
Tư liệu Tăng Học Đường Nam Phần Trung Việt cũng gọi Tăng Học Đường Nha Trang (THĐNT) hiện còn[1], đó là: Diễn Từ của Ban Giám Đốc đọc trong dịp mãn khóa 1955 và Bản Tổng kết tình hình tổ chức và sinh hoạt của Phật Học Đường Tổng Hội tại Nam phần Trung Việt (Nha Trang) từ ngày khai giảng tháng 10 năm 1952 đến năm 1956. Trong Diễn từ có đoạn nói rõ: “Phật Học Đường Nha Trang là đứa con chính thống thừa tự đạo nghiệp của Đại học đường Kim Sơn truyền lại: Phật Học Đường Nha Trang đã ra đời trong yếu đuối, sống trong gian khổ, nhưng có một điều đặc biệt nhất là trưởng thành khôn lớn trước tuổi phải lớn.”
Bấy giờ trường có 5 ban: Ban Giám đốc, Ban Giáo thọ, Ban Bảo trợ, Ban Quản lý, Ban Y tế.
Trường chính thức khai giảng vào ngày 19-10-1952 tại một phòng học của tầng trên Trường Trung học Bồ-đề Nha Trang.
Nhân sự ban đầu thiếu ổn định, trong thời gian ngắn bốn, năm năm có đến ba lần kiện toàn, cụ thể như sau:
I. Ban Giám đốc niên khóa đầu (10/1952 – 1/1954) gồm có:
Giám đốc: Thầy Thiện Minh
Phó Giám đốc: Thầy Huyền Tân (Trụ trì chùa Thiền Lâm Phan Rang)
Ban Giáo thọ: Thầy Định Tuệ và thầy Từ Mãn, sau đó vì sức khỏe, vì bận việc, vì phải lui về quê, thầy Thiện Minh thay thế giảng dạy
Thư ký: Học tăng Như Ký.
Nói chung, trong năm học này thầy Thiện Minh bao quát việc điều hành và giảng dạy. Một lớp Tiểu học nhất niên 30 học chúng (gồm một số ngoại trú). Bản Tổng kết nhận xét: “Hơn một năm hoạt động của nhà trường, bề ngoài ta thấy nhà trường cũng có phần tiến, nhưng bên trong ta chưa đặt được căn bản nào vững mạnh đáng kể trên mọi mặt hoạt động.”
Trong thời gian này, ghi nhận về sinh hoạt An cư năm 1953, thầy Đỗng Minh nói: “… Tôi đến Nha Trang, đến với Tăng học đường tại chùa Long Sơn, trụ sở Tỉnh Giáo hội Phật học Khánh Hòa. Tôi nhớ rõ năm ấy là năm 1953, và càng nhớ rõ hơn Hòa Thượng Giám luật Thích Đôn Hậu từ Tổng trị sự Huế vào phụ trách dạy luật cho trường Hạ… Đây là dấu ấn đức hạnh như tên gọi của Ngài đã đặt lên tôi nói riêng, cho quí thầy từ bốn tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Đà Lạt Tuyên Đức nói chung về tu học tại Tăng học đường trong mùa An cư năm đó”[2].
Ban điều hành và Học tăng khóa đầu trước chùa Long Sơn
Hàng trên: Lạc (Thiền Lâm PR), Thầy Chí Tín (hiện Trụ trì chù LS), Thầy Đỗng Minh, Thầy Từ Mãn,
Thầy Thiện Minh (Trí Nghiễm), Thầy Định Tuệ, Lục (Vạn Giã), Khánh (Vạn Giã);
Hàng giữa: Lai (Thiền Lâm), Thiện Duyên (Lục Bích Hải), Nguyên Phương (Đích Phan Rí),
Xây (Phan Rang), Mười (PR), Chánh (PR), Nghi (Vạn Giã), Vinh (VG), Khánh (VG);
Hàng dưới: Chút (Thiền Lâm), Ngộ (P. Rí), Đức Hạnh (Lê Xuân Ký, P.Rí), Dễ (TL), Hòa (P. Rí).
