ông ta nổi loạn nhưng không lôi kéo được dân địa phương ủng hộ vì người Việt nhìn đó như một cuộc tranh chấp giữa các đám quân nhà Hán. Nhưng hành động của Ngụy Lang chém đầu hai ngàn quân nổi dậy, kể cả Chu Đạt, cho thấy phải có dân địa phương hùa theo thì Chu Đạt mới có số quân lớn đó. Và chính sách đàn áp tàn nhẫn của họ không phân biệt người gốc Hoa hay người gốc Việt.
Trong các cuộc nổi loạn trên, nhiều binh sĩ khuấy động, xúi dục và chỉ huy; các sử gia bên Trung Quốc ghi tên họ dựa theo báo cáo của các viên quan tới sau. Nhưng đại đa số những người tham gia khởi nghĩa phải là dân địa phương, vì số di dân từ Trung Quốc qua miền này, phần lớn là binh lính, còn rất ít. Quân đồn trú nổi loạn vì những mâu thuẫn giữa binh sĩ với các quan cai trị, khi mới được đưa qua.
Mỗi lần lính hay dân nổi dậy nhà Hán lại cử các “thuần quan” sang thay thế. Sau khi lính và dân ba quận cùng nổi lên năm 144, Thái thú Hạ Phương công bố chính sách đại xá, bớt bóc lột và đàn áp. Năm 184, sau khi lính nổi loạn giết thứ sử Chu Ngung, vua Linh Đế nhà Hán cử Giả Tông làm thứ sử Giao Châu. Theo sử Trung Hoa, Giả Tông đã đề cử nhiều người bản xứ ra làm quan; thay đổi cách cai trị nhân đạo hơn, luật pháp rõ ràng hơn. Nguyễn Đổng Chi (Việt Nam Cổ Văn Học Sử) dẫn mấy câu ca dao khen ngợi Giả Tông:
“Giả sang chậm quá, loạn đã nổi lên
Nay thấy bình yên, đâu dám lại phản.”
Trong tiểu sử của những viên quan mới thế nào cũng viết những đoạn báo cáo kể lại các lỗi lầm của đám “khốc lại” cũ, mục đích để nêu thành tích “quan tốt” của mình. Những cuộc nổi loạn của binh sĩ cho thấy chính những đám quân đồn trú cũng chia sẻ nỗi bất mãn của dân. Sống một thời gian ở Giao Châu, nhiều người trong đám đó trở thành “di dân” dù còn mặc binh phục hay không, kết hôn với phụ nữ địa phương và dần dần được đồng hóa. Sức mạnh đồng hóa của dân bản xứ không thể cưỡng lại được vì họ chiếm đa số và đã có sẵn một nền nếp văn hóa, phong tục từ lâu đời.
Di dân được đồng hóa
Sách Thái Bình Quảng Ký kể trước khi rút quân về nước, Mã Viện đã để lại một số binh lính định cư tại Cửu Chân, vùng sông Gianh bây giờ. Những người này vẫn tiếp tục nói tiếng Hoa với nhau, đều lấy họ Mã, dân Giao Châu gọi họ là “Mã Lưu“ tức là dân lưu ngụ họ Mã.
Nhưng sau này không thấy dấu tích của con cháu những người họ Mã này trong lịch sử. Sau hai ba đời lập gia đình với người bản xứ, con, cháu của nhiều người đó đã sống như dân địa phương. Họ có mấy đời mẹ, bà nội, hoặc ông bà ngoại là người Việt. Chính họ cũng sống cảnh bị bóc lột và bị áp chế như gia đình bên mẹ mình, cho nên họ đứng về phía dân chống tham quan nhũng lại. Không có gì lạ nếu những người lính của Mã Viện, ở lại phía Nam quận Cửu Chân đã dần dần hóa thành người bản địa và nổi lên đánh các viên quan tàn ác mới bên Tàu đưa qua.
Sử gia Trần Gia Phụng nhận xét rằng, “Nhìn chung, các cuộc khởi nghĩa do người bản địa cổ Việt hay người Hoa di cư lãnh đạo, thường bùng nổ trong thời gian các viên chức đô hộ là người gốc từ Trung Hoa gởi sang cai trị” (Việt Sử Đại Cương, 2004). Những viên quan mới sang cần vơ vét thật nhanh, để hối lộ cấp trên, tìm cách sớm được về Tàu; dễ bị cấp dưới chống lại. Những người Hoa sang sống ở các quận phía Nam qua nhiều năm, có thể nhiều thế hệ. Quận Giao Chỉ trong vùng sông Hồng tập trung bộ máy quan lại, quân đội. Số người Hán di cư sang tới Cửu Chân (Thanh Nghệ Tĩnh) và Nhật Nam (Quảng Bình và Quảng Trị trở vào) thưa thớt hơn và mang số phận bị đi đầy. Họ không cảm thấy ràng buộc với các viên quan cai trị mới mà lại cần được dân địa phương chiếm đa số chấp nhận. Keith Taylor suy đoán rằng một trăm năm sau cuộc chinh phục của Mã Viện, đám quân sĩ người Hán để lại, từ Giao Chỉ tới Nhật Nam đã được đồng hóa thành người địa phương rồi.
