
Công cuộc truyền bá văn minh Hoa Hạ theo sau việc mở mang lãnh thổ cai trị của người Hán. Đời Chu đã mở rộng biên cương xuống phía Nam, phong cho họ hàng làm vương hầu cai trị, tạo ra các gia đình quý tộc sau này. Vào đời Xuân Thu giới quý tộc cũ này đã làm vua những nước Ngô, nước Việt, thuộc vùng các tỉnh Giang Tô, Triết Giang bây giờ. Nhà Tần mở thêm về phía Tây, tiêu diệt nước Thục của giống dân Ba, tiến xuống phía Nam Trường Giang phía Nam chiếm nốt các nước Ngô, nước Sở.
Phong tục Bắc Nam vốn khác
Khi Nguyễn Trãi xác định đặc tính riêng của dân tộc Việt Nam so với Trung Quốc, ông nói: “Phong tục Bắc Nam cũng khác.” Nhận xét này cũng đúng nếu áp dụng cho cả hai miền Nam Bắc nước Trung Hoa trước đây hai ngàn năm.
Sách vở vào năm, sáu thế kỷ trước Công Nguyên còn ghi lại những khác biệt này. Trong Luận Ngữ Khổng Tử nhận xét người miền Bắc coi trọng đức dũng cảm, người miền Nam thiên về đức khoan dung. Sách Mạnh Tử dành nhiều trang phê phán, chỉ trích Hứa Hành, cũng vì tư tưởng hai miền Nam Bắc khác biệt. Hứa Hành từ nước Sở lên, bắt đầu gây ảnh hưởng, ông được Mạnh Tử giới thiệu là một người theo phái thờ Thần Nông. Một chủ trương của Hứa Hành là các ông vua, các nhà quý tộc cũng có thể đi làm ruộng như mọi người, để tự cung cấp thực phẩm. Mạnh Tử đã sống trong xã hội miền Bắc với sự phát triển các đô thị đông người, nhiều người chỉ làm nghề thủ công, và thương mại đã phát triển. Cho nên ông thấy phải có sự phân công trong đời sống kinh tế, xã hội. Đặc biệt là phải có những người chỉ lo việc cai trị, vì thế xã hội có thứ bậc trên dưới, trật tự hơn; tiêu biểu cho ý hướng của người phương Bắc. Ông phê phán những người theo Hứa Hành rất nặng nề. Chúng ta cũng biết nước Sở ở khúc giữa Trường Giang, đã theo văn hóa Hoa Hạ sớm nhất so với cả miền Nam Trung Quốc; nhưng đến thời Mạnh Tử (thế kỷ thứ 4 TCN) một người có học từ nước Sở vẫn chưa được công nhận là “văn minh.”
Các nước Sở, Ngô, Việt ở hạ lưu Trường Giang, đến thời Chiến Quốc đã gia nhập khối Hoa Hạ; có lúc ông vua mỗi nước đó còn muốn “xưng bá” thống lĩnh tất cả các nước khác trong “Thiên Hạ,” như vua Sở, vua Việt. Nhưng dưới thời nhà Tần, nhà Hán, một số tướng lãnh hoặc quan lại từ các nước “mới khai hóa” này được cử đi về phía Nam để cai trị dân địa phương ở các vùng xa xôi, chính họ có khi cũng từ bỏ lớp vỏ Hán hóa. Vì lối sống miền Nam có lẽ cũng là truyền thống gia đình của họ từ nhiều đời trước, gần gũi, thích hợp hơn lối sống do người Hán mới dậy.
Khi tới miền Nam và bắt chước các phong tục người bản địa, các quan lại này chỉ quay trở về lối sống tương tự như tổ tiên của họ thời xa xưa. Họ chắc không thấy bị mất mát gì khi bỏ các phong tục, tập quán của người Hán. Một hiện tượng tương tự cũng diễn ra khi các di dân hay quan lại từ Trung Quốc sang cai trị hoặc sinh sống ở nước ta trong thời Bắc thuộc; những người gốc từ miền Hoa Nam có thể cảm thấy gần gũi phong tục người Lạc Việt hơn, so với phong cách của người Hán. Có lúc họ đứng về phía dân bản xứ chống lại chính quyền phía Bắc, rồi con cháu họ sau biến thành người Việt cả. Nhiều sắc dân ở Hoa Nam cũng theo tục vẽ mình chẳng hạn, vì họ gốc dân chài lưới miền sông, biển, giống như tổ tiên chúng ta. Các vua đời nhà Trần (gốc từ Mân Việt, tức Phúc Kiến) đến lúc lên ngôi, dạy con cháu, còn nhắc đến tục vẽ mình.
