
Tủ sách Phổ Hòa: Do môi trường hành hoạt, nhìn ở hiện tại lẫn tương lai, nội dung lẫn hình thức Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ cần phải được cách tân. Song để làm được điều đó, trước hết không thể không nhìn lại những giá trị văn hóa, truyền thống vốn có từ nhiều thập niên qua do bao thế hệ áo lam đảm lược và tâm huyết dày công tài bồi.
Trong bất kỳ đề án san định hay tu chính nào, nếu không khởi đi từ sự nhận chân một cách thiết tha về những giá trị cao đẹp nêu trên, tất có thể đi xa nhưng không tránh được những sai lạc đáng lo ngại, mà thực tế nhìn chung sinh hoạt của chúng ta ở Hoa Kỳ những năm gần đây là như vậy, nhất là trong lãnh vực NGHI LỄ Gia Ðình Phật Tử.
Trước hiện trạng đó, Khối Nghiên Cứu Huấn Luyện với sự hỗ trợ của các trưởng trẻ nhiệt tình tại quê nhà, phát tâm sao lục và thực hiện những tài liệu căn bản trong sinh hoạt Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, mọi lãnh vực, nhằm phổ biến rộng rãi đến với tất cả anh chị em Huynh trưởng đang trách nhiệm hướng dẫn các cấp.
Trở lại như lời vào đầu, công việc này cốt khởi điểm cho tâm nguyện thiết tha, đó là làm sao có thể lưu nhuận mọi giá trị cốt lỏi của tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam nơi quốc độ Hoa Kỳ – Làm mới, nhưng không xa lạ với bản sắc!
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM – BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG
NỘI LỆ NGHI THỨC LỄ LƯỢC TRONG GĐPT VIỆT NAM
Phụ bản đính kèm của QĐ số: 13114/HDTƯ/QĐ/TB – Áp dụng kể từ 22.11.2013
Ban Hướng Dẫn GÐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ.
Trình bày và thực hiện:
Bửu Thành Phan Thành Chinh, Nguyên Cần Nguyễn Ðình Tiến,
Tâm Thường Ðịnh Bạch Xuân Phẻ, Quảng Pháp Trần Minh Triết
ISBN: 978-1544293523
© Gia Ðình Phật Tử Việt Nam – Tủ Sách Phổ Hòa, 2017.
1. Định danh Nghi lễ
Ðịnh danh hay định nghĩa về nghi lễ trong thiền môn nói chung, trong GĐPT nói riêng là một khái niệm mà có nhiều quan điểm trình bày khác nhau. Trong quá trình tu chính, Tiểu ban đã nghiên cứu có hệ thống cơ sở lý luận này để làm nền tảng căn bản cho quá trình hoàn chỉnh Nội Lệ Nghi Lễ GĐPT Việt Nam. Nghi lễ là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh người con Phật, tỏ bày lòng cung kính, xưng tán công đức Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng và Lịch Đại Chư Vị Tổ Sư, là thể hiện trọn vẹn tinh thần truy tiến báo ân, tài bồi công đức, khuyến tấn tu trì “báo Phật ân đức”. Chư tôn đức tăng già trên cả nước đã gia tâm thực hiện việc biên soạn, san định lại nghi lễ hành trì cho Phật giáo Việt Nam. Trong đó, Cố Đại Lão Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN bằng tất cả tâm nguyện cùng tuệ giác của mình đã kiến tạo nên Pháp sự Khoa Nghi thực hiện trong các ngày lễ Vía Chư Phật, Chư Bồ Tát và đặc biệt là các khoa nghi tiến cúng liệt vị tôn túc hữu công đối với Phật giáo Việt Nam để tuyên dương công hạnh, báo tiến tri ân. Và nghi lễ có nhiều khái niệm khác nhau, nhưng tựu chung cũng không ngoài:
“Nghi: Nghi thức, lễ nghi, lễ phép, khuôn phép, oai nghi…v.v.
Lễ: Lễ giáo, lễ nhạc, (điều hòa), lễ bái, cúng tế, tôn thờ, cung kính…v.v.”
Như vậy, lễ nghi là lòng khiêm hạ, là bày tỏ sự kính thành. Cầu nguyện là cách thức đãi lọc tâm tánh, là báo ân, là phát khởi những dòng tâm niệm trong sáng, hữu ích, nung nấu ý chí, trau dồi đạo hạnh cho mình và hướng dẫn kẻ khác”. Nghi lễ là chỉ chung cho nghi thức tụng niệm hành lễ, sinh hoạt, trong phạm vi tín ngưỡng thờ phụng của một tôn giáo. Bất cứ một tôn giáo nào đều phải có những hình thức nghi lễ để tiêu biểu tinh thần đạo vị của mình. Mặc dầu trên thể thức và âm điệu của mỗi đạo giáo có phần sai khác nhưng mục đích vẫn là chí thành cầu nguyện, tán thán công đức vị Giáo chủ mà mình đã quy ngưỡng tôn thờ.
Đạo Phật không phải là một tôn giáo chỉ chú trọng về phương diện nghi lễ, nhưng nhờ có sinh hoạt nghi lễ mà đưa người vào đạo Phật một cách dễ dàng. Ví dụ: cầu an cho người bệnh hoạn, tai nạn…, cầu siêu bạt độ cho kẻ lâm chung…v.v. Đó là những phương tiện thực tế để điều hòa lý trí, gieo rắc tình cảm của con người, an ủi tinh thần cho người còn cũng như kẻ mất. Vì thế, nghi lễ cũng là vấn đề quan trọng và có nhiều lợi lạc trong đạo Phật. Và Nghi lễ trong GĐPT được hiểu là: Nghi thức – Lễ lược, với khái quát như sau:
Nghi là nghi thức có ý nghĩa:
– Là sự kiến tạo của Lịch Đại Chư vị Tổ Sư, mang hình thức tôn giáo, để bày tỏ lòng cung kính, tín tâm, hạnh nguyện của tín đồ đối với Đấng Giáo Chủ, cầu mong sự gia hộ để tâm nguyện viên thành. – Nghi thức còn là phương tiện để đưa đạo vào đời, là nhịp cầu để đưa người đến với đạo.
Lễ đó chính là phần Lễ lược với hàm ý:
– Kiến lập hoàn toàn với tính cách thế gian nằm trong tục đế, dùng để thể hiện tất cả các ý nghĩa của sự kiện mà chúng ta kiến lập, hầu mong mọi người đều am tường và hiểu biết một cách quán triệt và phát tâm làm cho đúng để hồi hướng công đức truy tiến, báo ân.
– Bên cạnh đó, còn dùng những quy ước của thế gian được cộng đồng công nhận phù hợp với những nguyên tắc luân lý đạo đức trong tứ lễ Hoan (trước đây ảnh hưởng của Trung Hoa nên có Lễ Quan, nay đổi thành Hoan lễ) – Hôn – Tang – Tế và đồng thời để tiếp đón, tiễn đưa các cấp lãnh đạo chúng ta.
(còn tiếp)