Nhìn tỷ lệ tăng dân số ở Cửu Chân và Nhật Nam qua hai cuộc kiểm tra nhân khẩu vào năm 2 và năm 140 (Mã Viện sang đánh nước ta vào năm 40, giữa hai lần kiểm kê này) Keith Taylor thấy sau gần một thế kỷ rưỡi dân số hai quận Nhật Nam, Cửu Chân chỉ tăng thêm từ một phần tư đến một nửa, trung bình 31%. Đó là tỷ lệ gia tăng dân số trong điều kiện bình thường, số di dân mới đến không đáng kể. Sau mỗi cuộc nổi dậy, triều đình nhà Hán còn ra lệnh đưa các di dân từ Nhật Nam về Giao Chỉ khiến số người gốc Hoa ở phía Nam càng ít hơn nữa. Họ cũng thuộc một giai tầng xã hội khác những di dân ở phía Bắc.
Ở vùng phía Bắc sông Gianh có một số mộ bằng gạch theo kiểu đời Hán đã khai quật, nhưng vào sâu hơn phía Nam của quận Nhật Nam thì không thấy nữa. Có thể di dân gốc Hoa tại vùng đó không nhiều, hoặc họ không thuộc đẳng cấp thư lại. Người gốc bình dân không ai xây mộ lớn, với các đồ “tùy táng” chôn theo như tập tục của các nhà hào phú Trung Quốc từ đời Hán.
Cũng có thể hiểu rằng các di dân từ miền Hoa Nam qua nước ta trong hai thế kỷ đầu Tây Lịch chính họ không thuộc gốc Hán, và trước khi qua nước ta cũng chưa hoàn toàn bị Hán hóa; còn giữ các phong tục cũ của dân phía Nam Trường Giang. Cả ngàn năm sau, Chu Hi đời Tống vẫn còn thấy phụ nữ ở Phúc Kiến “tự do” quá. Vào cuối thế kỷ 12, khi ông tổ các vua nhà Trần từ Phúc Kiến di cư sang nước ta, người làm nghề biển Phúc Kiến vẫn còn vẽ mình. Khi quân nhà Hán theo lối sống của dân Lạc Việt họ chỉ trở về với các tập quán của ông bà mấy thế hệ trước.
Đám binh sĩ sinh trưởng ở Hoa Nam thì ngôn ngữ, phong tục, khác người Hán. Một người lính phương Bắc gốc người nước Ngô (Giang Tô) cũng chẳng thấy liên hệ máu mủ nào với một ông quan gốc nước Sở (Hồ Nam), hoặc ngược lại. Tinh thần “kiêu binh” ở Giao Châu càng mạnh khi nhiều quan đô hộ thấy loạn là bỏ của chạy lấy người; nhân dịp lấy cớ chấm dứt cảnh bị lưu đầy ở Giao Châu. Những ông quan sau này như Tăng Cổn, Vũ Hồn đã thản nhiên bỏ nhiệm sở như vậy, đem tiền bạc hối lộ mua đường để trốn về Tàu. Ông Vũ Hồn sau trở lại, định cư như một di dân hào phú. Những di dân người Hoa sau vài đời sống ở Giao Châu phải thấy mình gần gũi với người địa phương hơn với triều đình phương Bắc. Họ thấy có thể tự lập mỗi khi nước Tàu loạn lạc nhờ nền kinh tế địa phương vững chắc. Lớp người này dần dần trở thành một lực lượng thúc đẩy khuynh hướng tự trị.
Vào cuối thế kỷ thứ tư sang thế kỷ thứ năm các triều đại bên Tàu thay đổi, tinh thần tự chủ đã lên mạnh ở Giao Châu. Nhân lúc nhà Tấn suy vi, một người gốc Hoa là Lý Tốn đã tự xưng là thứ sử, năm 380. Đằng Đốn Chi mới từ bên Tàu sang nhậm chức, đã bị Lý Tốn cùng hai con đem quân chống lại. Năm 468 Lý Trường Nhân lại nổi lên chiếm quyền. Sau đó, người em họ là Lý Thúc Hiến, lợi dụng lúc nhà Lưu Tống bên Tàu yếu ớt, lại tự nắm quyền cai trị Giao Châu trong 15 năm. Khi nhà Nam Tề bị tố cáo ngăn cản đoàn sứ giả Chiêm Thành trên đường đi qua nước ta để dâng tiến cống lên vua Tàu. Sau cùng vua Nam Tề đành phong Lý Thúc Hiến làm thứ sử. Năm 485 khi đạo quân Nam Tề mạnh hơn sang đánh, Thúc Hiến phải hàng. Ông được khen là người giữ cho dân được ổn định, nhờ thế kinh tế phát triển. Những người họ Lý từ Lý Tốn đến Lý Thúc Hiến đều gốc Hoa định cư nhiều đời ở nước ta, nên sử Trung Hoa gọi là “thổ nhân,” tức là “người địa phương” không do thiên triều đưa sang. Sử Tàu sau này cũng gọi Lý Bôn thổ nhân vì gia đình ông đã ở Giao Châu nhiều đời. Tất cả đã đồng hóa thành người Việt.
Keith Taylor nhận xét rằng hai đời họ Lý trong hai thế kỷ nói trên cho thấy các gia đình lớn gốc Hoa định cư ở Việt Nam chống ách đô hộ một cách triệt để hơn; khác gia đình Sĩ Nhiếp hơn hai thế kỷ trước. Tuy những ông “quan nổi loạn” trên đây chưa chính thức “ly khai” khỏi triều đình phương Bắc, chỉ dám xưng là thứ sử mà không xưng vương, xưng đế, họđã tạo ra những tiền lệ “tự chủ,” mở đường cho các phong trào giành độc lập sau này. Các thủ lãnh người Việt ở địa phương rút được kinh nghiệm của họ, chỉ chờ cơ hội “nhân lúc bên Tàu có loạn.”