Sử Ký của Tư Mã Thiên, bài 31 viết về “Ngô Thái Bá Thế Gia,” chép chuyện hai vị quan gốc từ nước Ngô sang cai trị nước Sở (tên khác gọi là Kinh): “Thái Bá, Trọng Ung hai người bắt chước người Man (Mọi) ở xứ Kinh khi vẽ mình, cắt tóc.” (Ư thị Thái Bá, Trọng Ung nhị nhân nãi bôn kinh man, văn thân đoạn phát, 於是太佰, 仲雍二人乃 奔荊蠻, 文身斷發). Đối với người phương Bắc, dân nước Kinh (Sở) chưa được “khai hóa.” Tư Mã Thiên nêu lên hai tục lệ “cắt tóc và vẽ mình” làm thí dụ cho tình trạng “bán khai” của dân nước Sở. Vì đó là những điều hiển nhiên nhất, người Hán nhìn thấy ai cũng phải lắc đầu chê là “mọi rợ!” Các nhà Nho miền Bắc thì phải biết tôn trọng cách ăn mặc, đội mũ, quấn khăn, để phân biệt “trên, dưới!” Thái Bá đã bắt chước phong tục vùng Kinh Sở trong cuộc sống hàng ngày như ăn uống, hội hè, điều này dễ chấp nhận. Nhưng họ bắt chước đến cả việc cắt tóc và vẽ mình; chứng tỏ họ sẵn sàng biến thành dân bản xứ! Thay đổi đến như thế thì “quá đáng,” cho nên mới bị người đương thời chỉ trích nặng nề.
Nhưng người nước Ngô, quê hương Thái Bá, Trọng Ung, cũng là dân sống gần biển, phong tục của họ cũng giống người Sở. Họ vẫn khác những người nước Lỗ, nước Tề, quê hương của Khổng Tử, Mạnh Tử. Myiakawa Hysayuki (宮川尚志, Cung Xuyên Thượng Chí), trong bài “Khổng giáo hóa miền Nam Trung Quốc” (The Confucianization of South China) kể nhiều chuyện tương tự. Chẳng hạn, có một vị quan người gốc nước Sở thời Chiến Quốc sau khi chinh phạt vùng Vân Nam lập ra nước Điền, chính ông ta sau đó đã thay đổi y phục, bắt chước phong tục của người địa phương. Đối với các sử gia người Hán thì hành động “Hạ biến thành Di” này rõ ràng là “phản động,” là từ bỏ văn minh trở về sống như người man dã! Sử gia chỉ ghi lại các hành động tiêu biểu cho tình trạng “thoái hóa” của Thái Bá và Trọng Ung vì họ theo những tục lệ “kỳ cục” như vẽ mình, cắt tóc.
Trong thời Chiến Quốc các nước Ngô, Việt (miền Giang Tô, Triết Giang bây giờ) đã từng thôn tính lẫn nhau, họ cũng đánh nước Sở, trong vùng Hồ Nam, Hồ Bắc ngày nay. Sau cùng nước Việt lại bị Sở đánh bại và bị tiêu diệt vào năm 333 TCN, con cháu nước Việt chạy xuống ở miền Phúc Kiến ngày nay.
Các thổ dân ở Hoa Nam cũng đều nguồn gốc dân Nam Á pha với dân Thái; họ khác người Hán gốc từ Mông Cổ, phía Tây Bắc đi xuống. Có lẽ vì thế mà ta thấy trong các câu chuyện Thái Bá, Trọng Ung, người nước Ngô dù đã bị Hán hóa rồi, vẫn dễ thay đổi cách sống khi qua nước Sở. Cũng vậy, người Sở dễ thay đổi theo lối người Việt Điền ở Vân Nam. Họ trở về lối sống cũ, cho nên đều bị các sử gia người phương Bắc chê cười. Khi một sử gia được kính trọng như Tư Mã Thiên đã phê phán, thì lời phê của ông sẽ trở thành chuẩn mực cho giới học thức. Đó là một áp lực thúc đẩy các quan cai trị phải lo giữ Lễ Giáo của người Hán; phải chú ý thay đổi phong tục tập quán của người dân phía Nam, buộc họ theo lối sống Hoa Hạ.
