
Sáng nay, tôi viết một bài phản ánh về những bất hợp lý trong phương pháp dạy học văn ở stt “Khi các nhà hàn lâm làm giáo dục”, có nhiều bạn vô bình luận và gắn cái chuyện ấy với chính trị. Tôi không nghĩ vậy. Do có người cứ khăng khăng điều ấy và đến khi quy kết rằng tôi né tránh chính trị. Nó buộc tôi phải nói đôi lời về vấn đề này.
Đành rằng chính trị chi phối mọi mặt của đời sống xã hội. Nhưng chính trị lại là sản phẩm của con người, nó không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải vô cớ mà hiện diện dưới dạng này hay dạng khác ở các cộng đồng khác nhau. Người Pháp có câu “Dân nào thì chính quyền ấy” (chứ không phải ngược lại).
Nếu cái gì cũng là do chính trị cả thì ngay cả việc mình uống rượu say rồi té xuống mương cũng là bởi chính trị ư? Nếu một ông thầy dạy sai về phương pháp giải toán cho học trò, ông ta cũng nói “do chính trị”, thì khỏe quá! Mọi thứ cần phải đặt trong giới hạn của nó. Vì sao? Vì nếu mở rộng ra đến không cùng thì không những chính trị mà cái gọi là “cội nguồn con người” cũng sẽ phải chịu trách nhiệm!
Chính trị chi phối, không cần bàn cãi. Nhưng nếu cái gì cũng nói rằng do chính trị thì mọi cái ác mà các cá nhân gây ra đều sẽ tìm được nơi để đổ tội rất tiện lợi. Một giảng viên đại học không dám nói sự thật cho sinh viên, ông ta chỉ cần thản nhiên bảo rằng “do chính trị”; một nhà trường không dám phản đối bộ giáo dục vì hiệu trưởng nói rằng “do chính trị”; một kẻ buôn gian bán lận cũng vì do chính trị; trộm cắp cũng do chính trị. Bây giờ chúng ta hèn (chính bản thân ta), ta bị phê phán, và ta nói “do chính trị”.
Một ông thầy dạy sai, trước hết là lỗi của ông ta, không được đổ cho cái gì hết nếu chưa nhận lấy trách nhiệm về mình. Chính trị sinh ra con người nhưng lại cũng chính con người mới có thể thay đổi chính trị. Giờ cứ nói chính trị như vậy nên tôi mới như vầy thì rốt cuộc anh là ai trong cuộc đời này, một cái cây hay cục đá? Khi tất cả đều đổ cho chính trị có nghĩa là ta đang giúp kẻ khác chạy tội và miễn trừ nghĩa vụ làm người cho họ; đồng thời từ chối luôn quyền làm người của chính mình.
Chẳng lẽ vì chính trị cấm anh nói sự thật cho nên anh nói dối/im lặng? Rốt cuộc anh đã tự mình phủ nhận lương tri và giá trị của cuộc làm người. Cấm là việc của họ, còn nói là việc của anh! Còn vì họ cấm mà anh nghe (dù với bất cứ lý do gì) thì chính anh đang ngụy biện để mặc áo gấm cho sự hèn nhát của mình.
Nói về chính trị ít thôi, hãy nói về nhân phẩm. Chỉ khi nói thật sâu về nhân phẩm, ta mới có thể thay đổi chính trị. Bằng không, cũng chỉ là một cách nuôi dưỡng các thể thức chính trị lưu manh được trường tồn mãi mãi.
Thái Hạo
KHI CÁC NHÀ HÀN LÂM
LÀM GIÁO DỤCNăm 2019 tôi tham gia đợt tập huấn tại Đà Nẵng về đổi mới giáo dục dành cho các trường chuyên, nằm trong tổng thể của chương trình đổi mới 2018, tức chương trình “đổi mới căn bản toàn diện” đang diễn ra trong thời điểm hiện tại. Trong đợt tập huấn này, chúng tôi được nghe các giáo sư đại học hướng dẫn đọc hiểu một số tác phẩm trong chương trình. Ở đó tôi thấy ra một số những bất hợp lý lớn, đến giờ còn gây hoang mang cho chính tôi về tương lai của đợt “cải cách” này. Xin nêu một ví dụ.
Thầy TRần Văn Toàn, PGS-TS, hiện là phó trưởng khoa Ngữ văn của đại học sư phạm Hà Nội hướng dẫn các giáo viên chuyên văn cách đọc hiểu tác phẩm “Muối của rừng” của nhà văn Nguyễn Huy THiệp dưới góc nhìn của phê bình Sinh thái. Mở Đầu, thầy Toàn nhấn mạnh “không cần trang bị kiến thức lý luận, không cần nói gì đến phê bình Sinh thái mà chỉ cần yêu cầu học sinh tìm ra các “từ khóa”, các từ “quan trọng” trong văn bản “Muối của rừng” để từ đó đi đến khái quát về ý nghĩa của tác phẩm này và hình thành quan niệm trong học sinh về phê bình sinh thái.
