
Cố Đại Lão Hoà Thượng THÍCH HỘ GIÁC (1928 – 2012) | Ảnh: GHPGVNTN
1.
Từ căn bản, Đại Hội 2004 không chỉ để hợp nhất hai chi GĐPT tại Hoa Kỳ, một là bên Vụ GĐPT thuộc VP2, Viện Hóa Đạo, và một là BHDTƯ/GĐPT/VN/HK, bấy giờ Anh Nguyên Tịnh Trần Tư Tín làm trưởng ban. Đại hội năm đó cố gắng hợp nhất tất cả các chi GĐPT khác nữa đang hành hoạt tại Hoa Kỳ. Khi đại diện các bên ngồi lại được với nhau trong những dịp hội họp trước đó, đã là một bước tiến quan trọng bằng sự tôn trọng tính hiện hữu của nhau. Những khái niệm “truyền thống” hay “không truyền thống”; những câu từ “chính quy” hay “không chính quy”; “ái hữu” hay “Ban điều hợp, điều hành” cho đến “ai lớn-ai nhỏ”; “ai trên-ai trước”; “ai cựu-ai tân”; “ai công-ai tội” v.v. và v.v… đã được xóa nhòa, ít ra là trước thời điểm mà tất cả đang vận động hướng về một kỳ đại hội toàn quốc chính thức.
Tôi nhớ bấy giờ có hai buổi họp mặt quan trọng nhất phải kể khi các anh ngồi lại bàn thảo là một ở nhà hàng Đồng Khánh, tại Little Sài Gòn. Sau đó là một buổi họp mặt tại nhà anh chị niên trưởng Phúc Thiện Ngũ Duy Thành. Cả hai buổi này đều đầy đủ những vị trưởng niên đang giữ vai trò lãnh đạo các Chi GĐPT nói trên: 1. BHDTƯ; 2. BHD thuộc Vụ VP2; 3. Ái Hữu Vĩnh Nghiêm; 4. Đoàn Huynh Trưởng Truyền Thống; và 5. BHD California.
Với những diễn trình như vậy, bao thế hệ trưởng trẻ làm sao không mừng, làm sao mà không đặt hết niềm hy vọng và làm sao không sẵn sàng tham gia vào những công tác chuẩn bị đại hội.
Nhưng tiếc! Đại Hội 2004 đúng ra là dịp hợp nhất không chỉ hai Chi GĐPT trước đó vốn dĩ là một, đã tách rời ra, mà đại hội lẽ ra còn mong thống hợp được các Chi GĐPT cùng màu cờ, màu áo đang hiện hành bấy giờ. Song, “truyền thống đoàn kết bất khả phân” của tổ chức như một tấm vải nhàu, cũ, người người trong lúc quá nhiệt tình khâu vá, lại trì, rứt nên vá được lỗ này, lại rách mãnh kia.
Đại hội 2004, như tôi nói, chỉ đạt được một mục đích là GĐPTVN tại Hoa Kỳ thể hiện tinh thần “sắp sẵn”, nghĩa là tuân thủ tuyệt đối ý chỉ của Cố đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, “Giáo Hội cần có một tổ chức GĐPT”, để hậu thuẫn cho công cuộc phục hoạt GHPGVNTN bên quê nhà, mà liên đới là VP2/VHĐ. Không khí ngày đó, trong lẫn ngoài nước, mấy ai mà chẳng sôi nổi, nức lòng. Cho nên, riêng mục đích “hợp nhất” của Đại Hội thì coi như hoàn toàn thất bại. Bởi hoàn cảnh lúc đó, xét hai mục đích chính, tất nhiên mục đích thứ hai mặc nhiên đã được một số anh chị xem là thứ yếu!
