

Trong một báo cáo về giới hạn cuối cùng của biến đổi khí hậu mới được công bố vào ngày hôm nay (8/10/2018), các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới tại Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) đã chỉ ra rằng, hiện tượng tăng nền nhiệt toàn cầu phải được giới hạn không quá +1,5°C để giảm bớt cường độ của các hiểm họa gây ra do hạn hán, lũ lụt, sốc nhiệt và nghèo đói cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.
Thật sốc khi văn kiện chính thức này của IPCC còn mô tả một thế giới thiếu hụt lương thực vì hạn hán và lũ lụt, hàng loạt vụ cháy rừng do sóng nhiệt, các rạn san hô tuyệt chủng hàng loạt, và tất cả những sự kiện này sẽ sớm xảy ra vào năm 2040 — thời điểm nằm trong vòng đời của phần lớn dân số thế giới hôm nay.
Các tác giả của bản báo cáo khoa học trên khám phá ra rằng, nếu khí nhà kính tiếp tục được thải ra với mức độ như hiện nay, nền nhiệt khí hậu Trái Đất sẽ nóng thêm 2,7°F (1,5°C) ngay vào năm 2040 so với thời kỳ tiền công nghiệp, và do đó, mực nước biển dâng do băng tan sẽ nhấn chìm nhiều vùng duyên hải, làm gia tăng các cơn hạn bà chằng, và phá hủy nhiều vụ mùa nông nghiệp, gây nghèo đói khắp nơi trên toàn cầu. Dưới đây là một số ý chính trong bản báo cáo quan trọng này:
– Bản báo cáo kết luận rằng thế giới đã đi được một nửa chặng đường đến mốc nhiệt độ tăng 2,7°F (1,5°C). Các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt của con người đã làm bầu khí quyển nóng lên 1,8°F kể từ thập niên năm 1850, khi nền công nghiệp bắt đầu đốt than đá với quy mô lớn.
– Trong khi các nghiên cứu về biến đổi khí hậu trước đây đều tập trung vào các tổn thất sẽ xảy ra nếu nền nhiệt khí hậu Trái Đất tăng ở mức cao hơn, 3,6°F hay 2°C, vì các nhà khoa học tin rằng đây mới là giới hạn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thì với bản báo cáo mới này, các hậu quả sẽ đến thậm chí còn sớm hơn và nhanh hơn, ở mức 2,7°F (hay 1,5°C).
– Bản báo cáo chỉ đích danh Hoa Kỳ, cùng với Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam – nơi cư ngụ của 50 triệu người, sẽ chịu ảnh hưởng của mực nước biển dâng vào năm 2040, nếu mức tăng nền nhiệt khí hậu 2,7°F (1,5°C) xảy ra.
– Với mức tăng nhiệt 3,6°F (2°C), bản báo cáo dự báo “một cuộc tháo chạy vĩ đại và nhanh chóng” của rất nhiều dân cư từ vùng xích đạo. Ts. Aromar Revi, Giám đốc Viện nghiên cứu về Quá trình Định cư của Con người ở Ấn Độ, và cũng là đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Ở một số vùng trên thế giới, đường biên giới quốc gia sẽ không còn giá trị gì nữa. Bạn có thể dựng lên một bức tường để ngăn 10.000 hay 20.000 hoặc 1 triệu người, nhưng không thể ngăn được 10 triệu người.”
– Không chỉ riêng Nước Mỹ đã thất bại trong việc cắt giảm khí thải để ngăn chặn các hậu quả tệ hại nhất của biến đổi khí hậu. Bản báo cáo còn kết luận rằng những cam kết cắt giảm phát thải được đề ra trong Hiệp định Paris là không đủ để thế giới tránh một mức tăng nền nhiệt lên 3,6°F (2°C).

