
TÂM THƯ
Đã nhiều năm rồi, Phật Tử Việt Nam cử hành đại lễ trong niềm hân hoan tự hào về một ngày lễ Vesak trọng đại được xưng danh một cách trang trọng là “Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc.”
Phật giáo là một trong bốn tôn giáo lớn của nhân loại. Con số Phật Tử dù vậy cũng chỉ khoảng 400-600 triệu. Với con số khiêm nhường đó, tiếng nói của Phật giáo không có ảnh hưởng gì đáng kể trong các quyết định của Liên Hiệp Quốc về vận mạng của các dân tộc trên thế giới. Phật Tử Việt Nam chính thức đón nhận “Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc” từ năm 2008. Từ đó đến nay, những phát biểu bởi các đại biểu từ nhiều nước tán dương Đức Phật quả là quá nhiều, nhưng chưa có bất cứ đóng góp thiết thực đáng kể nào cho khát vọng hòa bình của nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột bởi chính quyền của nước mình; bị đe dọa bởi tham vọng bá quyền của nước lớn.
Thực tế đang diễn ra như vậy không phải là minh chứng hiển nhiên cho giáo thuyết của Phật viển vông, không giải quyết được những vấn đề nóng bỏng của thời đại, sự thoái hóa của địa cầu. Chính vì những người tự nhận là Phật Tử, tự xưng là Như Lai Sứ Giả, đã không đánh giá đúng mức các giá trị thế tục vốn đã và đang cống hiến cho nhân loại nhiều phương tiện cần thiết để giảm thiểu những đau khổ hành hạ thân xác, và trong một số trường hợp, giảm thiểu những ưu tư bức bách dẫn đến rối loạn tinh thần, bất an, sợ hãi. Mặc dù Kinh điển, Luận thư nói không ít về nguyên lý khế lý và khế cơ. Thế nhưng, trong sự rao truyền giáo pháp hiện tại, khế lý và khế cơ bị che khuất bởi các hiện tượng ma quỷ chập chờn, bởi những khuyến cáo làm sao để được âm hồn phò trợ, bởi khoa xem tướng để biết người này còn phước nhiều, hay người kia sắp hết phước; những điều mà chính Đức Thế Tôn đã cảnh giác Tôn giả Đại Mục-kiền-liên dù có năng lực thần thông cũng không được nói những điều chính mình thấy cho những người không thể thấy. Nói những điều mà người khác không thể thấy không thể biết, không thể chứng minh nó đúng hay sai; và điều này dẫn đến khả năng lừa gạt những kẻ nhẹ dạ, mù quáng dễ tin, và tất yếu diễn trò yếu ngôn hoặc chúng, nói những chuyện yêu ma quỷ quái để mê hoặc quần chúng.
Đó là hiện tượng thực tế đang diễn ra, nó xuyên tạc giáo nghĩa mà Đức Thích Tôn đã truyền dạy. Đó là điều mà Đức Thích Tôn đã ví dụ như chiếc thuyền tải đầy vàng đang lướt sóng ngoài khơi không bị chìm bởi sóng gió giông bão mà chìm vì chính trọng tải quá mức của nó.
Và thêm một thực tế lịch sử. Thủa xưa, khi vua tôi binh tướng nhà Trần, từ triều đình cho đến thôn dã, từ lão ông cho đến thiếu niên, đã hy sinh thân mạng vì sự sống còn của dân tộc, thì một số khác, trong đó có rất nhiều hoàng thân quốc thích, phản bội đất nước, chạy theo giặc. Khi hòa bình tái lập, hồ sơ những kẻ phản bội được dâng lên triều đình để trừng trị đích đáng. Vua Trần Nhân Tông tức thì truyền lệnh đốt đi tất cả, để cho dù kẻ thắng hay người bại, dù cho những kẻ phản bội hay những người trung thành, thảy đều là con dân cùng một tổ quốc, hãy quên đi những sai lầm quá khứ, hãy xóa đi dấu vết nghi kỵ, cơ hiềm, cùng nhìn nhau, cùng đối xử với nhau trong tình tự dân tộc. Đấy là ngọn cờ nhân ái, bao dung, không chỉ giương cao trên một đất nước nhỏ bé, mà còn trên đỉnh cao của lịch sử nhân loại tiến bộ trong một nền văn minh nhân ái.
