
Lá thu đã rơi; vàng ngập quanh những gốc cây già cỗi, tràn lấn qua những con đường nhỏ trong khu xóm. Nhưng ngoài đường lớn, hàng thông vẫn xanh lá bất kể thu đông.
Đâu đó trên khắp các trang báo, người ta vẫn như mọi năm, nói về mùa thu lá vàng, và nói về vô thường biến dịch. Có vẻ như lý vô thường đã được hiểu là cái thường nhất của thế gian, như kinh điển từng minh thị từ hơn hai nghìn năm qua[1]. Lý này không còn xa lạ với những người học đạo, hiểu đạo ngày nay. Nhưng học, hiểu về vô thường để làm gì?
Vô thường là cơn động chuyển sinh-diệt miên tục[2], một cách hiển nhiên của các hiện tượng tâm lý và ngoại giới, trên từng sát-na nhỏ nhiệm nhất của thời gian. Hiện tượng này, nếu chỉ thấy, hiểu một cách tổng quát và hời hợt, hoặc chỉ nói suông như một lời cảm thán, sẽ chẳng mang lại lợi ích gì ngoài niềm an ủi nhất thời, nếu không muốn nói là chỉ gợi cho ta một ý niệm bi quan trước cảnh già, bệnh, chết. Trong khi đó, quán chiếu thường xuyên và sâu xa về vô thường là một phép thiền định có thể dẫn đến sự buông xả, dứt bỏ những tà kiến, vọng niệm, và sự chấp thủ đối với tâm, thân và ngoại cảnh.
Từ nơi vô thường, từ nơi già, bệnh, chết của chúng sinh mà đức Phật xuất hiện ở đời để trình bày những gì mà ngài đã chứng nghiệm, và hướng dẫn phương cách vượt khỏi chúng[3]. Chính từ vô thường mà nghiệm ra sự thực về khổ não của chúng sinh. Chính từ vô thường mà nghiệm ra không có một thực ngã (vô ngã)[4], một thực thể độc lập cố định, bởi vì tất cả tâm và cảnh đều có liên hệ hỗ tương, duyên với nhau mà sinh và diệt.
Chúng ta sinh ra nơi đời này là đã trầm mình trong một cơn mê dài. Có những khoảnh khắc tỉnh thức, nhưng cũng chỉ thoáng qua, rồi lại tiếp tục mê mộng. Biết thân này vô thường từ lâu, nhưng vẫn đắm trước, trói buộc. Biết tâm này, với suy tưởng và cảm giác, là vô thường, mà vẫn cứ bám chặt, không rời. Biết là sai mà không chịu sửa. Biết là hệ lụy mà không chịu cởi trói. Khổ não đi theo suốt cuộc đời là vì lẽ đó.
Lá thu điểm tô cả một công viên tĩnh mịch bằng những mảng màu vàng, cam, đỏ. Hãy cứ tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên trong từng phút giây tĩnh lặng. Nhưng trong những cơn sóng chập chùng của sinh, trụ, dị, diệt[5], một lúc nào đó, hãy thể nghiệm một cách chân xác về bản chất vô thường của mọi sự, mọi vật. Có như vậy, mới có thể ra khỏi cơn mê dài, ra khỏi cuộc trầm luân khổ ải từ nhiều đời kiếp.
[1] “Vô thường thị thường” (無常是常) Vô thường chính là lẽ thường (được cho là xuất xứ từ Kinh Pháp Hoa; người viết chưa xác thực).
[2] Trường kỳ và liên tục 綿續.
[3] “Phật nói Kinh Vô Thường”, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch ra chữ Hán, HT. Thích Trí Thủ dịch ra chữ Việt. Trong bài kinh ngắn này, đức Phật dạy “thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì? Là già, bệnh, chết. Này các Tỳ kheo, nếu trong thế gian không già, bệnh, chết thì Như Lai ứng chánh đẳng giác không xuất hiện ra đời vì các chúng sanh nói pháp đã chứng và cách điều phục.”
[4] Ba pháp ấn (ba dấu ấn nền tảng) của giáo lý Phật là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Giáo lý nào được cho là Phật nói mà không y cứ nơi ba pháp ấn này thì cần nghiệm xét lại.
[5] Sinh, trụ, dị, diệt: bốn tướng trạng vô thường của thân tâm. Thành, trụ, hoại, không: bốn tướng trạng vô thường của thế giới.
