
- Kính gởi Anh Ngô Văn Mão với sự phân vân: “Em tỏ bày sự trăn trở của anh em mình lúc này thích hợp chưa anh? Có trễ quá không? Có sớm quá không? – Nhưng dù sao, thưa anh, em đã nóng ruột quá rồi!”
- Viết cho Anh Ngụy Như Bàng: “Như đối với bậc tri âm!”
- Viết với anh chị em Huynh trưởng bậc Lực: “Như một nỗi lòng cần được cảm thông, chia sẻ.”
________________________________
SÁCH – TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH ÐOẠN
- Các Bản Nội Quy – Quy Chế GÐPTVN
- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang – Bxb Lá Bối
- Biên Khảo Nội Qui – Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục
- Tôn Giáo và Dân Tộc – Nguyễn Văn Trung
- Gia Trưởng – Như Tâm Nguyễn Khắc Từ
- Sứ Mệnh GÐPT – Lữ Hồ
- Gia Ðình Phật Tử và Hòa Bình – Tham Luận – Võ Ðình Cường – Hội nghị HT cấp Tấn Ðà Lạt – 1970
- Vấn Ðề Hòa Bình Ðối Với GÐPTVN – Tham Luận – Tâm Toại Nguyễn Khắc Ủy – Hội nghị HT cấp Tấn Ðà Lạt – 1970
- Ðạo Pháp và Dân Tộc – Vấn Ðề Trăn Trở Khôn Nguôi CỦa Huynh Trưởng GÐPT – Biên Khảo – Nguyên Thành Lê Văn Hoàng – 1991
- Liên Ðoàn Trưởng, Anh Chị Là Ai? – Tham Luận – Nguyên Thành Lê Văn Hoàng – 1993
- Bi Trí Dũng – Một Cách Sống Hay Một Nghệ Thuật Sống? – Tham Luận – Nguyên Thành Lê Văn Hoàng – 1980
- Tạp Chí Viên Âm – số 34 – 48 – Hội An Nam Phật Học – 1949
- Nội San Sen Trắng – GÐPT Việt Nam
________________________________
LỜI NÓI ĐẦU
- Một đề tài lịch sử! Mà lịch sử là gì? Có phải nó là cái thú kể lại chuyện xưa tích cũ, những thăng trầm, buồn vui, thành công hay thất bại của một quá trình?
- Cái thú nhắc lại công lao, thành tích của mình đóng góp để tự ngắm nghía, vuốt ve tự ngã trong các sự kiện lịch sử mà mình một phần được tham gia, đã cống hiến cho tổ chức.
- Tự ngụp lặn trong hào quang của quá khứ tốt đẹp để thoả lòng tự mãn xa hoa?
- Hay tìm lại quá khứ vàng son để tự an ủi, củng cố thêm niềm tin, để biện minh cho những bất lực trong hiện tại và vô vọng trong tương lai?
Nếu thế quả lịch sử là vô bổ.
Không! Không! Dứt khoát không phải như vậy, ít nhất đối với chúng ta. Hãy dành việc đó cho các em thiếu niên nam nữ.
Thế thì nhìn các sự kiện lịch sử bằng con mắt nào? Những vấn nạn phải được đặt ra:
- Chúng ta có nhìn lịch sử bằng con mắt thiên kiến, đầy cảm tính không? Có “tốt khoe xấu che” không?
- Chúng ta có nhìn lịch sử bằng cái nhìn toàn diện – như nó vốn có – trong một bối cảnh xã hội hổn mang phù trầm kia không?
- Có phân tích những sự kiện lịch sử bằng lòng ngay thật – khoa học chưa? Cái lý cái tình đã thỏa chưa?
- Trong sự vận động liên tục của các sự kiện lịch sử chúng ta tìm ra những qui luật – những kinh nghiệm – những nhịp điệu của dòng lịch sử vận động như vô tình, như hữu ý để giúp mình tiên đoán được sự tiến hoá của xã hội cũng như vận mệnh của tổ chức chúng ta trong tương lai?
- Lịch sử có hướng dẫn sự phán đoán có tính chiến lược và hướng dẫn sự chọn lựa thái độ cũng như hoạch định giải pháp kế hoạch để đối phó với những bất ngờ trong môi trường xã hội phức tạp đau khổ, độc ác này không?
Thỏa được những điều kiện trên – Chúng ta đã thiết lập được chánh kiến trong vấn đề lịch sử này rồi.
Đó cũng là quan điểm của chúng ta – Những người đang tham dự vào bậc học cao nhất của tổ chức GĐPTVN.
- Chúng ta phải nghiên cứu lịch sử. Chứ chúng ta không học lịch sử hay ca tụng lịch sử – quả tình bản thân lịch sử cũng như tổ chức của chúng ta không cần chúng ta làm điều đó và chúng ta cũng không có quyền làm điều đó.
- Chúng ta phải nghiên cứu lịch sử bằng tinh thần phê phán, đánh giá phân tích tổng hợp, tìm ra được qui luật của sự kiện lịch sử, chứ không phải tiếp thu lịch sử ở dạng dữ kiện thô thiển vô hồn – đó là thái độ cũng như cung cách nghiên cứu lịch sử của chúng ta – Nghiên cứu với tinh thần đại học – Nghiên cứu với tinh thần Phật học: “Tìm ra cái lý tánh thường còn trong cái sự tướng vô thường”.
Muốn được như vậy, các sự kiện lịch sử GĐPT phải được nhìn qua nhiều góc cạnh – mà góc cạnh “Sự tiến triển”, “các giai đoạn” là một trong những góc nhìn mà chúng ta đang có nhiệm vụ khảo sát.
- Sự tiến triển: về số lượng – chất lượng – mục đích – cương lĩnh – về kết quả, hiệu năng đóng góp cho xã hội của tổ chức GĐPT.VN.
- Các giai đoạn: Sự phân chia từng bước ngoặc lịch sử để chúng ta có một cái nhìn nhất quán, liên quan đến các lĩnh vực khác – các mối liên hệ hỗ tương qua lại đáp ứng nhu cầu từng thời kỳ lịch sử. Và các giai đoạn lịch sử do ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Qua đó, chúng ta kiếm tìm một kinh nghiệm, phát hiện một qui luật và xác lập quan điểm, chiến lược hành động trong tương lai.
- Có “ôn cố” một cách ngay thật, khoa học – chúng ta mới “tri tân” sáng suốt – mới xác lập được quan điểm đúng đắn, mới vạch đường lối thích hợp, tìm ra một phương thức khả thi và điều kiện hướng dẫn hữu hiệu.
Về “Các giai đoạn” – việc phân chia theo năm, tháng, ngày, giờ này không tránh khỏi mang tính chủ quan – tùy theo từng góc nhìn sự việc, tùy quan điểm khảo sát – mỗi tác giả có một cách phân chia riêng phù hợp với mục đích nghiên cứu, với vấn đề mình quan tâm. Nó chỉ là phương tiện để hệ thống hóa kiến thức, làm sáng tỏ vấn đề – Lịch sử là một quá trình liên tục sinh động. Việc phân chia là bất đắc dĩ, vừa tương đối, vừa đầy tính chủ quan.
- Mỗi một “cột mốc”, “bước ngoặt” của lịch sử GĐPT là một đổi thay, một tiến bộ, một bước trưởng thành – làm thay đổi cả bộ mặt tổ chức, thay đổi mục đích nhắm tới hoặc tăng trưởng quí mô.
- Có những sự kiện lịch sử chỉ được nhắc lại sơ lược vì đã có quá nhiều tài liệu mà chúng ta đã biết. Riêng có những sự kiện tưởng chừng như không quan trọng nhưng lại là một sự kiện làm nền tảng cho một cuộc đổi thay.
- Sự tiến triển của GĐPT miền Nam và miền Bắc sẽ được trình bày chi tiết hơn để anh em có thêm tư liệu, nhất là đối với những anh em có thú vui sưu tập.
- Dĩ nhiên bài viết này không có cao vọng đưa ra một quan điểm chuẩn mực mà chỉ như một gợi ý, mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm suy nghĩ, bổ sung và làm hành trang, thiết lập quan điểm lập trường, kim chỉ nam cho chính bản thân mình – những Huynh trưởng có chánh kiến, có trách nhiệm và có lương tâm.
Với quan điển trên, chúng ta cùng tham cứu đề tài: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GÐPT QUA CÁC GIAI ÐOẠN
Tham Luận SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GÐPT QUA CÁC GIAI ÐOẠN, tác giả Nguyên Thành Lê Văn Hoàng
Bodhi Media thực hiện, Tủ sách Phổ Hòa phát hành, 2019
SỰ TIẾN TRIỂN CỦA GÐPT QUA CÁC GIAI ÐOẠN
- Thoát thai từ biến cố lịch sử, những nhu cầu bức thiết của xã hội, nhân sinh, những trăn trở của người con Phật chân chính trước xã hội hỗn loạn, Phật pháp suy đồi, bị ngộ nhận, rẻ khinh.
- Thuận duyên với Phong trào chấn hưng Phật giáo đang là trào lưu lớn mạnh trong toàn vùng.
- Thúc đẩy bởi tinh thần từ bi, trí tuệ và dũng mãnh. Lý tưởng GÐPT được ấp ủ, hình thành. Các tổ chức giáo dục thanh niên Phật giáo ra đời, hệ thống hóa thành một tổ chức khoa học, tiến bộ, bắt kịp trào lưu xã hội, tiến triển và trưởng thành đủ bản lĩnh nhận lãnh sứ mệnh đối với bản thân và xã hội.
- Từng giai đoạn hình thành, bằng chánh kiến, chánh tư duy, thiết lập chánh nghiệp, tương hợp trong mỗi trạng huống xã hội, chứng minh bản lĩnh vô úy của chính mình. Từng bước tiến lên tồn tại và trưởng thành vượt qua mọi xu thế chính trị, mọi thế lực nhất thời. Nhiếp phục xã hội, kể cả những kẻ không đồng tình với chúng ta vì lẽ này hay lẽ nọ.
Bằng niềm tự hào quá khứ đó, cộng với tình trạng GÐPT hiện nay, trăn trở về một tiền đồ GÐPT là nổi bức xúc không chỉ mỗi riêng ai.
Nhìn lại quá khứ – thiết lập hành trang thích hợp cho con đường đi tới âu cũng là việc đáng làm, dù trễ còn hơn không.
A. GÐPT QUA CÁC GIAI ÐOẠN
1. GIAI ÐOẠN DUYÊN KHỞI
Bức xúc trước tình trạng xã hội và nhân sinh lúc bấy giờ, mong ước có một thế hệ Phật tử đầy đủ chánh tín; những con người chân chánh sống trong một xã hội chân chánh là mong ước cháy bỏng trong lòng mọi người con Phật có trách nhiệm và có lương tâm.
- Nói rằng, năm 1940 các sơ sở của tổ chức giáo dục Thanh thiếu niên Phật tử được thành lập cũng đúng. Nhưng phải biết rằng đã từ năm 1932, những tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật tử đã có mặt rồi và được gọi là Ban Ðồng Ấu. Ở Trung thì do các vị như Bửu Bác chăm sóc dạy dỗ, ở Bắc thì do các vị như Công Chân luyện tập. Tuy nhiên những Ban Ðồng Ấu này chưa đích thực là những tổ chức giáo dục Thanh thiếu niên có tổ chức, có chương trình, có phương pháp.
- Ðến năm 1940, Tâm Minh Lê Ðình Thám qui tụ một số thanh niên trí thức Tân Học tại Huế, phần lớn là con em các cư sĩ từng hoạt động trong Hội An Nam Phật Học và thành lập Ðoàn Phật Học Ðức Dục (Ông cũng gọi tổ chức này bằng danh từ Pháp ngữ “Commission d’Etudes Bouddhiques et de Perfectionnemen Moral”). Bản thân Ông điều khiển tổ chức này và dạy Phật pháp cho họ. Ðều là những người trí thức, họ được nghe trình bày đạo Phật theo lối Tân học nên các anh chị học hiểu và thấm nhuần giáo lý Phật giáo, họ nhận chân tinh thần Phật giáo một cách mau chóng, đồng thời họ còn được học Nho học và Lão học để nâng cao tri thức đạo đức và mở rộng tầm nhìn, phát huy chánh kiến (Ông Ðinh Văn Chấp, tiến sĩ Hán học phụ trách).