Hạnh Cơ (Hữu Lợi PR), Huệ Khai (PR), Ninh (P. Rí), Thành (Nha Trang).
II.- Tình hình năm thứ hai từ 2/54 đến 1/55:
Sau Hiệp định Genève, THĐNT có nhiều thay đổi nhân sự cũng như nền nếp tu học, trong đó đoàn Học tăng ưu tú 18 người của Phật giáo Liên khu 5 đóng vai trò nồng cốt. Theo hồi ký của Tăng sinh Giác Tuệ thì “Đoàn Học tăng khởi hành từ chùa Hưng Long Bình Định đi bộ vào Tuy Hòa rồi lên xe vào Nha Trang, đến Tăng học đường Nam phần Trung Việt, tại chùa Long Sơn, lúc 5 giờ chiều, ngày 10 tháng 11 năm 1954. Đoàn gồm có: Đỗng Quán (Vào rất sớm rồi quay trở về đưa đoàn vào, làm trưởng đoàn), Quảng Y (Từ Hạnh), Thiện Nhơn (Hồ Sĩ Từ), Thiện Duyên (Võ Đình Như), Nguyên Hồng (Lý Kim Hoa), Nguyên Trạch (Giác Lâm), Đồng Thiện (Lê Văn Hiến), Như Cầu (Đỗng Quang, Nguyễn Như Minh), Tâm Hiện (Hồ Thoại), Phước Khánh (Trần Bì), Như Kế, Thiện Trí (Võ Phi Thiên), Thị Vị (Nguyễn Thành Ký), Như Bửu (Võ Mạnh Hùng), Tâm Lâm (Đức Minh), Đồng Từ (Lê Văn Huấn), Liễu Không (Nguyễn Xuân Đệ), Giác Tuệ (Trần Nguyên Sanh)…”
Về nhân sự Ban Giám đốc, sau một thời gian chấp vá, một Ban Giám đốc (BGĐ) lâm thời được bầu ra, gồm có:
Cố vấn: Thầy Thiện Minh
Giám đốc: Thầy Huyền Quang
Phó Giám đốc: Thầy Viên Giác
Thư ký: Học tăng Như Bửu.
Ban Giám đốc đề ra ba việc phải thực thi là:
Củng cố cơ cấu nhà trường:
Ban Lãnh chúng: Trong phiên họp đại chúng ngày 13-2-1955 bầu: Thủ chúng: thầy Đỗng Minh; Phó Thủ chúng: thầy Từ Hạnh; Thư ký: thầy Như Bửu; Ủy viên: Thầy Nguyên Hồng và Trừng San.
Nhưng đến đầu học kỳ 2-1955 vì công tác Phật sự cũng như thu gọn lại nên BLC được sắp xếp lại: Thủ chúng: Thầy Từ Hạnh; Phó: Thầy Trừng San; Thư ký: Thầy Như Cầu.
Sắp đặt hàng ngũ đại chúng: Chia ra 7 chúng theo thế hệ: Chúng Khuôn Việt, Huyền Trang, Tăng Quang, Phước Huệ, Thiện Tài, Vạn Hạnh, La-hầu-la.
Điều chỉnh hệ thống sinh hoạt:
- a) Ban Giám đốc chịu dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Tổng hội.
- b) Ban Lãnh chúng trực tiếp điều hành sinh hoạt Đại chúng theo chỉ đạo toàn diện của BGĐ
Cải thiện hình thức kỷ luật: Thực hiện đúng tinh thần Bản Nội qui đã đề ra về tu học và mọi sinh hoạt khác.
Nhận xét về niên học này, Bảng Tổng kết nói: “Một năm qua nhà trường đã có lần khủng hoảng rất bi quan, nhưng nhờ dưới sự lãnh đạo của BGĐ lâm thời đã củng cố kịp thời mọi sinh hoạt theo lề lối mới tương đối phù hợp với những yêu cầu của học Tăng. Đồng thời có đủ hiệu lực đẩy mạnh mức tiến của nhà trường trong năm đến, làm căn bản cho sự sống còn vững mạnh của nhà trường trên đường nhiệm vụ: ‘đào tạo Tăng tài’.”
