
Chuyện sẽ chẳng có gì là ầm ĩ nếu “Tân nữ hoàng” tenis của giải US mở rộng 2018, một trong 4 Grand Slam thế giới, không mang 2 quốc tịch.
Sáng hôm nay, cái tên Osaka Naomi tràn ngập trên các trang báo. Cô đã viết cho lịch sử thể thao Nhật Bản khi trở thành tuyển thủ quần vợt đầu tiên xứ Phù Tang, đoạt 1 trong 4 giải Tenis lớn của thế giới có lịch sử hơn 100 năm.
Osaka Naomi sinh ra tại thành phố Osaka, có cha là một người Mỹ gốc Haiti và mẹ là Nhật Bản. Mẹ Naomi xuất thân từ Hokkaido, nơi chôn nhau cắt rốn của bà mới bị trận động đất chấn động 7. Cũng là nơi bà quen biết với bố Naomi nhưng chuyện tình của hai người đã không được gia đình chấp nhận…Năm lên 3, gia đình cô chuyển sang Mỹ để hy vọng vào tương lai thể thao của đứa con gái.
Và năm nay, đúng 20 tuổi, Osaka Naomi đã hạ thần tượng của mình là Serena để đem về chiếc cúp, mà đối với thủ tướng Abe trong lời chúc mừng, là món quà quí giá, nạp thêm năng lượng cho Nhật Bản trong thời điểm khó khăn này.
Osaka Naomi đang mang hai quốc tịch, theo luật Nhật, cho tới năm 22 tuổi, cô phải chọn một, trong khi Hoa Kỳ cho phép song tịch. Đất nước nào cũng muốn cô trở thành công dân của mình để gởi đi tham dự Olympic Tokyo 2020. Được chơi trên đất mẹ đẻ và khả năng đem về chiếc huy chương vàng tenis thế vận đầu tiên, là một vinh dự tuyệt vời… Nhưng với nguồn tài chánh “khủng” cùng với những nhà sponsor lẫy lừng, liệu Naomi có buông Nhật theo Mỹ?
Điều đó có lẽ không quan trọng bằng thái độ của Naomi sau khi kết thúc trận đấu đông khán giả, đã khiến cho Naomi có cảm giác không thoải mái và đầy áp lực khi phải tập trung từng đường banh chiến đấu với “Nữ hoàng” của họ. Nếu là tôi hay là bạn, khi chiến thắng, chắc tôi sẽ tung vợt, đưa nắm đấm về khán giả hả hê trả thù.
Tuy nhiên thay vì vậy, lúc Serena đỡ hụt cú giao banh khóa trận, Naomi đã chậm rãi kéo vành mũ để che những giọt nước mắt hạnh phúc tiến đến bắt tay đối phương rồi mới ăn mừng. Sau đó, trong lời phát biểu; cô nhẹ nhàng xin lỗi khán giả đã tới ủng hộ Serena, cũng là một thần tượng của cô và cám ơn Serena đã cho cô thực hiện ước mơ từ những ngày còn bé .
Lúc này, khán giả mới tiếc những tiếng “buing” đã dành cho cô bé, người vẫn còn quyền lựa chọn đứng về tổ quốc của họ cho những trận đấu tương lai.
Mới 20 tuổi thôi và đã rời đất nước đi từ hồi 3 tuổi mà sao em vẫn giữ được cái sự khiêm nhượng khiến ai cũng phải nể.
(Trích Huy Nguyễn – Hình: Eurosport)
- Tựa: Sen Trắng