
(Tài liệu nghiên cứu tu học đào tạo Huấn luyện viên Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
Khối Nghiên Cứu Huấn Luyện GÐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ sưu lục)
I. Dẫn nhập:
Gia đình Phật tử Việt nam áp dụng đường hướng giáo dục khai phóng – không mang tính từ chương khoa giáo – không đặt nặng vấn đề dạy và học – vì hai lý do:
1. Huynh trưởng: Trình độ không đồng đều, thường Huynh trưởng các thế hệ trẻ về thế học đa số cao hơn thế hệ trước.
2. Ðoàn sinh: Trình độ lại càng chênh lệch phức tạp hơn nhiều, nhất là ở thành phố vả ngành Thanh (Nam Nữ Phật tử).
– Huynh trưởng không đủ trình độ để dạy cho đoàn sinh.
– Không có giáo án độc lập cho từng bậc học, tuy có tài liệu tu học chuẩn được ban hành.
Sứ mạng giáo dục của tổ chức Gia đình Phật tử Việt nam nằm trong 2 thuật ngữ: Hướng dẫn và Huân tập.
Muốn làm được người hướng dẫn tốt, Huynh trưởng phải học cho thật kỹ và hạ thủ tu trì nghiêm mật các điều đã học. Không phải chờ Ban Hướng Dẫn mở khóa học rồi mới đăng ký ghi danh tu học. Mà ngoài chương trình tu học trường kỳ “Kiên – Trì – Ðịnh – Lực” và các trại huấn luyện “Lộc uyển – A-Dục – Huyền Trang – Vạn Hạnh”, Huynh trưởng phải tìm cho mình một bảo huynh, một y chỉ sư có công phu tu tập hàm dưỡng – có sở học, sở đắc hơn ta: Ta cầu pháp thọ học – không thoái thất.
Ðạo Phật quan niệm – Huệ trí là do công phu hàm dưỡng hành thâm thiện nghiệp mà sanh, chứ không phải học hỏi kinh nghiệm mà có được. Sự học có được đó là kiến thức. Do vậy sự hướng dẫn như thế nào đó là vấn đề cần nghiên cứu.
Tổ chức Gia đình Phật tử nhận định rằng. Con người sống là sống cộng đồng – có trách nhiệm với cộng đồng và có nghĩa vụ với cộng đồng – và mỗi người đóng góp cho cộng đồng theo khả năng hợp lý và công bằng – mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp có cách giải quyết vấn đề và đóng góp tiền của tài năng khác nhau – và chính mỗi thành viên phải ý thức thấy rõ vấn đề và tự nguyện hiến dâng công việc để phát triển nâng cao cuộc sống.
Từ đó các lý thuyết gia của tổ chức đã chọn hai hình thức có thể phát huy tài năng nội lực trí tuệ của Ðoàn sinh Huynh trưởng để thăng tiến cá nhân tổ chức, cộng đồng xã hội đó là:
1. Hình thúc giáo dục quan năng.
2. Hình thức giáo dục hàng đội chúng tự trị.
Trong quá khứ đã có những cuộc hội thảo cấp, cấp Tỉnh Thị, cũng như những buổi pháp đàm chuyên về nghiên huấn, các anh chị thường gọi đầy đủ là: “Hai phương pháp giáo dục hình thức”.
II. Hình thức tu học:
Nói đến hình thức là nói đến cách thức tổ chức và điều hành sự tu học cho Huynh trưởng và Ðoàn sinh, chứ chưa nói đến nội dung và chất lượng tu học đạt được.
1. Phương pháp và hình thức giáo dục quan năng:
Ðạo Phật là một tôn giáo khoa học.
Ðạo lý nhân quả duyên sanh cho ta thấy đạo Phật không tin thượng đế toàn năng theo kiểu nhất thần giáo.
Ðạo Phật không tin thuyết định mệnh an bài triệt tiêu hướng tiến thủ tích cực của mọi người.
