
VÀI NHẬN ÐỊNH:
Giáo dục gắn liền với tuổi trẻ, gắn liền với con người và xã hội. Bằng vào phương pháp giáo dục mà con người có sự cảm thông, đối thoại, hợp tác, sống chung và tạo nên phúc lạc cho cá nhân, gia đình và thế giới.
Gia Ðình Phật Tử là một tổ chức tiêu biểu cho đối tượng giáo dục và mang sứ mệnh giáo dục đã có mặt trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, tiền thân Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất suốt trong quá trình sinh hoạt năm mươi năm qua. Năm mươi năm giáo dục, trưởng thành, đóng góp, hy sinh và cùng chịu bao nỗi thăng trầm của quê hương, dân tộc và Giáo Hội.
Nói giáo dục gắn liền với tuổi trẻ, gắn liền với con người và xã hội là nói đến ý hướng giáo dục, phương pháp giáo dục thích nghi với con người, xã hội và thời đại mới. Thích nghi mà không mất gốc là không phụ bạc những kinh nghiệm máu xương của các bậc đàn anh và các thế hệ tiền bối. Ðường hướng giáo dục dù hay cách mấy của người xưa cũng như người nay mà không thích nghi với xã hội và con người thời đại thì tự nó bị bế tắc và đào thải. Ðường hướng giáo dục thích nghi là đường hướng giáo dục làm hiển lộ được nhu cầu thiết yếu của đời sống cơm áo, tình yêu thương, quyền làm người, tôn trọng nhân phẩm, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, quyền phụng sự đức tin tôn giáo, quyền sáng tạo, quyền mở mang đời sống bằng kinh nghiệm cá nhân và tập thể.
Nhà giáo dục tin tưởng mãnh liệt rằng trong mỗi con người đều có khả năng trí-tuệ vô tận. Khả năng ấy bằng vào phương pháp giáo dục và thiền định mà con người có thể phát triển và tiến bộ không ngừng về mọi phương diện. Quên mất nhận thức và nguyên tắc căn bản này thì mọi đường hướng giáo dục trở nên máy móc, xung đột và phá sản. Phá sản toàn bộ nền giáo dục nhân bản và tình yêu con người bảo vệ môi sinh và sự bình an của đồng loại. Phá sản toàn bộ nền giáo dục nhân bản, cũng có nghĩa là bôi lọ chiếm đoạt. Ðây là nguyên nhân sâu xa của mọi cuộc chiến tranh, thù hận, chém giết, gây tang tóc và điêu linh trên khắp mặt trái đất.
Hướng đi của Gia Ðình Phật Tử vĩnh viễn là hướng đi của người tỉnh thức, hướng đi về phía nhân bản: dẫn đạo con người và tuổi trẻ trau dồi trí-tuệ, tình thương và khám phá con người tốt đẹp của chính mình để làm tốt đẹp cho cuộc đời. Hướng đi ấy là hướng đi phụng sự chân lý, dốc hết nghị lực và vận chuyển khả năng không ngừng làm cho trí tuệ và tình yêu thương hiện thực trong con người, trong gia đình, xã hội và trong toàn bộ ngỏ ngách của đời sống.
Thanh niên Tất-Ðạt-Ða và con người Ðại Bi, Ðại Trí và Ðại Dũng đã đi về hướng đó: tự mình giáo dục chính mình và tự khám phá ra một quy trình giáo dục độc đáo, mới mẻ, đầy tính chất nhân bản, vì đồng loại, vì tình yêu và phúc lạc cho tất cả. Ðó là con đường trở về khám phá bản lai diện mục cá thể để tận hiến sự tốt đẹp, mầu nhiệm của cá thể cho tập thể. Ðó là con đường giáo dục thiền định, giáo dục nhân tính mà thanh niên Tất-Ðạt-Ða đã lưu lại cho con người hôm nay và các thế hệ mai sau.