Giữa thời Tuyên Tông nhà Đường (847-860), quan đô hộ Lý Khắc rất tham tàn. Tân Đường Thư kể ông ta giữ độc quyền bán muối, “bắt dân đổi một con trâu lấy một đấu muối khiến người An Nam không chịu nổi.” Đỗ Tồn Thành ở Ái Châu, thuộc một gia đình người Hoa đã sống tại nước ta từ thế kỷ thứ sáu, đã nổi lên, sau thua và bị giết năm 854 (có thuyết nói ông là một tù trưởng người Mán, liên kết với quân Nam Chiếu). Bốn năm sau, con trai là Đỗ Thủ Trừng lại cầm đầu một cuộc nổi loạn khác, bao vây La Thành, đòi đuổi quan đô hộ về Tàu. Cuộc nổi dậy thất bại, Thủ Trừng bị bắt rồi bị chém đầu. Hai cha con họ Đỗ chắc đã liên kết với các thủ lãnh gốc Lạc Việt ở trung châu và ở miền núi; cho nên binh lực của họ mới đủ mạnh để kéo từ Ái Châu (Thanh Hóa) tiến tới La Thành, gần Hà Nội bây giờ.
Các người nổi loạn kể trên cũng chỉ theo truyền thống của những hào kiệt trong lịch sử Trung Quốc. Họ giống như Trần Thắng, Ngô Quảng nổi lên hùng cứ một phương khi nhà Tần suy sụp. Những cuộc nổi loạn của họ chắc chỉ ảnh hưởng tới những vùng chung quanh các phủ, thành, nơi nhiều người Hoa sinh sống, nhưng cũng cho dân địa phương thấy việc lật đổ guồng máy cai trị do triều đình phương Bắc áp đặt có thể thực hiện được khá dễ dàng.
Nơi người quân tử ở
Hiện tượng người Hoa di dân đến nước ta trong thời Bắc thuộc dần dần trở thành người địa phương, là một đề tài đáng được chú ý, nghiên cứu nhiều hơn.
Trong số các di dân này, nhiều người tự ý tìm xuống sống ở Giao Châu. Đặc biệt mỗi lần chế độ thay đổi, lớp người có học ở bên Tầu nhiều lần chạy qua nước ta tị nạn vì họ không thể hợp tác với triều đình mới. Khi nghiên cứu công cuộc Hán hóa miền Nam Trung Quốc, các sử gia đã thấy nhiều Nho sĩ từ miền Bắc xuống các vùng Ba, vùng Thục, mở trường dậy học, truyền bá Nho giáo. Nhiều Nhà Nho chắc cũng sang nước ta như vậy. Những người này chắc phải sống bằng nghề buôn bán, hay bốc thuốc, dậy học. Họ gây ảnh hưởng trong xã hội và cũng chiu ảnh hưởng của phong tục phương Nam, dần dần thành dân bản xứ. Sử gia Trần Gia Phụng nhận xét: “… người Hoa di cư đến cổ Việt đã được Việt hóa, nói tiếng Việt và theo tập quán của người Việt, chứ người Việt không bị đồng hóa… ;” (Việt sử Đại cương, tập 1).
Khi chọn sống với người Việt, giữa xã hội người Việt, các Nho sĩ này chỉ thực hành lời Khổng Tử dậy. Nhận xét về “sức mạnh của người phương Nam,” Khổng Tử nêu ra hai đặc tính trái ngược với người phương Bắc: “Khoan nhu để dậy dỗ” và “Không báo thù cả kẻ vô đạo.” Và ông kết luận: “Người quân tử chọn sống ở đó!” (Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã. Quân tử cư chi, 寬柔以教, 不報無道, 南方之強也,君子居之; Trung Dung, 10).
Những người có học trong lớp người Hoa di cư, những viên quan biết chữ và các Nho sĩ đã sống ở Giao Châu một thời gian, họ quyết định “chọn nơi này làm quê hương” vì thấy người dân chung quanh quả thật “Khoan nhu dĩ giáo, Bất báo vô đạo.” Có những người làm quan ở Giao Châu, sau khi về nước rồi còn quay trở lại để sinh cơ lập nghiệp, con cháu hoàn toàn thành người Việt. Vì đó là nơi “người quân tử ở.”
Trong thời Bắc thuộc, có nhiều xung khắc giữa người Việt và di dân người Hoa; nhưng quan trọng hơn nữa là mâu thuẫn giữa di dân người Hoa cũ với triều đình mới. Người Trung Hoa qua Giao Châu không thuần nhất vì mỗi địa phương nước Tàu khác nhau, có khi khác biệt hơn đối với dân Lạc Việt. Cuộc nổi dậy của Lương Thạc vào thế kỷ thứ tư đã có những xung đột đẫm máu giữa các lớp di dân trước và sau, có thể trong cùng một thế hệ.