Tôi quá bất ngờ và đứng dậy cầm mic xin được thắc mắc. Tôi hỏi “Nhưng làm sao để xác định được đâu là “từ khóa”, từ “quan trọng” trong văn bản ấy? Lấy tiêu chí gì để tìm ra chúng? Rõ ràng rằng thầy tìm thấy các từ của thầy, là từ quan niệm có sẵn của thầy về phê bình sinh thái; nhưng tôi với tư cách là một người hiểu và thích về Phân tâm học tôi sẽ tìm ra một hệ thống từ hoàn toàn khác như các “cổ mẫu”: “rừng”, “khỉ” “con người trần truồng” v.v..; một người khác dưới góc nhìn của Thi pháp học lại tìm thấy một kết quả hoàn toàn khác tôi và thầy; cũng như thế, dưới góc nhìn Văn hóa học, Ngữ học, Hiện sinh, Tiếp nhận v.v.. sẽ cho ra các kết quả khác nhau. Vậy nếu ngay từ ban đầu đã không trang bị tri thức nền về phê bình Sinh thái cho học sinh thì làm sao thầy có thể hướng dẫn các em đi đến một kết quả mong muốn từ tác phẩm này? Và hệ quả là gì? Là thầy sẽ phủ nhận các kết quả mà những em học sinh khác nhau tìm ra, và từ đó áp đặt những “từ khóa” của thầy vào. Đấy chẳng phải là đọc hiểu mà là cưỡng bách ư? Trong khi học sinh phổ thông gần như chưa được trang bị tri thức về bất kỳ một trường phái phê bình nào; như vậy khi thầy yêu cầu học sinh tìm “từ khóa”, chúng hoàn toàn có thể dựa trên các trải nghiệm và kinh nghiệm cá nhân để nói. Lúc đó thầy xử lý thế nào? Thầy có định phủ nhận nó không?
Vấn đề tôi đặt ra, thầy Trần Văn Toàn không giải quyết được. Thầy ấy chỉ nói “Rất đáng suy nghĩ”. Sau đó, cho đến hết buổi “báo cáo” thầy đã vẫn tiến hành y như trong tài liệu mà thầy đã chuẩn bị từ trước. Rõ rang, nó là dạy học áp đặt, không phải tự do và sáng tạo. Đấy là chưa nói tới tính phi lý về mặt tư duy và một “quy trình ngược” khi kết luận đã có trước quá trình. Cái kết luận ấy nằm sẵn trong đầu ông thầy và ông ta sẽ gạt ra tất cả những gì không phù hợp với quan niệm có trước của mình để “mớm cung” cho người học, hòng dẫn chúng tới cái mà ông ấy đang có sẵn. Nó giống như “án bỏ túi” đang rất phổ biến hiện nay vậy.
Từ cái câu chuyện trên, trong một buổi khác tôi có trao đổi trước cả “lớp học” ấy gồm các vị giáo sư và các nhà giáo dục học cũng như quản lý cấp cao ở đó rằng: Đầu tiên, phải trang bị công cụ cho học sinh. Anh không thể kêu người khác đi cuốc đất mà lại không trao cho họ cái cuốc được (hoặc chí ít là phải hướng dẫn họ cách kiếm lấy một cái cuốc). Khi mà những người biên soạn chương trình đang phủ nhận triết học, lý luận và phê bình v.v.. như là những công cụ của tư duy và là phương pháp giải quyết (đọc hiểu) các văn bản thì chính là đang trực tiếp chặt tay chặt chân người học. Tôi không những nhìn thấy điều này ở Chương trình 2018, nhìn thấy ở đây trong đợt tập huấn này, mà còn cả trên facebook của thầy Đỗ Ngọc thống khi thầy ấy cũng nói cùng một quan niệm như thế.
Tôi nói, trải nghiệm dạy học và tìm hiểu về nền giáo dục thế giới cho tôi thấy rằng, học sinh thời VNCH và học sinh thế giới được học triết học và các lý thuyết rất chuyên sâu. Việc “coi thường” người học như Chương trình 2018 này đang làm là vừa không hợp lý vừa không hữu ích; nó có thể lặp lại những sai lầm của những chương trình cũ nếu chúng ta còn giữ cái quan niệm này. Một vị nữ tiến sĩ, là người chủ trì đợt tập huấn này đã gạt lời tôi khi tôi đang nói.
Tôi thật sự hoang mang sau đợt “tập huấn chuyên” 2019 tại Đà Nẵng. Không biết những đổi mới này sẽ đi tới đâu, và nó sẽ giải quyết những mâu thuẫn hiện tại ra sao để thành công; nhưng ít nhất, trong thời gian gian diễn ra tập huấn, những người chủ trương và biên soạn đã không thật sự muốn nghe những ý kiến không thuận tai.
Các nhà khoa học “hàn lâm”, đôi khi vì quá đắm chìm trong cái lý thuyết tâm đắc của mình mà có thể quên mất những điều sơ đẳng trong quy luật tâm lý và tư duy logic chăng? Điều ấy thật đáng lo lắng…
Giáo dục là hình thành cho người học phương pháp tư duy bằng cách trang bị cho họ những công cụ đắc lực và một tri thức nền căn bản. Giáo dục là dạy thật ít nhưng học thật nhiều. Giáo dục là giúp con người tìm thấy chính mình và sống được với chính mình chứ không phải tìm thấy ông thầy và sống bằng cái đầu của ông thầy.