
Tác giả Chân Văn Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng), Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát
và nhà văn Thiện Văn Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài) trong một lần hạnh ngộ
tại Bồ Đề Phật Quốc, Santa Ana, California, 2017
(Trong buổi gặp gỡ này, còn có GS Trần Huy Bích)
Nhiều người Việt biết tổ tiên đã giành được độc lập, con cháu không biến thành người Trung Hoa, nhưng vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Họ thắc mắc tại sao mình đã độc lập mà nước Việt Nam vẫn dùng chữ của người Hán, tổ chức chính quyền và dậy con cháu theo các quy tắc giống như người Hán? Mối thắc mắc đó sẽ được giải tỏa nếu chúng ta nhìn cao hơn, xa hơn, nhìn tất cả các nước ở phía Đông châu Á.
Người Việt cũng như các nước Á Đông khác đều chịu ảnh hưởng sâu xa của nền luân lý và tư tưởng chính trị xuất phát từ văn minh Hoa Hạ, được gọi là Văn minh Khổng Giáo.. Nền nếp đó tạo nên những xã hội có trật tự trong hàng ngàn năm, nhờ áp dụng những quy tắc cư xử giữa người với người đã được thử thách và thấy hiệu quả tốt. Khổng Tử và Mạnh Tử chỉ nêu lên những ý kiến có giá trị phổ biến, có thể dùng cho tất cả mọi xã hội, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng hoặc ngôn ngữ.
Khi thoạt nhìn vào văn minh Trung Hoa chúng ta rất dễ sinh mặc cảm. Mặc cảm đầu tiên là nền văn minh này ảnh hưởng rộng lớn quá, người Việt mình chịu ảnh hưởng sâu và nặng quá. Nhiều người vì “sợ,” hoặc “ghét” muốn xóa bỏ những dấu vết đó để giữ mình “thuần túy Việt Nam” hơn. Thực ra chẳng có dân tộc nào thuần túy, kể cả người Trung Quốc! Nhưng cũng vì còn mặc cảm, có người đã phản ứng ngược, nuôi nấng những ảo tưởng, như muốn chứng tỏ rằng người Việt Nam là nhất thế giới, cái gì cũng hơn người Trung Hoa. Hoặc có người đã tìm các chứng cớ để tuyên bố cả văn minh Trung Hoa phát xuất từ Việt Nam.
Chúng ta không nên để những mặc cảm và ảo tưởng như vậy ám ảnh. Khi nhìn thấy rõ sức mạnh của văn minh Trung Hoa, khi thấy nền văn minh đó đã lan rộng trên các nước chung quanh, chúng ta lại càng ngạc nhiên tự hỏi tại sao, sau cùng, dân tộc mình vẫn không biến mất.
Những giá trị phổ biến
Ngày nay văn hóa Trung Hoa vẫn còn ảnh hưởng trùm khắp miền Đông của Châu Á. Những dân tộc như Nhật Bản, hoặc Hàn Quốc vẫn hấp thụ văn minh Trung Hoa, học chữ và dùng chữ Hán, sống theo nền nếp tinh thần Khổng Giáo, tới bây giờ ảnh hưởng đó vẫn còn đem lại những lợi ích thiết thực như trong việc phát triển kinh tế.
Người dân những nước Nhật Bản hoặc Hàn Quốc hiện nay không mang mặc cảm họ vẫn theo văn hóa Khổng Giáo. Ngược lại, họ còn hãnh diện vì giờ này họ đã đi trước người Trung Hoa trong việc hấp thụ những giá trị văn hóa mới; như tinh thần dân chủ và tổ chức kinh tế tự do, cũng như các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới; trong khi vẫn bảo vệ các giá trị đạo lý của Khổng Giáo một cách liên tục, hơn người Trung Hoa trong lục địa.
Văn hóa là một diễn trình trao đổi, chọn lọc và chuyển hóa liên tục. Những nền văn minh lớn thường không phải do một sắc dân nào tạo dựng nên mà do nhiều người thuộc nhiều chủng tộc góp phần xây dựng; vì nhu cầu cải thiện cuộc sống tập thể. Lịch sử mỗi dân tộc là một quá trình tiến hóa khi tiếp xúc với các sắc dân khác; không thay đổi là bị thụt lùi, có khi tự hủy diệt. Trên miền đất Châu Á này hơn hai ngàn năm trước, thực sự chưa có “dân tộc” nào theo đúng nghĩa mà chỉ có những sắc dân đã thoát khỏi cuộc sống bộ lạc, tạo nên những tập hợp lớn hơn bộ lạc. Người Việt Nam đã bắt đầu quá trình này trong thời Hùng Vương; dân tộc Việt chắc đã thành hình từ thời đó.
Loài người ở đâu cũng muốn đời sống no ấm hơn, rồi thấy cần đặt ra các quy tắc cư xử để xã hội an lành. Những sáng kiến đó, về kỹ thuật cũng như về tư tưởng, nếu một nhóm người này không nghĩ ra thì thế nào cũng có người khác nghĩ ra. Các nhóm dân tụ tập đông, sống chật chội hơn và trong các điều kiện khó khăn hơn, chính họ thường được kích thích phải suy nghĩ, tìm tòi trước các nhóm dân khác được thiên nhiên ưu đãi. Những cái nôi của các nền văn minh thường ở những nơi dân sống đông đúc và khó khăn như vậy. Khi các nền văn minh được lan truyền, sẽ tiếp thụ các sáng kiến mới; dần dần trở thành của chung cho nhân loại. Một nếp sống gọi là văn minh ở vùng này, khi đưa tới vùng khác có thể lại không thích hợp, và phải thay đổi. Chẳng hạn, tuy cùng học Lễ Nghĩa của Nho Giáo nhưng người Việt người Nhật thể hiện theo những cách khác nhau; như ai cũng thấy khi so sánh phong thái Nhà Nho Việt khác hẳn các Samurai Nhật.