Nhà Tấn sai một viên thứ sử mới đem quân sang dẹp loạn, Lương Thạc đem binh sĩ của mình ra chống cự. Nhưng trước khi ra trận, LươngThạc đã hô hào thủ túc đi tìm giết rất nhiều “kiều dân.” Chữ “kiều dân” ở đây có nghĩa là những người từ Trung Quốc mới sang. Đây là lần đầu tiên sử sách ghi chép một vụ tàn sát tập thể các Hoa kiều như vậy. Cuối cùng Lương Thạc thất bại.
Trong cuộc nổi dậy của Lý Trường Nhân hơn một thế kỷ sau cũng xẩy ra một vụ tàn sát tương tự. Theo Tống Thư, khi quân nổi loạn bị tấn công họ cũng đi tìm “giết sạch những người lưu ngụ từ phương Bắc xuống, không chừa người nào.” Chính dòng họ Lý này cũng là di dân từ Trung Quốc, nhưng họ tự coi mình là người bản xứ. Sau hai vụ trên, không thấy nói về một phong trào chống Hoa kiều tập thể nào nữa.
Hai biến cố trên cho thấy các xung đột dai dẳng giữa các di dân cũ đã ở nước ta nhiều đời và đám di dân mới. Nguyên nhân cụ thể nhất chắc là do tranh chấp quyền lợi kinh tế. Mối xung khắc giữa những “người Hoa cũ” và “người Hoa mới” có thể phát sinh khi họ xuất thân từ các địa phương khác nhau. Hoặc những người trung thành với các triều đại cũ chống những người theo triều đại mới lên cầm quyền ở bên Tàu. Người theo vua mới bị các di dân cũ coi là thù địch. Nhưng các di dân định cư lâu đời cũng có lý do kinh tế khiến họ phải chống các quan lại.
Các di dân người Hoa sau nhiều đời sống ở Giao Châu đã trở thành địa chủ, hào phú. Quyền lợi của họ đồng hóa với quyền lợi của người bản địa vì cả hai đều thuộc thành phần “bị trị,” cả hai đều bị bóc lột. Những người gốc Hoa có thể bị sách nhiễu nhiều hơn, vì họ giầu có hơn. Sau mỗi lần triều đại bên Tàu thay đổi, các quan chức mới và đám tay chân của họ có thể từ miền khác tới, nói thổ ngữ khác những người đã sang từ đời trước. Các quan thường chỉ trị nhậm một thời gian, ai cũng mong sớm trở về quê hương, cho nên phải tìm cách vơ vét thật nhiều, thật nhanh. Trong khi đó các người gốc Hoa cũ thì tính con cháu họ sẽ ở lại Giao Châu mãi mãi. Hai bên quyền lợi khác hẳn nhau. Đám quan lại mới cử sang muốn chiếm đoạt của cải thì tốt nhất là sách nhiễu lớp người khá giả sống quanh thành thị. Đó là những người Hoa đã định cư nhiều đời. Những người này tạo thành một thế lực chống đối tự nhiên, vì quyền lợi của họ. Nhưng khi muốn lôi kéo được nhiều người ủng hộ, cùng nổi lên đuổi các tham quan tàn bạo, họ phải dựa vào tập thể đông đảo dân địa phương. Theo truyền thống của các di dân, họ phải giao hảo và tạo mối liên kết với các thủ lãnh người bản xứ.
Chưa đầy một thế kỷ sau vụ Lý Trường Nhân, một người gốc Hoa khác là Lý Bôn khởi nghĩa và được dân Việt ủng hộ. Sử nước ta ghi nhận gia đình Lý Bôn sống ở Việt Nam từ năm thế kỷ trước. Ông đã liên kết được với các thủ lãnh gốc Việt cùng khởi nghĩa. Đây là một khúc quanh trong lịch sử giành độc lập của dân Việt. Trước đó, thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, các thủ lãnh hoàn toàn là người Lạc Việt. Trong ba trăm năm tiếp theo, những cuộc nổi loạn chỉ ghi nhận binh sĩ gốc Hoa cầm đầu. Đến thế kỷ thứ năm, hai nhà hào phú cùng nổi lên, Lý Bôn gốc Hoa, và Triệu Túc thuộc dòng những gia đình lãnh đạo địa phương. .
Lý Bôn, hay Lý Bí, lớn lên trong thời Nam Bắc triều (420-588), Trung Quốc phân đôi. Tại phía Nam, sát biên giới nước ta, các triều đại Lưu Tống, Nam Tề, Lương, rồi họ Trần, thay nhau lên xuống. Sử nước ta nói tổ tiên ông từ Trung Quốc chạy loạn sang Giao Chỉ vào đầu thế kỷ thứ nhất, thời loạn Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Việt Nam Sử Lược nói ông thuộc đời di dân thứ bẩy; điều này chắc không đúng, vì sau năm thế kỷ thì đã trải qua trên 20 thế hệ. Cho nên nhiều sử gia giải thích rằng ông sinh ra sau khi họ Lý đã thành người Việt hoàn toàn được bẩy đời. Cũng có người giải thích gia đình họ Lý đã Việt hóa từ đời thứ bẩy, tức là trước Lý Bí ba trăm năm. Ông không thuộc dòng quan lại; đã Việt hóa hoàn toàn nên Sử nhà Lương mới gọi là “thổ nhân.” Lý Bôn người huyện Thái Bình, theo Khâm Định Việt Sử huyện này thuộc Phong Châu, nơicó truyền thống khởi nghĩa từ thời Hai Bà Trưng. Chắc chắn ông được giáo dục theo Nho giáo, vì ông từng sang giữ một chức quan nhỏ khi sang tìm việc làm ở kinh đô nhà Lương. Sau khi khởi nghĩa thành công năm 541, năm 544 ông tự xưng là Nam Việt Vương, sau mới được suy tôn làm Lý Nam Đế.
