
Di ảnh Huynh trưởng tiền bối hữu công, Nguyên Thân Lê Khắc Kỷ,
Ủy viên Nghi lễ và Lịch Sử, GĐPT Miền Quảng Đức
___________________________
QUẢNG PHÁP: LỊCH SỬ LÀ NHỮNG LẦN LÊN ĐƯỜNG, MIÊN TỤC: Tôi vẫn để thời gian, thường xuyên theo dõi, hầu như rất kỹ những thông tin của anh chị em áo lam, trong lẫn ngoài nước; cùng chung một đơn vị mình sinh hoạt hay khác. Những hình ảnh, bài viết thể hiện từng bước tiệm tiến tu tập, và những tâm tình buồn vui màu áo… Cảm xúc lúc nào cũng thấy vui, và lo. Sự chứng đắc nào, bao giờ cũng thấp thoáng nghịch hạnh.
Rất nhiều lần, khi đọc những tản văn của trưởng Nhật Lực, một người áo lam của một nửa Miền Quảng Đức. Tôi xin đề nghị, từ nay, anh chị em chúng ta nên thực tập một cách nhìn, và gọi nhau như vậy, được không? Chúng ta là một nửa của nhau chứ không phải là hai thực thể khác biệt, xa cách. Sự xa cách nếu có, chỉ là sự phân thân cho một giai đoạn lịch sử, cần nhìn theo hướng bao quát hơn, trên nền tảng Bi, Trí và Dũng. Điều đáng tiếc là, bằng phương pháp nhận định sử quan, lâu rồi, chúng ta không được hướng dẫn để đạt đến một nhận thức chung.
Lần nào đóng lại những tản văn của Nhật Lực, dường như không lần nào mà không mỉm cười. Điều cảm nhận được trong mỗi tản văn của Nhật Lực là một phần để thấy tấm lòng đam mê tu tập và siêng năng thực hành của bạn. Nhưng phần khác thâm trầm hơn, Nhật Lực đã gợi nhớ hình ảnh của Trưởng niên Nguyên Thân Lê Khắc Kỷ. Bình sinh Anh Kỷ trông giống Cụ Phan Khôi, đặc biệt chòm râu và đôi mắt đen tròn. Nhất là tròn xoe mỗi khi họp Ban Hướng Dẫn Miền, anh em “khiển trách” anh. sao không viết lại lịch sử của Miền? Những lúc đó nhìn khuôn mặt Anh vốn hiền lành, càng hiền lành hơn.
Người tu, lúc đối diện với những nghịch hạnh, càng nghiệt ngã oan khiên, càng tỏa ra đức Nhẫn và tâm Từ…
Thuở đó, Anh Kỷ là Ủy Viên Nghi Lễ và Lịch Sử của Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Đức. Việc Nghi lễ thì dễ thực hiện thôi. Nhưng Lịch sử thì không phải viết sao cũng được. Mặc dù thông thường là như vậy, người ta nghĩ viết sử là sự việc diễn ra làm sao thì viết y như vậy. Không sai! Đó là nói một cách chủ quan. Người Viết Sử Lam ngoài sự hiểu biết chuyên môn của mình, ngoài kiến thức xã hội sâu sắc của mình, và tâm chánh trực, còn nghĩ làm sao để viết bằng Ái ngữ. Để những trang sử dù có buồn hẩm hiu trong một giai đoạn anh em chia phôi, cũng là những liều thuốc để ngày mai chữa lành vết thương hôm qua. Đó mới thật là người trông xa, thấy rộng. Thuở đó nhiều người viết, nhiều người nói. Nói trên báo chí Gia đình Phật tử không đủ, nói lan ra cả báo chí cộng đồng xã hội. Nói ở mọi nơi mọi lúc. Duy chỉ mỗi một mình Trưởng Nguyên Thân Lê Khắc Kỷ vẫn đủ thâm trầm, dư tỉnh táo chọn sự “lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”. Nhất tâm với chính mình và nhất tâm cùng đại thể áo lam. Vì viết và nói thì ai cũng có thể viết và nói được. Nhưng im lặng trong hiểu biết, bao dung với tình thương rộng lớn thì không phải ai cũng làm được.
Lịch sử đang được viết lại và viết tiếp, và có một thể lịch sử không văn bản, mà trên đó sự sống, nhiệt huyết xây dựng tương lai vẫn tuông chảy trong dòng máu của bao thế hệ kế thừa. Phảng phất trên từng dòng chữ Nhật Lực gõ xuống, tôi vẫn thấy anh Nguyên Thân mỉm cười, tự tại, nhìn các con ngày mỗi ngày hơn, dõng mãnh lên đường.
Lịch sử, là những lần lên đường miên tục như vậy.
