
Di Ảnh Cố Huynh Trưởng
Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc
Họa sĩ: Đình Phương
VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI
CHỊ TÂM CHÁNH – HOÀNG THỊ KIM CÚC
NỮ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN
Chị Hoàng Thị Kim Cúc, pháp danh Tâm Chánh, tự Thể Hạnh, sinh ngày mồng 8 tháng 11 năm Quý Sửu (5.2.1913).
Thân phụ là cụ ông Hoàng Phùng, thân mẫu là cụ bà Tôn Nữ Thị Khuê. Chánh quán làng Xuân Tùy, Thừa Thiên. Trú quán tại thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế.
Buổi thiếu thời sau những năm theo chân Thầy Mẹ công tác ở một số Tỉnh đàng trong, học xong bậc sơ học và tiểu học, sau về Huế học trường Đồng Khánh hết cấp trung học rồi tiếp tục giảng dạy tại đây cho đến ngày về hưu.
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống Nho phong cao quý, lại được nung đúc với niềm tin Phật rạt rào và sâu sắc, chị Hoàng Thị Kim Cúc trong khoảng thời gian trưởng thành gần 50 năm đã trọn vẹn đem hết tâm hồn, tình cảm và ý chí phục vụ cho lợi ích của mọi người, nhất là đối với giới trẻ trong bao cảnh giao động của đất nước vào những năm trước mùa thu 1945 và mãi cho đến tận bây giờ.
Ảnh gia đình Cụ Hoàng Phùng và Bà Chánh thất Tôn Nữ Thị Khuêgiữa: Cụ Hoàng Phùng và Bà Chánh thất Tôn Nữ Thị Khuê, bé trai: cậu Quý tử (con trai út): Hoàng Tiêu Diêu (tức Hoàng Xuân Tùy, ở Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp) – Bên trái ảnh tính từ trong ra: Cậu cả Hoàng Toại (ở Mỹ), Anh trai: Hoàng Do, Em trai: Hoàng Tế Ngộ (ở Huế), Hoàng Hoan Nghinh (ở Hà Nội, nguyên Đại Sứ Quán Philippin) – Bên phải ảnh tính từ trong ra: : Trưởng nữ Hoàng Thị Mỹ Hạnh (nguyên Hiệu phó trường Đồng Khánh- Huế, định cư ở Mỹ), Hoàng Thị Tường Vy (ở Hà Nội), Hoàng Thị Kim Cúc, Em gái: Hoàng Thị Ngọc Anh (Ở Sài Gòn) | Ảnh: Hoàng Thiên Lãng Tử
Xin ôn lại vài nét về bối cảnh lịch sử liên quan đến GĐPT chúng ta. Tháng 8.1938, ngày 14, Đại hội đồng Tổng Hội An Nam Phật học họp tại ngôi chùa lịch sử Từ Đàm, Huế, một Phật sự trọng đại đến với chúng ta. Tổng hội đồng đặt nặng vấn đề giáo dục tuổi trẻ Phật giáo như sau: “KHÔNG CÓ MỘT THÀNH TỰU NÀO MIÊN TRƯỜNG MÀ KHÔNG NHẮM ĐẾN HÀNG NGŨ THANH THIẾU NHI. HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ THỪA CHÚNG TA TRONG NGÀY MAI”.
Ngày 28.8 năm ấy, một tiểu ban thống thuộc Tổng trị sự đề cử 3 vị đứng ra lo về Thanh Thiếu Nhi được hình thành để thực hiện quyết định này gồm ba vị; cụ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch; cụ Nguyễn Khoa Toàn và bà Cao Xuân Sang (tức Sư Bà Diệu Không) làm Ủy viên. Nguồn gốc GĐPTVN là ở đó.
Thể hiện tinh thần ấy, các đoàn Phật học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ, Ban Đồng Aáu Phật Tử tùy căn cơ và môi trường đã ra đời như chúng ta đã học tập. Chưa kịp ổn định thì chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ, dân chúng Huế ào ạt tản cư theo lệnh kháng chiến. Cơn gió lốc đầu tiên lay chuyển một tổ chức đang còn non yếu. Sau khi hồi cư, nhìn cảnh vật điêu tàn, nhà cửa đổ nát, lòng người trong cuộc đổi thay của thời cuộc làm sao tránh khỏi những thay đổi xé lòng. Cái khung cảnh và tâm lý ấy chấn động tâm hồn một thanh nữ xứ Huế vốn giàu tình cảm vị tha. Chị Kim Cúc đến với GĐPT Hướng Thiện là một ngả rẽ cho cuộc đời của mình. Điều ấy không có gì lạ.
Năm 1946, sau khi hồi cư, các Thầy, các anh chị đã từng sinh hoạt trong đoàn Phật học Đức Dục, Gia Đình Phật hóa Phổ, Đồng Ấu Phật tử như chú Minh Châu, các anh Võ Đình Cường, Nguyễn Khoa Việt, Tráng Thông, Phan Cảnh Tuân,… nhen nhúm lại phong trào Gia Đình Phật Hóa Phổ. Cũng trong năm ấy, chị Hoàng Thị Kim Cúc do sự giới thiệu của anh Phan Cảnh Tuân (Thầy Phổ Hòa ngày nay) rón rén bước vào Gia Đình Phật Hóa Phổ Hướng Thiện. Đến với gia đình Hướng Thiện, chị chỉ đóng vai trò bạn đoàn, đó là biểu hiện sự thận trọng cần có trước sự giao thoa của thời cuộc. Chú Minh Châu lúc ấy nhận xét chị rất lanh lợi, mẫn tiệp, lãnh hội rất nhanh, rất sâu sắc về Phật Pháp. Sư Bà Diệu Không thường khen ngợi chị là người có thiện căn, có đạo hạnh và tích cực.
Năm 1948, lúc chị 35 tuổi, chị quyết định chính thức gia nhập vào Gia đình Phật hóa Phổ sau 2 năm tập sự với tính cách bạn đoàn. Chúng ta thấy rằng đó là một sự lựa chọn dứt khoát có đắn đo suy nghĩ như quyết định của một hành giả khi nhận lãnh một công án gồm 6 chữ GĐPTVN. Cũng như hành giả quyết tâm sống với công án của mình. Chúng ta đã thấy rằng chị Hoàng Thị Kim Cúc không rời khỏi công án của mình trọn cả cuộc đời của chị.
Từ trái sang, hàng trước: Hoàng Thị Kim Cúc, Em trai: Hoàng Tiêu Diêu (tức Hoàng Xuân Tùy), Em gái: Hoàng Thị Ngọc Anh, hàng sau: Em trai: Hoàng Tế Ngộ, Hoàng Hoan Nghinh, Anh trai: Hoàng Do | Ảnh: Hoàng Thiên Lãng Tử
Trước khi quyết định chọn con đường đi cho mình, chị Tâm Chánh đã có lần xin xuất gia. Sư cụ Diệu Hương cho pháp tự Thể Hạnh. Đó là pháp hiệu Bồ Tát tại gia của chị khi vâng theo lời phân tích của Sư Bà Diệu Không về tánh và tướng. Sư Bà dạy:”Lúc này Phật giáo đang cần những Huynh Trưởng dạy dỗ đàn em, nối nghiệp tương lai. Đào luyện được một Huynh Trưởng thì khó nhưng tìm một vị xuất gia thì không khó lắm”. Thế là thân tại gia mà tâm của chị thì xuất gia từ lâu rồi. Do đó, chị đã kết hợp rất sâu sắc Đạo và Đời.
Về đời, chị đã nhận lãnh một việc làm rất khiêm tốn: Giáo sư Nữ Công gia chánh tại trường Đồng Khánh, Huế. Nghe thì rất khiêm tốn, nhưng về lãnh vực tinh thần thì rất trọng đại, giúp cho hàng hàng lớp lớp thiếu nữ Việt Nam hoàn thành thiên chức làm chị, làm vợ, làm mẹ, điều hành công việc gia đình đúng với truyền thống dân tộc và đạo pháp. Đó là bài học đầu tiên nhất mà ngành Nữ GĐPTVN phải nhận lãnh ở nơi người chị yếu đuối về thể xác nhưng dũng mãnh ở tinh thần.
Nhìn lại cuộc đời của chị, chúng ta chiêm nghiệm chị Kim Cúc thể hiện như thế nào cái công án mà chị đã nhận lãnh!
1. Bước đầu tiên là chị thành lập Đoàn Nữ Phật tử Hương Trang (12.1948). Đem đạo vào đời không thể không nghĩ đến Nữ giới. Truyền thống dân tộc đã ghi đậm nét về người nữ, gia đình là cái nôi của xã hội, người phụ nữ chiếm vị trí quan trọng: dạy dỗ con cái nên người, điều hòa kinh tế gia đình, giữ gìn hạnh phúc, đem Phật pháp vào xã hội nếu không nhắm vào người phụ nữ trong gia đình thì còn ai? Khi chọn ngành giáo dục Nữ Công gia chánh làm sự nghiệp cho mình. Chị Cúc của chúng ta tất nhiên đã mang chí nguyện đem đạo vào đời.
2. Trong thời gian làm Trưởng ban Hướng Dẫn Thừa Thiên và Tổng hội Phật giáo Trung phần (từ 1958 – 1964), điều quan tâm nhất của chị là vấn đề huấn luyện Huynh Trưởng. Chị mở các trại huấn luyện toàn quốc, các trại huấn luyện cấp Tỉnh khắp 34 Tỉnh miền Trung và miền Nam. Chúng ta không quên trại huấn luyện Huynh Trưởng ngành Nữ đầu tiên tại chùa Phước Hải, Sài Gòn cho các tỉnh miền Nam (1964).
Năm 1964, sau khi GĐPTVN thống nhất toàn quốc, chị được bầu vào Ban lãnh đạo GĐPTTƯ. Với chức vụ Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn phụ trách ngành nữ toàn quốc – một công tác vô cùng trọng đại và khó khăn đối với chị vì tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu kém dần, lại thường xuyên ở Huế khó lòng điều hành việc chỉ đạo TƯ. Ngại rằng không chu toàn nhiệm vụ, cho nên năm 1965 chị có thư xin Trung Ương thay người khác nhưng không được chấp thuận cho nên chị phải đơn phương gánh vác trách nhiệm, bao nhiêu thì giờ nghỉ ngơi trong các dịp lễ lớn và toàn bộ thời gian nghỉ hè chị phải tập trung làm việc không ngơi, từ công tác tổ chức, thăm viếng, dự và mở các trại huấn luyện trên toàn quốc.
Sau khi GĐPTVN được thống nhất thật sự (1964), với tư cách Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương phụ trách ngành Nữ, chị luôn ưu tư về vấn đề tách rời sinh hoạt 2 ngành Nam Nữ. Từ đó chúng ta thấy rằng yếu tố sinh hoạt riêng biệt 2 ngành Nam Nữ chiếm một phần quan trọng trong công án GĐPT của chị Cúc. Chúng ta không quên những lời lẽ đanh thép trong các kỳ đại hội toàn quốc hay toàn phần khi đề cập đến sự cần thiết của sự tách biệt ấy. Có lúc chị đã khổ tâm rất nhiều khi phải chiến đấu, không phải với ngành Nam mà chiến đấu với sự tự ti, ỷ lại, giao khoán của chính chị em trong ngành Nữ. Một thành quả mà chị em ngành Nữ phải hãnh diện là Đại hội ngành Nữ toàn quốc tại Nha Trang năm 1969. Quả thật một ý thức vùng lên của ngành Nữ: tự tổ chức, tự điều hành, tự đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong tinh thần tự lập hoàn toàn. Nhắc đến đời chị, nhắc đến sự nghiệp và công hạnh của chị mà không nhắc đến sinh hoạt riêng biệt ngành Nữ là cả một thiếu sót lớn.
Chị Cúc và người cháu ruột, Hoàng Thị Bích Tâm (tức Nghệ, ở Mỹ), 1974 | Ảnh: Hoàng Thiên Lãng Tử
3. Chị là người tiên phong đứng trên ngọn gió đầu sóng. Điều này được thể hiện tại Huế và Thừa Thiên. GĐPT chúng ta phải trải qua với nhiều cơn gió lốc lúc tàn bạo lúc âm ỉ vì sự bất bình đẳng tôn giáo của thế quyền. Lúc ấy, không một huynh trưởng nam nào có uy thế mà được tự do hoạt động nhất là sau vụ sát hại huynh trưởng Phan Duy Trinh tại vùng Kim Long, Huế. Thân gái dặm trường, chị phải đứng ra đương đầu. Trong trường hợp tương tự, GĐPT Gia Định không quên lời chị phát biểu trong lễ Hiệp Kỵ 1980 tại Già Lam Và các GĐPT miền Nam lại càng thấm thía chuyến thăm viếng của chị vào năm 1985. Chúng ta rất đau buồn khi nghĩ rằng chị mất đi là chúng ta mất một điểm tựa trong sóng gió ba đào.