Mỗi người đều trực tiếp chịu trách nhiệm về dòng sinh mệnh bất diệt của chính mình.
Hình thức này được áp dụng để hướng dẫn các em ở ngành Ðồng dưới 12 tuổi: Mục đích rèn luyện khả năng cảm thọ của các giác quan. Ðặc biệt là của năm giác quan – tiền ngũ thức – xoáy cái nghĩa lý tạo nên cái hình tướng mà tiền ngũ thức phát hiện – để hành thâm thiện pháp đạt huệ trí – tức chuyển thức thành trí.
Sau đây cứ mỗi giác quan, sau khi phân tích sự cảm thọ, được nêu một ví dụ và cách hạ thủ, đại chúng theo đó mà đặt thí dụ thực tập cho riêng mình càng nhiều càng tốt.
a. Dùng mắt: Hướng dẫn các em cách quan sát mô tả sự kiện và cách thức nhận biết. Thí dụ: Nói đến Phật Bảo – Các em biết tóc Ngài xoắn theo phía tả và nằm sát da đầu, mắt luôn khép lại, nhìn xuống có lẻ như nhìn vào trong, miệng lúc nào cũng như mỉm cười, bụng nhỏ, tay chân đầy đặn, ngực có tướng chữ Vạn, giữa hai mắt có tướng lông trắng, lổ tai to và dài, mủi thẳng cao to và kín không để thấy hai lỗ hổng. Và nếu đưa một lô ảnh gồm các thiên thần cao quí các em vẫn phân biệt được hình ảnh Ðức Phật.
b. Dùng tai: Tai của Phật to và dài, tai dùng để nghe. Hãy học hạnh biết lắng nghe. Chỉ biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng tâm sự của người khác là đã chia sẻ được phân nữa niềm đau buồn của kẻ khác – Nghe phân tích chắc lọc là một cách học nhanh nhất. Mắt thấy tai nghe, là hai giác uẩn tối ưu của con người. Trong kinh có mô tả Ðức Quán Thế Âm – luôn quán nghe âm thanh của chúng sanh mà tùy nghi cứu độ. Ngài còn có danh hiệu là Thiên thủ thiên nhãn – ngàn tay ngàn mắt – tai nghe là chân chạy đến, mắt thấy được cảnh khổ là ra tay cứu vớt ngay chẳng nói năng chẳng lý giải, chẳng biện bác gì cả.
c. Dùng mũi: Mũi dùng để ngửi, mùi hôi phát sinh từ vật bất tịnh, mùi thơm sinh từ đâu, cũng có thể phát sinh từ vật bất tịnh, hay từ hương liệu, nhưng tất cả mùi vị này đều bay theo chiều gió. Còn một thứ hương không mùi đó là hương hoa đạo hạnh – nó xuất sanh từ Giới – từ Ðịnh – từ Huệ. Cái mùi này người Phật tử mới nên xông ướp huân tu. Ðắm cái mùi hương hoa thì lụy thân hại đức. Cho nên ngài Giới Nghi đi dạo ở hồ sen bị thần giữ ao quở là ăn trộm hương.
d. Dùng lưỡi: Lưỡi của Phật và của chư Thánh chúng mỏng và dài – do ăn nói chơn thật lợi lạc mọi người mà có. Lưỡi này không thích vị hôi nồng của 5 món Hành – hẹ – nén – tỏi – kiệu. Lưỡi này không thích mùi máu thịt của chúng sanh. Lưỡi này yêu thích vị thương yêu đại từ đại bi – đại hoan hỷ – đại xã ly – một mùi lấn át tất cả đó là đạo vị.
e. Thân xúc chạm: Thân còn gọi là cái tôi ngã tướng. Lấy cái thân tứ đại bảo là tôi, cưng quý nó, trìu mến nó, nuông chìu nó, mà cuộc đời trăm đắng ngàn cay cũng xuất sanh từ đây. Người Phật tử cho đây là báo thân, không cưng quý mà cũng không hất hủi, mà coi đó như là một phương tiện tối thắng để tu trì chứng đắc quả vị giải thoát giác ngộ. Nó cũng là một tập hợp bất tịnh, nó là đầu của ái dục xúc chạm, cho nên người tu không nằm giường cao nệm ấm – học hạnh tri túc biết đủ – tu tâm vô lậu học để trừ tham, khử sân, dứt si, từ nhiều đời câu sanh sang.
