
Tuổi trẻ cho đến nay cũng có thể coi như là cạn một chung trà, qua tuổi thanh xuân. Từ ngày biết đến ngưỡng cửa Gia đình Phật tử, tôi không dám nói là hướng dẫn nổi ai, nhưng khi kể chuyện với các em mình về Giáo Hội, về những bậc Thầy, về những người Anh, người Chị gắn liền nhiều sự kiện, diễn biến, để hình thành một pho lịch sử buồn vui như hôm nay, lắm khi chính mình cũng băn khoăn!
Câu hỏi mà tôi tin nhiều lúc không phải ai đặt cho mình, và chính mình phải hỏi mình trước, làm khó mình trước, để tự tìm hiểu rồi trả lời với mình. Cái hiểu biết đó, ít nhiều sẽ làm cho mình yên tâm hơn chứ không nói việc hướng dẫn nổi ai, kể cả các em mình cũng vậy.
Càng về sau, tôi thấy bài học của những vị Thầy lớn, đàn Anh đúng nghĩa, thường không câu thúc, áp đặt người nào hiểu ngay cái hiểu của mình, mà chỉ san sẻ những thông tin cần thiết, rồi khuyên tự thân chứng nghiệm lấy.
Lịch sử tranh đấu Phật giáo, qua sự lãnh đạo của Tổng Hội, rồi Giáo Hội Thống Nhất, là điều gì đó thật bi tráng, nhưng với tôi đó không phải cái để mình luôn tự hào, tự tôn mà quên mất mục đích cốt lõi của Đạo Phật.
Nhưng, do hoàn cảnh đất nước bao phen tưởng được hòa bình, tưởng được thống nhất nhưng ngày nay, sau bốn mươi lăm năm “giải phóng”, Việt Nam chỉ như một kịch trường tráng lệ mặt trước nhưng hỗn độn phía sau. Người Việt lại tất bật lao sinh, đè cán lên nhau mà sinh tồn, cố bám lấy mảnh đất ông cha. Đấu tranh Phật Giáo, đúng hơn cuộc vận động của Phật Giáo qua hình ảnh Giáo Hội liên lũy như ngọn lửa giữ bền, có lúc bừng sáng, có lúc lu mờ nhưng may mắn chưa bao giờ lịm tắt.
Từ đó, câu hỏi bao lần khiến mình băn khoăn, “Phật Giáo muốn gì mà thời nào cũng đấu tranh?”, cũng được trả lời. Và bao nhiêu năm, một lần nữa giữa hiện tình không mấy vui trong ngôi nhà Phật Giáo, bao hình ảnh thương cảm in sâu trong tâm khảm luôn gợi nhắc cho mình những di huấn vô cùng thâm thiết, nó đồng thời xác định những nhân cách không chỉ được hiểu phiến diện do tính sôi động, nông nổi tuổi trẻ nhiệt tình trên trường đấu tranh của mình, mà qua đó giúp mình nhận ra đâu là chất liệu tinh truyền của Đạo, của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Dấn thân một cách tỉnh táo.
Lịch sử Giáo Hội, Xá Lợi Tăng Nhân, xương cốt huyết lệ đồ chúng, có thấm vào đâu trong những pho sách, báo nên mình không chỉ tìm nơi đó là đủ!?
Con đường của chúng ta đang đi, nếu ngắt thành đoạn, nếu khoanh thành vùng, nếu chỉ thấy nơi một bản vị duy nhất…, ắt khó thấy hết cái ý nghĩa của việc mà Thầy Tổ bao đời đã dày công. Sự nghiệp đó lớn hơn tất cả một kiếp sống vô thường riêng rẽ. Danh hiệu Giáo Hội cũng vậy, đạo hiệu Tăng Thống hay bất kỳ ngôi vị nào cũng vậy, là sự tương tục mọi giá trị từ quá khứ Thầy Tổ lao nhọc mà có, vậy thì trước khi muốn gánh vác việc Thầy Tổ, việc Giáo Hội, việc Gia đình Phật tử v.v… phải tìm về với nguồn cội.
8 năm trước nhân kỵ Ôn, đọc lại Thông Bạch Hòa Bình của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, cảm giác như được tắm gội trên dòng sông quê ngoại. 8 năm sau trong không khí tưởng niệm ngày “cái bẫy hòa bình” của những thế lực đầu cơ chính trị giật xuống, họa binh lửa tuy không còn, nhưng người dân đã sống trong đó như “trại súc vật”. Từ đây chúng ta thấy, càng xác định tín tâm, qua lời kêu gọi thống thiết của Giáo Hội, của Ôn Thiện Minh, nếu được tiếp nối và thực hiện sẽ là nền Hòa Bình Như Thật, mang giá trị bất biến của nguồn Đạo Từ Bi.
30 tháng Tư, 2020
Quảng Pháp Trần Minh Triết
THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH
LỜI DẪN: Nhân lễ tưởng niệm HT. Thích Thiện Minh, cũng như đứng trước hiện trạng phân rã, suy vong của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong và ngoài nước, chúng tôi sưu lục một trong những văn kiện quan trọng của Viện Hóa Đạo do chính HT. Thích Thiện Minh (bấy giờ là Thượng tọa Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo) ban hành vào ngày 06.4.1973, trong mùa Phật Đản Phật lịch 2517, để chúng ta cùng nhìn lại và khắc ghi con đường hòa bình nhất quán của Phật giáo Việt Nam đối với nhân loại và dân tộc. Nội dung Thông Bạch cũng đã được Thượng tọa Thích Thiện Minh đúc kết trong “Lời Nói Đầu” của đặc san Phật Đản do Đoàn Giáo Chức Phật Tử Khánh Hòa thực hiện qua 4 điểm chính như sau: 1) Thành kính cúng dường Đức Từ Phụ Bổn Sư; 2) Xây dựng hòa bình Dân tộc; 3) Củng cố phát triển tình đoàn kết và 4) Nỗ lực hoạt động xã hội để hàn gắn vết thương của chiến tranh.