4. Chị đã sinh hoạt với cả con tim nóng hổi của mình, chị là gạch nối giữa anh chị em, chị đem lại hòa khí mỗi khi có bất hòa trong anh em. Chị chăm sóc đời sống của anh chị em huynh trưởng cũng như lo lắng cho chính đời sống của mình. Ai đau ốm, ai hoạn nạn, ai bệnh tật, ai gặp ngang trái là có chị đến, đến với tấm lòng một người chị, người mẹ.
Trong những năm đời sống kinh tế trở nên bi đát, khó khăn (sau 1975), từ Huế chị đã vào Sài Gòn khuyên nhủ anh chị em thành lập tổ hợp cùng giúp nhau sống qua ngày.
5. Chị Cúc không ngồi một chỗ để điều khiển. Lúc còn là Trưởng ban Hướng Dẫn Trung Phần, nhiều cuộc thăm viếng các Tỉnh đã đưa chị từ miền Trung đến cả cao nguyên Trung Phần đèo heo hút gió. Sau khi thống nhất GĐPTVN năm 1964, với tư cách Phó Trưởng ban Hướng dẫn Trung Ương ngành Nữ, chị đã tổ chức các trại huấn luyện huynh trưởng, thăm viếng các tỉnh miền Nam, dự các trại họp bạn ngành Nữ của Sài Gòn, dự ngày Hạnh ngành Nữ của Gia Định, dự cuộc họp mặt tại Vĩnh Nghiêm.
Mùa hè năm 1974, vượt qua mọi khó khăn trắc trở, chị quyết tâm thực hiện một hành trình dài với chủ đích thăm viếng, chấn chỉnh tổ chức hay mở các lớp huấn luyện tùy theo yêu cầu của địa phương. Chị đích thân lãnh đạo đoàn huynh trưởng Trung Ương bắt đầu rời Huế ngày 10.06.1974 sinh hoạt trong 45 tỉnh, thành: Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Lâm Đồng, Đà Lạt, Di Linh, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Phú Bổn, Kon Tum,… Đến Kon Tum xem như đã hoàn thành tương đối tốt đẹp kế hoạch thăm viếng miền Trung, củng cố các sinh hoạt ngành Nữ GĐPT cả 3 ngành. Chị lại chuẩn bị kế hoạch vào Nam.
Tại miền Nam, GĐPT bấy giờ đã được thành lập khắp nơi nhưng mọi sinh hoạt vẫn còn mới mẻ, cần uốn nắn nhiều điểm nhất là vấn đề ổn định tổ chức về cả hai mặt nhân sự, bộ khung huynh trưởng các ngành, vấn đề huấn luyện huynh trưởng về mặt chuyên môn và trau dồi kiến thức Phật pháp. Chuyến đi Nam này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển GĐPTVN đến tận các miền xa xôi – nơi mà cuộc sống tinh thần của quần chúng vốn chịu ảnh hưởng sâu nặng các trào lưu tín ngưỡng pha tạp.
Chị đã đặt chân đến hầu hết các tỉnh miền Nam: Sóc Trăng, Cần Thơ, Sa Đéc, Vĩnh Long, Long An, Vũng Tàu, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Long Khánh, Vĩnh Bình, Gia Định, Sài Gòn cho đến tỉnh Phước Long biên ải.
Cuộc thăm viếng cuối cùng là một cuộc thăm viếng lịch sử. Năm 1986, một cuộc thăm viếng không kèn, không trống, không tiền hô hậu ủng, không cờ xí rợp trời, không có cả văn nghệ chào mừng nhưng là một cuộc thăm viếng đầy xúc cảm, đầy nước mắt và tình thương, trải qua những quãng đường gồ ghề lồi lõm tại các vùng kinh tế mới: Suối Nghệ, Ngãi Giao, Bình Ba, Quảng Thành, Kim Long, Quảng Phú, Bảo Lộc, Đà Lạt, Đơn Dương, Long Khánh,… cho đến cả Phước Long điêu tàn. Chị đi sâu vào tận các gia đình để khuyên răn, để khích lệ. Cảm động nhất là chị đã đích thân đến thăm gia đình một đạo hữu ở Suối Nghệ đã cưu mang, nuôi nấng một huynh trưởng bị bệnh nan y – người đã có công tạc tượng đức Quan Aâm tôn trí tại trại trường GĐPTVN ở Đà Lạt.
Mỗi nơi chị đến là sự sinh hoạt vươn lên, nhìn tấm thân già yếu, mái tóc bạc, hàm răng rụng của cái tuổi 73, không một huynh trưởng nào, không một đoàn sinh nào, không một phụ huynh nào đã gặp chị mà không nhìn thấy một tấm gương sáng. Con tim của chị sưởi ấm những ai chần chờ dừng bước. Trái tim của chị là trái tim mặt trời chiếu rọi muôn vạn trái tim nhà Lam khiến cho ai nấy đứng lên bước tới.
Biết rằng những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình sắp đến, chị muốn thực hiện một chuyến đi nữa với các địa điểm được dự tính: dự trại Hạnh tại Suối Nghệ, thăm vùng kinh tế mới tại Xuyên Mộc, Trị An, Xuân Sơn, Hòa Bình, Cam Ranh, Nha Trang, Phan Rang, dự hiệp kỵ Đà Lạt,… nhưng nhân duyên thăm viếng đã hết.
Ngày chung thất anh Lữ Hồ là ngày gặp gỡ cuối cùng giữa chị với anh chị em lâu năm có mặt tại Sài Gòn. Ngôi nhà cuối cùng mà chị đặt chân đến là nhà hai vợ chồng huynh trưởng Nguyễn Khắc Mão và chị Nguyễn Thị Thông, một chị trưởng lâu năm mà chị Cúc rất thương mến.
Cả cuộc đời của chị, cả tâm niệm của chị là muốn cho anh chị em nhà Lam keo sơn gắn bó, càng gặp khó khăn càng keo sơn, càng gắn bó. Chị đã dùng thân xác của chị để thể hiện lần cuối cùng công án của chị. Lúc 11 giờ ngày 30.06 Mậu Thìn tức ngày 11.08.1988, một tai nạn lưu thông không ly kỳ, không rùng rợn đã đưa chị vào bệnh viện Chợ Rẫy. Chị nằm bất động không đau đớn, không rên la, im lặng. Nhưng cũng từ giờ phút đó chuyển động cả một sức mạnh – sức mạnh tình Lam. Phòng hồi sức sau khi giải phẫu sọ não tràn ngập những cánh Lam, không nói năng nhiều chỉ với cái bắt tay nồng nhiệt khác hơn ngày thường, chỉ với cái nhìn nhau đượm vẻ lo âu, chị đang tạo dựng một sức ấm từ lâu có phần nguội lạnh.
Tin được truyền đi: Đà Lạt, Bảo Lộc, Phan Rang, Cần Thơ, Phước Long, Long Khánh, Suối Nghệ,… đã cử người về chăm sóc chị, 45 ngày tại Sài Gòn là 45 ngày quây quần bên chị. Bệnh tình khá hơn, chị được đưa về Huế. Tình Lam chuyển động về cố đô – cái nôi của GĐPTVN. Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín, Bình Định đã hợp tác với Thừa Thiên thay thế Sài Gòn như một cuộc giao ban của tình Lam.
Nhân duyên ở cõi ta bà đã hết. Vào lúc 12 giờ ngày 27 tháng Chạp năm Mậu Thìn tức ngày 03.02.1989, chị trả thân tứ đại lại cho đất, nước, gió, lửa.
Có những cái chết nảy mầm cho sự sống. Sự ra đi của chị phải có tác dụng như thế.
Thưa chị Nữ huynh trưởng cấp Dũng Hoàng Thị Kim Cúc, không ai dám kết luận về cuộc đời GĐPT của chị. Chúng em nghĩ rằng khi nằm xuống, chị đã trao lại công án GĐPTVN cho chúng em, những người còn lại.
Mỗi huynh trưởng nam cũng như nữ từ trong quả tim nóng hổi của mình, tự tìm lời kết luận về chị và cho cả chính bản thân mình.
Ai trong chúng ta không là một Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc?
Nam mô thập phương thường trú Tam Bảo tác đại chứng minh.
Một ghi chú về Cố Huynh Trưởng
Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc
Ngày 17-11 năm Canh Thân (1980), Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Gia Định thiết lập Trai đàn Hiệp kỵ chẩn tế Huynh trưởng và đoàn sinh quá cố, có mời chư tôn Giáo phẩm lưỡng Viện chứng minh. Chị Cúc được mời với tư cách Quyền Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương. Anh Cường được mời với tư cách là một khách quý. Buổi lễ quy tụ hơn 300 Huynh trưởng các cấp trên toàn quốc về dự. Là một cuộc họp mặt lớn.
Trong diễn văn, chị Tâm Chánh long trọng nhấn mạnh: “Chúng sanh còn, đạo Phật còn. Hiến Pháp Việt Nam công nhận quyền tự do tín ngưỡng, đương nhiên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam* còn. GĐPT Việt Nam, đứa con của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đương nhiên tồn tại hợp pháp. Huynh Trưởng GĐPT Việt Nam phát nguyện trước Tam Bảo thực hiện trọn vẹn lý tưởng GĐPT Việt Nam, phục vụ dân tộc, đạo pháp và con người. Tam Bảo còn, Giáo Hội Phật Giáo còn, Tổ chức còn. Sứ mạng của Huynh trưởng GĐPT thập phần cao cả. Chỉ có ta thoái xuất chí hướng chứ không có ai tước đoạt lý tưởng của chúng ta. Con đường trước mặt vô cùng chông gai và nhiều hiểm nạn. Chúc các anh chị em tinh tấn trong sứ mạng cũng như trong học tập và tu trì.”
Diễn văn của chị Tâm Chánh là một lời hiệu triệu không chỉ dành riêng cho Huynh trưởng, Đoàn sinh Ban Hướng Dẫn GĐPT Gia Định mà là cho cả Huynh trưởng toàn quốc.
Do vậy sau năm 1980, các tỉnh lần lượt phục hồi sinh hoạt mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, bổ sung kiện toàn BHD cấp Tỉnh, hầu như trên toàn miền Nam và miền Trung: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Daklak, Phước Long, Bình Tuy, Long Khánh, Phước Tuy, Biên Hòa… và số lượng đơn vị gia đình tăng rất nhanh.
Trích “Biên Niên Sử GĐPTVN, giai đoạn 1075-1998” của Huynh trưởng Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi.
________________
* Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đề cập trong lời phát biểu của chị Cúc là GHPGVNTN.
黃 氏 金 菊
黃 德 整 慧 詩 題
黃 花 章 詩 賜
氏 得 唐 英 書
金 現 光 慈 德
菊 香 顯 真 如
庚寅年季春 – 1990
HOÀNG THỊ KIM CÚC
HOÀNG ĐỨC CHỈNH TUỆ thi đề
Hoàng Hoa chương thi tứ
Thị đắc đường anh thư
Kim hiện quang từ đức
Cúc hương hiển chơn như
Canh Ngọ niên, Xuân nhật – 1990
Dịch:
HOÀNG THỊ KIM CÚC
HOÀNG ĐỨC CHỈNH TUỆ thi đề
Hoàng Hoa thi tứ nhất chương
Thị như một đóa ngọc đường anh thư
Kim thời sáng láng đức từ
Cúc hương hiển hiện chơn như dâng đời
Ngày Xuân, năm Canh Ngọ – 1990
心 正 體 行
黃 德 整 慧 詩 題
心 然 自 根 源
正 智 達 滿 圓
體 性 常 容 合
行 開 普 真 玄
庚寅年季春 – 1990
TÂM CHÁNH THỂ HẠNH
HOÀNG ĐỨC CHỈNH TUỆ thi đề
Tâm nhiên tự căn nguyên
Chánh trí đạt mãn viên
Thể tánh thường dung hợp
Hạnh khai phổ chơn huyền
Canh Ngọ niên, Xuân nhật – 1990
Dịch:
TÂM CHÁNH THỂ HẠNH
HOÀNG ĐỨC CHỈNH TUỆ thi đề
Tâm nhiên có tự căn nguyên
Chánh trí thông đạt mãn viên nguyện lòng
Thể thường rỗng lặng bao dung
Hạnh luôn mở lối diễn xương đạo mầu
Ngày Xuân, năm Canh Ngọ – 1990
Tấm ảnh chụp năm 1966, gồm những Huynh Trưỏng Giác Minh và Giác Sơn, trong kỳ Trại Liên Gia Đình tại Vườn Tao Ngộ thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, từ trái sang phải có: Trưởng Minh đầu bạc, Phạm Ngọc Lanh, Đỗ Văn Khôn, Nguyễn Thị Cảnh, Đào Hiếu Thảo, Phạm Minh Tâm, Đỗ Khắc Vũ, Nguyễn Văn Hồng và Đỗ Khắc Hoành (ngồi). | Ảnh: Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm
Diễn văn khai mạc
Đại Hội thường niênGĐPT Trung phần (22.1.1961)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch quý Liệt vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức trong Giáo Hội Tăng Già Trung phần,
Kính bạch Thượng Tọa Phó Hội Trưởng Đại diện Ngài Hội Trưởng và quý vị trong Ban Trị Sự Hội Phật Giáo Trung Phần,
Kính thưa quý vị Đại diện Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên,
Kính thưa quý Đạo hữu,
Kính thưa Đại Hội.
