
Dường như cái chung của những người nghe tin chuyến đi xa này của anh Ngô Mạnh Thu là một nỗi tiếc nuối , xót xa, nhưng ở riêng từng góc , lại là những tưởng tiếc về các góc cạnh khác nhau về một cuộc đời.
Là một cư sĩ Phật tử đạo hạnh , một Huynh trưởng Gia đình Phật tử nhiệt thành, một nhà hoạt động Giáo Dục đầy năng lực, một nhà truyền thông kinh nghiệm và yêu nghề, một nhạc sĩ sáng tác tài ba. Nhưng nếu gom tất cả những cái đó lại , có phải là chúng ta có được một cái nhìn về con người của Ngô Mạnh Thu hay không? Tôi thấy dường như đã đầy nhưng mà chưa đủ. Mặc dù chỉ là một trong những nghiệp danh trên đã nhiều khi với tôi đã bơi mãi chưa đến được bờ. Cái mà tôi nhìn thấy từ nơi anh là một cái khác hơn, đơn giản hơn và cũng gần gũi hơn nhiều,
Quen biết với anh từ những ngày cuối năm 1974, do Nguyễn Quyết Thắng đưa đến chơi với Du Ca , Lúc đó Phong trào Du Ca Việt Nam tổ chức đêm gói Bánh Chưng cho đồng bào tỵ nạn Cộng Sản tại trại tạm cư Phú Văn Bình Dương. Tác giả ca khúc nổi tiếng “Từ Một Cơn Mơ” xuất hiện trong bộ quần áo mầu nâu, bên cạnh đống lửa trại để bắt nhịp cho chúng tôi một bài ca sinh hoạt, tiếng nói trầm ấm và phong cách tác động đám đông đã lập tức lôi cuốn chúng tôi vào vòng tròn của say mê, và nồng nhiệt cùng anh trong các tình ca quê hương, nhận thức ca, sinh hoạt ca tiếp theo nhau. Câu chuyện bên ánh lửa tàn tại Trung Tâm Liên lạc Sinh Viên Quốc Nội Hải Ngoại số 19 đường Kỳ Đồng quận 3 Saigon đã làm tôi gần gũi với anh hơn.
Cuốn hút từ anh để tôi bước vào thế giới Du ca và trở lại với mầu áo Lam mà tôi đã bỏ quên, hình như sau thời gian sinh hoạt Oanh Vũ ở Gia Đình Phật Tử Giác Hoa hồi còn thơ ấu.
Biết tên tuổi của anh là vì anh là một Nhạc Sĩ có tác phẩm mà minh yêu thích, nhưng từ khi quen biết và kết thân với anh, để trở thành một đứa em của anh, cho đến nay, khi nghe tin bất ngờ anh đi xa, tôi mới bàng hoàng nhận ra là mình đã quên hẳn cái nghiệp danh nhạc sĩ của anh từ lâu lắm. Anh luôn luôn có mặt trong tôi như một người anh, một chỗ dựa tinh thần, một người chia sẻ, an ủi, khuyến khích và chỉ bảo cho tôi ở bất kỳ một sự việc nào trong đời sống.
Như chiếc áo len bỏ quên trong góc tủ, bất ngờ được lục ra khoác trên người khi trời trở rét, như cái quạt tay bỏ quên trong bên bàn viết, bỗng được lục tìm khi hơi nóng bức mùa hè bắt đầu. Anh Ngô Mạnh Thu trong suốt hơn ba mươi năm quen biết vẫn thường xuyên năm yên đâu đó trong ký ức, để bất ngờ tôi lục lọi tìm kiếm mỗi khi đụng chuyện cần có người chỉ bảo. Vẫn nồng nhiệt chào đón khi gặp lại, vẫn thân mật trữ tình khi tiếp đón, vẫn ân cần nhẫn nại khi nghe trình bày và vẫn bao dung và nhẹ nhàng khi phân tích và khuyên bảo. Giống hệt chiếc áo len ngày xưa trong góc tủ, vẫn sẵn lòng tỏa ấm khi mùa đông đến, giống hệt như chiếc quạt lá cầm tay, vẫn sẵn lòng cho hơi gió khi hè về. Anh Ngô mạnh Thu vẫn nhẹ nhàng từ trong ký ức bước ra, xòe đôi cánh độ lượng tăng cho tôi những khuyên bảo hợp lý hợp tình.