Trong các kỳ Ðại hội, tiểu ban nghiên cứu huấn luyện tu học soạn thảo chương trình tu học rất nghiêm túc. Chương trình ngành Oanh các đề tài rất ư thực tế. Những đề tài này Huynh trưởng hướng dẫn quan sát mô tả chân xác, thực tập tại chỗ, thâm nhập đến cốt tủy chẳng cần phải chép bài, về nhà xem lại tài liệu cũng đủ nhớ. Và khi các em học hết ngành Oanh các em có thể biết được nào chuông mõ, tranh tượng, thuộc tên từng bức tượng, mô tả một ngôi chùa, cách thời phượng, pháp khí, pháp cụ… cách qua đường, cách ăn chay, niệm Phật, chào kính và cung các xưng hô trong đạo – nương theo sự mà hiểu lý – nương hình tướng mà nói đến ý nghĩa – tâm dạ từ đó mà sáng suốt – sự cảm nhiễm từ đó mà huân tập.
2. Phương pháp hình thức hàng đội chúng tự trị:
a. Hàng Ðội Chúng tự trị: Dạy mà không dạy bằng cách gián tiếp theo dõi từ xa. Ðây là phương pháp hình thức – cho tuổi trẻ sống với nhau – học với nhau – chơi với nhau – giải quyết những vấn đề chung cùng nhau – và đương nhiên chịu trách nhiệm thịnh suy của toàn Ðội Chúng của nhau. Huynh trưởng chỉ định hướng đề tài, chuẩn hóa đề tài mà thôi. Phương pháp này có nhiều hình thức thực hiện như:
Hội thảo: Cho đề tài – cho dàn bài có gợi ý – học viên viết tham luận thuyết trình, đúc kết thành bài học. Chẳng những nâng cao kiến thức trình độ mà còn rèn luyện bản lãnh, tập ăn, tập nói, tập trình bày một vấn đề. Khắc phục tính nhút nhát, học các khai thác biên soạn một đề tài, cách sưu tầm tài liệu và lựa chọn tư liệu sử dụng…
Hội luận: Cùng nhau thảo luận thống nhất được những nét cơ bản về đề tài, có thể thiết lập được dàn bài chi tiết cần đủ, và cùng nhau phân công sưu tầm tài liệu và soạn thảo đề tài, thuyết trình và đúc kết thành bài mẫu.
Ðộng não: Ðộng não vòng, vòng một ý nghĩa đề tài, nếu xét chưa đử thêm vào vòng 2; lần lượt đến mục đích, yêu cầu, Xong sắp xếp lại hình thành một đáp án nào đó của một đề tài học tập.
Diễn đàn: Cho đề tài, học viên tự do đăng đàn diễn thuyết, rút ưu khuyết điểm.
Sinh hoạt báo chí: Mỗi người một việc không bao cấp trong lao động học tập.
Với hai hình thức học tập này tổ chức ta chỉ cần đưa vấn đề Tổ chức điều hành một tiết học thì một Huynh trưởng có công phu hàm dưỡng, có kiến thức vừa phải có thể hoàn thành sứ mạng giáo dục của mình đối với tổ chức.
Cho nên một Ðoàn trưởng giỏi – vắng mặt cũng có thể điều hành chương trình sinh hoạt tu học ở đơn vị tốt.
