
Phật học viện Hải Đức Nha Trang tọa lạc trên đồi Trại Thủy. Cái tên gọi nghe thơ mộng thân thương và gần gũi. Tôi không biết lai lịch, xuất xứ của danh từ này, chỉ nhớ là niên khóa 1969-1970 học tăng Phật học viện có ra một tờ báo lấy tên ngọn đồi đặt tên báo là “Đồi Trại Thủy”.
Cùng năm học này, tôi được tòng học tại Viện theo chương trình phân bố học tăng tham học tại các Phật học viện ở Miền Trung và Miền Nam của Giáo hội thời bấy giờ.
Cuối năm, tôi cùng các chú đã trúng tuyển tú tài phần I được đi học lớp cao hơn tại các PHV khác. Tôi được ra Huế ở Chùa Báo Quốc và học tại Quốc học. Mãn tú tài phần II, tôi và các chú học ban C như: Quảng Bình, Quảng Tuệ, Huyền Chiếu, Đồng Thành, Dương Nhật Quang, Nguyên Hòa… cùng vào Quảng Hương Gìa Lam.
Sau biến cố 1975, Già Lam hầu như không thể duy trì, đại chúng tứ tản, chỉ còn mấy vị hữu duyên là còn ở lại. Tu viện kể như tan hàng từ đó. Tôi trở về Tuy Hòa sống cuộc sống như bao người bình thường.
Đến nay tôi mới có dịp trở lại Hải Đức để thăm lại cảnh cũ chùa xưa. Thời gian đi qua thật nhanh, thấm thoát mà đã 30 năm. Với khoảng thời gian ấy, tôi nghĩ cũng quá đủ để mọi chuyện đổi thay, từ con người cho đến hoàn cảnh.
Trở lại lần này, bắt đầu từ dốc nhà hương đi lên, con đường rợp bóng mát hiện ra trước mắt, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, bao nhiêu hình ảnh thân thương gần như xóa nhòa trong ký ức, nay bỗng hiện về trong tâm trí, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt. Những bực cấp, những gộp đá, những gốc cây quen thuộc ngày nào, nay trông có vẻ xa lạ khác thường. Những cây mít đã một thời làm tươi mát, tô thắm cho vẻ đẹp thâm u huyền bí của khu đồi Trại Thủy, đã từng ra hoa kết nụ, trổ quả làm sinh động mới mẻ cho thắng tích xinh đẹp vốn có của ngôi chùa Hải Đức, hàng cây mít đã từng là những chiếc ô xòe rộng cánh che mát lòng người khi trời nắng hạn và mít còn cung cấp nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn của đại chúng. Đó là món mít kho truyền thống của xứ thần kinh, ít nơi nào có được. Giờ thì mít ấy cũng chẳng còn. Thật đáng tiếc!
Khi đến đỉnh dốc, tôi phải đứng lại hít thở mấy phút để lấy bình tĩnh và rất hồi hộp vì sắp sửa chứng kiến sự đổi thay của cảnh vật sau bao năm xa cách. Nhà trù thì trống trơn, không còn ai ở. Bà Bảy, cô Huệ, ông Đông có lẽ đã qua đời lâu rồi, phòng Ôn Trừng San, cửa đóng kín, bên ngoài toàn là bụi bặm và màng nhện giăng bủa tứ tung, chánh điện cửa cũng đóng. Cảnh vật im lìm, thật giống như cảnh Chùa Bà Đanh. Phòng chú Bổ trước kia là phòng thuốc, là trạm xá của Viện. Đặc biệt tại địa điểm này, ngày nay lại mọc lên một hàng rào kẽm gai, trông rất kiên cố, phân chia tổng thể Phật học viện thành 2 giang sơn riêng biệt, một bên là chánh điện và trai đường, phần còn lại từ gác chuông trở lên.
Lúc ấy tôi thấy toàn cảnh Viện như bao trùm một màu tan vỡ đau thương, chiếc đại hồng chung tại gác chuông, nay đã nứt bể. Câu kinh lời kệ ngâm nga “Hồng chung sơ khấu…” không còn vang vọng như ngày nào.
Bên cạnh gác chuông, tôi nhớ có một cây Hòe, toàn thân cao chừng 2 mét, cành lá xanh tươi, tàn cây rộng xòe đủ cho một người có thể nằm.
