
Tôn giáo và dân tộc đều giúp con người vượt lên trên thân phận hữu hạn, nhỏ nhoi của họ. Tôn giáo đưa người ta vươn tới cõi vô cùng. Các dân tộc ra đời cũng vì con người muốn vượt lên trên thân phận lẻ loi, hòa vào một cộng đồng lớn. Vì vậy, người ta sẵn sàng hy sinh vì yêu nước hay vì tín ngưỡng. Trong quá trình hình thành của nhiều dân tộc, tôn giáo cũng như ngôn ngữ đều góp phần khích lệ.
Niềm tin kích thích con người can đảm hơn. Chia sẻ một niềm tin giúp nhiều người đoàn kết với nhau hơn. Nếu đó lại là một niềm tin vào cõi thiêng liêng, vô hình, thì hai tác dụng trên càng mạnh. Tín ngưỡng là một thứ keo sơn liên kết các cá nhân thành một tập thể, trong đó mọi người cảm thấy họ được nối vào cõi thiêng liêng. Niềm tin lại được diễn tả qua nghi lễ thờ phụng chung, mỗi cá nhân sẽ thấy mình mạnh mẽ, tự tin, không còn sợ hãi nữa. Tín ngưỡng tác động tới cõi sâu thẳm nhất trong lòng người, có khả năng đưa tới những hành động tập thể quyết liệt. Tín ngưỡng chắc chắn mạnh hơn ngôn ngữ khi cần khích lệ người ta tranh đấu chống các chính quyền bất nhân, hoặc đòi quyền tự chủ. Do đó, tín ngưỡng giúp nhiều dân tộc thành hình, không phải vì giáo lý bảo như vậy, nhưng chỉ vì tôn giáo đã có mặt, như một hiện tượng xã hội giúp mọi người mạnh hơn khi thực hiện ý nguyện dựng nước.
Trong khi bàn về vai trò của ngôn ngữ và tín ngưỡng giúp bảo vệ dân tộc Việt, chúng ta không nên nghĩ giữa ngôn ngữ hoặc tín ngưỡng và độc lập dân tộc có những liên hệ nhân quả tất yếu và một chiều. Không phải hễ khác nhau về ngôn ngữ hoặc tôn giáo là người ta phải tách rời thành hai nước; cũng không phải cứ cùng chung tôn giáo hoạc tiếng nói thì người ta muốn sống chung. Việc thành lập một quốc gia do nhiều yếu tố khác thúc đẩy; trong đó tín ngưỡng hoặc ngôn ngữ có thể đóng các vai trò lớn nhỏ tùy theo hoàn cảnh; không nhất thiết phần nào quan trọng hơn.
Nhiều khối người cùng nói một thứ tiếng nhưng vẫn chia làm hai hay nhiều quốc gia, một nguyên nhân là họ khác tín ngưỡng. Sau cuộc Cải Cách Tôn Giáo ở Âu Châu từ thế kỷ 16, phần lớn các cuộc tranh chấp hay chiến tranh giữa các nhóm dân cư cùng nói một thứ tiếng đều vì các người đứng đầu vương quốc chọn theo những giáo hội khác nhau. Dân Áo và dân các vương quốc khác ở bên cạnh cùng nói tiếng Đức, nhưng khi nước Đức ra đời thì phần lớn do các tiểu vương theo các giáo phái cải cách; còn nước Áo vẫn trung thành với giáo hội La Mã. Ái Nhĩ Lan (Ireland) và Anh quốc (UK) cùng nói một thứ tiếng và chia sẻ nguồn gốc tổ tiên Celtics, nhưng hai bên theo các giáo hội khác nhau cho nên Ireland vẫn tách ra làm một nước độc lập. Thi sĩ Allama Muhammad Iqbal là một người cha tinh thần của nước Pakistan, từ thời 1930 ông đã kêu gọi những người theo đạo Hồi trên bán đảo Ấn Độ phải kết hợp thành một quốc gia – trước khi các nhà chính trị lúc đề cập tới giải pháp này. Tiếng nói không phải là động cơ khiến ông khơi dậy tinh thần dân tộc; thơ ông đa số viết tiếng Ba Tư, chỉ một phần nhỏ bằng tiếng Urdu. Tôn giáo chính là ngọn lửa nung nấu tình tự dân tộc mà ông truyền cho “đồng bào” của mình; vì mối lo họ có thể bị nuốt vào trong khối người theo Ấn Độ Giáo và mất cả hồn tính. Pakistan lập quốc năm 1947, tới năm 1970 dân ở vùng Tây Bengal tuy cũng theo Hồi Giáo lại đấu tranh đòi ly khai, lập quốc gia Bangladesh mới ở phía Đông. Lý do vì dân miền này bị chính quyền Pakistan trung ương ở phía Tây đối xử bất công.
