
*Tranh mô tả cảnh Siddhartha Gautama khuất phục quỷ vương Mara
không lâu trước khi đạt được giác ngộ.
“Thích Ca Mâu Ni Chinh phục Quỷ dữ,” năm 1888 ca
của Kawanabe Kyōsai. Nguồn: The Met.
Đạo Phật là con đường làm Phật trên nguyên tắc thực hiện “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” để “tùy duyên nhi bất biến” vận dụng Từ Bi, Trí Tuệ, Hùng Lực “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh”.
Thượng cầu Phật đạo có nghĩa là giải quyết vấn đề sanh tử.
Hạ hóa chúng sanh có nghĩa là trực diện với đời sống con người, hoán chuyển nghiệp lực, hóa giải khổ đau, vượt thoát mọi khủng bố mà kiên trì “tâm vô quái ngại”.
Phát tâm cao thượng vừa cầu Phật đạo vừa phụng sự chúng sanh thì gọi là Phát Bồ Đồ Tâm.
“Vong thất Bồ Đề Tâm tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp. Vong thất thượng nhĩ, huống vị phát hồ?” (Phát Bồ Đề Tâm văn). Lỡ để quên, rơi, lạc, đánh mất tâm Bồ Đề đi mà vẫn cứ tu hành các thiện pháp, đó tức là nghiệp lực của Ma. Quên mất còn như thế hà huống chưa khởi phát tâm Bồ Đề?
…
Đạo Phật Việt Nam từ trên 2000 năm lịch sử lúc nào cũng gắn liền với dân tộc, vạch hướng đi cho dân tộc, cùng với quần chúng bị thống trị, bóc lột, áp bức hoặc âm thầm hoặc công khai phản đối, chống đối với những sự việc ngu xuẩn, mê lầm, tham lam, ích kỷ, độc hại, bạo tàn…
Qua sử sách, cực chẳng đã, nếu các vị Thiền Sư phải làm Quốc Sư thì cũng chỉ nỗ lực hướng dẫn các minh quân làm sao và làm thế nào tận dụng đường lối chính trị đạo Phật để đạt hiệu quả trong việc an dân vượng quốc mà không hề vì bản thân hay đạo giáo mình làm nên những chuyện khuynh loát xã hội, độc quyền, độc bá, độc tôn…
Bởi thế đạo Phật, nhất là đạo Phật Việt Nam “đã từng làm cho nhân loại giựt mình mở mắt ra mà nhận rằng ít có ai đã từng quyết liệt nhập thế toàn diện như những bậc thiền sư Việt Nam” (Phạm Công Thiện, Chân Nguyên 15&16, tr. 9), “GHPGVNTN là hậu thân của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (được thành lập từ 6 tập đoàn Phật Giáo Trung – Nam – Bắc, vào năm 1951), là một tổ chức được tổng hợp bởi các hệ phái, tập đoàn Phật giáo Nam – Bắc tông, Việt – Miên – Hoa tông… trên cơ sở tự nguyện, phát xuất từ ý chí tự tồn sau một cuộc đấu tranh đầy gian khổ, lắm hy sinh trong pháp nạn 1963. Vì thế, sự ra đời của GHPGVNTN, năm 1964, là sự quy tụ của những người con Phật cùng chung một hoàn cảnh, biết tìm về đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau sau bao nhiêu kinh nghiệm xương máu, trước những âm mưu chia rẽ, áp bức bởi các thế lực chính trị phi dân tộc, chứ không phải do một chế độ cầm quyền nào dùng áp lực dựng lên.
Do đó, GHPGVNTN có tính chất mang đầy bản sắc Dân Tộc, không những có tầm vóc Quốc gia mà còn có địa vị Quốc tế, không những có vai trò lịch sử trong hiện tại mà còn có cái sứ mệnh vạch hướng cho dân tộc ở tương lai” (Tâm thư của HT. Viện trưởng VHĐ, GHPGVNTN 24-90-2002).