– Bản báo cáo nhấn mạnh vai trò tiềm năng của việc đánh thuế lên phát thải CO2. Nó kết luận: “Một cái giá áp lên carbon mang ý nghĩa quan trọng để hướng đến sự cắt giảm.” Bản báo cáo ước tính rằng để hiệu quả, cần phải áp một giá trị từ 135 USD đến 5.500 USD cho mỗi tấn CO2 thải ra vào năm 2030, và từ 690 USD đến 27.000 USD cho mỗi tấn CO2 vào năm 2100. Khi so sánh thì chúng ta có thể thấy mức áp giá trên đã tăng rất cao. Dưới chính quyền Obama, các nhà kinh tế trong chính phủ Mỹ đã ước tính cái giá dành cho carbon nên trong khoảng 50 USD/tấn. Dưới thời Donald Trump, con số này bị hạ đến mức thảm hại – khoảng 7 USD/tấn.
Được biết, bản báo cáo khoa học này của IPCC được viết và chỉnh sửa bởi 91 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia khác nhau, mà từ các quốc gia này, 6.000 nghiên cứu đã được tiến hành và phân tích thực nghiệm về biến đổi khí hậu. Đó là vì trước đây, hiệp định khí hậu Paris năm 2015 xem mức tăng nhiệt độ 3,6°F (2°C) như là ngưỡng giới hạn gây ra các tổn thất nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội, nhưng nhiều quốc gia nhỏ và đảo quốc đã không tin vào điều đó, mà yêu cầu cộng đồng khoa học thế giới xem xét kỹ hơn trường hợp tăng 2,7°F (1,5°C). Nay thì mọi sự trở nên quá rõ ràng: con người cũng sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả khủng khiếp ở mức tăng 2,7°F (1,5°C). Nội dung chính của bản báo cáo cho thấy, nếu không có bất cứ hành động thiết thực nào, thì rất nhiều hậu quả nghiêm trọng từng được cho là chỉ xảy ra sau nhiều thập niên nữa, sẽ xuất hiện ngay trong khoảng năm 2040, và ở một mức tăng nhiệt độ thấp hơn.
Tiến sĩ Myles Allen, một nhà khoa học khí tượng của Đại học Oxford và cũng là một trong những tác giả của bản báo cáo, khẳng định: “Nó đang kêu gọi chúng ta cần phải chấm dứt xu hướng phát thải khí nhà kính và thay đổi cơ cấu nền kinh tế tận gốc rễ.” Bà Debra Roberts, vị đồng chủ tịch của nhóm nghiên cứu báo cáo, nói: “Đó là một lằn ranh được viết trên cát, và nó cho biết đây là thời khắc quyết định của giống loài chúng ta và tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động. Đây là tiếng chuông báo động từ cộng đồng khoa học toàn cầu và tôi hy vọng nó sẽ làm thức tỉnh nhiều người và xóa tan thói tự mãn của chúng ta.”
Tiến sĩ James Hansen, từng là cựu khoa học gia của NASA, một trong những người đầu tiên lên tiếng báo động về biến đổi khí hậu, cho biết cả hai mức tăng nhiệt 1,5°C và 2°C đều sẽ kéo loài người vào một lĩnh vực đầy nguy hiểm và chưa biết rõ, vì chúng đều là những điều kiện sống vượt ra khỏi phạm vi của Thế Holocene (Thế Toàn Tân) mà trong đó, nền văn minh loài người đã phát triển. Nhưng ông cho biết có một khác biệt lớn giữa hai mức tăng nhiệt này: “Mức tăng nhiệt 1,5°C còn cho những người trẻ và các thế hệ kế tiếp của loài người cơ hội để quay trở lại Thế Holocene hoặc các điều kiện sống gần với Thế này. Nó cũng là điều kiện cần phải có nếu chúng ta muốn giữ cho các đường bờ biển như ở hiện tại và bảo tồn nhiều thành phố duyên hải.”
