
HUYNH TRƯỞNG TÂM LẠC Nguyễn Văn Thục,
Cố vấn BHDGĐPTVN trên Thế Giới
“… Trong quá trình hoạt động của Gia Đình Phật Hóa Phổ, Gia Đình Phật Tử Việt Nam, như lịch sử Phật giáo Việt nam đã chấm nét son ghi nhận, thì Gia đình Áo Lam chúng ta đã đi tiên phong trong công cuộc THỐNG NHẤT tổ chức từ Bắc chí Nam trước 2 cuộc thống nhất lịch sử của các Tập Đoàn Phật Giáo Mẹ để trở thành – Tổng Hội và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Vì Đoàn Viên Áo Lam chúng ta ngày nay – ở quốc nội hay hải ngoại – là kẻ kế thừa những di sản truyền thống tình cảm và tinh thần quý bấu nói trên, chúng ta quyết hành hoạt sáng suốt, không thể để hay chấp nhận một sự sai sót nào đáng tiếc, để lại một hậu quả tiêu cực nào cho đàn em yêu quý của chúng ta phải gánh chịu về sau…” (trích “Bức tâm thư” của Cố H.Tr Cấp Dũng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục – Toronto 25 tháng 6, 1998)
Cố Huynh trưởng Cấp Dũng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục sinh năm 1927 tại tỉnh Thừa Thiên, Trung phần, Việt Nam, trong một gia đình có truyền thống Phật giáo. Lớn lên lập gia đình, có bốn người con. ba trai, một gái.
Năm 21 tuổi, vào mùa Lễ Vu Lan 1948, anh gia nhập Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri, ở vùng Chợ Cống Huế, là tiền thân của Gia Đình Phật Tử Phú Lâu bây giờ, cũng cùng thời với các anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, 18 tuổi; anh Phan Xuân Sanh; Chị Nguyễn Thị Cầm; Chị Tôn Nữ Hỷ Thọ… Rồi sau trở thành Huynh Trưởng cùng một số bạn trẻ đương thời như anh Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm, anh Nguyễn Văn Chức, riêng anh Nguyễn Văn Quýnh lúc bấy giờ mới khoảng 14-15 tuổi, làm Đoàn Sinh…
Sau hai năm sinh hoạt tại Huế, anh di chuyển vào Sài Gòn. Để giữ lại kỷ niệm cũ, anh thành lập thêm một Gia Đình Phật Tử Chơn Tri thứ hai, và một trường tư thục Bổ túc học vụ Chơn Tri ở Sài Gòn.
Sau hai năm sinh hoạt tại Huế, anh di chuyển vào Sài Gòn. Để giữ lại kỷ niệm cũ, anh thành lập thêm một Gia Đình Phật Tử Chơn Tri thứ hai, và một trường tư thục Bổ túc học vụ Chơn Tri ở Sài Gòn.
Đến năm 1950, Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri Sài Gòn được đổi tên Chánh Giác, do chính anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục làm Liên Đoàn trưởng.
Cũng trong thời gian này, anh Tâm Lạc bắt đầu đi các tỉnh miền Tây Nam Việt: Tiền Giang và Hậu Giang để dò đường phát động phong trào Gia Đình Phật Hóa Phổ. Anh may mắn được gặp Thượng Tọa Thích Thiền Định, lúc bấy giờ đang đi các tỉnh để thành lập cơ sở Giáo Hội Tăng già Nam Việt. Anh đã tháp tùng Thầy, nhân duyên giới thiệu sinh hoạt Gia Đình Phật Hóa Phổ với cộng đồng Phật tử tại tỉnh nhà. Cũng từ đó tại tỉnh nào có cơ sở Giáo Hội, thì Gia Đình Phật Hóa Phổ cũng được thành lập theo.
Nhưng lúc đó, Gia Đình Phật Hóa Phổ Nam Việt vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, nghĩa là chỉ mới có hình thức chứ chưa đoàn ngũ hóa vì chưa có Huynh Trưởng thực thụ, và các Gia Đình lúc đầu theo truyền thống lấy tên Chùa hay tỉnh tại địa phương để tạm làm danh xưng cho mỗi Gia Đình.