Người Trung Hoa, trước cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 chưa hề có ý thức dân tộc. Từ ba ngàn năm trước, các vua nhà Thương, nhà Chu đã được coi là đứng đầu “thiên hạ;” nhưng vẫn chưa phải là một quốc gia. Đời Chu, mỗi “nước chư hầu” nằm trong tập hợp gọi là Trung Quốc cũng gồm nhiều sắc dân khác nhau. Nền văn minh Trung Hoa khởi lên từ đầu nguồn cho tới phía cuối con sông gọi là Hà, hay Hoàng Hà; rồi sau đó cũng chịu ảnh hưởng của các sắc dân được đặt tên là “nhung địch” miền Bắc và “man di” miền dưới Trường Giang mà thay đổi. Các sắc dân người Hoa Nam đã tiếp nhận nhưng cũng đóng góp vào tư tưởng triết lý, tôn giáo, nghệ thuật của người Hán. Người Hán ở phương Bắc cũng tiếp nhận ảnh hưởng của các sắc dân thiểu số ở “ngoài Nhạn Môn Quan.” Khi Khổng Tử ca ngợi pháp độ do Văn Vương và Chu Công thiết lập, coi là những mẫu mực chính trị, thì chính những vị “thánh nhân” đó là “dân thiểu số” từ phía Tây tiến vào vùng Hoa Hạ.
Truyền thống Nho Giáo truyền sang nước ta rất sớm, vào thế kỷ thứ hai trong lúc nước ta bị nhà Hán đô hộ. Nhưng tư tưởng chính trị Tống Nho chỉ đến thế kỷ 15 mới được nhà Lê đề cao. Đạo Nho được người Cao Ly tiếp thu trong lúc nước họ độc lập, năm 372 vua Sosurim (371-384) thuộc triều đại Koguryô (Cao Cú Lệ) đã thành lập một “đại học” đầu tiên. Rồi từ Cao Ly, Nho Giáo được đưa sang Nhật Bản, một nước chưa bao giờ bị người Hán đô hộ. Những dân tộc Á Đông học hỏi và áp dụng Khổng Giáo, nhờ thế họ xây dựng những hệ thống xã hội tương đối trật tự, vững chắc trong hàng ngàn năm.
Người Việt Nam, người Nhật học các ông thầy gốc Trung Hoa cũng không khác gì người Canada, người Mỹ học cách suy nghĩ và tổ chức đời sống công cộng của người Anh; hay người Anh, người Pháp đã học của các ông thầy Hy Lạp, La Mã và Do Thái. Từ thế kỷ 20 người Việt Nam cũng học thêm nhiều điều từ ba nền văn minh cổ xưa đó; giống như các dân tộc khác trên thế giới bây giờ. Chúng ta thường không thấy ảnh hưởng của những nền văn minh cổ trên đời sống hàng ngày của mình. Nhưng ảnh hưởng đó rất sâu và rộng. Có khoảng 50,000 từ trong ngôn ngữ Hy Lạp được dùng trong các thứ tiếng nói ở khắp thế giới. Ngay trong tiếng Việt Nam, chúng ta cũng dùng những tiếng gốc Hy Lạp như kí lô, phôn, hay lô gích, mà không nhớ đó chính là tiếng người Hy Lạp đã dùng. Văn minh là của chung nhân loại. Chúng ta chỉ sợ không học được nhiều cho đủ, chứ không sợ mình đã được học thêm.
Ảnh hưởng Nho Giáo trên nước ta cũng như trên các nước Hàn Quốc, Nhật Bản đã đưa tới nhiều hậu quả tốt. Nó chỉ hư hỏng khi người Trung Hoa, cũng như người Việt Nam theo họ, đã đi lạc đường, với lối giải thích Nho Giáo theo quan điểm của các vua quan muốn tập trung quyền hành. Khi tự đặt mình trong toàn thể vùng Á Đông, chúng ta sẽ không bị ám ảnh với mặc cảm thua kém; chẳng hạn khi thấy ngay trong tiếng nói hàng ngày cũng đầy chữ Hán Việt. Nhưng trong ngôn ngữ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng gần một nửa số từ vựng gốc từ chữ Hán. Nhìn vào một tờ báo của người Nhật bây giờ chúng ta còn thấy đầy Hán tự, người Nhật nào cũng phải biết đọc; trong lúc người Việt đã dùng thứ mẫu tự khác.
Vào giữa thế kỷ 20, nước Nhật đã tự phục hồi, các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore phát triển rất nhanh, vì họ vẫn bảo vệ được một nền đạo lý dựa trên Khổng Giáo, lấy Tín Nghĩa làm khuôn thước cư xử. Khi Khổng Tử nói “Dân vô tín bất lập,” thì câu đó cũng có thể áp dụng vào kinh tế. Một nền kinh tế thị trường mà không có chữ Tín làm nền tảng thì không khá được. Các ngân hàng đầu tiên ra đời nhờ lòng tin của các người ký thác tiền. Hệ thống tiền tệ giúp kinh tế lưu hoạt đặt trên căn bản lòng tin của những người cầm đồng tiền thấy bảo đảm là nó có giá trị. Các hợp đồng thương mại giúp cho kinh tế hoạt động trước hết được đặt trên lòng tin. Người Việt Nam cắt đứt liên hệ với quá khứ một cách triệt để, đạo lý suy vi thì kinh tế cũng chậm tiến hơn các nước Á Đông khác, sau khi đã hoàn toàn từ bỏ các quy tắc sống của tổ tiên bao đời trước. Khi bỏ qua những chữ “Tín, Nghĩa,” đưa ra những khẩu hiệu mới thay thế, người ta đã phá hủy cả một di sản tinh thần quý báu. Sang thế kỷ 21, người Việt tự báo động về tình trạng đạo đức suy đồi, nhưng ngơ ngác không biết dựa vào đâu để phục hồi đạo lý; cũng vì đã tự đánh mất phần lớn gia tài văn hóa mà tổ tiên đã gây dựng trong cả ngàn năm.