Ðào tạo nhân sự, phát triển tổ chức, un đúc chí nguyện phục vụ và thiết bị chương trình tu học là bốn đề án bao hàm ý nghĩa giáo dục và hướng đi hiện nay của tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam ở Hải Ngoại. Nói hướng đi hiện nay là nhấn mạnh sự lưu tâm và kiện toàn hướng đi ấy ngay trong hoàn cảnh mới của từng xã hội và thời đại, chứ hướng đi ấy đã được thiết lập và xây dựng trên năm mươi năm qua. Dù cho hoàn cảnh chung quanh và trước mặt có chông gai cách mấy, lập trường và hướng đi của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử vẫn muôn đời không thay đổi, không chùn bước. Nghĩa là Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử vẫn mãi mãi tiếp tục, hành trình trên hướng đi của người tỉnh thức từng bước kiên định, vững chãi và nhẫn nại. Hướng đi nhân bản-giáo dục tuổi trẻ trau dồi đạo đức, yêu thương và thể hiện chí nguyện phụng sự con người, quê hương và đạo pháp.
ÐÀO TẠO NHÂN SỰ:
Ðó là niềm thao thức và công tác ưu tiên bậc nhất trong toàn triệt nổ lực của Ban Hướng Dẫn và của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử hiện nay. Sự phát triển lớn mạnh và tồn tại lâu dài của các đơn vị Gia Ðình ở mỗi địa phương là tùy thuộc khả năng nhân sự ở các cấp Huynh Trưởng. Huynh Trưởng hướng dẫn và cầm đoàn của mỗi đơn vị Gia Ðình thiếu khả năng hoặc không có đủ nhân sự cung cấp điều khiển các ngành thì đơn vị Gia Ðình ấy được thành lập nhưng sớm bị tan rã; tệ hại hơn nữa là có hình thức sinh hoạt mà không thể hiện được hướng đi cao cả, sáng đẹp của Gia Ðình Phật Tử. Ðây là một hiện trạng thương tâm, nên lưu ý, đáng thảo luận và giải quyết kịp thời. Chúng tôi xin được nêu ra đây vài đề nghị với toàn Ban Hướng Dẫn, các Huynh Trưởng kỳ cựu, các tân Huynh Trưởng quý vị Tăng Ni, các bậc phụ huynh, những bạn hữu, ân nhân và bất cứ những ai thương mến đến Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử:
1. Soạn thảo và ấn bản một tập tài liệu cơ bản bằng tiếng Việt và tiếng Mỹ, nói rõ mục đích, hướng đi và nội dung sinh hoạt của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử trong môi trường xã hội mới để phổ biến rộng rãi đến với quý Hội Phật Giáo, các giới đạo hữu, con em và các bạn trẻ.
2. Tổ chức các buổi thuyết trình và thảo luận tài liệu ấy ở các chùa, các đơn vị hạ tầng Giáo Hội, các đơn vị Gia Ðình Phật Tử và các cộng đồng sinh hoạt thanh niên, sinh viên và học sinh thuộc con em phật tử.
3. Soạn thảo tài liệu cơ bản và mới mẻ trong việc giảng dạy Phật Pháp; các tài liệu sinh hoạt chuyên môn cho các ngành đoàn sinh và các cấp Huynh Trưởng. Các tài liệu phải soạn bằng tiếng Việt và Tiếng Mỹ.
4. Các mẫu chuyện Ðạo, các bài ca chính thức của Gia Ðình và cộng đồng phải được sửa soạn và ấn bản bằng tiếng Việt và tiếng Mỹ. 5. Trừ các lớp học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, còn tất cả các buổi học tập, sinh hoạt khác với đoàn sinh, các cấp Huynh Trưởng luôn luôn dùng cả tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ để thích nghi với đoàn sinh, làm giảm mặc cảm về tiếng Việt non yếu của các em.
6. Tài liệu hướng dẫn các cấp Huynh Trưởng bằng hai thứ tiếng Việt và Mỹ phải trình bày ngắn gọn, dễ hiểu và thực tế, được phân phối về các đơn vị học tập kỹ lưỡng. Các kỳ tổ chức những trại huấn luyện là chỉ để hạch tuyển và tăng cấp, số lớn thì giờ còn lại phải nhắm vào các sinh hoạt chung, kết vòng thân ái trao đổi kinh nghiệm cầm đoàn và chia xẻ những khó khăn ở mỗi địa phương.
7. Phải thực tế trong việc mời quý Thầy đến giảng dạy trong các khóa huấn luyện Huynh Trưởng. Nên mời các Thầy có khả năng và kinh nghiệm chuyên môn trong việc giảng dạy Huynh Trưởng, chớ chú trọng hình thức Chứng Minh và biểu tỏ tình cảm bề ngoài đã trở thành tiền lệ xưa nay.