Tinh hoa ấy của dân tộc đã không được kế thừa. Gần nửa thế kỷ trôi qua từ khi hòa bình thống nhất được lập lại, hận thù dân tộc giữa các anh em cùng chung dòng máu tổ tiên lại không thể bao dung nhau. Và ngay chính trong giới Phật Tử, kế thừa Phật giáo truyền thống Trúc Lâm của Đức Điều Ngự Giác Hoàng cũng không thể quên đi những mâu thuẫn tị hiềm quá khứ, quyết loại trừ nhau. Ta không giải thoát được hận thù trong ta làm sao giải thoát hận thù nơi người. Không thể hòa hiệp vì không thể giải thoát hận thù, hoặc không thể quân phân quyền lợi; đây là quy luật tâm lý học, không thể chối cãi, lại càng không thể biện minh với bất cứ biện luận nào y trên Thánh giáo.
Thế nhưng, khó khăn cho Phật Tử Việt Nam hiện không có đầy đủ Kinh điển để có thể phán đoán điều gì có hay điều gì không thấy có trong Kinh.
Chính vì ý thức được điều này, Viện Tăng Thống GHPGVNTN, năm 1973, đã tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng Phiên Dịch Tam tạng. Chư Tôn thuộc hàng Giáo Phẩm Trung ương, dưới sự chỉ đạo của Viện Tăng Thống, cùng với sự hỗ trợ của Chư Thượng Tọa Đại Đức đang phụ trách giáo dục tại các trường Cao Đẳng Phật Học và Đại Học, đồng vân tập về Viện Đại Học Vạn Hạnh để thảo luận cơ cấu tổ chức, chương trình phiên dịch, quy định các quy tắc phiên dịch, phương thức duyệt sách, v.v… cho đến đề án xây dựng cơ sở Pháp Bảo Viện làm trụ sở của Hội Đồng Phiên Dịch.
Dự án vĩ đại này không tồn tại lâu, do tình hình chiến sự căng thẳng dẫn đến ngày 30 tháng Tư. Cho đến nay, trong số 18 thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch lần lượt viên tịch, chỉ còn duy nhất HT. Thích Thanh Từ trong trạng thái bất hoạt. Tâm nguyện của Thầy Tổ có cơ đứt đoạn.
Những gian nan khổ nhọc trong chiến tranh khói lửa, những ức chế bởi thế lực cường quyền, một thời, Chư Tôn Giả ấy đã viết lên trang sử dày những công trình văn hóa giáo dục, không dày với những đấu tranh bạo lực. Hàng hậu bối, thế hệ tiếp nối, bằng ý chí, bằng tâm đức, bằng trí tuệ, như thế nào để kế thừa di sản cao quý ấy, để phát huy tinh hoa dân tộc ấy?
Nửa thế kỷ đất nước hòa bình, nhưng dân tộc thì không hòa bình. Nửa thế kỷ Đạo Pháp trùng hưng, nhưng Tổ ấn không trùng quang. Làm sao để thực hiện ý chỉ thi thiết giáo luật của Đức Thế Tôn, hóa giải những xung đột trong Tăng bằng biện pháp cuối cùng là “như thảo phú địa”?
Hy vọng mong manh là một số ít các Thầy Cô trẻ, những vị chưa bị mê hoặc bởi các giá trị thế tục, chưa bị ô nhiễm bởi địa vị vinh quang được thế quyền phong tặng; những vị mà sơ tâm xuất gia chưa biến thành đồng ruộng hoang hóa, tạm đủ để gọi là ruộng phước cho nhiều người; những vị ấy sẽ bằng nghị lực tinh tấn, tự ý thức sứ mệnh của người xuất gia, cùng một thầy học, cùng hòa hiệp như nước với sữa, kế thừa những gì Thầy Tổ tâm nguyện mà chưa hoàn thành, giữ sáng ngọn đuốc Chánh Pháp trong đêm trường sinh tử tối tăm; giữ sáng và thắp sáng ngọn đuốc bao dung, nhân ái, để trao truyền cho các thế hệ tiếp nối, vì sự thanh bình phúc lạc của dân tộc, vì sự hạnh phúc an lạc của nhiều người, của muôn sinh.
