
Bạn có thể phê phán cái ác, bạn có thể phê phán một người làm chuyện ác, nhưng bạn cần hiểu được bản chất rằng ác là một cấp độ khác của thiện. Chúng đều là một. Giống như nóng và lạnh, nóng là một cấp độ khác của lạnh, và lạnh cũng tương tự. Khi một người nhận ra điều này, họ thường có một hiểu biết nhất định về tâm linh, đang trên con đường tu tập, để vượt lên khỏi tính nhị nguyên ấy. Như vậy, một người giác ngộ như Đức Phật về bản chất không phải là đã tận diệt (xóa sạch) khổ đau mà là ngài vượt lên khỏi khổ đau.
Nếu ta có một thái độ vững chắc về thiện và ác như trên, ta sẽ đi đến chỗ không phán xét bất cứ người nào. Vì còn phán xét, là vẫn còn trong lập trình tư duy nhị nguyên. Không phán xét không có nghĩa là cứ mặc kệ cái ác làm càn, mà ta sẽ đi đến một cách tiếp cận khác, thông qua nguồn năng lượng tình yêu và trí huệ. Ánh sáng tình yêu sẽ lan tỏa và chuyển hóa cái ác, như chuyển hóa lạnh thành nóng hơn.
Điều đó là vô cùng khó khăn và thậm chí là không thể chấp nhận được với nhiều người, ngay cả những người mang trong mình tư duy nhạy bén về triết học. Nhưng điều này không can dự gì đến tư duy của anh ta, mà là trái tim đầy yêu thương và lòng bi mẫn của anh ta. Tuy nhiên, hầu hết con người thường gác trái tim mình trên đầu.
Có người hỏi tôi rằng: “Thế thì chỉ có thánh mới làm được chứ người thường làm sao có thể bao dung đến thế!”
Nếu bạn nghĩ vậy, bạn sẽ thành vậy. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng mình có thể bác ái bao dung với tất cả mọi người, bạn đang đi trên con đường để hoàn thiện điều ấy. Trong Ấn Độ giáo, một trong những cách để đi đến giác ngộ là con đường hành động (the path of action – karma yoga). Đấy là con đường phụng sự sự vô ngã, yêu thương giúp đỡ tất cả mà không có một mong cầu nào, tương đương với yêu thương không điều kiện. Đó là một sự dâng hiến thiêng liêng, nhưng không mù quáng. Bằng con đường này, một người bình thường có thể giác ngộ trong từng phút giây sống của anh ta.
Vấn đề lớn nhất của một con người bình thường luôn là cái tôi, và cái tôi bao giờ cũng mắc kẹt trong tính phán xét. Tất nhiên, phán xét chẳng hề xấu xa toàn bộ, và cũng chẳng tốt lành toàn diện. Phán xét đơn thuần là phán xét. Nếu nhận xét phán xét là tốt hay xấu thì bài viết này cũng chưa vượt lên tính nhị nguyên. Nhưng phán xét lại ở trong tính nhị nguyên. Bạn cần hiểu điều này. Vì phán xét tức là bạn vẫn còn có sự phân chia, và thế, khi có sự phân chia, đó vẫn chưa phải là cách giải quyết đi đến bản chất, vẫn chưa phải là cách giải quyết triệt để.
Việc tu hành phải vượt dần lên khỏi tính nhị nguyên, chứ không phải chờ đến khi tỉnh thức hoàn toàn mới vượt lên khỏi nó. Chúng ta cần phải vượt lên dần dần, chúng ta cần phải đi xuyên qua những tầng mây để vào cung điện chân lý.