Để tránh mức tăng nhiệt 2,7°F (1,5°C), ngay từ năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phải được cắt giảm 45% so với tổng mức phát thải năm 2010, và 100% vào năm 2050. Ngoài ra, việc sử dụng than đá để sản xuất điện (nhiệt điện) trên toàn thế giới cần phải giảm nhanh chóng, từ mức 40% ở hiện tại xuống chỉ còn khoảng từ 1% đến 7% vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời sẽ phải được tăng cường sử dụng, từ mức 20% hiện nay lên 67% trong tương lai gần.

Ts. Drew Shindell, một nhà khoa học khí tượng ở Đại học Duke và cũng là đồng tác giả của bản báo cáo trên, khẳng định: “Ý nghĩa của báo cáo này rất rõ ràng: Không có cách nào để giảm bớt biến đổi khí hậu nếu không từ bỏ than đá.”
Nhưng Hiệp hội Than đá Thế giới (World Coal Association) lại không đồng ý với kết luận trên. Trong một thông cáo, bà Katie Warrick, hiện đang tạm điều hành tổ chức này, lưu ý rằng các dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency – IEA) “vẫn tiếp tục nhìn nhận vai trò của than đá cho một tương lai chắc chắn.” Bà Warrick nói rằng tổ chức của bà dự định vận động các chính phủ đầu tư vào ngành công nghệ bắt giữ carbon. Những công nghệ như thế có thể cho phép con người tiếp tục đốt than đá, nhưng lại khá đắt đỏ để được ứng dụng đại trà, nhất là tại các nước nghèo và lạc hậu. Như vậy, hóa ra việc đốt than đá để lấy năng lượng – phương pháp rẻ tiền nhất – lại trở nên một đặc quyền của những quốc gia giàu có và có nền công nghệ phát triển?
Bản báo cáo còn mô tả chi tiết các tổn hại về mặt kinh tế sẽ xảy ra nếu chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới thất bại trong việc thực thi những chính sách cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nó công bố rằng Hoa Kỳ có thể mất đi xấp xỉ 1,2% GDP cho mỗi 1,8°F nhiệt độ tăng. Bản báo cáo cũng cố gắng đưa ra cái giá phải trả cho các hậu quả của biến đổi khí hậu. Con số thiệt hại ước tính trên toàn cầu là 54 nghìn tỷ USD ở mức tăng nhiệt 2,7°F (1,5°C) sẽ biến thành 69 nghìn tỷ USD nếu nền nhiệt khí hậu thế giới tiếp tục nóng lên 3,6°F (2°C) và hơn nữa, mặc dù bản báo cáo không nói rõ độ dài thời gian phải gánh trả cho những chi phí này.
Để tránh các tổn thất trị giá 54 nghìn tỷ USD do biến đổi khí hậu, các nhà khoa học khí hậu khẳng định nền kinh tế thế giới phải hoàn toàn thay đổi tận gốc trong vòng vài năm sắp tới. Họ kết luận rằng về mặt công nghệ, con người có thể làm được để tránh mức tăng 2,7°F (1,5°C), nhưng về mặt chính trị thì rất khó khăn.
Ví dụ như, trong bản báo cáo có đề cập đến khả năng đánh thuế cao lên khí thải CO2 — có thể lên đến 27.000 USD/tấn CO2 vào năm 2100. Nhưng điều này hoàn toàn bất khả thi ở Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lịch sử phát triển, và ở Trung Quốc – nền kinh tế đứng thứ hai thế giới nhưng lại có lượng phát thải dẫn đầu thế giới ở thời điểm hiện tại.