Nên nhớ Thông Bạch này được ban hành 3 tháng sau Hiệp Định Paris (ký kết ngày 27.01.1973), trong niềm tin là chiến tranh sẽ chấm dứt, hòa bình sẽ được vãn hồi trên đất nước. Trên thực tế, hòa bình đã không đến như ước vọng của toàn dân, của Giáo Hội. Nhưng tinh thần của Thông Bạch, với lời kêu gọi dấn thân và tuân thủ đường hướng của Giáo Hội thì nhất quán, và mãi giá trị cho mọi thời đại.
Kính cẩn sao lục,
Thích Siêu Phương* Ghi chú: Thông Bạch sau đây được trích từ Đặc san Phật Đản PL. 2517 (1973), do GHPGVNTN Tỉnh Khánh Hòa – Nha Trang chủ trương, Đoàn Giáo Chức Tỉnh Khánh Hòa thực hiện, trang 27-29.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Phật lịch 2517, ngày 06.4.1973
THÔNG BẠCH
CỦA HỘI ĐỒNG GIÁO HỘI TRUNG ƯƠNG
Dân tộc và đạo pháp đã chịu đựng quá nhiều đau khổ chiến tranh. Nay hòa bình đã tới, chúng ta nhất quyết không thể để mất cơ hội mà phải cương quyết nắm giữ và bồi đắp hòa bình, nhất định không để cho đất nước rơi vào trong hố thẳm chiến tranh một lần nữa.
Muốn thực hiện được hoài bão đó, chúng ta phải nỗ lực bảo vệ và phát triển tình huynh đệ và nghĩa đồng bào. Chúng ta phải nỗ lực làm việc để tạo ra sự hiểu biết và cộng tác giữa những người cùng một nước, đánh tan sự sợ hãi, sự ngộ nhận và niềm oán thù.
Mục đích của Giáo Hội Phật-giáo Việt-Nam Thống Nhất là hòa bình, mà không phải là chính quyền. Giáo Hội không theo đường lối chính trị phe phái, mà vượt ra ngoài đường lối chính trị phe phái. Có như vậy Giáo Hội mới có thể đóng góp hữu hiệu cho sự hòa giải, cho niềm cảm thông và tình huynh đệ, sự đóng góp này được thực hiện trong các phạm vi đạo đức, văn hóa và xã hội thuần túy nhân bản.
Trong giai đoạn nghiêm trọng quyết định vận mệnh của hòa bình này, Giáo Hội trân trọng kêu gọi tất cả mọi giới Tăng Ni tình nguyện đứng ra làm công việc bảo vệ và bồi đắp tình huynh đệ, xây dựng nền tảng vững chãi cho hòa bình vô cùng quí giá nhưng còn rất mỏng manh. Giáo Hội trân trọng xin liệt vị triệt để thi hành giáo chỉ khiêm nhượng và từ hòa của đạo Phật. Trong giai đoạn hiện tại Giáo Hội thiết tha kêu gọi quí vị:
- Về chính trị: xin tất cả liệt vị Tăng Ni đừng tham gia sinh hoạt chính trị phe phái, đừng cổ động hoặc đả kích bất cứ một lực lượng chính trị nào, đừng phát biểu ý kiến phe phái về chính trị. Phải tuyệt đối bày tỏ ước muốn dung hợp và cộng tác với tất cả mọi người trong sự nghiệp bảo vệ hòa bình, thiết lập thông cảm và thương yêu, chữa lành thương tích chiến tranh và tái thiết xứ sở. Mọi ý nghĩ, ngôn ngữ và hành động có tác dụng gây sợ hãi, nghi ngờ và chia rẽ giữa đồng bào đều được xem là cái chống với lời Phật dạy, đối nghịch với đường lối Giáo Hội. Quí vị chớ nên vận động ủng hộ chính trị cho bất cứ ai.
- Về đạo đức: xin tất cả liệt vị Tăng Ni làm hết sức mình để xây dựng lại những giá trị tinh thần cao quí đã bị chiến tranh phá hoại. Hãy gây lại niềm tin của con người đối với con người, với cuộc đời, đối với tương lai, đối với những lý tưởng nhân bản và tâm linh. Quí liệt vị sẽ không làm công việc này bằng lý thuyết suông.
Giáo Hội xin quí vị:
- Vận động sửa chữa lại các chùa đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá.
- Tổ chức lại các ngày hội rằm, sám hối và hội chùa.
- Tổ chức cầu siêu, chẩn tế cho tử sĩ cả hai bên và những người mệnh vong vì chiến tranh.
- Giúp đỡ tìm lại hài cốt những người mệnh vong trong cuộc chiến, giúp đỡ việc chôn cất, tảo mộ.
- Thăm viếng và an ủi những gia đình có cha mẹ hay con cái mệnh vong trong cuộc chiến.
- Khuyến thỉnh mọi người đã chịu đựng đau thương nên nhận thấy rằng phần lớn trong chúng ta đều là nạn nhân của chiến tranh, phải tha thứ cho nhau, phải quên đi mọi cay đắng, hận thù và tha thứ cho nhau những lỗi lầm ngày trước.
- Tập cho trẻ con ca hát học tập, để chúng lại biết tin người, tin đời như xưa.
- Vận động tương trợ người nghèo khổ, ốm đau và tàn phế vì chiến tranh.
- Vận động dựng lại nhà cửa cho những gia đình quá nghèo không thể tự lực tự túc được.
- Tìm cơ hội để thương phế binh của cả hai bên được vào trường huấn nghệ.
- Tìm đưa các thiếu nhi mồ côi vô thừa nhận vào các cô nhi viện và kiếm học bổng cho các em đi học.
- Khuyến cáo người có của đừng tiêu thụ ăn uống xài phí quá mức, để dành vào quỹ tái thiết của Giáo Hội.
