
Phần 01: Lời đầu chương
Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức Giáo dục lấy Giáo lý Phật đà làm nền tảng để kiến lập đạo tràng tu học, phụng sự lý tưởng. Ngoài phần nghi thức hành trì mang tinh thần hạ thủ công phu, huân tu hạnh đức, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm tổ chức, chu toàn Phật sự, thành toàn sứ mạng, và áo lam còn kiến tạo phần lễ lược trong sinh hoạt truyền thống để tiếp nhận giá trị tâm linh, ghi dấu ấn trong đời lam phụng sự, huân tập những giá trị tinh thần để nuôi dưỡng đạo tâm, ghi lại những giai kỳ lịch sử tạo nên dòng lam sử lưu chuyển trong không gian và thời gian bằng huyết mạch của tổ chức.
- Trong tinh thần đó, Lễ Lược truyền thống của GĐPT Việt Nam được kiến tạo dựa trên 02 nền tảng căn bản đó chính là: Đó chính là chất liệu nghi lễ của Phật giáo, pháp sự khoa nghi mang sắc thái thiền môn trong lễ lược của GĐPT. Việt Nam, chính là dưỡng chất ngọt ngào mà tùy từng buổi lễ thể hiện đời sống tâm linh, phát bồ đề tâm, kế tục sự nghiệp tiền nhân trong quá trình duy trì mạng mạch của tổ chức mà mỗi lam viên tham dự đều thẩm thấu tinh thần đó.
- Bên cạnh đó, sắc thái của nền hành chánh lễ nghi thế gian cũng được kết hợp hài hòa trong lễ lược của GĐPT. Việt Nam để dung thông tinh thần “ Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, và qua mỗi buổi lễ tinh thần hòa quyện này được thể hiện trọn vẹn.
Đây là sự kết hợp quý báu để làm nên nét riêng trong lễ lược của Tổ chức GĐPT. Việt Nam trong chiều dài hơn 70 năm qua.
Phần 02: Ý nghĩa khung cảnh của buổi lễ:
Khung cảnh hay còn gọi là không gian của buổi lễ dù chỉ là hình thức bên ngoài nhưng đó chính là chất xúc tác để lòng thành kính được tỏ bày, tín tâm cũng được phần nào bồi đắp. Đấy còn là ấn tượng ban đầu gửi đến cho mọi người, là kỷ niệm là dấu ấn khó phai trong ký ức người tham dự. Nên vì thế khung cảnh có tác dụng tâm lý khá lớn trong mỗi chúng ta và quan khách tham dự buổi lễ đó vì vậy có người nhớ đời nhờ khung cảnh ngày hôm ấy.
Nếu như nội dung có hay, ý nghĩa sâu mà hình thức khung cảnh không trang nghiêm, thiếu sự chuẩn bị cũng khó mà được đánh giá cao về mức độ thành công. Chính vì thế mà chúng ta cũng có thể nói rằng hình thức khá quan trọng làm nên thành công. Khung cảnh còn là một phương tiện phi ngôn ngữ để bày tỏ lòng mình, thể hiện sự quy kính, và còn là trật tự khuôn phép mà chúng ta muốn bộc lộ nếu sắp đặt không phù hợp thì cũng dẫn đến thiếu sót thật khó tha thứ (ví dụ như bàn chứng minh thấp hơn bàn chủ toạ chẳng hạn,…) Chính vì nó có tác dụng tâm lý tạo kỷ niệm, có ý nghĩa đối với việc đánh giá thành công hay thất bại của buổi lễ, và còn có hình thức bày tỏ lòng mình nên phải quan tâm đến phần khung cảnh. Cho nên khi cử hành lễ chúng ta cần quan tâm đến vấn đề khung cảnh, cụ thể:
- Tuỳ ý nghĩa, tính chất buổi lễ mà chúng ta lựa chọn thời điểm tổ chức thích hợp. Như Lễ phát nguyện, lễ truyền đăng,… thường được tổ chức vào thời điểm rạng sáng chẳng hạn.