Cho nên, mặc dù ngôn ngữ hay tôn giáo có thể thúc đẩy và hỗ trợ cho nhiều dân tộc vùng lên, nhưng không thể coi đó là những yếu tố cần thiết và bắt buộc trong mọi trường hợp. Thường khi dân chúng một nước nổi lên đòi tự chủ thì nguyên nhân đầu tiên là họ phản đối chính sách hà khắc và kỳ thị của người cai trị. Có hai nguyên nhân quan trọng nhất thường gây nên các cuộc cách mạng, một là đói, hai là bị sỉ nhục. Khi những người nắm quyền coi khinh người dân bị trị, lại bóc lột và đàn áp khiến họ bị đẩy tới đường cùng, thì người dân phải nổi dậy. Nếu được giới thống trị đối xử công bằng, nhân đạo, thì người ta chưa chắc muốn tách riêng, dù khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, hay tôn giáo. Trong một quốc gia dân chủ tự do thì những người ngôn ngữ và tôn giáo khác biệt vẫn có thể sống chung với nhau.
Như ở Âu Châu có Thụy Sĩ, một liên bang tồn tại lâu đời mặc dù người dân thuộc mấy sắc tộc khác nhau, nói bốn thứ tiếng được công nhận chính thức, và họ cũng không theo cùng một giáo hội. Bốn sắc dân chính trong nước Thụy Sĩ có thể sống chung hòa bình với nhau như vậy từ thế kỷ 13, 14 là nhờ thể chế dân chủ từ hạ tầng. Họ tạo ra được cơ chế liên bang để giải quyết các xung đột quyền lợi mà không cần phải dùng bạo lực. Khi người ta có thể cùng tôn trọng những quyền căn bản để sống xứng đáng làm người, thì những khác biệt tôn giáo hay ngôn ngữ không gây ra cảnh chia rẽ, ly khai. Trường hợp tỉnh Québec ở nước Canada đáng suy ngẫm.
Nhiều người Québec muốn tách khỏi nước Canada thành một nước riêng. Họ có nhiều yếu tố thúc đẩy, như lịch sử, ngôn ngữ và tín ngưỡng. Dân Québec nói tiếng Pháp và theo đạo Công Giáo; đã tới định cư ở Canada từ thế kỷ 16. Hai thế kỷ sau Québec bị vua nước Pháp nhường cho nước Anh sau khi Pháp thua trận ở Châu Âu. Từ thế kỷ 19 nước Canada thành hình, tỉnh Québec nằm giữa một liên bang Canada, 9 tỉnh kia đa số theo đạo Tin Lành và nói tiếng Anh. Phong trào độc lập ở Québec do ngôn ngữ và tôn giáo thúc đẩy từ đầu, nhiều linh mục đứng ra khởi xướng. Cả hai yếu tố ngôn ngữ và tôn giáo đều đủ sức làm sôi máu những người gọi là “dân tộc chủ nghĩa.”