- Về văn hóa: xin tất cả liệt vị Tăng Ni tìm cách bồi đắp và phát huy tinh thần dung hợp của đạo Phật trong phạm vi văn hóa.
Xin học tập và khuyến thỉnh Phật tử học tập thái độ bao dung, phá chấp trong đạo Phật, sẵn sàng học hỏi và trao đổi. Chân lý tuyệt đối chỉ có thể tìm trong sự sống, không phải nơi lý thuyết và ý thức hệ.
Xin khuyến khích bài trừ sách, báo, phim ảnh và nghệ thuật gây ý thức hận thù, bạo động và sợ hãi, khuyến khích sự lưu hành những tác phẩm văn mỹ nghệ nói lên tình tự dân tộc, thương yêu và cộng tác giữa các thành phần dân tộc.
Một điều nữa không kém phần quan trọng là càng đi sâu vào xã hội để nhiêu ích cho đồng bào thì càng giữ oai nghi tế hạnh, đừng để thế tục hóa tư tưởng và hành động của một sứ giả Giáo Hội.
Giáo Hội ân cần kêu gọi liệt vị Tăng Ni tận dụng sự quen biết và phương tiện sẵn có ở địa phương mình mà thực hiện những điều nêu trên. Giáo Hội Trung Ương và Giáo Hội địa phương sẵn sàng yểm trợ liệt vị về mọi mặt trong khả năng của Giáo Hội.
Nay thông bạch,
Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo
T.M. Hội Đồng Giáo Hội Trung Ương
Thượng Tọa Thích Thiện Minh
Phật Giáo Việt Nam Muốn Gì
Mà Thời Nào Cũng Đấu Tranh?
Lý Đại Nguyên
(Trích từ “Việt Nam Dân Tộc Bị Đọa Đày”, tác giả Lý Đại Nguyên, Văn Nghệ xuất bản, 1998, Hoa Kỳ)
Một đời người chỉ được trên dưới bốn mươi năm là có nhiều sinh lực hoạt động cống hiến cho mọi mục tiêu ở đời nhất, thế mà một người theo đạo Phật chân chính tại Việt Nam đã từng tham dự vào các cuộc đấu tranh của đất nước suốt từ 1963 tới nay mà vẫn chưa có quyền ngơi nghỉ.
Những người bàng quang với các cuộc tranh đấu thì đều đã từng đặt ra câu hỏi là Phật giáo Việt Nam muốn gì mà lúc nào cũng đấu tranh?
Những đối tượng của các cuộc đấu tranh đó đều đã biết rõ mục tiêu đấu tranh của Phật giáo đòi gì, nhưng vẫn giả như không biết để đưa ra câu hỏi tương tự. Thế rồi họ đã chụp lên đầu Phật giáo đủ các thứ mũ, nhằm làm giảm sự tin tưởng của những người theo đạo Phật và đầu độc dư luận trong và ngoài nước. Điều hết sức giản dị là nếu các thế lực cầm quyền tại Việt Nam từ trước tới nay hiểu ra một điều là họ chỉ việc đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn dân Việt Nam là tôn trọng sự tự do, tự chủ và sáng tạo của con người Việt Nam, tạo cơ hội cho toàn dân phát huy sức mạnh truyền thống của dân tộc để cùng nhau xây dựng và phát triển cuộc sống toàn diện của đất nước, cùng với thế giới đi trên con đường hòa bình dân chủ thì Phật giáo Việt Nam hết còn phải đấu tranh để mỗi người theo đạo Phật quay về tự đấu tranh với chính mình thực hiện lý tưởng “chiến thắng bản thân” hoàn tất thiện nguyện “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”.
Mục đích tối hậu của người theo Phật bao giờ cũng là “giải thoát sinh không, rời xa tục lụy”, khiến cho những người thoáng ngó vào thấy đây là một chủ trương xa rời thế gian, không phù hợp với chủ trương tranh đấu phụng sự cuộc đời. Nhưng nếu đi sâu vào đạo Phật thì ta thấy rằng đây là một tôn giáo hết sức thực tế, có đầy đủ những hướng dẫn cần thiết cho một cuộc sống thực tại và cũng hết sức rộng rãi cởi mở không hề gò bó chấp chặt bất cứ thứ lý tưởng nào. Khi người theo đạo Phật đã đạt tới tâm từ bi hiển lộ, thức trí tuệ rực sáng thì tùy duyên mà ứng xử trên hành trình tế độ quần sinh. Và cũng đừng quên đạo Phật còn có một vị Phật với danh hiệu “Đấu chiến thắng Phật”.
Bằng vào nhận thức khoáng đạt trên, những người theo Phật của Việt Nam đã bước vào thế cuộc để nhận lãnh sứ mệnh mà dân tộc và toàn dân trông đợi không một sợ sệt. Lấy ý lực từ bi làm lương thực, lấy sinh mạng làm võ khí, lấy mục tiêu Dân tộc làm mục tiêu của chính đạo mình.
Chính vì vậy mà thế giới đã được chứng kiến cuộc đấu tranh thần thánh 1963 đi từ sững sờ này đến sửng sốt khác, dù cho những người cứng lòng tới đâu cũng phải bật khóc rồi sụp lạy trước ngọn lửa bùng lên từ thân tâm Quảng Đức Bồ tát. Từ ngọn lửa đó nhân loại mới chợt hiểu thế nào là sức mạnh tinh thần truyền thống Đông phương sau hàng thế kỷ bị chôn vùi dưới sự miệt thị của nhãn quan vật chất Tây phương.
Việc làm sống lại sức mạnh tinh thần Đông phương đã xảy ra tại Việt Nam lại cũng là một điều hiển nhiên, vì nơi đây là một cái nôi “bất đắc dĩ” đã dung hoà được trọn vẹn các nền đạo học Đông phương. Hai ngàn năm trước đạo Phật đã vào Việt Nam để cùng với tinh thần bao dung của Việt tộc dung hóa hai luồng tư tưởng hữu vi đạo Khổng và vô vi đạo Lão của văn minh Trung Hoa để vừa tránh được nạn bị Hán hóa và phát khởi được tinh thần tự chủ dân tộc, mở ra mùa độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc.
