
Ngày 6 tháng 12 năm 2016, Jerry Yellin, cựu cơ trưởng và phi công P-51 của Lực lượng Phòng không Lục quân Đệ Nhị Thế Chiến ôm Tiến sĩ Hiroya Sugano, tổng giám đốc Câu lạc bộ Người hâm mộ Zero Fighter tại Blackened thường niên lần thứ 6 – Buổi lễ “Chiếc Bi-đông nám đen” tại Đài tưởng niệm USS Arizona nhân Kỷ niệm lần thứ 75 các cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng. “Chiếc Bi-đông nám đen” là di tích của cuộc không kích vào Shizauoka, Nhật Bản năm 1945, được sử dụng để rót rượu whisky bourbon như một lễ vật cho những người đã ngã xuống trong vùng nước linh thiêng của Trân Châu Cảng. Ngày 7 tháng 12 năm 2016 đánh dấu kỷ niệm 75 năm các cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng và Oahu. Kể từ ngày 7 tháng 12 năm 1941, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã trải qua hơn 70 năm duy trì hòa bình, nền tảng của an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương.
Là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cam kết tiếp tục thực hiện trách nhiệm bảo vệ các tuyến đường biển ở Thái Bình Dương, thúc đẩy các lý tưởng và mối quan hệ quốc tế, cũng như mang lại an ninh, ảnh hưởng và khả năng đáp ứng trong khu vực. (Ảnh: Sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ, Petty)
Chữa lành vết thương chiến tranh:
Một bài học cho tất cả chúng ta
By Kathy Sole | Uyên Nguyên lược thuật
Ngày 11 tháng 4 năm 1945, năm tháng trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc, trong bầu không khí lửa đạn vẫn còn sôi sục, một hành động nhân ái đã diễn ra trên chiến hạm USS Missouri (BB-63), cũng là nơi ghi lại sự kiện lịch sử chấm dứt cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hai tháng sau, vào ngày 20 tháng 6 năm 1945, một hành động nhân ái tương tự cũng đã diễn ra ở vùng nông thông Shizouka, Nhật Bản.
Hai sự cố này không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, chúng là một bài học quan trọng cho tất cả chúng ta ngày nay, không chỉ trong các cuộc xung đột quốc tế, mà cả các cuộc tranh chấp phải đối mặt trong mối quan hệ của chúng ta với những người khác trong cuộc sống.
Tháng 4 năm 1945, chiến hạm USS Missouri tham gia Trận chiến Okinawa ở Thái Bình Dương. Thuyền trưởng là William McCombe Callaghan, người từng mất anh trai là Chuẩn đô đốc Daniel Callaghan, tử trận trên chiến hạm USS San Francisco (CA-38) khi chiến hạm này trúng phải một quả đạn pháo của Nhật Bản.
Bấy giờ, tiếng gầm rú của một chiến đấu cơ Zero xuyên qua bầu trời do một phi công Nhật Bản thuộc phi đội Gió Thần liều chết đã lao về phía chiến hạm mang theo quả bom 500 pound. Cánh trái của máy bay quét vào mạn tàu tạo ra một đám cháy dữ dội và nhiều mảnh vỡ lên boong. Tuy nhiên, điều mà các nhà sử học gọi là một phép màu là quả bom đã rơi khỏi máy bay trước khi va vào chiến hạm. Chiếc Zero chỉ tạo ra một vết lõm trên boong và làm lửa cháy. Cuối cùng chỉ có viên phi công là nạn nhân duy nhất. Thi thể của anh ta được tìm thấy trong đống đổ nát.
Các thủy thủ đoàn Missouri sau đó cật lực sửa chữa và dọn dẹp các mảnh vỡ, định vứt thi thể của viên phi công Nhật xuống biển. Nhưng thật bất ngờ khi Đại úy Callaghan đã can ngăn. Ông ra lệnh đưa thi hài của kẻ thù vào con tàu và sắp xếp chương trình cho một buổi lễ an táng vào ngày hôm sau.
Tất nhiên là quyết địnhđó đã khiến một số binh sĩnh trong thủy thủ đoàn tỏ ra bất bình và cay đắng, nhất hạn khi Callaghan còn yêu cầu một thủy thủ phải may cờ Nhật Bản ngay trong đêm để viên phi công được tẩm liệm trong một tấm vải, và được phủ cờ. Nghi lễ tiến hành có sáu binh sĩ từ từ hạ thi thể anh ta xuống lòng biển cả, trong khi nhiều quân nhân khác đứng nghiêm chào và một loạt bắn súng trường vang lên trước khi kết thúc. Callaghan giải thích với thủy thủ đoàn của mình rằng, họ đang tôn vinh người phi công vô danh vì sự dũng cảm, lòng trung thành cũng như tinh thần nghĩa vụ, danh dự và sự hy sinh của một chiến binh đồng loại.
Ba tháng sau, tháng 6 năm 1945, hai chiếu đấu cơ B-29 của Hoa Kỳ sau khi thả bom xuống thành phố Shizuoka đã va chạm trên không trung và rơi xuống một vùng nông thôn Nhật Bản. Thiệt hại chung sau vụ đánh bom này có hơn 2.000 cư dân Shizuoka, cũng như toàn bộ 23 phi hành đoàn trên hai chiếc máy bay Hoa Kỳ tử vong.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, những cư dân sống sót ở Shizuoka đã chạy đến hiện trường nơi rớt máy bay, một trong số họ có nghị viên thị trấn là anh Fukumatsu Ito. Ito cố gắng kéo hai phi công Hoa Kỳ từ trong chiếc chiến đấu cơ đang còn bốc cháy và gãy nát; tuy nhiên, họ cũng đã trút hơi thở ngay sau đó. Ito nhìn thấy một chiếc bình bi-đông móp méo đã bị ngọn lửa làm cháy nám trong đống sắt đổ nát, anh nhặt lấy và cất giữ.