Cùng toàn thể quý anh quý chị và các em Gia Đình Phật Tử. Gia Đình Phật Tử Trung Phần khai hội hôm nay dưới sự chứng minh cao khiết của liệt vị Hòa Thượng, Thượng Tọa cùng quý vị Đại Đức và sự hiện diện quý báu của 2 Ban Trị sự tại Tổng Hội và Tỉnh Hội, thật là một nguồn khích lệ lớn lao đối với các Đại biểu khắp mười Tỉnh về tham dự Đại Hội, cũng như đối với Ban Hướng Dẫn Trung Phần và các anh các chị các em có mặt trong buổi sớm khai mạc thiêng liêng đầy cảm khái này.
Thay mặt toàn Ban Hướng Dẫn, chúng tôi hân hoan chào mừng quý liệt vị và chân thành cám ơn công đức hộ trì chu đáo của liệt quý vị cùng sự hợp tác chặt chẽ của toàn thể các anh các chị và các em.
Kính bạch quý Ngài.
Kính thưa liệt quý vị.
Ngày nay nếu hoạt động GĐPT đối với đạo Phật nước nhà không còn là một tổ chức nhất thời, phụ thuộc thì sứ mạng của nó trước biến tình của thời cuộc Việt Nam hiện đại lại càng to lớn, gay go, càng trở nên phức tạp, để vấn đề quan trọng này đã làm cho bao nhiêu kẻ hữu tâm thường lo âu, suy nghĩ nêu lên một tình trạng cấp thiết, cốt để giải quyết tình trạng đó; đây là tất cả ý nghĩa của cuộc Đại Hội được triệu tập hôm nay.
Kính thưa Đại Hội. Suốt một năm qua, vì lẽ sự đời không đi đôi với bản nguyện, ngoài những cố gắng đẹp đẽ của các GĐPT Tỉnh Hội, trong những sinh hoạt hạ tầng; cơ sở thượng tầng mà BHD Toàn Phần phải lãnh một phần lớn trọng trách hình như không tiến được một bước nào khả quan: không khả quan chỉ vì có nhiều thất bại; tình trạng bất như ý này, lát nữa trong phần báo cáo thường niên Đạo hữu Thư ký sẽ trình bày cùng quý vị tường tận hơn.
Trước bao nhiêu gay go thử thách, toàn BHD Trung Phần sau một năm đeo đuổi nhiệm vụ, dẫu muôn sự không thành. Dẫn cố một lòng giữ vững tin tưởng để hãnh diện thấy lại Đại Hội hôm nay với một nếp sống nguyên vẹn, nếp sống trong sạch đạm bạc của người con Phật trong tổ chức GĐPT đã từ lâu đang cơn nguy khó.
Nhưng trước một thực trạng thuận thời, mà không lợi thế, đối với tổ chức chúng ta, một thành công một thất bại nhất nhất đối với chúng ta đều có một ảnh hưởng, một ý nghĩa tốt đẹp vì không có một sự hy sinh lớn nhỏ nào là vô ích cả.
Tuy vậy, để đối phó được với trình trạng khó khăn hầu đẩy mạnh phong trào GĐPT về chiều rộng lẫn chiều sâu, chưa bao giờ vai trò lãnh đạo cần được lưu tâm mật thiết, như ngày nay. Vấn đề này đòi hỏi những con người tài đức, thực tế, mềm dẻo, trung kiên để thành tựu đối nội và nhất là đối ngoại; những con người ấy nhất định không phải chúng tôi, các ban viên trong BHD, niên khóa 1960, bởi vậy toàn BHD, niên khóa 1960 sau bài diễn văn được xem như những lời Sám hối này, trước khi chấm dứt nhiệm kỳ xin giải bài cùng Đại Hội một vài điều ước mong về các vấn đề sửa đổi chương trình học tập và đẩy mạnh sinh hoạt thường niên mà Đại Hội sẽ thảo luận.
SỬA ĐỔI CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình học tập của 6 ngành Nam Nữ Phật tử, Thiếu niên Thiếu nữ và Nam Nữ Oanh Vũ trước mọi biến chuyển không ngừng của thời gian và những biến tình của xứ sở cùng tâm hồn Thanh thiếu nhi không thể không tránh khỏi lạc hậu nếu chúng ta không lưu tâm sửa đổi.
Để việc thảo luận, việc sửa đổi chương trình được nhanh chóng và có hiệu quả, thiết tưởng nên làm việc theo nhóm, mỗi nhóm sẽ chú trọng 1 ngành trước khi có sự quyết định chung của toàn Đại Hội.
Mỗi khi chương trình của các ngành được tu chỉnh, để làm sống dậy các chương trình đó một ít sinh hoạt hữu hiệu và thiết thực cho niên khóa mới cần được Đại Hội đề ra.
CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG TRONG NIÊN KHÓA MỚI
Vì bao nhiêu trở ngại, bên ngoài, dù cố gắng hết sức BHD năm vừa qua vẫn chưa làm được gì đối với dự án công tác niên khóa 1960. Cho nên qua năm 1961 chúng tôi mong Đại Hội trong lúc bàn định chương trình hoạt động niên khóa mới lưu ý lại các vấn đề!
- Xúc tiến gấp tiệc soạn thảo tài liệu học tập, riêng các ngành.
- Tổ chức cuộc họp bạn Huynh trưởng toàn phần trong đó sẽ có trại riêng ngành.
- Mở lớp huấn luyện Huynh trưởng các cấp thuộc phạm vi Tổng Hội.
- Sửa soạn những điều kiện về tinh thần cho cuộc họp bạn ngành Thiếu toàn Phần hầu để đến vấn đề thống nhất Gia Đình Phật Tử toàn Quốc về sau.
Kính bạch quý Ngài.
Kính thưa liệt quý vị.
Không dám lạm dụng thời giờ quý báu của liệt quý vị, trước khi dứt lời, một lần nữa thay mặt toàn BHD Trung Phần chúng tôi ngưỡng mong quý Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại Đức, Thượng Tọa đại diện Ngài Chánh Hội Trưởng, quý Ban Trị sự Tổng Hội và Tỉnh Hội Thừa Thiên, quý Đạo hữu, quý liệt vị chấp nhận lòng tri ân sâu xa của chúng tôi đối với sự hiện diện cao quý của liệt quý vị khiến cho buổi khai mạc thêm phần long trọng. Sau nữa chúng tôi chân thành cảm tạ GĐPT Thừa Thiên đã giúp đỡ chúng tôi nhiều về các công việc tổ chức Đại Hội cũng như trong mọi Phật sự quanh năm.
Cuối cùng, chúng tôi thân ái chào mừng các Anh các Chị đại biểu và kính chúc Đại Hội thành công.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Bài Tưởng Niệm 21 năm, Nữ Huynh trưởng cấp Dũng
Hoàng Thị Kim Cúc tạm biệt mái Nhà Lam
Tu Thư – Thừa Thiên Huế | Bài đăng trên Kỷ yếu Trại Ngành Nữ 2008
Ngày 3 tháng 2 năm 1989, tức ngày 27 tháng chạp Mậu Thìn, Nữ Huynh trưởng cấp Dũng Hoàng Thị Kim Cúc đã vĩnh biệt anh chị em về với cát bụi, Đến nay, đã 21 mùa xuân vắng bóng chị, Mỗi mùa xuân đến, chúng ta hãy cùng nhau dành một phút tưởng niệm đến Người chị kính yêu của Gia đính Phật tử Việt Nam
Chị Hoàng Thị Kim Cúc, pháp danh: Tâm Chánh, tự Thể Hạnh.
Sinh ngày mồng 8 tháng 11 năm Qúy Sửu (5/12/1913)
Thân phụ: cụ Hoàng Phùng, Thân mẫu là cụ bà Tôn Nữ Thị Khuê. Chánh quán làng Xuân Tùy, Thừa Thiên. Trú quán tại Thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế.
Buổi thiếu thời, sau những năm theo chân Thầy mẹ công tác ở một số Tỉnh đàng trong, học xong bậc sơ học và tiểu học sau về Huế học trường Đồng Khánh hết cấp trung học rồi tiếp tục giảng dạy tại đây cho đến ngày lớn tuổi về hưu.
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống nho phong cao quí, lại được nung đúc với niềm tin Phật dạt dào và sâu sắc, chị Hoàng Thị Kim Cúc trong khoảng thời gian trưởng thành gần 50 năm đã trọn vẹn đem hết tâm hồn, tình cảm và ý chí phục vụ cho lợi ích của mọi người, nhất là đối với giới trẻ trong bao cảnh giao động của đất nước vào những năm trước mùa thu năm 1945 và mãi cho đến tận bây giờ.
THỜI GIAN TỪ TRƯỚC 1945… TRONG NGÀNH GIÁO DỤC.
Từ những năm ba mươi, bấy giờ chị Hoàng Thị Kim Cúc đang độ tuổi hai mươi, đủ bề công, dung, ngôn, hạnh, mặc dù vốn có một dẫn lực tân kỳ, đầy ý vị của “ngọn nắng mới lên” trong “Mảnh vườn xanh như ngọc”. Ở chị Hoàng Thị Kim Cúc như luôn nghe rõ bước đi lên của tâm thức mình, ngừng lại nơi đâu chỉ là tùy duyên, mà lòng trong sáng tiếp tục đi lên mãi là bất biến, ấy là tất cả cuộc đời của chị.
Bởi vậy cho nên từ khi rời ghế nhà trường cũ, Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế, nơi đây là hầu như tâm điểm đào tạo độc nhất giới trẻ miền Trung và Huế thuộc phái nữ bấy giờ để có một trình độ kiến thức trước khi ra xã hội chen vai cùng nam giới xây dựng cuộc đời, xây dựng gia đình và đất nước.
Tại trường Đồng Khánh, thuộc thành phần giảng huấn, chị vẫn chỉ nhận một nhiệm vụ rất khiêm tốn là chăm lo giáo dục cho các nữ sinh có đủ khả năng làm tròn thiên chức người con gái, làm vợ, làm mẹ trong gia đình trước khi dấn thân vào các công tác xã hội. Chị thường phụ trách những ngành như giáo dục, y tế, dưỡng nhi, nữ công, gia chánh, tổ chức kinh tế và quản lý gia đình; vừa nghiên cứu vừa giảng dạy trong hơn ba mươi năm làm việc. Nữ giới Việt Nam thuộc lứa tuổi trung niên trở xuống ít ai không biết tên Chị; sách báo của Chị viết về các vấn đề hiện nay trong nước, ngoài nước chú ý vă xuất bản khá nhiều nơi như Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Pháp, Hoa Kỳ.v.v.. có những ấn bản lên đến 20.000 cuốn.
Cuộc sống mỗi ngày cũng như mọi ngày, ít khi Chị được rãnh rỗi, vì ngoài việc giảng dạy Chị còn gánh vác nhiều công việc khác của Đoàn thể: vận dụng vốn hiểu biết từ nhà trường ra xã hội, từ xã hội xây dựng một lý tưởng gia đình cao hơn.
THỜI GIAN TỪ SAU 1945… HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ.
Giai đoạn 1945 trở về sau, đúng vào lúc thành phố Huế trải qua những ngày kinh hoàng, ly loạn: địch trở lại, dân chúng tứ tán, cuộc kháng chiến bùng nổ. Đến khi thành phố Huế tương đối ổn định vào những năm 1946, 1947, Chị trở về ngôi trường Đồng Khánh cũ với tâm trạng khắc khoải qua những ngày đối diện với cảnh xác xơ của thành phố từ cái vẻ tiêu điều của cảnh trí bên ngoài đến nỗi cô đơn, trống trải bên trong, giai đoạn này Chị Hoàng Kim Cúc cảm nhận sâu sắc lời Phật dạy về cái khổ, phương pháp diệt khổ, về Bát chánh đạo, về Lục độ, Thập nhị nhân duyên, để từ quan điểm nhân sanh và vũ trụ Phật giáo soi sáng cho chính mình, nâng cao kiến thức và đóng góp công sức xây dựng đoàn thể, sống kết hợp chặc chẽ, tương thân tương trợ theo tinh thần Phật giáo.