Mùa tự chủ độc lập của Việt Nam này, cũng là cơ hội để cho Việt Nam ứng dụng việc kiến thiết một đất nước thể hiện trọn vẹn đặc tính tiêu biểu của văn hóa toàn diện Đông phương, mà các nhà sử học gọi đó là “Văn hóa Đồng nguyên Phật Lão Khổng” Lý-Trần Việt Nam.
Nhưng tới thời Hồ Quý Ly, với cao vọng thực hiện một cuộc cách mạng lớn lao vượt trước thời đại, kể cả Âu châu thời đó nên đã bị giới quyền thế phong kiến đối kháng dẫn tới sự suy yếu đất nước, nên đã lọt vào tay thống trị của nhà Minh bên Tàu. Đất nước sau hơn nửa thiên niên kỷ độc lập lần nữa lại rơi vào sự đô hộ của đế quốc Trung Hoa.
Sau mười năm kháng chiến của Lê Lợi đánh đuổi được nhà Minh. Thế lực Nho gia vượt lên trên hai đạo Phật Lão. Chế độ phong kiến thời Lê Trung hưng rập khuôn theo với Trung Hoa, thượng tầng kiến trúc xã hội và chế độ cai trị dựa trên giá trị Tống Nho: Đạo Phật lùi vào tâm linh của nông dân thôn dã. Tới nhà Nguyễn thì tính cách Tống Nho lại càng được triệt để đề cao, phong trào chữ Nôm vốn bắt đầu từ đời Trần được Hồ Quý Ly coi như quốc ngữ bỗng bị lên án là: “Nôm na cha mách qué”.
Chính vì quá lệ thuộc với văn hóa Trung Hoa nên khi người Tây phương đưa văn minh của họ tới Việt Nam, thì giới quyền thế cai trị và Nho gia chỉ một mực chống đối, không biết ứng dụng theo sách lược của tiền nhân là mở rộng đón nhận để đãi lọc, dung hoà, giữ thế chủ động trong cuộc tiếp nhận mới; khiến cho Tây phương kiếm cớ để họ đem binh đội vào đàn áp, đặt ách thực dân lên đầu dân tộc.
Thực dân Pháp đã đứng đằng sau lý tưởng duy ngã duy thần để gọi là khai hóa dân tộc lạc hậu, nhằm bóc lột khắp mặt năng lực và tài nguyên của Việt Nam, làm giàu cho mẫu quốc. Gần cuối mùa thực dân thì một luồng sóng mới cũng phát xuất từ văn minh Tây phương là duy ngã duy vật cũng tràn tới Việt Nam, núp sau cao trào độc lập, để mưu đồ thực hiện những chủ trương của đế quốc Cộng sản là nhuộm đỏ Việt Nam và thế giới.
Như vậy là ngay trước khi thế chiến II hoàn toàn kết thúc thì tại Việt Nam đã được chuẩn bị để sắm một hoạt cảnh đối kháng mới với thật đầy đủ những tinh thần, nội dung, bản chất của một đấu trường thế giới thu nhỏ. Cộng sản duy ngã duy vật đội lốt Dân tộc để thực hiện cuộc toàn dân kháng chiến chống Pháp. Những người Quốc gia chống Cộng thì bắt buộc phải về khu Pháp đóng để đứng dưới bảng hiệu Quốc giaduy ngã duy thần chống Cộng. Cả hai ý thức hệ này cũng chỉ là sản phẩm của văn minh Tây phương mà thôi. Dù cho nhãn hiệu Dân tộc của Cộng sản là giả, hàng ngũ Quốc gia là thực thì vẫn kẹt vào thế phải công khai liên hệ với ngoại bang, nên dân chúng vẫn không nhiệt tình ủng hộ.
Chế độ Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam đã phải nhận lãnh chính quyền quốc gia trong bối cảnh Pháp thua trận. Mỹ nhảy vào giúp đỡ miền Nam và những đối kháng do Pháp để lại. Việc dùng quân đội đánh dẹp các giáo phái võ trang tại miền Nam đã góp phần vào việc làm cho dân chúng sùng đạo chống lại chính quyền trung ương.
Cộng sản lợi dụng tình cảnh đó đẩy cao ngọn cờ dân tộc giải phóng chống Đế quốc Mỹ, phát động chiến tranh du kích tại miền Nam. Chính quyền miền Nam thì đẩy việc chống Cộng lên hàng quốc sách, đặt Cộng sản ngoài vòng pháp luật. Trên cấp lãnh đạo không đưa ra được chính sách tách dân khỏi tay Cộng sản, cấp thừa hành thì thường xuyên có những hành vi đẩy dân vào tay Cộng sản. Bất cứ ai tỏ ra đối kháng với chính quyền thì đều bị coi là Cộng sản. Do vậy Cộng sản từ một thiểu số cài lại nằm vùng bỗng trở thành một sức mạnh được dân chúng ủng hộ.
Vì nhu cầu chiến lược toàn cầu, Mỹ đã phải đem quân vào để Mỹ hóa cuộc chiến Việt Nam, nhằm vào việc vừa áp lực Trung cộng đồng thời hỗ trợ cho Trung cộng tách rời và chống lại Liên Xô, đúng với chiến lược mới của Mỹ là “Dùng Cộng diệt Cộng”.