Bản thân tôi đã được thầy tôi dậy chữ Hán từ lúc ba bốn tuổi, trước khi học chữ “quốc ngữ,” tức là chữ Việt dùng mẫu tự ABC bây giờ. Còn mẹ tôi từng dẫn tôi đến lễ chùa, quy y Tam Bảo. Một lần tại chùa Hàm Long (thôn Thái Bảo, xã Nam Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh), mẹ tôi chỉ lên một ban thờ, nói: “Tượng ông nội đó.” Tôi không hiểu tại sao ông nội tôi là cụ Đỗ Trọng Vĩ, một nhà Nho người Thuận Thành, Bắc Ninh, không bao giờ đi tu mặc dù tên tự là Tham Thiền, mà lại được dân làng này đặt tượng thờ trong ngôi chùa Phật ở huyện Quế Võ. Nhưng tinh thần hòa hợp Nho và Phật cũng chính là đặc tính của các “Nhà Nho” Việt Nam, ngay giữa thời Bắc thuộc. Nếp sống của người Việt Nam được đào luyện trong môi trường đó từ ngàn năm nay, chỉ bị xóa mờ khi “cách mạng vô sản” lan đến nước ta.
Tôi được học những quy tắc ăn ở đầu tiên, gọi là đạo làm người, từ Nho Giáo. Thầy tôi (chúng tôi gọi Bố là Thầy) đã “làm lễ” cho tôi được học “Chữ Nho,” một năm sau mới dậy tôi học chữ quốc ngữ, A, B, C. Ở làng quê, chúng tôi không có bút sắt hay bút chì, bài học ABC đầu tiên thầy tôi viết bằng bút lông, chấm “mực Tàu” đen hoặc son đỏ!
Thời còn nhỏ ở làng quê tôi, những người đi học, gọi là người “biết chữ.” Học giỏi gọi là “hay chữ” rất được kính trọng. Chữ, tức là chữ Nho, chữ Hán. Lối viết chữ A, B, C gọi là “chữ Tây.” Còn chữ Hán, chữ Nôm được gọi là “Chữ Ta.” Ở một làng quê, các sách vở, những tờ giấy có viết chữ đều được tôn kính. Thấy một mảnh giấy có viết “chữ” dưới đất, phải nhặt lên, đem cất, hoặc đốt đi. Không được dẫm chân lên, không đem vứt vào chỗ rác rưởi ô uế.
Ngày xưa học chữ Nho, tức là “vào đạo Nho,” còn gọi là đạo Khổng. Giống như đi theo một tôn giáo, một tín ngưỡng, dù Nho Giáo không có thần linh, cũng không có pháp sư. Điều căn bản là học thuộc những phương châm để sống trong xã hội loài người. Nhờ truyền thống chịu ảnh hưởng của Nho Giáo, nước ta cũng như các nước Á Đông khác đều đề cao việc giáo dục. Và trong việc giáo dục thì chú ý tới việc rèn tập tính hạnh, cách ăn ở.
Trẻ em trước khi “học chữ” phải học những cách cư xử thích hợp, gọi chung là Lễ. Bằng lời nói và việc làm, như thưa gửi, quét dọn, “sái, tảo, ứng, đối.” Học Lễ trước, rồi học sách sau. Ông thầy rất được trọng vọng, vì ông là gương mẫu trong đời sống hàng ngày. Trong ba địa vị xã hội, sau Quốc gia (Quân) là Thầy dậy học (Sư) rồi mới đến người Cha (Phụ). Thứ tự này ở Việt Nam khác những nước Á Đông khác; họ không đề cao ông thầy bằng người Việt. Tôi được huấn luyện trong truyền thống gia đình như thế, một truyền thống bắt đầu ít nhất từ thế kỷ 15 vào đời thứ nhất của họ Đỗ ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Mộ Tổ hiện nay còn ở làng Thượng Vũ; đoán là mộ cụ thân sinh Trạng Nguyên Nguyễn Quang Bật. Con cháu phải đổi sang họ Đỗ sau khi cụ Trạng, vì làm Đô Ngự Sử đã chỉ trích Lê Uy Mục, bị đầy vào miền Quảng Nam, rồi bị ám hại trên đường đi.
Rất nhiều gia đình Việt Nam cũng sống với truyền thống Nho Giáo như vậy, và còn gìn giữ ngay trong thế kỷ 21 này. Nhiều người Việt có tuổi vẫn còn giữ “phong cách nhà Nho” mặc dù họ không hề chính thức học sách Khổng Giáo bao giờ. Khi muốn khuyên bảo con em, thầy mẹ tôi, các chú và các anh tôi chỉ cần nhắc một câu nào đó, “Đức Khổng Tử đã nói rằng …” là đủ nhắc nhở con cháu một quy tắc cư xử. Ở trường Chu Văn An, Hà Nội khi tôi mới vào học năm đầu, trong các hành lang vẫn viết bốn chữ Tu, Tề, Trị, Bình ở trên tường, viết bằng chữ quốc ngữ nên học sinh nào cũng đọc được. Tại miền Nam hầu như trường học nào cũng viết khẩu hiệu “Tiên học Lễ – Hậu học văn.”
Nhiều nước Á Đông khác cũng vậy; họ sống hàng ngày với các quy tắc cư xử của Nho Giáo. Ở Trung Quốc sau gần nửa thế kỷ xóa bỏ quá khứ, người ta cũng muốn phục hồi. Một cuốn sách trích các lời của Khổng Tử rút từ Luận Ngữ bán được hàng triệu bản. Chúng ta sẽ thấy rõ ảnh hưởng tốt của nếp sống theo Nho Giáo hơn khi so sánh các xã hội Á Đông còn giữ truyền thống với các nước đã cố ý xóa bỏ truyền thống đó. Ở các nước Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, con người trọng tín nghĩa hơn, đề cao danh dự hơn, chính quyền giữ chức trách cẩn trọng hơn, nhờ thế kinh tế của các nước này phát triển mạnh. So sánh Nhật Bản, một nước giữ truyền thống Nho Giáo với Mỹ, một nước cùng một trình độ phát triển kinh tế, sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt hơn.
