
Lễ lược là một phần rất quan trọng trong đời sống tâm linh mỗi chúng ta (như chúng tôi đã thưa qua ở trên). Vừa là nhu cầu trong cuộc sống để bày tỏ niềm tôn kính, tài bồi thêm đức tin và dày thêm hạnh nguyện, và nghi lễ còn là nhịp cầu để kết nối tâm nguyện, là phương tiện để đưa đạo vào đời. Xuất phát từ những vấn đề thiết yếu đó mà tổ chức GĐPT. Việt Nam chúng ta đã quan tâm đến vấn đề nghi lễ ngay từ những ngày đầu mới phôi thai. Trãi qua, bao giai đoạn thăng trầm trong lịch sử thì Nghi lễ vẫn chính là suối nguồn tâm linh, là phương dược để an tâm cho mỗi thành viên áo Lam trên con đường phụng sự lý tưởng với nhiều chông gai, thử thách, chướng duyên. Bên cạnh đó, trãi qua mỗi kỳ Đại hội Huynh trưởng toàn Quốc thì tổ chức vững mạnh hơn, việc xây dựng và kiện toàn hành chánh nghi lễ là một phật sự không thể thiếu. Chúng tôi xin minh hoạ tiến trình đó, thông qua các mốc lịch sử như sau:
- Danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ được xây dựng bằng ý nghĩa: Hóa nghi – Hóa Pháp, chính là đem nghi lễ đến với mọi người, đem giáo pháp đến với quần chúng để cùng nhau phát tâm tu tập và xây dựng Gia đình phật hóa. Và nghi lễ được quan tâm từ những ngày đó. Tinh thần cầu an, cầu siêu tại các gia đình, khuôn hội, và có hẳn một thành viên chuyên lo về nghi lễ cũng chính là thể hiện tinh thần “hóa nghi, hóa pháp”.
- Đến năm 1951, quyển Nội lệ về nghi thức lễ lược được ấn hành để áp dụng trong sinh hoạt áo lam. Đây chính là nền tảng căn bản xây dựng hành chánh nghi lễ và khai thông cho các công trình nghiên cứu, huấn luyện sau này.
- Trải qua từng giai đoạn trưởng thành của tổ chức, thể hiện qua các kỳ Đại hội Huynh trưởng toàn quốc thì nghi thức và lễ lược được quan tâm rất nhiều trong việc tu chỉnh nội lệ nghi lễ, san định chương trình tu học các Bậc của Huynh trưởng, tài liệu huấn luyện của Huynh trưởng cũng được quan tâm đến các đề tài nghi lễ từ Lộc Uyển đến Huyền Trang. Nhằm trang bị cho huynh trưởng những kiến thức cần thiết trong lĩnh vực này. Và đến hiện tại chúng ta vẫn đang lưu hành, áp dụng nghi thức tụng niệm của Gia Đình Phật Tử được Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử duyệt y từ năm 1964 và Nhà xuất bản Sen Vàng ấn hành, tái bản nhiều lần.
- Trong quá trình xây dựng và kiện toàn tổ chức, trãi qua bao tháng năm dài áo Lam chúng ta chăm chút cho từng nội dung, lo toan cho từng phần sinh hoạt để thích hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, trong đó việc kiện toàn nghi thức – lễ lược trong GĐPT luôn được quan tâm thông qua các Đại hội, Hội thảo Huynh trưởng toàn quốc. Bên cạnh đó, tại các BHD Tỉnh (Thị) thì sự đầu tư cho nghi lễ cũng được quan tâm thông qua các hội thảo hành chánh nghi lễ nhằm thăng tiến tổ chức tại các cấp.
- Năm 1973, Hội thảo Hành chánh Miền Khánh Hoà được tổ chức, dưới sự chủ toạ của Chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc, Anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ, Anh Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục đã xây dựng và tiến hành san định lại một số nội dung về nghi lễ trong GĐPT. Và kết quả này cũng được nhiều địa phương áp dụng.
