
Thương về các em học sinh vùng bão…
Nghĩ hồi còn ở Việt nam, mình đi học, đạp chiếc xe đạp cộc cạch là thê thảm lắm rồi! bây giờ hơn 25 năm sau, nhìn lại các em đến trường vẫn bằng đôi chân đất, lấm bùn ở những lúc “trời hành cơn lụt mỗi năm”, thiệt thấy thương quá!
Mấy lần, tôi cứ giở tấm ảnh các em bé học bài, lấy thân trâu làm bảng đen, mà tự nhiên trào nước mắt. Quê hương tôi đó, “Ai bảo chăn trâu là khổ”, Đinh Bộ Lĩnh há không vụt đứng lên thống nhất sơn hà trên tấm thân trâu với lũ bé con từ những trận cờ lau của ngàn năm trước. Làm sao không tin, những em bé nghèo khó hôm nay, mỗi ngày lê đôi chân lấm bùn đến lớp học, lại chẳng là những người lãnh đạo nước nhà tử tế mai sau, nếu được giáo dưỡng tốt từ hôm nay.
Vậy mà, tối nay khi ngồi biên tập những bài mới cho Hoa Đàm, tình cờ tôi lại đọc đoạn tin ngắn:
Kon Tum: 13 thầy, trò thiệt mạng vì bão lũ: Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum, TS Nguyễn Sĩ Thư, ngành giáo dục tỉnh này có 13 người chết do ảnh hưởng của bão số 9 gồm: 1 hiệu trưởng, 1 giáo viên và 11 học sinh. Thiệt hại về vật chất gồm: 16 phòng học bị sập hoàn toàn; 155 phòng học bị tốc mái; 16 trường học bị hư hỏng về cổng, tường rào, điện…; gần 600 bộ bàn ghế học sinh bị cuốn trôi, hư hỏng; 40 máy tính bị hỏng; gần 22.000 bộ sách giáo khoa, 18.000 cuốn vở học sinh bị ướt không dùng được; 9 xe máy của giáo viên bị trôi; hàng chục nhà ở của giáo viên bị sập, cùng với tài sản bên trong… Riêng trường tiểu học Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) hiện vẫn chưa thể dạy học trở lại vì trường sập hoàn toàn; và 4 làng của xã Đăk Tờ Lùng (huyện Kon Rẫy) chỉ mới có 30% số học sinh đi học vì cầu treo qua suối Kon Ri Vàng bị cuốn trôi, chưa thể khắc phục được…
Chỉ ở một địa bàn nhỏ, số lượng người chết đã lên đến hàng chục, mà là trẻ em, tương lai của đất nước. Vậy nếu tìm ra tổng số trong vùng bão, e đáng ngại biết chừng nào.
Từ những bản tin về bão, hình ảnh chết chóc thật thương tâm, nhưng bên cạnh đó, hình ảnh của các em học sinh đến trường, gương mặt hồn nhiên ngơ ngác, thơ ngây, hay, bó gối ngồi thu lu hong khô từng quyển sách tan tác… cũng vô cùng cảm động. Mình lớn, mất nhà mất cửa, đau! tuổi thơ các em, mất sách vở cũng nghe đau như thường.
Tôi nhớ lời Thầy Tuệ Sỹ dạy: “mất đất, mất biển vẫn mong có cơ hội lấy lại được. Còn mất văn hóa là sẽ mất hết con à!”. Làm sao giúp các em yên tâm trở lại lớp học, để mai sau gìn giữ non sông trước cái họa ngoại xâm luôn rình rập…
Xin hãy vì tương lai của chúng ta, mà tận tâm cứu bão!
Hoa Đàm thư quán, 14.10.2009
Uyên Nguyên