8. Huynh Trưởng mới, kể cả đoàn sinh các ngành Thanh Thiếu và Oanh Vũ đều có trình độ văn hóa và kiến thức học đường khá vững chãi, nên việc đào luyện các em có khả năng chuyên môn và cầm đoàn rất nhanh, nếu những tài liệu huấn luyện các cấp Huynh Trưởng được soạn thảo chu đáo và phối trí chương trình hàm thụ có hoạch định chu toàn.
9. Mặc tư cách, đạo hạnh và kiến thức Phật Pháp của các cấp Huynh Trưởng muốn được vững chãi và có chiều sâu, điều kiện rốt nhất là thưa thỉnh các vị Tăng Ni hướng dẫn các khóa tu bên cạnh sự điều hợp của các Ban Hướng Dẫn Miền và Tỉnh Thị.
10. Các bậc tôn túc Tăng Ni và Chư Phật Tử mọi giới đều ý thức một cách sâu sắc: Các cấp Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử là nhân sự tốt của Giáo Hội, của Ðại Gia Ðình Phật Giáo; là những nhà giáo dục khiêm tốn, không một đồng lương dính túi, trọn đời chỉ biết quên mình, hy sinh cho Tổ Chức, cho lý tưởng giáo dục và tình thương yêu tuổi trẻ.
11. Các bậc Tôn Túc Tăng Ni và Chư Phật Tử mọi giới cũng đều ý thức một cách sâu sắc: Công việc đào luyện các cấp Huynh Trưởng không phải chỉ để phát triển và duy trì sự tồn tại của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử có tính cách biệt lập, mà còn có sự liên hệ và ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với nền tảng hạnh phúc gia đình và đối với vận mệnh của Giáo Hội; đối với sự tồn vọng của Ðạo Pháp, Dân Tộc và Truyền Thống Văn Hóa ngàn đời của tổ tiên.
12. Vì vậy, tất cả chúng ta, bằng mọi sự tác trợ tinh thần, bảo hộ tài chánh, góp phần công sức, thời giờ và khả năng chuyên môn cúng hiến vào chương trình huấn luyện nhân sự, đào tạo các cấp Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử là một đóng góp cụ thể, cao quý và vô cùng cần thiết, sáng giá trong vai trò giáo dục phục vụ đạo pháp, quê hương và dân tộc.
PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC:
Chương trình đào tạo nhân sự, huấn luyện các cấp Huynh Trưởng có kết quả tốt đã là một thành công trên phương diện phát triển tổ chức. Các Huynh Trưởng giỏi, có tác phong đạo đức, có kiến thức và tháo vát thì không phải chỉ có khả năng cầm đoàn mà còn có thiện chí và khuynh hướng làm cho đoàn và đơn vị Gia Ðình mỗi ngày càng gia tăng, đoàn sinh, làm cho nội dung sinh hoạt của gia đình có phẩm chất, tạo được sự thương yêu, tin tưởng của quý vị Tăng Ni lãnh đạo tinh thần, quý Bác trong các Ban Quản Trị Hội Phật Giáo và các bậc phụ huynh sau đây là vài nguyên tắc và vài gợi ý trong việc phát triển các đơn vị và Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử:
1. Ban Hướng Dẫn Trung Ương hoặc các Miền viết một Tâm Thư và kèm theo phiếu thỉnh ý kiến về việc phát triển tổ chức Gia Ðình Phật Tử ở Hải Ngoại gởi đến các bậc Tôn Ðức, các Cư Sĩ lão thành và các Thiện Hữu Tri Thức có kinh nghiệm trong quá trình giáo dục và sinh hoạt với các Tổ Chức Tuổi Trẻ.
2. Tiến tới việc vận động thành lập một trụ sở Trung Ương Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử; lập ban soạn thảo đề án và thực hiện đề án văn hóa, giáo dục tuổi trẻ, đồng thời xin tiền trợ cấp của chính phủ tiểu bang và liên bang như một số các tổ chức văn hóa, từ thiện bất vụ lợi đã làm bấy lâu.
