
Quảng Pháp: Có một sự hy vọng le lói nào không, trong tinh thần Duy Tuệ Thị Nghiệp của nhà Phật. Khi mà ngày nay do nhiều yếu tố, phần đông nhân sự, cơ sở, mọi phương tiện hoằng đạo đều có những định chế chính trị xã hội áp đặt. Học Phật trở nên khó khăn không chỉ với Chúng Xuất Gia, mà cả với Chúng tại gia. Nói một cách khác, học và hành đạo hơn bao giờ hết là một lựa chọn nhân cách.
Năm đó, tôi bỏ lại hết mọi thứ, trong vali trở về Mỹ chỉ có những đầu sách mua được từ những vựa sách cũ ven đường. Chủ nhân phải vặn hỏi một hồi lâu, cảm thấy yên tâm, mới dám mang ra cho mình lựa những đầu sách quí trước 1975. Trong số đó tôi may mắn đem về Mỹ hai bộ tạp chí Tư Tưởng và Vạn Hạnh, giấy đã ngả vàng. Một bộ khác không đủ số, là Phật Giáo Việt Nam, nhiều trang bìa và ruột, tả tơi. Một ít tờ Thiện Mỹ, và Hải Triều Âm…
Từ đó tôi tiếc, tiếc cho đến nay chưa có một tờ báo PG nào, như Tư Tưởng, hay ít nhất là Vạn Hạnh hồi đó…
Sở học chưa trọn, sở hành khó kham, nếu thiếu đi những phương tiện truyền đạo và học đạo, và trong muôn số phương tiện đó, báo chí Phật giáo đóng một vai trò rất lớn: “bắc thêm chiếc cầu nối giữa niềm tin và sự học.”
Ðến đây, chắc không cần phải giới thiệu thêm, độc giả quan tâm có thể tìm thấy trong lời nói đầu của PHẬT HỌC LUẬN TẬP, do Hương Tích Phật Việt (http://huongtichphatviet.com/Home.html) phát hành, đâu đó và thấp thoáng của Vạn Hạnh, Tư Tưởng. Vì vậy, vẫn có một sự tiếp nối nào không trong dòng tương tục của phôi bào Như Lai Tạng”?
Mừng thay!!!
“Người ta, như một sự hời hợt, thường hay phó thác lý tưởng của mình cho niềm tin, và rồi phó thác niềm tin cho vô định. Phật tử nếu đa phần xem Phật giáo như một điều để tin chứ không phải để học thì đó là một tổn thất to lớn. Dần dà, sức sống sẽ tuôn khỏi huyết quản của dòng tri thức này và Phật giáo sẽ mất đi tinh thần tuệ giác tự lực của nó”
Chủ Trương: TUỆ SỸ
Thực Hiện: Thư quán Hương Tích và nhóm cộng tác
Tập I, Mừng Phật đản PL. 2561 – Sách dày 268 trang – Phát hành tháng 5/2017:
Tuệ Sỹ, Hồng Dương N.V.H., Thích Phước Viên, Thích Đức Thắng,
Thích Thái Hòa, Phan Ngọc Khuê, Hạnh Viên, Đinh Quang Mỹ,
Thích Thanh Tâm, Hoàng Long,
Nguyễn Quốc Bình, Nguyễn Anh Tú.
Tranh bìa: ‘Phật ngồi trên phiến đá đỏ’, Hs. Đinh Cường 2008.
LỜI NÓI ĐẦU
“Và khi đã thức dậy rồi, mi sẽ thức tỉnh mãi mãi như thế.”
F. Nietzsche (Zarathustra đã nói như thế)
Việc học Phật trọng ở cái trí, ngay tên gọi đã nói lên điều này. Thế cho nên khán kinh giả minh Phật chi lý, đến mục đích mà đời sống đáng theo đuổi cũng lấy duy tuệ thị nghiệp làm tên. Thế cho nên từ học mà đi đến hành thì cái thành mới được trọn vẹn.
Sự học Phật, cũng như vô vàn thứ trong tương quan duyên khởi, chẳng thể rời nhau mà vững bền, chẳng thể “ly thế mích bồ-đề”. Cái học thuật khơi mào ở Tây phương lan đến toàn thế giới hiện đại hỗ trợ không nhỏ cho việc nghiên cứu Phật học. Gọi là nghiên cứu, cũng chẳng đặt ở nghĩa lý nghiền ngẫm suy xét, chỉ lấy cốt yếu ở cái chí cầu học cho tường tận ngọn ngành, không qua loa đại khái. Theo đó, mọi thành tựu của tri thức, từ triết học, văn học, ngôn ngữ, xã hội, tâm lý, lịch sử, giáo dục, văn hóa… đều có thể dùng để góp thêm một góc nhìn cho tỏ hơn về Phật học. Những tương quan so sánh sẽ là cơ sở cho một sự đoái hoài lại chính bản thân mà thay đổi cho tương hợp theo lẽ vô thường. Nghiên cứu Phật học như vậy không phải là sự so bì tị hiềm về tri thức mà là một sự hiếu tri thuần khiết không xa đời và cũng không ngoài đạo.