Cuối Đông 1946 và đầu Xuân 1947, Chị đã bắt đầu sinh hoạt thường xuyên với tổ chức Gia đình Phật hóa phổ Hướng Thiện, Gia đình đầu tiên sinh hoạt sau ngày hồi cư tại nhà Bác Phan Cảnh Tú có đầy đủ thành phần Thiếu niên, thiếu nữ và nam nữ Phật tử. Từ nơi này, Chị đã tận tụy chăm sóc chỉnh đốn tổ chức Ngành Nữ.
Đầu năm 1948, số lượng nam nữ thanh thiếu nhi Phật tử ngày căng đông phải chuyển nơi học tập và nhóm họp xuống trường tiểu học Thanh Long (nay là Trường Huỳnh Thúc Kháng) rồi lên trường tiểu học Thượng Tứ. Quá trình sinh hoạt tại hai nơi này, Chị đã tận tâm chăm sóc tổ chức, tích cực học tập, tham dự các lớp Phật pháp ngắn hạn, dài hạn mặc dù chưa muốn tự nhận mình là một đoàn viên chính thức.
Tháng 2 năm 1948, thời gian bước đầu tìm hiểu và nghiên cứu tổ chức với tư cách là bạn đoàn.
Mãi gần một năm sau, tháng 12 năm 1948, Chị chính thức nhận nhiệm vụ Đoàn trưởng đoàn nữ Hương Trang, làm ủy viên nữ Phật tử Gia đình Phật tử Thừa Thiên, rồi lần lược giữ các chức vụ:
– Uỷ viên nữ Phật tử Ban hướng dẫn GĐPT Tổng Hội.
– Phó Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên kiêm Phó ban Hướng dẫn GĐPT Tổng Hội.
Trong suốt quá trình 10 năm thực hiện các nhiệm vụ đã ghi trên từ năm 1948 đến cuối năm 1958, với tư cách Huynh trưởng chị đã làm việc tích cực không bao giờ gián đoạn, mặc dầu sức khỏe có hạn, công việc nội bộ của đoàn thể càng ngày càng nhiều, tình hình bên ngoài biến chuyển đa đoan và phức tạp.
Năm 1956 lần đầu tiên Hội Việt Nam Phật học xếp cấp cho huynh trưởng GĐPT, chị được xếp vào hàng Huynh Trưởng cấp Tấn (Quyết định số 84 – HDTH/Ht ngày 13 tháng 03 năm 1956).
Tình hình bên ngoài đa đoan và phức tạp đến nỗi vai trò lãnh đạo chính GĐPT Thừa Thiên và Tổng Hội Phật giáo Trung Phần không thể giao cho một ai bên phía nam, mà chị Hoàng Kim Cúc phải nhận lãnh để đương đầu.
Năm 1962 chị nhận nhiệm vụ Trưởng ban Hướng dẫn cả hai cấp Tỉnh hội Thừa Thiên và Tổng hội Trung Phần. Tháng 8 năm 1964 băn giao công tác lãnh đạo GĐPT Trung Phần cho Ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương.
Năm 1964, sau khi GĐPT Việt Nam thống nhất toàn quốc, chị được bầu vào ban lãnh đạo GĐPT Trung ương với chức vụ Phó Trưởng ban Hướng dẫn phụ trách Ngành Nữ toàn quốc, một công tác vô cùng trọng đại và khó khăn đối với chị vì tuổi càng ngày càng cao, sức khỏe yếu kém dần, lại thường xuyên ở Huế, khó lòng điều hành việc chỉ đạo Trung ương. Ngại rằng không chu toàn nhiệm vụ cho nên năm 1965 chị có thư xin Trung ương thay người khác nhưng không được chấp thuận cho nên phải đơn phương gánh vác trách nhiệm. Bao nhiêu thì giờ nghỉ ngơi trong các dịp nghỉ lễ lớn và toàn bộ thời gian nghỉ hè, Chị phải tập trung làm việc không hở từ công tác tổ chức thăm viếng, dự và mở các trại huấn luyện cấp Tỉnh khắp ba bốn mươi tỉnh Miền Trung và Miền Nam liên tục cho đến biến cố Mậu Thân năm 1968.
MƯỜI NĂM TỪ 1969 ĐẾN 1978 HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG
Mùa Xuân năm Mậu Thân năm 1968 với những biến cố kéo dài chuyển biến cuộc sống từng địa phương đã là chùng bước sinh hoạt của GĐPT không ít, nhất là đối với ngành nữ, một phần do đời sống và vấn đề giao lưu liên lạc càng ngày càng khó khăn. Giai đoạn này với tư cách là cấp lãnh đạo cao nhất của ngành nữ , với tư cách huynh trưởng cấp Dũng do Trung ương phong, chị tự thấy không sao yên tâm ngồi nhìn đoàn thể cứ theo thời gian mà lặng khuất dần, mùa hè năm 1974, vượt qua mọi khó khăn, trắc trở, chị quyết tâm thực hiện một hành trình dài với kế hoạch hoạt động rộng rãi trong nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam với chủ định thăm viếng, chấn chỉnh tổ chức hay mở lớp huấn luyện tùy theo yêu cầu từng địa phương. Chị đích thân lãnh đạo đoàn Huynh trưởng Trung ương bắt đầu rời Huế ngày 10 tháng 06 năm 1974 , sinh hoạt trong 45 tỉnh, thành: Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Lâm Đồng, Đà Lạt, Di Linh, Ba Mê Thuộc, Pleiku, Phú Bổn, Kontum…
Đến Kontum xem như đã hoàn thành tương đối tốt đẹp kế hoạch thăm viếng miền Trung, củng cố các tổ chức sinh hoạt ngành nữ GĐPT cả 3 hệ thống : Oanh Vũ, Thiếu nữ Phật tử và nữ Phật tử( thanh nữ ) . Chị lại chuẩn bị kế hoạch vào Nam . Tại miền Nam , GĐPT bấy giờ cũng đã được thành lập khắp nơi nhưng mọi sinh hoạt vì còn mới cần uốn nắn nhiều điểm nên công tác của Chị tại đây có phần vất vả nhất là vấn đề ổn định tổ chức cho thật quy cũ về cả hai mặt nhân sự bộ khung huynh trưởng các ngành và vấn đề huấn luyện huynh trưởng về mặt chuyên môn và trau dồi kiến thức Phật pháp. Chuyến đi Nam này đánh dấu một bước tiến quan trọng về mặt rộng lẫn chiều sâu trong lịch sử phát triển của GĐPT Việt Nam đến tận các miền xa xôi nơi cuối cùng của đất nước, chặng cực Nam cũng như cực Đông và cực Tây nơi mà cuộc sống tinh thần của quần chúng vốn chịu ảnh hưởng sâu nặng các trào lưu tín ngưỡng phức tạp. Những tỉnh miền Nam Chị đã đến, cùng các GĐPT địa phương có chiều sâu như Phước Long, Long An, Vũng Tàu, Sa Đéc, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau, Hồng Ngự, Rạch Gía, Long Khánh, Thủ Đức, Gia Ray, Vĩnh Nghiêm, Vĩnh Bình, Gia Định, Sài Gòn.
Bản đồ nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào mở rộng, khắp nơi đã sáng lên màu áo lam hiền hòa, dẫu rằng người xưa nói: “phụ nhân nan hóa” hay “thân gái dặm trường“ với Chị Hoàng Kim Cúc, dẽo dai vẫn nhẫn nại, cương nghị và đoan trang dưới lá cờ hoa sen trắng, đã làm việc không ngừng tư thế hành động, phong cách đối xử nhẹ nhàng, súc tích và ý nhị như làn hương sen từ đám bùn lầy, vươn lên bay trong gió Nam, tự tại và vô ngại.
Sinh hoạt của chị trong mùa sen nở năm 1974 có một giá trị điển hình về số lượng và chất lượng để cho thế hệ Thanh Thiếu Nhi phật tử Việt Nam đương thời và hậu tiến nhận chân và thấm thía rằng nếu Tổ quốc Việt Nam không thể thiếu hoa sen thì tuổi trẻ Việt Nam cũng không thể thiếu tấm lòng tin Phật, cũng như gia đình Việt Nam không thể thiếu những đàn con đức hạnh quả cảm, đầy vị tha.
Cuối năm 1974, bước sang đầu năm 1975 cả tâm hồn trí tuệ lẫn tình cảm của Chị có những hồi nghẹn thắc, hầu như trập trùng go lại, có lẽ cũng một tình trạng trập trùng, go lại của đất nước thời bấy giờ khi cuộc chiến đấu chung của dân tộc đang hồi kết thúc. Các nam nữ huynh trưởng , các Phật tử trong giới thanh niên tạm thời phân tán làm bổn phận và trách nhiệm khẩn cấp của mỗi người, Chị Hoàng Kim Cúc không có ai giao mà cũng chẳng nhờ ai ủy thác, tự xem như có trách nhiệm của người Chị trưởng cao nhất và trên tất cả mọi tình huống khác biệt, Chị hết lòng an ủi khuyến khích người sống, tưởng nhớ người đã khuất, duy trì giềng mối tổ chức, giữ gìn tài liệu, thành tích của GĐPT Việt Nam trong quá trình hơn 30 năm sinh hoạt về mọi mặt : con người, hành chánh, văn nghệ, văn hóa…
Sau năm 1975, các năm 1976, 1977 và mãi tận mười năm sau những sinh hoạt của chị vẫn đại khái như trên, dẫu cốt cách, đạo phong cuộc đời người huynh trưởng cao cả của chị bề ngoài có phần nào phôi phai vì thời cuộc nhưng bên trong, tự đáy lòng chị, từ tâm hồn chị đã khắc sâu và sáng hơn bao giờ hết những dòng sắc sảo : Tất cả cho lý tưởng người huynh trưởng. Người huynh trưởng lớn lao với hàng triệu các em đồng đạo âm thầm và bền bĩ đã sống, đang sống và sẽ sống mãi như đời Chị.
Mùa Đông Mậu Thìn năm 1988, sau một chuyến sinh hoạt thăm viếng tại miền Nam chị lâm nạn, Chị được đưa về Huế khi bệnh tình khá trầm trọng, dẫu tuyệt nhiên không nói được một lời, nhưng Chị còn có thể nhìn, còn có thể chảy nước mắt khi hé mở thấy các em lớn nhỏ của Chị đến thăm bên giường bệnh Chị cứ nhìn và chảy nước mắt như thế cho đến lúc 12 giờ ngày 27 tháng 12 năm Mậu Thìn tức ngày 3 tháng 2 năm 1989 chị trút hơi thở cuối cùng!
Ôi! Thôi rồi, đời chị đến nay đã kết thúc!
Kể từ ngày 05/12/1913 khi mầm cúc vàng hé mở đến ngày cây cúc vàng nằm xuống sau 75 mùa xuân tiếp nhận ánh sáng mặt trời, cũng là bảy mươi lăm mùa Xuân đạo hạnh trong vườn Xuân ấm của Gia Đình Phật Tử Việt Nam .
Không những bảy mươi lăm mùa Xuân đời chị đủ cả hương hoa đạo hạnh mà 75 mùa Hạ của đời Chị cũng là 75 mùa sen nở tinh khiết và trong trắng vô cùng.
Không những 75 mùa Hạ đời Chị có sen nở trắng trong và tinh khiết mà 75 mùa Thu của đời Chị cũng là 75 mùa hiếu hạnh mỗi bận lá vàng rụng và Vu Lan về.
Không những 75 mùa Thu đời Chị có lá vàng và tấm lòng vàng chí hiếu mà 75 mùa Đông của đời chị cũng là 75” Mùa hoa đạo” trang nghiêm và thơm ngát.
Thật vậy đời chị là bảy mươi lăm mùa hoa đạo, quanh năm Xuân, Hạ, Thu, Đông vốn được nuôi dưỡng giữa khung cảnh sắc hương trang nghiêm. Do Hương Trang vốn là tên một đoàn nữ Phật tử đầu tiên do chị điều khiển khi chị mới làm huynh trưởng và cho đến nay sau hơn bốn mươi năm phục vụ đạo pháp, hiến trọn cuộc đời cho Gia Đình Phật Tử đã có hàng trăm đoàn Hương Trang như vậy nối tiếp ra đời, làm cơ sở vững chắc nối tiếp sự nghiệp của Chị trong bất cứ tình huống khó khăn nào, cho dù sự tướng có biến chuyển nhưng bản chất vẫn là một.
Kính thưa chị Hoàng Kim Cúc kính mến!