Chiếc bình Bi-đông là di tích của một cuộc không kích Shizuoka, Nhật Bản, vào năm 1945.
Nó được sử dụng để rót rượu whisky bourbon như một lễ vật dâng lên linh hồn của những người đã khuất.
Ảnh: U.S. NAVY
Rồi với cương vị của một nghị viên, Ito nhất quyết yêu cầu cho các phi công Mỹ được chôn cất tử tế cùng với những cư dân địa phương đã thiệt mạng. Nhiều người dân của thị trấn tỏ ra tức giận vì đã mất gia đình và bạn bè trong cuộc đột kích. Họ lên án mạnh mẽ hành động của Ito. Tuy nhiên anh vẫn kham nhẫn chịu đựng mọi sự tức giận, căm hận và thiết lập một truyền thống hàng năm đến viếng các ngôi mộ vào ngày xảy ra vụ tai nạn, tiến hành một buổi lễ đơn giản, dâng lời khấn nguyện và châm rượu vang vào chiếc bình bi-đông năm xưa để rải xuống đất, như một lời chiêu niệm cho linh hồn của cả người Nhật và người Mỹ từng ngã xuống trong cuộc chiến đã qua. Kết quả, hiện nay có hai tượng đài đã được dựng lên tại khu vực này và một lễ tưởng niệm chung của Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm biến cố xảy ra.
Trước khi qua đời, Ito đã trao chiếc bình bi-đông này cho Hiroya Sugano, người đã chứng kiến buổi lễ hàng năm, và lần đầu tiên khi anh chỉ mới 8 tuổi. Buổi lễ đã ảnh hưởng sâu sắc đến Sugano, và anh ấy hứa sẽ tiếp tục truyền thống này sau khi Ito qua đời. Và anh đã làm như vậy hàng năm kể từ 1972.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm vụ đánh bom Trân Châu Cảng, Hawaii, ngày 7 tháng 12 năm 1991, Tiến sĩ Sugano cũng thiết lập truyền thống tổ chức lễ tưởng niệm vào tháng 12 hàng năm trên Đài tưởng niệm USS Arizona, Hawaii, và đến nay vẫn được duy trì.
Giờ đây, chiếc bình bi-đông cháy nám đen đủi và móp méo này đã trở thành biểu tượng của hòa bình giữa những cựu thù, và nó tượng trưng cho niềm hy vọng về một tương lai hiểu biết hòa bình giữa các dân tộc. Tôi đã có vinh dự được nhìn thấy nó và tìm hiểu những câu chuyện này tại một hội nghị chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng Hàng không Thái Bình Dương, ở Trân Châu Cảng vào năm 2016, nhân lễ kỷ niệm 75 năm cuộc tấn công của Nhật Bản.
Người trông coi “Chiếc bình Bi-đông” (Blackened Canteen), Tiến sĩ Hiroya Sugano,
giữ nó từ thời Đệ Nhị Thế Chiến được nhặt từ địa điểm rơi của hai máy bay ném bom Mỹ ở Nhật Bản
trong một buổi lễ tại Đài tưởng niệm USS Arizona ở Trân Châu Cảng, Hawaii, ngày 6 tháng 12 , 2016.
Ảnh: Lisa Ferdinando, U.S Department of Defense
Trung tá Gary Meyers, USMC, cho biết:
“Chiếc Bi-đông nám đen được nhặt lên từ đống tro tàn của một thảm kịch thời chiến, nhưng đã trở thành nguồn cảm hứng cho hòa bình. Vết nám đen và hình dạng méo mó của nó thể hiện tính chất không thể tránh khỏi sự xung đột. Nó sẽ luôn xảy ra. Tuy nhiên, sự hiện diện của nó đại diện cho hy vọng chắc chắn về một tương lai của sự hiểu biết và hòa giải, hòa bình giữa những cựu thù. Nó là biểu tượng của điều tốt đẹp có thể nảy sinh từ bi kịch và nó cũng là biểu tượng của lòng dũng cảm cũng như quyết tâm của mỗi người…”
Năm nay, khi chúng ta nhớ đến Ngày Trân Châu Cảng và sắp đến kỳ nghỉ lễ, chúng ta tiếp tục chứng kiến các cuộc xung đột và chia rẽ chính trị và chủng tộc ở trong nước cũng như trên toàn thế giới. Chúng ta cũng có thể trải qua sự ghẻ lạnh hoặc chia rẽ cá nhân trong vòng bạn bè và gia đình của chúng ta. Có thể khó để thấy một con đường vượt qua tất cả xung đột này hầu hàn gắn và hòa bình. Tuy nhiên, bài học của hai sự cố tương tự trong Chiến tranh thế giới thứ hai là bằng cách nhận ra tính nhân văn, giá trị và lợi ích chung của chúng ta, chúng ta có thể tìm thấy sự tha thứ và hàn gắn ngay cả những hận thù và chia rẽ cay đắng nhất.
Tìm cách vượt lên trên những khác biệt của chúng ta và hàn gắn những mối quan hệ tan vỡ chắc chắn sẽ là những mục tiêu đáng ngưỡng mộ cho năm mới sắp tới.
_____________________
Nguồn: Healing the wounds of war: A lesson for us all