Cuộc cải cách phong hóa ở các vùng mới chiếm dần dần mang tính chất tự nguyện. Nhiều người dân phía Nam muốn học hỏi văn minh Hán tộc rồi góp phẩn trong việc giáo hóa dân chung quanh mình. Một cuốn lịch sử tỉnh Vân Nam cho biết dưới thời Tiền Hán một người học trò giỏi gốc huyện Đại Lý đã đi tìm học theo Tư Mã Tương Như, một người gốc nước Thục đã bị sáp nhập vào Trung Quốc từ trước; rồi đem sách Nho Giáo về nước Đại Lý dậy cho bà con chung quanh.
Chiếm đất di dân
Dưới thời Tần Thủy Hoàng (lên ngôi 246, xưng hoàng đế năm 220, chết năm 210 TCN), cuộc Nam tiến của người Hán tiến một bước mới: Lần đầu tiên, vào năm 243 TCN, chính quyền trung ương từ Hàm Dương (Tây An, tỉnh Thiểm Tây ngày nay) sai đại quân tiến sâu xuống phía Nam, chinh phục các vùng thuộc Quảng Đông, Quảng Tây. Năm 221, Đồ Thư dẫn 500,000 quân mở rộng biên cương tới đất Mân Việt (Phúc Kiến), Đông Âu (Quảng Tây) và Tây Âu (Vân Nam). Họ chỉ đóng đồn, lập ra những quân trấn trong vùng đã chiếm được và chưa xuống tới miền Bắc Việt Nam bây giờ. Năm 214 đô úy nhà Tần là Triệu Đà chính thức thành lập ba quận mới, Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm và Tượng (Quảng Tây) nhập vào đất của vua Tần.
Đạo quân Hoa Bắc từ sông Hoàng tiến xuống phía Nam Trường Giang gọi chung những giống người “chưa khai hóa” là Nam Man (Dân tạp nhạp ở phía Nam). Đoàn quân viễn chinh đông hàng năm trăm ngàn, trong đám quân đó có nhiều người là tội phạm bị lưu đầy, hoặc vỡ nợ phải đi trốn. Họ mang theo cả ngựa, trâu, nông cụ bằng sắt để khai khẩn đất hoang. Lúc còn nhà Tần, năm 214 TCN Triệu Đà mới được cử làm quan Úy quận Nam Hải (Úy Đà), đã xin triều đình đưa thêm ba chục ngàn “đàn bà góa hoặc gái chưa chồng” xuống phục dịch (công việc được nêu ra là để may vá quần áo cho binh sĩ); cuối cùng con số phụ nữ được cung cấp chỉ có 15 ngàn. Chắc nhiều tướng lãnh người Hán đời sau cũng dâng vua những lời yêu cầu tương tự. Đây là một chính sách di dân có hệ thống, ngay từ thời nhà Tần. Ngoài ra còn những đám dân tị nạn chiến tranh chạy về phương Nam. Các quan lại, binh sĩ người Hán cùng những dân tị nạn kéo xuống liên tục ngày càng đông đúc, họ khai phá đất đai, phổ biến chữ viết, và thay đổi phong tục địa phương; các sắc dân bản địa bị dần dần đồng hóa.
Trong đời Tần, Hán, phần lớn các di dân đưa xuống phía Nam là thành phần tội đồ, như trong Hậu Hán Thư viết, “Sau đưa các tội nhân Trung Quốc sang ở chung, ít người biết tiếng nói (của dân địa phương), dần dần giáo hóa dân theo Lễ.” (Hậu phả tỉ Trung Quốc tội nhân, sử tạp cư kỳ gian nãi sảo tri ngôn ngữ; tiệm hiện lễ hóa; 後頗徙中國 罪人,使雜居其閒 乃稍知言語, 漸見禮化). Việc kết hôn giữa các di dân với phụ nữ phương Nam cũng được triều đình khuyến khích; mà thực ra chắc cũng không cần khuyến khích!