“Dân tộc V.N. ta, trong hơn 20 năm chiến tranh, từng chịu nhiều khổ cực, biết bao nhân lực, sức lực và tài sản đã hủy diệt mà nguyên nhân chính: chỉ vì mỗi phía đã phục vụ cho một ý hệ, chủ thuyết và quyền lợi khác nhau, rồi tự coi đó là phục vụ cho tổ quốc, nhưng kỳ thật chỉ biết quyền lợi riêng tư ích kỷ, cố tình tạo mâu thuẫn để có cớ tàn hại lẫn nhau. Đó là một bị thảm của lịch sử dân tộc thời đại.” (Ý Thức Về Nguồn).
Nội dung bức Thông Điệp Ý Thức Về Nguồn xuân Tân Hợi 1971 của Viện Tăng Thống GHPGVNTN được mở đầu bằng những lời như thế. Những lời xác thật, phơi bày hiện trạng: “bi thảm của lịch sử dân tộc thời đại”; những lời trung thật, phô diễn nguyên nhân làm điêu tàn đất nước: “chỉ vì mỗi phía đã phục vụ cho một ý hệ, chủ thuyết và quyền lợi khác nhau”; những lời trực thật, nói lên sự thật mà không e ngại mất lòng bất cứ thế lực nào đương tại, không e sợ bạo quyền nhắm hướng vào mình: “coi đó là phục vụ cho tổ quốc, nhưng kỳ thật chỉ biết quyền lợi riêng tư, ích kỷ…”
Quả thật, kể từ 1945, ảnh hưởng liên đới của Thế Chiến thứ II kết thúc, cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta lại bắt đầu một trang sử mới. Nhưng, não nề thay, đó không phải là trang sử hòa bình, thịnh vượng và an lạc mà lại là trang sử của “xáo thịt nồi da”, của chiến tranh khốc liệt, của ám ảnh kinh hoàng, của hận thù đổ nát…
Mới vừa tạm có chủ quyền thì dân chúng Việt Nam lại là nạn nhân bi thảm của cuộc nội chiến giữa những ý thức hệ thời thượng man rợ ngoại lai là Vô Thần và Độc Thần, giữa những chủ nghĩa xuẩn động là Duy Vật Cộng Sản và Thực Dân Tư Bản để rồi Hiệp Định Genève phân ranh giới tuyến, mỗi bên đều dựa vào thế lực của ngoại nhân, sử dụng ý hệ ai không theo ta là kẻ thù của ta làm chính nghĩa, lấy bom đạn làm phương tiện, coi quyền lợi riêng tư làm cứu cánh dẫm đạp trên máu thịt dân lành mong bước lên địa vị thống trị độc tàn.
Những tủi nhục ngất trời của lịch sử Việt Nam cứ thế mà diễn tiếp liên lỉ suốt mấy mươi năm chỉ bởi cuồng vọng của những kẻ cai trị bạo ngược cuồng tín, những kẻ chối cội bỏ nguồn, những kẻ tự cho là văn minh tiến bộ nhưng kỳ thật họ chỉ biết và thích học đòi những xấu xa tồi tệ của người mà hủy diệt đi những gì tinh ba tốt đẹp nhất của nền văn hóa hơn 4000 năm lịch sử, những kẻ “rước voi về dày mả tổ” cam tâm làm tay sai cho các thế lực đối lực ngoại bang đua nhau tàn phá quê hương…
“Quả tình chúng ta đã đánh mất niềm tin và tình thương yêu bao bọc lẫn nhau; Quả tình chúng ta đã xa rời nguồn gốc Tổ Tiên; Quả tình đã có những người nghĩ, nói và làm theo những biên kiến, thiên kiến không mấy trong sáng, thậm chí hành xử theo những chỉ thị của ngoại nhân, vô tình đưa dân tộc vào con đường phiêu lưu hủy diệt nhưng lại cố đinh ninh rằng mình đang thi hành sứ mạng cứu dân cứu nước. Hỏi đến bao giờ chúng ta mới thực tỉnh thức?” (Ý Thức Về Nguồn)
Tiếng kêu trầm thống từ đó được cất lên. Không phải tiếng kêu thương ai oán tủi buồn cho số phận mà là tiếng kêu vang vọng của Từ Bi, Trí Tuệ và Hùng Lực; tiếng kêu gọi Tình Người; tiếng chim đầu đàn réo gọi đừng say đắm ngủ mà lạc bước phiêu du; tiếng đại hồng chung Tỉnh Thức đưa nhau trở về nguồn cội:
“Cầu mong tinh thần Tỉnh Thức sẽ bừng sáng nơi tâm hồn mọi người để Ý THỨC VỀ NGUỒN trở về với dân tộc thuần chính, xóa đi những hận thù – những hận thù không bao giờ do chúng ta chủ trương, mà chính ý hệ, chủ thuyết và thế lực vật chất vô minh đã thúc đẩy, chỉ huy.