Trong cuốn “Ông Khổng Tử bên Hàng xóm” (Confucius Lives Next Door) của một ký giả báo Washington Post, T.R. Reid gọi ông già Matsuda Tadao, người hàng xóm ở Tokyo, là Ông Khổng Tử. Vì cứ mỗi lần cần giải thích tại sao người Nhật cư xử khác người Mỹ ông ta lại suy nghĩ một lúc rồi bắt đầu bằng câu: “Đức Khổng Tử đã nói rằng …” Mấy châm ngôn sống mà Khổng Tử đưa ra đã thấm nhập trong cách ăn ở của biết bao nhiêu người trong bao nhiêu thế hệ, tạo ra những phản xạ tự nhiên khi người ta băn khoăn trước một vấn đề đạo đức! Nho Giáo phổ biến ở khắp miền Đông châu Á: Nhật Bản, Cao Ly (cũng gọi là Hàn Quốc, Triều Tiên). Các sứ thần Việt Nam sang Trung Quốc gặp các sứ thần Cao Ly, Nhật Bản đều dùng chữ Hán để trò chuyện với nhau (bút đàm). Phan Bội Châu gọi những người Trung Hoa như Lương Khải Siêu, người Nhật như Khuyển Dưỡng Nghị là người “đồng văn, đồng chủng,” ý nói là cùng là giống da vàng; cùng viết một thứ chữ, chữ Nho; và cùng theo một nền văn hóa Khổng Giáo.
Trật tự xã hội Khổng Giáo
Đối với thế giới bên ngoài, các nước Á Đông trông rất giống nhau, cùng sống trong môi trường văn hóa. Người ta không dùng từ “Văn minh Trung Hoa” mà gọi là “Văn minh Khổng Giáo.” Khi các nước Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông tiến rất nhanh về kinh tế trong thập niên 1970, nhiều người giải thích bằng một yếu tố tinh thần, gọi tên “Nền tư bản Khổng Giáo;” để so sánh với “Tinh thần Tin Lành” mà Max Weber dùng để giải thích sự phát triển của kinh tế tư bản ở các nước phía Bắc Âu Châu trong thế kỷ 18, 19. Tên gọi “Tư bản Khổng Giáo” công nhận một đặc điểm là truyền thống Khổng, Mạnh chú trọng tới các vấn đề thực dụng, trong cõi nhân sinh.
Khi so sánh với một nền văn minh lớn khác ở Á châu là Ấn Độ, chúng ta thấy rõ vai trò đặc biệt của Khổng Giáo ở vùng Á Đông. Khổng, Mạnh coi vấn đề cần quan tâm nhất là thiết lập trật tự trong tương quan xã hội. Việc giáo dục phải bắt đầu từ việc tự sửa mình; rồi lo tới gia đình, quốc gia và thiên hạ. Trong lịch sử các nước Á Đông, những chuyện con phản cha, học trò phản thầy cũng có, nhưng thường là hiếm hoi, được nêu lên để phê phán, chỉ trích, coi đó là những gương xấu nên tránh. Khi đọc lịch sử Ấn Độ, chúng ta thấy rất nhiều vụ các hoàng tử giết nhau trước khi cha chết để giành ngôi; những vụ con giết cha để cướp ngôi. Các vị lãnh chúa, sứ quân làm bầy tôi hoàng đế này rồi đổi sang trung thành với ông vua khác, thay đổi rất dễ dàng. Những chuyện đó xẩy ra rất nhiều trong sử Ấn Độ; gây cảm tưởng đó là một tình trạng bình thường. Ngay trong những thời kỳ có các vị minh quân, xã hội bình an thịnh trị nhất, cũng không khác gì cả. Một người theo học Nho Giáo sẽ kinh ngạc khi thấy những chuyện “bất hiếu, bất trung” diễn ra nhiều như vậy.
Bởi vì lịch sử Ấn Độ đi trên một con đường khác hẳn miền Á Đông. Các vị vua và lãnh chúa trên lục địa Ấn Độ thời xưa phần lớn là những nhà chinh phục từ xa tới. Gốc tích họ là các sắc dân Trung Á, Mông Cổ, Ba Tư, Thổ, với nhiều truyền thống văn hóa khác nhau. Các hoàng đế khai quốc không theo cùng một tôn giáo giống nhau, như các vua bên Trung Hoa đều dùng đạo Khổng. Có người theo Phật Giáo, có người Hồi Giáo. Tất cả đều dựa trên sức mạnh quân sự để xây dựng và bảo vệ đế quốc của họ. Những vị minh quân sáng chói, như Ashoka, cũng không thiết lập được một triều đại lâu dài bền bỉ mấy trăm năm như nhà Hán bên Tàu. Sau khi một vị hoàng đế qua đời là nội chiến thường diễn ra, các triều đại thay đổi luôn. Không có một lý thuyết hay niềm tin nào đủ mạnh thuyết phục mọi người phải trung thành với một ông vua hay một triều đại. Có thể nói, giới trí thức và giới lãnh đạo trong truyền thống Ấn Độ không “bị ám ảnh ghê gớm” như người Trung Hoa về hai đức tính Trung và Hiếu. Trong bản “hợp đồng xã hội” hiểu ngầm của người Ấn Độ, những chữ Trung và Hiếu không được dành cho mỗi chữ một chương dài như ở Trung Quốc, mà chắc chỉ được ghi trong một số điều, khoản nhỏ. Hợp đồng xã hội của người Ấn Độ dành rất nhiều chương nói về quan hệ của con người với các thần linh; trong khi Khổng Tử chủ trương đối với quỷ thần thì “Kính nhi Viễn chi,” kính cẩn nhưng xin đứng xa xa!