Nhà Tiền Lý đánh dấu một cột mốc trong ý thức độc lập của dân Việt. Hơn 600 năm sau khi nước Nam Việt của Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) bị nhà Hán xóa bỏ, có một người ở nước ta xưng đế. Ông đặt niên hiệu Thiên Đức. Hành động dứt khoát không dùng niên hiệu các ông vua bên Tàu trong các văn kiện hành chánh hay hiệu lệnh binh sĩ, là một cách xác định “Sơn hà cương vực đã chia!” Chúng ta chứng kiến cảnh dân tộc Việt chuyển hóa. Ý thức độc lập dân tộc của người Việt đã thay đổi rất nhiều so với thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu; khi người mình vẫn chỉ suy tôn các nữ anh hùng là Vương mà thôi. Hành động quyết liệt khác là Lý Bôn đặt quốc hiệu Vạn Xuân cho một quốc gia mới; chữ “Vạn” cho thấy ý định quốc gia kéo dài mãi mãi. Các hành động trên cho thấy vào lúc đó ý thức tự chủ của dân ta đã rất cao. Các quyết định lớn đó được các thủ lãnh người gốc Việt thuần túy hợp tác. Người cùng khởi nghĩa với Lý Bí là Tinh Thiều, cũng gốc Trung Hoa. Nhưng Lý Bí mời Triệu Túc làm thái phó, một chức vụ lớn nhất trong triều, theo lối xếp đặt từ đời nhà Chu bên Tàu.
Triệu Túc được sách sử Trung Hoa ghi nhận là một thủ lãnh sắc tộc ở Châu Diên. Khi Lý Bí còn điều quân tại mặt trận Cửu Chân, Triệu Túc đã tự dấy binh từ Châu Diên tấn công thủ phủ quan đô hộ nhà Lương, thứ sử Tiêu Tư phải hối lộ để tìm đường chạy trốn. Triệu Túc mời Lý Bí về thành, theo sử diễn tả, vì “cảm phục tài đức” của ông. Chắc ông phải là người gốc Việt thuần túy, có thể thuộc dòng dõi các lạc hầu đời xưa, mà từ đời Hán họ vẫn tiếp tục vai trò lãnh đạo ở địa phương.
Keith W. Taylor (The Birth of Việt Nam) nhấn mạnh tới vai trò Phật Giáo trong cuộc khởi nghĩa năm 544, đoán rằng Triệu Túc có liên hệ chặt chẽ với các cộng đồng Phật Giáo đang phát triển. Châu Diên nằm giữa sông Hồng và sông Đáy, cũng là quê hương của Thi Sách, chồng Bà Trưng. Sau đời Thi Sách, trong năm thế kỷ, đất đai lan rộng thêm ra biển, trở thành vùng đất nuôi dưỡng, bảo vệ di sản văn minh Lạc Việt. Phật Giáo phát triển trong vùng này khiến cho các nhà sư danh tiếng từ xa cũng phải tìm tới. Keith Taylor cho rằng chính Triệu Túc đã gợi ý cho Lý Bí lập các chùa Khai Quốc và chùa thờ Phật A Di Đà tại kinh đô, một hành động nhằm thu hút đa số dân theo Phật Giáo.
Hai người thể hiện cuộc hợp tác giữa người Việt tuần túy với con cháu người Việt gốc Hoa, khác với các cuộc nổi dậy của Lý Tốn hay Lý Trường Nhân trong hai thế kỷ trước. Mmột nhà hào phú gốc Hoa ở Phong Châu với một thủ lãnh Việt ở Chu Diên nhắc cho người dân nhớ đến quê hương của Hai Bà Trưng và Thi Sách. Lý Bôn phong Triệu Túc chức Thái Phó là thầy của vua, tỏ thái độ tôn trọng truyền thống văn minh Lạc Việt. Đây là lần đầu tiên có một liên minh chính trị lớn cùng hướng vào một mục đích thành lập một quốc gia mới.
Trong thời Bắc thuộc, mảnh đất giữ được truyền thống Lạc Việt bền bỉ và vững vàng nhất, với tinh thần đề kháng cao nhất, là từ sông Mã trở vào. Trong một cuộc hành quân ở Cửu Chân, vùng Thanh Nghệ Tĩnh bây giờ, Lý Bí chỉ huy quân chống Lâm Ấp. Lý Bí kể ông đã được Bà Triệu hiển linh phù trợ, cho nên sau đó đã phong thần và lập miếu thờ Bà. Ông tỏ lòng tôn kính một nữ anh hùng người Việt thuần túy, để thu phục lòng người. Việc phong thần Bà Triệu, người Thanh Hóa, cũng biểu tượng cho cuộc liên minh giữa tầng lớp lãnh đạo mới trong vùng sông Hồng với những người Việt còn giữ gốc cũ chiếm đa số tại vùng sông Mã. Hai vùng Mê Linh và Chu Diên (phía Bắc và Nam Hà Nội) đều chịu ảnh hưởng Hán hóa; nhưng ảnh hưởng không sâu đậm như các vùng gần biển hơn, có nhiều di dân người Hoa hơn, cũng là nơi phát xuất các gia đình như họ Khúc hoặc nhà Trần sau này.
