
Dịch: Nguyễn Hoàng Huy/Hoa Ðàm
Tuần này, tôi được mời đến thuyết giảng cho các chuyên gia về tiếp thị đang làm việc trong lĩnh vực từ thiện. Buổi nói chuyện được tổ chức bởi Third Sector Women, đây cũng là một dịp để tôi có thể gặp gỡ, ăn uống, trò chuyện và nới rộng mối giao tiếp với nhiều công chức khác.
Truyền thông xã hội là một chủ đề đã khá nhàm chán, cho nên tôi muốn đưa ra một cái gì đó mới hơn. Mới đây tôi cũng vừa học thêm nhiều điều về cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật, qua một quyển sách đã được nghiên cứu kỹ lưỡng của tác giả Karen Armstrong, nên tôi nghĩ mình sẽ thuyết trình theo cách Đức Phật có thể sẽ sử dụng mạng xã hội như thế nào, nếu ngài còn tại thế.
Đức Phật là ai?
Đối với những ai không biết rõ lắm về Phật, Phật là một người đàn ông bình thường được sinh ra vào khoảng năm 583 trước công nguyên tại một nơi mà ngày nay là Nepal. Ông xuất thân từ một gia đình hoàng tộc và được sống một cuộc sống sung sướng, chở che. Vào độ tuổi thanh niên ông ngộ ra được tất cả những hoàn cảnh khổ đau trên thế gian, và đã từ bỏ hoàng cung ra đi ở độ tuổi 29, để xem mình có thể khám phá ra được ý nghĩa của cuộc đời, vượt qua được những khổ đau thường ngày hay không. Một đêm nọ, trong lúc ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề, ngài đã Giác Ngộ và suốt 40 năm sau đó ngài đã đi khắp nơi truyền dạy cho người khác làm thế nào để có thể giác ngộ như ngài. Nhiều nhà bình luận cho rằng nếu Đức Phật còn sống hôm nay, ông có thể sẽ là một nhà tâm lý học đẳng cấp thế giới, hay một tác giả nổi tiếng thay vì là một nhân vật tôn giáo.
Bát Chính Đạo là gì?
Một trong những giáo lý chính của Đức Phật được gọi là Bát Chính Đạo. Đạo là con đường; con đường này mô tả cách để đạt được giác ngộ. Nó là con đường Trung Đạo, giữa hai thái cực: khoái lạc và khổ hạnh. Về mặt bản chất, nó cung cấp cho chúng ta một phương thức quân bình để có được một cuộc sống tốt hơn. (Bạn cũng có thể thấy đây cũng chính là cách tôi lấy được cảm hứng cho công ty của mình!)
Điều này liên quan gì tới truyền thông xã hội? Mục đích của truyền thông xã hội là để kết nối giữa người với người. Liệu chúng ta có thể sử dụng Bát Chính Đạo để kết nối với người khác một cách sâu sắc và trọn vẹn hơn?
Con đường này gồm có 8 phần, mỗi phần là một bài học cốt lõi mà tôi nghĩ rằng chúng ta có thể áp dụng nó vào thế giới mạng của mình.
1. Chính kiến – Hiểu đúng
Chính kiến là nền tảng của 7 con đường còn lại. Trong truyền thống Phật giáo nó có nghĩa là: nhìn và hiểu được sự việc đúng như bản chất của nó. Xét theo thực tế thì nó có nghĩa là có được một tâm trí cởi mở và linh động với những gì xảy ra và đồng thời nhận biết rằng không có gì là mãi mãi – mọi thứ diễn ra trên thế giới này đều như bọt biển.
Với kinh nghiệm của bản thân, mạng xã hội đôi lúc cũng có thể khiến cho nhiều người cảm thấy căng thẳng. Chúng ta lo lắng không biết mình có làm đúng hay không, không biết mình có ở đúng nơi hay không, và không biết mình có nói gì sai hay không.
Mọi thứ đều vô thường. Dù bạn có đăng một ý tưởng mà có người cho rằng nó vớ vẩn, nó cũng sẽ sớm tan biến vào hư vô. Cho nên giữ một thái độ vui vẻ dành cho mạng xã hội, cũng như cho cuộc sống, có thể giúp bạn loại bỏ đi căng thẳng nếu có.
2. Chính tư duy – Ý nghĩ đúng
Chính tư duy mô tả trạng thái năng lượng tinh thần điều khiển hành động của chúng ta, theo thuật ngữ Phật giáo nó có nghĩa là không hại người mà hãy đối xử tốt với mọi người.
