
Đàn chim bay ngang phố. Xao xác tiếng cánh vỗ. Con quạ già trên nhánh cây hè phố ngước nhìn một lúc, rồi im lặng sà xuống đất, nhảy lò cò vài bước với một chân bị què, tiếp tục kiếm ăn.
Phố im lạ thường. Những con đường vắng xe đã vơi mùi khói xăng từ những ngày trước. Lan tỏa đâu đây hương bạch đàn hòa lẫn với mùi nước cống vẫn ngày đêm chảy ngầm dưới lòng đất. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ của xe cứu thương băng ngang góc phố xa. Khách bộ hành mang khẩu trang chỉ chừa lại hai mắt ngầu đục sau gọng kiếng râm, không sao nhìn ra được vẻ đẹp tráng lệ của một bình minh tràn ngập nắng tàn xuân.
Gió mai lành lạnh trong công viên thành phố. Ông già ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gấp mang theo từ nhà. Hai vợ chồng trẻ khoác áo gió dắt chó đi bộ quanh bãi cỏ xanh. Một cơn gió mạnh thổi qua làm cho những hàng cây rùng mình buông lá úa. Giờ không phải mùa thu, cũng chưa vào hạ, mà lá vàng vẫn rơi lác đác, trông như những cánh bướm cải nhởn nhơ trong gió. Nhưng không, chỉ trong thoáng chốc, những cánh bướm đã nằm im trên lá cỏ. Những đợt gió tiếp theo không còn kéo theo lá. Chỉ có hơi lạnh phả trên da ông già mặc áo ngắn tay vì đinh ninh hôm nay trời nóng.
Vài con quạ tưởng rằng có thể làm tan tác một đàn chim.
Anh nài nhỏ bé vẫn luôn tin rằng có thể chế ngự con voi suốt đời.
Cáo mượn oai hùm, qua năm tháng, quên mất cái oai của mình chỉ là vay mượn dựa dẫm mà có; cứ đinh ninh như thật rằng muôn loài đều ngưỡng mộ và tuân phục phong độ của chính mình.
Những con người, chỉ với vẻ ngoài của làn da, mặc nhiên tự nhận mình như là hàng thượng đẳng của nhân loại, vênh vênh tự đắc ngay cả khi phải sống trong nghèo cùng vật chất, và rỗng tuếch tri thức; xua đuổi, tấn công, mạt sát kẻ khác bằng hành vi và ngôn ngữ thiếu học.
Những người sai lầm, bày vẽ con đường sai lầm, tiếp tục uốn nắn, bẻ cong lịch sử để giành phần chính nghĩa cho sai lầm phe phái của mình; và vẫn ngoan cố ngụy tạo những âm mưu, gán ghép sai lầm cho những ai đối nghịch.
Những người u mê, nhắm mắt giương cờ, trương biểu ngữ, bày tỏ sự sùng bái của mình với biểu tượng ngoa ngụy, xấu-ác; tưởng rằng biểu tượng này sẽ mãi đi vào tâm tưởng và sự nghiệp đời đời của muôn dân.
Và con người, với trí thông minh, sáng tạo, như là đặc quyền tối ưu trong muôn loài, vẫn luôn tự mãn kiến thức và kinh nghiệm của mình có thể chinh phục thiên nhiên, khám phá vũ trụ, chế ngự không gian (thật và ảo)…
Nhưng không, tất cả đều là vọng tưởng, là những giấc mơ hão huyền, dù rằng hệ quả thực tế của chúng có khi kéo dài mười năm, năm mươi năm, trăm năm, thậm chí một nghìn năm. Vọng tưởng vẫn cứ là vọng tưởng, không thể vượt qua được tính chất bất định, giả huyễn của cuộc đời.
Sóng vô thường sẽ cuốn phăng đi tất cả, bất kể địa vị, màu da, chủng tộc, bần cùng hay phú quý, trí thức hay không trí thức, phẩm hạnh hay vô đạo đức.