Người ta, như một sự hời hợt, thường hay phó thác lý tưởng của mình cho niềm tin, và rồi phó thác niềm tin cho vô định. Phật tử nếu đa phần xem Phật giáo như một điều để tin chứ không phải để học thì đó là một tổn thất to lớn. Dần dà, sức sống sẽ tuôn khỏi huyết quản của dòng tri thức này và Phật giáo sẽ mất đi tinh thần tuệ giác tự lực của nó. Nhưng không, trong ao sen ấy, có những bông chìm trong nước, có những bông vươn tới mặt nước, cũng có những bông vươn khỏi mặt nước. Người ta nên mở ở đó một lối cho con chim hồng nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy lên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng bay trong thương khung, để lông cánh làm đẹp cho bầu trời. [Thứ tự của sáu hào của quẻ Phong Sơn Tiệm trong Kinh Dịch. Dẫn lại theo Tuệ Sỹ, ‘Triết học về tánh không’]
Chính bởi vì vậy, hàng hậu học chúng con từ lâu đã mong muốn được khơi lại lối đi xưa, bắc thêm chiếc cầu nối giữa niềm tin và sự học. May hội được duyên lành nhiều kiếp, chúng con được thân cận ôn Tuệ Sỹ, bậc Trưởng lão đáng tôn kính của Phật giáo, lại được ôn khuyến khích và dẫn dắt cho công việc khơi lối bắc cầu này, nên mạnh dạn đem chút sức lực thực hiện bộ “Hương Tích – Phật Học Luận Tập”, trước là sưu tầm những bài vở có giá trị nghiên cứu Phật học đã có, sau mong khơi mào cho việc sáng tác, phiên dịch những nghiên cứu mới, cho người dụng công có chỗ giãi bày.
Lòng thành cao, mà trí lực mọn, chúng con chỉ mong được chư vị thiện hữu tri thức hoan hỷ đón nhận, chỉ dẫn và chung tay cộng tác cho Luận Tập ngày thêm khởi sắc hầu đáp ứng phần nào nhu cầu Văn – Tư – Tu của hàng đệ tử chúng con ngày nay.
Sài Gòn, tiết Kinh Trập, 2017.
TM Nhóm thực hiện
Hương Tích
Mục Lục
Lời nói đầu/ tr.7
GIỚI THIỆU KINH DUY-MA-CẬT/ tr.9
I. Nhân cách huyền thoại
II. Ý nghĩa nhân cách và ý nghĩa lịch sử
III. Cơ sở tư tưởng
IV. Thực tiễn hành đạo
A-TỲ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ LUẬN/ tr. 29
Tụng quy kỉnh
Tiết 1: Tổng luận về Pháp
TÁNH KHỞI VÀ DUYÊN KHỞI/ tr.41
Lối nhìn phân toái
Lối nhìn viên dung
Sự sự vô ngại hay lý sự vô ngại?
Nhất thừa hiển tánh giáo
Tánh khởi
NIẾT-BÀN/ tr.73
BÁT-NHÃ VÀ TÌNH YÊU/ tr.82
TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ/ tr.86
THIỀN TRÚC LÂM YÊN TỬ/ tr.106
Dẫn khởi
Tiết một: Lịch sử truyền thừa của thiền tông Việt Nam và phái thiền Trúc lâm.
Tiết hai: Các tiền bối của phái thiền Trúc lâm
QUAN HỆ THẦY – TRÒ THEO TINH THẦN KINH KẾ THỪA CHÁNH PHÁP/ tr.139
LỊCH SỬ PHIÊN DỊCH KINH TẠNG PĀLI VIỆT NAM/ tr.145
Mở đầu
I. Lược sử truyền bá Phật giáo Theravāda ở Việt Nam
II. Lịch sử phiên dịch Kinh tạng Pāḷi Việt Nam
VỀ TỶ GIẢO HỌC KINH TẠNG NIKĀYA/ tr.186
1. Vai trò của văn bản
2. Phương trời tỷ giảo
3. Phật giáo và kinh điển sơ kỳ
TÌM HIỂU THUYẾT NHÂN – QUẢ QUA BỘ TRANH DÂN GIAN THẬP ĐIỆN DIÊM VƯƠNG/ tr.245
1. Những vấn đề về nội dung của tranh
2. Những Vấn Đề Về Nghệ Thuật
Truyện ngắn. Tu Dưỡng/ tr.265
Thơ Haiku – Hoàng Long/ tr. 267
2 thoughts on “Giới thiệu: Phật Học Luận Tập (Tập 1)”