III. Cách thức tổ chức:
Hiện nay các đơn vị Gia đình Phật tử trên toàn quốc tổ chức tu học cho đoàn viên dưới hai hình thức như sau:
1. Ðiều động học tập cấp gia đình:
Chia Ðoàn sinh theo bậc học: Mỗi bậc học có tối thiểu là một Huynh trưởng chủ nhiệm bậc học. Lên chương trình chi tiết – mời Huynh trưởng tham gia hướng dẫn – theo dõi sự học tập của từng em – tổ chức ôn tập và soạn thảo để khảo hạch cuối khóa.
Dạng thức này, đến giờ học, hai ngành nam nữ học chung. Phổ biến ở những đơn vị gia đình có từ 150 em trở lại – Ðoàn chỉ có một vài Huynh trưởng.
2. Ðoàn thực hiện chương trình học:
Ðến giờ tu học, Ðoàn tự trị đảm trách. Giờ hoạt động thanh niên, Ðội chúng tự trị đảm trách có Huynh trưởng tham gia tổ chức giám sát. Giờ hoạt động xã hội Huynh trưởng Ðoàn phụ trách hướng dẫn, Giờ Phật pháp + Kiến thức, thảo luận, động não, thuyết trình, hội luận có chủ tọa thư ký, thuyết trình viên, ghi chép biên bản, Huynh trưởng tham dự đúc kết ý kiến đóng góp bổ sung chỗ thiếu, chỉ đạo cắt bớt những chỗ thừa sai lệch đề tài.
Ðối với Ðoàn, sinh hoạt tu học tự trị ở những gia đình truyền thống bài bản, có số Huynh trưởng kỳ cựu bản lãnh. Hàng Ðội chúng trưởng từ bậc Trung Thiện trở lên – Thành phần Ðội chúng trưởng và phó có chương trình bồi dưỡng riêng. Trong giờ tu học sinh hoạt. Ðội chúng trưởng, phó luôn là phụ tá huấn luyện viên, hướng dẫn sâu sát các đề tài đối với các Ðoàn sinh cá biệt – theo dõi ghi chép quản lý để có kế hoạch phụ đạo ngoài giờ cần thiết để giúp cho Ðoàn sinh vượt khó. Và đây là cách học hữu hiệu nhất chẳng những thực hiện hết chương trình mà đạt hiệu quả học tập rất cao.
Hội đồng đoàn phân công cụ thể cho các Ðội Chúng trưởng. Các Ðội Chúng trưởng y theo như trên đã giao, cùng giao trách nhiệm bố trí nhân sự thực hiện để thúc đẩy nhau thăng tiến, các chức vụ như: phụ trách học tập – họa my – báo chí – hoạt động thanh niên… luân phiên nhau đãm trách để phát huy chuyên năng đạt hiệu xuất học tập cao.
IV. Kết luận:
Xã hội ngày một phát triển, dân trí mỗi ngày được nâng cao, cuộc sống ngày một cạnh tranh ác liệt không khoan nhượng, cuộc sống quay cuồng với một tốc độ ngày một gia tăng. Một khi xã hội hội nhập được cùng khu vực và cộng đồng quốc tế, chắc chắn những tiêu cực phải bị đào thải, cuộc sống ăn chơi thác loạn của lứa tuổi thanh thiếu niên hiện tại phải cáo chung. Ðể hướng chỗ cho những tổ chức sinh hoạt tu học vừa thông thoáng, cởi mở, lành mạnh – vui chơi trong học tập – học tập để hướng thượng xã ly những vướng mắc muộn phiền của cuộc sống – tất cả vì lợi lạc quần sanh mà hành động, sẽ là một hấp lực tuổi trẻ với cái hương vị đạo tình nhân bản. Lúc đầu chỉ có tính cách thư giãn – giống như thời Ðồng ấu – Phật hóa phổ – chỉ cốt giữ lại cái đạo lý nhân bản trong xã hội. Duy trì nếp sống luân lý đạo đức của một gia đình tin Phật. Rồi từ vị trí khiên tốn ấy, xây dựng nên, kiến tạo nên một lý tưởng phục vụ Ðạo Pháp Dân tộc và chúng sinh.