- Sau khi đất nước chuyển sang một giai kỳ mới, tình hình sinh hoạt của tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn nên mọi việc tổ chức, san định, thiết lập nghi lễ cũng không có những biến chuyển mới và hầu như là giản đơn cốt lấy tâm thành kiến lập đàn tràng nghi lễ chứ không nhiều thuận duyên để thực hiện hình thức long trọng.
- Đặc biệt trong thời điểm sinh hoạt khó khăn hầu như nghi lễ được thực hiện theo trí nhớ và sự hiểu biết của từng Anh Chị nên có những sai biệt giữa địa phương này với địa phương khác, mà không có những thống nhất chung trên toàn quốc.
- Sau Hội nghị Huynh Trưởng Cấp Dũng – Cấp Tấn toàn quốc tổ chức tại Trại Trường GĐPT. Việt Nam năm 1995 bắt đầu thực hiện phật sự về nguồn khôi phục lại hình thức của tổ chức, nghi lễ trở thành phần tâm linh được quan tâm để thực hiện hầu làm chất men gắn kết cùng nhau, vững tâm trên con đường đạo. Các tài liệu tu học được tu chỉnh và có những đề tài liên quan đến lễ lược trong GĐPT tại Trại Lộc Uyển, Bậc Trì, Trại Huyền Trang, Vạn Hạnh…
- Dù gặp nhiều chướng duyên nhưng cũng từ thời điểm này trở đi các Hội thảo về hành chánh – nghi lễ của Trung Ương đến địa phương đều có những đề tài thuyết trình và thảo luận hầu thống nhất tinh thần chung.
- Cũng trong thời điểm này quyển tài liệu “Lễ lược trong GĐPT” do Anh Thị Nguyên biên soạn được nhiều địa phương hưởng ứng và đến nay trở thành quyển tài liệu được áp dụng khá nhiều trên các địa phương.
- Sau năm 1975 bắt đầu sen trắng ươm mầm tại các Quốc gia trên Thế giới, tại mỗi địa phương đều có những sắc thái riêng về Lễ lược nhưng nhìn chung vẫn duy trì bản sắc và thể hiện tinh thần thành kính cúng dường như pháp. Sự đóng góp của Hải Ngoại không nhỏ cho nội dung Nghi lễ mà thông qua các Đại hội hoặc các công trình của Huynh trưởng đã thể hiện.
- Đến năm 2009, Ủy viên Nghiên Huấn BHD. Trung Ương GĐPT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên ngành và nhân dịp này có bàn về những nội dung liên quan đến nghi lễ trong GĐPT, đặc biệt có những điều chỉnh như sau:
- Thay đổi vị trí hát bài trầm hương đốt ra đầu tiên trước khi chủ lễ xướng bài kệ nguyện hương.
- Trong lúc cử hành Lễ chào cờ và đón tiếp quan khách chỉ có người điều khiển bắt ấn tam muội chào thay vì tất cả cùng chào.
Trải qua chặng đường khá dài cho việc thiết lập một nội dung thiết yếu cho tổ chức đề tài bồi tâm linh, dày thêm hạnh nguyện qua những nét son ma chúng tôi trình bày trên. Song vẫn còn chưa thống nhất mỗi lần sinh hoạt chung chúng tôi nhận thấy mỗi địa phương, mỗi khu vực, mỗi quốc gia thực hiện theo cách riêng của mình. Bên cạnh đó, khi gặp những vấn đề liên quan đến lễ lược thì có nhiều Huynh trưởng chúng ta lẳng lặng cáo từ không hợp sở trường là điều thiếu sót lớn. Chúng tôi rất quan tâm, rất trăn trở khi chúng ta thật sự thống nhất trong ngôi nhà chung GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI. Mà điều này không thống nhất được là đáng tiếc.
Qua nghiên cứu, công trình tu chỉnh của Tiểu ban được hệ thống dưới đây là thể hiện kế thừa những tinh hoa đã có, phát triển thêm một số nội dung, giới thiệu thêm một số vấn đề mà theo chúng tôi Huynh trưởng nhà ta thường lung túng để có được những cái chung trang nghiêm, long trọng với bản sắc GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM.
(Xem tiếp kỳ tới: Phân loại – Cấp tổ chức)