3. Tổ chúc Mùa Lễ Tưởng Niệm Người sáng lập và các cấp quá cố Huynh Trưởng đã hy sinh cuộc đời cho tổ chức Gia Ðình Phật Tử mỗi năm một lần vào đầu mùa hè, trước rằm tháng Bảy Âm Lịch, nhằm mục đích:
– Truy niệm ân xưa thắp sáng nghìn trùng;
– Soi gương người mà thấy bóng dáng của ta;
– Nung nấu ý chí và đại nguyện phục vụ lý tưởng đến với các cấp Huynh Trưởng mới;
– Gieo ý thức, niềm tin và nguồn lực tươi sáng màu Lam đến với toàn thể đoàn sinh;
– Tạo cơ hội cho các cấp Cựu Huynh Trưởng và Cựu Ðoàn Sinh muôn phương được họp mặt;
– Cung thỉnh các bậc Tôn Túc Tăng Ni trong quý Giáo Hội đến nguyện cầu, trai tăng, ban giáo từ và chia xẻ mọi khó khăn vui buồn với Tổ Chức;
– Ðạt mời đại diện Ban Quản Trị Quý Hội Phật Giáo, Ban Bảo Trợ quý Chùa, quý Bác Gia Trưởng, quý Ðạo Hữu và mọi giói Phụ Huynh đến dự lễ để Ban Hướng Dẫn có dịp bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với quý vị đã trực tiếp, gián tiếp dưỡng nuôi Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử. Mặc khác, Ban Hướng Dẫn cũng trình bày những khó khăn chung của Tổ Chức và của các đơn vị Gia Ðình Phật Tử để ai nấy cùng cảm thông, tha thứ, quan tâm và tận tình nâng đỡ mọi sinh hoạt của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử.
Mùa Lễ Tưởng Niệm phải được trở thành Mùa Lễ Truyền Thống của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam. Nghi Thức và nội dung sinh hoạt trong Mùa Lễ Tưởng Niệm phải được thể hiện trong một tầm vóc quy mô, phong phú. Vui tươi, sáng tạo nhằm thu hút người về tham dự, nhằm cổ võ hình thái sinh hoạt của tổ chức.
4. Ít nhất là hai năm nên tổ chức Ðại Hội thi đua văn nghệ toàn quốc một lần, nhằm mục đích:
– Phát triển nghệ thuật và thiên tài của các đoàn sinh;
– Gây sự lưu tâm và trau dồi năng khiếu văn nghệ ở mỗi đơn vị và Miền;
– Khuyến khích sáng tác: Kịch phẩm, thi ca, viết nhạc, hội họa& mang tính chất văn học, giáo dục và phụng đạo;
– Tạo sự quan tâm tham dự và chứng kiến những thành quả sinh hoạt Văn Mỹ Nghệ hướng thiện truyền bá đạo đức của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử;
– Cổ động lạc quyên tài chánh và bán vé vào cửa gây qũy cho Tổ Chức, bảo trợ sự nghèo khó của các đơn vị Gia Ðình Phật Tử ở quê nhà;
– Tuyển chọn và thu kết thêm những tài liệu sinh hoạt mới cho Tổ Chức;
– Phát hành và phổ biến rộng rãi các sinh hoạt của Tổ Chức qua film ảnh để vừa gây quỹ, vừa giới thiệu hướng đi của Tổ Chức đến mọi giới quần chúng;
– Phần thưởng xuất sắc của các Ðơn Vị và Miền trúng tuyển trong Ðại Hội thi đua văn nghệ sẽ được sự bảo trợ của các Chư Vị Tôn Túc Tăng Ni, Ban Quản Trị, quý Hội Phật Giáo địa phương và quý Ân Nhân chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, đây sẽ là một niềm vui lớn cho người trao và người nhận các phần thưởng danh dự ấy;
– Tác dụng và ảnh hưởng lớn nhất của Ðại Hội này là về khía cạnh tinh thần: Ý thức hợp tác, đóng góp bàn tay, khối óc và trách nhiệm một cách tích cực của những người trong và ngoài Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử;
– Ðại Hội thi đua văn nghệ cũng là động cơ hâm nóng, đốc thúc, gây ý thức sinh hoạt đoàn đội chăm chỉ, nổ lực và cầu tiến của mỗi Miền, mỗi Ðơn Vị trong tổ chức Gia Ðình Phật Tử.