Chúng ta hãy nhìn nhau với sự cảm thông và tình thương yêu chân thật.
Sự cảm thông và tình thương yêu khi đã được thể hiện nơi mọi người thì công cuộc hóa giải ý hệ, hóa giải hận thù, hóa giải chiến tranh, hóa giải nếp sống sẽ là những ngọn đuốc thắp sáng cho Tổ quốc Việt Nam, mang lại nguồn phác lợi chung cho dân tộc và hòa bình cho xứ sở…
Chúng ta hãy gột rửa mọi ý nguyện vọng ngoại, gột rửa những thiên kiến, biên kiến và luôn luôn Tỉnh Thức, đổi mới tâm hồn. Phải cẩn trọng trong hành động của mình.
Có thiện chí là một điều hay. Nhưng có thiện chí mà kém sáng suốt thì đôi khi lại là một tai họa lớn. Chúng ta hãy đoàn kết lại, tạo thành một khối dân tộc lớn mạnh, duy nhất. Chúng ta hãy tích cực xây dựng một quan niệm sống, một đường lối sống, một khuôn mẫu sống dựa trên tinh chỉ từ bi trí tuệ bình đẳng giải thoát và tự chủ, hợp với rung cảm, suy tư và hành xử của một dân tộc tiến bộ, đi lên, thì đó là chúng ta xây dựng nổi một xã hội lành mạnh, ấm no, bình đẳng theo đúng nghĩa TÌNH NGƯỜI và lòng bao dung độ lượng của một nòi giống văn minh – nòi giống Lạc Hồng. Đó là Ý THỨC VỀ NGUỒN của hết thảy chúng ta, ở bên này cũng như bên kia giới tuyến… (Thông Điệp Ý Thức Về Nguồn).
Bằng vào tất cả Dũng Lực của Từ Bi và Trí Tuệ. Bằng vào tất cả tinh lực của nền văn hóa văn minh nối tiếp truyền thừa của Tổ Tiên với dân tộc tính tự chủ và thương yêu đùm bọc lẫn nhau để vượt thoát mọi cuộc đồng hóa và nô lệ, GHPGVNTN đã cất lên tiếng nói của lẽ phải trước bạo quyền, đã nhắc nhở toàn dân hãy Tỉnh Thức trở về nguồn cội, đã cảnh cáo các nhà hữu trách cầm quyền bính của 2 miền Nam, Bắc đừng vì những tư dục vị kỷ thấp hèn mà đẩy đưa đất nước vào con đường “phiêu lưu hủy diệt”.
Mang tôn chỉ Nguyê“phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật”, GHPGVNTN từ đó, một lần nữa xác định lại lập trường và đường hướng của Giáo Hội: “GHPGVNTN không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc” (Hiến Chương GHPGVNTN).
Không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt cũng có nghĩa là không chấp nhận mà còn phản đối tất cả những thủ đoạn của bất kỳ thế lực nào vì mục đích “vinh thân phì gia”. Mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc cũng có nghĩa là không những không chấp nhận mà còn phản đối bất cứ hình thức hoặc nội dung các cuộc chiến tranh—từ chiến tranh ý thức hệ cho đến chiến tranh xâm lược và thống trị.
GHPGVNTN từ đó, một lần nữa thẩm định rõ cuộc chiến tranh tàn khốc đương thời là cuộc chiến giữa ý hệ Vô Thần và Độc Thần, giữa những người Cộng Sản xâm lược và những người Tư Bản thống trị độc tài, vì mục đích tư dục và tư hữu…
GHPGVNTN từ đó, một lần nữa minh định “Ý Thức Về Nguồn và sự khởi đi từ Nguồn, nếu được mọi người chấp nhận, đó mới là căn bản chính thức cho sự HÓA GIẢI chiến tranh, hóa giải hận thù, đem lại nguồn thương vui và hòa bình dài lâu cho dân tộc ta” (Ý Thức Về Nguồn).