Ở điểm này ông Hồ Chí Minh của miền Bắc đã tỏ ra làm đúng chiến lược của Mỹ hơn cụ Ngô Đình Diệm của miền Nam (mặc dù ông Diệm đã được Mỹ hết mình giúp đỡ). Ông Hồ Chí Minh đã phát động chiến tranh tại miền Nam để tạo cớ, bắc cầu cho Mỹ đem quân vào nhân danh bảo vệ miền Nam tự do. Còn ông Diệm vì “quá yêu nước” và vì mặc cảm thân Mỹ nên ông đã không đồng ý, chẳng những thế mà ông còn nhờ Pháp làm trung gian thương thuyết với ông Hồ để làm hòa bình nữa mới thật nguy.
Guồng máy chiến lược Hoa Kỳ không thể duy trì ông Diệm khi muốn tạo chiến tranh kiểu Mỹ và chỉ để thực hiện mục tiêu chiến lược của Mỹ. Ông Diệm chỉ có một cơ may duy nhất để tồn tại “Nếu”. Lịch sử vốn không có chữ “Nếu” nhưng cũng phải trình bày ra đây để gọi là kinh nghiệm. Nếu Tổng thống Diệm trong chín năm cầm quyền xây dựng thật vững chắc chế độ Dân chủ, đặt ý nguyện dân lên trên tư kiến của cá nhân, khuyến khích giúp đỡ các tôn giáo phát triển để có nơi cho dân chúng quy ngưỡng, kéo dân ra khỏi tay Cộng sản tức là trên thực tế đã đánh bại chiến tranh nhân dân của Cộng sản rồi. Và như vậy thì cây cầu bắc cho quân Mỹ đổ vào Việt Nam đã bị gẫy. Hai miền Nam Bắc duy trì nguyên tình trạng để phát triển như Hàn Quốc, Đức quốc thì Việt Nam đâu có chết nhiều và khổ nhiều như đã thấy.
TT Diệm đã không những chống lại với chiến lược của Mỹ mà còn để hở sườn ra cho đối thủ sát tử, đó là khi không lại ra lịnh hạ cờ Phật giáo trong ngày Phật đản 1963. Nếu, lại nếu, 9 năm cầm quyền TT Diệm là một “con chiên khô đạo” thì có lẽ sự việc cũng không trầm trọng mấy, đàng này TT Diệm nổi tiếng là một người “ngoan đạo”. Ông luôn luôn hành xử hai sứ mạng Tổng Thống và Tông đồ cùng một lúc. Bởi đấy trước mặt dân chúng và các tôn giáo khác ông là một người kỳ thị tôn giáo.
Phật giáo bị đặt vào thế phải “đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo”. Với những lãnh tụ đấu tranh của đạo Phật thì mục tiêu chỉ có bấy nhiêu. Nhưng đối với dân chúng Việt Nam thì khác. Chín năm đã đủ cho dân chúng Việt Nam nhận ra rằng: Chế độ của Tống thống Diệm là một chế độ độc tài phong kiến đầy ắp tính cách sùng thượng thần quyền. Trong thâm tâm Tổng thống là một Hoàng Đế ban phát ơn huệ cho toàn dân. Một yếu tố sâu hơn nữa là ý hướng quật khởi của truyền thống dân tộc Việt, sau mấy trăm năm bị dồn nén. Hết đạo Nho rồi đến các ý hệ Duy Ngã Duy Thần, Duy Ngã Duy Vật, thay nhau ngồi trên đầu dân tộc, trên lưng dân chúng. Chia dân ra thành bè cánh chém giết lẫn nhau, do lệnh của các thế lực quốc tế chỉ để làm công cụ cho họ.
Cuộc đấu tranh khởi đi từ tôn giáo đã được toàn dân Việt Nam tràn tới đẩy cao lên thành “đấu tranh chống độc tài gia đình trị” và là một khơi nguồn cho tinh thần quật khởi của truyền thống dân tộc. Tinh thần đó tiềm ẩn ngay trong chính mỗi người Việt Nam. Trong các lãnh tụ Phật giáo, trong mỗi Phật tử, trong mỗi người Việt tham dự phong trào. Nhà sư là một nhà sư Việt, mang đầy ắp tinh thần vô ngã, vô chấp, vô úy. Vừa bao dung vừa quyết liệt của người chiến sĩ truyền thống Việt Nam. Lấy chính thân mạng mình ra để làm võ khí chiến thắng. Chiến đấu mà chẳng hận thù, đúng như tiền nhân xưa, đã lập đền thờ các tên tướng địch chẳng may bị chết. Chiến thắng mà không đoạt quyền. Quyền đó thuộc về dân.
Quyền chưa về tay dân thì Phật giáo còn phải tranh đấu. Sau khi Tổng Thống Diệm đổ, Phật giáo tiếp tục tranh đấu đòi giới quân sự phải thực hiện bầu cử Quốc Hội lập hiến, chứ không để cho một thiểu số cầm quyền một cách bất hợp pháp. Dù cho Phật giáo không có tham vọng chính quyền, chẳng sao tránh được là mối lo đối với các thế lực chính trị có những mưu đồ riêng. Và trên hết là Hoa Kỳ không muốn thấy Phật giáo trở thành một sức mạnh cản bước Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam và đẩy chiến tranh lên tới mức khốc liệt cần thiết.
Do yếu tố khách quan quá mạnh và quá quyết liệt, do yếu tố nội tại của Phật giáo còn chưa thuần nhất và thiếu người điều hành, nên Phật giáo bị phân hóa để rồi không còn đủ sức làm khác đi được là cuộc chiến vẫn Mỹ hóa và nằm gọn trong tay người Mỹ. Phật giáo lại phải bước vào một cuộc tranh đấu tuyệt lộ. “Chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình” với đường lối “Hóa giải hận thù chấm dứt chiến tranh, lấy tinh thần dân tộc làm chủ đạo, lên án những ý hệ ngoại lai. Dù biết rằng mình đang đi vào tuyệt lộ, Phật giáo cũng vẫn phải lên tiếng, vẫn phải giữ vững tư thế dân tộc. Mặc cho hai phe lâm chiến lên án chụp mũ, Phật giáo là của bên này hay bên kia, làm lợi cho bên này hay bên kia.