UN ÐÚC CHÍ NGUYỆN:
Thực hiện được những công việc trong phần phát triển Tổ Chức đã là yếu tố tác động tâm lý, un đúc chí nguyện phục vụ của các cấp Huynh Trưởng và mọi ngành Ðoàn Sinh. Un đúc chí nguyện phục vụ và truyền trao ý thức trách nhiệm cho những người kế thừa của bất cứ một Tổ Chức nào, một truyền thống sinh hoạt nào, không phải ở nơi một mớ lý thuyết được trình bày qua sách vở, kinh điển mà chính ngay ở nơi những tác phẩm sống bằng hành động cụ thể; bằng sự truyền đạt bởi trái tim, hơi thở, mắt thấy, tai nghe và bằng tất cả sự rung chuyển tận đáy tâm hồn của cả hai phía truyền đạt và tiếp nhận.
Ai cũng biết chí nguyện của những người sáng lập và xây dựng lý tưởng Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử là chí nguyện xua tan bản ngã, thu hồi bản ngã và triệt thoái bản ngã để có đời sống thênh thang, vị tha, cởi mở, tỉnh thức và hòa đồng. Hòa đồng để hiểu, để thương và để san sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Niềm vui mà mình có được cho người, cho tuổi trẻ, cho những tâm hồn thiếu sự bình an. Giáo dục trong hướng đi của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử là thiết lập chí nguyện đó, thực hiện chí nguyện đó và viên thành chí nguyện đó.
Trẻ thơ là con của Ba Mẹ nhưng cũng là con yêu của Dân Tộc, của Giáo Hội và của Nhân Loại. Do đó, thương yêu trẻ thơ, giáo dục tuổi trẻ trở thành người tốt cũng là thương yêu các bậc Cha Mẹ, thương yêu Dân Tộc, thương yêu Giáo Hội và thương yêu Nhân Loại. Cái tình thương yêu có căn nguyên, sâu thẳm và bền bỉ đó là cái tình nhân hậu, hổ trương và sinh tồn của con người sáng lập, xây dựng, theo đuổi và sống chết với lý tưởng Gia Ðình Phật Tử là chí nguyện được thế lập trên cái tình thắm thiết đó.
Có những người bàng quan nghĩ và nói, Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử là một đám đông con nít vô tư, hời hợt, và ham vui là một câu nói thiếu nghiêm túc, thiếu cẩn trọng và hoàn toàn thiếu sự hiểu biết về mục đích và các sinh hoạt giáo dục của tổ chức Gia Ðình Phật Tử.
Dù vậy, trong một đại gia đình có con đông, cháu đàn thì sự vụng dại, khuyết điểm của chúng đối với những người chung quanh là một điều rất thường xẩy ra mà các bậc cha mẹ, các bậc hướng dẫn không bao giờ mong muốn. Các người có trách nhiệm chỉ thầm nguyện một lòng tận tụy dìu dắt con em và đồng thời khuyến thỉnh tuổi trẻ ngoan hiền, vì danh dự Tổ Chức, vì tâm nguyện phục vụ sự thật, phục vụ tình yêu thương rộng lớn mà hết lòng vâng lời người trên.