Ngay đây, các bạn nên để ý đến từ HÓA GIẢI.
Hóa giải chứ không phải là hòa giải.
Hòa giải đôi khi có nghĩa vì quá mệt mỏi, quá kiệt quệ, hoặc phải vâng lời các bậc đàn anh trong một sách lược nào đó đành phải tạm hòa, tạm ngưng chiến, tạm tay bắt mà chân đá!
Hóa giải có nghĩa là, chỉ khi nào thật sự Tỉnh Thức, nhận chân rõ chánh tà, nhận định rõ mình đang lầm đường lạc bước cuồng tín với những ý hệ thời thượng ngoại lai manh động gây hận thù chém giết lẫn nhau đưa đất nước vào con đường phiêu lưu hủy diệt nên chối bỏ nó đi, cùng trở về nguồn cội, trở về với tinh chỉ từ bi trí tuệ bình đẳng giải thoát và tự chủ để cùng cảm thông, thương yêu chân thật và đoàn kết lại mới xây đựng nổi một xã hội lành mạnh, ấm no, bình đẳng theo đúng nghĩa TÌNH NGƯỜI.
Song, sự thật thì thường phải mất lòng, nhất là sự thật ấy lại đụng chạm đến các sách lược chính trị của các thế lực bạo lực. GHPGVNTN thêm một lần nữa như chướng ngại lớn của các chủ nghĩa thống trị độc tài, thêm một lần nữa bị một bên là người Cộng Sản còn một bên thì lại cho là những kẻ chống Cộng phản động gan lì!
Nhưng, cho dầu nát tan hình thức, cho đầu phải hy sinh bản thân mình, GHPGVNTN vẫn cất lên tiếng nói của dân lành, kiên trì đấu tranh cho lẽ phải… | trích: Nguyên Tường: Từ Thông điệp Ý Thức Về Nguồn 1971 đến Tuyên Cáo II 1993 của GHPGVNTN
Chúng tôi sưu lục một trong những văn kiện quan trọng của Viện Hóa Đạo do chính Hòa thượng Thích Thiện Minh (bấy giờ là Thượng tọa Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo) ban hành vào ngày 06.4.1973, trong mùa Phật Đản Phật lịch 2517, để chúng ta cùng nhìn lại và khắc ghi con đường hòa bình nhất quán của Phật giáo Việt Nam đối với nhân loại và dân tộc. Nội dung Thông Bạch cũng đã được Thượng tọa Thích Thiện Minh đúc kết trong “Lời Nói Đầu” của đặc san Phật Đản do Đoàn Giáo Chức Phật Tử Khánh Hòa thực hiện qua 4 điểm chính như sau: 1) Thành kính cúng dường Đức Từ Phụ Bổn Sư; 2) Xây dựng hòa bình Dân tộc; 3) Củng cố phát triển tình đoàn kết và 4). Nỗ lực hoạt động xã hội để hàn gắn vết thương của chiến tranh.
Thông Bạch này được ban hành 3 tháng sau Hiệp Định Paris (ký kết ngày 27.01.1973), trong niềm tin là chiến tranh sẽ chấm dứt, hòa bình sẽ được vãn hồi trên đất nước. Trên thực tế, hòa bình đã không đến như ước vọng của toàn dân, của Giáo Hội. Nhưng tinh thần của Thông Bạch, với lời kêu gọi dấn thân và tuân thủ đường hướng của Giáo Hội thì nhất quán, và mãi giá trị cho mọi thời đại. | trích: Thích Siêu Phương: 37 Năm Sau, Đọc Lại Thông Bạch Hòa Bình Của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
09-4-1975: Thông cáo kêu gọi Hóa Giải của Viện Hóa Ðạo: Khi quân đội Cộng sản Bắc Việt ồ ạt vượt vĩ tuyến 17, xâm chiếm các tỉnh cao nguyên, miền Trung, Nam và Tâm Nam bộ, và cuối cùng bao vây Sài Gòn, còn những nhà lãnh đạo trung ương của chính thể miền Nam thì cao bay xa chạy, người ta đã thấy ngay cái viễn cảnh đen tối nhất sẽ chụp phũ xuống thân phận những lương dân vô tội miền Nam. Ðể tránh cảnh đổ máu vô ích vào những giây phút cuối cùng mà mọi người đều thấy rõ phần thắng sẽ về ai – giữa một lực lượng chính quy với bao nhiêu quân đoàn sắt máu có kỷ luật và một lực lượng quân đội đã tan rã không có cấp chỉ huy – Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã ra Thông Cáo vào ngày 09-4-1975, kêu gọi hai phe lâm chiến hãy thương thảo để tìm một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Nội dung Thông cáo, ngoài ý hướng tỉnh giác phía quân đội Bắc Việt đang thắng thế: “đừng biến chúng ta thành tù nhân của chủ nghĩa, vì đời sống con người quý hơn chủ nghĩa”. Giáo Hội còn đề nghị ba điểm cụ thể chính yếu sau:
- Với hòa bình, chúng ta có thể phục vụ đạo pháp và dân tộc hữu hiệu hơn.