- Ðoàn Phật học Ðức Dục lúc ấy tượng trưng cho một “Ðạo Phật rất mới” – Bài ca chính thức của Ðoàn – Bài Hoa Sen Trắng – được hát bằng tiếng Pháp. Ðiều này khiến cho giới Thanh thiếu niên thấy rằng Ðạo Phật là một cái gì rất hợp thời, không còn cổ hủ, lạc hậu nữa.
- Ðồng thời, nhiều Ban Ðồng Ấu được thành lập, những Ban này được hướng dẫn, học tập, rèn luyện bởi những Ðoàn viên của Ðoàn Thanh niên Phật học Ðức Dục. Người chăm sóc các em tại mỗi ban được gọi là Anh hay Chị “Kiểm Ban”.
- Ngoài các Ban Ðồng Ấu do Ðoàn PHÐD trực tiếp hướng dẫn. Các anh chị lúc đó còn ra sức giúp đỡ các Ðoàn thể khác cùng mục đích với mình, tuy hoạt động có yếu hơn, ảnh hưởng không sâu rộng như: Ðoàn Thanh niên Phật tử, Ðoàn Thiếu nhi Phật Hiện đại.
- Cuốn sách căn bản để giáo dục Phật pháp và đời sống cho thanh thiếu niên hồi ấy là cuốn “Phật giáo sơ lược”, trình bày theo lối vấn đáp từng câu hỏi nhỏ, từ trình độ thấp đến cao; khúc chiết, minh bạch, dễ hiểu, dễ nhớ, bằng những từ ngữ thông dụng hợp thời – Ðến nay, theo nhận xét của tôi nó vẫn còn có giá trị cao về mặt giáo dục và sư phạm. Một biên khảo về cuốn sách này quả là điều lý thú và cần thiết.
- Năm 1942, Cụ Lê Ðình Thám thấy bọn trẻ làm việc có hiệu quả nên giao cho họ điều khiển, biên tập tạp chí Viên Âm của Hội An Nam Phật học (từ số 48 trở đi) và sử dụng tạp chí này để tạo dựng một thế hệ Phật tử mới. Hầu hết bài viết đều hướng về thế hệ trẻ.
- Ðoàn Phật Học Ðức Dục lại hoạt động xuất bản, tổ chức “Phật học Tùng thư” và xuất bản nhiều sách Phật học, trong đó có các quyển “Phật giáo và thanh niên Ðức dục” của Phạm Hữu Bình, “Phật giáo và Ðức Dục” của Ðinh Văn Vinh, “Ðời vui” của Ngọc Thừa, “Thanh niên Ðức Dục” của Ðinh Văn Nam. “Ðời sống vui” của Trần Ðỗ Cung. Những cuốn sách này đều nhắm đến việc xây dựng phong trào Thanh thiếu niên Phật tử.
- Cuối năm 1942, đã có 82 Ban Ðồng ấu được thành lập, mỗi Ðoàn có khoảng 40 em.
- Ðại hội Thanh thiếu niên Phật tử ngày Phật đản 1944, qui tụ trên 400 Ðoàn sinh tại đồi Quảng Tế (gần chùa Từ Hiếu – Huế). Ðại hội này khai sinh Gia đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của GÐPT sau này, đánh dấu sự phát động phong trào Thanh thiếu niên Phật tử tại Việt Nam.
- Ðưa tuổi trẻ vào Ðạo Phật – thành công bước đầu của phong trào Thanh thiếu niên Phật tử – cũng có thể nói là một thành công lớn trong ý hướng phục hưng Phật giáo của nước ta vậy.
2. GIAI ÐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Thành công của Ðại hội thanh thiếu niên Phật tử tại đồi “Quảng Tế” làm nức lòng con Phật, chứng minh việc làm trên đáp ứng nhu cầu xã hội, thích hợp với giới trẻ và được xã hội chấp nhận. Các Gia đình Phật Hóa Phổ đầu tiên ra đời mang tên Tâm Minh, Thanh Tịnh, Tâm Lạc,…
- Nhưng “sự đời không đi đôi với bản nguyện”. Năm 1946, chiến tranh giành độc lập của dân tộc bùng nổ, anh chị em một số làm nhiệm vụ với Tổ quốc, tại Huế nhân dân phải tản cư, phong trào mới khai sinh đã phải dừng lại. Nhưng ước muốn đem vui cứu khổ vẫn còn đó, với trí tuệ và dũng lực vẫn còn đây, anh chị em lại bắt tay làm lại từ đầu sau ngày hồi cư.
- Gia đình Phật Hóa Phổ đầu tiên được phục hồi lấy tên GÐPHP Hướng Thiện do cụ Phan Cảnh Tú làm Phổ trưởng.
- Về hình thức và sinh hoạt của Gia đình này cũng không có gì khác so với các Gia đình Phật Hóa Phổ trước đó, nghĩa là chưa được tổ chức thành đoàn, đội, chúng…, chưa có đồng phục, chưa có nội qui rõ ràng, mà lại… không được thuần nhất như trước kia (GÐPHP Hướng Thiện lúc đầu gồm cả già, trẻ, bé, lớn, những thành viên sáng lập Hội Phật Học, các cư sĩ nam, nữ, thanh niên Phật Tử, Hướng đạo sinh…). Vì hoàn cảnh lúc đó phải chấp nhận việc trên, không ít những lời phản đối, nhưng âu cũng là cơ duyên thuận lợi “đa dạng hóa nhân sự” cho bước phát triển của phong trào sau này.
- Trong tình hình xã hội và đất nước có nhiều biến chuyển (1946-1947), giai đoạn “phục hồi” của GÐPHP cũng bị ảnh hưởng và chuyển biến. Một xu hướng mới, tiến bộ, đòi hỏi phải có tổ chức khoa học, có tinh thần xã hội, có phương pháp tiên tiến. Nên mục đích của GÐPHP đã có phần sai khác với mục đích do Ðạo hữu Tâm Minh đề xướng trước đây.
- Gia đình Phật Hóa Phổ Hướng Thiện đã có một “bộ mặt mới”: chỉ còn giữ lại thành phần trẻ, bắt đầu phân chia nam nữ theo từng hạng tuổi và kết thành đội, chúng, đàn. Tiến một bước “hiện đại hóa”, đòi hỏi phải có đồng phục, huy hiệu, cờ, phù hiệu, cấp bậc… được chấp thuận.
- Năm 1947, Tổng Trị Sự Hội Phật Học Trung phần (trước là Hội Phật Học Trung Phần, rồi Hội Việt Nam Phật Học) ra quyết định thừa nhận Gia đình Phật Hóa Phổ.
- Tháng 6-1948 (Mậu Tý – PL 2491) khi Tổng Hội đặt trụ sở tại 1B, đường Nguyễn Hoàng thì GÐPHP Thừa Thiên cũng được Tổng Hội dành cho một nơi để làm Niệm Phật Ðường và trụ sở.
- Ngày thành Ðạo PL 2491 (đầu năm 1949) GÐPHP tổ chức “Lễ Ra Mắt” tại giảng đường chùa Từ Ðàm dưới sự chứng minh của các ngài Hòa thượng, Thượng tọa Tường Vân, Thuyền Tôn, quý thầy trong giáo hội và Ban Trị Sự Hội Phật Học (Ð/h Lê Văn Ðịnh làm Chánh hội trưởng) chính trong buổi lễ này, “Huy hiệu Hoa Sen” của Gia đình Phật Hóa Phổ được đích thân các Ngài gắn vào áo của các anh Võ Ðình Cường, Văn Ðình Hy, Phan Xuân Sanh, Nguyễn Xuân Quyền và các chị Hoàng Thị Kim Cúc, Tôn Nữ Cẩm Nhung, Ðoàn Thị Nhường, Ðặng Tống Tịnh Nhơn, Hoàng Thị Khương, Hoàng Thị Quý…
- Sự trưởng thành và bành trướng sau này của GÐPHP có công đức lớn lao của các Thầy Thích Minh Châu, Thích Ðức Tâm, Thích Thiên Ân, Chơn Trí…
- GÐPH Hướng Thiện mỗi ngày thêm đông, cần củng cố và phải nghĩ đến việc thành lập những Gia đình mới. Và từ đó ta có những Gia đình Tịnh Trang, Gia đình Chơn Tri, Gia đình Hương Ðàm, Gia đình Hương Ðạo, Gia đình An Thiện, Gia đình Hương Từ, Gia đình Gia Thiện v.v…
- Những Gia đình Phật Hóa Phổ đầu tiên này, lúc bấy giờ, thường sinh hoạt hằng tuần vào ngày Chủ Nhật, ngay tại nhà các vị Gia trưởng hay ở một góc sân chùa, trước sân khuôn tịnh độ Tỉnh hội… (như trong Thành Nội, Chợ Cống, Chùa Từ Ðàm, Gia Hội, An Cựu, Phú Bình, Phúc Cát…)
- Chẳng bao lâu tổ chức GÐPHP – Huế được các Tỉnh khác hưởng ứng như ở Ðà Lạt, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết…
- Cũng trong thời gian 49-50, tổ chức GÐPHP cũng bắt đầu thành hình tại miền Nam do anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục phổ biến… Nhưng tại miền Nam thì giai đoạn hình thành có phần khác với miền Trung và miền Bắc. (Từ trước, trong các tư liệu “Thành lập GÐPHP” chúng ta, thì thường đề cập đến các Gia đình ở miền Trung và ít nói đến GÐPHP tại miền Bắc, miền Nam và đặc biệt các Gia đình Phật tử Bắc Việt tại miền Nam – miền Vĩnh Nghiêm (năm 1955-65). Nay chúng ta xét cũng nên nhắc lại những nét lớn để bổ sung, một phần để Ðoàn viên Gia đình Phật tử có thêm tư liệu, một phần làm nền tảng tư duy tổ chức độc đáo chỉ có thể tìm thấy được trong tổ chức Thanh – Thiếu – Ðồng niên của Gia đình Phật tử Việt Nam).
- Tại miền Trung các GÐPHP thành lập được một Ban Hướng Dẫn GÐPHP đầu tiên (năm 1950) gồm có: Trưởng ban là anh Nguyên Hùng Võ Ðình Cường và nhiều Ban viên: các anh Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Xuân Quyền, Lê Văn Dũng và chị Hoàng Thị Kim Cúc, Ðặng Tống Tịnh Nhơn… thì anh Văn Ðình Hy, ra Hà Nội học đã cổ động, trình bày với các anh chị Phật tử ở Hà Nội và Hải Phòng… và anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục (trước đây là một Huynh trưởng GÐPHP Chơn Tri và là người sáng lập GÐPHP Chánh Giác (năm 1949) tại Chùa Phật Quang, thuộc Giáo hội Tăng Già Nam Việt.
Một dấu ngoặc được mở ra ở đây để ghi thêm: “Giai đoạn duyên khởi hình thành Gia đình Phật Hóa Phổ tại miền Nam”:
- Trong thời kỳ Chấn hưng Phật giáo (1931), một “Hội Phật Học” đầu tiên được thành lập tại Sài Gòn lấy tên là Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học và kế đó là Hội Lưỡng Xuyên Phật Học. Những vị có công khởi xướng lên hội này là các Ngài Khánh Hòa, Ngài Huệ Quang, Ngài Khánh Anh cùng một số quý vị tăng già và cư sĩ tân tiến… Trong khi phong trào chấn hưng Phật giáo đang lên (tại cả ba miền) thì trận thế chiến thứ hai bùng nổ và tiếp theo là chiến tranh Việt Pháp làm gián đoạn các sự hoạt động của các hội Phật học, các Giáo hội trong nước.
- Ðến những năm 1947-48, mặc dù chiến tranh Việt Pháp chưa ngưng tiếng súng, nhưng vì nóng lòng vì Ðạo Pháp, những nhà lãnh đạo Phật giáo ở trong các vùng bị quân đội Pháp chiếm đóng, đã tích cực hoạt động để chỉnh đốn và phát triển, những cơ sở của các hội đã bị chiến tranh tàn phá… Một số, các Thượng tọa, Ðại Ðức ở Huế di cư vào Nam, cùng các thầy tại miền Nam, mới bắt đầu gây dựng Giáo hội Tăng già miền Nam, trước tại chùa Sùng Ðức (Chợ Lớn) sau dời về chùa Ấn Quang.