Cũng bằng vào chí nguyện và đại nguyện chung mà Ban Hướng Dẫn Trung Ương, toàn Miền và toàn bộ Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử tại Hoa Kỳ đã tận tụy nổ lực trong công cuộc vận động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam suốt trong nhiều năm qua tại Hải Ngoại. Bằng chứng hùng hồn và cụ thể nhất là sức mạnh ý chí tinh thần và nhân sự đoàn viên nồng cốt của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử đã dâng hiến trọn vẹn tâm phúc, khả năng trái tim, đôi bàn tay làm việc đêm ngày trong kỳ Ðại Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ diễn ra suốt ba ngày 25,26,27 tháng 9 năm 1992 tại thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Nhìn quang cảnh hợp mặt của Chư Tăng Ni, của trên một trăm đơn vị cơ sở Phật Giáo, của trên bốn trăm Ðại Biểu về tham dự Ðại Hội, còn có một khối lượng đông đảo Huynh Trưởng, Ðoàn Sinh Gia Ðình Phật Tử đồng phục màu lam tề chỉnh và hết lòng cáng đáng công việc trong Ðại HộI, trước những ngày chuẩn bị Ðại Hội và sẽ bền bỉ phụng sự Giáo Hội mãi mãi về sau những ngày Ðại Hội, quả là một niềm hãnh diện vô biên đối với Giáo Hội, đối với toàn bộ Tổ Chức Phật Giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Cũng bằng vào chí nguyện và tinh thần phụng sự Giáo Hội, giáo dục tuổi trẻ mà trong số các cấp Huynh Trưởng, Ðoàn Sinh Gia Ðình Phật Tử đã và sẽ có nhiều vị trở thành các bậc Xuất Gia lổi lạc trong sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp, như ngọn Hải Triều Tâm của thi sĩ Quách Ðàm:
Kết tình thiêng với màu Lam,
Chừ như đến lúc lên đàng xuất gia
Trầm luân cuộc lử ta-bà
Cẩu tâm rủ sạch sơn hà thừa dương
Chí lập gác lại vấn vương
Một giây tỉnh thức tình thương đầy tràn
Mỉm cười nhìn lại thế gian
Áo lam ủ trọn chiên đàn muôn nơi
Am vân nguyệt hiện sáng ngời
Một tâm chuyển động đất rời mới tinh.
THIẾT LẬP CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC:
Trong truyền thống Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử đã có thiết lập chương trình tu học. Như mùa Bát Quan Trai, mùa Quán Niệm cho các cấp Huynh Trưởng cao, những khóa thuyết đàm giáo lý và trì tụng kinh văn. Thế nên ở đây, chúng tôi chỉ xin được khai triển thêm vài ý niệm và phương pháp tu học mong sao cho phù hợp với bối cảnh sinh họat hiện nay của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử ở Hải Ngoại.
1. Thiết lập chương trình và ấn định thời gian tu học trong năm cho các cấp Huynh Trưởng và đoàn sinh. Cụ thể hóa trong chương trình tu học có các phần:
– Học giáo lý căn bản và đào sâu phương thức ứng dụng giáo lý ấy trong đời sống bản thân gia đình và đoàn thể;
– Thực tập phương pháp thiền quán để trau dồi thân, miệng, ý cho trong sạch hầu làm hiển lộ khả năng trí tuệ và đạo đức đích thực trong con người Huynh Trưởng;
– Ðào sâu lảnh vực tâm học và nắm vững khoa tâm lý trị liệu để bổ sung cho kinh nghiệm cầm đoàn và trước hết là thiết lập đời sống hạnh phúc cho cá nhân và gia đình;
– Tạo cho các em đoàn sinh trong các Ngành có một vốn liếng Phật Pháp căn bản, có một đức tin Tam Bảo sâu sắc và có những phương cách sống đạo được bền bỉ trong mọi môi trường tiếp xúc.
– Về với các khóa tu, sống chung và thực tập đạo tỉnh thức với nhau vài ba hôm bên cạnh quý thầy Thiền chủ và Quý vị Tăng Ni hướng dẫn tinh thần là những dịp tốt để quý vị Tăng Ni được thương mến, được chia xẻ những kinh nghiệm tu học và đời sống an lạc cho tuổi trẻ;
– Lý do chư vị Tăng Ni và giữa Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử có một khoảng xa cách và đôi lúc gần như không có sự lưu tâm giáo dưởng, bảo trợ là vì chúng ta không tạo được những môi trường sinh hoạt tu học có chiều sâu như những Khóa Tu Học.