___________________________
Tu Thiền, Con Đuờng Giác Ngộ Ngắn Nhất
Huynh Trưởng Nhật Lực Lê Khắc Long
Hình ảnh: Quảng Thanh Sang Văn
Huynh trưởng Nhật Lực Lê Khắc Long, (thứ hai, hàng ngồi, từ trái sang)
Đứng chờ nhau cũng một mình
Vô thường đi đến, diệt sinh luân hồi
Một mình đi đến chia phôi
Ghé rồi thăm hỏi, chẳng mong ở hoài
Chợt tỉnh mộng thấy lạc loài
Nghiệp đeo dính mãi còn đòi tranh đua
Hơi thở hờn dỗi là thua…
Sáng nay, 31/10/2020, trời chưa sáng, tôi thắp hương trước bàn thờ Phật, niệm danh hiệu Bổn sư, thói quen của mỗi buổi sáng không có gì làm lay chuyển, trong không gian lặng thinh tôi cảm nhận hương vị thanh thoát tỏa lan.
Nắng đã lên, tôi từ tốn theo về hướng núi thực hành hạnh vô ngã vô nhiễm, tôi đi gội rửa lớp bụi đọng lại của cuộc đời, tôi đi chuyển hoá cái nghiệp dính mắc trên thân phận con nguời, tôi đi tìm nơi gởi gắm tâm lin , gạt bỏ mưu sinh, đi tìm Chánh niệm để tĩnh tâm, “Một ngày học Thiền”.
Trên đường đến trung tâm tu học Thích Quảng Đức, thành phố Sanbernadino, khói sương mù trải dài che kín lối đi. Rồi sương mù cũng nhẹ nhàng tan đi, mà sự mệt mỏi, rã rời mưu sinh còn thấm, đeo bám vấn vương quanh mình. Tôi đứng thả hồn vào giữa cơn tỉnh mộng, đi tu học là đi tìm con đường xa lánh phiền não, là đi tìm cái sai của mình để sửa đổi bản thân, đi tìm lại chính mình mà bao năm tháng lao theo dòng xoáy cuộc đời rồi quên đi niềm an vui, tìm lại chính mình, diệt trừ phiền não, vô minh…
Gặp Anh Chị Em, những gương mặt thân quen khoá Huyền Trang 5, đặt biệt chúng Quảng Đức 1, chúng Quảng Đức 4, tinh tấn chào nhau, tay bắt mặt mừng. Anh Chị Em từ San Diego đến từ sớm sau 2 tiếng miệt mài chạy xe… Quý Anh chị em là những người Dũng mãnh vượt qua 3 năm trường kỳ Bậc định, gặp nhau là vui, là hát. Hát lời thân thương, hát lời Phật bảo…
Mái ngói ngã màu theo thời gian nhưng vẫn còn lưu lại một thời vang tiếng. Anh Chị đi trước vẫn kể cho các Em đến sau nghe những câu chuyện khác thường của màu Áo Lam lần theo dấu chân của người tỵ nạn, lắm lúc nghe như huyền thoại với những chi tiết thêm thắt truyền miệng, huyền thoại đi theo sự thăng trầm của tuổi đời, theo sự thăng trầm của dân tộc Việt, đánh dấu cột mốc ly tán vỡ tổ 30/4/1975.
Bạch Thầy Huệ Phúc, Sư cô Tịnh Ngọc, tôi chấp tay cúi đầu. Gương mặt hiền từ của Thầy khiến người mới gặp lần đầu tiên đều cảm mến, vì sự thanh thoát, bình dị giữa vùng gió chướng. Đó là cảnh trời vi diệu, nơi đầy lý tưởng của đời xuất gia tìm Đạo: “Thầy không mong cầu gì hơn được thấy các Anh Chị đến Tu học ngày càng đông”. Giọng Thầy hoan hỉ lạ thường
Rồi Thầy thoăn thoắt quét lớp lá đọng trên sân, trên áo, trên Chánh điện, Thầy trải tấm thảm, tôi phụ một tay. Nơi đây tôi nghe mùi đất quê hương, tôi nghe mùi nắng ấm quê nhà, tôi nghe mùi hương thơm chơn chất. Rất dễ thương, rất thân thiện không phân biệt.
Thầy xuất gia từ nhỏ, theo học Pháp với Hoà Thượng Thích Thanh Từ, càng đạt cảnh giới thậm thâm càng an nhiên cả tâm lẫn tướng. Thầy là vậy đó.
Bốn mùa xuân hạ thu đông
Đầu xanh tóc bạc, nâu sòng đã phai
Thăng trầm sự thế đổi thay
An nhiên tĩnh lặng, nụ cười bao dung
Thời gian trôi nhanh. MC Quảng Thịnh điều hợp chương trình Tu Thiền với đầy đủ nghi thức, bằng giọng Huế hơn nữa đời người lưu lạc của Anh không hề phai. Lời Anh nói rõ, chắc có tưới thêm những trầm tư mà thế hệ chuyển tiếp đang chờ gạch nối Huyền Trang 5, niên khoá 2020-2022.