Để cho Đại Lễ Phật Đản được cung kính cử hành trong tâm của mỗi người con Phật, bốn chúng đệ tử hãy cùng dũng mãnh phát khởi Bồ-đề nguyện, quyết định Bồ-đề hành, thăng tiến không thoái chuyển trên Thánh đạo, vì pháp vị tịnh lạc và giải thoát tự tâm, vì sự tăng ích lợi lạc của cộng đồng dân tộc và nhân loại.
Cầu nguyện Chánh Pháp trụ thế lâu dài, Dân tộc hòa hiệp tương thân tương ái. Cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Cẩn chí
Phật lịch 2565, Tân Sửu, 20-5-2021
Cố vấn Chỉ Đạo HĐHP
Thiện thệ tử Thích Tuệ Sỹ
___________________________________________
* Như thảo phú địa (Trích Pháp Diệt Tránh của Tỳ Kheo Thích Nguyên Chứng):
Nghĩa đen của thuật ngữ này chỉ sự rải cỏ che lấp đất, bất kể là bùn sình hay cát sỏi, bất kể là đen hay trắng. Nó cũng được dịch là như thảo bố địa, hay như thảo yểm địa. Ý nghĩa giống nhau.
Căn bản của quy tắc này là sự sám hối tập thể, hay phổ đồng sám hối. Nhưng trong khi áp dụng vào các tránh sự, quy tắc này bao gồm hai phương diện. Phương diện thứ nhất, với ý nghĩa là sám hối. Phương diện thứ hai, với ý nghĩa là hòa giải.
Nói là sám hối tập thể vì phạm tội tập thể. Tức toàn thể Tăng trong trú xứ ấy phạm tội hết, không còn sót lại một Tỳ-kheo thanh tịnh nào để làm tác chủ thọ sám. Trong cách sám hối tập thể này, chỉ nêu tổng chung rằng: “Chúng ta đều phạm nhiều tội”. Chứ không nêu rõ tội danh của từng thiên và từng người, giống như sự rải cỏ che lấp bất cứ bùn sình cát sỏi mà không phân biệt thứ nào cả, nhất loạt khỏa lấp hết. Tuy nhiên, các tội phạm được tổng chung trong phép sám hối này cũng chỉ bao gồm các tội từ thiên ba-dật-đề trở xuống. Các Tỳ-kheo nào phạm tăng tàn, thâu-lan-giá phải tác pháp riêng, theo luật định về thể thức sám hối của các tội này. Nếu phạm ba-la-di, bị diệt tẫn chứ không cho sám hối.
Về phương diện thứ hai, khi toàn thể Tăng trong một trú xứ chia thành hai phe kình chống nhau, nếu không còn biện pháp giải quyết nào thỏa mãn, thì biện pháp cuối cùng là tất cả đồng ý dẹp bỏ vấn đề, khỏa lấp hết, không phân biệt trắng hay đen giải quyết, cũng không truy cứu nguồn gốc phát khởi tranh sự nữa. Đây là ý nghĩa hòa giải.
Tuy có hai phương diện với hai ý nghĩa của vấn đề, nhưng căn bản vẫn là sự sám hối tập thể. Tùy theo trường hợp, hoặc sám hối vì tập thể đồng phạm tội, hoặc sám hối để chấm dứt tranh chấp, thể thức tác pháp có một số chi tiết hơi khác nhau. Dưới đây nêu điển hành trường hợp sám hối để chấm dứt tranh chấp.