Thậm chí đến việc Cộng sản chiếm được miền Nam thì cũng có nhiều người kết án là Phật giáo có lỗi trong đó. Thực tế thì Mỹ đã buộc Việt Nam Cộng hòa phải đầu hàng Cộng sản để thực hiện một bước chiến lược mới, “Tạo ảo tưởng chiến thắng” cho Quốc tế Cộng sản buộc Liên Xô vào cuộc chiến tranh lạnh hao tổn.
Nên hiểu giải pháp buộc Việt Nam Cộng hòa phải đầu hàng của Mỹ đã nằm trong dự liệu từ lâu. Từ khi đưa tướng Dương Văn Minh về nước sống trong dinh Hoa Lan, đứng đầu thành phần thứ ba với chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc. Chủ trương này có thể dùng để đánh lận với chủ trương của Phật giáo. Phật giáo khẳng định là không làm công cụ cho hai phe lâm chiến, lấy tinh thần dân tộc và sự khổ đau của con người ra để hóa giải hận thù, Phật giáo chẳng là thành phần nào hết mà là người dân Việt Nam, đang cầm súng ở cả bên này lẫn bên kia. Phật giáo quan niệm rằng một khi hận thù chưa được hóa giải thì xung đột vẫn còn đó. Chẳng thể hóa giải và hòa hợp giữa hai thế lực thù địch, có mục đích khác nhau, quyền lợi khác nhau.
Tuy nhiên đối với dư luận bên ngoài, thì vẫn khẳng định rằng tướng Minh là lá bài của Phật giáo, vì ông từng cứu các tu sĩ và Phật tử ra khỏi nhà tù của Đệ Nhất Cộng Hòa, và đương nhiên rất thân cận với các nhà lãnh đạo Phật giáo. Dù rằng các nhà lãnh đạo Phật giáo hiểu rõ rằng: chủ trương của tướng Minh và thành phần của ông rất khác xa với chủ trương của Phật giáo. Khi ông nhậm chức Tổng thống giữa lúc Cộng sản thắng thế và Hoa kỳ ra đi thì vai trò của ông được xác định là chỉ để đầu hàng.
Sau khi Tổng thống Thiệu từ chức trốn chạy, Tổng thống Hương không đủ tư thế đầu hàng, vì ông chẳng thể ra lệnh cho binh sĩ buông súng, “chiến tranh không đầu” chắc sẽ ngập ngụa máu xương. Phải là một vị tướng, mà phải là vị tướng cao nhất đứng đầu các tướng thì lệnh ban ra mới có giá trị. Mỹ đã chọn đúng người đó là Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống bất hợp hiến của Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam tránh được một cuộc đổ máu cuối cùng vô ích.
Chiếm được miền Nam, việc đầu tiên là Cộng sản tận dụng mọi phương tiện chuyên chở vơ vét toàn bộ của cải của miền Nam chuyển về Bắc, treo khắp mọi ngả đường ba khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng”, “Cộng sản vô địch muôn năm”, và “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta.” Nghĩa là Cộng sản đã trút bỏ lớp vỏ dân tộc, mị dân, lừa dân, để liệng tất cả vào thùng rác. Mọi chỗ béo bở đều dành cho cán bộ miền Bắc. Lúc này thì những người giải phóng của miền Nam mới vỡ mộng đau đớn và cảm thấy thua đậm chỉ hơn được những người Cộng hòa đang bị đưa vào các trại cải tạo một chút là được về gặp người thân để nhận những lời nhiếc mắng.
Các tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo vốn là chiến sĩ cầm súng chống cộng thì Cộng sản thẳng tay đàn áp bắt tận đuổi sạch các thủ lãnh ra khỏi quần chúng. Với Thiên Chúa giáo thì giáo quyền nằm mãi tại Vatican nên Cộng sản vừa dùng cách ngoại giao vừa đẩy lên các cuộc chống đối lẻ tẻ, để tiêu diệt làm gương răn đe giáo dân hăng say thù Cộng.
Riêng Phật giáo thì đầu tiên vuốt ve mua chuộc, yêu cầu các nhà lãnh đạo giao Giáo hội vào tay Thủ tướng Bắc Việt quyết định. Nhưng rồi chỉ một câu nói nhẹ nhàng của thầy Thiện Minh thôi thì bao công lao của Phạm Văn Đồng trôi sông đổ biển hết. Câu đó như sau: “Nếu Giáo hội ký vào bản thỉnh nguyện đó thì đúng là Giáo hội đã dâng kiếm lên cho Thủ tướng, yêu cầu ông chặt lấy đầu Giáo hội”. Thế là âm mưu mua chuộc bất thành, và số phận của thầy Thiện Minh đã được chính thầy quyết định là phải bị thảm sát trong tù Cộng sản. Thương thầy nhiều, đúng là biết phải chết mà vẫn phải nói.
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN TT Thích Thiện Minh
đến thăm viếng một trại GĐPT tại bãi biển Nha Trang
Cũng may trước khi các nhà lãnh đạo Phật giáo bị vào tù thì ngài Đôn Hậu đã vào được Sài gòn và biết rõ âm mưu tiêu diệt Phật giáo của Cộng sản. Ngài đã được Hội đồng Lưỡng viện trao chức Chánh thư ký Viện Tăng thống kiêm xử lý Viện Tăng thống và ấn tín cho Ngài để về an cư tại Linh Mụ, chờ có cơ hội phục hoạt Giáo hội. Sau này Ngài đã từ chối nhận chức Phó Pháp chủ và Giám luật của Giáo hội nhà nước. Ngài trở thành nơi quy ngưỡng của Phật tử sau khi các nhà lãnh đạo khác vào tù.
Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
Ảnh chụp tại chùa Từ Đàm Huế, năm Quí Tỵ,1950. năm Ngài 46 tuổi.