NỘI DUNG SỐ NÀY:
- THƯ TÒA SOẠN, trang 2
- TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3
- KHÍ HẬU XỨ HOA KỲ – 2023 (thơ ĐNT Tín Nghĩa), tr. 6
- NHỮNG YẾU ĐIỂM CỦA TƯ TƯỞNG DUY THỨC, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 7
- KAPPA, TÊN CƯỚP (Thiền sư Bankei – TN Trí Hải dịch), trang 10
- NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI (HT. Thích Thái Hòa), trang 11
- 6 BÀI HÁN THI CỦA BẠCH CƯ DỊ (Pháp Hoa dịch), trang 12
- HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ – CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ GHPGVNTN (HT. Thích Nguyên Siêu), trang 13
- CHỈNH NGÕ TÂM, RỜI XA… (thơ Minh Đạo), trang 16
- KHÔNG DỄ NÓI LỜI LÀNH (Quảng Tánh), trang 17
- LIÊN KHÚC LÁ VÀNG LÁ XANH (thơ Vĩnh Hữu – Tâm Không), trang 18
- SƠ QUÁT VỀ CỘI NGUỒN VỌNG TƯỞNG QUA DUY THỨC HỌC (Khánh Hoàng), trang 19
- TRUNG ĐẠO (thơ Tiểu Lục Thần Phong), trang 22
- VÍ DỤ VỀ CON KIẾN (Thích Tâm Nhãn), trang 23
- ĐI THEO CÙNG MÙA THU, SÔNG… (thơ Trần Hoàng Vy), trang 24
- GIỮ GIỚI CẨN THẬN SẼ GIẢI THOÁT (Nguyên Giác), trang 25
- ĐỌC BÀI “THỦY ĐIỆU CA ĐẦU” CỦA TÔ ĐÔNG PHA (Lam Nguyên), trang 28
- VỀ XUÔI MƯA NGUỒN… (thơ Tịnh Bình), trang 29
- SỐNG HỶ XẢ ĐỂ DŨNG TIẾN (Nhóm Áo Lam), trang 30
- VẤN ĐỀ THÂN GIÁO CỦA MỘT HUYNH TRƯỞNG GĐPT (Tâm Quả), trang 31
- DẠO CỬA KHÔNG… (thơ Trúc Nguyên- Thích Chúc Hiền), trang 32
- CÂU CHUYỆN THƯƠNG TÂM CỦA CA NƯƠNG TÚ THANH… (ĐNT Tín Nghĩa sưu tập), trang 33
- TÌM HIỂU THUYẾT “NGŨ THỪA” TRONG PHẬT GIÁO (TN. Hằng Như), trang 39
- GIEO MÈ (thơ TM Ngô Tằng Giao) trang 43
- QUÁN QUÂN NOBEL VĂN CHƯƠNG 2023 – JON FOSSE… (Huỳnh Kim Quang), trang 44
- VÔ BIÊN KHÔNG GIAN (thơ Diệu Viên), trang 47
- NẤU CHAY: BÚN XÀO NGHỆ CHAY (Đào Thị Bích Châu), trang 48
- TRUYỆN CỰC NGẮN (Steven N), trang 49
- MỘT PHẬT TỬ HẢI NGOẠI (Thanh Nguyễn), trang 51
- CỎ CÂY VÀ PHẬT PHÁP (Đạo Sinh), trang 53
- THANH VĂN TẠNG ĐẾN TÍCH LAN (Thích Thanh An), trang 54
- BỐ THÍ THÂN MẠNG (Truyện cổ Phật giáo), trang 58
- LỢI LẠC TỪ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ (TL Đào Mạnh Xuân), trang 59
- ĐỘC HÀNH, THƠ HAIKU (thơ Hoàng Long), trang 60
- CỞI TRÓI tập 1 – chương 6, t.t. (truyện dài Vĩnh Hảo), trang 61
- HIỀN SĨ (thơ Đồng Thiện), trang 65
- STORY OF THE GIVER OF THE FIRST-FRUITS OF HIS LABOUR (Daw Tin), trang 66
- MÙA THU VÀ NIỀM HẠNH PHÚC… (thơ Hoàng Thục Uyên), trang 67
- MỆT MỎI (Bs. Nguyễn Ý Đức), trang 68
- CHÂN LÝ, ĐỊNH HƯỚNG (thơ Minh Trí), trang 69
Nguyệt san Chánh Pháp số 144 (PDF)