Một lớp di dân khác là giới “trí thức” bất hợp tác với ông vua mới sau khi triều đại cũ bị lật đổ. Đầu thế kỷ thứ nhất, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, nhiều người dòng dõi quan lại chạy xuống phía Nam tị nạn; như nhà họ Sĩ từ Sơn Đông xuống vùng Quảng Tây sát biên giới nước ta, một trăm năm sau sinh ra Sĩ Nhiếp sang cai trị Giao Chỉ mấy đời. Cùng thời gian đó nhiều người tị nạn về phía Nam cũng xuống tới tận nước ta, trong đó có gia đình họ Lý, năm thế kỷ sau sinh ra ông Lý Bôn.
Từ đời Đường (618 – 907) triều đình Trung Hoa không những lưu đầy các tội đồ mà còn gửi các quan lại “bị biếm” xuống Giang Nam, góp thêm một lớp di dân mới có trình độ văn hóa cao hơn. Những di dân này và con cháu họ kết hôn với người bản địa; cũng trở thành một động lực Hán hóa dân Nam. Họ có thể mở trường tư dạy con cái những gia đình khá giả thuộc lớp lưu dân cũ. Sử chép chuyện một người trong đám di dân thuộc tầng lớp cao đã tổ chức cung cấp nơi ăn ở cho hàng ngàn người lưu lạc ở miền Nam. Theo Lương Sử, vào thế kỷ thứ sáu Tiêu Tư đã lập các trường học trong vùng Kinh, Tượng (từ Hồ Nam tới Quảng Đông) và mời “các ẩn sĩ” ra dạy học. Chi tiết này cho thấy trong thời gian loạn lạc nhiều nhà Nho phương Bắc đi “ở ẩn” tại phương Nam. Chắc chắn họ góp phần vào việc giáo dục, truyền bá Khổng Giáo và đồng hóa người địa phương.
Theo Miyakawa Hisayuki, Hậu Hán Thư kể nhiều nhà Nho di cư từ phía Bắc xuống đã tự ý đi tới các vùng xa, lập trường dạy học, nhiều người tới vùng dân Ba, dân Thục cư ngụ (tỉnh Tứ Xuyên bây giờ) “thâu nhận hàng trăm học trò;” chứng tỏ người dân ở đó đã chấp nhận học văn minh Hoa Hạ. Trong thời Lục Triều tao loạn, lại thêm nhiều nhà Nho từ phía Bắc đã chạy xuống phương Nam nữa. Vào đầu thế kỷ thứ tư, trong khoảng các năm 307 – 312, có tám gia đình lớn xuống định cư ở vùng Mân (Phúc Kiến bây giờ), họ thuộc tầng lớp khá giả, thường đi cả đại gia đình. Đó cũng là nơi con dân của Việt Vương Câu Tiễn đã chạy tới tị nạn sau khi bị mất nước. Khi nhà Đông Tấn (317 – 420) thiên đô về vùng này, sử chép nhiều gia đình thuộc giới “mặc áo đội mũ” (tức là nhà quan lại) cũng đi theo, lớp người biết chữ này đẩy cuộc Hán hóa tiến nhanh hơn.
Một gia đình nổi tiếng họ Phùng, vốn dòng dõi vương triều Bắc Yên (409 – 436) sau khi mất ngôi đã di cư xuống ở Phiên Ngung (Quảng Đông), dưới thời nhà Lương. Họ Phùng nhiều đời thay nhau nắm quyền cai trị trong vùng này, cho tới đời Đường mới dứt. Nhiều người trong gia đình họ Phùng nổi tiếng vì khi cai trị không sử dụng hình pháp, chỉ dùng giáo hóa “lễ, nhạc, tín, nghĩa” mà khiến cho xã hội được bình yên, không loạn lạc. Một chế độ như vậy khích lệ dân miền Nam tuân phục. Tù trưởng các sắc tộc thiểu số đều kính trọng, hễ thấy “Phùng Đô Lão” đi tới đâu đều thắp hương và cử nhạc chào đón. Dân miền núi nhân đó cũng xuống đồng bằng khai khẩn ruộng đất. Giới thượng lưu và có học người Hán di cư đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Hán hóa người Mân Việt, người Tây Âu, Ba Thục. Quảng Đông trở thành một trung tâm truyền bá giáo dục.