- Năm 1949, được các thầy Thích Huyền Dung, Thích Quảng Liên và nhất là thầy Thích Thiện Hòa khuyến khích và nâng đỡ về tinh thần và tài chánh, anh Tâm Lạc mới triệu tập được một số các em thiếu niên, thành lập nòng cốt GÐPHP, lấy tên là Gia đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri Sài Gòn, tại chùa Sùng Ðức.
- Khi Giáo Hội Tăng Già Việt Nam dời về chùa Ấn Quang GÐPHP Chơn Tri Sài Gòn dời về chùa Phật Quang (Chợ Lớn) thì GÐPHP Chơn Tri Sài Gòn đã trong giai đoạn phát triển với 6 anh, chị trưởng và trên 60 đoàn sinh.
- Vì lẽ bấy giờ chưa có hội Phật học Nam Việt nên Giáo hội Tăng Già Nam Việt phải đứng ra đỡ đầu (pháp lý hóa) và đổi tên Gia đình là Gia đình Phật Hóa Phổ Chánh Giác (năm 1950). Dù chỉ có một và một Gia đình duy nhất, nhưng GÐPHP Chánh Giác cũng đã có “Nội Quy Trình” riêng của nó (khác về phần chi tiết nhưng giữ được phần nội dung chính so với Nội quy trình được áp dụng tại miền Trung và miền Bắc).
Năm 1951 có 2 biến cố lịch sử của Phật giáo đã diễn ra:
- Ðại hội Gia đình Phật hóa Phổ, gồm 9 tỉnh hội, chi hội Việt Nam Phật học miền Trung (Thừa Thiên, Lâm Viên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Ðồng Nai Thượng, Di Linh, Bình Thuận, Chi hội Cam Ranh) với sự tham gia chính thức của Anh Nguyễn Văn Nhã (GÐPHP Minh Tâm chùa Quán Sứ Hà Nội), chị Ni (GÐPHP Liên Hoa, Hải Phòng) và dự thính của anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục (GÐPHP Chánh Giác Nam Việt, lúc bấy giờ còn thuộc hệ thống Giáo hội Tăng Già Nam Việt), họp tại chùa Từ Ðàm – Huế trong những ngày 24, 25, 26 tháng 4 năm 1951. Chính trong Ðại hội này (năm 1951) Gia đình Phật hóa Phổ đã đổi danh hiệu của mình với danh hiệu mới là Gia đình Phật tử, và Ðại hội đã biểu quyết một bản “Nội quy trình” căn bản phù hợp với sự trưởng thành của tổ chức giáo dục Thanh, Thiếu, Ðồng niên Phật tử thuộc Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
- Ðại hội Phật giáo Thống nhất lần đầu tiên của 6 tập đoàn Tăng già và cư sĩ, gồm 51 đại diện họp tại chùa Từ Ðàm Huế trong những ngày 6, 7, 8 và 9 tháng 5 năm 1951. (Trong dịp chào mừng đại hội, GÐPT kính tặng bài hát “Phật giáo Việt Nam Thống Nhất”.
- Ðại hội đã thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Trong ban Quản trị Trung Ương đầu tiên của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, anh Võ Ðình Cường được bầu làm Ủy viên Thanh niên và anh Tống Hồ Cầm làm phó thư ký.
- Vào cuối năm 1951, Khi hội Phật học Nam Việt có trụ sở tại chùa Phước Hòa – Bàn Cờ (Sài Gòn) thì các anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Hữu Huỳnh và Nguyễn Văn Thục mới bắt đầu gây dựng Gia đình đầu tiên thuộc Hội Phật Học Nam Việt lấy tên là GÐPT Chánh Trí do anh Nguyễn Hữu Huỳnh làm Liên Ðoàn Trưởng và đạo hữu Mai Thọ Truyền làm Gia Trưởng.
- Trong tinh thần “Thống nhất tổ chức GÐPT trong cả nước”, Gia đình Phật Hóa Phổ Chánh Giác (thuộc Giáo hội Tăng già Nam Việt) và Gia đình Phật Tử Chánh Tín (thuộc hệ thống Phật Học Nam Việt) đã sát nhập lại thành một Gia đình (thuộc hệ thống Hội Phật Học Nam Việt), lấy tên chung là GÐPT Chánh Ðạo (tháng 2/1952) với Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, rồi bàn giao cho Ð/h Võ Ðình Dân làm Gia trưởng, Ð/h Tống Hồ Cầm làm cố vấn, và anh Nguyễn Văn Thục làm Liên Ðoàn Trưởng.
- Năm 1952 là giai đoạn “phát triển” của các Gia đình miền Nam. Nhờ được tiếng vang và ảnh hưởng sâu xa của 2 Ðại hội (Ðại hội Gia đình Phật tử và Ðại hội Phật giáo Thống nhất) tổ chức năm 1951 tại Huế, nhờ có sự tiếp sức nồng hậu và tích cực của một số anh chị Miền Trung vào sinh sống tại Sài Gòn, đặc biệt nhờ sự khuyến khích của các Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức trong Giáo hội Tăng Già Nam Việt (Chùa Ấn Quang), đặc biệt các Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Ðại đức Thiện Ðịnh, Thanh Từ v.v… nhận vai trò cố vấn Giáo lý các Gia đình, vừa cổ động thành lập Gia đình tại các tỉnh miền Nam, Ban Huynh trưởng GÐPT Chánh Ðạo liên tiếp tổ chức các trại huấn luyện Ðội, Chúng, Trưởng, Huấn luyện Ðoàn trưởng “A-Dục I” (Sài Gòn) “A-Dục II” (Cần Thơ)…
- Lần lượt các tỉnh Gia Ðịnh, Sadec, Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh, Bình Dương, Biên Hòa… đã bầu được Ban Hướng Dẫn Tỉnh, tiến đến Bầu Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Nam Việt với anh Tống Hồ Cầm làm Trưởng Ban và anh Nguyễn Văn Thục làm Phó.
- Giai đoạn thành hình các Gia đình Phật Tử Bắc Việt (sau này GÐPT miền Vĩnh Nghiêm) thì bắt đầu từ 1955-56. Sau nạn chia đôi đất nước năm 1954, số đông các Thượng tọa, Ðại đức trong Giáo hội Tăng Già Bắc Việt đã sớm ổ định và tập trung được các cư sĩ Phật tử Bắc Việt tại chùa Giác Minh, các Thầy cũng nghĩ ngay đến việc thành lập Gia đình Phật tử để giáo dục Thanh, Thiếu, Ðồng niên…
- Hai Thượng tọa Thích Thanh Cát và Thích Chánh Tiến sớm quan hệ với anh Tâm Lạc và nhờ anh đứng ra mời các anh, chị Trưởng đến tổ chức và hướng dẫn các em tại chùa Giác Minh (đường Phan Thanh Giản Q.3 Sài Gòn) và mấy tháng sau thêm một Gia đình nữa tại chùa Kim Cương (đường Trần Quang Diệu Q.3 Sài Gòn) hai Gia đình này đều thuộc hệ thống Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam. Lấy tên là GÐPT Giác Minh I và Giác Minh II.
- Ðến khi Hội Phật Học Bắc Việt tại miền Nam dời về Chùa Phước Hòa (Bàn Cờ Sài Gòn – Trước đây là trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt và là nơi sinh hoạt của Gia Ðình Chánh Trí – Chánh Ðạo) thì Hội Phật Học Bắc Việt tại miền Nam mới thành lập thêm một Gia đình Phật tử Minh Tâm do Ð/h Viên Quang làm Gia Trưởng.
- Hai Gia Ðình Giác Minh I và Giác Minh II trước đây do anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục làm Liên Ðoàn Trưởng nay cũng được bàn giao lại cho Ð/h Tâm Thông Nguyễn Ðức Lợi làm Gia trưởng với một số đông anh, chị Trưởng đã qua các khóa huấn luyện Huynh trưởng. Các anh, chị này là những Huynh trưởng nồng cốt của các Gia đình và sau này là những Ban viên trong Ban Hướng Dẫn GÐPT miền Vĩnh Nghiêm do Ð/h Tâm Thông Nguyễn Ðức Lợi làm Trưởng Ban, anh Minh Phong Tôn Thất Liệu và chị Ðoàn Thị Kim Cúc làm Phó Trưởng Ban.
Trở lại, nói chung về GÐPT toàn quốc:
- Năm 1953, một Ðại hội GÐPT – lần thứ hai được tổ chức tại Huế với 63 đại diện Trung, Nam, Bắc để cải thiện chương trình sinh hoạt về 3 phương diện:
1. Ðạo trong Ðời, Ðời trong Ðạo
2. Lý thuyết để thực hành, thực hành cho lý thuyết
3. Áp dụng đúng thời và hợp thế. - 1955, Ðại hội lần thứ Ba tại chùa Linh Sơn, Ðà Lạt, tập trung về việc chấn chỉnh “Hình thức GÐPT” và thảo luận về “Sứ mệnh Huynh trưởng GÐPTVN”. Chính trong kỳ Ðại hội này “Quy chế Huynh trưởng” ra đời.
- Ngày 22/1/1961, Ban Hướng Dẫn GÐPT Trung phần đã tổ chức tại Huế một Ðại hội Huynh trưởng Trung phần thường niên, nhưng mang một tánh cách đặc biệt liên hệ đến tình hình đất nước và xã hội. Xin trích một vài đoạn trong bài diễn văn của Chị Trưởng Ban: “… Ngày nay nếu hoạt động của GÐPT đối với Ðạo Phật nước nhà không còn là một tổ chức nhất thời phụ thuộc, thì sứ mạng của nó trước hiện tình của thời cuộc Việt Nam hiện tại, càng to lớn, gay go, càng trở nên phức tạp. Về vấn đề quan trọng này, nó đã làm cho bao nhiêu kẻ hữu tâm phải thường lo âu, suy nghĩ, đặt vấn đề và nêu lên một tình trạng cần thiết để giải quyết tình trạng đó…”, “Suốt một năm qua, vì lẽ sự đời không đi đôi với bản nguyện, ngoài những cố gắng đẹp đẽ của các GÐPT Tỉnh Hội, trong những sinh hoạt hạ tần. Cơ sở thượng tầng mà BHD/TP phải lãnh một phần trọng trách hình như không tiến được một bước nào khả quan – không khả quan chỉ vì có nhiều thất bại, lâm vào tình trạng bất khả cần được trình bày cùng quý vị tường tận hơn ở đoạn sau…”.“… Tuy vậy để đối phó với tình trạng khó khăn này, thuận thời mà không lợi thế, hầu đẩy mạnh phong trào GÐPT về chiều rộng lẫn chiều sâu, chưa bao giờ vai trò lãnh đạo cần được lưu tâm mật thiết như ngày nay. Vấn đề này đòi hỏi những con người tài đức, thực tế, mềm dẽo, trung kiên để thành tựu đối nội, nhất là đối ngoại…”
- Ðại hội Huynh trưởng thường niên Trung phần này cũng có thể xem như một “tiền hội nghị mở rộng” chuẩn bị cho một Ðại hội Thống nhất GÐPT Việt Nam (trong hệ thống của Tổng hội PGVN toàn quốc) được tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, cũng trong năm 1961.
- Mục đích của đại hội này là tiến đến, không những thống nhất về “tinh thần”, về “tổ chức” mà còn thống nhất về mặt “hình thức”, áp dụng một “Nội Quy” chung cho cả nước, bầu một Ban Hướng Dẫn GÐPT Trung Ương (gồm BHD Trung phần, BHD Nam Việt và BHD Vĩnh Nghiêm (Bắc Việt). Nhưng rất tiếc lúc bấy giờ, nội tình (lại nội tình) và ngoại cảnh còn phức tạp và còn gặp quá nhiều trở ngại nên đại hội chưa đạt kết quả mong muốn.