Đất đai Québec rộng gấp năm lần Việt Nam, tài nguyên phong phú dư sức để phát triển như một nước độc lập. Nhưng hơn một thế kỷ nay giấc mộng Québec độc lập chưa thành! Lý do quan trọng nhất là dân Québec không phải chịu đựng hai nguyên cớ thường phát động các phong trào độc lập: Họ không bị các bóc lột hoặc khinh rẻ. Canada là một nước tự do dân chủ, mọi người bình đẳng khi ứng cử và khi bỏ phiếu; hơn nữa, mức sống kinh tế lại rất cao. Đến nay đa số dân Quebec vẫn chưa thấy đủ lý do để quyết tâm ly khai. Trong một thể chế tự do, các giá trị khác nhau đều có cơ hội thể hiện và phát triển; chủ trương ly khai khó hấp dẫn mọi người; nhất là những di dân từ các nước Á, Phi và Nam Mỹ tới.
Tín ngưỡng xác định một sắc dân
Có những dân tộc thành hình trên tín ngưỡng. Dân Do Thái tự xác định bằng niềm tin vào một đấng tối cao. Họ bảo vệ đặc tính của dân tộc qua những nghi lễ, tập tục do niềm tin đó quy định. Dân Á Rập đã sống hàng ngàn năm trong vùng các sa mạc từ Bắc Phi sang Trung Đông; nhưng chưa bao giờ tự ý thức như một dân tộc. Họ sống cạnh những người theo Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo; nhưng vẫn giữ các tín ngưỡng cổ truyền đa tạp. Phải đợi tới thế kỷ thứ bẩy, Thánh Tiên Tri Mohammed đã cống hiến cho họ một tôn giáo mới. Họ cảm thấy niềm tin của mình không thua kém gì hai tôn giáo kia. Tôn giáo mới còn có vẻ thuần túy và giản dị, trong sáng hơn; một tôn giáo của người Á Rập, kinh thánh truyền bằng tiếng Á Rập. Các nghi lễ thành hình, các quy tắc ăn ở được quy định, các thần thánh cũ bị gạt bỏ. Một ý thức tập thể đã nở bùng trong vùng sa mạc Trung Đông nhờ tín ngưỡng.
Các dân tộc bị người ngoài chiếm đóng, hoặc bị bắt làm nô lệ, có thể dựa vào tín ngưỡng đang theo mà vùng dậy. Đạo Phật ở Việt Nam, Thiên Chúa Giáo ở Ba Lan, hay Hồi Giáo ở Bosnia, đều đóng vai trò tác động như thế. Nếu lịch sử ba dân tộc này diễn ra cách khác, nếu dân họ theo các tôn giáo khác, thì tôn giáo thứ nhì này cũng sẽ giúp họ trên đường tự thoát khỏi cảnh nô lệ.
Khi một dân tộc bị bóc lột và đàn áp đến mức cần nổi dậy để tự giải phóng, người ta tìm đến tôn giáo có sẵn để tăng sức mạnh tinh thần. Đó là lúc tín ngưỡng đóng vai trò quyết định. Tôn giáo giúp cho những người không phải cùng họ hàng, không phải cùng làng mạc vẫn có thể thân thiết giúp đỡ nhau, hy sinh cho nhau, nếu cần thì hy sinh cả mạng sống. Nhờ tín ngưỡng, người ta tự hào mình cũng không thua kém đám người thống trị, dù họ đông hơn hoặc mạnh hơn. Tôn giáo còn là một dấu hiệu, một biểu hiện cụ thể, giúp dân bị trị tự xác định thân phận riêng, tự tách biệt, biết mình không giống đám người đang cai trị, đang sai bảo, ra lệnh cho mình.
Khác biệt tôn giáo là một lý do khiến cho, khi liên bang Nam Tư tan rã, dân Kosovo đứng lên đòi độc lập, tách khỏi Serbia. Trong nước Nam Tư cũ, người Serb đóng vai trò quan trọng khắp nơi, rieng nước Serbia có hơn bẩy triệu dân gốc Serb. Dân Kosovo chỉ có hai triệu, đa số theo Hồi Giáo (90%), khác người Serb theo Chính Thống Giáo. Họ không muốn đóng vai thiểu số trong nước Serbia nữa.