Dù Giáo hội không còn ở ngoài để trực tiếp đứng ra phát động đấu tranh nữa, nhưng các tăng sĩ ưu tú như Tuệ Sỹ, Trí Siêu… đã thành lập Ủy ban Bảo vệ Phật Giáo và Giải cứu Dân tộc với sự cố vấn của thầy Đức Nhuận nguyên Chánh Thư ký Viện Tăng thống – người đã được Cộng sản liệt vào hàng chống cộng số một trong hàng lãnh đạo Giáo hội. Lẽ cố nhiên Ủy ban này đã chịu chung số phận với Giáo hội là phải đi tù và nhận lấy những bản án nặng nhất. Liền sau đó, Hòa thượng Trí Thủ đã bị chết tức tưởi đột ngột…
Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống và Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo
Cơ hội phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại đã đến khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam phải đổi mới, Cộng sản phải nới tay với dân chúng. Ngài Đôn Hậu viên tịch để lại di chúc thiêng liêng kêu gọi Phật tử phục hoạt Giáo hội. Thầy Huyền Quang quyết từ bỏ chỗ quản thúc ra Huế chịu tang, nếu Cộng sản không cho ngài đi thì ngài sẽ ngồi giữa đường tự thiêu. Với thái độ quyết liệt như thế, Cộng sản đã phải nhượng bộ.
Hòa Thượng Thích Nhật Liên, đại diện môn đồ pháp quyến của Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu,
cung kính trao chúc thư, ấn tín của Viện Tăng Thống GHPGVNTN;
Hòa Thượng Thích Huyền Quang thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện phụng mệnh bái nhận trước kim quan
Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
từ ngày lịch sử này mà duy trì được tính truyền thừa, khởi đầu cho công cuộc vận động
phục hoạt pháp lý và quyền sinh hoạt của giáo hội. (Ảnh chụp tại Chùa Linh Mụ, Huế, ngày 02/5/1992)
Thầy Huyền Quang đã đến trước Giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu để nhận di huấn, nhận ấn tín Giáo hội, nhận chức quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo để phát động phong trào đòi tự do tôn giáo, buộc nhà cầm quyền phải để cho Giáo hội được tự do hành đạo, và trả lại những gì đã cưỡng chiếm của Giáo hội. Một lần nữa Giáo hội lại vào cuộc đấu tranh, một cuộc đấu tranh không ngang sức, nhưng lại là một cuộc đấu tranh tất thắng vì đây là sinh lộ của dân tộc, con đường mà 77 triệu người Việt ở trong nước và hai triệu đồng bào hải ngoại hướng vào, đã được loài người yêu chuộng tự do dân chủ đồng thuận. Cộng sản đã dùng mọi quỷ kế để phản đòn, nào là tung ra dư luận thầy Huyền Quang làm như thế là đã được Cộng sản ngầm cho phép, nào là cuộc biểu tình tập hợp đông đảo người ở Huế cũng lại do Cộng sản làm. Thầy này là Cộng sản, thầy kia đã bị mua chuộc, Phật tử này là công an, Phật tử kia là cán bộ… Bình tĩnh mà xét thì Cộng sản chú trọng nhất về mặt tuyên truyền đánh bóng chế độ, chẳng khi nào lại đi nhờ người khác công khai lên án chế độ. Hơn nữa Cộng sản đâu còn đủ uy tín đối với đồng bào Huế để chỉ trong vòng ít phút đã huy động được nhiều ngàn người xuống đường.
Có điều Cộng sản quá ma lanh, thấy đồng bào Huế tràn ra đường đông quá, chúng tự lật xe để đốt, biến cuộc biểu tình “bất bạo động” thành cuộc biểu tình “bạo động” để dễ đàn áp. Lúc đó chỉ cần một lời yêu cầu dân chúng ngồi xuống rồi xướng lên Phật hiệu để ngàn ngàn người tập trung được ý lực, cùng niệm lên danh hiệu thiêng liêng thì lập tức đẩy Cộng sản vào thế bị động liền. Đây là một kinh nghiệm đối với người dân trong nước và nhất là đối với người theo Phật.
Khi vừa ra khỏi nhà tù Cộng sản sau mười năm bị hành hạ, thầy Đức Nhuận đã nhập cuộc, với những buổi thuyết giảng lấy lại tự tin cho Phật tử. Thầy đã gởi thư cho quý vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỏ ý biết ơn quý vị đó là đã hy sinh danh dự, để nhận một công việc mà toàn thể Phật tử lên án, toàn thể dân chúng nhiếc móc. Vì muốn duy trì một chút hương khói, những nơi dung thân cho những người còn muốn tu đến nay thì Giáo hội Phật giáo Việ tNam Thống nhất đã phục hoạt, quý ngài đã có thể buông xả. Lá thư khiến cho toàn thể tăng chúng nhận thấy mình là con ruột của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chỉ vì khế cơ mà nhẫn nhục vậy thôi.
Tiếp đến là thầy Quảng Độ bước ra khỏi tịnh thất với một bản Tuyên cáo lên án chế độ Cộng sản hết sức thẳng thừng và bộc trực, đúng với bản tính, bước đi không cúi đầu, đứng trước tòa mà nhìn thẳng chẳng thèm trả lời của Thầy. Cộng sản thực sự ngán Thầy, ngán nhất là hầu hết các Quận Giáo hội và các cơ sở Giáo hội tại Sài Gòn đều đã sẵn sàng theo lệnh của Thầy, nên chúng đã quyết định mau lẹ tấn công Thanh Minh Thiền viện nơi Thầy ở để bắt Thầy trước khi Đại hội xảy ra.