Hễ nói đến “Hòe” là tôi nhớ đến một điển tích kể rằng có một thư sinh nhà nghèo nằm ngủ quên dưới gốc hòe, mộng thấy mình có vợ con đông vui, về sau thi đỗ ra làm quan, hưởng vinh hoa phú quí mấy chục năm. Chừng tỉnh dậy mới hay đó là mộng.
Nên có câu thơ rằng:
“Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”
Hay:
“Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín.
Thật buồn cười, hưởng vinh hoa phú quí mấy chục năm trong một giấc nồng, mà nồi kê nấu chưa chín.
Hòa Thượng Phước An trên Đồi Trại Thủy | Ảnh: Tiểu Bảo
Đúng vậy, đời người là từ mộng đến mộng. Cổ đức muốn cho người đời thức tỉnh nên có câu răn nhắc: “Hải hữu khô thời chung kiến để. Thế nhơn chí tử bất tri tâm”. Cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc của từ phụ A Di Đà cũng là cõi mộng, nhưng là từ mộng đến GIÁC: Ta Bà là từ mộng đến mộng. Tây Phương là từ mộng đến giác. Hai đường cách biệt như trời vực, phàm là người có TRÍ tất phải biết chọn cõi mộng nào?
Trở lại chuyện thăm Hải Đức, tiếp theo là thăm dãy nhà chúng. Hành lang bên ngoài rộng rãi thênh thang, không có người qua lại, thư viện và các phòng, cửa đều đóng chặt. Thư viện hồi ấy, tôi thấy không rộng lắm, nhưng bên trong bài trí rất bề thế ngăn nắp, các tủ chứa đầy các loại thư tịch, nào kinh điển nào sách nghiên cứu, ngôn ngữ phần nhiều là Hán Văn và Anh Văn. Thư viện hoạt động rất tốt, được vào thư viện học bài, đọc sách rất lý tưởng vì ở đây yên tĩnh và mát mẻ.
Bây giờ chỉ còn một chữ “im lặng”. Ngôi tịnh thất của Ôn Giám viện cũng không khác gì. Đây là tịnh thất để mỗi khi ôn về, hoặc có các Hòa thượng từ xa về thăm Viện có nơi nghỉ ngơi, như ôn Từ Đàm ở Huế vô hoặc ôn Từ Quang ở Phú Yên được thỉnh vào để chứng minh hoặc an cư luôn trong 3 tháng hạ cũng nghỉ tại đây. Bây giờ cũng vắng vẻ quạnh hiu. Dãy nhà chúng thứ 2 (dãy nhà mới) tọa lạc trên nền đất cao hơn, cũng trong tình trạng như vậy. Đây là dãy nhà chúng dành cho các chú học ban A và B. Ngày nay các cửa nẻo đều bị tháo gỡ đâu mất, bên trong chỉ còn là bụi đất và gạch đá ngổn ngang, toàn một cảnh hoang tàn đổ nát. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, ai mà chẳng đau lòng? Tôi lẩm bẩm mấy câu thơ của bà Huyện Thanh Quan:
“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
Có lẽ tác giả cũng đã chứng kiến cảnh đời thịnh suy biến đổi, cảnh hoang phế của một chứng tích lịch sử đã một thời vang bóng rồi cũng phải tuân theo định luật vô thường trong dòng đời sinh diệt.Ở đây, tôi cũng đang chứng kiến cảnh suy vong của một Phật học viện đã từng ảnh hưởng sâu rộng trong một thời kỳ hưng thịnh của Phật Giáo.
Kim thân Phật đài | Ảnh: Tiểu Bảo
Nói đến đồi Trại Thủy cũng phải nói đến Kim thân Phật đài. Kim thân Phật đài tọa lạc trên một vùng đồi rộng rãi thoáng mát. Nhưng bây giờ trông có vẻ chật hẹp không được quang đãng như xưa. Có lẽ một phần là phía ngoài khuôn viên Phật đài, có xây mấy dãy miếu thờ và cất giữ hài cốt, lại còn bị dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa trên mạn sườn đồi gần Kim thân, chung quanh thì đầy cả rác rến dơ bẩn, hình như đã lâu ở đây không được quét dọn.
Bao nhiêu hình ảnh ấy đủ tạo ra một cảnh lộn xộn ô hợp, đánh mất vẻ mỹ quang của thắng tích, làm mất đi không khí trang nghiêm thanh tịnh của một Kim thân Phật đài đáng ra phải được trân trọng tôn quí và bất khả xâm phạm.