2. Sau mỗi mùa tu học, hay mỗi khóa tu học, tất cả các cấp Huynh Trưởng và đoàn sinh tham dự khóa tu chính thức sẽ được ban tổ chức cấp phát chứng chỉ trình độ Phật Pháp và hạnh kiểm nhằm:
– Bổ sung hóa cho chương trình đào luyện các cấp Huynh Trưởng; – Giúp các em đoàn sinh các Ngành có sự khích lệ thi đua tham dự các khóa tu học và sống với đời sống tỉnh thức trọn vẹn trong các khóa tu;
– Chứng tỏ cho Quý vị Tăng Ni, các bậc cha mẹ thấy rõ là Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử ngoài những hoạt động hữu ích giáo dục và chuyên môn khác, còn là một Tổ Chức hết sức chú trọng và tích cực trong việc trau dồi đạo đức tâm linh, tu học và nghiêm trì cần mẫn lời Phật dạy;
– Trưởng dưỡng cho tất cả các đoàn viên trong Gia Ðình Phật Tử có một nhận thức rõ ràng, kiên định và tin tưởng bên vững trong nhiệm vụ đem Ðạo vào Ðời ngay trong hiện tại và ngày mai;
3. Các bậc cha mẹ nên hết lòng khuyến khích và bảo trợ tài chánh cho con em của mình có đủ điều kiện để đi tham dự các khóa tu học nhằm:
– Trau dồi kiến thức Phật Pháp, trưởng dưỡng nếp sống đạo đức và hạnh kiểm; – Giúp các em có cơ hội tìm lại giá trị tâm linh, nung đúc đức tin và nguồn mạch văn hóa truyền thống của Tổ Tiên;
– Ðược dịp tiếp xúc với quý vị Tăng Ni hướng dẫn tinh thần có đức độ, giới luật nghiêm mật, do đó các em có thể dễ dàng chuyển hóa được các tâm lý bất thiện, sửa đổi tánh tình và biết hiếu dưỡng sâu sắc đối với cha mẹ;
– Là Huynh Trưởng và đoàn sinh Gia Ðình Phật Tử, các em có được dịp quý báu để tu tập Phật Pháp và Thiền Ðịnh, hầu tạo được nếp sống an lạc, tỉnh thức cho bản thân cùng mang kinh nghiệm tu học về địa phương truyền đạt lại cho các đoàn sinh và Gia Ðình;
– Kết thân được nhiều bạn tốt, cùng đức tin, cùng chí hướng trong việc xây dựng hạnh phúc Gia Ðình và phụng sự Tam Bảo;
4. Ðề đặc quý vị Tăng Ni ở quý Giáo Hội Miền luân phiên tổ chức các Khóa Tu Học theo tuần tự những địa điểm khác nhau để thích nghi việc thỉnh mời nhân sự vì các yếu tố tâm lý chung.
Nội dung và thời điểm các khóa tu:
– Chương trình khóa tu học do Tổng Vụ Giáo Dục Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ phối hợp với quý vị Tăng Ni trong Miền và ban tổ chức tại địa phương soạn thảo.
– Chương trình Khóa Tu Học sẽ được chú ý hướng dẫn năm điểm chính: Học giáo Pháp căn bản; học phương thức tu tập và hành trì Phật Pháp; Học phương thức ứng dụng Phật Pháp vào nếp sống hàng ngày; Học kỷ thuật truyền đạt Phật Pháp và nguyên tắc tổ chức các khóa tu học; Học và thảo luận những tham luận về Phật Giáo và Xã Hội Tây Phương.
– Thời điểm tổ chức khóa Tu Học là và dịp mùa hè và các ngày quốc lễ dài hạn;
– Các Khóa Tu Học có thể tổ chức cùng một thời gian, nhưng phân ra các địa điểm khác nhau;
– Lễ Khai Mạc và Bế Mạc các Khóa Tu Học, Ban Tổ Chức có thể mời đông đủ các giới Tăng Ni và Phật Tử địa phương tham dự;
– Lễ Bế Mạc Khóa Tu Học cũng là lễ phát chứng chỉ Phật Pháp và phát phần thưởng cho các khoá sinh xuất sắc về giáo lý, hạnh kiểm và sự chuyên cần trong việc tu học.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Âu Châu, Chư vị Tăng Ni hằng năm có tổ chức các khóa tu học và mùa Hè cho các giới Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh và Gia Ðình Phật Tử. Thời gian Khóa Tu Học kéo dài từ ba đến bốn tuần lễ. Mỗi Khóa Tu Học có từ ba đến năm trăm khóa sinh ghi tên tham dự và đặc biệt hầu hết các khóa sinh là tuổi trẻ. Ở Làng Hồng tại Pháp, dưới sự hướng dẫn của Thượng Tọa Nhất Hạnh, gần mười năm qua, trong mỗi mùa Hè đều có tổ chức một tháng tu học từ ngày 15 tháng bảy đến 15 tháng tám Dương Lịch cho mọi giới Phật Tử Việt Nam và ngoại quốc. Mỗi Khóa Tu Học ở đây, các thiện sinh tham dự có khi lên tới cả ngàn người. Làng Hồng còn có tổ chức các Khóa Tu Học mùa Ðông nữa. Tại Tu Viện Kim Sơn suốt trong tám năm qua, các Khóa Tu Học được tổ chức liên tục trong mùa Hè, mùa Thu và mùa Ðông. Khóa Tu Học nào cũng có rất đông người ghi tên tham dự và tất cả các khóa tu học đều đạt được kết quả rất tốt đẹp. Ở các chùa Việt Nam tại Hoa Kỳ đều có tổ chức các khóa tu học, song vì phòng xá, điều kiện không cho phép nên các khóa tu học chỉ dành riêng cho quý Phật Tử và Thiện Sinh trong vùng.