Lúc đó là lúc cầu cạnh của Cộng sản Việt Nam với Mỹ đã gần tới kết quả. Cộng sản cũng muốn sớm giải quyết vấn đề nhân quyền, nên họ đề nghị thẳng với Thầy rằng họ sẽ thả Thầy với điều kiện Thầy nằm im cho. Thầy đã từ chối để chấp nhận một bản án mà tác dụng của nó hại nhiều cho Cộng sản. Qua bản án đó, Cộng sản không thể chối cãi được tính cách vi phạm trắng trợn nhân quyền và tự thú nhận là Cộng sản đang áp dụng một thứ luật pháp man rợ, ai lại kết án người đi làm việc từ thiện cứu trợ đồng bào bị lụt bao giờ. Tai hại hơn nữa, bản án này Cộng sản Việt Nam còn dùng nó như một cái tát vào mặt Tổng thống Mỹ khi ông vừa mở bang giao với Việt Nam kèm với lời tuyên bố: Bang giao với Việt Nam là mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam cũng như đã làm với Nga Xô. Thế là từ đó Việt Mỹ có bang giao, có tòa đại sứ mà không có đại sứ. Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam năn nỉ xin Mỹ cho Tối Huệ Quốc, Mỹ làm ngơ, mà lại dành quy chế Tối Huệ Quốc cho Cambodia, tạo cơ hội cho tư bản Hồng Kông sau khi Trung cộng nắm quyền thì có nơi đổ vốn vào làm ăn kinh doanh. Đáng lý ra Việt Nam phải được cơ hội đó, nhưng vì ngu và tham nên Cộng sản đã đánh tuột mất.
Ngay sau khi bắt thầy Quảng Độ thì Cộng sản đe dọa cũng sẽ đem thầy Huyền Quang ra tòa, nhưng phản ứng tích cực của Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam do thầy Kế Châu Bình Định cầm đầu làm cho Cộng sản phải bỏ ý định đó nhưng đem thầy quản thúc tại một nơi hẻo lánh. Rồi thầy Kế Châu cũng đột nhiên bị chết. Cũng dịp đó tại Sài Gòn, các Phật tử trong danh sách thân Ấn Quang của công an đều bị gọi ra tra vấn đủ điều.
Chân dung cố Hòa thượng Thích Kế Châu
Đặc biệt là với thầy Đức Nhuận hai đợt kêu ra công an, mỗi đợt trên dưới hai mươi ngày, ngày nào cũng phải đến hai lần bị hạch hỏi về các bài thuyết giảng, về các tài liệu của Giáo hội mà trong đó công an đã tìm thấy bút tự của Thầy. Thầy đã nhận hết, làm việc Phật, làm việc đúng là thầy làm. Hỏi Thầy, ai làm trung gian chuyển tài liệu giữa Thầy và thầy Huyền Quang thì Thầy trả lời trên thế giới này không có luật lệ nào kết tội người phát thư cả. Tôi đã nhận trách nhiện rồi thì hà cớ gì lại cần tới người chuyển thư. Hơn nữa, tôi là một tăng sĩ Phật giáo, Đức Phật đã dạy đừng nói những lời gây hại cho người khác. Cuối cùng thì Cộng sản chỉ yêu cầu thầy đừng ở trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nữa. Thầy thẳng thắn trả lời, nếu tôi làm như lời ông thì cá nhân ông sẽ coi tôi là thứ gì? Thầy Đức Nhuận là người toát ra ngoài vẻ nhu hòa từ ái, nhưng đụng tới lập trường đạo pháp và dân tộc thì Thầy đúng là một khối kim cương.
Viết về các cuộc đấu tranh của Phật giáo mà không nói tới một người thì kể như chưa viết gì cả. Người đó là thầy Trí Quang, người phát động cuộc đấu tranh bình đẳng tôn giáo 1963. Một lãnh tụ kiên cường mà sáng suốt, lời nói luôn luôn có tính cách thuyết phục. Người mà các đối thủ của Phật giáo đã chụp lên đầu đủ các loại mũ. Bên này thì bảo là Cộng sản, làm lợi cho Cộng sản. Bên kia thì bảo là người của Mỹ, quân cờ chiến lược của Mỹ. Người mà hiện nay Cộng sản canh phòng một cách cẩn mật tế nhị và thâm độc. Bắt thì không bắt nhưng đi thì không được đi xa. Bất cứ ai đến vái Thầy thì đều được công an theo tới tận nhà yêu cầu phải hợp tác để báo cáo về Thầy, nhận lời hay không cũng được, miễn là để cho Thầy biết rằng công an đã xí phần, tạo sự nghi ngờ ngay chính nơi Thầy, khiến những điều cần nói chẳng thể nói với ai. Cung cấp những thông tin nửa thực nửa hư và xoáy vào chủ điểm là người nào đến với Thầy cũng là người của Cộng sản hết, các lãnh tụ Phật giáo khác Cộng sản đều đã nắm được, các tôn giáo khác nhất là Thiên Chúa giáo đều nguy hiểm cho Phật giáo sau khi Cộng sản mất quyền…
Tất cả các trò hỏa mù đó đều chẳng lay động được một nhà thực học về duy thức đứng đầu của Việt Nam. Nhưng với tư thế của Thầy, Thầy không thể nói những điều không nên nói, không thể làm những việc chưa đúng lúc làm. Làm theo “lòng dân” mà chưa đúng “thế nước” thì thất bại. Làm theo “thế nước” mà không được “lòng dân” là tay sai. Một lãnh tụ ra quyết sách thì phải hội đủ hai yếu tố thế nước và lòng dân. Mà việc tranh đấu của Giáo hội là việc rộng lớn lâu dài, mỗi người làm một việc, hết đợt này tới đợt khác, cho tới chừng nào dân chúng được tự do, dân tộc được thoát nạn đất nước có dân chủ hòa bình phát triển, con người thực sự làm chủ được mình, thăng hoa tâm linh, làm đẹp cuộc đời mà chẳng còn bị cấm đoán mới là lúc Phật giáo được mỉm cười.
Đến đây chắc chúng ta đã thấy được câu trả lời: Phật giáo muốn gì mà thời nào cũng đấu tranh?