Khác biệt về tôn giáo còn cho tín đồ niềm tự hào thấy mình đứng về lẽ phải, về “chính đạo,” tức là thấy mình có địa vị tinh thần cao hơn bên địch mà họ coi là theo “bàng môn tả đạo!” Khi nghĩ như thế, người ta càng sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người đồng đạo, dùng “chính đạo” chống tà thuyết; niềm tin đó khiến họ chiến đấu dũng mãnh hơn.
Ireland (Ái Nhĩ Lan) giành độc lập là một trường hợp trong đó tôn giáo đóng vai trò nổi bật. Giới quý tộc Ireland không có lý do mạnh mẽ nào để chống chế độ đàn áp. Vì họ cũng được vua Anh quốc đối sử ngang hàng với quý tộc bên Anh, cả hai đều được hưởng quy chế của Magna Carta, được bầu một nghị viện đại diện cho họ. Nhưng đa số người dân bên dưới thì bị coi thường và bóc lột nặng nề. Vua Henri VIII nước Anh đã tách khỏi Giáo hội La Mã, tự lập thành một giáo hội riêng từ thế kỷ 16 khiến phong trào độc lập mang thêm tính chất tôn giáo khi dân Ireland vẫn muốn trung thành với giáo hội La Mã. Ireland lại chịu nhiều tai ương do chính quyền Anh quốc gây ra. Cuộc chinh phục của Cromwell vào giữa thế kỷ thứ 17 làm thiệt mạng 20,000 binh sĩ, cộng với 200,000 thường dân chết vì gươm đao hay vì đói. Tiếp theo đó, 50,000 người Ái Nhĩ Lan bị bắt đem bán làm nô lệ qua các hòn đảo ở Mỹ châu. Giữa thế kỷ 18 thêm “nạn đói khoai” làm chết hàng triệu người, bao nông dân phải bỏ quê hương sang châu Mỹ lánh nạn. Phong trào dân tộc nổi lên đòi tách khỏi Vương quốc Anh được La Mã khuyến khích; cuộc tranh đấu đòi độc lập của người Ireland mang mầu sắc “thánh chiến” cho nên ngày càng quyết liệt hơn. Khi chính quyền nước Anh chịu thay đổi chính sách cai trị thì quá trễ.
Đạo Công Giáo đã bén rễ sâu bền ở hòn đảo này. Dân Ireland thờ Thánh Patrick làm Thánh Quan Thầy. Trong cuộc đời ông, Thánh Patrick đã chia sẻ một số phận giống như thân phận người dân. Cậu bé Patricius bị bán sang Ái Nhĩ Lan làm nô lệ năm 385, trong thời gian nền “Bình Trị La Mã” (Pax Romana) chấm dứt, đế quốc La Mã đã suy tàn. Sau 6 năm làm nô lệ, làm một đứa trẻ chăn cừu, cậu về Anh quốc rồi vào tu viện. Năm 432 Patricius trở qua Ireland, đi truyền bá Phúc Âm. Dân Ái Nhĩ Lan khi nghe ông giảng đạo thì dễ nhìn hình ảnh ông giống như thân phận của chính họ. Nhờ ông, họ tìm thấy nguồn hy vọng được cứu rỗi, thoát khỏi tình cảnh nô lệ, họ cũng muốn noi gương ông đã tự giải thoát chính mình. Dựa vào một thần tượng như vậy, người ta thêm can đảm và đoàn kết với nhau hơn.
Ngoài tác động tinh thần, các tôn giáo còn đóng góp cụ thể vào các phong trào lập quốc, về tổ chức và nhân sự. Tôn giáo cung cấp cho mọi người một khuôn mẫu về tổ chức sơ khởi, qua những hoạt động thờ phượng; và một mạng lưới quan hệ xã hội ngay trong các hoạt động đó. Làm việc chung trong giáo đoàn là cơ hội đào tạo những người lãnh đạo. Trong các sinh hoạt tôn giáo, những người ưu tú có cơ hội tập sự tổ chức và chỉ huy, từ dưới mà đi lên. Nhờ thế các tôn giáo chuẩn bị nhân sự cho các phong trào đòi độc lập, và cung cấp một giai tầng lãnh đạo cho cả guồng máy quốc gia sẽ thành hình. Miền Nam Sudan đã tách riêng lập thành một quốc gia trong năm 2011 sau nhiều thập niên đấu tranh, là một thí dụ gần đây, cho thấy một tầng lớp lãnh đạo ra đời nhờ tôn giáo đã hướng dẫn cuộc đấu tranh và xây dựng nền độc lập khi quốc gia thành hình.