Lợi ích mang đến cho mọi giới Phật Tử từ các khóa tu học rất lớn. Nhờ tham dự các khóa tu mà người Phật Tử được thấm nhuần Giáo Pháp cao thượng, nắm vững phương pháp hành trì những lời Phật dạy, có cơ hội sống những ngày an lạc, những giây phút tỉnh thức để thấy rõ tình trạng của chính mình, các biến cố: khổ đau và hạnh phúc, xấu và tốt, sa đọa và thăng tiến, ích kỷ và lợi tha, thất vọng và hy vọng, buông thả và tự chủ, sự chết và sự sống.
Thấy rõ tình trạng của chính mình là một điều vô cùng quan trọng. Nhờ thấy rõ mà chuyển hóa khổ đau thành an lạc, nhờ thấy rõ mà ta biết trau dồi và phát triển sự tốt đẹp không ngừng.
– Nhiều người nhờ tham dự các Khóa Tu Học, nhờ sự cảm hóa kỳ diệu của Phật Pháp mà thân tâm thanh thản, sáng suốt và điềm đạm.
– Nhiều người nhờ tham dự các khóa tu học, nhờ sự cảm hóa kỳ diệu của Phật Pháp mà nhịp cầu cảm thông giữa người thân được thiết lập, nền tảng hạnh phúc Gia Ðình được tái tạo.
– Nhiều người nhờ tham dự các khóa tu học, nhờ sự cảm hóa kỳ diệu của Phật Pháp mà từ bỏ được sự nghiện ngập, tánh sân hận, thù óan, hẹp hòi, ganh tỵ và chia rẻ…
– Nhiều người nhờ tham dự các khóa tu học và sự cảm hóa kỳ diệu của Phật Pháp mà trừ khủ được gốc rễ đau khổ.
KẾT
Một cách tổng quát, giáo dục làm nên văn hóa và văn minh của nhân loại. Giáo Pháp của Ðức Phật bao hàm trong ba tạng kinh điển, trải qua hơn 25 thế kỷ đã tác xúc và tạo nên ảnh hưởng rất lớn cho hướng đi giáo dục nhân bản và trao lưu tiến bộ của nhân loại. Ðường hướng giáo dục nhân bản luôn luôn nhắm đến hai mục tiêu là đào tạo con người xã hội và con người hiện thực của chính nó. Con người xã hội đi vào những ngành chuyên môn như khoa học kỷ thuật, y tế, văn hóa, bang giao quản trị, chính trị, kinh tế&thì đã là con người vượt bậc trong thế giới văn minh hiện đại. Con người hiện thực của chính nó là con người có đầy bản chất yêu thương và trí tuệ. Phật Giáo, các tôn Giáo chơn chính, các nhà giáo dục nhân bản đã và đang đóng góp vào công trình xây dựng, làm hiển lộ “Bản lai diện mục” con người hiện thực đó.
Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam được khai sinh trên năm mươi năm qua và được sinh hoạt trong lòng Giáo Hội cũng đã và đang ảnh hưởng một cách sâu rộng trong công trình giáo dục đó. Trong đại nguyện dấn thân phụng sự tuổi trẻ phục hồi lại con người hiện thực của chính nó. Gia Ðình Phật Tử đã đặt hướng đi giáo dục con người toàn diện: Bi, Trí và Dũng. Nói và hành động, đó là châm ngôn của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.