Nhiều nền văn minh khác của nhân loại cũng chú trọng tới mối tương quan giữa con người với một Cõi Siêu Hình, Tuyệt Đối, một Đấng Tối Cao, coi đó là mối quan tâm trọng yếu nhất. Thời Đại đế Alexander kéo quân sang chinh phục Á châu, đã kéo tới Ấn Độ. Một triết gia Hy Lạp đi theo đoàn quân về kể lại bên Ấn Độ có những “triết gia không mặc quần áo,” tuyệt đối rũ bỏ mọi thứ bám vào mình, kể cả các tập tục xã hội. Cũng có những “triết gia tự thiêu” trên giàn hỏa, để thử đức bình tĩnh, tự chủ, trong trạng thái tự do tuyệt đối.
Văn minh Khổng Giáo khác với Ấn Độ. Khổng Tử và Mạnh Tử coi các mối tương quan giữa con người với con người là đề tài phải thảo luận quan trọng nhất. Luân lý Nho Giáo đề nghị một trật tự xã hội dựa trên những bổn phận giữa một người với người chung quanh, không đặt trên tấm lòng kính ngưỡng với các thần linh như bên Ấn Độ. Tư tưởng Lão Trang là của những triết gia “ngoài luồng;” nhưng không thờ các vị thần linh như bên Ấn Độ.
Trong thời gian các tùy viên của Alexander chứng kiến cảnh các đạo sĩ Ấn Độ tự thiêu để chứng quả giác ngộ, bên Trung Quốc có Dự Nhượng âm mưu trả thù cho chủ cũ là Trí Bá. Ông ta liều chết bao nhiêu lần tìm giết Tương Tử nước Triệu, thất bại keo này thì bầy keo khác. Lần sau cùng bị bắt, Tương Tử hỏi tại sao ông lại hết lòng chung thủy với Trí Bá như thế, còn đối với mấy ông chủ cũ họ Phạm và họ Trung Hàng, cả hai cũng bị Trí Bá giết, thì không giữ lòng trung? Dự Nhượng nói: “Những người kia coi tôi như kẻ làm công, tôi cũng đối đãi với họ như một thằng làm công. Trí Bá đãi tôi như một Quốc Sĩ, tôi phải cư xử với ông ta đúng tư cách một kẻ sĩ!” Rồi chúng ta sẽ thấy, lớp người gọi là Sĩ vào thời Chiến Quốc coi lòng trung thành là một giá trị lớn, chết cũng không bỏ. Trước khi Dự Nhượng bị bắt, có người xúi ông ta giả vờ xin vào làm việc cho Tương Tử, chờ khi được tín nhiệm, có dịp đến gần sẽ tìm cơ hội ám sát. Dự Nhượng từ chối; nói rằng nếu được Tương Tử tin dùng thì mình sẽ không thể nào “ăn ở hai lòng,” phản bội lòng tin của chủ mới, báo thù cho chủ cũ. Với hệ thống giá trị lấy hai chữ Trung, Tín làm nền tảng, Khổng Giáo góp phần tạo nên những xã hội có quy củ, trật tự. Người Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đều thấm nhuần các quy tắc sử thế đó.
Sắc thái dân tộc không mất
Viện Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh in một bộ “Bản đồ Lịch sử Trung Quốc,” gồm 8 tập từ đời thượng cổ đến đời Thanh, do Đàm Kỳ Tương chủ biên. Mỗi triều đại đều có những bản đồ chi tiết về địa giới và các tên gọi lịch sử trong mỗi vùng vào thời gian đó. Nguyễn Duy Chính đưa tôi mượn tập bản đồ này, đã nhận xét: Từ đời Tiền Hán tới sau đời Đường, các triều đình Trung Hoa đều ghi địa giới Giao Châu, tức là nước Việt mình thời xưa, như một bản đồ chi tiết của một quận, cũng giống như các quận khác trong nước họ. Nghĩa là trên thực tế cũng như trên danh nghĩa, trong suốt mười thế kỷ, nước mình là một phần của Trung Quốc. Các triều đình nhà Trần, nhà Lê vẽ địa đồ nước Đại Việt cũng không khác gì. Trong tập bản đồ đó phải ghi các châu Thuận, châu Quảng, vốn trước kia là đất của những nước mang tên Lâm Ấp, Hoàn Vương, hay Chiêm Thành.
Thử tưởng tượng, vào thế kỷ 16, 17, nhân lúc các ông vua và lãnh chúa họ Mạc, họ Lê, rồi các họ Trịnh, Nguyễn phân tranh, người Champa nổi lên giành lại được độc lập. Nếu điều giả tưởng đó là sự thật, thì giờ này vẫn còn một nước Chiêm Thành; có người Chiêm Thành cũng đang viết về “Năm thế kỷ bị người Việt đô hộ” giống như người Việt viết về một ngàn năm Bắc thuộc vậy! Tưởng tượng như thế sẽ thấy sự kiện còn nước Việt Nam đã là một điều đáng ngạc nhiên.
Một người Pháp, ông Pierre Gourou, đã nhận xét rằng hiện tượng người Việt đã tiến về phía Nam xóa bỏ quốc gia Chiêm Thành, xâm lấn nước Chân Lạp chứng tỏ một dân tộc chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa có một sức xâm thực mạnh mẽ hơn các nước chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ Giáo hay Hồi Giáo. Sức mạnh đó là do văn minh Trung Hoa chú ý đặt ra những quy tắc tổ chức xã hội chặt chẽ hơn.