III. Năm học từ 2/1955 đến 1/1956:
Tháng 3 năm 1955, trong phiên họp đại hội đồng Tổng hội tại Huế thành lập Ban Giám đốc, thành phần như sau:
Cố vấn: thầy Thiện Minh
Giám đốc: thầy Huyền Quang
Phó Giám đốc: thầy Trí Thủ
Đốc giáo: thầy Thiện Siêu
Thư ký: Học tăng Từ Hạnh
Sau gần một năm ổn định Ban lãnh đạo và tổ chức, năm học này thực hiện mọi chủ trương đề ra ở năm trước, nhất là đặt nặng việc học tập. Qua thử thách, qua gạn lọc, nhà trường xếp thành hai lớp:
Lớp Tiểu học nhị niên có 21 tăng sinh gồm: Hồ Thoại (Tâm Hiện), Nguyễn Hữu Lợi (Hạnh Cơ), Nguyễn Huệ Khai (Huệ Khai), Lê Văn Hòa (Nguyên Thuận), Võ Phi Thiên (Thiện Trí), Nguyễn Văn Khánh (Chánh Huệ), Nguyễn Văn Đích (Nguyên Phương), Huỳnh Công Bình (Đức Trường), Đỗ Xuân Lượng (Quang Minh), Trần Nguyên Sanh (Giác Tuệ), Lục Bích Hải (Thiện Duyên), Nguyên Cẩn (Nguyễn Văn Kính), Trần Tấn Thục, Lê Xuân Ký (Đức Hạnh), Trần Tấn Đức, Trần Đình Chiến (Nguyên Đạt), Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Cư (Quảng Tấn), Lê Như Kế, Lê Minh Tâm (Viên Dung), Lê Văn Ngộ (Nguyên Pháp). (Từ bảng xếp hạng cuối năm thứ 3)
Minh Tâm, Nguyên Đạt, Giác Tuệ, Nguyên Phương và Huệ Khai
Chơn Dự, Huệ Tánh, Đức Niệm và Thiện Duyên
(Ảnh: Giác Tuệ)
Chương trình học gồm: Luật Sa-di, Di giáo, Tứ Thập Nhị chương, Phật học Giáo khoa thư, Kỉnh sách, Duy thức dị giản, học thêm các môn học thường thức như: Dịch thuật, soạn bài và tập giảng v.v…(chung hai lớp). Ngoài ra học chương trình Phổ thông các lớp Trung, Tiểu học Bồ- đề.
Nguyên Hồng, Thiện Nhơn, Đồng Thiện và Thiện Duyên (Ảnh: PT và Giác Tuệ)
Lớp Trung học đệ nhất niên sĩ số 20 Tăng sinh, gồm: Từ Hạnh, Nguyên Hồng, Thiện Nhơn, Đỗng Quán, Như Cầu, Đồng Từ, Tâm Lâm, Thiện Duyên (A), Thị Thức, Quảng Đại (Tuệ Hải), Như Bửu, Liễu Không, Nguyên Trạch, Trừng San, Diệu Bổn, Đồng Thiện, Hạnh Nghiêm, Minh Chiếu, Thành Ký, Đồng Trí. (Từ bảng xếp hạng cuối năm học).
Chương trình học gồm: Kim Cang Giảng Lục, Bát Thức Qui Cũ, Duy Ma, Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Nhơn Minh và Đại Thừa Khởi Tín… Dịch Thuật, diễn giảng, soạn đề tài. Song song là học chương trình phổ thông ở các lớp Trung học Bồ-đề.
Chương trình học như vậy là quá nặng, nhưng để tuổi tác và năng lực bắt kịp thời gian, bắt kịp Phật sự dày đặc sau khi đất nước bị chia cắt thì học Tăng phải nổ lực học tập đêm ngày, phải đạt trình độ kiến thức nhất định để đối ứng thích đáng với Hòan cảnh đất nước đang rơi vào tay ngoại đạo. Do đó, việc đào tạo Tăng tài mang tính cấp bách và nặng nhọc như thế. Trong diễn từ của ban Giám đốc cũng đã bộc bạch điều này: “Thì giờ và đầu não có chừng, nhưng ở đây vượt qua mức độ hữu hạn ấy là, một năm nhà trường đã thanh toán một lượt hai chương trình (một Phật pháp, một Thế pháp) một cách đầy đủ. Cụ thể nỗ lực ấy sẽ thấy ở bản thành tích học tập. Đó là một khả năng học tập mà lề lối học tập cũ không thể làm nỗi.”
