
SỨ MỆNH GIA ÐÌNH PHẬT TỬ
Tác giả: Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền
Tủ Sách Phổ Hòa xuất bản tại Hoa Kỳ, 2019
Thực hiện: Bodhi Media
Liên lạc: 916-607-4066
ISBN: 978-0-359-47622-0
Tập khảo luận mà chúng ta đang cầm trên tay, có thể nói, là một trong những tài liệu quan trọng gắn liền với quá trình phát triển sôi nổi nhất của Gia đình Phật tử Việt Nam. Ra đời trong cuộc Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, từ đó đến nay, Gia đình Phật tử Việt Nam đã song hành và đóng góp vai trò không nhỏ trên quãng đường đầy thăng trầm, biến cố của Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Hay có thể nói một cách không quá lời rằng tổ chức ấy đã trở nên một phần của Đạo pháp và Dân tộc.
Dẫu vậy, để hiểu một cách đầy đủ và chân xác nhất về một tổ chức với quy mô và ý nghĩa quan trọng như Gia đình Phật tử Việt Nam là một điều không hề giản đơn, nhất là trong bối cảnh những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, khi các kênh thông tin chưa phát triển; các đoàn thể, tổ chức thanh thiếu niên nảy nở sôi nổi. Và cũng trong cùng thời điểm ấy, thế cuộc đang đi vào chỗ rối ren nhất, chiến tranh lan tràn trên sông núi đang ở vào đoạn khốc liệt nhất.
Dẫu không thể phác họa một cách trọn vẹn nhất về tổ chức của mình, nhưng Sứ mệnh Gia đình Phật tử ra đời vào năm 1965 có thể được coi như một tiếng nói cất lên để “xưng danh” giữa muôn ngàn sắc thanh hương trong thế thời ly loạn ấy.
Hơn 250 trang sách được chia thành bốn chương với nội dung súc tích đã khái quát được ý nghĩa, bản chất của Gia đình Phật tử Việt Nam, một tổ chức mà theo tác giả là “đã quá quen thuộc” với đồng bào Phật tử nhưng “vẫn còn mới mẻ” với đồng bào các giới lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau hơn 50 năm kể từ ngày xuất bản, với độ lùi thời gian đủ để nhìn nhận và đánh giá vấn đề, chúng ta có thể thấy rằng vượt lên ý nghĩa “xưng danh”, Sứ mệnh Gia đình Phật tử Việt Nam còn có thể được coi là một đề cương dẫn đường cho tổ chức này trên con đường phát triển.
Ấn bản 2019 của Sứ mệnh Gia đình Phật tử Việt Nam ra đời, bên cạnh mong muốn mang trở lại một tư liệu quan trọng, giúp cho người đọc có cái nhìn rõ ràng về Gia đình Phật tử Việt Nam, còn nhằm để tri ân tác giả, một trong số những cái tên đã đóng vai trò tích cực và quan trọng vào công cuộc thăng tiến của tổ chức: Trưởng niên Tâm Lương – Nguyễn Minh Hiền (Lữ Hồ).
Trong ấn bản lần này, bên cạnh việc sử dụng bản nền được tác giả xuất bản lần đầu năm 1965 tại Sài Gòn và ấn hành bởi Thư Lâm Ấn Thư Quán, ban biên tập đã tiến hành đối chiếu với các ấn bản khác được in lại ở trong nước và hải ngoại về sau này nhằm khôi phục một ấn bản đầy đủ và chân xác nhất với văn bản gốc. Bên cạnh đó, để phù hợp với ngôn ngữ phổ thông ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tiến hành hiệu chỉnh, thống nhất một số cách dùng từ ngữ, cách viết so với văn bản gốc như: Võ Đình Cường thay cho Võ-đình-Cường, Gia đình Phật tử thay cho Gia Đình Phật Tử, Hội Việt Nam Phật giáo thay cho Hội Việt-nam Phật-giáo, này thay cho nầy… Việc hiệu chỉnh này nhằm tạo ra một văn bản nhất quán về nội dung, ngữ pháp nhằm tránh những khó khăn trong việc tiếp nhận của độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ tuổi đa phần xa lạ với cách dùng từ ngữ hơn nửa thế kỷ trước.Trong quá trình thực hiện, ban biên tập chắc chắn không tránh khỏi những bất cẩn, thiếu sót, rất mong quý độc giả xa gần và các bậc thiện tri thức rộng lòng thứ lỗi. Đồng thời, chúng tôi rất mong nhận được những góp ý chân thành để những ấn bản kế tiếp có thể tiếp tục được hoàn thiện hơn.