Cuộc tranh đấu đòi độc lập của dân Nam Sudan phát khởi vì nỗi bất mãn của 8 triệu người bị bóc lột và bị bỏ rơi. Sau khi nước Sudan độc lập, dân miền Nam không được phát triển về giáo dục, y tế và kinh tế, so với 20 triệu người ở phía Bắc. Tôn giáo là động cơ thúc đẩy mạnh nhất, cung cấp những người lãnh đạo tích cực nhất cho phong trào này.
Khi Sudan bị Đế quốc Anh chiếm đóng, họ chia ra hai phần, đặt hai bộ máy hành chánh, phần lớn công chức là người Ai Cập. Để tránh bệnh sốt rét lan truyền, chính quyền Anh ngăn không cho di dân giữa hai miền; họ đặt một vùng giữa các vĩ tuyến 8 và 10 là khu vực cấm qua lại. Vì thế, các nhà truyền giáo Âu Châu đi giảng đạo phần lớn hướng vào phía Nam nhiều hơn, vì tại miền Bắc đã có những người Á Rập theo Hồi Giáo đóng vai trò lãnh đạo. Sau một thế kỷ, những người Nam Sudan theo Thiên Chúa giáo tạo thành một tầng lớp ưu tú, có học, và Âu hóa nhất trong xã hội miền Nam. Còn giới thượng lưu miền Bắc là những nhà buôn và guồng máy thư lại gốc Á Rập theo Hồi Giáo.
Cuộc nội chiến Nam Bắc làm chết hai triệu người miền Nam. Phong trào độc lập phát động khi Tổng thống Gaafar Nimeiri ở miền Bắc ban hành Luật Hồi Giáo (Sharia) bắt phải áp dụng trên toàn quốc. Dân da đen sống ở miền Nam rất ít người theo Hồi Giáo, cảm thấy họ bị cưỡng ép. Những người lãnh đạo phong trào tranh đấu xuất phát từ những lớp thượng lưu theo Công giáo La Mã hoặc Anh quốc giáo. Số tín đồ này chỉ chiếm từ 20% đến 30% dân số miền Nam; đại đa số các bộ lạc vẫn theo tín ngưỡng cổ truyền. Nhưng nhiều người trong nhóm này đã được giáo dục và cho đi học ở nước ngoài. Lãnh tụ được dân Nam Sudan kính trọng nhất, ông John Garang sinh trong một gia đình Thiên Chúa giáo, từng du học đại học ở Iowa, bên Mỹ trước khi về nước tham dự cuộc nổi dậy. Sau khi độc lập, vị tổng thống đầu tiên Salva Kiir Mayardit, cũng là một tín đồ Công giáo. Tôn giáo đã giúp đào tạo một lớp người lãnh đạo cho quốc gia gia mới này.
Nam Sudan cho thấy khi một dân tộc đứng lên tranh đấu đòi độc lập mà được tôn giáo hỗ trợ thì sẽ mạnh hơn. Nước Mỹ cũng vậy. Quốc gia này được thành lập với những nhóm dân ở Âu Châu di cư tị nạn để tránh bức hại vì tôn giáo; họ đến Thế giới mới để được tự do hành đạo. Thay vì nhân danh một tôn giáo mà lập quốc, nhữ dân Mỹ nhân danh quyền tự do, cho tất cả các niềm tin. Khi vì nổi loạn chống Anh hoàng vì chống thuế, trong những ngày đầu tiên dân thuộc địa đã họp với nhau tại các giáo đường ở Boston. Người Afghanistan đã kháng cự được các đế quốc Anh, và Nga sô sau này, cũng nhờ lòng tự hào về tín ngưỡng Hồi Giáo của họ. Người Do Thái tìm về đất tổ để xây dựng một quốc gia, cũng vì họ muốn được thờ phượng tự do. Mặc dù đại đa số các nhà lập quốc Israel đều mang tinh thần thế tục và theo chủ nghĩa xã hội, tới nay các đảng phái đặt trên tôn giáo vẫn chiếm địa vị quan trọng tại Israel.