- Mãi đến năm 1964, sau cuộc Pháp nạn (1963) vận động tranh đấu bảo vệ Chánh Pháp, bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội của Phật giáo Việt Nam, đã đem lại thành công. Phật giáo Việt Nam bước qua một giai đoạn mới, giai đoạn cải tạo xã hội, đem lý tưởng hòa bình cố hữu của Phật giáo để phục vụ dân tộc. Phật giáo Việt Nam từ đây đã thật sự thống nhất. Hòa vào niềm phấn khởi đó, Ðại hội Huynh trưởng thống nhất GÐPTVN được triệu tập, mở ra một kỷ nguyên mới trưởng thành của GÐPT Việt Nam.
- Qua đoạn trên, chúng ta thấy rằng: Hoạt động trong thời kỳ này trở về trước thật không “dễ ăn” chút nào. Chúng ta hãy nghe anh Trưởng Ban Hướng Dẫn “than” như thế này:
“… Danh từ Gia đình Phật tử đã quen thuộc với bà con cố đô này lắm, tuy thế, ý nghĩa của nó, mục đích và hoạt động, lập trường và triển vọng của nó, còn lờ mờ đối với phần đông đồng bào ở Thuận Hóa, có một số bà con đã có thái độ quý hóa là cố theo dõi công việc của chúng tôi để tìm hiểu mặt thật của GÐPT. Nhưng tiếc thay, thái độ quý hóa đó không phải là thái độ của số đông! Phần đông đồng bào đã mang những cặp kính màu của họ: thôi thì, đỏ cũng có mà vàng cũng có, xanh cũng có mà tím cũng có. Lạ nhất là có khi nó biến ra thành ngôi sao vàng trên nền đỏ, có khi thành ra ba sọc đỏ và có khi thành xanh trắng đỏ nữa! Vâng, người ta đã quả quyết rằng đó là đoàn thể biến tướng của Việt Minh, vì “bọn nó cứng đầu lắm, không ủng hộ ai cả”. Có người lại bảo: “Chúng nó là của chính phủ. Chúng nó ranh lắm. Bây giờ giả vờ trung lập để câu thanh niên, nhưng một ngày kia đủ lông đủ cánh, chúng nó sẽ về với chính phủ bù nhìn cho mà xem”. Có người lại bảo: “Chúng nói là của Tây, vì nếu không phải là của Tây thì thế nào mà hoạt động được trong vùng chiếm đóng”. Có người lại bảo: “Ðó là tổ chức thanh niên bắt chước Hướng đạo mà bắt chước không nên, thế thì theo quách Hướng đạo còn hơn”. Có người lại bảo: “Ðó là một tổ chức tôn giáo lạc hậu, có mục đích nhồi sọ, bắt trẻ con đi cầu siêu cầu an, hộ niệm cho rậm đám”. Ðó là những dư luận lớn. Ngoài ra thỉnh thoảng chúng tôi còn nghe bay trong gió những lời hăm dọa, chúng tôi chỉ biết mỉm cười: có những lời ca tụng mà như phản tuyên truyền, những lời chê bai mà chúng tôi lại lấy làm sung sướng.
Những dư luận sai lầm vừa kể đó, chúng tôi không trách cứ vào ai cả. Chúng tôi đã tự trách mình đã thiếu kinh nghiệm…” (Diễn văn – 1942) - Thời đó, các anh chị đã bình tĩnh đối phó với những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được: Những thế lực chính trị hăm dọa, mua chuộc, đất nước phân hóa, chiến tranh, đầy dãy thành kiến và ngộ nhận. Một cổ năm bảy tròng. “Cựa quậy” làm sao? Ðối phó làm sao? Không những xã hội, ngay cả nội bộ cũng có vấn đề “… nội tình ngoại cảnh biết bao phức tạp…”. “Sự đời không đi đôi với bản nguyện”, “thuận thời mà không lợi thế”v… Trong tình trạng như vậy, các anh chị vẫn anh dũng vượt qua – Yếu tố nào? Phẩm chất nào? Thuận lợi nào?Phải chăng – cũng như lời Chị Cúc: “… không lúc nào vai trò lãnh đạo cần được lưu tâm mật thiết như ngày nay. Vấn đề này đòi hỏi những con người tài đức, thực tế, mềm dẽo, trung kiên để thành tựu đối nội, nhất là đối ngoại…”Vai trò lãnh đạo trên đây là ai? Nếu như chị Cúc không chỉ rõ là các anh chị ngồi đây? Ðể cùng nhau chia sẻ ý niệm: Tài đức, mềm dẽo, thực tế, trung kiên, thành tựu đối nội, đối ngoại?!!! Và trong những khái niệm đó, chúng ta được mấy phần? Một thành công lớn trong ý hướng phục hưng Phật giáo của nước ta vậy.
III. GIAI ÐOẠN THỐNG NHẤT VÀ TRƯỞNG THÀNH
Ðại hội Huynh trưởng thống nhất GÐPTVN, (28-29-30/6/1964) gồm 200 đại biểu – đại diện cho 942 Gia đình Phật tử (942 vị Gia trưởng, 7452 Huynh trưởng các cấp và 78,756 đoàn sinh các ngành), đã biểu quyết một Bản nội quy mới cho cả nước, phù hợp với giai đoạn mới, với cơ cấu tổ chức mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đúng theo Hiến chương của GHPGVNTN lập ngày 04-1-1964, và đã bầu một Ban Hướng Dẫn Trung Ương GÐPTVN.
- Lần đầu tiên trong lịch sử GÐPTVN, một Ban Hướng Dẫn thống nhất trong cả nước, một Nội quy chung, một đường lối chung, một cương lĩnh chung, một chương trình chung, một phương pháp chung… được chấp nhận. Sự nhất trí đã lên đến đỉnh cao. Uy tín của GÐPT đối với xã hội đã được minh định và sự trưởng thành của GÐPT Việt Nam được xem là lẽ đương nhiên.
- Tưởng cũng nên nhắc lại thành phần của BHDTW đều tiên đó để thấy rằng, uy tín của các thành viên BHD và uy tín của tổ chức là không thể tách rời. Một BHD mà: “Khả năng và đạo đức không thể tách rời, tri thức và kinh nghiệm phải được thực hiện nương nhau”.
Ban Hướng Dẫn Trung Ương GÐPTVN (đầu tiên):
– Trưởng ban: Võ Ðình Cường
– 2 Phó Trưởng ban: Tống Hồ Cầm (ngành nam) – Hoàng Thị Kim Cúc (ngành nữ)
– Tổng Thư ký: Cao Chánh Hựu
– 2 Phó Tổng Thư ký: Ðoàn Văn Lộc – Nguyễn Xuân Quyền
– UV Nghiên huấn: Phan Văn Gái
– UV Tổ chức và Kiểm soát: Nguyễn Khắc Từ
– UV Văn Mỹ nghệ: Lê Cao Phan
– UV Hoạt động Thanh niên và Xã hội: Ðoàn Văn Thiệp
– UV Doanh tế: Lê Văn Lộc
-UV Tu thư: Nguyễn Minh Hiền
– UV Nam Phật tử: Nguyễn Hữu Thanh
– UV Nữ Phật tử: Ðoàn Thị Kim Cúc
– UV Thiếu Nam: Phú Toàn Cương
– UV Thiếu Nữ: Phạm Thị Xuân Viên
– UV Nam Oanh Vũ: Bùi Công Phương
– UV Nữ Oanh Vũ: Trần Thị Tuệ Tâm
Ðại diện Miền:
– Vạn Hạnh: Lương Hoàng Chuẩn
– Liễu Quán: Trần Ngọc Giao
– Khuông Việt: Nguyễn Châu
– Khánh Hòa: Mã Thành Cưng
– Huệ Quang: Nguyễn Thanh Quang
– Vĩnh Nghiêm: Nguyễn Ðức Lợi
– Quảng Ðức: (trực thuộc BHDTƯ)
Như vậy đối với “Người mặc áo Lam”, chúng ta có thể nói: Ðại hội Huynh trưởng GÐPTVN tổ chức tại Sài Gòn (từ 28 đến 30/6/1964 đánh dấu một điểm son trong quá trình phát triển và lớn mạnh của GÐPTVN, và hơn nữa có thể xem đây là “Một trang lịch sử mới” của “Tổ chức Áo Lam”, biểu hiện qua “Nội Quy GÐPTVN – 1964/Sài Gòn”.
Cũng như trước đây, cứ mỗi “bước tiến” của Gia đình Phật hóa Phổ bước sang Gia Ðình Phật Tử thì “Nội quy” được tu chỉnh – không phải một mà nhiều lần, vừa đúc kết “công trình cân não và xương máu của toàn thể Ðoàn viên GÐPT, từ ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau” vừa hoạch định một hướng đi vững chắc và xán lạn hơn.
Ðại hội Huynh trưởng GÐPT toàn quốc từ 30 đến 01 tháng 8 năm 1967 “Nội Quy – 1964/Sài Gòn” đã được tu chỉnh và được “bổ sung” bởi Ðại hội tại Ðà Nẵng từ 29 đến 31 tháng 7 năm 1973 – PL 2517. Qua hai Ðại hội này, lần lược các vấn đề về tổ chức, chương trình tu học, cơ cấu từng bước hoàn chỉnh cho xứng đáng với một tổ chức có cương lĩnh và có bản lĩnh.
Làm được điều đó không phải một sớm một chiều mà là: Một công trình cân não… nhờ sự điều hành của một BHD hùng hậu và nhất trí, nhờ những chương trình tu học thích hợp… nhờ một đường lối đúng đắn,… có cương lĩnh và lãnh đạo sáng suốt… v.v… (Nội quy – Lời nói đầu).
Trong quá trình Ðại hội GÐPTVN tại Ðà Nẵng ta thấy tiến hành cùng một lúc 3 Ðại hội:
- Ðại hội Huynh trưởng GÐPTVN
- Ðại hội Ban Bảo Trợ GÐPTVN
- Ðại hội Ðoàn cựu Huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
Chiếu theo Biên bản Ðại hội và trích từ Biên bản Ðại hội khoáng đại Huynh trưởng – Bảo trợ – Cựu Huynh trưởng, trang 97 ta có:
- Ban Hướng Dẫn Trung Ương GÐPTVN (từ niên khóa 1973 đến…)
– Trưởng ban: Võ Ðình Cường
– Phó Trưởng ban ngành Nam: Lương Hoàng Chuẩn
– Phó Trưởng ban ngành Nữ: Hoàng Thị Kim Cúc
– Tổng Thư ký: Cao Chánh Hựu - Thành phần Ban Chấp Hành Ban Bảo Trợ Trung Ương GÐPTVN:
– Trưởng ban: Thái Tường
– Phó Trưởng ban Nội vụ: Phạm Ðăng Lâm
– Tổng Thư ký: Ðỗ Văn Giu - Thành phần Ban Cựu Huynh Trưởng (Ban Chấp Hành Trung Ương Cựu Huynh Trưởng GÐPTVN)
– Trưởng ban: Tống Hồ Cầm
– Phó Trưởng ban (Ngành Nam): Tạ Thanh Hồi
– Phó Trưởng ban (Ngành Nữ): Huỳnh Thị Hoa
và các Ủy viên.
Kể từ 1946 đến 1964, từ một Gia đình nhỏ trong Nội thành Huế, từ một Tỉnh, từ một phần rồi lan rộng đến cả 4 phần trong cả nước, khắp nơi đều có Gia đình Phật tử – từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng lên đến các vùng cao nguyên, nơi nơi đều có Gia đình Phật tử…
Như con số để được nêu lên trước đây, kế đến đại hội 1964, ta đã có 942 đơn vị Gia đình, 7452 Huynh trưởng và 78.756 Ðoàn sinh (2/3 là ở miền Trung, khi miền Nam mới qua giai đoạn thành lập và miền Bắc chưa có miền Vĩnh Nghiêm tại Miền Nam)… đến đại hội 1973, không những chỉ có Thanh niên, Thiếu niên và Ðồng niên mà Gia đình Phật tử Việt Nam đã mở rộng và thành lập được cả Ban cựu Huynh trưởng… Và chỉ kể số Huynh trưởng đã thọ cấp mà thôi, ta cũng đã có 8 Huynh trưởng cấp “Dũng”, 62 Huynh trưởng cấp “Tấn”, và 308 Huynh trưởng cấp “Tín” – chưa kể các Huynh trưởng cấp “Tập” và số Huynh trưởng mới tập sự các khóa “Lộc Uyển”…
Giới thiệu qua những con số ở trên để chúng ta càng nhận thấy ý nghĩa sâu xa trong lời nói của Anh Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung ương GÐPTVN: “Bản Nội quy đối với GÐPTVN chúng ta cũng quan trọng như bản Hiến Chương đối với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hay bản Hiến pháp đối với quốc gia. Ðiều đặc biệt là bản Nội quy của GÐPT còn hàm chứa sự hình thành và lớn mạnh của một quá trình 30 năm sinh hoạt của tổ chức chúng ta, như trong ‘lời nói đầu’ của tập Nội quy: “‘Ðây là một công trình cân não và xương máu của toàn thể đoàn viên GÐPT từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau'”… và Những “Người Áo Lam” đến sau cùng sẽ nối tiếp truyền thống của những người đi trước đã thực hiện đúng lời phát nguyện “tích cực thực hiện Nội quy” để cho Phật pháp tăng huy, Pháp luân thường chuyển.