Con đường sỏi từ viện qua Kim thân không còn lưu thông, vì người ta đã xây một hồ chứa nước với kích cỡ rất lớn nằm án ngữ che mất lối đi, như là cắt đứt mạch máu lưu thông giữa Viện và Kim thân. Con đường này ngày xưa chúng tôi thường gọi là “Đại lộ trên đỉnh non cao”, “Đại lộ hòang hôn”, vì so với thành phố Nha Trang đây là điểm cao nhất. Khi Phật học viện còn trong thời kỳ hưng thịnh, học tăng đông vui, sau buổi cơm chiều anh em thường tản bộ qua đây để thư giản và hít thở không khí trong lành của gió biển.
Toàn cảnh đồi Trại Thủy đến ngày nay thay đổi quá nhiều. Nếu ai đã từng chứng kiến sự sinh hoạt của Phật học viện trong giai đoạn hưng thịnh, có lẽ ngày nay cũng phải bùi ngùi nuối tiếc cái thời vàng son của một môi trường yên bình, đầy ắp tình người đã che chở nuôi dưỡng và luôn hy vọng ươm mầm hạt giống Từ Bi Trí Tuệ cho đạo Phật tương lai.
Ôi! “Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành”. Đây là bức thông điệp nhắn gởi cho những ai còn mãi mê trên trường danh lợi, đánh mất hạt minh châu trong chéo áo của mình, mà không tự biết rằng chính mình đã có sẵn đủ vốn liếng mà không cần phải vay mượn, cầu lụy để được ban phát. Đó chính là “Như Lai trí tuệ đức tướng” sẵn đủ trong tâm của mọi chúng sanh.
Tôi nghĩ, chính nhờ chứng kiến cảnh hưng suy như thế, ta mới ý thức được cảnh đời là vô thường, và con người mới có thể thức tỉnh, mới không còn ngái ngủ trong thần tiên mộng ảo, và mới nhận chân sự giả tạm của một kiếp người, là “Huyễn thân mộng trạch” (Thân huyễn nhà mộng).
Ôi! Còn đâu Hải Đức một thời huy hòang phát triển, cảnh sinh hoạt đông vui, còn đâu những giờ Bố tát, mỗi 4 giờ sáng ngày 14 và 30, Ôn Trí Nghiêm từ cốc của Ngài tận bên Long Sơn, chống gậy lên viện để chủ trì lễ Bồ tát, còn đâu học chúng trên trăm vị, vào mùa an cư, nghe tiếng bảng là y áo chỉnh tề, để tham dự lễ quá đường, còn đâu những buổi họp chúng đông đảo nhưng rất chỉnh tề, còn đâu màu áo lam thấp thoáng trên mạn sườn đồi Hải Đức, còn đâu tà áo nhựt bình bay bay trong gió trên “Đại lộ trên đỉnh non cao” và nói chung còn đâu“Cái thuở ban đâu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ mấy ai quên”.
Còn bao nhiêu chuyện nữa. Nhưng thôi, dù thế nào thì Hải Đức cũng vẫn là Hải Đức. Hải Đức là đức của biển cả, của đại dương mênh mông. Đại dương thì toàn là nước, hễ gió nổi lên thì đại dương dậy sóng, gió nhẹ thì sóng nhẹ, gió mạnh thì sóng dữ, nhưng sóng cũng là sóng trong lòng đại dương, hết sóng thì toàn là nước, nước và sóng tuy hai mà một, tuy một mà hai, có mất gì đâu mà sợ chứ.