- Nơi diễn ra buổi lễ cũng cần phải cân nhắc cho chuẩn, những buổi lễ thuần chất tôn giáo hay lễ phát nguyện, lễ truyền đăng. Lễ phát nguyện nhận nhiệm vụ, lễ thọ cấp,… nhất thiết phải tổ chức tại chánh điện vì pháp sự cần cầu tam bảo chứng minh. Còn những buổi lễ khác tổ chức ngoài chánh điện thì cần chú ý đến khuôn viên có đảm bảo sức chứa đủ người tham dự không? Có bị tiếng ồn làm ảnh hưởng không? Và nếu làm ngoài trời càng phải chú ý đến vấn đề thời tiết. Và nếu số lượng người ít chúng ta cần chú trọng đến khuôn viên thật ấm cúng, tạo mối thân tình là tốt nhất.
- Cần chú ý đến nội dung phong màn thiết kế, các băng rôn trang trí có đúng chủ đề, màu sắc không? Vị trí trưng bày có thích hợp không? Vì đây là những hình ảnh, câu chữ đập vào mắt người tham dự đầu tiên.
- Đối với những buổi lễ cần trang trí hoa tươi long trọng thì cần chú ý đến sắc hoa có phù hợp với buổi lễ không?
- Cách bày trí bàn cho khách tham dự cần chú ý đến 3 thành phần: chứng minh, chủ toạ, quan khách,… thiết kế cho đúng với quy cách thiền môn, có trước sau thích hợp, cần quan tâm đến vị trí của xướng ngôn viên, và không thể không có vị trí cho Gia đình mình tham dự. Chú ý đến thành phần chứng minh, chủ toạ để sắp đặt ghế cho đầy đủ.
- Để thực hiện việc này, khi tổ chức lễ chúng ta cần phân công 1 Huynh trưởng phụ trách công việc trần thiết, trang trí cho chu đáo.
- Bên cạnh đó, đôi lúc chúng ta cũng có sử dụng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh phục vụ cho buổi lễ cần quan tâm đảm bảo ấm, vừa đủ nghe, ánh sáng phù hợp với khung cảnh buổi lễ.
Nhiều yếu tố quyết định thành công, song phần khung cảnh cũng khá quan trọng mà chúng ta không thể thờ ơ được. Ngay cả những đơn vị làm kinh tế bên ngoài, mỗi lần tổ chức lễ đều có đặt hàng các công ty tổ chức sự kiện thực hiện cho hiệu quả, thành công. Đối với chúng ta khung cảnh có tác dụng về tâm linh càng không thể qua loa cho qua chuyện được mà phải đầu tư nghiêm chỉnh để thực hiện tốt tinh thần CẢNH TRANG – TÂM TỊNH – NĂNG ỨNG.
Chương trình Lễ Khai Mạc Trại Hiếu:
- Ban Quản trại cùng Huynh trưởng – Đoàn sinh ngành đồng vân tập trước lễ đài.
- Cung đón phái Đoàn BHD. Trung Ương – BHD… – Quan khách thân lâm chủ tọa và tham dự Lễ Khai Mạc – Rước kỳ hiệu đến kỳ đài.
- Cung nghinh Chư tôn đức Quang lâm Lễ Đài chứng minh.
- Trang nghiêm đạo tràng – Chính thức cử hành lễ:
- Cung thỉnh Chư tôn đức chứng minh Niêm hương bạch Phật – Đảnh lễ Tam bảo – Niệm Phật cầu gia bị
- Nghi thức Thượng kỳ hiệu – Cử bài ca chính thức GĐPT. Việt Nam
- Phút tưởng niệm
- Tuyên bố lý do – Thông qua chương trình
- Giới thiệu Chư tôn đức chứng minh và quan khách tham dự
- Tuyên đọc quyết định thành lập Ban Quản Trại
- Đại diện Thường Vụ BHD trao quyết định và còi lệnh.
- Diễn văn khai mạc trại
- Nghi thức cài hoa hiếu hạnh
- Trại trưởng trao còi lệnh cho Đời sống trại
- Đời sống trại nhận còi lệnh – Trình diện trại sinh.
- Cử trại ca
- Gắn phù hiệu lưu niệm
- Trao thưởng cho Đoàn sinh hiếu hạnh
- Khuyến từ của BHD…. .
- Huấn từ của BHD. Trung Ương
- Đạo từ của Chư tôn đức chứng minh
- Tặng quà lưu niệm ( nếu có )
- Cảm tạ
- Hồi hướng công đức.
- Cung thỉnh Chư tôn đức và mời Quan khách thăm đất trại
HOÀN MÃN