- Quả thật GÐPT đã thật sự trưởng thành, trưởng thành trong tổ chức, trưởng thành trong ý thức về mối quan hệ xã hội, đầy đủ bản lĩnh thực hiện lý tưởng vì các em và cho xã hội.
- Nhưng đâu dễ cuộc đời bằng phẳng thế!…
- Từ 1975, thời thế đổi thay. Từ sau Ðại hội 1973 Ðà Nẵng các chương trình cải cách do Ðại hội này đề ra chưa được triển khai thì GÐPT như hụt hẩng, mọi dự phóng cho tương lai gần như phá sản, mọi hoạt động như tê liệt hoàn toàn.
- Sự nghi ngờ, chia rẽ, phân hóa, cực đoan ngự trị xã hội. GÐPT cũng không thoát khỏi trạng huống đương thời – cộng nghiệp không ai tránh được. GÐPTVN như chế đứng một thời gian cũng là lẽ dễ hiểu. Một vài địa phương ban đầu hoạt động lẻ tẻ lần hồi tạo dựng được phong trào. Những kẻ hữu tâm không xa rời lý tưởng và giới trẻ vẫn có nhu cầu cần được giúp đỡ, thương yêu. Mầm móng các bậc tiền bối xây dựng mấy mươi năm vẫn bền vững cùng năm tháng khó khăn. Ðến nay hầu hết các tỉnh GÐPT đều có mặt và nó trở thành một vấn đề, một vấn đề lớn không những cho Giáo hội đương thời mà cho cả những người quản lý xã hội.
- Nói như vậy để thấy rằng một chân lý vẫn đúng: Cái gì đúng tự nó tồn tại (để hy vọng tin tưởng) và cái gì sai tự nó bị đào thải (để đề phòng). Lý tưởng GÐPT thoát thai từ nhu cầu xã hội, vì lợi ích của đàn em tự nó đủ điều kiện để tồn tại.
- Nói như vậy không phải nói chúng ta đã làm được gì trong mấy năm nay, mà để thấy tài sản của đàn anh để lại cho chúng ta quá lớn lao. Người thừa hưởng lần hồi tiêu hết tài sản được kế thừa mà chưa có phương thức làm ăn trong tương lai. Chẳng lẽ chúng ta tự hãnh diện và đòi hỏi tước vị của cha ông để lại trong hiện tại cả nhà đói meo, tương lai mờ mịt? Chẳng lẽ chúng ta tự bằng lòng với hào quang xưa cũ để trở thành “Người lính già ngồi kể chuyện Nguyên Phong”? – Mọi sự thay đổi đều có cái giá của nó. Vấn đề là phải vừa túi của mình.
- Nhưng trên thực tế con đường phía trước còn quá mịt mờ, cương lĩnh chưa được xác lập. Một kế sách hướng tới tương lai hỏi tới lúc này là chuyện viễn vông.
- Chúng ta tự xoa dịu mình bằng cách đổ thừa thời thế. Ðâu có? Một phần thôi, phần kia là của chúng ta. Xưa kia, các anh chị chúng ta cũng đâu thuận lợi? Có chăng chỉ là những thuận lợi giả hình của những năm sau 1963, thuận lợi đến với chúng ta từ những kẻ hoạt đầu chính trị, ve cuốt mua chuộc chúng ta từ những thế lực có uy tín xã hội để phục vụ những mưu đồ đen tối vì mục đích riêng của họ.
- Trong những tình huống đó, tại sao các anh chị chúng ta vượt qua được, tạo được thế đứng, uy tín cho tổ chức? Những yếu tố nào? Những phẩm chất nào chúng ta sẽ lần lượt xét ở phần sau – vấn đề là chúng ta có công nhận đó là những phẩm chất tốt đẹp áp dụng có hiệu quả cho mọi trạng huống không, và chúng ta có được bao nhiêu phần.
B. SỰ TIẾN TRIỂN TỪNG MẶT CỤ THỂ QUA CÁC GIAI ÐOẠN
SỰ TIẾN TRIỂN VỀ PHƯƠNG DIỆN “PHÁP LÝ HÓA”:
- Năm 1947, Tổng Trị Sự Hội Phật Học Trung Phần ra quyết định thừa nhận Gia đình Phật Hóa Phổ.
- Danh hiệu Gia đình Phật tử Việt Nam được khai sáng vào năm 1951 để thay thế danh hiệu Gia đình Phật Hóa Phổ.
- Tổ chức GÐPT đã được ghi vào bản Ðiều lệ của Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần (tức Hội Việt Nam Phật học) điều thứ 5, khoản C:
“Tổ chức Gia đình Phật tử khắp nơi Hội hoạt động, gồm có tất cả Nam, nữ Phật tử thuộc thanh niên, thiếu niên và đồng niên.”
- Trong Nội quy trình của Gia đình Phật tử, thuộc Hội Phật học Việt Nam (năm 1952), điều thứ nhất có ghi:
“Chiếu điều thứ 2 và 21 của Bản điều lệ và khoản 54 Bản nội quy của Hội Phật học Nam Việt thành lập một Ban lấy danh hiệu là Gia đình Phật tử để chuyên trách đào tạo các con em đúng với tinh thần Phật giáo”.
- Trong Nội quy – 1964, Ðiều 1 đã ghi:
“Chiếu điều thứ 14 của Hiến chương lập ngày 4.1.1964. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có một tổ chức giáo dục thanh niên lấy danh hiệu là Gia đình Phật tử Việt Nam.
Tổ chức này nằm trong Tổng vụ Thanh niên (Gia đình Phật tử vụ) của Viện Hóa Ðạo”.
- Ðến năm 1965 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có tu chỉnh bản Hiến chương của Giáo hội nên “Nội quy GÐPTVN – 67” có thay đổi phần trên để phù hợp với hiến chương:
“Chiếu điều thứ 16 chương 2 của Hiến chương lập ngày 14.12.1965, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có một tổ chức Giáo dục…”(như phần được ghi trên).Ðúng như một đàn anh của chúng ta phát biểu: “GÐPT khai sinh và lớn lên bằng chánh pháp chứ không phải tồn tại bằng luật pháp”. Suốt từng ấy năm sinh hoạt, GÐPT chỉ vỏn vẹn hợp pháp hoàn toàn chỉ có 11 năm.Nhưng hợp pháp và được xã hội chấp nhận lại là hai lĩnh vực khác nhau. Ðàn anh chúng ta đã chọn trường hợp thứ hai vì hiểu rất rõ rằng đáp ứng đúng nhu cầu xã hội mới là thế vĩnh hằng.Chúng ta đã đáp ứng được nhu cầu của các em hiện nay chưa?
TIẾN TRIỂN VỀ CƯƠNG LĨNH:
“Mục đích”:
- Trong thời kỳ sơ khởi: Trong các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo, đoàn viên chỉ hiểu giản dị rằng:“Với ý nghĩ, lời nói và việc làm chân chính của người Phật tử, em xây dựng gia đình”. Câu này vừa là mục đích, vừa là châm ngôn cũng được xem như luật.
- Trong thời kỳ còn là Gia đình Phật hóa Phổ, thì mục đích của tổ chức là:
“Ðào tạo những Phật tử Chân chính, xây dựng hạnh phúc Gia đình trên nền luân lý Phật giáo”.
- Ðến năm 1951 được đổi lại:
“Mục đích của GÐPT là Huấn luyện thanh, thiếu, đồng niên về ba phương diện: Trí dục, Ðức dục, Thể dục trên nền tảng Phật giáo để đào tạo thành những Phật tử Chân chính”
- Năm 1957 khi Hội Việt Nam Phật Học thay đổi danh hiệu là Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần, thì trong Ðại hội Huynh trưởng tháng 8/1958 phần tu chỉnh nội quy về “mục đích” được đổi là:
“Mục đích của GÐPT là đào tạo những thanh niên và đồng niên thành những Phật tử chân chính để phục vụ Chánh pháp và thành những hội viên xứng đáng của hội”
- Năm 1964 – Mục đích (Nội quy-1964) được tu chỉnh rất gọn nhưng rất đầy đủ, được giữ cho đến ngày nay:
“Ðào luyện thanh thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.
- Qua 4 lần “tu chỉnh” phần “mục đích” ta vẫn thấy “căn bản” của tổ chức với mục đích chính của mình: “Ðào tạo những Phật tử Chân chính” còn “vế” kia được thay đổi theo từng bước tiến của tổ chức và phải “phù hợp” Ðời và Ðạo, phù hợp qua mỗi thời kỳ “chuyển biến” của xã hội và Ðạo pháp…
- Danh hiệu Gia đình Phật hóa Phổ (1940-1951) gợi lên cho chúng ta ý niệm Phật hóa Gia đình. Căn bản (lúc bấy giờ) là Gia đình. Ðây là lúc mà nền văn minh vật chất Tây phương đang làm lung lạc căn bản đạo đức của cơ cấu hạ tầng quốc gia. Hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ. Vì thế mà tổ chức nhằm mục tiêu cá nhân (Ðào tạo thành Phật tử chân chính) và gia đình hầu đem lại hạnh phúc cho mọi gia đình.
- Gia đình Phật tử năm 1951 nhận lãnh nhiệm vụ mới, “huấn luyện… trên 3 phương diện: Trí dục, Ðức dục và Thể dục.
- Năm 1954-55 trở về sau, Phật giáo chịu đựng nhiều chèn ép, khủng bố, nên nhiệm vụ đầu của Phật tử nói chung và GÐPT nói riêng phải “bảo vệ Chánh pháp” nên “Mục đích” được sửa đổi lại thành: “Ðào tạo… thành những Phật tử chân chính để phục vụ chánh pháp và thành những hội viên xứng đáng của Hội.”
- Sau cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam vào năm 1963 cho bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội, Phật giáo bước qua một giai đoạn mới, giai đoạn kiến tại xã hội, đem lý tưởng hòa bình cố hữu của Phật giáo để phục vụ dân tộc thì “Mục đích” GÐPTVN được nâng lên thành một “sứ mệnh”. Không còn là “đào tạo” hay “huấn luyện” mà là một tập thể thống nhất, vừa “đào tạo” vừa “huấn luyện” để tất cả đều trở thành những Phật tử chân chính hầu sẳn sàng góp phần của mình trong sứ mệnh xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Một xã hội chân chính gồm những phần tử chân chính, những con người chân chính.
- Giai đoạn 1964 là giai đoạn trưởng thành của tổ chức, cả tổ chức bước vào xã hội, và lấy xã hội làm mục đích phục vụ của mình.
- Nhưng phục vụ bằng chính nội lực của mình, do đó mục đích chính vẫn là “thành một Phật tử chân chính”, để phục vụ một cách chân chính, kiến tạo một xã hội chân chính.
- Trong bài diễn văn đọc tại Ðại hội toàn quốc 1953, anh Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Phần nêu rõ mục đích chính này và được coi như một bản tuyên ngôn cho đường lối đi vào cuộc đời của tổ chức GÐPTVN:“Ðạo cần phải tuôn xuống, phải lan ra, phải thấm vào cuộc đời, bồi bổ cho nó, như nước thấm nhuần trong lòng đất. Ðạo không thể xa cuộc đời. Hễ xa là cằn cỗi, là ráo khô và không còn nghĩa sống nữa, Ðạo phải ở trong Ðời, phải phụng sự cõi đời. Nhưng ngược lại Ðời cũng phải ở trong Ðạo. Nếu Ðạo theo Ðời mà không hoán cải được cuộc đời, buông lung theo Ðời để phải mất gốc, mất bản sắc thì Ðạo không còn là Ðạo nữa, vì nó đã mất nhiệm vụ cao cả là hướng dẫn, là chỉ đường. Nói cách khác: Ðạo không thể đi một đường mà Ðời đi một đường, Ðạo với Ðời phải đi sát liền nhau.”