Buổi họp mặt anh chị em hai Chi GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, với sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Từ Lực,
nhân tang lễ Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn | Ảnh: Quảng Pháp
Về sau, khi được anh Tâm Tựu Sử Thành hội ý, tôi có đề nghị anh ghi thêm “công cuộc vận động hợp nhất GĐPTVN/HK vẫn cần phải được tiếp tục…” trong bản Quyết Nghị. Và cho đến nay, trên thực tế vẫn còn bao tấm lòng của Chư Tôn Đức, của Anh Chị Trưởng niên hoặc trẻ ấp ủ, thao thức, và vận động. Việc làm này chưa bao giờ là muộn, bởi tổ chức chúng ta được thử thách để tồn tại bằng thước đo thời gian và lịch sử gần một thế kỷ đầy sóng gió chứ không phải lúc nào cũng êm ả.
Rút cuộc, tính “đoàn kết bất khả phân” của GĐPTVN vẫn được nhắc nhở trong sinh hoạt đoàn thể chúng ta cần được nhìn lại, đánh giá từ lăng kính lịch sử của phong trào, của những ngày phôi thai, vượt khó để tồn tại chứ không phải là việc của một giai đoạn nhất thời, dựa trên một vài nhân tố và tiêu chí hạn cuộc.
Cho nên, đại hội 2004 không đủ sức làm cho tổ chức đánh mất tính đoàn kết. Đại hội chỉ không đủ sức làm cho tổ chức bền chặt hơn, lớn mạnh hơn lẽ ra có thể.
Bài viết này không nhằm viết lại lịch sử của một giai đoạn 2004 trở về sau, đặc biệt là đại hội 2004 với hy vọng giúp anh chị em có một điểm nhìn chung. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc tới hình ảnh của Ôn Hộ Giác (1928-2012), và tính pháp lý của văn bản Nội Quy-Quy Chế GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, được Ôn khán ngày 23 tháng Sáu, 2006, bấy giờ là Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ. Từ đó cho đến nay, dù trải qua mấy đại hội tu chính, đây là văn bản duy nhất, mang tính truyền thống và pháp lý của GĐPT trong lòng GHPGVNTN, dẫu cho Ôn có còn trụ thế hay đã viên tịch, dẫu cho Ôn chỉ có một giai đoạn ghé qua cuộc đời này. Đây lại là văn bản kết tinh ý chí của một tập thể GĐPT mà với thời gian, tình huống, nghịch duyên… dù tổ chức phải lâm vào hoàn cảnh phân rã, chia cắt đi nữa, thì vẫn mang đầy đủ tính “đoàn kết bất khả phân” lịch sử. Lịch sử bằng máu và nước mắt của bao thế hệ đã từng sống và chết vì lẽ đó.
Bản Nội Quy-Quy Chế này, không chỉ mới có từ sau đại hội 2004.
Chúng ta, dù đứng ở đâu, đây chính là tính thường hằng của truyền thống đoàn kết bất khả phân của tập thể đoàn viên GĐPTVN.
Niên Trưởng Nguyên Tịnh Trần Tư Tín và Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai | Ảnh: Quảng Pháp
2.
Năm đó, hai ngày trước Đại Hội chính thức ở chùa Diệu Pháp, Monterey Park. Nửa khuya bước từ nhà anh chị Trí Minh Lê Văn Chiếu ra xe, Quảng Hoàng Lê Hữu Minh Huy nói như trách: “Tui chưa bao giờ thấy chú hỗn với bác Mai như vậy”. Tôi chẳng chịu nguôi, nói với Huy: “Còn có hai ngày nữa đại hội, phải làm găng với bác Mai như vậy mới được. Chú phải hiểu tính bác Mai.”
Số là tối đó anh Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai chia sẻ một vài dự tính cho đại hội. Tôi không đồng tình. Đơn giản vì tôi dự phần vào những buổi hội họp của các Anh ở hai buổi gặp gỡ quan trọng kể trên. Và tôi thấy manh nha sự thất bại nếu như anh không giữ được lời hứa mà vô tình hoặc hữu ý, đã để cho tất cả mọi người, mọi phía đặt lên người anh niềm tin bấy giờ. Tôi thấy sự khó, và thất bại manh nha ngay từ tối hôm đó dù không nói thật bụng với Huy, ngay lúc Huy trách. Bởi, cổ nhân có nói, một khi anh muốn làm cho tất cả được hài lòng, nghĩa là kết quả sẽ không có ai hài lòng với mình cả. Tình huống buổi đó là như vậy. Anh Mai có tham vọng chăng, có quá chủ quan về khả năng và điều kiện cho phép lúc bấy giờ? Và, cuối cùng lẽ ra anh nên thẳng thắn với anh em, rằng, anh không làm được điều mà anh em trao gởi.