- Yêu cầu hai phe lâm chiến đừng tàn sát nhân dân vô tội vì theo bên này hay theo bên kia.
- Yêu cầu hai phe lâm chiến hạn chế tối đa vũ lực cứu mạng người trong giai đoạn chuyển tiếp.
Sự thực đã chứng minh, xã hội loài người rối loạn là do con người thiếu giác ngộ chân lý nên mới để thú tính và Atula tính gây ra thảm họa chiến tranh. Chiến tranh càng ngày càng bộc phát một cách quy mô rộng hơn mãi. Chiến tranh có thể hủy diệt loài người, mà lại do chính ngay những tiến bộ về khoa học mà con người đã khổ công bao nhiêu mới đạt tới được. Chúng ta thử hỏi: nhân loại liệu có tuyệt diệt vì chiến tranh nguyên tử đang đe dọa kia chăng? Không thể như thế được! Vì con người còn có Phật tính trong tâm để chế ngự thú tính và ma quỷ tính, nên con người phải giác ngộ ấy đã thể hiện trong bản “Hiến Chương Liên Hiệp Quốc” sau bản “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” công bố sau hai cuộc thế chiến. Lý tưởng Nhân quyền mặc dù còn bị tham vọng của những phần tử chưa giác ngộ, của những thế lực nhất thời ngăn cản, nhưng nhất định nó phải sang tỏ và tiến tới chỗ toàn thiện, theo tinh thần Phật. Có thế nhân loại mới có hòa bình hạnh phúc chung được. Mà đó là tất cả những điều chúng ta từng giác ngộ thấy ở ngay trong mỗi nội tâm mỗi nguời: những điều mà Phật hằng phán dạy từ mấy ngàn năm trước. Chỉ tội nghiệp cho những cường quốc nào thiếu giác ngộ còn mắc bệnh tham sân si trói buộc nên mới tạo nghiệp chướng mãi để rồi phải lãnh lấy những hậu quả không hay. Mà cũng tội nghiệp thay cho cả dân Việt, đã bị chia cắt làm đôi mà vẫn chưa chịu giác ngộ ánh sang Phật để bước theo đà chuyển biến của lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc.
Cả nhân loại đang hướng tâm về mảnh đất này. Lại bao nhiêu thiện chí của các bạn đồng minh đang lo cứu giúp ta nữa. Nhưng nếu tự người Việt không giác ngộ trở về mình, mà còn theo đuổi ánh hoàng hôn của những chân trời xa lạ thì làm sao có thể đem vinh quang xán lạn được lại cho mình. | trích: Thái Ðạo Thành (1924-2002): Tuệ Kiếm, Phương Pháp Tranh Ðấu của Phật Giáo
Phật tử rất tin tưởng ở Phật tính sẵn có trong lòng mỗi người dân Việt. Phật tính ấy sẽ thắng tất cả, bằng Vạn thắng pháp của mình là: thắng bằng lý tưởng Phật, bằng phương pháp và phương tiện của nguồn giáo lý Phật để cùng các đoàn thể bạn tiến tới việc xây dựng một nhân loại văn minh đúng nghĩa. | Thích Đức Nhuận (1924-2002), Xây Dựng Nhân Sinh Quan Phật Giáo