Châm ngôn:
- Song song với “Mục đích” qua từng giai đoạn ta thấy:
Khi còn là Gia đình Phật Hóa Phổ thì “châm ngôn” chung cho tất cả các lớp tuổi là: “HÒA THUẬN – TIN YÊU – VUI VẺ”Từ 1951 trở đi, thì có hai châm ngôn tuy khác nhau về từ nhưng chứa đựng một ý nghĩa sâu xa, biểu hiện một sự nối tiếp tiến đến “Lục hòa” của Phật giáo mà ta sẽ thấy trong những luật của Gia đình Phật tử.”Châm ngôn” của GÐPT từ 1951 đến 1964 là:
Dành cho đồng niên, nam nữ Phật tử là: “Hòa thuận – Tin yêu – Vui vẻ”
Dành cho thanh, thiếu niên nam nữ Phật tử là: “Bi – Trí – Dũng”
- Từ 1964 trở về sau thì chỉ còn một châm ngôn duy nhất cho mọi lứa tuổi:
Ðó là: “Bi – Trí – Dũng”.
- Ðáp ứng nhu cầu xã hội, GÐPT từng bước trưởng thành, không thể bo bo trong khuôn khổ gia đình “măm vú mẹ” – GÐPT đã phải đối mặt với xã hội – Trang bị tinh thần Bi Trí Dũng cho đoàn sinh ngành Thiếu và sau đó cả ngành Oanh là việc tất yếu.
- Như vậy, khuôn khổ gia đình trước đây chỉ là hình bóng cũ, còn được giữ gìn trân trọng trong cách ứng xử nội bộ, được xem như một luân lý, trong sinh hoạt tu học giữa các đoàn viên với nhau, là chất keo gắn bó mọi thành viên phức tạp thành một khối thống nhất. Nhưng về nội dung sinh hoạt, ý hướng tiến lên nó đã có một nội dung hoạt động xã hội – xứng đáng với một phong trào xã hội đã trưởng thành.
Luật GÐPTVN:
Từ ý niệm giản dị: “Với ý nghĩ, lời nói, việc làm chân chánh của người Phật tử, em xây dựng gia đình”. Ngày càng ý thức được vai trò của mình, trui rèn bản lĩnh, nhận trách nhiệm trước xã hội như một Phật tử, có trách nhiệm.
- Nhận lĩnh trách nhiệm lớn lao hơn, càng phải tự rèn luyện bản thân mình. Anh chị đã ý thức sâu sắc rằng: Muốn tạo sự tin cậy để thành tựu không gì hơn phải xứng đáng được tin cậy.
Ta xem lại các “Luật”, so sánh và nghiệm xét, rút được cái tinh túy của nó:
Thời kỳ Gia đình Phật Hóa Phổ ta có đến 10 điều luật:
- Phật tử đọc kinh và niệm Phật.
- Phật tử kính mến cha mẹ, thuận thảo với anh, chị em.
- Phật tử nhơn từ đối với người và vật.
- Phật tử lựa bạn tốt và mến thương bạn.
- Phật tử vui buồn cùng chia, nhắc nhủ nhau tránh dữ làm lành.
- Phật tử giữ gìn lời nói ôn hòa.
- Phật tử thật thà, siêng năng, thứ tự, sạch sẽ.
- Phật tủ sống dian dị và điều độ.
- Phật tử bình tĩnh và lạc quan.
- Phật tử làm tròn bổn phận.
- Qua 10 điều luật trên, chúng ta thấy trong thời kỳ sơ khởi, tinh thành Phật giáo chưa được triển khai triệt để. 10 điều luật còn chịu ảnh hưởng của quan niệm luân lý đương thời và nền luân lý Khổng Mạnh cũng như chịu ảnh hưởng của Luật Hướng Ðạo, lúc này cũng đang phát triển và có ảnh hưởng tại Việt Nam. Nó cũng chưa gọn gàng, còn phản ảnh “tập thói quen tốt” của “Luân lý giáo khoa thư”. Quả thật nó chưa đem được tinh túy Ðạo Phật vào Luật. Chưa có tính phổ quát và nặng nề hình thức.
- Từ 1951 trở về sau thì các em Oanh Vũ (tức là Ðồng niên Nam Nữ) có 3 luật riêng theo lứa tưổi của mình:
1. Em luôn tưởng nhớ Phật.
2. Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh, chị em.
3. Em thương người và vật.
Còn đối với Thanh, Thiếu Niên (Nam, Nữ) và luôn cả cho Huynh trưởng thì có 5 điều:
- Phật tử quy y Phật – Pháp – Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
- Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.
- Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.
- Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
- Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến lên đường Ðạo.
- Quả là một vước tiến khá lớn trong tư duy khi đưa ra 3 và 5 điều luật trên cho 2 thành phần trong GÐPT. Vừa có tính khoa học, thích hợp tâm sinh lý, giáo dục tính cao và hơn hết là đưa được toàn bộ tinh thần Phật giáo vào nội dung giáo dục tuổi trẻ – đưa vào một cách nhẹ nhàng hợp lý, hay ho và thú vị. Ðọc luật như đọc một bài thơ, đưa luân lý Phật giáo vào thẳng tâm thức tình cảm con người. Dù anh có bạc đầu, dù anh có đọc hàng ngàn lần, anh vẫn xúc động khi đọc Luật như mới lần đầu tiên – Còn cách giáo dục nào tốt đẹp hơn chăng? Giữ giới đâu phải là tuân lệnh.
Cơ cấu tổ chức:
Về Trưởng Ban HD:
- So sánh: Nội quy trình – 1951, về chức vụ “Trưởng Ban Hướng Dẫn” thì ta thấy (lúc bấy giờ) ghi là: “Trưởng Ban Hướng Dẫn GÐPT Tổng Hội sẽ do Tổng trị sự hội Việt Nam Phật học giới thiệu một số người có khả năng trong GÐPT để Hội nghị Phật tử toàn phần bầu ra cho Tổng trị sự duyệt y (Tỉnh Hội cũng như thế).
- Nội quy – 1951 (và về sau) thì được đổi và ghi: (Trước là: Tổng trị sự giới thiệu một số người, từ đó Hội nghị chọn 1 trong những người được Tổng trị sự giới thiệu… (cũng chưa được quyền GÐPT để cử, giới thiệu với Tổng hội…)
- Bây giờ thì: Do đại hội trực tiếp bầu… ở Trung Ương cũng như ở cấp Tỉnh.
- Nội quy – 1964 lại còn ghi thêm: Vị Trưởng ban là một Huynh trưởng GÐPT và đương nhiên là Vụ trưởng GÐPT Vụ trong Tổng vụ thanh niên của Viện Hóa Ðạo”.
- Tại sao lại có phần ghi thêm này?
- Việc GÐPT phải “giành quyền” để cho đại hội GÐPT bầu vị Trưởng ban của mình, đã là một “cuộc đấu tranh nội bộ giành quyền trưởng thành”… cho nên phải dùng rõ ràng những chữ”… là một “Huynh trưởng” và chữ “đương nhiên là Vụ trưởng”.
- Ngay cả việc thêm chữ “đương nhiên” (đáng lý không cần thiết) cũng vẫn phải để, để tránh mọi sự ngộ nhận (đó là qua kinh nghiệm thực tế).
Về các Ủy viên:
- So sánh: Nội quy – 1964, dưới phần “các Ủy viên” không có đề nghị gì cả.
- Trong Nội quy – 1967 (tu chỉnh) có thêm: “Các Ủy viên có đề nghị BHDTƯ mời một Phụ tá.
- GÐPTVN mỗi ngày một lớn mạnh và lan rộng, công việc điều hành phải nhiều hơn đối với một Ủy viên.
- Theo Nội quy và Quy chế Huynh trưởng, thành phần Ban Hướng Dẫn ở mỗi cấp, nhứt là cấp Trung ương thì các Huynh trưởng phải là những anh chị, không những đầy đủ uy tín cá nhân mà còn đầy đủ điều kiện cấp bậc và khả năng. Vì lý do trên nên: nếu chỉ “chọn” các Huynh trưởng đang cư ngụ tại Sài Gòn (hay tại thành phố) thuận tiện cho những công việc cấp bách, thì số Huynh trưởng hội đủ điều kiện không đủ. Việc bầu các Ban Hướng Dẫn ở các đại hội sẽ gặp khó khăn. Vậy để giải quyết vấn đề, vừa giữ được giá trị uy tín của toàn thành phần BHD, vừa giúp cho BHD tiện việc “điều khiển và kiểm soát” thì trong đại hội, ưu tiên phải tập trung “chọn cho đúng người” (không quan tâm đến nơi cư trú của H.T. ấy) rồi về sau thì “quyền” của các Ủy viên được bầu đó sẽ mời vị “phụ tá” cho mình (phần nhiều là mời các anh, chị hiện đang cư trú tại địa phuuơng có trụ sở BHD) – Tuy nhiên những vị phụ tá này, cũng sẽ được BHD xét lại và “quyết định” chấp nhận. Những vị này chỉ đại diện cho những Ủy viên chính thức, trong các buổi họp hàng tháng của BHD. Vừa đúng người, vừa chạy việc đã bắt đầu đa đoan của một tổ chức lớn mạnh.
Việc tách rời hai ngành Nam Nữ:
- Trước Hội nghị Huynh trưởng 1955 tại Ðà Lạt, việc tách rời sinh hoạt giữa khối Nam và khối Nữ đã được nêu ra thảo luận nhiều lần (vì lý do “tâm sinh lý”) nhưng lúc bấy giờ, về phương diện “điều khiển” thì “các chị” còn thiếu người để “quản lý” nên mãi đến 1957-58 bên “nữ” mới bắt đầu “thực nghiệm” và trong Ðại hội Huynh trưởng toàn quốc 1964, có cuộc “biểu quyết tách rời” (30/38 Nữ đại biểu bỏ phiếu “tách rời”, 5/38 bỏ phiếu “không” va 3/28 bỏ phiếu “trắng” – đa số áp đảo).
- Vì thế trong Nội quy – 1964, ta thấy có 2 vị Phó trưởng ban (một vị phụ trách ngành Nam một vị phụ trách ngành Nữ).
- Từ đó đến đơn vị Gia đình cũng có 2 Liên đoàn Trưởng (nhưng duy trì 1 vị Gia Trưởng).
- Trong biên bản Ðại hội 64, về vấn đề “tách rời sinh hoạt nam – nữ” có đoạn ghi … “Ðại hội tôn trọng ý kiến của Tiểu Ban ngành Nữ là trong một Gia Ðình phân tách riêng sinh hoạt của hai ngành Nam-Nữ dưới sự điều khiển của một Gia trưởng, một Liên đoàn trưởng Nam và một Liên đoàn trưởng Nữ và không có Liên đoàn phó”.
- Dù từ 1955, ý hướng tốt đẹp thỏa mãn “nữ quyền” trên được hình thành, thực nghiệm và đến 1964 giành được “thắng lợi vẻ vang”. Nhưng đến nay việc tách rời vẫn chưa nhúc nhích. Hay là chị em ngành nữ chưa muốn “bình quyền”? Hay lý do của những năm trước 1955 vẫn tồn tại, chưa được khắc phục? Chị em ngành nữ nghĩ sao?
Ủy Viên Nội Vụ:
- Trong Nội quy 64, trong thành phần Ban Thường vụ Ban Hướng Dẫn Trung ương hay Tỉnh, không có Ủy viên Nội Vụ. Lúc bấy giờ Ủy viên Nội vụ cũng được ghi theo danh sách các Ủy viên trong thành phần chung của Ban Hướng Dẫn, và gọi là Ủy viên Nội vụ và Ðiều hành.
- Trong Nội quy – Tu chỉnh-67, thì đưa Ủy viên Nội vụ lên Ban Thường Vụ Ban Hướng Dẫn, và chỉ gọi ngắn là Ủy viên Nội vụ.