Theo sử gia Kiền Mậu thì một cuộc kiểm tra vào năm thứ 2 đầu kỷ nguyên Tây lịch ghi lại tổng số dân do nhà Hán cai trị lên tới gần 60 triệu (59,594,978) người; chắc là quốc gia đông dân nhất thế giới thời đó. Áp lực dân số là một yếu tố thúc đẩy việc di dân đi tìm những miền đất dễ khai khẩn hơn.
Hai cuộc kiểm tra nhân khẩu vào đời Hán, vào năm thứ 2 và năm 140 cho thấy phần nào hình ảnh của phong trào di dân vào đầu kỷ nguyên Tây lịch. Giữa hai lần kiểm kê cách nhau gần 140 năm, số gia đình (hộ) ở miền sông Hoàng đã giảm 50%, còn số nhân khẩu giảm 40%. Với hai con số đó, tính được số nhân khẩu trung bình của mỗi gia đình đã tăng, từ 4.7 lên 5.5 người. Tất nhiên thời đó họ chỉ đếm được những người dân ở vùng đồng bằng, có đóng thuế, nhưng các con số trên cũng cho thấy miền sông Hoàng hoàn toàn trái ngược với tình trạng ở miền Hoa Nam.
Cũng trong thời gian từ năm 2 đến năm 140, số nhân khẩu ở miền châu thổ Trường Giang (sông Dương Tử) đã tăng 84%, và số hộ gia đình tăng nhiều hơn, 102%. Khi số gia đình tăng nhanh hơn số dân, tức là số nhân khẩu trung bình trong mỗi gia đình đã giảm, từ 4.7 xuống chỉ còn 4.2 người. Điều này cho thấy là ở phía Nam có nhiều gia đình mới tới, ít người hơn; bởi vì những người mới di cư thường đi một mình hay mang theo một gia đình nhỏ. Hiện tượng này càng nổi bật ở ba quận mới trong vùng Lưỡng Quảng là Nam Hải, Thương Ngô và Hợp Phố. Ở đó số hộ gia đình tăng 247%, và số nhân khẩu chỉ tăng 152%. Những tỷ lệ gia tăng này vượt trên tỷ số tăng trưởng bình thường nếu không có di dân mới tới. Tức là, trong 140 năm đầu kỷ nguyên, số di dân đến vùng Quảng Đông, Quảng Tây đã gia tăng từ ba đến bốn lần; tăng nhiều hơn so với các tỉnh khác trong vùng Hoa Nam.
Vì vùng châu thổ Tây giang ở Quảng Đông trù phú, lại thêm thương mại quốc tế đã bắt đầu phát triển ven bờ biển, nên triều đình nhà Hán rất chú trọng tới vùng này. Các cuộc di dân tới các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam trong thời Tiền Hán giúp khai phá thêm đất đai, phát triển nông nghiệp cũng nhằm mục tiêu nối vùng Quảng Đông với miền Hoa Bắc chặt chẽ hơn, theo suy đoán của Miyakawa Hisayuki trong bài dẫn trên. Ba tỉnh này là trung tâm phát triển ảnh hưởng của người Hán ở phía Nam; đặc biệt Quảng Đông tiếp nhận nhiều di dân nhất. Dân cư ở các vùng Quảng Tây cho tới Vân Nam được Hán hóa chậm chạp hơn cả ngàn năm so với Quảng Đông, vì giao thông khó khăn, khí hậu khó sống, đất đai không màu mỡ. Chúng ta có thể hiểu tại sao người bản địa ở Quảng Đông bị Hán hóa sớm và thay đổi rất sâu đậm, khi so sánh với dân Việt Nam thời đó.