Hòa Thượng Phước An trên Đồi Trại Thủy | Ảnh: Tiểu Bảo
Nhưng trong hạn cuộc của thời gian không gian, đối với sự sanh tồn hữu hạn, con người cũng không thể không biết rằng thời thế và sự tồn vong hay suy vượng của con người có liên quan không ít đến ngoại hình và địa thế của núi non sông biển trong một mức độ nào đó. Như ở đây, ta thấy con đường huyết mạch từ Viện qua Kim thân đã bị cắt đứt và điểm đặc biệt đáng lưu ý là 2 dãy nhà chúng và ngay cả ngôi tịnh thất của Ôn Giám viện cũng trong tình trạng không có điểm tựa. Đây ví như người ngồi trên chiếc ghế trơ trọi không có thành tựa, ghế có thành tựa thì tư thế người ngồi mới vững chải, và ngồi được lâu. Ở đây cả 3 điểm này đều dựa vào vực sâu lại có sông ngòi phía Phương Sài. Danh từ chuyên môn, người ta gọi trường hợp này là “Sơn tinh hạ thủy” Sơn Tinh tức là lưng tựa, là chỉ cho con người. Mà người thì phải ở chỗ cao ráo và không bị nước ngập, thì cuộc sống mới an cư lạc nghiệp lâu bền. Vả lại quần thể Phật học viện lại phân tán rời rạc, thiếu gắn bó, mạnh ai nấy mạnh. Đành rằng, đây là do địa hình địa thế, mà đã như vậy, tức nhiên phải có tác động đến sự sinh hoạt của nhân sự trong quần thể đó.
Phải chăng đây là những điểm có thể khiến cho Phật học viện Hải Đức khó có được cơ hội để phát triển và trụ vững lâu dài?
Hòa Thượng Phước An trên Đồi Trại Thủy | Ảnh: Tiểu Bảo
Trong quyển “Đường mây trên đất Hoa” Hư vân lão Hòa thượng đại ý có khuyến cáo: “Đừng cho rằng thế đi của núi non sông biển không có liên quan đến việc tu hành”. Tôi cho rằng đây là cảnh báo cho hậu lai, những bậc anh hùng muốn ra tài lương đống, muốn hoằng dương và duy trì Phật pháp được lâu dài, không thể không quan tâm đến lãnh vực này. Đó là địa lý phong thủy. Vì rằng, sự vận hành của tinh tú vũ trụ, sự bài trí của núi non hùng vĩ xanh tươi bao bọc hữu tình, hay lẻ loi trơ trọi và khô cằn sỏi đá đều có ảnh hưởng tác động đến con người với một mức độ không nhỏ, về cả 2 mặt vật chất và tinh thần. Đây là điều rất tự nhiên không có gì quá khó hiểu. Đây cũng là y báo chánh báo, cũng là nghiệp lực của chúng sanh chỗ cảm ứng mà hiện ra. Nhưng trong cộng nghiệp vẫn còn có biệt nghiệp. Cho nên trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Thế Tôn vẫn cho phép các vị Bồ Tát đệ tử, trong khi hành đạo độ sanh, có thể coi xem thiên văn địa lý, nôm na bây giờ gọi thuật phong thủy, có thể hướng dẫn chỉnh sửa nơi ăn chốn ở sao cho phù hợp với địa hình địa thế trong thiên nhiên. Vẫn biết rằng lúc đầu Đức Phật có chế giới cấm việc này, là đối với những đệ tử mới vào, vì là sơ cơ nhập đạo nên phải để thời gian và tâm huyết trong việc học tập kinh luật và giáo lý. Vì nếu người xuất gia mà kinh không thuộc, luật không biết, giáo lý không thông và nhất là chưa áp dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày cũng như trong phương pháp hành trì tu tập, thì chỗ huyền diệu của đạo mầu nhân nơi đâu mà tỏ ngộ, nhưng đối với các đệ tử gọi là “Trí lực hữu dư” Phật vẫn cho phép, nhưng phải tùy theo mỗi hòan cảnh có thể vận dụng mà không được lạm dụng, và xem đó là việc chính yếu của người xuất gia.
Trên đây là những cảm nghĩ và một chút kiến giải sơ thiển về toàn bộ cuộc diện của đồi Trại Thủy hiện giờ, khi trở về thăm lại “Vườn bùi chốn cũ” sau nhiều năm xa cách. Đại chúng hãy xem nó như hòn đá cuội, có thể cầm lên xem, nếu không thích có thể quăng nó trong một góc vườn nào đó. Khi nào cần thì có thể nhặt lên. Nếu biết cách dùng, có thể nó không hòan toàn vô ích.
Cuối cùng tôi xin mượn 2 câu thơ của Ngài Thiền Sư Vạn Hạnh để kết thúc bài tùy bút này.
“Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”
Quảng Chính
(trích KỶ YẾU NGÀY VỀ CỘI | 08 THÁNG CHẠP NĂM TÂN MÃO (01 – 01 – 2012) | Kỷ Niệm 55 năm, ngày thành lập PHV TRUNG PHẦN HẢI ĐỨC NHA TRANG)