- Trước kia khi còn là Gia đình Phật Hóa Phổ (giai đoạn sơ khai) mới có Ban Hướng Dẫn thì vai trò điều khiển và kiểm soát được tập trung vào chức vụ Trưởng Ban và Thư Ký. (1950).
- Ðến Nội quy- 64 thì có một Thư ký (chưa có 2 Phó Tổng Thư ký)
- Chẳng bao lâu, vì Gia đình các nơi lan rộng từ địa phương đến các Tỉnh, công việc dồn dập và “phát sinh” ra nhiều vấn đề mà Ủy viên Nội vụ phải trực tiếp giải thích (v/đ chuyên về tổ chức, điều hành). Nhân sự có mặt thường xuyên của Ủy viên Nội vụ bên cạnh Tổng Thư ký, xét ra cần thiết. Cũng như phải cần thêm đến hai Phó Tổng Thư ký.
- Hơn nữa về sau này khi các Gia đình tại miền Nam bành trướng quá mau lẹ – khắp các Tỉnh, và ở mỗi Tỉnh, không phải chỉ 1 hay 2 Gia đình mà tăng lên 10, 15, 20 Gia đình. Từ đó vai trò của Ủy viên Nội vụ thường được nhắc đến thể hiện sự cần thiết đối phó với sự tiến triển mau lẹ của tổ chức trong những năm này.
Các Ban bên cạnh BHD:
- Phong trào GÐPT ngày càng lớn mạnh, vượt giới hạn của một tổ chức nội bộ tôn giáo; phục vụ nhu cầu chung toàn xã hội, và được xã hội chấp nhận tán đồng, BHD cần chia sẻ trách nhiệm của mình mới “kham” mỗi công việc ngày càng rộng hơn, quy mô mỗi ngày một lớn lao hơn. Ngoài Ban Cố vấn giáo lý còn có Ban Bảo trợ GÐPT và Ðoàn Cựu Huynh trưởng. Mỗi ban hay đoàn nói trên đều có “Nội quy” hay “Nội lệ” riêng.
- Phong trào GÐPT có tầm vóc lớn, tất phát sinh nhiều vệ tinh – sự thể tất yếu và dễ hiểu.
C. CÁC YẾU TỐ LÀM NÊN LỊCH SỬ
MỘT MỤC ÐÍCH TRONG SÁNG, THỰC TẾ, ÐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI:
Ðưa Ðạo Phật đến với tuổi trẻ, quả là một thành công ngoạn mục – một sự “lạ” chưa từng thấy – một nét độc đáo không phải đâu cũng có được – Trong Ðại hội Phật Giáo Thế giới nhiều vị đại biểu xem sự kiện trên là thần kỳ. Chuyện khó tin nhưng có thật.
Chuyện thần kỳ lại thần kỳ hơn khi nó được phát sinh và phát triển trong một đất nước khổ đau, nghèo đói, dốt nát, nghi kỵ, cuồng tín, dị đoan ngự trị. Ðâu có gì lạ! Ðiều đó chứng minh một điều: Càng dốt nát, dị đoan càng cần được học hành, càng đau khổ càng có nhu cầu hạnh phúc, càng cần được thương yêu. Phải chăng chúng ta đáp ứng được nhu cầu chính đáng đó? Nếu không GÐPT đâu được khai sinh, phát triển, lớn mạnh và “thọ” đến ngày hôm nay – Hơn nửa thế kỷ.
Phải chăng GÐPT đã thấy rõ nhu cầu xã hội, đồng cảm với khổ đau, phục vụ và phục vụ hiệu quả nhu cầu ấy. Ðó phải chăng là yếu tố cơ bản có tính tất yếu làm nên việc thần kỳ, quyết định sự tiến triển và tồn tại của phong trào GÐPTVN.
TRUNG THÀNH VỚI LÝ TƯỞNG
Khởi từ lòng thương yêu vô hạn, với trí tuệ sáng suốt và một dũng khí vô bờ. Các anh chị đã nhận chân được lý tưởng và sống chân thật, trung thành với lý tưởng của mình. Cái lý tưởng mà các anh chị đã tự đặt ra, nắm lấy tinh yếu của nó và trung thành với cái tinh yếu đó. Tuyệt nhiên không thấy các anh chị trung thành với những phương tiện để đạt được lý tưởng đó, dù phương tiện có hay ho hấp dẫn tới đâu.
- Yếu tính của lý tưởng đó là gì? Ðó là lý tưởng giáo dục thanh thiếu niên thành Phật tử chân chánh. Các anh đã sống chết cho lý tưởng đó bằng chánh kiến, chánh tư duy. Gạt bỏ những gì không phải, nâng lý tưởng lên thành một nghệ thuật, một cương lĩnh, một tuyên ngôn, một kim chỉ nam hành động, một mục đích tối hậu. Và hình thành với nó. Chứ không phải những phù phiếm bề ngoài.
“Chúng tôi vì mục đích giáo dục mà lựa Phật giáo làm nền tảng, chứ không phải vì Phật giáo mà lôi kéo thanh niên. Ðạo là một con đường, một phương tiện mà con người mới thật là mục đích” Với cương lĩnh đó, mục đích trong sáng đó. Những phương tiện, hình thức, tổ chức, nội quy, châm ngôn,… thay đổi liên tục – không phải vì nhu cầu trưởng thành của tổ chức mà vì lợi ích của các em, vì nhu cầu xã hội đòi hỏi. Sự trưởng thành của tổ chức là điều tất yếu khi chúng ta biết đặt lợi ích của đàn em lên trên tất cả, kể cả lợi ích tự thân. Ðặt nỗ lực của mình đúng đối tượng. Khế lý, khế cơ.
Trong sáng, chân thành và sáng suốt biết bao!
KHÔNG ÐỂ CHÍNH KIẾN RIÊNG TƯ LÀM HOEN Ố LÝ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA GIA ÐÌNH PHẬT TỬ
Trong một tình huống xã hội vô cùng khó khăn phức tạp và tế nhị, các anh chị tiền bối của chúng ta đã đặt lý tưởng lên hàng đầu và hoạt động tuyệt đối cho mục đích và lý tưởng đó. Một tập thể ngồi lại với nhau, có người đang hoạt động trong phong trào Việt Minh, có người làm quan cho chính phủ bảo hộ, có người đang làm việc cho Tây hay trong các phong trào kháng chiến yêu nước khác, nhưng chưa và không bao giờ dùng lý luận chính trị để bàn về lý tưởng giáo dục của Thanh thiếu niên Gia đình Phật tử; chưa và không bao giờ để chính kiến của mình ảnh hưởng đến lý tưởng giáo dục của phong trào.
– Lý tưởng GÐPT được các anh chị tôn trọng biết bao – Các em đoàn sinh được các anh chị tôn trọng biết bao!
Ðiều này khẳng định tính chân chính tất yếu của tổ chức Gia đình Phật tử ngay từ buổi ban đầu – tính nhất quán xuyên suốt mọi ý nghĩ và hành động của đội ngũ lãnh đạo lúc bấy giờ – không để chính kiến riêng tư làm hoen ố lý tưởng tôn thờ.
Một BHD nhất tâm, nhất trí hẳn là điều hiển nhiên.
“… Nhờ sự điều hành của một BHD hùng hậu và nhất trí, nhờ… đã và đang tiến mạnh trong mục đích…” (Lời nói đầu – Nội Quy 1964).
SỰ GIÀ DẶN, CHÍNH CHẮN TRONG MỌI ỨNG XỬ
Các bạn có bao giờ nghĩ rằng Anh Cường đã viết cuốn Thử Hòa Ðiệu Sống, Những Cặp Kính Màu… vào những năm anh mới 30 tuổi không? Với tuổi 30 – Mới “tam thập”, mới “nhi lập” – đã tư duy về cuộc đời một cách chín chắn, già dặn, nhưng già dặn mà không già cỗi, không cổ hủ lạc hậu. Phẩm chất đó quả là vốn quý.
Nhìn lại từng bước tiến của GÐ, từng hoạt động của các anh chị, chúng ta thấy ngay tính chín chắn trong từng hành động, không sôi nổi hung hăng, không nóng nảy vội vàng. Hành động có chiến lược, có cương lĩnh, có trình tự.
- Sự khéo léo, khiêm tốn – tinh thần hợp tác vì ích lợi chung nhạy bén với nhu cầu xã hội phát xuất từ sự chín chắn già dặn phảng phất trong mọi hoạt động trong thời kỳ phôi thai của tổ chức.
- Ta hãy nghe qua một vài đoạn trong những lời phát biểu của các anh thời bấy giờ, thời mà các anh đã “làm nên cơ nghiệp”: “…Lẽ thứ tư khiến chúng tôi trình bày vấn đề giáo dục thanh thiếu niên Phật tử hôm nay là chúng tôi muốn được sự chỉ giáo sáng suốt của toàn thể độc giả. Như chúng tôi vẫn nói trên, chúng tôi vẫn ở trong thời kỳ kinh nghiệm, chúng tôi vẫn còn đi tìm đường cho các em (mà đường lối giáo dục và phương pháp giáp dục có bao giờ hoàn chỉnh), chúng tôi rất cần dự chỉ giáo, sự khuyến khích của tất cả những Phật tử có quan tâm đến tương lai các em, của tất cả những bậc lão thành, các nhà giáo dục… (Hướng Thiện – Viên Âm 85-29.10.1949)
… Công việc giáo dục lúc nào cũng cần thiết, nhưng lúc này nó cấp bách hơn lúc nào hết. GÐPT đã và đang làm công việc ấy. Nhưng với tài hèn, sức mọn, đoàn thể chúng tôi không làm nổi hết.
Bởi vậy, chúng tôi thiết tha kêu gọi quý ngài nâng đỡ chúng tôi… Riêng với các đoàn thể thanh niên, chúng tôi mong cầu được hợp tác chặt chẽ trong công việc giáo dục ấy. Với thanh niên Thiên Chúa Giáo mà lòng thương của Chúa đã có sẵn, với Thanh niên Hướng Ðạo mà thành tích làm việc xã hội đã nổi tiếng. Chúng tôi chắc rằng, chúng ta sẽ thâu hoạch được kết quả đẹp đẽ trong công việc trồng người vĩ đại ấy.
Chúng tôi tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng. (Diễn văn – Trưởng Ban Hướng Dẫn TP – Phật Ðản 2496 -1952)
- Sự khiêm tốn – bao dung – tinh thần hợp tác, nó là phẩm chất của người chín chắn, già dặn – mà chín chắn già dặn là đặc tính, hệ quả cao nhất của trí tuệ.
- Chúng ta nhớ lại xem, Bài ca Hoa sen trắng lúc đó được hát bằng tiếng Pháp – sự kiện tưởng như bình thường – nhưng hàm sâu trong bản chất, một chính sách khôn ngoan và can đảm. Khôn ngoan bởi lẽ biết thuận theo thói thường, biết cách tận dụng phương tiện vận động quần chúng. Can đảm bởi lẽ, trong thời thế lúc đó, mục đích lúc đó là chống lại văn hóa ngoại lai, cả nước đang chống Pháp giành Ðộc lập – Một tổ chức tôn giáo hát bài ca chính thức của mình bằng tiếng Pháp quả là hành động “tréo nghoe”, lai căng dễ gây ngộ nhận. Nhưng các anh chị đã biết cân nhắc và chọn lực giữa cái lợi ích nhất thời và kết quả to lớn có tầm vóc chiến lược, giữa cái ích lợi thực tiễn và nhưng dư luận vu vơ. Anh chị đã có can đảm chọn lựa cái đúng vì lợi ích của các em chứ không phải xấu tốt cho bản thân mình. Trí tuệ thay!
- Một sự kiện tưởng cũng nhắc lại thể hiện sự tin cậy các anh chị đã đạt được, uy tín của tổ chức lên cao đến mức nào kể cả những trường hợp mà mâu thuẫn, nghi kỵ đang đè nặng trong tâm mọi người.
