
Ảnh: Wolfgang Kumm, AFP/Getty Images
Người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí sẽ được tôn trọng hơn nhiều lần và tên tuổi họ danh giá hơn các giải thưởng mà họ đạt được nhiều lần, nếu họ sử dụng ảnh hưởng để lên tiếng và hành động vì xã hội, đặc biệt trong những tình huống thảm họa hoặc thiên tai. Trong số rất nhiều người nổi tiếng thế giới hiện nay, Bono (nhóm rock U2) là gương mặt thật sự đáng kính nể, người mà cây bút báo Time, Josh Tyrangiel, từng gọi “vừa là ngôi sao, vừa là vị thánh” (half star-half saint)…
Hoạt động thiện nguyện của Bono không phải là trò phô diễn hình thức và thời thượng. Từ giữa thập niên 1980, Bono đã xuất hiện trong nhiều chương trình hòa nhạc gây quỹ giúp nước nghèo, đặc biệt châu Phi, trong đó có chương trình Band Aid và Live Aid. Không thuần túy dùng tài năng âm nhạc để lôi kéo sự chú ý nhất thời, bản thân Bono cùng vợ (Alison Stewart) từng đến sống hòa nhập tại Wello (Ethiopia) trong sáu tuần để hiểu thấu đáo nỗi khổ của dân địa phương. Cuộc đấu tranh chống nghèo của Bono còn thể hiện tại chương trình Jubilee 2000 do cố Giáo hoàng John Paul II thực hiện nhân kỷ niệm Năm lễ thánh. Mục tiêu của Jubilee 2000 là kêu gọi Mỹ cùng các nước giàu xóa nợ cho nước nghèo, kêu gọi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) động lòng trước nỗi khổ của hàng triệu người có cuộc sống khốn khó tại 52 nước nghèo nhất thế giới.
Ngay từ khi mới thành lập, các thành viên U2 đã đặt mục tiêu tối thượng theo tôn chỉ nghệ thuật vị nhân sinh. Hát xướng không chỉ để giải trí mà còn phải cứu đời. Từ giữa thập niên 1980, gần như tất cả tour diễn U2 đều đi kèm với vài tổ chức hoặc nhân vật tài trợ tinh thần, từ Tổ chức Ân xá quốc tế, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đến Tổ chức Hòa bình xanh. Như nhận xét của tác giả James Traub (trong bài viết gần 10.000 từ về Bono trên New York Times Magazine), định nghĩa về từ “hát” của Bono còn bao hàm thông điệp diễn văn, họp báo và những lần “đăng đàn” tại các hội nghị thượng đỉnh G-8 hoặc trụ sở Quốc hội Mỹ.
Một lần, trước một (trong nhiều) buổi gặp Tổng thống George W. Bush tại Nhà trắng vào đầu năm 2002, trên đường đến Tòa bạch ốc, Bono yêu cầu tài xế đánh xe lòng vòng để có thời giờ suy nghĩ cách thuyết phục Bush. Đặt quyển Kinh Thánh trên đùi, Bono lật từng trang, tìm đoạn nói về những người chăn chiên và những kẻ nghèo khổ. Cuối cùng, Bono tìm được đoạn ưng ý. Trong phòng oval, Bono đã trích lại cho Bush nghe: “Vì tôi là kẻ đói, người cho tôi thịt; tôi là kẻ khát, người cho tôi uống; tôi là kẻ lạ, người cho tôi vào…”. Sau cuộc gặp, Bush ủng hộ chương trình cứu trợ châu Phi với việc hứa thành lập Tài khoản Thách thức Thiên niên kỷ (MCA).
850 triệu người ở Lục địa đen hiện nghèo hơn cách đây 25 năm. Mỗi ngày có khoảng 30.000 trẻ em châu Phi bỏ mạng vì đói, thiếu nước sạch và đủ thứ bệnh tật. Chẳng lẽ tiếp tục bàng quan nhìn những đứa trẻ châu Phi trơ xương và cạn sức đến mức không đuổi nổi đám ruồi vo ve bu kín? Bono đã đến Hội nghị G-8 để vận động các nguyên thủ. Trước đó, Bono đã tổ chức và tham gia chương trình hòa nhạc Live 8 với sự ủng hộ của rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nhằm kêu gọi ý thức toàn cầu về những đứa trẻ chết đói tại châu Phi.
Một sự nghiệp khổng lồ (22 giải Grammy; hai đề cử Oscar; 6 đề cử Quả Cầu Vàng-giành được hai; được chọn vào Viện bảo tàng vinh danh Rock & Roll 2005; được tạp chí Entertainment Weekly chọn là nghệ sĩ thứ 22 trong 100 nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời); một nhân cách đáng nể (được Tổng thống Pháp Jacques Chirac trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh vào tháng 2-2003); một người đàn ông có tư cách và chung thủy (chưa từng tai tiếng, kể từ khi thành hôn với cô bạn thời trung học Alison Stewart); người thứ 14 trong danh sách những nhà lãnh đạo vĩ đại thế giới do Fortune 2016 bình chọn…, Bono – một tâm hồn khoáng đạt và sống đẹp – đáng được xem là một mẫu mực của người nổi tiếng, trong thời đại có rất nhiều người dễ nổi tiếng và mau nổi tiếng, không hẳn bằng tài năng, mà bằng sự nhảm nhí phù phiếm và sống ích kỷ với chính tâm hồn mình…
Chỉ là tiếng gọi của trách nhiệm và lương tâm. Với những người như Bono có lẽ chỉ nói vậy là đủ. Ngôn từ đẽo gọt trau chuốt đôi khi không cần thiết khi nói về những người “vừa là ngôi sao, vừa là vị thánh”.
Mạnh Kim