Chúng em xin vài nét vụng về ôn lại cuộc đời cao quí của Chị cũng có nghĩa là ôn lại một sự nghiệp lâu dài và trọn vẹn của một thế hệ trẻ tin Phật, đưa đạo về với gia đình làm nền tảng cho xã hội Việt Nam tốt đẹp.
Sống thì chị ở, thác thì chị về, Chị vẫn còn mãi trong tim chúng em, chúng em xin nguyện một lòng theo gương chị, làm sáng tỏ đời Chị.
Và xin nguyện trọn đời cống hiến cho tổ chức GĐPT, cho màu Lam yêu thương. Nguyện cầu cho tất cả chúng ta mãi mãi được an lành trong hương sen thơm ngát bất diệt của chư Phật.
Tu Thư – Thừa Thiên Huế
Hoàng Thị Kim Cúc – Người chị của chúng ta
Ninh Giang Thu Cúc
Chị Hoàng Thị Kim Cúc là nhân vật chính trong bài thơ “Dáng đẹp sông Hương” của nữ sĩ Tuệ Mai. Tuệ Mai đã ca ngợi và so sánh nét đẹp cao khiết thanh bạch của con sông đẹp như thơ và trầm mặc sâu sắc như triết gia với cái đẹp của tâm hồn người nữ Phật tử, người chị lớn của ngành nữ trong đại gia đình Phật tử Việt Nam, người thầy dạy môn nữ công gia chánh cho bao lớp học trò ở ngôi trường danh tiếng của đất cố đô. Chị là tấm gương mẫu mực, dịu hiền, đạo hạnh mà thế hệ chúng tôi luôn nhìn vào để học tập và làm theo trong muôn một việc làm vì đạo, vì đời của chị, chị là biểu tượng của đoàn kết và thương yêu, là người phụ nữ đẹp đại diện cho một xứ sở, một dòng sông đã cho Tuệ Mai cảm hứng sáng tạo những vần thơ đẹp:
Hôm nay niềm nhớ dâng về Huế
Em viết bài thơ gửi mến thương
Nét bút theo lòng mơ dáng chị
Dịu hiền như mặt nước sông Hương
Từ thuở xa nào – chị của em
Hướng về ánh Đạo, đẹp niềm tin
Bàn tay nhỏ bé tình thương lớn
Chị đã quên mình vị các em
Chúng em tuổi trẻ Nam Trung Bắc
Theo chị trong màu áo khói hương
Yêu chị nên dù xa vẫn nhắc:
Chúng mình có chị…thế là hơn
Chúng mình có chị thế là hơn, vâng! Chị là biểu tượng cho một quê hương một xứ sở, là biểu tượng cho một nét đẹp hiền hòa, sâu lắng, thâm trầm của bao tâm hồn con dân nơi miền đất vừa đẹp, vừa nghèo, vừa hào phóng độ lượng, lại vừa dè sẻn chắt chiu, vừa lãng mạn đa tình, lại rất khắt khe gia phong nề nếp… Miền đất và dòng sông đã sản sinh và hun đúc những người con gái những người phụ nữ:
Lòng trong như suối, mình như liễu
Từ tốn hoa môi ánh mắt hiền
Gánh nặng không chồn vai nhỏ yếu
Đường Bi Trí Dũng vẫn đều lên
Một tấm lòng trong như suối, mềm mại như liễu rũ ven hồ dịu hiền từ tốn như vậy nhưng lại rất kiên định và sắt son trong bổn phận và trách nhiệm.
Gánh nặng không chồn vai nhỏ yếu
Đường Bi Trí Dũng vẫn đều lên
Vì thế, chị xứng đáng với sự quý mến kính thương của bao người em, bao người học trò đã từng được chị dạy dỗ với tất cả tâm huyết của một cô giáo nữ công gia chánh, của một người chị hướng dẫn trên đường đạo pháp.
Bằng niềm kính thương vô hạn nhà thơ Tuệ Mai đã bày tỏ sự trân trọng lòng ngưỡng mộ qua 5 khổ thơ tứ tuyệt mà khổ đầu và khổ cuối là một điệp khúc tôn vinh:
Hôm nay miền nhớ dâng về Huế
Em viết bài thơ gửi mến thương
Nét bút theo lòng mơ dáng chị
“Chị hiền” đức sáng đẹp sông Hương
Vâng, xin vô cùng cảm ơn nhà thơ Tuệ Mai đã nói giùm chúng tôi tiếng nói tri ân… nguyện cầu cho tác giả “Dáng đẹp sông Hương” và nhân vật điển hình cho “Dáng đẹp sông Hương” được gặp nhau ở miền giải thoát cho dù sự ra đi của hai người sau trước đến mười năm…
Ninh Giang Thu Cúc
Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng GĐPTVN đầu tiên, 1951, tại Huế
Trại Kim Cang
Ban Trại Trưởng
- Thầy Minh Châu (Cố Vấn)
- Anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường (Trại Trưởng)
- Chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc
- Anh Hồng Liên Phan Cảnh Tuân (Trại Phó)
- Anh Nguyên Phương Hoàng Trọng Cang
- Anh Tâm Đại Lê Văn Dũng
- Anh Lê Cao Phan
- Anh Nguyên Y Lương Hoàng Chuẩn
- Anh Nguyễn Hữu Ba
- Anh Tâm Thiệt Nguyễn Xuân Quyền
Danh Sách Trại Viên
A.- Miền Trung:
- Anh Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền
- Anh Phạm Mạnh Cương
- Anh Tâm Chánh Trần Kim Đạt
- Anh Đỗ Kim Bảng
- Anh Tôn Thất Đường
- Anh Mai Quang Tích
- Anh Mai Khắc Thuận
- Anh Hoàng Anh Cung
- Anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
- Anh Tâm Vinh Đoàn Văn Lộc
- Anh Nguyễn Văn Bông
- Anh Tôn Thất Ái Huyên
- Anh Lê Bá Ngữ
- Anh Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều
- Anh Dương Xuân Dưỡng
- Anh Thiện Hiền Dương Xuân Nhơn
- Anh Nguyễn Thế Phong
- Chị Hoàng Thị Quý
- Chị Hoàng Thị Khương
- Chị Hoàng Thị Ninh
- Chị Bành Thị Diêu
- Chị Hoàng Tuy An
- Chị Nguyễn Thị Cúc
- Chị Ngô Thị Bụt
- Chị Tôn Nữ Huệ
- Chị Nguyễn Thị Đoàn
- Chị Lê Thị Diệm Thuần
- Chị Nguyễn Thị Tranh
- Chị Cao Thị Xuân Yến
B.- Miền Bắc:
- Anh Tâm Thiết Trần Thái Hồ tự Lê Vinh
- Anh Thông Phương Đặng Văn Khuê
- Anh Chân Quang Trần Thanh Hiệp
C.- Miền Nam:
- Anh Nhật Minh Nguyễn Hữu Huỳnh
* Danh sách này do Trưởng Hoàng Trọng Cang ghi
Bộ Ảnh Húy nhật Huynh trưởng Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc
tại chùa Vạn Phước – Sài Gòn, 1988
Nguồn: Trang Nhà BHD Hải Ngoại
LỜI MỞ ĐẦU
Kỷ yếu Ngành Nữ GĐPT Việt Nam, 2012
Thực hiện nhân kỷ niệm 22 năm Húy kỵ chị cả Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc
Kính thưa Chị,
Một thời gian khá dài – từ ngày không còn Chị nơi này! Mặc những đổi thay của nhân thế – mặc những vật đổi sao dời của thế gian – mặc những ngày đêm phải ẩn nhẫn – nhưng Ngành Nữ chúng em vẫn vươn vai đứng thẳng, vẫn ngẩng cao đầu đi tới và vẫn một lòng sắt son với Lý tưởng.
Kính Chị,
Bắt nguồn từ những dòng Lam sử – từ những truyền trao của thế hệ Huynh trưởng đi trước- từ những trăn trở và dọn đường của Chị lúc sinh tiền – Ngành Nữ GĐPT Việt Nam đã dần dần xác định được nguồn lực của mình nên đã góp phần không ít vào việc giữ gìn sự trong sáng của Gia phả nhà Lam. Từ những cuộc Hội thảo – từ những lần gặp mặt – từ những trại Huấn luyện (Bồi dưỡng) riêng ngành – chúng em đã tự thấy mình lớn lên thêm một chút. Không phải bằng lòng với kết quả hiện tại mà luôn luôn chúng em nghĩ rằng: Đường đi tới còn lắm chông gai mà sức ngành thì còn hạn chế – nên chị em vẫn thường bảo với nhau rằng – làm kẻ lội ngược dòng thì đôi chân phải cứng cáp – tinh thần phải sáng suốt – luôn trau dồi đức hạnh cho tự thân – để mãi là tấm gương sáng cho đàn em và tấm lòng thì phải là Tâm Bồ đề. Thân giáo là vậy!
Kính Chị,
Từ những nẻo đường xa – gần gian khó – Ngành Nữ đã đi xa, vươn rộng và cho đến bây giờ – năm châu đều có hình ảnh của chiếc áo dài Lam nhu hòa cài Hoa Sen Trắng. Đây, đó đều chung một lòng: xây dựng và phát triển ngôi Nhà Lam ngày càng bền vững. Tay trong tay, lòng dặn lòng: phải thực hiện trọn vẹn Mục đích của Tổ chức GĐPTVN từ hơn 60 năm qua. Xin chơn linh Chị hãy về lại nơi này để thấy được sức sống của Ngành Nữ GĐPTVN ở khắp mọi nơi. Từng con số – từng hình ảnh – từng ngôn từ diễn đạt… đã nói lên tất cả. Chúng em đang luyện đôi chân cho cứng để buộc đá phải mềm. Xin chơn linh Chị hãy tiếp năng lượng hộ trì cho chúng em để thắng mọi chướng duyên trên bước đường phục vụ Tổ chức tức là góp phần phụng sự Đạo pháp – Dân tộc và nhân loại. Vẫn trọn niềm thương kính Chị
Ban biên tập
Lời Pháp Nhủ
NGƯỜI BIẾT YÊU THƯƠNG MÌNH
TT. Thích Thái Hòa
Bạn có thể rất cưng chiều bản thân, nhưng bạn có thể là người không biết yêu thương bản thân mình.
Trong bữa ăn, bạn ăn ngon miệng, nên đã đưa thức ăn vào trong người quá tải, làm cho thân thể của bạn sau bữa ăn bị mệt đừ; sự linh hoạt và sáng suốt của tự thân bị xuống cấp, như vậy là bạn đã không biết yêu thương mình.
Trong cuộc sống, bạn đã đưa các chất liệu bia, rượu, cá thịt,… vào trong thân thể của bạn quá nhiều, làm cho bản thân của bạn nặng nề, mồ hôi của bạn tiết ra làm người khác khó chịu, hoặc bạn đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng không còn điềm đạm, cũng như lịch sự và hiểu biết, như vậy là bạn không biết thương yêu mình.
Bạn xử sự với người khác bằng tâm ý cao ngạo, ỷ thị, hoặc bằng tâm ý vụt chạc, hời hợt, như vậy là bạn đã không biết yêu thương mình.
Bạn hành xử với người khác bằng tâm ý ích kỉ, hẹp hòi, ganh tỵ, tật đố là bạn đã không biết yêu thương mình.
Bạn xử sự với người khác bằng tâm ý không công bằng, không đoan chính, không chơn thật là bạn đã không biết thương yêu mình.
Một người biết yêu thương mình là người không có những hành xử như vừa nêu ra ở trên trong đời sống của họ. Lại nữa, người biết yêu thương bản thân mình là người có những hành xử như sau:
- Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt yêu thương và hành xử yêu thương đối với cuộc đời.
- Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt công bằng và biết tôn trọng tư hữu của người.
- Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt đoan chính và biết gìn giữ khí tiết cho mình và cho người.
- Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt chân thật và biết thể hiện sự sống chân thật giữa mình và người.
- Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt tỉnh thức, không thành kiến, không cố chấp, không mù quáng, không bảo thủ, và biết thể hiện cái nhìn thức tỉnh trong mọi hành xử, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, tiếp xúc đối với cuộc đời.
- Tập sống cuộc đời ít ham muốn và biết phải chăng, đối với thế giới vật chất, để có thì giờ thực tập đời sống an lạc và thảnh thơi.
- Tập nhìn sâu vào những nỗi đau của mình để thông cảm và chia sẻ niềm đau của người.
- Tập nhìn sâu vào những điều kiện hạnh phúc của mình để có thể trang trải hạnh phúc đến với người.
- Tập nhìn sâu vào những hoa trái khổ đau, để đoạn trừ những nhân duyên sinh khởi khổ đau cho mình và cho người.
- Tập nhìn sâu vào những hoa trái giác ngộ, để gieo trồng, chăm sóc và tưới tẩm những hạt giống trọn lành cho mình và cho người.