Nhận xét này phiến diện, vì quá chú trọng vào ảnh hưởng của Trung Hoa mà bỏ qua các yếu tố khác tạo nên sức mạnh riêng của dân tộc Việt. Có thể vì cùng một tổ tông, những người Việt sang khai phá đất Chiêm Thành dễ hòa hợp với người Chàm hơn; không bị đối kháng triệt để. Nhưng còn một sức mạnh khác, nằm trong cơ cấu xã hội của dân Việt giúp họ khai phá các miền đất mới chiếm. Người Việt Nam có một “đơn vị xã hội trung gian” quan trọng, giữa gia đình, họ hàng và quốc gia, là làng xã. Người Việt đi tới đâu thiết lập những làng xã theo cùng một cơ cấu để bám rễ trong vùng đất mới. Cơ cấu làng xã đóng vai trò “bảo trì” trong xã hội dân Việt; mà trong lịch sử cuộc Nam tiến thì được sử dụng để cũng cố những vùng định cư mới. Việc Hán hóa miền Hoa Nam được thực hiện bằng chữ Hán và Khổng Giáo, gây ảnh hưởng trên tổ chức gia đình, quốc gia. Quá trình Việt hóa trên con đường Nam Tiến dựa trên việc thiết lập làng xã.
Người Trung Hoa không giống người mình, họ chú trọng tới gia tộc nhiều hơn thôn làng. Trong Luận Ngữ Khổng Tử hay nhắc đến Gia rồi nói ngay đến Quốc; rộng hơn nữa là nói tới cả Thiên Hạ. Theo truyền thống Khổng Mạnh, khi phân tích cách xã hội quần tụ thì sau cá nhân tới một đơn vị xã hội nhỏ là gia đình; rồi từ Gia mở rộng ra ngay tới Quốc; sau đó là tất cả mọi người dưới bầu trời. Họ không chú trọng đến vai trò của xã thôn. Mạnh Tử, thiên Ly Lâu Thượng, viết: “ Người ta thường nói đến Thiên hạ, Quốc, Gia.” (Nhân hữu hằng ngôn giai viết thiên hạ, quốc gia; 孟子/離婁上:“人有 恒言皆曰天下 國家”). Và: “Gốc của thiên hạ là Quốc, gốc của Quốc là Gia, gốc của Gia là Thân” (Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân; 天下之本在國, 國之本在, 家之本在身).
Người Việt Nam không quen suy nghĩ với bộ ba “cá nhân, gia đình, quốc gia.” Tổ tiên mình đã xây dựng một đơn vị xã hội trung gian quan trọng đứng giữa gia đình, họ hàng và quốc gia; là làng, là thôn, xã. Trên con đường Nam tiến người ta không thể chỉ dựa vào sức đoàn kết của những người cùng một nhà, cùng một họ mà che chở, đùm bọc lẫn nhau; vì mỗi người ra vào vùng đất mới không đưa theo cả họ hàng. Những người lính đi tới đâu lập đồn điền tới đó, sau một thế hệ sẽ tụ họp thành làng. Làng là một tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa, và một đơn vị tự vệ; cần tập họp nhiều người dù họ không thuộc một gia tộc. Trong khi đó, những người Trung Hoa di cư sang Việt Nam trong thời Bắc thuộc cũng không thể đưa theo cả họ hàng. Họ phải hội nhập vào hệ thống thôn làng có sẵn; trước hết thành dân làng, rồi dần dần trở thành người Việt.
Người Việt sống ở làng, sang ở nước. “Sang” thì quý hóa lắm, nhưng trong thực tế ai cũng phải “sống” trước đã. Không ai dại gì mà “giận làng mình,” như trong tục ngữ nói đến ba hành động vô ích: “Giận vợ, hờn làng, ghét người dưng.” Người Việt Nam không bao giờ quên làng, cả khi ra khỏi nước. Đọc những bia mộ của người Việt chôn tại Mỹ, Canada, thấy dưới tên họ thường ghi thêm cả gốc gác từ làng nào, tỉnh nào. Nhiều tổ chức của người Việt ở nước ngoài lập ra cũng tự gọi mình là Làng, như Làng Mai, Làng Cây Phong; các huynh trưởng Hướng Đạo Việt Nam ở nước ngoài họp nhau lại thành Làng Bách Hợp. Có những người Việt đã cùng nhau di cư cả làng từ Bắc vào Nam, rồi lại cùng lên thuyền đi từ Việt Nam qua đến Mỹ, ở đó lại họp nhau thành làng lần nữa, giữ lấy cái gốc không muốn bỏ. Khi có bão lụt ở tiểu bang Louisana, cả một thành phố New Orleans phải chạy đi lánh nạn, những người sống trong Làng Việt đã trở về xây dựng lại nhà cửa, cơ nghiệp sớm nhất khiến dư luận người Mỹ phải ngạc nhiên.
Làng là một mạng lưới chặt chẽ và bền bỉ. Tổ chức và tinh thần làng xã là một đặc điểm khiến đời sống xã hội của người Việt khác hẳn người Trung Hoa, truyền thống này chắc tổ tiên chúng ta đã có trước khi bị Bắc thuộc. Dựa vào đơn vị xã hội đó cho nên dân ta có đủ sức đương cự với áp lực của đế quốc; giữ vững được mình như một dân tộc. Làng xã còn là một đơn vị kinh tế có thể tự tồn trong một mô hình căn bản, trồng lấy lúa mà ăn, dệt lấy áo mà mặc nên cũng là một trung tâm vững chãi để chống lại nạn xâm lăng, đồng hoá vì cuộc sống trong làng xã không dễ tan rã khi chịu áp lực xâm lăng như khi sống ở các thành thị. Từ thời Chiến Quốc người Trung Hoa đã phát triển mô hình thành thị. Thành là một đơn vị quân sự; thị là đơn vị quần tụ dân cư vì nhu cầu trao đổi phẩm vật. Nếu có vua quan ở đó thì trở thành đô thị. Thành thị có thể được dựng lên rồi tan rã; nhưng làng xã thì không vì gốc rễ ăn sâu hơn. Quân ngoại xâm thường vây hãm các thành thị, chiếm được thành là xóa bỏ một đầu mối chỉ huy. Hậu quả là các vương quốc thay nhau lập ra trong lục địa Trung Hoa dễ tan rã khi quân bên ngoài kéo đến phá thành, bắt giết người thủ lãnh. Những thủ lãnh đời sau dựng lên một triều đình mới, thì cũng lập một quốc gia mới, dấu vết quốc gia cũ bị xóa cùng với các cung điện, thành trì. Còn ở nước ta, dù bị ngoại xâm mà vẫn còn làng xã thì quốc gia sẽ có ngày sống lại. Khi có giặc người dân bỏ làng chạy lên núi, nhưng đêm đêm vẫn về làng cấy lúa, trồng khoai; đến lúc hết giặc thì ngôi làng cũ sống lại ngay. Điều này đã được công nhận là một điểm đặc thù của văn minh Việt Nam.
