
Ảnh minh họa | Internet
Cái câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn này mà nếu không được trả lời một cách thấu đáo thì sẽ không cách gì xây dựng được một nền giáo dục tiến bộ. Vì sao thế? Vì nó là cốt lõi triết lý của một nền giáo dục.
Từ những vị “lãnh đạo” đến người dân Việt bây giờ hay nói câu “học để làm người”. Cái câu ấy tuyệt đối đúng. Nhưng thế nào là “làm người” và nhất là học thể nào để có thể dám / được “làm người” thì không mấy ai trả lời cho rành rọt được. Học để làm người (hay như cách ông Bộ trưởng nói là “dạy người”) là một câu khẩu hiệu mơ hồ, vô thưởng vô phạt và không có mấy ích lợi nếu muốn kiến tạo một nền giáo dục tốt.
UNESCO đề xướng rằng “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Trong 4 trụ cột này thì “học để biết” được đặt ở vị trí đầu tiên, làm cơ sở cho 3 trụ cột sau. Cái “biết” này không đơn thuần là kiến thức; nó là nhận thức, là tư duy, là trí tuệ. Một nền giáo dục đúng đắn phải lấy việc phát triển trí tuệ làm mục đích đầu tiên và căn bản nhất. Một kẻ ngu dốt thì khó mà tốt được, có chăng đó cũng chỉ là một may mắn tình cờ.
“Học để biết” thì trước hết phải tôn trọng sự thật, chân lý phải trở thành đền thiêng. Và như thế, tinh thần này hoàn toàn xa lạ với những thêu dệt và dối trá, xa lạ với những giáo điều và “định hướng”. Lời nói dối không thể được biện minh.
Thứ nữa, “học để biết” là biết tư duy, chứ không phải thu thập kiến thức. Chỉ có tư duy mới là chiếc chìa khóa của sáng tạo và kiến tạo, là cánh cửa mở vào thịnh vượng và hạnh phúc. Nếu không hiểu điều này thì người ta sẽ dồn toàn bộ nền giáo dục vào việc theo đuổi kiến thức; một lối giáo dục áp đặt nhồi nhét tất phải ra đời và thống trị nền giáo dục ấy. Từ đó, nó quay lại hủy hoại tư duy và năng lượng sống của cá nhân. Điều này đang diễn ra trong giáo dục Việt Nam.
“Học để biết tư duy” thì sẽ không có sự phân biệt về bản chất của sự học giữa các môn KHXH và KHTN. Không phải các môn xã hội thì là học thuộc lòng còn môn tự nhiên mới tư duy. Một quan niệm như vậy là tai hại. Cả hai đều phải tư duy, chỉ là chất liệu và phương cách khác nhau mà thôi.
Chừng nào chúng ta còn nói ú ớ kiểu “học để làm người”, dạy là “dạy người” thì chừng ấy nguy cơ bị giáo điều rao giảng vẫn còn treo lơ lửng trước trán người học. Chỉ có trí tuệ sáng suốt, khỏe mạnh, nhạy bén mới có thể giúp con người trở nên lương thiện một cách đầy đủ và dài lâu. Trí tuệ (tư duy) phải đi trước để dẫn đường cho con người bước vào thế giới của lòng tốt.
Thấy nhiều người thuộc “lề” phản biện có tư tưởng “cải cách” nhưng vẫn sa vào lối giáo điều đạo đức mơ hồ của những tín niệm xưa cũ. Điều ấy chỉ tiếp tay thêm cho những chính sách nô dịch thâm hiểm của những kẻ đang điều khiển cái xã hội này.
Thái Hạo