
Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu (người ngồi, trái) chụp hình lưu niệm
cùng anh chị Ái Hữu GÐPT Vĩnh Nghiêm, 2001 (hình: Tư liệu)
Sự thật quí báu vẫn nằm ngay bên ta và trong lòng ta, nhưng ít khi chúng ta nhận thức được giá trị của sự thật ấy, đến khi sự thật ấy không còn nữa.
Cuộc sống con người cứ mãi phải tập làm quen, với điều đang có và với điều đang có bị mất đi: sự mất mát.
Tôi “làm quen” với bác Thu từ lúc còn nhỏ, qua những câu chuyện kể từ ba tôi. Những câu chuyện về các sinh hoạt thanh niên, trại hè, du ca mà Bác ruột tôi, bác Phạm Phú Minh, là một thành viên. Những câu chuyện kể đã để lại trong tuổi thơ của tôi những dấu ấn mang tính huyền thoại về thế hệ cha chú của mình. Tôi biết, những hoạt động của họ đã để lại những ảnh hưởng và dấu ấn nhất định lên xã hội và thời đại mà họ đã trải qua.
Và rồi, tôi thật sự làm quen với bác Thu, trong tư cách một đồng nghiệp, vào năm 2002, khi vào làm việc tại Nhật Báo Người Việt. Làm quen với bác Thu thật dễ. Khuôn mặt chất phác và nụ cười đôn hậu thể hiện một tấm lòng độ lượng. Bác Thu có thể là bạn của tất cả mọi người, ngay từ lần đầu gặp mặt.
“Về chưa cháu?”
“Dạ vâng, năm phút nữa thôi.”
Mẫu đối thoại ngắn cứ lập đi lập lại mỗi ngày vào cuối giờ làm việc tại Nhật Báo Người Việt. Phòng làm việc của tôi nằm đối diện với căn phòng của bác Thu và sát bên cạnh phòng lưu trữ báo. Mỗi chiều, trước khi ra về, bác Thu thường ghé qua phòng lưu trữ để mang báo về nhà đọc. Không như những người khác, bác Thu thường tự tay tìm những số báo mình cần. “Anh cứ làm việc đi, tôi tự tìm báo được rồi.” Bác Thu hay nói với người chịu trách nhiệm kho lưu trữ như vậy. Có hôm, người thủ thư nhanh tay tìm báo và đưa bác Thu hai tờ báo của cùng một ngày, bác cười nhẹ nhàng: “Một tờ xem đủ rồi bác ạ. Hai tờ phí lắm.”
Rồi bác quay sang phòng tôi: “Về chưa cháu?”
“Dạ vâng, năm phút nữa thôi.”
Tôi đã quen với điều này, như chiếc đồng hồ nhắc giờ ra về. Ngày mai, tôi sẽ phải tập một thói quen mới. Sẽ không còn bác Thu mỗi chiều đến phòng lưu trữ báo để nhắc nhở tôi: “Về chưa cháu?”
Chiều hôm qua, đến thăm bác Thu lần cuối tại phòng săn sóc đặc biệt thuộc bệnh viện UCI, tôi thấy lũ lượt những cánh áo màu lam đủ mọi lứa tuổi đến thăm bác. Có người lần đầu tiên đến đây nên không biết đường vào. Tôi đến gần, chỉ họ số phòng và đường đi. Ai cũng ngạc nhiên: “Sao anh biết tôi đến thăm bác Thu?” Tôi cười, chiếc áo màu lam của gia đình Phật Tử đã tiết lộ điều đó.
Bác Thu là một phật tử thuần thành. Tham gia sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ năm lên bảy tuổi rồi trở thành một huynh trưởng mẫu mực của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Sang đến Hoa Kỳ, bác vẫn tiếp tục sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ và trở thành cố vấn cao cấp của tổ chức này. Mỗi khi viết bài về Gia Đình Phật Tử, khi thắc mắc điều gì, tôi thường hỏi bác. Bác chỉ bảo cho tôi từng chi tiết về tất cả những sự kiện đã xảy ra trong lịch sử của tổ chức này. Những giải thích của bác về Phật Giáo, về kinh kệ, thường được diễn đạt đơn giản, mộc mạc và dễ hiểu. Mối quan hệ của bác Thu với mọi người, có lẽ được đặt trên nền tảng của người tu hành. Nụ cười luôn nở trên môi. Tôi chưa bao giờ thấy bác to tiếng với bất cứ ai trong suốt ba năm làm việc chung với bác.
Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu (phải)
Tôi đã từng làm công việc bỏ báo buổi sáng sớm. Một ngày như mọi ngày, tôi luôn luôn đón nghe chương trình “Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương” trên VNCR do bác Thu đảm nhiệm suốt mấy năm qua. Tôi, và cả các bạn nữa, sẽ phải tập làm quen với việc một buổi sáng thức dậy không còn được nghe giọng nói đều đều, trầm ấm của bác Thu trong chương trình này. Tìm một người thay thế bác Thu đảm nhiệm nội dung của chương trình không khó, nhưng tìm một người thay thế được chất giọng của bác chắc hẳn là điều khó làm. Tôi yêu chất giọng này, vì phù hợp với nội dung chương trình. Chất giọng bắc, chuẩn, trầm, nghe hơi buồn buồn cho tôi âm hưởng quê hương mỗi nữa giờ một ngày. Từ Việt Nam sang đây, bác Thu “mang theo quê hương” cho mọi người vào mỗi buổi sáng. Hôm nay, bác Thu ra đi về miền cõi lớn, làm chuyến viễn du trong đời, bác Thu đã mang cả quê hương đi theo.