Tổng thống Trump, người chế nhạo “ngành khoa học nghiên cứu biến đổi khí hậu do con người tạo nên”, đã thề rằng sẽ gia tăng việc đốt than đá và còn nói ông muốn rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Khí hậu Paris – văn kiện cắt giảm khí nhà kính duy nhất có hiệu lực cho đến nay và được hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới đồng thuận. Còn ở Brazil ngày Chủ Nhật hôm qua (7/10/2018), quốc gia có lượng phát thải đứng thứ 7 thế giới, người dân đang trong tiến trình bầu lên một vị tổng thống mới, ông Jair Bolsonaro, người cũng đang dự tính rút đất nước này ra khỏi hiệp định trên, cũng như cam kết phá thêm rừng Amazon để phát triển nền nông nghiệp quốc gia.
Mặc cho những mâu thuẫn về chính sách, đoàn đại biểu Hoa Kỳ đã gia nhập 180 quốc gia trên toàn cầu từ ngày Thứ Bảy tuần trước (6/10/2018) và cùng chấp nhận những kết luận của bản báo cáo này, trong khi vẫn có những phát biểu tế nhị mang tính cách ngoại giao. Một phát ngôn từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “việc chấp nhận bản báo cáo này trong ủy ban khoa học không có nghĩa là Hoa Kỳ tán thành mọi khám phá đặc trưng hay nội dung bao hàm bên trong bản báo cáo.”
Phái đoàn Ngoại giao Mỹ đã đối mặt với một vấn đề hóc búa. Việc từ chối công nhận văn kiện sẽ đặt Hoa Kỳ vào vị trí lạc lõng với các nước khác và cho thấy quốc gia này chối bỏ khoa học hàn lâm đã được thiết lập trên diễn đàn thế giới vì sự sống còn của loài người. Tuy nhiên, phái đoàn Mỹ cũng phải đại diện cho một vị tổng thống không muốn công nhận ngành khoa học khí hậu và các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu.
Phát ngôn này tuyên bố: “Chúng tôi tái khẳng định rằng nước Mỹ sẽ rút khỏi bản Hiệp định Paris vì cho đến nay còn thiếu các điều khoản đem lại lợi ích cho người dân Mỹ.”
Trong khi đó, tổ chức Người Mỹ Thịnh Vượng (Americans for Prosperity), một nhóm vận động chính sách được tài trợ bởi hai tỷ phú theo chủ nghĩa tự do là Charles và David Koch, đã gây dựng phong trào chống lại các chính trị gia ủng hộ đánh thuế carbon.

Myron Ebell, người đứng đầu chương trình năng lượng tại Viện Nghiên cứu Cạnh tranh Doanh nghiệp (Competitive Enterprise Institute), một tổ chức nghiên cứu ở Washington được tài trợ bởi giới công nghiệp, và cùng là người lãnh đạo bước chuyển tiếp dưới chính thể Trump của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency), phát biểu: “Đánh thuế carbon là liều thuốc độc mang tính chính trị, vì nó làm tăng giá xăng dầu và điện.”
Có lẽ sau những thất bại trong việc thỏa thuận và cam kết cắt giảm khí thải nhà kính từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… và qua rất nhiều cuộc họp và hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu mà chẳng đem lại kết quả đồng thuận, như Kyoto Protocol (1998), Montreal (2005), Bali (2007), Copenhagen (2009), Cancun (2010), Doha (2012), Lima (2014), Paris (2015), thì nay, các nhà khoa học tại Liên Hiệp Quốc và cộng đồng khoa học thế giới thấy rằng phải công bố một sự thật trần trụi nhất với hy vọng giới hoạch định chính sách các quốc gia trên thế giới thức tỉnh.