Sau 1975, các sinh hoạt thanh niên dừng hẳn lại. Tôi và anh thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau. Cuối thập niên 80, hay đầu thập niên 90 gì đó bỗng một lần anh ghé lại thăm và gọi tôi lên sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm, đầu tiên là tham dự khóa huấn luyện huynh trưởng A Dật Đa ở Chùa Vĩnh Nghiêm.
Mười năm rôi tôi mới có dịp gặp lại các cháu, con của anh, Những Xì, Xịt, Xiu, Xìu ngày xưa, nay đã là các Huynh Trưởng trẻ , năng động của Gia Đình Phật Tử với tên thật ngoài đời: Ngô Lê Trọng Tú, Ngô Lê Trọng Thuấn, Ngô Lê Trọng Tường, Ngô Lê My Uyên…và tôi cũng đã có con để trở thành các Oanh Vũ, thiếu niên trong GĐPT Vĩnh Nghiêm.
Những Huynh Trưởng trẻ dẫu khả năng chuyên môn cao, nhưng kinh nghiệm cầm đoàn chưa vững lắm, và khác biệt giữa tổ chức Gia Đình Phật Tử với các tổ chức thanh niên khác chính là cái giới hạn tuổi tác. Với các tổ chức thanh niên khác, khi qua khỏi một giới hạn tuổi tác nào đó, họ trở thành phụ huynh, hoặc bạn đoàn, nhưng tổ chức Gia Đình Phật Tử chúng ta có Bác Gia Trưởng, thì tự nhiên hình thành không chính thức một hàng lớp các Huynh Trường cao niên, Không còn là Anh là Chị của đoàn sinh nữa, mà là Chú, là Bác, là Ông , là Bà của các Thiếu niên, Oanh Vũ trong Gia Đình.
Đứng chung trong một vòng tròn, người điều khiển sẽ khó khăn khi thưa gửi , chẳng lẽ dài dòng thưa quý Chú, Quý Bác , Quý Oâng , Quý bà , Quý Cô Quý Dì…. Chính Anh Ngô Mạnh Thu đã tạo ra một phương thức xưng hô ngắn gọn : Hãy gọi các Huynh Trưởng chung bằng một chữ thưa Trưởng, và thêm vào chữ Huynh Trưởng cao niên nếu trong văn bản. Giải quyết của Anh Ngô Mạnh Thu đã lập tức trở thành thông dụng. Chữ Trưởng Thu mà bây giờ ai cũng gọi đã xóa hẳn chữ Anh Thu trong trí nhớ nhiều người.
Năm 1994, Trưởng Thu và gia đình rời Việt Nam, trước lúc chia tay, một cuộc trại tổ chức tại Hòn Một Vũng Tàu, Trại Tuệ Tạng 3, với các Gia Đình Giác Long, Giác Ngạn, và Vĩnh Nghiêm. Tôi là Huynh Trưởng Điều Hợp cho buổi trại, khi đại diện cho tất cả các Huynh Trưởng Đoàn Sinh nói lời chia tay với Trưởng Thu, tôi không kiềm được cảm xúc của mình khi nói tới những thiếu vắng mất mát Trưởng Tâm Hòa đối với chúng tôi trong lần chia xa ấy. Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu đã đứng lên , trầm ấm và nhẹ nhàng như thói quen cố hữu, Trưởng nói là “ Sao lại có chuyện chia xa là mất mát, dẫu rằng không đứng chung một vòng tròn như bây giờ với các em, nhưng lúc nào anh cũng vẫn chung một suy nghĩ, chung một no ãlực trong tình Lam như từ bấy đến nay với các em”
Mười năm qua, Trưởng Thu luôn chứng tỏ lời nói ấy trong rất nhiều công việc cụ thể với tập thể áo Lam.
Năm 1995, tôi cùng gia đình cũng rời Việt nam để định cư tại Hoa Kỳ. Tôi ở miền Đông, Trưởng Thu ở miền Tây. Ngay khi vừa đến Mỹ, món quà của Aùi Hữu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại gửi tới với lời nhắc của Trưởng Thu” hãy mau mau ổn định đời sống và bắt tay vào các sinh hoạt với GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại” Ở cách xa nhau ba ngàn dặm, mà hầu như gần gũi cận kề.
Năm 2001, khi dự Đại Hội Lưỡng Niên Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại ở Chùa Pháp Quang, Texas. Chúng tôi lại có dịp ngồi vòng tròn chuyện trò suốt đêm với nhau. Tôi có dịp hồi tưởng lại lần đầu gặp gỡ ngày xưa. Cái tôi ghi nhận được là thời gian có thể làm trán người ta nhăn lại, mắt người ta mờ đi, nhưng dường như lòng người ta đầm ấm hơn, trí tuệ người ta thâm trầm sâu lắng hơn. Cái nhìn cái nghĩ của Huynh Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu không chỉ là Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm nữa mà là phương hướng hoạt động sao cho hợp với thời đại của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Cái nhìn cái nghĩ của Huynh Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu không chỉ thu gọn trong mầu áo Lam, mà còn nhìn tới cả thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong và ngoài nước, Niềm ước mơ của Trưởng tỏa rộng ra cho tất cả Thanh Thiếu Niên Việt Nam, Những lời ca thật đơn giản cho các cháu tập học tiếng Việt như : “a, con chào Ba, a, con chào Má “..Những bài viết hướng nỗi nhớ về quê nhà trong loạt bài phát thanh “ Chúng Ta Đi mang Theo Quê Hương” Những sưu tập tác phẩm bạn bè như góp tay biên soạn tập ca khúc của Trần Đình Quân, của Nguyễn Đức Quang, tham gia các hoạt động của các Trung Tâm Việt Ngữ, những sắp xếp cho các buổi sinh hoạt văn nghệ tại Hội Trường Nhật Báo Người Việt, và rất nhiều công sức với các tổ chức Aùo Lam.
Những hoạt động thật đa dạng và bận rộn, nhưng nhìn chung lại là những hoạt động trong một phạm trù Văn Hóa mà thôi. Những vị trí của Trưởng Thu đứng trong mọi công việc cũng thật quá nhiều, nhưng nói chung vẫn là người tạo chất kết dính nhiều người, và tác động để công việc đến nơi đến chốn.
Tôi gọi mỗi công việc mà Trưởng Thu làm là mỗi chuyến bay, Mỗi lần cất cánh bay lên là mỗi lần chung với nhiều người tạo ra những điều mới lạ trong niềm say mê về sự nghiệp văn hóa dân tộc.Nhưng khác với các chuyến bay ngày trước là đáp xuống sau khi công việc kết thúc. Chuyến bay này của Trưởng là chuyến bay dài hơi hơn nhiều, chuyến bay đi vào các thế hệ Việt Nam tiếp nối mãi mãi cho đến vô cùng. Kết quả của những công việc Trưởng làm hôm nay, không chỉ gặt hái kết quả bây giờ, mà còn về lâu, về dài ngày sau, đời này còn có đời sau mỗi khi nhắc tới.
Có điều, họ sẽ không nhắc tới như chúng tôi bây giờ khi thân ái gọi là Trưởng Ngô Mạnh Thu, mà họ sẽ gọi là Nhà Văn Hóa Ngô Mạnh Thu.
Trừng Nhĩ Nguyễn Minh Nữu