Mãi cho đến khi một nửa phái đoàn BHDTƯ rời Đại Hội, tôi biết là không thể vãn hồi được điều gì. Làm sao có thể mường tượng hoàn cảnh bi đát đến như vậy. Đại Hội vẫn tiếp diễn, với ngổn ngang niềm vui nỗi buồn, để duy trì một mục đích còn lại.
Buổi tối, tôi và Huệ Thông Nguyễn Thanh Tâm kéo anh Như Minh Ngô Tấn Cúc ra hiên chùa, rồi thưa: “Anh Tín, các anh chị lớn đã bỏ ra đại hội. Bây giờ còn lại Đoàn Cựu Huynh Trưởng các anh thôi, coi như là những anh chị lớn của các em. Bây giờ là lúc các anh giang đôi cánh ra mà bảo bọc các em…” Có lẽ thấy đám trẻ tha thiết, Anh và Đoàn Cựu Huynh Trưởng đã ở lại Đại Hội tới giờ phút cuối, dù trước đó nhấp nhỏm cũng xuôi lòng muốn rời đi.
Buổi họp mặt anh chị em hai Chi GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ,
nhân tang lễ Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn | Ảnh: Quảng Pháp
3.
Hôm Anh Mai trở lại Mỹ, ngồi trên xe đưa anh xuống thăm Hòa Thượng Thích Quảng Thanh đúng vào giờ lâm chung. Trên xe nhắc lại vài kỷ niệm cũ, Anh bảo: “Con lấy điện thoại ra thâu, đây coi như là những lời trăng trối của bác” (tôi và anh Mai vẫn xưng hô với nhau là bác-cháu từ buổi đầu). Tôi nói: “Con nghĩ điều bác cần làm bây giờ, là họp mặt tất cả những anh chị em ở cấp hướng dẫn cao nhất của tổ chức, nói cho hết, cho trọn mọi việc. Chứ không để tình trạng trên không biết dưới muốn gì. Dưới không biết trên đang làm gì…” Tình trạng mà trong, ngoài giẫm đạp nhau từng nguyên tắc, lý lẽ…
Tôi nhắc lại giai đoạn phôi thai của Ban Hướng Dẫn Thế Giới, của Ban Hướng Dẫn Hải Ngoại, tâm tình của Niên Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu khi minh định tính chất hữu hạn của Ban Điều Hợp bằng những kỳ “hội nghị” mà không phải là “đại hội”; ẩn trong mọi văn kiện hành chánh “trực thuộc”, “thống thuộc”, “liên thuộc” cho đến việc công nhận có sự “biệt lập” là một cuộc vận động “hợp nhất” không ồn ào nhưng đầy hiệu quả. “Biệt lập” mà vẫn liên hệ, vẫn nhịp nhàng chung phật sự thì sự biệt lập như vậy không ngoài khế lý khế cơ, lấy phương tiện mà đạt cứu cánh.
Niên trưởng Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy và Sư Cô Huệ Tâm,
tức Niên Trưởng Lệ Từ Nguyễn Thị Thu Nhi | Ảnh: Quảng Pháp
4.