Ngoài việc học tập, trường cũng tổ chức An cư, năm ấy thay vì An cư Hạ lại An cư Đông, từ 15/9 đến 15/12 Ất Mùi. Bên cạnh ấy là lao động cải tạo xây dựng:
– Dọn bằng ngọn đồi để chuẩn bị cất tu viện
– Trực tiếp quản trị nhà in Hoa Sen
– Phá núi đào hầm trồng 200 cây ăn trái, lấy củi trong mùa mưa gió vừa qua.
– Củng cố hàng ngũ Chi, Khuôn hội trong Thị xã Nha trang.
Trong việc lao động sản xuất có một việc được đồng phạm hạnh Chí Tín kể lại như vầy: Ngày ấy học Tăng Đồng Thiện gánh phân “bắc” pha loãng tưới rau muống: Tăng sinh Hữu Lợi và Lê Văn Hòa buộc miệng “khen”: “ông này được Phật thọ ký thành Phật trước nè !” Máu nóng con nhà Tổng đùng đùng nổi dậy, quăng ngay quan gánh… học tăng Đồng Thiện chữi đổng một câu nhớ đời rằng: “Tao gánh phân tưới rau cho cha tao ăn hay sao”. Ghi lại “giai thoại” này như nén hương quí tưởng niệm bậc thầy đức hạnh luôn tìm cầu “đệ nhất nghĩa đế” cho mình.
Trên nền tảng ấy, chương trình hoạt động của THĐ trong năm 1956, theo đó thực hiện với chủ trương: “Củng cố, Tu chỉnh, Tăng cường”. Khi có lệnh từ Tổng Trị sự THĐNT hợp nhất với PHĐBQ để thành lập PHVHĐ vào thượng tuần tháng 1-1957. THĐNT đã ổn định mọi việc lại chuẩn bị kế hoạch di chuyển hợp nhất. Con đường quanh co men theo đồi Trại Thủy từ chùa Hội sang Hải Đức, được Học tăng THĐ Hòan thành vào cuối năm, kịp phục vụ Đại giới đàn, lúc bấy giờ chỉ rộng hơn lối mòn. Lên danh sách thọ giới và phục vụ Giới Đàn, phân công phân nhiệm cụ thể.
Nói tóm lại, những Tăng sinh ưu tú của Liên khu năm mà nỗi bật nhất là đoàn Tăng sinh Bình Định vừa hỗ trợ, vừa thực hiện đúng chủ trương của Ban Giám đốc giàu kinh nghiệm đặt dưới sự lãnh đạo kịp thời của Tổng hội Phật giáo Trung phần đã vực dậy THĐNT, từ chỗ èo ọp, yếu đuối thành một trường nền nếp qui cũ mọi mặt, trong thời gian chưa đầy hai năm, đạt được thành tích vô cùng mỹ mãn. Để khẳng định điều này, Ban điều hành trường đã kết luận: “…Phật Học Đường của Tổng hội đã ra đời vượt qua những khó khăn mà sống còn, nhất là ta đã thành công được trong giai đoạn củng cố nhà trường là nhờ có những phương pháp căn bản thích đáng kịp thời, làm động cơ chính cho sự phát triển của nhà trường năm qua và cũng có những triển vọng trong chương trình hoạt động năm tới. Căn cứ vào thành tích phát triển ấy, chúng ta có một tin tưởng Pháp mạng của nhà trường sẽ muôn tuổi để làm bổn phận: ‘Đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp’…”
____________________________
[1] TT Minh Thông Hiệu trưởng trường TCPHKH cung cấp.
[2] Phi lộ cho dịch phẩm “Trùng Trị Tì-ni Sự nghĩa yếu tập” Tập 1, xb năm 2006