Đây là một thái độ lành mạnh đẹp đẽ dành cho truyền thông xã hội. Nếu chúng ta có ý định sử dụng mạng xã hội một cách trung thực, mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ từ đó – nội dung, thảo luận và kết nối. Sẽ không có một bức tường cách ngăn giữa bản chất thật của chúng ta và những gì chúng ta đang nói.
3. Chính ngữ – Nói đúng
Chính ngữ đòi hỏi chúng ta phải nói sự thật, thân thiện và chỉ nói khi cần thiết. Một bài học chúng ta có thể học được và áp dụng vào mạng xã hội. Nói sự thật rất quan trọng. Khi bạn bắt đầu đưa ra những ý kiến và ý tưởng của mình, cũng sẽ có nhiều điều thú vị xảy ra. Followers và fans sẽ xuất hiện và cơ hội cũng sẽ bắt đầu phát sinh. Nhưng cũng có những nhà phê bình, đây có thể là một vấn đề khó nuốt.
Nếu chúng ta chỉ nói khi cần thiết, liệu chúng ta sẽ nhớ để dừng lại trước khi bấm nút đăng bài? Liệu những gì chúng ta đang chia sẻ có tạo ra được giá trị gì cho người đọc không hay chúng ta chỉ đang thêm vào những tiếng ồn?
4. Chính nghiệp – Làm đúng
Chính nghiệp muốn chúng ta đừng hại người và tôn trọng những gì của người khác.
Mạng xã hội là một cái chợ trời nội dung và ý tưởng và chia sẻ thông tin là một phần trong đó. Nhưng chúng ta cần biết tôn trọng ý tưởng và những tài sản trí tuệ của người khác. Một người văn minh là một người biết công nhận những ý tưởng của người khác. Cụ thể là khi tôi sử dụng những hình ảnh Creative Commons tôi đều ghi ra tên tác giả của hình ảnh đó.
5. Chính mạng – Sống đúng
Chính mạng khuyên chúng ta kiếm sống và làm việc một cách có đạo đức.
Thế giới mạng thu hút nhiều người có hành động thiếu đạo đức, những người sử dụng mạng xã hội để lừa đảo tiền bạc người khác. Điều chúng ta nên làm là sử dụng mạng xã hội để tạo ra những giá trị mới và để tiếp cận, giúp đỡ người khác mà không luôn mong trả ơn.
6. Chính tinh tấn – Nỗ lực đúng
Không có nỗ lực thì không có gì được hoàn tất. Nhưng những nỗ lực sai lầm khiến chúng ta lạc mất đi nhiệm vụ của mình.
Đây có lẽ là một trong những bài học quan trọng nhất chúng ta có thể học được từ Đức Phật để áp dụng vào mạng xã hội. Nếu chỉ thiết lập một vài tài khoản rồi ngồi chờ fans tới thì chuyện đó sẽ không xảy ra. Bạn phải chủ động tiếp cận tới mọi người.
Tuy nhiên, biết được điểm cần tập trung nỗ lực mới thật sự thiết yếu. Nếu bạn dành thời gian của mình vào những nơi vô bổ bạn sẽ lãng phí thời gian quý giá của mình. Đừng sử dụng mạng xã hội chỉ vì bạn thấy ai cũng sử dụng nó. Bạn có thể thử dùng qua nhiều trang mạng xã hội khác nhau nhưng cũng nên biết khi có gì đó không ổn đang xảy ra.
7. Chính niệm – Tâm thức đúng
Chính niệm là một sự rèn luyện tập trung vào hiện tại. Cốt lõi của nó chính là có được một tâm thức luôn sinh động về những gì đang thật sự diễn ra, chứ không phải những gì chúng ta NGHĨ rằng nó đang diễn ra.
Hãy ý thức được những gì mình đang làm trên mạng xã hội. Hãy tự hỏi chính mình xem nó có hữu ích và trung thực không. Hãy sống trong hiện tại.
8. Chính định – Tập trung đúng
Nhiều Phật tử phát triển sự tập trung của họ bằng thiền định. Chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội để phát triển khả năng tập trung cũng giống như khi chúng ta sử dụng hơi thở trong thiền định để luyện tập cách sống trong hiện tại. Blogger Alexandra Samuel có tweet trên trang mạng của mình về Twitter như một phòng gym mini cho tâm trí:
“Nếu sử dụng đúng, Twitter có thể là một phòng gym nhỏ cho sự chú ý của chúng ta. Nó liên tục làm mạnh lên khả năng tập trung của chúng ta: vào những việc cá nhân hay những công việc nghề nghiệp. Những tính chất khiến Twitter có cảm giác như quá phiền nhiễu: sự vắn tắt, sự tràn lan, và sự khó cưỡng – điều này khiến nó trở thành một nền tảng lý tưởng để rèn luyện sự định tâm.