Tôi chưa bao giờ tin vào “tập thể sáng suốt”, càng không tin cá nhân sáng suốt hơn tập thể. Buổi Cơm Thân Mật năm đó, để bước qua cái ngưỡng khó đầu tiên mà tiến đến Đại Hội 2004, cũng tổ chức ở chùa Diệu Pháp. Trên bàn chứng minh Ôn Hộ Giác ngồi ròng mấy tiếng đồng hồ, có lúc cúi gằm mặt, ôm trán, mệt mỏi. Ôn không chỉ nghe lời than thở, mong cầu của một phía Tổng Vụ, hay của BHDTƯ thôi, Ôn còn phải nghe và trả lời với Ôn Huyền Quang, Quảng Độ…
Buổi Cơm Thân Mặt lần đó, chúng ta, lại một lần tưởng “tập thể sáng suốt”, nhưng đã đánh mất một nhân duyên lành, một giải pháp nên chọn nếu chúng ta biết vừa vặn đủ, biết mình. Đó là thành lập Ban Điều Hợp với sự tự nguyện gánh vác của Chị Lệ Từ Nguyễn Thị Thu Nhi, nay đã xuất gia, với đầy đủ đại diện các Chi GĐPT lúc bấy giờ, thay vì cưỡng cầu, cố đẩy tới một đại hội hợp nhất, khi mà điều kiện và hoàn cảnh tâm tư anh chị em vì nhiều lý do, chưa thật sự sẵn sàng.
Tôi có nhắc lại sự kiện này với anh Quảng Giải Huỳnh Kim Hóa vài tuần trước, như chia sẻ một kinh nghiệm chung, khi có dịp trò chuyện với anh qua điện thoại. Dù sao tôi vẫn tin tưởng chúng ta chưa bao giờ mất đoàn kết, khi chưa có một tổ chức nào phủ nhận văn kiện pháp lý, truyền thống minh nhiên như một khai sinh của mình: Nội Quy-Quy Chế GĐPT Việt Nam, cho dù trổ nhánh là GĐPTVN tại Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu hay Âu Châu.
Mặc Cốc, một ngày nhớ Ôn và lời cuối bên giường bịnh với Pháp lữ: “Thôi…, lỡ hết rồi”.
Thiệt quá cảm, thương! “Lỡ” không phải để mượn thời gian buông xuôi. Lời Ôn trăng trối, “lỡ” để tha thứ, vì thương Đạo, xin làm lại những thâm tình.
13 tháng Ba, 2021
Quảng Pháp Trần Minh Triết
TIỂU SỬ
Cố Đại Lão Hoà Thượng THÍCH HỘ GIÁC
(1928 – 2012)
- Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
- Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
- Nguyên Tổng Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
- Nguyên Thành Viên Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.
- Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sỹ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
- Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
- Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
- Nguyên Phó Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
- Nguyên Tổng Thư Ký Hội Đồng Lãnh Đạo GHPGVNTN Hải Ngoại.
- Nguyên Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo GHPGVNTN.
- Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ.
- Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN Tại Hoa Kỳ.
- Viện chủ Chùa Pháp Quang, Chùa Nam Tông, Chùa Xá Lợi Phật Đài.
- Viện chủ Chùa Pháp Luân, thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.
Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, thế danh Ngô Bửu Đạt, sinh ngày 14-1-1928 tại Phnom Penh, Cambodia. Thân phụ Ngài là cụ ông Ngô Bảo Hộ (Tức cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiện Luật – Nguyên Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất). Thân mẫu là cụ bà Lưu Kim Phùng. Gia đình gồm hai chị em. Bào tỷ là cố tu nữ Diệu Đính (thế danh Lưu Kim Đính). Gia đình lập nghiệp tại tỉnh Praey-veng – tức Lò-veng.
- Năm 1934, sau khi thân mẫu qua đời, thân phụ Ngài gởi bào tỷ là Bà Lưu Kim Đính cho người dì – cụ bà Ngô Thị Dần nuôi dưỡng và dẫn Ngài đến Chùa Prek-reng (Cần Ché) xuất gia tu học. Thân phụ Ngài xuất gia Pháp danh là Thiện Luật và Ngài xuất gia làm giới tử.
- Năm 1940 Ngài được thọ giới Sa-di tại chùa Sri-Sagor, Pháp danh là Hộ Giác (Buddha Pāla).
- Năm 1948 Ngài Thọ Tỳ Kheo cũng trong thời gian này Ngài đang theo học tại trường Cao Đẳng Phạn Ngữ Pali tại thủ đô Pnom Penh. sau đó Ngài tốt nghiệp cao đẳng Phạn ngữ – Pali với hạng ưu. Về sau, Ngài đi tham cứu thêm tại các quốc gia Phật Giáo: Miến Điện, Tích Lan.