Cố nhiên, tại một trú xứ tranh chấp như vậy, trong đó cũng có người nhận định đúng, chứ không phải tất cả đều sai. Nhưng người có nhận định đúng, có trí tuệ cũng đành bất lực. Tuy bất lực trong khả năng giải quyết thị phi, nhưng nỗ lực tái lập sinh mệnh của Tăng là sự mệnh cao cả. Do đó, những vị này khi ý thức được tính cách nghiêm trọng của vấn đề, sẽ đứng ra đề nghị một biện pháp hòa giải cuối cùng. Vị này sẽ trình bày trước Tăng rằng:
“Thưa các Trưởng lão Chúng ta tranh chấp vấn đề này đã quá nhiều và quá lâu rồi. Vì sự tranh chấp ấy, khiến chúng ta có những hành vi không phù hợp sa-môn pháp, nói rằng không chừng mực, vào ra đi đứng không thuận oai nghi.”
“Nếu chúng ta truy cứu vấn đề này, tội lỗi sẽ càng thêm sâu dày. Sự tranh chấp không được diệt trừ như pháp, như tỳ-ni, như giáo huấn của Phật, khiến các Tỳ-kheo không thể sống trong an lạc. Nếu các Trưởng lão chấp thuận, tôi nay sẽ vì các Trưởng lão tác pháp như thảo phú địa để sám hối tội này.”
Đấy là lời tác bạch đề nghị của Tỳ-kheo thủ lãnh của một trong hai phe nhóm đang tranh chấp. Đối lại, trong phe kia, một Tỳ-kheo thủ lãnh hoặc được đề cử đại diện đứng ra tác bạch đề nghị phổ đồng sám hối. Nội dung tác bạch cũng như văn dẫn trên. Sau khi cả hai phía đều đồng ý tác pháp sám hối như thảo phú địa, cả hai đồng cử một Tỳ-kheo làm yết-ma sư. Vị này tác pháp yết-ma đơn bạch:
“Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay đối với sự tranh chấp này tác pháp sám hối như thảo phú địa. Đây là lời tác bạch.”
Tiếp theo đó, vị thủ lãnh hay Thượng tọa trong một phe đại diện cho các Tỳ-kheo nhóm phe mình bước ra đảnh lễ Tăng, tác pháp sám hối với lời tác bạch như sau:
“Tôi nay do bởi sự tranh chấp mà phạm các tội, trừ các trọng tội và yết-ma ngăn không đến nhà bạch y. Nếu các Trưởng lão chấp thuận, tôi nay vì các Trưởng lão và vì bản thân sám hối theo pháp như thảo phú địa.”
Đại diện của phe còn lại cũng làm và nói như thế. Tác pháp sám hối trên đây là theo Tứ phần (922c).
Văn bạch các bộ khác đương nhiên cũng khác, nhưng đây cũng là do kỹ thuật hành văn. Điều đáng nói là tất cả các bộ đều nêu điển hành sám hối tập thể vì tranh chấp mà gây tội, chứ không nêu điển hình sám hối vì tập thể phạm tội do các nguyên nhân khác. Nhưng, bản chất của như thảo phú địa là sám hối, và thể thức là tập thể phổ đồng sám hối. Cho nên, trong thực tế nó cũng còn được áp dụng cho các trường hợp tập thể phạm tội vì những nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân tranh chấp. Dù vậy, duyên khởi của nguyên tác này là do nguyên nhân tranh chấp, nên các bộ chỉ nêu điển hình ấy mà thôi. Các trường hợp áp dụng khác phỏng theo đó mà thực hiện.
Nói tóm lại, sau khi đã tác pháp phổ đồng sám hối, ngoại trừ các tội và yết-ma đã nói, còn lại các vi phạm khác trong thời gian tranh chấp từ nay trở đi không Tỳ-kheo nào được phép nhắc nhở đến nữa, để khơi lại đấu tranh. Ai cố ý khơi lại, phạm ba-dật-đề, Tăng sẽ như pháp xử trị.[1]
_______________________________________
[1] Tứ phần, ba-dật-đề 66, Pāli, pācit. 63.