Uy tín của Lý Bôn lan rộng khắp châu thổ sông Hồng nơi phát xuất của dân tộc Việt. Phan Huy Lê, trong bài viết về Kẻ Giá, (Tìm Về Cội Nguồn, II) đã nghiên cứu sự tích Lý Phục Man, một vị tướng của Lý Bôn, có thể cũng mang tên khác là Phạm Tu. Làng Kẻ Giá, tên chữ là Cổ Sở, nằm trong một vùng bên sông Đáy, đã có dân cư ngụ từ giai đoạn văn minh Gò Mun (hơn 3000 năm trước) và Đông Sơn (2, 300 năm trước). Đây là một làng cổ nhất, nằm giữa cái nôi của dân Lạc Việt. Các truyền thuyết và lịch sử đều ghi nhận Lý Phục Man sinh trưởng tại Cổ Sở, sau đã được dân làng thờ làm thần. Ông từng theo giúp Lý Bôn đi chống quân Lâm Ấp tại vùng Nghệ Tĩnh; sau được giao cho trấn nhậm ở Ba Vì. Ông được vua ban cho họ Lý. Sau ông tử trận trong cuộc chiến kháng cự quân nhà Lương; tới thế kỷ 11, đời nhà Lý sau, ông được dựng tượng, lập đền thờ. Tại Kẻ Giá, mỗi năm đến ngày Hội Giá có lễ “Niêm Quân.” Trong lễ này, dân Kẻ Giá thuộc nhiều lớp tuổi, cả nam và nữ khi biểu diễn “đều ăn mặc, nai nịt gọn gàng, xếp thành đội hình hàng một, đi vòng xoáy trôn ốc rồi tụ họp lại trước sân đình.” Mỗi lớp tuổi mặc quần áo mầu khác nhau, hàng năm biểu diễn như một cuộc duyệt binh. Phan Huy Lê kết luận đó là một hình thức “diễn tả cảnh dân làng đi theo người anh hùng đánh giặc cứu làng cứu nước.”
Trước đời Lý Bôn hơn hai trăm năm, họ Sĩ cũng gồm những người gốc Hoa đứng ra tự lập, cai trị mấy đời. Nhưng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, khi bị quân nhà Ngô sang đánh, “Sĩ Huy họp ‘tông binh’ chống cự quân Ngô.” Tông binh tức là những quân lính riêng của một gia đình, cùng một họ với thủ lãnh. Có thể đoán họ Sĩ thất bại vì binh lực vẫn chỉ dựa vào họ hàng, tức là những người gốc Hoa khác, chứ không được các thủ lãnh của dân Việt ủng hộ. Có lẽ người dân gốc thuần Việt vẫn nhìn họ Sĩ như người ngoại quốc. Gia đình Lý Bôn đã Việt hóa rồi, cho nên cuộc khởi nghĩa thành công.
Tuy thời kỳ Tiền Lý tổng cộng chỉ 60, 70 năm nhưng đã tạo ảnh hưởng quyết định. Người Việt dứt khoát lập một nước có quốc hiệu, có hoàng đế và niên hiệu riêng; tiếp tục chốn ngoại xâm suốt hai thế hệ mới chịu thua. Với những kinh nghiệm như vậy, người Việt càng ý thức dân mình có khả năng trở thành một quốc gia độc lập, không chấp nhận đóng vai một châu, một quận của Trung Quốc nữa.
Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí cho thấy những người Việt vùng sông Hồng và những người gốc Hoa đã cộng tác với các thủ lãnh thuộc giòng máu Việt. Sau đó, từ thế kỷ thứ sáu các lãnh tụ cầm đầu các cuộc nổi dậy đều xuất phát từ xã hội Việt cổ truyền.
Thế lực của các thủ lãnh địa phương người Việt đã mạnh hơn, có thể do nhiều nguyên nhân. Dân số đã tăng lên, nông sản và thực phẩm dư dùng đủ cho các nhà hào nuôi thêm người làm những nghề nghiệp khác và dân quân để tự bảo vệ an ninh. Họ có thể đón các “ông đồ” về nuôi để dậy con cháu trong làng biết đọc biết viết. Nhiều gia đình cho con học với ước vọng làm quan, nhưng bị hạn chế, những “sĩ tử” này trở về sống bên các nông dân. Những kiến thức về sử sách Trung Hoa cho họ hiểu quyền hành do đâu mà ra, biết lịch sử luôn luôn biến đổi, các tay hào kiệt đều có cơ hội lập nghiệp vương bá, và họbiết cơ cấu quản trị của người Hán như thế nào. Mạng lưới xã hội của người Việt được củng cố qua các làng xã; thêm vào đó là những cộng đồng Phật Giáo đã được xây dựng trong nhiều thế kỷ.
Chiến lược tối ưu là cộng tác
Người Hoa di cư sang nước ta có rất nhiều lý do để hội nhập vào xã hội người Việt; nhưng có lẽ kinh tế là yếu tố mạnh nhất, và dễ hiểu nhất.
Nhiều người Hoa đã nhờ thế lực các quan đô hộ trở thành địa chủ. Những người muốn lập nghiệp vĩnh viễn phải tìm một “chiến lược tồn tại” lâu dài.