Thay đổi phong tục
Triều đình nhà Hán đã được thông báo về những khó khăn nếu muốn “giáo hóa” dân “Bách Việt,” tức là các sắc dân ở phía Nam. Vào đời Hán Vũ Đế (Lưu Triệt, 140 – 86 TCN), Hoài Nam Vương dâng thư tỏ ý nghi ngờ: “Người Việt là giống dân cắt tóc, vẽ mình, không thể dùng pháp độ của một nước đội mũ mang đai mà cai trị được.” (Tiền Hán Thư). Ông nêu lên khác biệt về y phục, tóc tai để mô tả nỗi khó khăn khi nhà nước muốn thay đổi phong tục các giống dân khác. Nhưng sau vài trăm năm, người phía Nam đã bị thay đổi nhiều. Công trình Hán hóa diễn ra trên rất nhiều mặt. Tại Hồ Nam, Hậu Hán Thư nói đến một vị quan tới trị nhậm vào năm 26 CN đã dạy dân địa phương các nghi lễ về tang ma cũng như hôn phối; đã mở trường học; với kết quả, “sau một năm phong tục cả huyện đã thay đổi.” Không biết ông quan này có báo cáo quá đáng hay không! Đời Hán Hòa Đế (Lưu Triệu, 89 – 105) một vị thứ sử trong vùng Hồ Nam ra lệnh dân bản địa phải để tang cha mẹ đủ ba năm, theo đúng sách vở Nho giáo. Không chỉ dạy dỗ, ông còn làm gương nữa. Khi có hai anh em một nhà kiện nhau về gia tài, vị quan này đã xin cấp trên khiển phạt chính mình! Ông tự nhận có lỗi, không làm đủ bổn phận “giáo hóa” để trong dân chúng còn cảnh anh em tranh giành! Sách chép rằng sau khi biết chuyện, hai anh em từng cãi nhau bèn xin hòa giải, nhờ học tấm gương của ông quan tốt! Nếu các ông quan được cử sang nước ta cũng đều tốt như vậy thì chắc người Việt khó lòng cưỡng lại được làn sóng Hán hóa!
Quá trình Hán hóa miền Nam nước Trung Hoa kéo dài liên tục, nhưng sau cả ngàn năm thực ra vẫn chưa hoàn tất. Đời nhà Tống, năm 985 Tống Thái Tông (Triệu Quang Nghĩa, 976 – 997) đã ban chiếu nói: “Phong tục miền Lĩnh Nam … như tục giết người để cúng thần hay chữa bệnh không biết mời y sĩ … cần được cải tạo một cách thận trọng.” Một vị tiết độ sứ đã ra lệnh cấm các “thầy mo” chữa bệnh, và cho dựng tấm bia đá khắc những phương thuốc chữa bệnh, trích từ các sách y học cổ, dựng nơi công cộng cho dân chúng học.
Cho tới thế kỷ 12 công cuộc Hán hóa còn tiếp tục. Khi đến trấn nhậm trong vùng đất của người Mân Việt, tức là vùng Hạ Môn, Phúc Kiến bây giờ, Chu Hi (1130 – 1200) còn phải lo thay đổi phong tục và quan niệm về vai trò phụ nữ mà dân bản địa vẫn bảo tồn. Chu Hi xuất thân từ tỉnh An Huy bây giờ, gần miền Hoa Hạ phía Bắc hơn, nhưng cũng nằm sát các tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến phía Nam. Ông là một trong những người tạo nên một truyền thống Nho học mới, gọi là Tống Nho, truyền khắp Á Đông cho tới thế kỷ 20. Myiakawa Hysayuki kể rằng khi Chu Hi tới đất Mân, thấy đàn bà ở địa phương ra đường mà “mặt mũi hở hang” không che giấu, trái với thuần phong mỹ tục. Ông ra lệnh từ nay phụ nữ ra đường phải đeo khăn che mặt. Chắc ông đã thành công. Sau này dân miền Mân Việt đã được ca tụng là biết áp dụng rất nghiêm chỉnh các quy tắc Nho Giáo trong quan hệ nam nữ. Sách vở nêu ra bằng chứng: “Đàn bà giữ lễ nghi, nếu gặp mặt khách đàn ông đến nhà thì thấy hổ thẹn.” Cách đối đãi phụ nữ như vậy cũng không khác gì đường lối đang áp dụng ở nhiều nước Hồi Giáo thủ cựu thời nay. Nhưng có thể đoán rằng cho tới thế kỷ 12, thời Chu Hi, phong tục dân miền Nam Trung Quốc vẫn còn phóng túng, dễ dãi, không phân biệt nam nữ nghiêm ngặt theo quy ước người miền Bắc. Nhiều phong tục, tập quán cũ của dân miền biển vẫn chưa thay đổi theo lối người Hán. Tổ tiên vua nhà Trần nước ta từ đất Mân di cư sang Đại Việt vào khoảng một thế hệ sau khi Chu Hi tới trị nhậm; những người họ Trần này cũng vẫn chưa Hán hóa. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy con cháu họ, sau khi qua Việt Nam sống ba đời đã trở thành người Việt. Vì đám “dân đen” ở đất Mân vẫn giữ “lối sống phương Nam,” họ gần gũi với người Việt, khác người Hoa phương Bắc. Các vua nhà Trần cũng khuyến khích việc kết hôn trong họ, tức là phạm vào một điều cấm kỵ trong phong tục người Hán quy định theo Nho giáo.
