
LỜI GIỚI THIỆU: Khoảng giữa những năm 60 của thế kỷ 20, nhận thấy sự cần thiết về một cơ sở đào tạo, giáo dục có quy mô về tôn giáo hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ là Phật giáo, các vị lãnh đạo của Phật giáo miền Nam Việt Nam đã nhen nhóm ý tưởng thành lập một viện Đại học cho riêng mình.
Ngay sau đó Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập và cấp phép hoạt động ngày 17/10/1964, ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội, đến năm 1966 dời về biệt lập tại 222 Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ, TP. HCM). Viện do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Viện trưởng, Phó viện trưởng là Thượng tọa Thích Mãn Giác.
Không chỉ là nơi đào tạo nhiều tầng lớp thiện trí thức để cống hiến cho Phật giáo và góp phần xây dựng đất nước, các vị đứng đầu Viện đại học Vạn Hạnh còn lập ra Ban tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh để biên soạn, xuất bản nhiều đầu sách, tạp chí Phật học có giá trị, đáp ứng cho nhu cầu học tập và tìm hiểu của học viên và những ai có nhu cầu nghiên cứu. Một trong những ấn phẩm đầu tiên, ghi dấu ấn mạnh mẽ của Ban tu thư lúc bấy giờ đó là tạp chí Vạn Hạnh. Đây là tạp chí nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo dân tộc, là cơ sở để sau đó Ban tu thư Vạn Hạnh cho ra đời bộ tạp chí Tư tưởng nổi tiếng, là cơ quan ngôn luận dẫn đầu về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa Phật giáo hàng đầu của Phật giáo Việt Nam.
Cho đến nay, Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh vẫn được xem là tạp chí nghiên cứu văn hóa Phật giáo hàng đầu, kể cả trong và ngoài nước. Nhiều bài viết trong tạp chí vẫn mang giá trị sâu xa vượt thời gian, là nguồn tư liệu quý giá cho người nghiên cứu Phật học kể cả hiện nay và mai sau.
Mặc dù toàn bộ các số tạp chí Tư Tưởng đã được Trung tâm Huệ Quang thực hiện việc số hóa, nhưng kết quả công việc chỉ được dùng vào việc in ấn phát hành bản sách in mà không thấy có bản điện tử lưu hành trên Internet. Vì thế, cho đến nay vẫn chưa có một địa chỉ nào trên mạng có thể giúp độc giả tiếp cận được toàn bộ nguồn tư liệu quý giá này. Trang giới thiệu này của chúng tôi tuy chưa thực sự hoàn chỉnh nhưng hy vọng có thể bù đắp phần nào vào khoảng trống đó.