Vâng, bản báo cáo này của Liên Hiệp Quốc – một cơ quan đại diện cho ý chí và niềm tin của toàn thể loài người – đã không còn mang các câu chữ “trung dung”, “lịch sự”, “thỏa hiệp” và “kiêng kỵ” gì nữa, khi nó vẽ ra bức tranh trần trụi các hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu, còn tàn khốc hơn cả những gì mà con người từng biết đến và có thể tưởng tượng ra được. Nó khẳng định rằng, để tránh các tổn thất nghiêm trọng như thế, loài người phải thay đổi tận gốc nền kinh tế của mình với tốc độ và phạm vi mà “chưa có một văn kiện lịch sử nào trước đây từng ghi nhận và đòi hỏi”. Rõ ràng là giới khoa học khí hậu thế giới không còn quá bảo thủ và cẩn trọng trong việc công bố điều họ muốn cảnh báo, vì tất cả đã hiểu rằng, thời điểm để tránh thoát và thay đổi mọi chuyện đang gần kề – nếu không muốn nói là quá trễ, trong khi lòng tham, sự ích kỷ và kiêu ngạo của con người thì quá lớn.
Điều đặc biệt cần chú ý về mặt tâm lý của loài người, khi bản báo cáo cũng cho rằng, trong trường hợp các chính phủ thất bại trong việc ngăn chặn nền nhiệt khí hậu tăng 2,7°F (1,5°C), thì vẫn có một kịch bản khác được chấp nhận: Thế giới có thể vượt qua lằn ranh, thậm chí nóng lên hơn 3,6°F (2°C), và rồi sau đó cùng kết hợp giảm bớt lượng phát thải khí nhà kính và triển khai công nghệ bắt giữ carbon để đem nền nhiệt khí hậu trở lại dưới ngưỡng 2,7°F (1,5°C). Theo kịch bản này, thì bản báo cáo cho biết có một số thiệt hại sẽ không cứu vãn được. Tất cả các rạn san hô đều sẽ chết. Tuy nhiên, biển băng ở Bắc Cực biến mất trong bối cảnh nền nhiệt nóng hơn sẽ trở lại một khi nền nhiệt nguội bớt. Ts. Shindell nói: “Đối với các chính phủ, ý tưởng vượt qua lằn ranh rồi quay trở lại, khá là hấp dẫn vì họ sẽ không cần phải thay đổi quá nhiều về chính sách. Nhưng điều đó có rất nhiều bất lợi.”
Ngày hôm nay, một lần nữa, sự ra đời bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc phản ánh rất nhiều góc độ trong cố tật và thói quen của toàn thể loài người:
ích kỷ chỉ muốn giữ lợi ích cho mình mà bỏ qua mọi thiệt hại của môi trường thiên nhiên, dù đây là cái nôi sinh ra họ và giữ cho họ sống hài hòa,
đối mặt với sự thật khủng khiếp hơn nữa về định mệnh của chính mình, nhưng lại chối bỏ sự thật vì đã nghiện ngập thói quen làm giàu nhờ than đá và dầu mỏ,
cũng như cố gắng mặc cả để tạm hoãn việc phải thay đổi nếp sống của mình và không muốn chia sẻ túi tiền của mình cho ai hết.
Ôi, đó là cái quán tính của con tàu Titanic, quá kiêu hãnh vì niềm tin vào nền công nghệ, để rồi dù có trông thấy và nhận ra mối hiểm họa, thì vẫn đâm vào tảng băng lạnh lùng của tự nhiên.
Lưu ý: Với người Việt Nam, chúng tôi mong rằng khi đọc xong bài này, các bạn đã có thể biết số phận, không phải đất nước chính trị của mình, mà là hệ sinh thái, các điều kiện sống, khí hậu và môi trường, sẽ ra sao trong chỉ 20 năm sắp tới. Nếu thực sự là người khôn ngoan và nhìn xa trông rộng, các bạn sẽ hiểu và tìm ra con đường của riêng mình để sống còn và thoát khỏi sự khủng khiếp không thể tránh khỏi và đã được loan báo trước này. Vì giờ đây, hầu như tất cả các cường quốc trên thế giới đều nhắm mắt, bịt tai và làm ngơ trước cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Nguồn tư liệu tham khảo:
http://www.ipcc.ch/report/sr15/
https://www.nytimes.com/…/cl…/ipcc-climate-report-2040.html…
https://www.theguardian.com/…/global-warming-must-not-excee…