Các dân tộc Á Đông khi học hỏi nền văn minh Trung Hoa nhưng đều vẫn giữ các đặc tính cá biệt của họ. Người Việt Nam đã học nền nếp Khổng Giáo và thực hành theo một lối riêng, người Nhật cũng theo cách riêng của họ. Nhật Bản vốn là một xã hội theo trật tự phong kiến do giới quý tộc và các võ sĩ của họ cầm đầu; không áp dụng chế độ thi cử để tuyển quan lại như ở Trung Quốc và Việt Nam. Các chức vụ trong guồng máy cầm quyền ở Nhật được truyền từ đời cha sang đời con, nhiều gia đình kế nghiệp như vậy hàng ngàn năm không ngưng. Tới giữa thế kỷ 20 nhiều sĩ quan trong quân đội Nhật vẫn từ chối không cầm lấy đồng tiền khi lãnh lương; vì truyền thống võ sĩ đạo khinh thường đồng tiền, mó tay vào đồng tiền là việc chỉ bọn thứ dân mới làm. Căn bản xã hội Việt Nam là nông dân, các nhà Nho đóng vai làm thầy, làm quan cũng xuất phát từ giới nông dân, nhờ việc thi cử mà tiến thân, khi hết việc lại trở về sống giữa các nông gia. Chúng ta có câu tục ngữ: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ.” Quan niệm bình đẳng này không được đề cao trong truyền thống Nhật Bản.
Cho nên dù học hỏi nhiều từ nền văn minh Trung Hoa, người Việt Nam vẫn phát triển được lối sống riêng của mình. Nhờ từ mấy ngàn năm trước khi Bắc thuộc đã sống theo những truyền thống, tập tục của các giống dân hải đảo phía Nam. Sau đó, lại học hỏi Phật Giáo từ người Ấn Độ, và phát triển theo căn cơ xã hội Lạc Việt. Vì vậy mà sau 10 thế kỷ bị đô hộ người Việt Nam vẫn giữ được một bản sắc, để hãnh diện, tự hào: “Duy nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác!” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo).
Tiếp nhận và chuyển hóa
Người Việt Nam cũng không “vơ đũa cả nắm” nhìn mọi người Trung Hoa đều là những kẻ chỉ muốn xâm chiếm nước khác. Các đế quốc bành trướng trước hết là do tham vọng của giới lãnh đạo. Hai ngàn năm trước đây các cuộc xâm lăng nước ta đều do các vua quan quyết định chứ không phải do những người Trung Hoa bình thường. Vì khích động lòng tham của con người, tham vọng đế quốc của các chính quyền Trung Hoa có thể lôi cuốn dân theo, với những hứa hẹn lợi lộc pha trộn với lòng tự tôn chủng tộc. Nhưng chính các ông vua chúa này thường cũng bóc lột và áp bức chính người dân dưới quyền họ.
Tham vọng bành trướng cũng là một khuynh hướng tự nhiên của nhiều giống dân, khi “không gian sinh tồn” của họ bị giới hạn. Khó nói một giống dân nào thoát được khuynh hướng đó; kể cả người Việt Nam. Khi các triều đình từ đời Hán đến nhà Thanh đem quân sang đánh chiếm nước ta, đó cũng là hiện tượng bình thường trong lịch sử loài người. Các sắc dân khác cũng đều bành trướng nếu họ có cơ hội. Người Á Rập đã mở rộng ảnh hưởng ra khắp miền Trung Đông, lan qua khắp miền Bắc Phi Châu rồi tới cả Âu Châu. Người châu Âu đã chinh phục châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Người Việt Nam đã xâm lấn và đồng hóa những sắc dân Champa, Khơ Me trên đường Nam tiến. Mà ngày nay cũng vậy, chính sách bành trướng của các nước lớn thường do máu tham của những kẻ cầm quyền. Biết như vậy để chúng ta hãy nhìn lịch sử, những chuyện đã qua với một thái độ bình tĩnh, vô tư hơn.
Trong một ngàn năm nữa, tới năm 3,000, chắc biên giới giữa các quốc gia trên trái đất cũng không còn nữa. Nhưng trong khi chờ đợi lý tưởng đại đồng thành sự thật, người Việt Nam vẫn lo bảo vệ quyền tự chủ và nền độc lập của mình, như tổ tiên đã làm. Nhất là khi người dân trong lục địa Trung Hoa chưa được sống tự do dân chủ. Khi các người dân các nước đều có quyền chọn chính phủ bằng lá phiếu tự do thì chắc sẽ không còn các cuộc xâm lăng, bành trướng nữa. Vì người dân bình thường, khi được thông tin đầy đủ và tự do lựa chọn, họ sẽ thấy chủ trương gây chiến không có lợi bằng sống chung trong hòa bình. Cạnh tranh thành công trong thị trường thì mối lợi sẽ bền hơn là chiến thắng trên mặt trận, mà cũng đỡ tốn kém hơn.
Trong lịch sử hơn ngàn năm đô hộ, một hiện tượng đáng kể trong xã hội Giao Châu là rất nhiều lớp sóng di dân từ lục địa Trung Hoa sang Việt Nam, mỗi khi bên Tàu có loạn. Như sẽ thấy trong các chương sau, những di dân này sau nhiều thế kỷ dần dần hội nhập vào cuộc sống của dân tộc Việt Nam; họ trở thành người Việt. Chính họ cũng đóng góp vào quá trình xây dựng ý chí tự chủ của dân Việt. Ở các nước Á Đông khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, không thấy hiện tượng này.