Năm 1964. Cuộc đấu tranh cho pháp nạn chấm dứt. GHPGVNTN ra đời. Hiến chương được công bố. Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền – hiện là Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt – được suy cử vào chức vụ Phó Viện trưởng và Hội Phật học Nam Việt đương nhiên sẽ giải tán như Hội VN Phật học ở miền Trung. Cụ không nhận chức Phó Viện trưởng và không chấp nhận giải tán các tập đoàn, trong đó có Hội Phật học Nam Việt. Cụ bị mang tiếng là chia rẽ Phật giáo VN. Việc đó vẫn chưa tới ngày phê phán. Chỉ biết Ðức Tăng thống vẫn quý mến cụ nên tạm trú tại Chùa Xá Lợi khá lâu và ngày viên tịch của Ðức Tăng thống, cụ đã “quên hết” ra Huế tiễn đưa. Và ngày tang của cụ toàn thể mọi chức sắc cao cấp của Giáo Hội đều đến thăm viếng.
Dù phản đối việc gia nhập Giáo hội, nhưng cụ không bỏ kỳ vọng thống nhất. Cụ chỉ ngại lụy tổ chức mà quên tinh thần. Chính trong ý hướng đó, cụ đã cho toàn thể GÐPT Nam Việt xác nhập vô điều kiện vào GÐPT Việt Nam. Như thế, nói không ngoa, GÐPT đã thống nhất hoàn toàn trước Giáo Hội.
Suốt chín năm sau đó, các đơn vị GĐPT tại Nam Việt vẫn đặt dưới quyền điều khiển của BHD Trung ương không hề lay chuyển.
Tháng 5-1973 trước ngày cụ mất độ một tuần, trước Ðại hội Phật học Nam Việt, một số Chi hội đề nghị xin lập lại GÐPT theo hệ thống Hội Phật học Nam Việt. Cụ đã nói “Trước đây chúng ta đã cho các con em chúng ta thống nhất thì nay ai muốn lập GÐPT cũng cứ phải liên lạc và xin phép Ban Hướng Dẫn Trung ương. Quí vị cứ việc gởi đơn lên ông Võ Ðình Cường để được xét. Còn chúng ta, việc đã quyết định rồi, xin Ðại hội chớ thảo luận nữa”.
Chúng ta nghĩ sao về lời nói chân thành ấy? Giữa màn đen nghi kỵ đang bao phủ, lòng tin cậy đồng nghĩa với kém khôn ngoan. Anh chị chúng ta đã làm gì để được sự tin cậy đó?
Bằng trí tuệ các anh chị đã nhiếp phục xã hội.
Các anh đâu có coi đoàn thể của mình tạo ra là “nhất trần đời”, đâu chỉ GÐPT mới giáo dục được thanh thiếu niên? Các anh đâu có coi GÐPT là trung tâm vũ trụ? Trong khi lời nói, hành động chúng ta nhiếp phục được ai chưa?
GÂY ÐƯỢC LÒNG TIN TRONG XÃ HỘI BẰNG CHÍNH HÀNH ÐỘNG VÀ HIỆU QUẢ HÀNH ÐỘNG
Chúng ta không quên được trong những ngày đầu khi mà chỉ có lèo tèo mấy anh chị tham gia học giáo lý Phật giáo – chẳng bao lâu những cậu học trò ấy đã được thừa nhận thay mặt giáo hội giáo dục con em mình, thấy bọn trẻ làm việc hiệu quả Hội Việt Nam Phật Học giao luôn việc quản trị và biên tập Tạp chí Viên Âm vốn là cơ quan ngôn luận của Hội. Có trong tay phương tiện – đối với thời ấy là ghê gớm lắm – các anh chị đã thành công trong việc phát động phong trào GD.TTN Phật tử bằng chính tài năng sức lực của mình.
Việc tiến triển sau này của tổ chức trong cơ sở pháp lý, trong cơ cấu tổ chức, trong sự lớn mạnh. Ðâu đâu chúng ta cũng cảm thấy rằng, các anh chị quả đã chiếm được lòng tin cậy ở mọi người bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, tài năng của mình.
Nhiếp phục được người khác, làm sao tin rằng các anh chị chẳng thành công?
Chúng ta đã làm gì? Chúng ta đã đạt sự tin cậy nào chưa?
- Hay là hoài nghi, thành kiến, chấp trước, xu hướng tự mãn đang hành hạ chúng ta?
Từng ấy nguyên lý hành động, từng ấy phẩm chất, từng ấy yếu tố đủ để chúng ta nhìn thấy tương lai.
C. KẾT LUẬN
Thưa các Anh Chị,
Ðã từ lâu lắm rồi, trên khắp đất nước này, màu áo lam của GÐPT đã có thời trở nên một biểu tượng của cảm tình. Trong mọi công tác xã hội, màu áo lam trở thành một giấy thông hành không biên giới. Dân chúng đã nhìn GÐPT với sự trìu mến, tin cậy và kính phục. Phải nói rằng “Sau lưng Phật giáo có GÐPT, và sau lưng GÐPT có quần chúng”. Ðây không phải là đám quần chúng mua danh bán tước, hoạt đầu chính trị, mua chuộc cảm tình, quỵ lụy để thừa hưởng chút vinh hoa. Mà chính là đại đa số quần chúng thầm lặng, một sức mạnh thầm lặng duy trì chính nghĩa, xô ngã bạo quyền. Họ có thể là những người không bao giờ tới chùa, nhưng họ là những người tin vào chân lý, tin vào chính nghĩa, tin vào danh dự, tin vào lẽ sống công bằng. Họ hoài nghi hết mọi hình thức man trá, vụ lợi.
- GÐPT trường tồn trên lớp quần chúng ấy. Họ ủng hộ, đùm bọc, bênh vực đoàn viên GÐPT khi bị khủng bố, bách hại, vu khống ngược đãi (nhiều anh chị em trong chúng ta đã có kinh nghiệm về vấn đề này). Họ không nói, họ chỉ biết làm, họ giúp đỡ trong thầm lặng, sự thầm lặng của tinh thần chín chắn, già dặn và kết quả không phải là không lớn lao.
- GÐPT còn tồn tại đến ngày hôm nay đâu phải vì có một tổ chức chặt chẽ, hùng mạnh, đâu phải vì lực lượng đông đảo hay nhờ một xảo thuật chính trị mị dân? GÐPT tồn tại chính bởi đường đi của mình đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, khát vọng thầm kín của đông đảo quần chúng trong cộng đồng.
Quá khứ của GÐPT chứng minh điều đó, đảm bảo cho mọi hoạt động của GÐPT được mọi người ủng hộ. Nhiệm vụ chúng ta trong tương lai làm sao đừng phản bội lại sự tin cậy đó. Không phản bội lại đa số thầm lặng đã tin cậy gởi gấm con em cho chúng ta, phản bội lại đa số thầm lặng đã từng ủng hộ chúng ta và phản lại quá khứ chân chánh của chính mình.
Hãy coi chừng – Họ thầm lặng ủng hộ, họ cũng thầm lặng rời bỏ chúng ta!
Sinh ra là lớn lên trong một xã hội đảo điên nhiều đổi thay giả tạo, chúng ta đau khổ vì những cảnh huống xót xa của đồng loại, đã chứng kiến những cảnh tang thương, đã nghe những lời than khóc, đã nghĩ tới những tai họa bất công. Con người dù vô tâm đến đâu cũng phải xúc động, nhưng sự xúc động quá đáng về một cảnh huống, những biến cố làm cho người ta đầu hàng nghịch cảnh hoặc đấu tranh điên cuồng để chống lại một cách bất trí, dẫn đến những tai họa khôn lường.
Người Phật tử hiểu được nhân duyên nghiệp quả phải có cái nhìn xa, rộng hơn. Thấy cảnh tai ương ta không thể nào không giải cứu, nhưng điều cần thiết là phải tiên liệu hậu quả. Sự xúc động về một vài trường hợp đặc thù đầy cảm tính có thể tạo nên một tâm lý thỏa mãn giả tạo. Giải pháp nhất thời có thể dọn đường cho sự đau khổ lớn lao hơn.
Người HT có trách nhiệm, có chánh kiến phải nhận biết, phân biệt thế nhất thời và thế vĩnh cửu. Cố chấp vào sự đắng cay hay thỏa mãn trước mắt mà quên con đường dài – Lụy vào phương tiện mà quên cứu cánh.
Tình thế hiện nay là của nhân loại chứ không phải riêng một quốc gia. Mọi biến cố, tư trào đều nằm trong cục diện thế giới. Cố chấp vào một điều kiện xã hội nào đó liệu có đúng không? Nên nhớ rằng: Nhân loại khôn hơn mỗi chúng ta. Và cái không đúng sẽ tự đào thải. Xúc động với một vài biến cố, vô lẽ chúng ta khôn hơn cả nhân loại sao?
- Việc ngoài đã vậy mà việc trong nhà cần phải tỉnh táo hơn:Sự thay đổi một tổ chức, một triều đại không phải là một sự tình vĩnh cửu. Người HT.GÐPT không thể dấn thân vào các cuộc đấu tranh giai đoạn. Người HT.GÐPT chỉ chấp nhận những gì phù hợp với thế trường cửu – Hết sức hết lòng giáo dục các em không phải là thế trường cửu sao?
- Trên đường đi tới, cũng như các anh chị chúng ta, đôi khi chúng ta phải nhắm mắt trước những hoa thơm trái ngọt ven đường cũng như phải câm nín trước một vài trạng huống bất bình dày vò hành hạ chúng ta.
Hạnh vô úy không dạy cho ta ngang bướng, liều lĩnh. Nếu chỉ nhìn vào một chi tiết của tình thế ta dễ dàng bị hoang mang mua chuộc.
- Hãy bình tĩnh như đã từng bình tĩnh – Kết quả to lớn sẽ dành cho những ai thực hành đầy đủ châm ngôn BI – TRÍ – DŨNG.
Nhìn về quá khứ. Trở lại bối cảnh hiện nay. Không gì hơn, chúng tôi xin lập lại trích đoạn diễn văn của Chị Trưởng Ban Hướng Dẫn đọc trong Ðại Hội Huynh Trưởng Trung Phần – 1961. Một giai đoạn lịch sử mà sự liên hệ giữa GÐPT – Ðạo pháp – Dân tộc mang nhiều sắc thái đặc biệt mà anh chị em đã biết – mà hiện nay đọc lại diễn văn này chúng ta không những rút ra được bài học kinh nghiệm mà còn chia sẻ nỗi niềm của những người đi trước đã một thời dẫn đường cho chúng ta vượt chông gai.
“Ngày nay nếu hoạt động của GÐPT đối với Ðạo Phật nước nhà không còn là một tổ chức nhất thời phụ thuộc, thì sứ mạng của nó trước hiện tình của thời cuộc Việt Nam hiện tại, càng to lớn, gay go, càng trở nên phức tạp. Về vấn đề quan trọng này, nó đã làm cho bao nhiêu kẻ hữu tâm phải thường lo âu, suy nghĩ, đặt vấn đề và này lên một tình trạng cần thiết để giải quyết tình trạng đó…”
“Suốt một năm qua vì lẽ sự đời không đi đôi với bản nguyện, ngoài những cố gắng đẹp đẽ của các GÐPT Tỉnh Hội, trong những sinh hoạt hạ tầng. Cơ sở thượng tầng mà BHD/TP phải lãnh một phần trọng trách hình như không tiến được một bước nào khả quan chỉ vì có nhiều thất bại, lâm vào tình trạng bất khả cần được trình bày cùng quý vị tường tận hơn ở đoạn sau…”
…”Tuy vậy để đối phó với tình trạng khó khăn này, thuận thời mà không lợi thế, hầu đẩy mạnh phong trào GÐPT về chiều rộng lẫn chiều sâu, chưa bao giờ vai trò lãnh đạo cần được lưu tâm mật thiết như ngày nay. Vấn đề này đòi hỏi những con người tài đức thực tế, mền dẻo, trung kiên để thành tựu đối nội, nhất là đối ngoại…”
Chúng ta cũng chia sẻ với nhau ý niệm: Lãnh đạo, tài đức, thực tế, mền dẻo, trung kiên, thành tựu đối nội, đối ngoại.
Chúng ta tự rèn luyện để được tài đức, thực tế, mền dẻo, trung kiên và chờ đợi thành tựu… từng ngày… từng giờ.
Ðược chăng?
Xin cám ơn các anh chị đã cho tôi có dịp tỏ bày.
NGUYÊN THÀNHLÊ VĂN HOÀNG
Diên Khánh – Khánh Hòa – 7/1996