Về sau, các Gia Đình Phật Tử trong Nam mới thống nhất danh xưng, tất cả đổi lại lấy chữ “CHÁNH” đứng đầu tên Gia Đình một khi được đã thừa nhận chính thức. Có thể nói Gia Đình Phật Hóa Phổ, nay là Gia Đình Phật Tử, ở tại miền Nam thời đó gặp được thuận duyên và phát triển nhanh chóng. Công đức lớn nhất phải kể là nhờ tấm lòng lân mẫn của Thượng Tọa Thiền Định, và sự quyết tâm gầy dựng phong trào của anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục.
Lần lượt từ năm 1950-1952, các Gia Đình Phật Hóa Phổ được thành lập, gồm có Chánh Giác, Chánh Tín. Đến năm 1953, hai Gia Đình Chánh Giác và Chánh Tín sát nhập làm một, lấy tên là Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo, anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục một lần nữa nhận vai trò Liên Đoàn trưởng.
Tháng 7/1953, Hội Phật học Nam Việt cho thành lập Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Nam Việt, Hội đã chỉ định anh Tâm Bửu Tống Hồ Cầm làm Trưởng Ban và anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục làm Phó Trưởng Ban.
Cho đến ngày 28, 29, 30/06/1964, tại Sài Gòn, Đại Hội thống nhất Gia Đình Phật Tử Việt Nam toàn quốc, quyết định giải tán Ban Hướng Dẫn các Phần, Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời. Kể từ đây Gia Đình Phật Tử Việt Nam chính thức trực thuộc Ban Hướng Dẫn Trung Ương, được chia thành 08 Miền, mỗi Miền có một Đại diện Miền thay mặt Ban Hướng Dẫn Trung Ương điều hành sinh hoạt. Trong Đại Hội lịch sử này, anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục được mời giữ chức nhiệm Ủy viên Nội vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương cho đến ngày mất nước 30/04/1975.
Sau biến cố 1975, anh Tâm Lạc là một trong những thành viên của Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên, tạm thời điều hành công việc Gia Đình Phật Tử Quốc Nội.
Tháng 07/1993, anh Thục và Chị đến định cư tại Sydney, Úc Đại Lợi, dầu không nhận một chức nhiệm gì của Ban Hướng Dẫn Úc Đại Lợi, anh vẫn thường xuyên gắn bó với tổ chức qua các sinh hoạt Trại Họp Bạn và Huấn luyện Huynh Trưởng.
Trong Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại và Thế Giới vào tháng 04/2004 tại Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ, anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục được mời giữ nhiệm vụ Cố Vấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế Giới cho đến ngày anh rời bỏ cõi tạm vô thường này.
Với cấp bậc trong Gia Đình Phật Tử, anh đã thọ nhận Cấp Tấn từ mấy mươi năm lúc còn ở trong nước và gần nhất ngày 17/04/2005, anh đã được Quyết Định Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chuẩn y phong cấp Dũng, và tại Chùa Pháp Bảo Sydney, trước Chư Tôn Đức chứng minh, và Anh Chị Em Huynh Trưởng Úc Đại Lợi tham dự, anh đã làm lễ Phát nguyện thọ cấp Dũng ngày 22/05/2005.
Qua 60 năm hành hoạt trong tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Huynh Trưởng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục đã sinh hoạt liên tục vì mục đích giáo dục tuổi trẻ Phật tử, vì Lý tưởng Tình Lam, gieo mầm Sen Trắng, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người với tinh thần dấn thân không biết mệt mỏi, cho đến giờ phút chót trước lúc giả biệt, trên giường bệnh anh vẫn thường điện thoại nhắc nhở anh chị em về việc tu học, việc đoàn kết xây dựng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, việc thống nhất Áo Lam Một Nhà, giữ gìn và bảo toàn truyền thống khởi phát từ năm 1951 cho đến ngày 30 tháng 04 năm 1975.
Anh quả thật xứng đáng là Người ANH LỚN, thân giáo mẫu mực, làm gương sáng cho thế hệ tuổi trẻ Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
1 thought on “Tiểu Sử Cố Huynh Trưởng Cấp Dũng, Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, Cố vấn BHDGĐPT Việt Nam trên Thế Giới”