Cuộc sống của mỗi cá thể, hay tập thể, là nguyên nhân và cũng là kết quả từ một võng lưới trùng trùng vọng tưởng, chẳng biết đâu là mắc xích khởi đầu hay kết thúc. Chỉ khi nào ngồi trong tịch lặng, bốn mươi chín ngày đêm thiền quán thâm sâu như một lần đạo sĩ Gotama bên sông Ni-liên (1), mới bẻ gãy được đầu mối của mê vọng, tham ái (2); hay như một lần hốt nhiên bừng sáng trí tuệ khi trực nhận nguyên lý vô thường duyên sinh qua mất mát, đớn đau tận cùng từ sinh, già, bệnh, chết.
Không tỉnh thức được như thế thì con người hôm nay hay ngày mai, vẫn tiếp tục thả trôi cuộc sống của mình trong dòng mộng tưởng, vô minh.
Còn vô minh, ái ngã là còn vọng động, tàn phá, hủy diệt.
Sự vọng động của những ai đó trong quá khứ hãy còn lưu đậm dấu tích trong tâm tưởng người nay. Hãy chiêm nghiệm và học bài học từ những đổ nát ấy. Hãy ngưng lại mọi thứ manh động, tham lam và tật đố, oán hận và tranh chấp (3). Hãy ngưng lại những toan tính, âm mưu, sục tìm bả danh lợi rơi rớt lại trong tàn tích hoang phế.
Niềm bình an chỉ có được khi mọi thứ vọng tưởng lắng xuống, lắng xuống.
Con quạ già lủi thủi đi về hướng bãi tha ma khi đàn chim vỗ cánh trên trời cao, bay về nơi yên tĩnh.
Chó dạo công viên chỉ gầm gừ một chút với người ngược hướng, rồi cũng theo chủ về nhà.
Đâu đó trên non cao, nước từ nguồn xa vẫn tiếp tục róc rách chảy ra sông, đổ về biển lớn.
Lão già thiếp đi trong giấc ngủ ngắn. Trở mình tỉnh giấc thì mặt trời đã lên cao.
____________
(1) Cội cây bồ-đề bên sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana) là nơi đức Phật thành đạo.
(2) Đạo sĩ (họ) Gotama là cách của những người đương thời gọi đức Phật. Khi chứng được thánh trí dưới cội bồ-đề sau 49 ngày đêm đi vào đại định, đức Phật đã thốt lên rằng: “Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta gặp được ngươi rồi. Ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch” (Kinh Pháp Cú, câu 153-154, HT. Thích Thiện Siêu dịch). Kẻ làm nhà ở đây được hiểu là vô minh, tham ái, khởi nguyên cho sự vận hành của sinh-tử luân-hồi.
(3) “Những ai bị chế ngự bởi phẫn nộ và oán hận, ngụy thiện và não hại, tham lam và tật đố, giảo hoạt và man trá, ác dục và tà kiến; những người ấy không tôn kính Phật, không tôn kính Pháp, không tôn kính Tăng, không nỗ lực hoàn thiện các học giới. Những người như vậy thường xuyên gây tranh chấp, tranh luận trong Tăng; gây bất ổn và khiến nhiều người không được an lạc.” (Pháp Diệt Tránh, Thích Nguyên Chứng biên tập, Như Như xuất bản năm 2008, trang 15)
_____________________________
¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2
¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 4
¨ BIỆN TRUNG BIÊN LUẬN TỤNG THÍCH, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 9
¨ THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ HẠNH PHÚC (ĐNT Tín Nghĩa), trang 12
¨ TỬ SINH, TỰ TÌNH KHÚC (thơ Ns. Hạnh Đạt), trang 13
¨ TÀI SẢN SẼ MẤT, TẠO PHƯỚC THÌ CÒN (Quảng Tánh), trang 14
¨ TÂM THƯ CẦU NGUYỆN BỆNH DỊCH CORONA VŨ HÁN CHẤM DỨT (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15
¨ CHÚC NGUYỆN THƯ PHẬT ĐẢN 2564 (TK. Thích Tuệ Sỹ), trang 16
¨ THỌ GIỚI (HT. Thích Huệ Hưng), trang 18
¨ SAU MÙA GIÓ LOẠN (thơ Mặc Phương Tử), trang 23
¨ CHÙA CỔ THIÊN TỨ… (Tâm Không Vĩnh Hữu), trang 24
¨ QUYẾT ĐỊNH THÀNH PHẦN NHÂN SỰ HĐĐH NHIỆM KỲ 2020-2024 (Hội Đồng Giáo Phẩm), trang 27
¨ ĐỨC PHẬT VỚI VẤN ĐỀ CẢI TIẾN XÃ HỘI (HT. Thích Minh Châu), trang 28
¨ ĐỐT ÁO – Câu Chuyện Dưới Cờ (Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi), trang 32
¨ CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG Ở BẮC KỲ (Nguyễn Lang), trang 33
¨ DỰNG LẬP, THẠCH TRỤ (thơ Đồng Thiện), trang 27
¨ LÒNG VỊ THA, TỪ BẢN CHẤT ĐẾN HOẠT DỤNG (Huỳnh Kim Quang), trang 38
¨ TĨNH (thơ Tuệ Nha), trang 41
¨ ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN TẠI CHÙA BÁT NHÃ (Thanh Huy), trang 44
¨ KHỔ ĐAU VÀ CORONA, VƯỢT QUA KHỔ NẠN (thơ Diệu Viên), trang 47
¨ THƠ SẼ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI (Nguyên Giác), trang 47
¨ LONG TUYỀN CẢNH VỊNH (thơ Thích Chúc Hiền), trang 50
¨ CÁI ĐUÔI CHÓ XOẮN RUỘT GÀ (Truyện cổ Phật giáo), trang 51
¨ NHỮNG CON ĐƯỜNG XƯA (thơ Thục Uyên), trang 52
¨ STORY OF THE THERA WHO STAYED ALONE (Daw Tin), trang 53
¨ TU HỌC THEO ĐỨC PHẬT (Thông Đạo), trang 54
¨ MỘT CHỖ CÓ THẬT, NÔN NAO… (thơ Quảng Tánh Trần Cầm), trang 56
¨ TRUYỆN CỰC NGẮN (Steven N.), trang 57
¨ DỨA, PHÈN CHUA, SỎI THẬN (Bs. Nguyễn Ý Đức), trang 59
¨ THÔNG TƯ V/V QUYÊN GÓP VẬT LIỆU Y TẾ ĐỂ TIẾP TRỢ CHỐNG DỊCH COVID-19 (TV Từ Thiện Xã Hội), trang 62
¨ DANH SÁCH ỦNG HỘ VẬT LIỆU Y TẾ TIẾP TRỢ CHỐNG DỊCH COVID-19 (Thư Ký Chánh Pháp), trang 63
¨ HÌNH ẢNH TẶNG VẬT LIỆU Y TẾ CHO CÁC BỆNH VIỆN (TV Từ Thiện Xã Hội), trang 64
¨ THAM, SÂN, SI TRONG KINH PHÁP CÚ (TM. Ngô Tằng Giao) trang 66
¨ HÌNH ẢNH TẶNG VẬT LIỆU Y TẾ CHO CÁC BỆNH VIỆN, t.t. (TV Từ Thiện Xã Hội), trang 72
¨ BẠN RẤT THÂN (thơ TM Ngô Tằng Giao), trang 74
¨ TRỘM HƯƠNG (Tiểu Lục Thần Phong), trang 76
¨ TỨ CÚ LỤC BÁT “TRĂNG” (thơ Mãn Đường Hồng), trang 78
¨ NÚI XANH MÂY HỒNG – chương 5 (Vĩnh Hảo), trang 80
¨ MỒ CÔI BẠN (thơ Thanh Yên), trang 83
¨ NẤU CHAY: NẤM LOA KÈN KHO GỪNG (Thanh Vũ) trang 88