- Tập nhìn sâu vào sự vô thường của sinh mệnh để tinh chuyên trong việc diệt ác hành thiện.
- Tập nhìn sâu vào cái nầy và cái kia, để thấy rõ mọi sự hỗ tương giữa mình và người, giữa mình và sự vật, nhằm loại trừ tính chấp ngã; và làm sinh khởi tâm hiếu thuận, tâm kính trọng lẫn nhau.
Trong cuộc sống, bạn biết thực tập và nuôi dưỡng mười hai chất liệu vừa nêu dẫn ở trên, tức bạn là người biết yêu thương và tôn trọng mình, không những đời nầy mà còn nhiều đời kiếp về sau nữa.
Hoa Cúc Vàng Của Em
Tâm Minh Vương Thúy Nga
Em đã viết về Chị nhiều lần và lần nào cũng với nhan đề là “Hoa Cúc Vàng Của Em” vì Chị là Hoàng Kim Cúc, giống như những bông hoa cúc vàng bé nhỏ xinh xinh và thơm ngát, được bỏ vào tách trà cho ngưòi ta thưởng thức mỗi buổi sớm mai, để được sáng mắt sáng lòng.
Cũng vậy, Chị đã có mặt trong Gia Đình Phật Tử, góp phần xây dựng, làm đẹp, làm thơm cho Tổ chức bằng chính bản thân Chị với những đức hạnh cao qúy của một người Chị, ngưòi Mẹ mà chúng em là những ngưòi đưọc thừa hưởng trực tiếp.
Chị là một thiếu nữ có nét đẹp đoan trang quí phái, là nữ sinh trưòng Đồng Khánh Huế cách đây gần một thế kỷ, cái thời mà vị hiệu trưỏng đang còn là một “bà đầm”(người phụ nữ Pháp) và trường có tên là “Trưòng áo tím”… Chị là một vị giám thị khi ra trường, và khi chúng em là học sinh của trường vào những năm 50 thì Chị là cô giáo của chúng em, Chị dạy Nữ Công và Gia Chánh. Tuy môn học Chị phụ trách không có trong những kỳ thi nhưng chúng em rất thích thú, rất kính trọng và cả sợ Chị nữa nên không đứa nào dám “cúp cua”… Giờ Nữ Công gia chánh là giờ đông đảo học sinh nhất!!
Nữ Công thì học trên lớp còn Gia Chánh thì học dưới bếp của nhà trường. Giờ Nữ công, Chị dạy chúng em thêu, may, vá, đan, làm hoa vải, cắt giấy hoa làm dĩa, còn giờ Gia Chánh thì Chị dạy làm bánh kẹo đủ loại: bánh bông lan, bánh nhúng (baignets), kẹo đậu phụng, kẹo trứng chim, kẹo chocolat v.v..
Đúng là thời gian không có thực tính, viết đến đây thì em nhớ lại đủ chuyện: nào là Chị giao cho chúng em làm những khăn bàn to lớn với những hình rất đẹp Chị lấy trong các báo Pháp hồi đó, nhưng mũi thêu rất giản dị, ai cũng có thể thêu được, mỗi nhóm 6 bạn, chia ra, bạn này thêu xong phần mình thì chuyền qua cho bạn thứ hai… các lớp khác cũng được các Cô giáo Nữ Công giao trách nhiệm kết quả là lần triễn lãm nào của Trường thì phòng Nữ Công Gia Chánh cũng đưọc quan khách nhiệt liệt khen thuởng và các vị Mạnh thuờng Quân của trường đều hoan hỷ “móc túi” ra tặng thưỏng những món quà rất hậu
hỷ làm quỹ của nhà trường tăng lên rất “ngọan mục”.
Ở trường thì em là học sinh của Chị, gọi Chị là “Cô Cúc”; khi Chị đến nhà chơi thì gọi Chị là “Dì Cúc” vì Chị là bạn của Mạ; ở GĐPT thì em là em của Chị, gọi Chị là “Chị Cúc”… Sau này em lớn lên, đi dạy và dần dần Ba Mạ cũng quen nên em mới gọi luôn là chị Cúc!
Vào những năm 60, Chị và em đều ở trong trưòng Đồng Khánh, em lại làm việc với Chị trong GĐPT nên Chị em thương gần gũi nhau. Chị ở lầu 2, em ở lầu 3 nên em thường chạy xuống Chị chơi, khuya lắc khuya lơ mới lên, không như các Anh Chị ở xa, đến thăm Chị rồi tối là phải về nhà… nên em càng được thân với Chị hơn; hồi đó Anh Từ gọi Chị là mẫu rồi gọi em là “á mẫu” thế là các ACE khác cũng bắt chước gọi theo… thời kỳ đó thât là vui và tràn đầy kỷ niệm! Trong em đầy ắp những kỷ niệm về anh Từ, anh Hy, anh Sanh, Chị Tịnh Nhơn, chị Tuy An, Chị Đào, anh Đằng, anh Luyện… Có những đêm trăng thật đẹp và yên tĩnh, hai chị em xuống ngồi dưới ghế đá hay đi dạo trong sân trưòng, Chị kể cho em nghe về thời xưa của Chị trong đó có bóng dáng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Em được chị kể cho nghe rằng cuộc đời Chị có nhiều chuyện lạ nghĩa là những hiện tượng mà không ai giải thích được. Ví dụ bình thưòng thì Chị khoẻ mạnh nhưng nếu có ai đi coi mắt (để tiến đến đi hỏi về làm vợ) thi khi “nhà trai” vừa đến đầu hẽm thì trong này Chị bị đau, đau đến tái xanh mặt mày, không ai có thể nghĩ là “giả đò” được. Và khi mọi nguời “ai về nhà nấy” hết rồi thì Chị tự nhiên khỏe lại, như chưa hề bị đau gì cả.
Còn chuyện quen biết với nhà thơ HMT cũng rất là thơ mộng và thoáng qua chứ không thể gọi là “người tình hay người yêu” như sau này thiên hạ làm phim làm cải lương lung tung hết. Chị kể rằng hồi đó Ông cụ thân sinh Chị được bổ đi làm việc ở Qui Nhơn, Chị đi theo, HMT lúc đó chưa phải là nhà thơ nổi tiếng mà là một ngưòi thư ký của Ông cụ, Chị biết HMT (tức anh Trí) trong trường hợp như vậy. Chị là một cô gái Huế con nhà khuê các, kiểu “mai cốt cách, tuyết tinh thần”… tất nhiên là làm cho chàng thanh niên HMT phải chú ý rồi! thỉnhh thoảng gặp nhau thì anh cũng cúi chào lịch sự (nhưng không nói với nhau câu nào nha!!!) Chị kể rằng có một lần anh cầm một cuốn sách nhỏ và đưa cho chị, cũng không nói lời nào nhưng khi về nhà chị giở ra coi thì đó là một tập thơ với lời đề tặng gọi Chị là “các hạ” và tự xưng là “túc hạ”… Sau đó một thời gian, Chị nghe tin anh bị bệnh nặng phải vào bệnh viện Qui Hoà và có hỏi thăm Chị qua một người anh bà con của Chị (người này là bạn thân của anh Trí); anh này đề nghị Chị viết một bức thư thăm hỏi HMT; Chị bèn gởi 1 tấm hình bãi biển Qui Nhơn lúc hoàng hôn, có hàng dừa, và ghi sau tấm hình “Kính tặng các hạ”. Chị dùng lại chữ mà anh Trí đã dùng đề gọi Chị hồi trước, chỉ có vậy thôi. Bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” cũng là một bài thơ anh Trí làm để tặng Chị (có đề tặng hẳn hoi) nhưng chưa bao giờ chị mời hay tự anh về thăm nhà Chị ở Vỹ Dạ cả!!!
Chị là người Trưởng Ban Hưóng Dẫn Nữ đầu tiên của Gia Đình Phật Tử; thời pháp nạn không thể có anh nào ra gánh vác chức vụ đó ngoài Chị. Tuy Chị không tài giỏi, không dày
kinh nghiệm, không mạnh dạn như mấy Anh nhưng Chị được tất cả anh chị em yêu mến, kính trọng, nghe lời nên Chị đã kết nối được mọi con tim và khối óc để giữ vững Gia Đình Phật tử trước mọi phong ba bão táp, và đưa phong trào GĐPT đi lên. Trong thời gian Chị làm Trưởng Ban, Chị tổ chức đi thăm các Tỉnh, Đơn vị… khích lệ tinh thần anh chị em rất nhiều. Chị bị tai nạn cũng đang trên đường đi thăm anh chị em, được đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, mọi người ở bệnh viện đều lấy làm ngạc nhiên vì một ngưòi độc thân mà sao con cháu hay nguời thân đến thăm hay đến ở lại săn sóc quá nhiều (hồi đó ACE đến thăm Chị quá chừng, còn Huynh trưỏng Nữ thì được phân công ở lại đêm với Chị nữa.) Không biết Chị nằm đó có biết không, có cả nhà thơ Chế Lan Viên cũng nằm viện ở lầu trên nghe tin chị Hoàng Kim Cúc, bạn của HMT cũng ghé đến thăm và ghi mấy dòng lưu niệm lại.
Rồi Chị nằm bất động mấy tháng trời. Từ Sài Gòn, gia đình đưa Chị về Huế, anh chị em cũng ra Huế thăm Chị, em với anh Tuân, anh Thạnh Đà Lạt cũng về Huế thăm Chị… Chúng em thật buồn vì Chị vẫn nằm bất động… thế nhưng khi anh Thạnh vào chào Chị để lên Đà Lạt lại, ảnh khóc nấc lên thì lạ thay, từ hai mắt Chị vẫn nhắm… có mấy giọt núơc mắt lăn xuống. Bây giờ anh Thạnh cũng đã ra đi rồi!
Đám tang của Chị nghe nói là to nhất Huế vì số lượng nguời đi tiễn chân Chị lần cuối quá đông, xe cũng đông nữa!!!
Em cũng đã nói “vĩnh biệt Chị” khi nghe tin Chị ra đi vĩnh viễn, em cũng rất buồn từ khi Chị nằm bất động… Nhưng em cảm thấy Chị luôn hiện diện trong lòng em… Mỗi khi thấy mình không tinh tấn, không kiên nhẫn… thì em có cảm tưởng Chị đang nhìn mình, để tự cảnh tỉnh mình tinh tấn hơn, kiên nhẫn hơn…
Viết về Chị không biết mấy cho vừa nhưng em phải tạm dừng đây nhường chỗ cho những chị em khác viết… về CHỊ.
Thư Gởi Chị Cả
Diệu Lãng
Thưa Chị,
Hơn 20 năm qua, áy náy mãi, ray rứt mãi vẫn chưa có dịp thưa với Chị về một việc mà em không thể nào không ân hận.
Năm ấy(1989), lúc quá khó khăn – lúc mà em đang đứng giữa ngã hai đường: tiếp tục theo nghề mà em nghĩ nó rất phù hợp với nghề Huynh trưởng áo Lam – hoặc xin nghỉ việc mới có thể bôn ba nhiều nghề để đưa 2 cháu đi hết đoạn đường học vấn mà anh Tâm Mẫn lúc sinh tiền đã cùng với em đồng ước nguyện.
Dạo ấy, lâu lâu em đi Sài gòn một lần để lấy hàng (sách Giáo Khoa và một số đồ dùng học tập cần thiết) về bán. Tối ấy, sau khi đã gửi hàng ở nhà xe (để 12 giờ khuya về lại Hàm Tân), em ghé thăm chị Hạnh ở đường Nguyễn Trãi (ngã 5 Phù Đổng). Chị ấy đưa em đến thăm anh chị Lộc (Minh Đức) thì được biết Chị vừa bị tai nạn và đang nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Em đòi đến thăm Chị ngay, nhưng anh Lộc không cho và bảo: “Chị đang hôn mê, để khi Chị tỉnh anh sẽ nói với Chị là có Nguyệt vào thăm”. Vậy là em đến nhà xe mà lòng ấm ức và khuya hôm ấy em về lại Hàm Tân. Thế rồi sau đó em nghỉ dạy. Ngày 2 buổi lo toan đủ việc: nào làm bánh – nào mua bán – nào dạy thêm buổi tối. Việc này nối việc kia lấp đầy khoảng thời gian vất vả trong ngày.
Em cứ tưởng khi Chị tỉnh, chị Hạnh hoặc anh Lộc sẽ gửi thư tin cho em (mà em quên mất rằng có ai biết địa chỉ của em đâu).Và rồi, Chị đâu có tỉnh! Còn em thì cứ tâm niệm rằng: “Lạy Phật gia hộ Chị bình an, chắc Chị không việc gì.” Thế rồi, bộn bề lo toan, em cũng không có dịp vào Sài Gòn nữa. Nơi vùng biên địa này, đâu có ai liên lạc được với ai đâu!