- Năm 1954, Ngài cùng phái đoàn Phật Giáo Cambodia tham dự Đại Hội Kết Tập Tam Tạng lần thứ VI tại thủ đô Ngưỡng Quang, Miến Điện. Nhưng đặc biệt khi gặp phái đoàn Tăng-già Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, Ngài đã đến xin Ngài trưởng đoàn Phật Giáo Cambodia được về với phái đoàn Việt Nam. Nhờ thông thạo Phạn ngữ, Ngài được tuyển thỉnh là một trong 2.500 thành viên chính thức tham dự nghe tuyên đọc kết tập Tam Tạng.
- Năm 1957, Ngài hồi hương trở về Việt Nam. Lúc bấy giờ Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam thành lập và Ngài được suy cử đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký đầu tiên của Giáo Hội.
- Năm 1958, Ngài kiến tạo chùa Pháp Quang, và nơi đây trở thành ngôi trường Phật Học đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam, do Ngài làm Viện Trưởng. Ngôi học viện này đã đào tạo nhiều bậc Tăng tài Phật Giáo Nguyên Thủy . Như quí Hòa Thượng, Thượng Tọa: Hòa Thượng Kim Triệu, Hòa Thượng Bửu Phương, Hòa Thượng Tịnh Giác, Hòa Thượng Minh Giác, Hòa Thượng Thiện Nhân,… đều xuất thân từ đây.
- 1963 Pháp nạn, Ngài cùng Ban Chưởng Quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam tham gia Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, đấu tranh bảo vệ Phật Giáo.
- Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập. Ngài đã đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp… Bấy giờ, Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng được thành lập, Ngài được suy cử vai trò Phó Giám Đốc (Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo là Thượng Tọa Thích Tâm Giác).
- 1965, Ngài đã kiến tạo ngôi chùa Nam Tông với tâm nguyện thành lập Phân Viện Đại Học Phật Giáo Nam Tông thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Bên cạnh những Phật sự trên, Ngài cũng dành được thời gian biên soạn, trước tác và dịch nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm, soạn phẩm được nhắc đến là: Tình mẹ, Trúc Lâm dậy sóng, Tình đời ý đạo, Tình bạn, Thanh Văn sử, Cuộc đời và sự nghiệp Đại Đế A Dục Vương… v.v…
- Năm 1981, Ngài rời Việt Nam
- Năm 1982, Ngài định cư tại Hoa Kỳ.
- Năm 1983, Ngài cùng với 8 vị nguyên thành viên của Hội Đồng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại. Ngài đã được thỉnh cử vào cương vị Tổng Thư Ký Hội Đồng.
- Năm 1985, Ngài thành lập Chùa Pháp Luân tại Houston, Texas Hoa Kỳ. Và khi Giáo Phật Giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam Hải Ngoại thành lập, Ngài cũng được Chư Tăng Thỉnh cử vào ngôi vị Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam tại Hải Ngoại.
- Năm 1992, Ngài cùng chư Tôn Đức và quý cư sĩ thành lập Uỷ Ban Vận Động và hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ. Sau đó, được Đại Lão Hòa Thượng Đệ IV Tăng Thống Thích Huyền Quang ủy nhiệm hình thành Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Ngài là Chủ Tịch và kiêm là Chủ Tich Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ.
- Năm 2008, do sự thỉnh cầu của Hội Đồng Lưỡng Viện, đức Đệ IV Tăng Thống ban hành giáo chỉ suy cử Ngài lên tôn vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
- Năm 2010, Nhận thấy sức yếu kém, Ngài thu xếp lại những phật sự mà thay vào đó là tu dưỡng thân tâm, tịnh dưỡng trong tịnh thất tại Chùa Pháp Luân.
Năm 2012 Sức khoẻ của Ngài đã suy yếu dần. Và cuối cùng Hòa Thượng đã xã thân tứ đại vào lúc 6 giờ 20 phút, ngày 5 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Thìn, Phật lịch 2556). 84 năm trụ thế, 64 năm hạ lạp.Tỳ Kheo Trí TịnhCẩn Bút