Truyền bá Nho Giáo
Trong các công trình “khai hóa” của những quan cai trị, việc mở mang giáo dục được sử sách nhà Hán ghi nhận và đề cao. Đời Tiền Hán, công cuộc truyền bá đạo Khổng Mạnh đã bắt đầu tại các vùng đất mới, vì Khổng Giáo đã được nhà Hán dùng làm “ý thức hệ” chính thống. Thời Hán Văn Đế (Lưu Hằng, 179 – 157 TCN) sau khi tái lập các trường học ở đất Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), 18 học sinh ưu tú đã được đưa về kinh đô Trường An học thêm. Sau khi tốt nghiệp, những người này được đưa về quê quán để dạy đạo Nho. Hán Thư ca ngợi công việc này đạt “kết quả vượt bực.” Họ khen trình độ lễ giáo của dân nước Thục bấy giờ cũng “không thua kém gì nước Tề, nước Lỗ” (quê hương của Khổng Tử, Mạnh Tử). Sách còn nói các vùng Ba và Hán Trung (Tứ Xuyên) có thể coi là mẫu mực cho cả thiên hạ. Hậu Hán Thư cũng kể nhiều thành tích giáo dục khác của các quan cai trị vùng đất mới. Một thứ sử ở Quế Dương bắt tất cả các thuộc lại phải đi học, họ phải dự thi, được chính ông ta chấm đậu mới cho thăng quan tiến chức. Ở một nơi khác, số người đi học ngày càng đông, “đi ngoài đường chỉ nghe thấy tiếng học sinh trong lớp cùng đọc sách lớn tiếng” (đồng thanh đọc sách giống như tụng kinh đã trở thành một phương pháp huấn luyện từ thời Hán, nhiều lớp học ở Việt Nam đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn áp dụng). Khi một học sinh từ vùng Hồ Nam thắng giải trong một cuộc tranh tài đối đáp về sách thánh hiền, các quan chủ khảo kinh ngạc thốt lên: “Lại có những nhân tài như vậy từ những trấn man di phía Nam Ngũ Lĩnh hay sao?” Lời bình trên cũng chứng tỏ ba thế kỷ sau khi bắt đầu bị Hán hóa, dân Hồ Nam vẫn bị coi là còn “man di.” Các vùng ở xa hơn về phía Nam, như Quảng Châu, Giao Châu, chắc còn bị coi là “mọi rợ” hơn nữa.
Việc truyền bá Khổng Giáo nhấn mạnh tới quy tắc “trưởng ấu hữu biệt,” một châm ngôn đạo đức mới đề cao quyền gia trưởng; được hỗ trợ bởi những biến chuyển kinh tế và xã hội. Phong tục ở phương Nam thay đổi lớn vì chế độ phụ hệ được củng cố do ảnh hưởng những “cải cách nông nghiệp” mà người phương Bắc mang lại. Dùng lưỡi cầy sắt và dùng trâu kéo cầy khiến người đàn ông trở thành quan trọng hơn trong đời sống kinh tế. Khi các kỹ thuật nông nghiệp và nông cụ mới được đem từ miền Bắc xuống dùng ở phía Nam, thay đổi vai trò của người chồng đối với vợ, thì dần dần hệ thống gia đình thay đổi.