Bẵng đi một thời gian dài, em được biết tin Chị đã về Huế và mất ở tại quê nhà (bây giờ em cũng không nhớ là em đã nghe tin này từ đâu và từ ai!). Ngay tối hôm ấy, sau khi dạy xong, em mở chiếc hộp đưng thư và lấy ra bức điện tín của Chị chúc mừng tụi em nhân ngày cưới, quà của Chị cho 2 cháu lúc tròn tháng: Chị cho Đan Tâm một tượng Quan Âm để đeo – cho Anh Triết một hình tim có khắc chữ Vạn. Rồi hình chị chụp chung với chị em ngành Nữ của BHD/Q Ngãi năm 1973 trong chuyến BHD/TW về thăm các tỉnh miền Trung. Ký ức càng hiện về em lại càng ân hận – nỗi ân hận không thể nào xóa mờ được.
Nay có dịp thưa với Chị, thế nào chơn linh Chị cũng nhìn về và không nỡ trách em, một đứa em đã từng được Chị quan tâm, thương yêu và chưa một lần được Chị la rầy. Cho đến giờ này, quyển sách “Nấu chay” của chị cho em vẫn còn giữ, cũng như em vẫn còn giữ mãi hình ảnh Chị với giọng nói, tiếng cười và với những lời dặn dò đầy ắp yêu thương của một người Chị Cả trong Gia đình Lam. Làm sao em quên được!
Từ buổi Chị đi
Quảng Hoa – Phan Thị Hồng Liên
Tưởng niệm về chị Tâm Chánh
Chị đi rồi dòng sông không xanh nữa
Mãnh trăng buồn lệ ứa xuống thành sương
Cả cuộc đời vì đạo pháp quê hương
Yêu lý tưởng mở đường chân thiện mỹ
Trọn đời Lam một niềm tin chân lý
Gót chân mòn ý chí vượt thời gian
Sóng bạo cuồng đối diện chị bền gan
Trái tim chị thật vàng không sợ lửa
Chị đi rồi phương nam trời lệ ứa
Mưa sụt sùi chan chứa cả rừng Lam
Triệu con tim kết lại đoá hoa đàm
Đem dâng chị hương Lam tình trong trắng
Rồi từ đó tiếng người xưa xa vắng
Quả đất tròn thầm lặng cứ vần xoay
Hai hai năm từ đó mãi đến nay
Giông bão đến đoạ đày Lam vướng nạn
Rừng úa lá cỏ cây dâng hờn oán
Suối ân từ biến dạng bởi cường ma
Những con người yêu lý tưởng thiết tha
Chân đứng vững tuổi già đang ập tới
Mang hoài bão âu lo hằn mong đợi
Rừng hương Lam nắng mới gọi yêu thương
Đoá hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương
Dòng suối ngọt thanh lương lưu ánh nguyệt
Trăng vẫn sáng bên rừng Lam thanh khiết
Tiếng chuông từ tha thiết gọi thương yêu
Mùa thu nay hoa trắng rụng thêm nhiều
Tình Lam sử bao nhiêu lần tiễn biệt
chị đi rồi bao niềm đau khôn siết
Cứ trãi dài trên mặt đất mênh mông
Biết cõi đời nay có để mai không
Những cay đắng chất chồng cơn pháp nạn
Mãi lê thê cứ qua bao ngày tháng
Biết bao người ngao ngán đã buông xuôi
Kẻ cúi đầu người nhắm mắt theo đuôi
Đường Lam sử ngậm ngùi bao lối rẽ
Thời pháp nhược ma cường đâu có lẽ
Mãi kéo dài trong bóng tối si mê
Đợi mai kia ánh sáng rọi lối về
Em sẽ kể tâm tình Lam với chị.
Hình Bóng Chị
Nguyên Mẫn
Tôi muốn nói đến Chị TÂM CHÁNH Hoàng Thị Kim Cúc, người Huynh Trưởng khả kính mà tôi rất kính phục, khẩu phục, tâm phục, không phải chỉ bởi vì tuổi tác – chị hơn tôi đến 20 tuổi – cũng không phải vì thời gian chị đến Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân Gia Đình Phật Tử, trước tôi hai năm – mà thực sự tôi biết chị từ năm tôi gia nhập vào tổ chức, năm 1948, cho đến lúc chị nằm xuống năm 1989, với 43 năm thân tình trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT), ngoài xã hội, và gặp gỡ tại gia đình tôi, vì chị cũng như một số anh chị lớn khác trong GĐPT như anh Võ Đình Cường, anh Lương Hoàng Chuẩn, anh Phan Cảnh Tuân, anh Tống Hồ Cầm, anh Nguyễn Xuân Quyền, anh Đặng Ngọc Lựu, anh Cao Chánh Hựu, anh Phan Xuân Sanh, anh Nguyễn Văn Thục, anh Văn Đình Hy, chị Đặng Tống Tịnh Nhơn, chị Lương Đào… vừa là những Huynh Trưởng đàn anh, đàn chị của tôi, đồng thời cũng là bạn thân của ba mẹ tôi nữa. Có thể nói là tôi đã hiểu Chị khá nhiều từ cuộc sống của chị ngoài đời, trong đạo cũng như trong GĐPT.
Nếu so về tuổi tác, với khoảng cách quá xa, theo giáo dục học đường, văn hóa đông phương, chắc chắn tôi phải gọi chị bằng mẹ hoặc bằng cô, dì… nhưng trong GĐPT, lúc sinh hoạt, theo truyền thống, tôi được phép gọi bằng Chị với lòng thương mến, kính trọng chị vô cùng.
Sự kính trọng, thương mến, khẩu phục tâm phục của tôi đối với Chị được nhìn qua khía cạnh con người thực trong cuộc sống hằng ngày của Chị, qua lập nguyện tu học tinh tấn, khiêm cung lễ độ, kính trên nhường dưới, sống đơn giản, ít nhu cầu, trọng thủy chung, thích gần gũi, đậm tình nghĩa Lam viên không phân biệt. Phong cách, hình thức Chị thể hiện một nét đặc thù rõ rệt, là phái nữ mà ngay từ thời son trẻ, không như những người đồng phái, Chị không thích chưng diện, với son phấn lụa là…, nhưng lại là mẫu người đoan trang, nết hạnh, đứng đắn, dễ mến: “Đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm, Vào ra cười nói tướng đoan trang.”
Đến với GĐPT, Chị mặc đồng phục màu Lam, và giữa cuộc đời Chị cũng trang phục màu Lam qua những lần thăm viếng người bệnh, tang lễ, trại tù… Thật hiếm có, trai trường rất sớm, từ chối tình yêu trai gái, sống độc thân, một mực hy sinh, dấn thân giữa cuộc đời mà hương đức hạnh ngược gió bay xa.
Năm 1981, khi ba tôi mất, tôi được gặp Chị lần cuối cùng khi Chị đến viếng tang, cũng với chiếc áo dài màu Lam giản dị. Chị ân cần chia sẻ: “Chị cầu nguyện cho ba Lâm sớm siêu thoát. Lâm giữ gìn sức khỏe, cùng gia đình hộ niệm cho ba nghe.”
Tôi còn nhớ rõ khi chị vừa nằm xuống năm 1989, GĐPT Úc Đại Lợi làm Lễ Tưởng Niệm tại chùa Phước Huệ, Sydney, Hòa thượng Phước Huệ lúc đó đang là Viện trưởng viện Hoằng Đạo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan, lúc ban đạo từ đã tán thán công đức của chị đối với Đạo pháp, Tổ chức và khi nghe tiểu sử Thầy đã nói: “Thực ra Chị là Chị của chúng tôi chớ không hẵn chỉ là Chị của các anh chị em …”, để nóí lên lòng kính trọng của Thầy.
…
Bây giờ tưởng nhớ Chị, tôi biết rằng dầu ở đâu, Chị cũng vẫn đang hành họạt với tâm nguyện Bồ tát độ tha cùng nơi khắp chốn, qua không gian vô cùng và thời gian vô tận, hay đang hưởng phước báu ở cõi thiên, đang là một thanh niên hay thanh nữ 21 tuổi (kiếp lai sanh), bên chúng ta luôn luôn có sự hỗ trợ tinh thần của Chị, chúng ta ở đâu thì Chị có mặt ở đó, chắc chắn Chị chẳng bao giờ quên cội nguồn tâm linh, ơn nghĩa Tam Bảo, Cha mẹ, Thầy Tổ, Xã hội, chúng sanh.
Kỷ niệm 22 năm rời cõi tạm, hình bóng chị chẳng dễ gì xóa mờ trong tâm trí của em, vì chúng em là em của Chị,… người Chị cả TÂM CHÁNH Hoàng Thị Kim Cúc.
Từ trái qua: Chị Bê, Kỷ, Mầu, Quỳnh Uyển, Cúc (Tâm Nhân)
Đôi Dòng Tưởng Nhớ
Tâm Nhân Nguyễn Thị Cúc
Mùa thu ở San Jose bắt đầu về… Những cơn nắng không còn gắt nữa, không khí dịu bớt, trời cũng mau tối hơn và đêm mát hẳn, chỉ cần một tấm mền mỏng là đã ru vào giấc ngủ mơ mơ màng màng khi vừa nói chuyện xong với chị Quỳnh Uyển từ xa…
Chị Uyển dục: Viết bài cho ngành Nữ đi em ! Còn nhớ Chị Hoàng thị Kim Cúc không? Viết ít dòng nghe em… Góp mặt vào cho vui. Tôi đáp vội:
Chị Cúc trùng tên với em sao mà không nhớ, vả lại Chị cùng tuổi với mẹ em nữa (Gia nhập GĐPT, các Anh Chị lớn, dù bao nhiêu tuổi cũng kêu là Anh Chị hết). Em còn nhớ nhất là mỗi khi đi dự Đại hội hay Trại Họp Bạn ở Huế, mấy anh trưởng về nhà cứ gọi em là “Cúc cọt”. Em cũng không biết làm sao mà có tên này nữa… Anh Chị nào có biết nói giùm em với nghe. Em bị chọc và khóc cũng vì tên này (lúc ấy còn nhỏ, oanh vũ mà ! Biết gì đâu ?). Vậy mà cũng gần 60 năm rồi đó…
Trong niềm thương nhớ về Chị Cả Hoàng thị Kim Cúc thân yêu, với trí nhớ phai mờ dần theo thời gian nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh của Chị với dáng người thon thả, tóc vấn cao, giọng nói nhỏ nhẻ dịu hiền (giống như giọng nói của chị Vương Thuý Nga nhà mình vậy). Chị là Trưởng ngành Nữ, lúc Anh Võ Đình Cường làm Trưởng BHD/GĐPT/ TƯ. Về sau Chị thay thế Anh Cường ở chức Trưởng Ban (nữ giới đầu tiên của GĐPT/ Việt Nam)
Ngược thời gian nhớ lại lần họp bạn trại Ngành Nữ toàn quốc đầu tiên ở Nha Trang năm 1969 trong một tuần. Phái đoàn nữ giới của BHD Ninh Thuận có 5 người: Cúc, Uyển, Mầu, Kỷ, Bê.
Bốn mươi hai năm qua… Trí nhớ cũng mai một theo thời gian và năm tháng. Những chị trưởng mà tôi nhớ nhất là các Chị: Kim Cúc, Xuân Phương, Dung Kiều, Xuân Viên… Chị Xuân Viên có tập bài hát “Con chim chuyền” mà tôi rất thích nên tôi đã dạy cho học trò của tôi bài hát đó để hát mỗi ngày khi tôi bước vào lớp học, chỉ thay câu “em lên chùa và em là chim non” bằng “Em lên trường….” mà thôi.
Nhớ về chị Xuân Viên vì Chị là Ủy viên Oanh Vũ của BHD/ TƯ còn tôi là UV Oanh Vũ của BHD/ Ninh Thuận nên sinh hoạt chung với nhau (Nghe nói chị Xuân Viên bây giờ đã là một Ni sư ? Nếu vậy thực sự Chị đã giải thoát. Em kính chúc mừng Chị)
Chúng tôi dự Trại Họp Bạn là để gặp nhau, cùng hội thảo, tu học, vui chơi, tham quan, giải trí… Tôi nhớ không lầm là mỗi ngảy các đại biểu được cấp dưỡng sáu bữa ăn… Cứ hai tiếng được dùng thức ăn nhẹ một lần. Còn hai bữa ăn chính thì rất là nhiều món, ngon vô cùng. (Đúng là dân tham ăn nên nhớ mãi). Có chương trình thăm viếng các chùa và Phật học viện cùng những thắng cảnh của Nha Trang. Hầu như chúng tôi được ban tổ chức đưa đi gần hết, và có đến thăm Đài tưởng niệm của Chị Yến Phi, vị Pháp thiêu thân…
Sau 42 năm, biết bao giờ tổ chức được lại trại họp bạn như xưa trong tình thương và sự đoàn kết trên dưới một lòng. Anh nói em nghe, em nói Chị nghe, hài hòa vui sống.