Bác Thu không bao giờ phải nói lời xin lỗi, vì bác chẳng bao giờ làm ai phật lòng. Nhưng bác Thu không bao giờ quên nói lời cảm ơn, dù rất muộn màng. Bác vẫn hay nhờ tôi những công việc lặt vặt, như sai bảo con cháu trong nhà. Tuổi trẻ ham chơi, thỉnh thoảng tôi vẫn quên những điều bác nhờ. Chẳng bao giờ bác Thu giận. Gặp nhau, bác Thu vẫn cười nụ cười đôn hậu như mọi khi, và chẳng bao giờ nhắc lại lỗi lầm của tôi. Một hôm, bác nhờ tôi in danh sách các hội đoàn chuẩn bị cho một sinh hoạt tại Nhật Báo Người Việt, tôi ham chơi nên nhắm mắt in tất cả những gì đang có trong disk. Khi trao lại cho bác, tôi thấy bác hơi nhăn mặt: “In nhiều như thế này, phí lắm.” Những lần sau, bác cẩn thận ghi rõ những gì cần in. Bác biết tuổi trẻ ham chơi nên chẳng nhớ được điều gì chính xác. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bác “nhăn mặt.” Nhưng không bao giờ to tiếng.
Tôi sẽ phải hối hận mãi về cái tính trì trệ của mình. Tôi đã xin, và bác Thu đã hứa, sẽ chỉ cho tôi nhạc lý. Tôi chơi Guitar nhưng rất dốt về nhạc lý. Biết bác Thu là một nhạc sĩ, tôi xin bác chỉ cho tôi nhạc lý. Thế rồi tôi cứ lần lữa mãi: “Cứ bước một bước là sang phòng bác thôi, có gì phải gấp.” Tôi cứ nói như thế mãi để rồi sẽ chẳng bao giờ có dịp “bước một bước” sang phòng bác Thu nữa. Bác Thu tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn năm 1961 với hai chuyên môn Ca Trưởng và Hòa Âm. Đến giữa thập niên 60, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, bác Thu trở thành một huynh trưởng của phong trào Du Ca. Làm việc tại Nhật Báo Người Việt, bác Thu thường “gánh” tất cả các công việc tổ chức âm nhạc. Mùa thu này, bác Thu cùng với bác Phạm Phú Minh sẽ lo tổ chức chương trình âm nhạc Trung Thu cho chương trình Thiếu Nhi Vẽ Trung Thu. Tối hôm qua, khi được tin bác Thu qua đời, bác Phạm Phú Minh ngậm ngùi: “Ông Thu đi rồi, không biết ai sẽ lo mấy chương trình âm nhạc của Người Việt đây.”
Mấy hôm gần đây, bác Thu thường ghé vào phòng tôi vào buổi chiều trước khi ra về. Bác cho tôi thuốc lá. Tôi hút thuốc rê, những khi hết giấy, tôi hay sang xin bác thuốc hút. Có lẽ, bác tưởng tôi “kẹt” nên chủ động ghé cho. Không như mọi khi, bác cho tôi từng điếu và rủ tôi “hát một phút” (hút một phát) hoặc “liều một đám” (làm một điếu), lần này bác cho cả gói. Tôi hơi ngạc nhiên, có lẽ là “điềm” gì chăng? Tôi hỏi bác sao không giữ lại tối hút. Bác cười: “Ngày mai, bác sẽ mở gói mới.” Bác muốn nói về “ngày mai” nào? Hôm nay, chắc bác Thu đã mở gói mới trong “ngày mai” đầu tiên của “chuyến đi xa.”
Chiều hôm qua, cùng Hạo Nhiên đến thăm bác Thu, tôi linh cảm đây là lần cuối gặp bác. Trước khi đi, tôi ghé sang phòng làm việc của bác. Mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn không xê dịch. Trên bàn làm việc, tờ báo Người Việt đề ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Tám Năm 2004 vẫn còn trên bàn. Bên trên tờ báo là chiếc kính cận. Bên tay trái là chồng báo cũ. Bên dưới chiếc bàn là đôi dép bác để phòng hờ. Bác Thu ít khi mang giày. Trên lưng ghế là chiếc áo khoác màu xanh cũ kỹ. Góc phòng này và không gian này, sẽ khắc mãi hình ảnh một huynh trưởng Phật Tử, một nhạc sĩ du ca, một nhà văn hóa, và trên hết: một con người với tấm lòng thuần hậu, đơn sơ và đầy độ lượng. Những kỷ vật sẽ được chuyển giao lại cho gia đình, nhưng tên tuổi Ngô Mạnh Thu sẽ vĩnh viễn trở thành một phần lịch sử Nhật Báo Người Việt. Và những sinh hoạt xã hội của huynh trưởng Ngô Mạnh Thu cũng đã vĩnh viễn khắc ghi một dấu ấn nhất định trong phong trào sinh hoạt thanh niên Việt Nam trước 1975.
Tôi đã quen với sự hiện diện của bác Thu. Hôm nay, tôi sẽ phải tập một thói quen mới. Sẽ không còn bác Thu nhắc nhở tôi như chiếc đồng hồ: “Về chưa cháu?” Sự thật quí báu vẫn nằm ngay bên ta và trong lòng ta, nhưng ít khi chúng ta nhận thức được giá trị của sự thật ấy, đến khi sự thật ấy không còn nữa.
Phạm Phú Thiện Giao
18/8/2004