Những di dân khi đến một vùng đất mới, đều nhận ra sống tử tế hòa hợp với dân địa phương là chiến lược “tối ưu.” Trừ những người chỉ đến với ý định chinh phục, bóc lột, rồi về nước. Cho nên trong suốt thời Bắc thuộc, những người Hoa tính chuyện sống lâu dài ở nước ta tất phải chọn con đường sống hòa hợp với người chung quanh. Đó là chiến lược tối ưu, vì quyền lợi kinh tế tự nhiên của chính họ. Chỉ theo kinh nghiệm trước mắt họ cũng thấy một quy tắc thực tế: Ai đối sử tử tế, nhân đạo, sẽ được mọi người cộng tác, được kính trọng, và sau cùng sẽ thành công về kinh tế.
Đất Giao Châu trong thời Bắc thuộc, cứ một hai thế hệ lại biến loạn; lúc do binh lính, lúc do dân chúng nổi lên. Mỗi lần như vậy, thế nào nhiều kẻ gian cũng lợi dụng đi cướp bóc; hiện tượng vẫn xẩy ra đời xưa cũng như đời nay. Vì quyền lợi lâu dài, tự nhiên các di dân người Hoa phải tìm cách sống hòa hợp với dân bản xứ. Chiến lược tối ưu này giúp họ, trước hết, không bị hàng xóm đến cướp nhà mình. Hơn nữa, ai tử tế sẽ được người chung quanh che chở, bảo vệ. Ngược lại, nếu có tay hào phú nào mượn thế quan lại mà chèn ép, chiếm ruộng đất, đối sử tàn ác với nông dân, khinh miệt người Việt chung quanh, thì mỗi lần có biến loạn sẽ bị nhiều người tìm đến trả thù.
Suốt thời Bắc thuộc, các vụ biến động không ở nơi này thì nơi khác là một “cơ chế gạn lọc” mà các di dân Trung Hoa phải trải qua. Dù người giầu hay nghèo, vai quan lại hay chỉ là binh lính, lúc nào họ cũng biết mình thuộc một nhóm thiểu số rất dễ bị phân biệt, bị thanh lọc. Chính quyền đô hộ không đủ sức bảo vệ tất cả những địa chủ tham lam và đám thuộc lại nhũng nhiễu mỗi khi có loạn. nhiều lần, chính các quan cai trị cũng không tự bảo vệ được chính họ.
Chỉ những di dân tử tế mới sống được; cho nên ai quyết định ở lại lâu dài cũng cần hội nhập với dân Việt. Cơ chế gạn lọc này khiến họ đứng về phía dân địa phương. Họ học nói tiếng Việt, dấu hiệu quan trọng nhất, dễ thấy nhất, để được nhìn nhận là người Việt. Cứ thế, qua nhiều đời, dần dần họ thành người Việt. Ngày nay chúng ta thấy những trung tâm tụ tập người Việt gốc Hoa ở những “phố Khách“ “phố Hàng Buồm“ hay “Chợ Lớn,” như những thế giới riêng. Nhưng đó là phó sản của thời Pháp thuộc, chính quyền có chính sách ưu đãi Hoa kiều để chia rẽ họ với người Việt và lợi dụng họ. Tại các trung tâm này có những người Hoa mới di cư tới vài ba đời, chưa thoát ra khỏi “ghét tô” nên vẫn giữ các phong tục, ngôn ngữ cũ. Ngay trong các ghét tô đó, người ta vẫn phân biệt gốc Hẹ, gốc Tiều, gốc Mân (Phúc Kiến) hay Quảng (Quảng Đông); các nhóm phân biệt với nhau. Sống ngoài ghét tô thì họ nhanh chóng nhập vào xã hội người Việt.
Trong thời Bắc thuộc, nông nghiệp còn là hoạt động kinh tế quan trọng nhất, các đô thị chuyên vào thương mại chưa phát triển, chắc các di dân người Hoa không thể sống như trong “ghét tô,” mà phải phân tản sống lẫn với người Việt. Người Hoa ở Việt Nam hội nhập dễ dàng vì khi đến nước ta họ không bắt buộc phải thay đổi quá nhiều, không như người Á châu đến sống ở một nước Tây phương hay một xứ Hồi Giáo. Trong đời sống gia đình, nền nếp đạo đức, tinh thần tôn trọng học vấn, thì người Việt và người Hoa giống nhau.
Hơn nữa, người Trung Hoa sang Việt Nam sau mấy đời đã biến thành người Việt cũng vì họ không thiết tha đối với một “quê cha đất tổ” như thói quen của người Việt ly hương bây giờ. Vào thời Bắc thuộc Trung Quốc chưa phải là một dân tộc hay một “quốc gia.” Di dân thời đó không “ra đi mang theo quê hương” như một khẩu hiệu của những người Việt tị nạn năm 1975. Nước Trung Hoa là một tập hợp của nhiều sắc dân, không thuần chủng. Riêng tỉnh Quảng Đông đã có rất nhiều sắc dân; họ khác nhau không kém gì họ khác người Việt. Cho nên, việc người Hoa hội nhập vào xã hội Việt Nam không phải là một lựa chọn quá khó khăn.