Muốn làm một việc gì có cái tâm chưa đủ còn phải dựa vào thiên thời địa lợi nhân hòa… Biết đâu một ngày không xa, chúng ta sẽ tổ chức trại họp bạn ngành Nữ trên toàn thế giới. Biết đâu được! Phải vậy không?
Cũng phải nói rằng, chúng ta họp bạn ngành Nữ cho oai, thật ra cũng nhờ các Anh lo liệu giúp cả… Thành công, phải biết ơn các Anh.
Và sau một năm gặp Chị Hoàng thị Kim Cúc tại trại họp bạn ngành Nữ, năm 1970, Chị có đến thăm GĐPT tại Ninh Thuận. Cả Ban Hướng Dẫn lo tổ chức lễ tiếp đón Chị thật long trọng. Chị Quỳnh Uyển ra tận Ba Tháp (Cách PR hơn 20km) để đón phái đoàn của Chị. Còn tôi ở nhà ổn định hàng ngũ khi Chị về đến chùa. (Hình ảnh chụp thật nhiều để tại Đoàn Quán, chùa xây cất lại ủi sập mất hết luôn).
Chị Hoàng thị Kim Cúc đến, các Anh Chị Em lớn nhỏ của toàn tỉnh Ninh Thuận vui mừng chào đón… Mừng vui đến chảy nước mắt… Và khi Chị mất, tiếc thương và buồn bã cũng làm nước mắt tuôn trào… Tỉnh thành nào cũng tổ chức lễ tang Chị. Hình ảnh lễ tang từ Huế cập nhật đến khắp nơi. Những trướng, liễn chia buồn cùng Chị có bài thơ “Đây Thôn Vỹ Dạ” của nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử đã yêu Chị, làm tặng cho Chị. Nhìn thấy bài thơ ấy được viết treo trong đám tang của Chị, chúng tôi thật sự xót xa… Chị đã ở vậy suốt đời để phục vụ cho Tổ chức GĐPT chúng ta…
Mỗi Ban Hướng Dẫn tỉnh, thành, đều có một phái đoàn về Huế thọ tang. Ngày đưa tang Chị, người và xe đông không thể tả, nhìn vào, toàn một màu áo lam kéo dài cả mấy cây số… Các em Chị, ai ai cũng khóc tiếc thương….
Nhớ Chị… Viết về Chị ít dòng nhớ thương người Chị Cả đáng kính. Chúng ta hãnh diện về Chị Hoàng thị Kim Cúc cùng những phẩm hạnh của Chị và cũng ước ao Chị em chúng ta noi theo gương Chị, sống trọn vẹn đến cuối đời cho Tổ chức GĐPT trên khắp mọi nơi.
Nói với Người trong ảnh
Quảng Hoa _ Phan Thị Hồng Liên
Kính thưa Chị:
Nghe tên Chị nhưng em chưa một lần gặp Chị, để bây giờ nghe nuối tiếc khôn cùng. Hai mươi hai năm, thời gian đã trôi qua như một dòng sông chảy dài, chảy xa bao ký ức
Tiếng hát của ngày xưa vẫn còn vang vọng, những âm điệu ngọt ngào chan chứa như đã thấm sâu vào bản thể của từng con người yêu quý tình Lam.
Năm tháng cứ triền miên xuôi mãi, dòng lịch sử đã uốn quanh, cái cảnh biển dâu của cuộc đời cũng bao nhiêu lần phong ba bão tố, cái tính hồn nhiên của bao tâm hồn trẻ thơ ngày nay đã không còn nữa. Nó đã thay vào đó cái ồn ào, biến động, nó đã làm phai mờ một thời vang bóng thưở xưa.
Chị ơi!
Đêm vẫn xuống ngày vẫn lên, từng sát na biến dịch đã làm thay đổi quá nhiều, vật lý đổi màu, tâm lý thì xơ cứng khô khan. Con đường vẫn còn đó, khói trầm hương vẫn thoang thoảng mỗi khi nắng chiều nghiêng, cái màu khói hương mà Chị đã suốt đời gắn bó, tận tụy ngày đêm, con đường lý tưởng mà Chị đã đem hết cuộc đời để cùng dựng xây, biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ xuống; cho đến bây giờ đã biến dịch bởi bàn tay vô thức của thế lực cường ma. Hạt giống bồ đề mà Chị đã suốt đời đem gieo trồng vào bao mảnh đất tâm, ước mong một ngày sau đâm chồi nảy lộc, đến bây giờ cơn gió nghiệp thổi vào nó đã biến dạng thành cây kiểng để cho ba tuần tạo dáng bonsai. Những cây đại thụ của ngày xưa chỉ còn lại lưa thưa đứng giữa trời để chịu mưa chang, nắng táp, chịu nhiều phong ba bão tố và từ đó những hậu duệ của rừng Lam còn lại ít ỏi, mọc lưa thưa trên đồng cỏ dại. Người Phật tử thì không ai lên tiếng, kẻ vô tri đắp chiếu ngủ ven rừng, số còn lại lo việc cày cuốc, tìm manh áo chén cơm; những hạng người tham lam, thì gác tía lầu cao, vênh váo hung hăng như loài hổ báo. Cái hàng trọc phú ngày nay, không bao giờ có đạo nên gốc rễ cội nguồn đã cháy như đống than đen. Chị biết không? Trẻ con lớn lên thế hệ hôm nay, nó biết lịch sử thật nực cười Chị ạ
– Ngài Thích Quảng Đức là vị anh hùng liệt sĩ, chống Mỹ mà phải thiêu thân. Chuyện phi lý ngu ngơ thế mà người ta cũng nói ra cho được. Thực tội tình cho lứa tuổi ấu thơ, không ai dạy bảo cho chúng: đó là vị Bồ Tát đốt ngọn lửa thiêng vì tự do tín ngưỡng để đánh thức lương tri của thời bạo quyền dưới triều Ngô Đình Diệm. Thực đáng thương cho thế hệ hôm nay, lớn lên một chút thì sai lầm một chút. Lớn lên một năm thì sai lạc lối về. Trách nhiệm này phải thuộc về ai? Không biết lương tâm kẻ ấy lệch bằng gì? Có xấu xa không nhỉ hỡi chị?
Kính thưa chị!
Hai mươi hai năm rồi chị đi, cuộc sống ở quê hương mình đã thay đổi vô cùng, đã biến thể, biến chất thật là khủng khiếp. Nền tảng đạo đức của ông cha bị người thời nay chối bỏ. Luân lý của tổ tiên ta ngày nay đã rơi vào cơn thác loạn, vì vật chất lên ngôi đã làm hoen ố, bại hoại tinh thần văn hoá trong sáng của dân tộc Việt Nam ta. Con người đối đãi với nhau không như ngày xưa đâu chị à. Nào là nghi kỵ nhau, ngờ vực nhau, không ai dám tin ai. Những con mắt trí thì nhìn không nói, vì “tai vách mạch rừng”, “bóng đêm” vây kín, “ma quái” hiện diện khắp mọi nơi. Không ai dám hở môi nói lên lời chân thật.
Chị ơi! Lời mẹ ru ngày xưa thật ngọt ngào êm ái, nhưng lời ru ngày nay chỉ toàn là thù hận. Bởi tại con người đục đẻo, trau chuốt vào những từ ngữ để điểm phấn tô son, mà làm gương soi mặt, khi nhìn vào thì thấy mặt mà không thấy trái tim, mắt, mũi, tóc tai cũng đều thấy được nhưng bộ não đã đổi, nào có ai thấy được đâu.
Chị ơi! Em chỉ thương những anh chị tuổi già, là cây cao bóng cả với con tim sắt đá, từ Quảng Trị đến Cà Mau đi giữa bão giông, mà vẫn cười tươi không ngại khó khăn, không ngại gian nguy, vì lý tưởng mà đôi chân không ngừng dấn bước khắp nơi, khơi dậy tình Lam. Cái ý chí đó đã vượt ra ngoài thân thể. Cũng nhờ đó mà còn duy trì tình Lam qua bao thế hệ. Còn giữ màu Lam như gìn giữ trái tim mình. Mai kia dù cảnh đời thay đổi, thế kỷ này thay đổi, thế hệ mai sau lớn lên theo chí nguyện tình Lam như những đoá hoa hồn nhiên nở giữa dòng đời thơm hương, ngọt phấn, vẫn toả ngát chút hương trầm thơm dịu mãi về sau.
Kính thưa chị!
Với hiện tình nhà Lam không được như thuở xưa, dù bị phân hoá chia rẻ khắp mọi nơi nhưng những trái tim Lam vẫn còn nhiều kiên định, không xu thời, không sợ hãi. Vẫn giữ gìn truyền thống dù cho phải trả bất cứ giá nào.
Chị ơi! Ở cả hai miền Trung-Nam, chim bốn phương vẫn còn ca hát, những trở lực gian nan đã biến thành trợ lực, những chướng nạn khó khăn là sự thử thách, đã tạo thành chiếc lò tôi luyện nên vàng. Vàng thau đã thanh lọc rõ ràng.
Chị ơi! Trăng giữa trời vẫn sáng, khi đêm tàn thì ánh nắng sẽ vươn lên, nước của muôn sông cũng xuôi về biển cả. Mà biển cũng chỉ thuần một vị mặn mà thôi. Nên em mãi tin rằng sự thật thì nghìn thu vẫn là sự thật. Mây đen rồi sẽ tan, bão giông rồi cũng lặng. Những tâm hồn của bao nhiêu người chân chính đã chịu đựng sự đoạ đày của những tháng năm dài, nay đã trở thành kim cang bất hoại. Như đoá hoa sen trắng còn mãi hương thơm cho dẫu gió dập, sóng xô nhưng không ô nhiễm thế trần. Chắc chị ở nơi khung trời vạn hạnh cũng sẽ mỉm cười, khi nhìn lại mái Lam yêu đang ở trong kiếp nạn mà hồn Lam vẫn đứng vững kiên cường. Cho dù mặt đất đổi thay, xã hội đổi thay, thời tiết đổi thay nhưng màu Lam không bao giờ thay đổi. Lời ca dao của ngày xưa như suối nguồn mãi truyền lưu bất tận, ai là người con dân Việt không dễ nào quên:
“Trăm năm bia đá cũng mòn Ngàn năm bia niệm vẫn còn trơ trơ”.
Ai làm điều xấu ác tạo nỗi thương đau cho tình đồng loại, thì lịch sử mai sau sẽ ghi đậm dấu hờn, dù một chi tiết nhỏ nhoi cũng sẽ còn mãi mãi. Con cháu ở thế hệ mai sau sẽ lên án, sẽ nguyền rủa, không muốn nhắc tới một thời đại mà con người lãnh cảm vô thức. Mà điều đó là chắc chắn phải không chị?
Chị ơi! Cái buổi hiện nay, con người đa số sống nghiêng về phía lợi danh, vật chất và quyền lực, nên xem mạng sống con người rẻ hơn những đồng tiền giấy. Họ không thấy rõ lý vô thường, hợp để rồi tan, trăng tròn rồi sẽ khuyết, có để rồi không. Sự nghiệp ở thế gian như sương treo đầu ngọn cỏ, có sự sống hôm nay thì có cái chết ở ngày mai. Cho nên những người yêu Lam đạo đâu có gì mà sợ hãi. Thế mà có lắm người sợ hãi, không dám cho GĐPT đến chùa sinh hoạt, sợ mất chức, sợ mất quyền lợi, cho nên họ đã làm người mất cả lương tri.
Nhưng mà thôi, Chị ơi! Nói với chị bằng cả lòng thao thức vì trong tất cả trái tim Lam đều có hình ảnh chị. Em không thể nói nhiều với nỗi lòng chân thật, mong chị xót thương gia hộ cho chúng em để vượt qua chặng đường gian khó, để cho tiếng hát với nụ cười của nhà Lam mãi vang vọng đến ngàn sau.
Chị thương kính! Đêm đã khuya rồi, em xin kính chào chị. Trong cõi bình yên, mong chị thấu nỗi lòng!
GĐPT Bình Phước
Ảnh Lưu Niệm Anh Tâm Kiểm
trong một lần viếng thăm và thắp hương cho Chị Tâm Chánh
Cả hai nay đã thành Người Thiên Cổ
Đọc thêm:
Kỷ yếu Ngành Nữ GĐPT Việt Nam, 2012
Thực hiện nhân kỷ niệm 22 năm Húy kỵ chị cả Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc