
Huynh trưởng tiền bối hữu công GÐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tâm Nguyên Nguyễn Ngại (Ảnh: Quảng Pháp)
Viết để kính tiễn trưởng niên Tâm Nguyên Nguyễn Ngại
và nhớ ngày Anh “rũ áo… vì tổ chức”
Ngay từ buổi đầu trở về sinh hoạt với Miền, một trong những phật sự tôi ấp ủ là làm sao tổ chức ngay một khóa hội thảo “Lịch sử GÐPTVN tại Hoa Kỳ nói chung và, Miền Quảng Ðức nói riêng”, tương nhập với dòng lịch sử chung của tổ chức Áo Lam Việt Nam mà thành phần thuyết trình viên là những Anh Chị Trưởng Niên từng giữ vai trò Trưởng Ban Hướng Dẫn các tiền nhiệm.
Ðã rất lâu, từ cuộc chia ly đậm đà và rõ nét nhất của năm 2004, thì dòng chảy GÐPT nơi đây những năm sau đó tưởng vẫn trôi xuôi, nhưng lịch sử không được viết lại như một bổn phận tất yếu của người áo lam đương thời hữu trách đối với thì hiện tại, mà quan trọng là đối với các thế hệ tương lai.
Hình như chúng ta vô tình hay hữu ý dứt đoạn với quá khứ chỉ vì đó là quá khứ buồn. Hố chia ly tưởng sẽ vơi dần đi, nhưng đâu phải dễ dàng như vậy, mà ngược lại ít ai chịu nhìn nhận rằng, chỉ vì thiếu am tường lịch sử, nói một cách khác, thiếu hiểu và biết đúng về những sự kiện như chính nó là, mà bao nhiêu lần ngồi lại, kể với nhau chuyện đã qua mà vẫn thấy bao nhiêu nội kết chưa hóa giải được!
Ngay lúc tôi nghĩ đến hội thảo “Lịch sử GĐPTVN tại Hoa Kỳ, Miền Quảng Ðức”, một trong những nhân tố quan trọng mình phải nghĩ đến là Anh, một thành viên kỳ cựu đó là Huynh trưởng Tâm Nguyên Nguyễn Ngại, người mà trước đây mình vẫn quen gọi là “bác Ngại”, vì Anh vốn là Bác Gia trưởng GÐPT Gotama, chùa Phật Tổ, Long Beach, đơn vị đầu tiên tôi sinh hoạt chỉ sau bốn tuần khi vừa đặt chân đến Mỹ, vào tháng 5, 1990. Sau đó, thời Anh làm Trưởng Ban Hướng Dẫn Miền, tôi được cất nhắc làm Phó Tổng Thư Ký.
Vậy mà, hôm gọi điện thoại ngỏ lời cùng Anh về ý tưởng trên, nghe đầu dây bên kia, anh trả lời dứt khoát: “Triết ơi, lâu rồi, bác không còn nghĩ đến chuyện GÐPT nữa…”
Trong câu nói đó, mình cảm nhận âm vị có điều gì như khẩn khoản. Chỉ đến khi mình chạm đến nỗi đau quặn thắt, Anh mới cuống cuồng, Anh quay quắt. Anh cố gắng cự tuyệt… ôm lòng đau lại vết thương lỡ.
Ðó cũng là một phần lịch sử của lịch sử cần viết lại.
Tôi tin, bây giờ chúng ta có đủ thời gian, tỉnh táo hơn để nhìn lại lịch sử hôm qua, và nhìn nhận lại vai trò của những người khai phá công trình Lam ở Hoa Kỳ, chứ không chỉ riêng Miền Quảng Ðức, trong đó có Anh Tâm Nguyên Nguyễn Ngại. Và chắc chắn một ngày không xa, người ta hiểu nơi tổ chức GÐPT, có những anh chị trưởng một đời hiến dâng mà đến, hay đi, cũng chỉ VÌ – CHO – VỚI GÐPT mà thôi.
Anh Ngại là một trong số những người như vậy, đành đoạn đau khi rũ bỏ màu áo trong ý nghĩa đó.
Hôm nghe tin anh hấp hối, tôi nằm liệt trên giường bệnh cuối mùa cúm của năm. Hôm qua làm một nồi xông hơi, sáng dậy tỉnh hơn để kịp đọc tin nhắn: “Anh Ngại mất rồi!”
Mùa Ðông, như lá úa khô, Anh theo vô thường, nỗi đau cũng vô thường theo. Duy, lịch sử vẫn thường hằng.
Thương tiếc và tưởng niệm H.Tr Tâm Nguyên Nguyễn Ngại hôm nay, không phải là những câu ta thán, hay gọi mời cầu kinh siêu phách, mà là thiết lập ý nguyện viết lại dòng sử Tình Lam trót để lu mờ bấy lâu, và viết tiếp những trang sử tin yêu mới để nơi đó thay vì trách phiền nhau, chúng ta ý thức mỗi hành vi và mỗi thành viên cộng nghiệp trong một giai đoạn lịch sử tiến thối của tổ chức, đều là nhân duyên.
Xin hãy tạo cho nhau những duyên lành, để đến hay đi, hết thảy được an vui!
Kính tiễn trưởng niên Tâm Nguyên Nguyễn Ngại
Mặc Cốc, 27 tháng 12, 2017
Quảng Pháp Trần Minh Triết
(Uyên Nguyên)