
Mấy mươi năm ròng, bài ca sinh hoạt “Chim Bốn Phương” hầu như luôn là tiếng đầu môi cho những buổi họp đàn của anh chị em Gia đình Phật tử Việt Nam:
“Chúng ta là chim bốn phương bay về đây,
về đây chúng ta sống trong đạo thiêng.
Chúng ta là hương gió mang đi ngàn phương,
nguyện đem gieo rắc khắp nơi ánh vàng.”
Ðó là lời nguyên thủy của bài hát. Về sau những lúc họp mặt ở Cali, tôi nghe anh Ngô Mạnh Thu kể lại có lần Anh đã đề nghị với Anh Hoàng Trọng Cang thay đổi lời hát một chút, để tiếng hát bay xa hơn, xa ra khỏi sự giới hạn của vòng vây áo lam, chan hòa với tình nhân thế.
Tự căn để, nền giáo dục Áo Lam là như vậy.
Anh Thu chỉ tôi hát:
“Chúng ta là chim, bốn phương bay về đây,
về đây chúng ta sống trong tình thương.
Chúng ta là hương gió mang đi ngàn phương.
Nguyện đem gieo rắc khắp nơi tiếng cười.”
Và như thế, mình hát ở đâu cũng được, hát với anh em sinh viên, học sinh, hát với các bạn trẻ quanh mình, với cộng đồng mình đang sống. Vì tình thương là đạo, tiếng cười là diệu dụng của Ðạo, là ý hướng trong vế thứ hai của mục đích Gia đình Phật tử: “góp phần xây dựng xã hội.”
Một chút đó thôi, giữa tâm tư của hai người bạn đồng trang, là hai người nhạc sĩ trong đời lẫn trong đạo, và cũng là hai người Anh Lớn (Big Brothers) của một Gia Ðình, mình thấy có sự khác biệt về suy nghĩ trong sáng tác, do bối cảnh lịch sử của đất nước – đạo pháp, và địa vị trong xã hội v.v… Duy có một điều không khác qua sứ mạng giáo dục đàn em, hai Anh luôn mang cùng một nỗi ưu tư về lịch sử (trung thực), và hiện tình phát triển của phong trào…
“Mọi đoàn viên trong gia đình Phật Tử đều vừa là Chánh báo vừa là Y báo. Các anh chị huynh trưởng là Y báo của các em. Các em đoàn sinh là Y báo của các anh chị huynh trưởng. Các huynh trưởng là phương tiện giúp các em tu học và các em đoàn sinh là phương tiện tu học của các huynh trưởng. Nhưng liệu Gia đình Phật Tử có thật sự lành mạnh để các đoàn viên nương tựa vào đó để chuyển hóa thăng hoa không? Câu hỏi này khiến phải nghĩ đế nơi chốn địa phương mà Gia đình Phật Tử đang hiện hữu. Nơi đó có phải là một môi trường lành mạnh có đầy đủ điều kiện đáp ứng được nguyện vọng và mục tiêu của G.Ð.P.T. không? Dù câu trả lời có lạc quan hay bi quan, nếu muốn chuyển nghiệp thì G.Ð.P.T. cũng phải biết phối hợp tình Lam và Trí tuệ để làm đẹp Chánh báo và Y báo.” – (Nguyên Phương Hoàng Trọng Cang, Mùa Xuân cho Em)
Năm 2001, khi tôi cùng anh chị em Miền Quảng Ðức chủ xướng tổ chức “Khóa hội thảo về Giáo dục Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ.” Gặp nhiều áp lực từ cấp hướng dẫn trung ương, song Anh Ngô Mạnh Thu và anh Hoàng Trọng Cang vẫn nhiệt tình hỗ trợ. Riêng Anh Cang đã gởi dàn bài tham luận về hội thảo.
Cùng với dàn bài gợi ý này là hai bài viết cũng của Anh trước đó. Hôm nay đăng lại để tưởng nhớ hai Người Anh Lớn NGUYÊN PHƯƠNG HOÀNG TRỌNG CANG và TÂM HÒA NGÔ MẠNH THU, từng dìu dắt mình đi một đoạn đường dài, những con đường giờ đã chia nhánh, đã tẻ nhạt rồi, nhưng ước mong còn lại một ngày tất cả anh chị em áo lam bốn phương bay về, hát lại lời ca ấy trong nỗi mừng vui rạt rào!
Kính tiễn Anh Nguyên Phương Hoàng Trọng Cang
Mặc Cốc, tháng Năm, 2013
QUẢNG PHÁP TRẦN MINH TRIẾT