
Hai tháng trước, tôi lái xe đưa vợ lên thăm đỉnh Pikes Peak cao 14,115 feet (4,302 mét). Đường rất hẹp và khá nguy hiểm. Một bên là dốc núi cao và một bên là vực sâu. Con đường hẹp nhưng lại có hai chiều xe. Những chỗ cua rất dễ đụng nhau.
Bên dốc núi có một đoàn cừu có sừng (bighorn sheep) đang nhìn xuống chúng tôi.
Nơi đoàn cừu đứng không một bóng cây xanh, không một bụi cỏ, không một con suối. Tôi thầm ước có thể dừng xe để ghi lại cảnh sống khắc nghiệt hiếm hoi này. Mùa hè nhưng ở độ cao trên ba ngàn mét nên trời rất lạnh. Tuyết rơi tối qua còn đọng lại những lớp dày dọc triền núi. Mấy ngày ở vùng núi, chúng tôi đã gặp các bạn cừu có sừng này rồi nhưng trên đỉnh Pikes Peak này, các bạn nổi bật giữa triền đá.
Khi lên tới đỉnh núi, chúng tôi dõi mắt nhìn xuống chân núi cố tìm đàn cừu nhưng không thấy. Chúng tôi cứ thắc mắc hoài, làm sao đàn cừu kia có thể sống được giữa một hoàn cảnh khắc nghiệt như thế. Chúng lấy gì ăn, lấy gì uống.
Hôm nọ đi tìm ảnh cây đa cũ ở chùa Viên Giác để kèm vào bài thơ, tôi lại gặp lá thư của Thầy Chơn Đắc tức Chú Đồng ở chùa Viên Giác ngày xưa tả một “bữa tiệc” mà chú cho là rất thịnh soạn của chúng tôi hơn nửa thế kỷ trước.
Tôi đọc bài này rồi nhưng không để ý các chi tiết chú viết về bữa ăn. Chuyện ăn uống không đáng để tâm nhưng tự nhiên lần này đọc lại thấy dễ thương.
Tất cả đều là kỷ niệm. Tôi không còn chấp nữa. Trên hành trình chúng ta đi qua, một giọt sương mai long lanh hay một nhánh cây khô cháy bên đường đều đáng nhớ.
Trong bài viết, Chú Đồng kể một “bữa tiệc sang trọng” của chúng tôi trong những ngày sóc vọng, tức rằm và mùng một tại chùa Viên Giác như sau:
“Trong những ngày sóc vọng chùa làm đậu khuôn để phát hành. Chú Như Điển lo phần gánh nước và bòng đậu. Lúc ấy không có máy nước như bây giờ nên Chú Điển phải gánh nước ở các giếng gần chùa mới đủ nước cung ứng cho công việc. Các em học sinh như Nhơn [Trần Trung Đạo], Nhiêu [một học sinh khác cũng tá túc trong chùa] lo phần xay đậu với một cái cối bằng đá to.Người đời thường nói “Thợ rèn ăn dao luộc” quả không sai. Tuy cả chúng làm đậu nhưng mấy khi được ăn một miếng đậu ngon. Đa phần đậu được đem đi bán để có tiền trang trải cho các khoản sinh hoạt của chùa. Các mảnh cắt rẻo còn lại thì nấu canh cho chúng ăn. Thỉnh thoảng các cô cũng như các anh Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Quảng Nam lấy xác đậu xào với rau răm rồi nướng bánh tráng xúc ăn. Đó là bữa tiệc ngon nhất của đại chúng thời ấy.”
Chú Đồng viết về những ngày rằm và mùng một, ngày thường còn đạm bạc hơn nhiều. Miếng đậu hủ vuông vắn cũng không có. Đậu hủ ngon để dành đem ra chợ bán. Chúng tôi chỉ được ăn những mảnh rơi rớt lại quanh chiếc nia tròn.
Bây giờ tôi cũng nhỏ con, ốm yếu nói chi năm 13 tuổi thiếu dinh dưỡng. Một mình xay đậu nành không nổi. Tôi và Nhiêu, một học trò khác nhỏ tuổi hơn nhưng mạnh khỏe hơn tôi, được phân công đứng hai bên cái cán dài để đẩy “cái cối bằng đá to” như Chú Đồng kể lại. Nhưng không phải đẩy một lần mà đẩy từ khuya cho tới sáng. Trên đường đến trường hai tay mỏi rụng. Bao nhiêu bài học thuộc tối qua chừng như quên hết.
Nhưng công việc của anh em tôi còn được xem là nhẹ. Công việc gánh nước tưới rau trong sân chùa và khu vườn ngoài cổng chùa của các anh Hùng Anh, anh Sáu v.v. nặng hơn nhiều.
Tôi không biết các chú và anh chị khác bây giờ ở đâu nhưng “Chú Điển” ngày nay là Hòa thượng Thích Như Điển, Phương trượng Tổ Đình Viên Giác Đức, Chánh Thư Ký của Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Viện Tăng Thống GHPGVNTN. “Anh Hùng Anh” là Hòa Thượng Thích Giác Ánh rất được kính trọng của Tông Phái Khất Sĩ. Thỉnh thoảng tôi vào youtube để nghe Hòa thượng Giác Ánh giảng. Giọng Quảng Nam chất phát của anh tôi chuyên chở những lời dạy của đức Bổn Sư.
Chúng tôi thương đoàn cừu có sừng sống trong điều kiện khắc nghiệt bên sườn núi. Nhưng biết đâu với chúng là chuyện bình thường. Mặt trời sẽ mọc, tuyết sẽ tan, bước chân đã quen đi trên đá nên đá cũng mềm theo.
Trần Trung Đạo
Ảnh ttđ “Đỉnh Pike Peaks cao 4,302 mét trong rặng Rocky Mountain, Colorado, US”