Giữa thế kỷ thứ chín, một viên quan cai trị cũ là Vũ Hồn, gốc Phúc Kiến, đã bỏ về Tàu khi binh lính bất mãn nổi loạn vì phải phục dịch tu sửa La Thành. Quân sĩ đã đốt cháy tháp canh và cướp kho lương thực. Về quê cũ một thời gian, ông Vũ Hồn tự ý quay trở lại Giao Châu làm một thường dân. Ông đến lập nghiệp ở làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Theo tiểu sử mà họ Vũ còn giữ đến nay, ông trở lại “vì thích đất An Nam.” Làng Mộ Trạch nổi tiếng về văn học. Theo Vũ Phương Đề, tác giả Công Dư Tiệp Ký, sinh năm 1679, tám thế kỷ sau khi cụ tổ định cư ở nước ta, đến thế kỷ 18 làng Mộ Trạch đã sản xuất 39 người đậu tiến sĩ, trong số đó 30 người thuộc họ Vũ.
Những người Hoa đã Việt hóa tự nhiên nối kết với những người Việt đã Hán hóa ít nhiều. Tình liên đới giữa người bản xứ và các di dân còn chặt chẽ hơn khi họ phải đối phó với những tai họa chung. Khi quân Nam Chiếu từ Vân Nam đánh xuống; quân nhà Đường bất lực trong những năm đầu, để dân bị tàn phá, cướp bóc. Người Việt và các di dân gốc Hoa thấy họ không thể trông cậy vào chính quyền. Cả hai bên phải hợp tác với nhau để tự vệ. Tương tự, các cuộc tấn công, cướp bóc của quân Lâm Ấp vào châu Hoan, châu Ái cũng thúc đẩy sự hợp tác của các di dân với người Việt bản xứ.
Hai dòng sông hội nhập
Quá trình hội nhập của người Hoa dễ dàng còn vì một hiện tượng quan trọng khác, là trong dân bản xứ cũng có những người muốn học lối sống Trung Hoa; dù không phải để biến thành người Hán. Văn hóa Trung Hoa tự nó đủ hấp dẫn đối với dân các nước chung quanh. Khi muốn học hỏi nghề thương mại, hay khi muốn gia nhập guồng máy hành chánh, họ tự nhiên tìm học. Không riêng những người học chữ Hán để làm thuộc lại, nhiều gia đình khá giả người Việt cũng muốn con cái được giáo dục theo các quy tắc Khổng Mạnh. Các tăng sĩ Phật Giáo cũng tụng đọc các kinh sách chữ Hán, và dùng các kinh sách đó khi dậy tín đồ.
Cho nên có thể nói trong thời Bắc thuộc có hai dòng sông hội nhập song song theo hai chiều ngược nhau. Nhiều người Hoa được Việt hóa nhưng nhiều người Việt cũng muốn hội nhập vào văn hóa Trung Hoa mà không thể nói họ vọng ngoại. Vì trong thời gian đó Trung Hoa chưa là một dân tộc, chưa phải một quốc gia. Đó là tập hợp của rất nhiều sắc dân, sống dưới những vị hoàng đế lên xuống.
Các di dân gốc Hoa và những người Việt chấp nhận Hán hóa sống ở những trung tâm, các thị trấn mới mọc lên, trở thành một tầng lớp đóng vai trò “tiến bộ” trong xã hội. Họ có cơ hội cầm quyền thì càng tự tin vào khả năng tự chủ. Cùng thời gian đó, trong xã hội cổ truyền, nơi người Việt sống xa các thành thị, gần núi rừng, sông biển, các hào trưởng gốc người Việt cũ vẫn đóng vai lãnh đạo. Những nơi thờ tự, đền, chùa vẫn là các trung tâm bảo vệ nền nếp văn minh cổ của dân Lạc Việt. Những người Việt chịu Hán hóa và những người Hoa Việt hóa chỉ là thiểu số, nhưng họ có những kiến thức và kỹ thuật mới, địa vị xã hội cao hơn người chung quanh. Khi lớp người lãnh đạo cổ truyền cũng hợp tác với họ, dân tộc Việt đã thay đổi.
Trong hai dòng sông hội nhập song hành và ngược chiều, người Việt tự nguyện Hán hóa và người Hoa thích ứng sống theo lối Việt, dòng sông nào mạnh hơn sẽ lôi cuốn dòng kia. Nếu số người Việt muốn hóa thành người Hoa đông hơn; nếu tốc độ hội nhập của họ nhanh hơn; nếu họ có cơ được triều đình đón nhận họ nhiều hơn; thì sau một ngàn năm số người Việt biến thành người Hoa sẽ rất đông. Sau đó, nước Việt Nam có thể trở thành một quận, một tỉnh của Trung Quốc. Những người muốn phản kháng tới cùng sẽ kéo nhau lên núi sống, trở thành những nhóm thiểu số như những người Choang, người Bạch tại các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam bây giờ.
Nhưng chúng ta đã thấy kết quả ngược lại. Khi hai dòng sông hội nhập ngược chiều này gặp nhau, hiện tượng Việt hóa mạnh hơn Hoa hóa, cả hai hợp lại chảy theo một chiều thôi. Số người Hoa chịu Việt hóa đông hơn, họ được xã hội chung quanh đón nhận dễ dàng, và họ đã thành công trong cuộc sống làm dân Việt cho nên khuyến khích nhiều di dân khác. Các di dân đã hội nhập vào xã hội Việt Nam; rồi sau cùng, họ cùng với dân Việt thành lập một quốc gia độc lập. Cùng thời gian đó, người gốc Lạc Việt học hỏi, tiếp nhận các thành quả của văn hóa Trung Hoa, khi độc lập rồi vẫn còn dùng được.