Ngoài quan lại và quân lính, nhiều đám dân từ Hoa Bắc tự động di cư xuống phía Nam để tránh loạn lạc, hoặc sau khi vương triều của họ bị nhà Tần tiêu diệt. Họ gây ảnh hưởng trên người dân bản địa, nhờ thế đồng hóa dễ dàng hơn.
Trong làn sóng Hán hóa suốt hai ngàn năm, dọc theo sông Hoàng sông Hoài rồi đi xuống phía Nam, những phong tục tập quán miền Hoa Hạ đã được truyền dậy cho người Kinh Sở, người Ngô, người Việt, rồi đi xa hơn xuống tới người Choang ở Quảng Tây, người Ba, người Bạch, nước Điền ở Vân Nam, vân vân; để sau cùng các sắc dân nhỏ đều bị “thống nhất” vào một đế quốc và thành người Hán. Chỉ khi xuống tới miền sông Hồng, sông Mã thì họ gặp nhiều trở ngại, vì dân Lạc ở đó đề kháng tới cùng.
Các sử gia nước ta không mấy chú ý tới hiện tượng Hán hóa các sắc dân “Bách Việt” ở bên kia biên giới Việt Trung. Điều này cũng tự nhiên và hợp lý, vì đó là chuyện hàng xóm, không phải chuyện nhà mình. Nhưng khi chúng ta nhìn vào quá trình Hán hóa cả vùng đất mênh mông này trong cùng thời gian nước mình bị chiếm đóng, thì mới thấy một nước Việt Nam còn đứng độc lập là một hiện tượng nổi bật trên bức tranh toàn cảnh đó. Chỉ vì tổ tiên chúng ta nhất định chọn sống như một dân tộc, lập một quốc gia tự chủ cho con cháu mình sống.
Đỗ Quý Toàn sinh ngày 15 Tháng Sáu, 1939, tại Bắc Ninh, còn có các bút danh Ngô Nhân Dụng, Vương Hữu Bột, Chân Văn…
Thời niên thiếu chạy loạn dọc theo các vùng trung du Bắc Việt. Từ năm 1954, ông cư ngụ tại Sài Gòn, là giáo sư văn chương ở các trường Chu Văn An, Nguyễn Du. Khởi sự viết văn làm thơ từ 1955, các bài viết của ông thường đăng ở Ngàn Khơi, Văn Nghệ, Sống, Lửa Việt, Văn Nghệ, làm thư ký tòa soạn tuần báo Đời… Đỗ Quý Toàn còn là một huynh trưởng hướng đạo Việt Nam, hăng say hoạt động sinh viên và công tác xã hội.
Từ năm 1975 đến 1994, ông sống ở Montréal Canada, từng dạy học tại các trường Võ Bị Hoàng Gia ở St. Jean, Đại Học Concordia, Đại Học McGill, sau cùng là giáo sư Đại Học Québec tại Montréal, thường dậy các môn tài chính xí nghiệp là lý thuyết tài chánh. Từ khi chuyển đến sống tại Canada ông vẫn tiếp tục viết cho các báo tiếng Việt ở hải ngoại. Tháng Tư, 1987, ông cùng các nhà văn Trương Bảo Sơn, Nguyễn Khắc Ngữ đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam đầu tiên tại Canada.
Đỗ Quý Toàn lập gia đình năm 1965 cùng Dược Sĩ Đỗ Quyên, có ba người con. Gia đình là nguồn cảm hứng để nhà thơ hoàn thành tập tiểu luận “Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt,” được nhà xuất bản Văn Nghệ (Hoa Kỳ) ấn hành đầu năm 1988.Tác phẩm đã xuất bản:
– Nàng (thơ, 1965)
– Đêm Việt Nam (thơ, 1966)
– Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt (tiểu luận, 1988)
– Cỏ và Tuyết (thơ, 1989)
– Đổi Mới Kinh Tế
– Tìm Thơ Trong Tiếng Nói (1992)
– Đứng Vững Ngàn Năm (2013)