Người Việt Nam hay gọi người Trung Hoa là người Tàu, hay người Tầu. Gần đây nhiều người muốn tránh dùng tiếng đó, vì sợ đó là một tên gọi xúc phạm. Nhưng có lẽ cũng không cần kiêng cữ như vậy. Trong tiếng Việt, tên gọi “người Tàu” có từ nhiều đời trước, vốn không có ý kỳ thị, xúc phạm, hay khinh rẻ. Như khi người Việt nói uống trà Tàu, đọc truyện Tàu, coi tuồng Tàu, tất cả các tên Tàu này đều ngụ ý có giá trị đặc biệt. Không người Việt nào nói uống trà Trung Quốc hay coi tuồng Trung Hoa. Nhiều khi người ta dùng chữ Tàu vì muốn khen ngợi, đề cao, như khi nói “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây.” Tản Đà viết các chuyện “Đàn bà Tầu” để nêu các tấm gương tốt cho phụ nữ Việt Nam học.
Tên gọi Tàu có một nguồn gốc hoàn toàn khách quan; cũng như mình gọi người Pháp là Tây, vì họ từ phương Tây đến. Nhà Nho đời Minh là Chu Thuấn Thủy (thế kỷ 17) viết một bài ký kể chuyện những thời gian ông qua Việt Nam (tất cả bẩy chuyến), trước khi chọn định cư ở Nhật Bản vì giấc mộng Phản Thanh Phục Minh thất bại. Rất nhiều di dân tránh loạn Mãn Thanh cùng sang nước ta vào thời đó, và họ sẵn sàng bái lạy Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần; còn Chu Thuấn Thủy không chịu. Trong cuốn sách ông kể người Việt gọi các di dân Trung Hoa này là Người Tàu; vì những họ dùng tầu, thuyền đi sang nước Việt. Họ là những “thuyền nhân” đã được dân Việt đón nhận; hai chữ “người Tàu” dịch nguyên văn hai chữ “thuyền nhân.” Học giả Nguyễn Duy Chính giải thích: Thuyền của người Trung Hoa được chế tạo theo hình dáng chiếc máng đựng nước cho ngựa uống nên gọi là “tào thuyền”, chữ “tào” nói biến âm thành Tàu.
Gọi người Trung Hoa là người Tàu, người Hoa, người Hán, hoặc Đường nhân, vì những từ đó đã phát sinh từ lịch sử, hoàn toàn không có nghĩa yêu hay ghét, trọng hay khinh. Khi cố tránh tiếng đó một cách gượng gạo có thể chỉ cho thấy trong lòng vẫn chứa nhiều mặc cảm do tâm phân biệt trọng, khinh. Mà cái tâm phân biệt đó cũng dễ giải thích, đã phát sinh vì các đụng chạm lâu đời suốt trong lịch sử.
Từ Lý Thường Kiệt tới Nguyễn Trãi, người Việt Nam lâu lâu phải lên tiếng xác định chủ quyền; vì tổ tiên chúng ta phải sống bên cạnh một đế quốc rất lớn và rất mạnh. Mạnh không phải chỉ vì họ đông người hơn; nhưng còn vì họ có khả năng bành trướng với một nền văn minh có giá trị và rất hấp dẫn. Văn hóa giúp các đế quốc giữ ảnh hưởng lâu dài và sâu xa hơn sức mạnh quân sự.
Trong một ngàn năm Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta phải đương đầu với sức mạnh văn hóa đó. Sức mạnh đồng hóa rất tự nhiên, vì bản chất của giáo lý Khổng Mạnh không dành riêng cho một chủng tộc. Các quy tắc đạo đức, triết lý, cách tổ chức xã hội, các lễ nghi dùng trong chính trị, cho đến cách viết chữ, nghệ thuật và văn chương Trung Hoa đều có tính phổ biến, nghĩa là bất cứ giống dân nào tiếp nhận cũng được. Hệ thống giá trị phổ biến này rất mạnh, có thể xóa nhòa nếp sống cũ của những nhóm dân khác khi họ tiếp xúc với văn minh Trung Hoa. Tư tưởng chính trị của người Trung Hoa lại hấp dẫn vì họ quan niệm cả thế giới là một tập thể, không phân biệt chủng tộc, với khái niệm Thiên Hạ (tất cả mọi thứ dưới bầu trời).
Văn minh Hán tộc dễ bành trướng vì họ không tự coi là một dân tộc, một quốc gia. Các hoàng đế Trung Hoa xác định phạm vi trách nhiệm của họ là tất cả mọi thứ “dưới bầu trời.” Từ khái niệm đó, những lý tưởng được Khổng Tử nêu ra là “Thiên hạ vi công,” (Thiên hạ là của chung, Luận Ngữ), ý có thể xóa bỏ biên giới giữa các quốc gia. Nhưng cũng từ quan niệm đó, lại phát sinh nhiệm vụ “Bình thiên hạ,” (Giúp cho cả thiên hạ được bình an, Khổng Tử, Đại Học). Các bạo chúa có thể sử dụng khẩu hiệu này khi chinh phục các nước nhỏ, nhân danh trách nhiệm Bình Thiên Hạ. Trong thực tế, khái niệm Thiên Hạ chỉ được giới vua quan quyền quý Trung Quốc sử dụng để gia tăng quyền bính. Khẩu hiệu “Bình Thiên Hạ” đã góp phần vào sức mạnh đồng hóa của người Hán trong vùng Hoa Nam cũng như Mãn Châu, Tân Cương, vân vân. Khái niệm này được sử dụng trong tham vọng bành trướng của các vị hoàng đế; cũng giống như một “chủ nghĩa quốc tế,” hay lý tưởng “giải phóng loài người” bị lợi dụng sau này vậy.