Nghi thức sám hối vội qua, tâm tình của những Anh Chị vượt qua Bậc định để tiếp nối bước chân của Ngài Huyền Trang bộc bạch từng có những khi bất lực không thể vượt những chướng duyên. Từng người một tỏ bày nỗi niềm mà Anh Em đồng hội đồng thuyền mới hiểu hết… Cuộc sống cho chúng mình nhiều vất vả, vừa mưu sinh vừa tâm linh. Chị Thu bộc trực tâm sự: “- Khi được biết BHD MQĐ cho đi Huyền Trang. Em mừng qúa, cám ơn quý Anh Chị!”; Chị Hồ thị Bé không nói mà hát, chị hát “Thuyền và biển” của Sư Nhất Hạnh, khiến những tấm lòng nhỏ hẹp phải giật mình. Chị Phó trưởng ban MQĐ, Nguyễn Lương Giang, thì khuyên các Em trong cuộc đời Huynh Trưởng sẽ có những bất đồng nhưng đừng bất hoà là được.
Ánh nắng chiều nghiêng vội, lớp học Thiền được Thầy THÍCH HUỆ PHÚC giảng dạy, những pháp môn đưa đến an vui khi tâm vắng lặng, khi bạn thành đạt tâm vắng lặng thì thấy sự vật đúng, khi đó trí tuệ cũng phát triển, tuệ minh sẽ diệt vô minh. Cái tâm bị ái dục làm ô nhiễm ắt không giải thoát được bởi khi đó trí tuệ bị chôn vùi, giác quan của lục căn sẽ đưa chúng ta đi lạc lối.
An trụ chắc với tâm định bằng pháp niệm hơi thở, hướng tâm về Thiền định, thấu hiểu thực tướng của vật, thấy rõ bản chất, hiểu được chính mình, hiểu được những ảo tưởng vô căn cứ, khi tâm vắng lặng, bình tĩnh thì thân khẩu ý định, trí tuệ sáng suốt, những tư tưởng bất thiện ngủ ngầm được tiêu diệt tận gốc rễ. Hít vào, thở ra quán chiếu về sự buông bỏ những điều không thể đem đến lợi lạc.
Thực tập thiền định bằng phương pháp Quán niệm hơi thở là phương pháp đi thẳng vào tâm thức bằng nghị lực và ý chí của chính mình. Ta chỉ việc ngồi xuống, và cứ ngồi yên đấy, có nghĩa là ta bỏ ra ngoài tất cả những gì trong đầu, chỉ trừ cái ý thức tỉnh giác về sự ngồi thiền của mình mà thôi.
Thiền định ở mức độ cao nó còn có cộng thêm một yếu tố mới, và được nhấn mạnh hơn, đó là tỉnh giác. Kết quả là một sự tĩnh lặng sâu sắc, điềm tĩnh khi gặp chướng ngại, kiểm soát được mọi hành vi của bản thân những hoạt động tâm lý chậm lại, với một cảm giác rất an vui, tỉnh giác, đầy trí tuệ quang minh.
Thầy Thích Huệ Phúc chia sẻ thêm “Dứt bỏ suy nghĩ về quá khứ, chưa nghĩ đến tương lai mà chỉ quan tâm đến hiện tại, không để bất cứ điều gì chi phối mà trái lại dùng chúng làm đối tượng để tỉnh thức bạn sẽ thấy sự an lạc trong mỗi phút giây”
Tâm định rồi như liều thuốc kháng sinh chống lại tác nhân gây nhiễm qua tâm ý rồi cho ưu phiền, khi đó thân khẩu ý sẽ điềm đạm, vì thân và tâm là một sợi dây vô hình không thể tách rời nhau. Một tâm hồn trong sáng, sâu lắng cũng làm cho thân của ta trang nghiêm, đẹp đẽ hơn.
Ngày trôi mau, tôi nguyện kiên trì với pháp môn Thiền định, kiên định với lý tưởng làm đẹp cuộc đời, đánh tan nghiệp duyên trên con đường sen trắng. Ngưỡng mong mười phương chư Phật hộ trì cho tất cả người con Phật một ngày tu học, một đời tu học nhằm đem lợi lạc cho bản thân, gia đình, xã hội. Xin Bồ đề tâm kiên cố, phuớc Huệ trang nghiêm, nguyện lấy Thiền định làm nền tảng để đi tới cảnh giới tâm bình.
Ánh nắng chiều nghiêng vội, hoàng hôn phủ xuống nhanh, dây thân ái chia tay, tôi trở về nơi chốn đã ra đi…, cuộc hành trình xa xôi ngàn dặm cũng chỉ bắt đầu một bước đi, dẫu nhanh hay chậm không chấp tướng, hễ đã đi thì sẽ đến.
Tôi nghe tiếng chuông chùa trải đều như buổi sáng sương mai, nhưng rung chắc, nhẹ nhàng mà dứt khoát…
Nhật lực Lê khắc Long