

Tương tự việc để cho ngọn đèn không tắt, ánh sáng vẫn còn nên cần châm dầu, cắt bấc thường xuyên thì việc tu học cũng cần thiết để chúng ta, sau những bôn ba trong cuộc sống, có dịp nhìn lại chính mình, hiểu rõ mình hơn hầu tìm thấy an lạc cho thân và tâm, đây mới thực là chân hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng ý nghĩa, giá trị, hiệu quả của việc tu học bản thân chỉ trọn vẹn nếu đồng thời việc này đem lại lợi ích tương tự cho xã hội, cho tha nhân. Nghĩa là, tinh thần liên đới, phục vụ không thể nằm ngoài mục đích tu học của người Phật tử.
Như thế, nhìn rộng ra, sự tu tập, rèn luyện bản thân còn mang ý nghĩa của một công tác xã hội trong mục đích thăng tiến đời sống tinh thần của tập thể. Mời anh chị thử nhìn việc tu học của chúng ta dưới con mắt của một người Huynh trưởng là thành phần mang ít nhiều trách nhiệm trong tổ chức Gia đình Phật tử. Đến với ngày tu tập, chúng ta trước hết hy vọng tìm thấy niềm an vui trong tâm hồn , lấy lại niềm tin có thể đã khuy khuyết, phục hồi nghị lực đã phôi pha không thể tránh được trong đời sống. Từ đó có thể trao truyền, dưới nhiều hình thức, niềm vui mới đạt được trong ta đến với bạn bè, anh em chung quanh.
Thực ra, đến với ngày tu học, việc gác bỏ được phần nào phiền muộn, âu lo đeo đẳng bên mình dù chỉ nhất thời, là điều thường thấy. Nhưng mục đích xa hơn, rộng hơn vẫn là xây dựng hoặc tái xây dựng được nhận thức đúng đắn, tinh thần thích ứng làm nền tảng cho hành động, không để tri giác, định kiến sai lầm đánh lừa và dẫn dắt.
Lấy kinh nghiệm của riêng mình, xin các anh chị thử thực tập bài kệ sau như là phương tiện giúp chúng ta đạt được sự thanh thản cần thiết trong tâm tư, như việc dọn đường, mở lối cho một ngày tu tập bên nhau
Thở vào, thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang.
Nhìn vào tình trạng chung trong đó ít người trong chúng ta có được hoàn cảnh thuận tiện, do đó việc dành một ngày trọn vẹn cho việc tu học trong một, hai tháng là điều có thể thực hiện được. Thời gian ít nhưng khéo thực tập thì chúng ta cũng có thể đạt được kết quả khả quan. Tôi mạo muội đề nghị một chương trình sinh họat và vài phương pháp thực tập dưới đây, mà đối tượng chúng ta đang nhắm tới là tập thể Huynh trưởng và đòan sinh ngành Thanh, Thiếu.
Chúng ta có một ngày tu học từ 9 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều, gồm có:
9 giờ sáng : Tụng kinh (song ngữ, trong đó có phần nghi thức của GĐPT) – Hướng dẫn tổng quát để mọi người hiểu rõ nội dung sinh họat.
10 giở 30 sáng: Pháp thọai bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Người tham dự được sắp xếp theo lứa tuổi hay ngôn ngữ quen dùng để có thể dễ dàng theo dõi bài giảng pháp và các bài nói chuyện. Sau đó, cả hai nhóm sẽ hợp lại trong giờ thảo luận. Nội dung các bài giảng hay nói chuyện nên thực tiễn, gần gũi, chú trọng đến sự ứng dụng Phật pháp trong thực tế đời sống.
12 giờ : Cơm trưa im lặng. Sau giờ ăn nên dành ít nhất một tiếng đồng hồ để những người tham dự tùy nghi, hoặc chuyện trò, trao đổi, ngoạn cảnh hay giải khát.
2 giờ chiều: giờ Pháp đàm là buổi thảo luận và trao đổi kinh nghiệm tu tập. Trong giờ này, có thể dùng cả tiếng Việt và tiếng Anh trong điều kiện cho phép, miễn là người tham dự có thể hiểu, và cảm thông với nhau.
Sau buổi pháp đàm, mỗi người được phát một thẻ, được yêu cầu viết lên đó điều gì (pháp môn) mình muốn thực tập trong tuần lễ sắp tới và nạp thẻ đó cho Ban Tổ chức. Sau một tuần, người tham dự ngày tu học sẽ báo cáo cho Ban Tổ chức, qua e mail, kết quả thực tập, mức độ đạt được, như mong ước hay chỉ được 40, 50 phần trăm. Ban Tổ chức sẽ đúc kết tiến trình, nội dung và kết quả thực tập của những người tham dự, lưu giữ làm tài liệu tham khảo cho những lần tu học sau.
3 giờ 30 chiều: Sinh họat chung – Dây thân ái
4 giờ chiều: Kết thúc, ra về.
Về phần giảng sư, nên mời những người có kinh nghiệm tu tập kể cả những cư sĩ hay gíao sư người ngọai quốc đang dạy tại các đại học hay tu tập ở các thiền viện, tăng thân. Không nên đặt nặng vào phần lý thuyết nghĩa là quy tụ quá nhiều bài giảng làm người tham dự căng thẳng, mệt trí mà nên lưu tâm tạo sự thỏai mái, vui vẻ trong một ngày tu học. Khiến mọi người đều nhận ra rằng khi tạm rời cuộc sống hàng ngày bận rộn ở đô thị, gần gũi với thiên nhiên an tịnh để tu học, họ đã tìm đến an lạc cần thiết.
Kinh nghiệm tu tập cũng giúp tôi suy nghĩ lại những điều xảy ra cho chính mình. Mấy hôm truớc, tình cờ, thấy một chị người Mỹ đi trên đường khi tôi đang thiền hành trước sân chùa. Chị cỡ tuổi người em gái thứ năm của tôi. Khi nhìn kỹ, tôi thấy thương Chị quá vì chị bước đi khó khăn mà còn kéo theo một bình dưỡng khí với hai sợi dây nối liền với mũi. Nhìn lại chính mình, tôi bỗng thấy may mắn, hạnh phúc vì đôi chân còn đi lại dễ dàng. Mấy tháng trước, tay và chân của tôi đều bị đau, nhờ gặp được thầy được thuốc, cả đông y và tây y, nên sức khỏe dần dần được phục hồi. Còn thở đều, còn thực tập thiền hành được là còn có hạnh phúc, an vui.
Không chủ quan khi ta nghĩ rằng khi tu tập là lúc mình mở đường tìm hiểu thêm con người và cuộc sống của mình. Cái nhìn bao dung về cuộc đời mở rộng thêm khi ta nghĩ đến tha nhân, đến nhân quần và từ đấy tình cảm với đại chúng sẽ thêm nẩy nở. Như thế, ít nhất là sau giờ phút tu học như trên, tình cảm của chúng ta đối với anh chị em cùng màu áo lam, cùng nhìn về một hướng đi phụng sự, thăng tiến cho đời, tình thân ấy sẽ thêm bền chặt.
Thích Từ-Lực
Chùa Phổ-Từ, Hayward