Ba Lan là một thí dụ khác khi tôn giáo đóng vai chính trong phong trào lập quốc; vừa tạo ra động cơ đòi tự do, vừa cung cấp một tầng lớp lãnh đạo. Nếu không có Thiên Chúa giáo thì dân tộc và quốc gia Ba Lan khó thành hình. Tổ tiên người Ba Lan cùng gốc Slavic như người Nga. Nhưng từ mươi thế kỷ trước Sa hoàng và dân Nga theo giáo hội Chính Thống, vẫn độc lập với giáo hội La Mã. Dân tộc Ba Lan cũng được “tiếp máu” bởi các đám di dân từ miền Hắc Hải, chạy loạn khi bị người Mông Cổ xâm lăng. Năm 966, Vua Ba Lan Mieszko Đệ Nhất cải đạo theo Công Giáo, dần dần cả nước cùng theo. Sau thời Cải Cách Tôn Giáo, dân Ba Lan vẫn tự xác định mình khác với hai nước láng giềng; phía Tây là người Đức theo các giáo hội Tin Lành, phía Đông người Nga theo Chính Thống Giáo. Năm 1569 Ba Lan đã kết hợp với Lithuania, một nước Công Giáo nhỏ khác cũng nằm cạnh nước Nga. Cả hai dân tộc đều có nhu cầu chống ách thống trị của các Nga hoàng; và họ tìm thấy chất keo gắn bó lại với nhau là tôn giáo, cho đến năm 1795 mới đổi về tình trạng cũ. Vào thập niên 1980, giáo hội Công Giáo ở Ba Lan đã giúp cho Công đoàn Đoàn kết. Một mặt, giáo hội là một nguồn cảm hứng khích lệ mọi người Ba Lan khác, thành một động lực tranh đấu bảo vệ độc lập đối với Nga và chống lại một chủ nghĩa vô thần. Mặt khác, chính hàng ngũ các linh mục và thầy giảng đã cung cấp tổ chức và nhân sự cho phong trào công nhân trong lúc các thủ lãnh còn bị bắt bớ, đàn áp.
Niềm tin không làm mất đức bao dung
Người ta dễ hiểu lầm rằng khi tôn giáo trở thành một động lực chính trị thì người ta sẽ ngả sang khuynh hướng quá khích, độc tôn. Không nhất thiết như vậy. Thi sĩ Allama Muhammad Iqbal đốt ngọn đuốc gây tinh thần dân tộc của người Pakistan sau này với những bài thơ bầy tỏ lòng nhiệt tín vào Hồi Giáo. Nhưng ông cũng từng đi học ở Anh quốc, được Anh hoàng phong hiệp sĩ; và đậu bằng tiến sĩ ở đại học tại Mȕnchen, nước Đức. Thơ ông diễn tả tinh thần nhân bản phổ biến nối con người với vũ trụ, chống mọi hình thức áp chế, bóc lột, bất bình đẳng, dù dựa trên chủng tộc, giai cấp hay tôn giáo. Iqbal sinh ra ở xứ Punjab, nói tiếng Urdu như phần lớn người Pakistan, nhưng hầu hết các tập thơ của ông (hơn bẩy ngàn trong số 12 ngàn câu thơ) viết bằng tiếng “Dari,” là ngôn ngữ Ba Tư (Persian). Ông vẫn được thế giới ngưỡng mộ mặc dù ông chỉ ca ngợi truyền thống văn minh Hồi Giáo. Ngày nay ở thành phố Heidelberg, nước Đức, nơi ông đã được học thêm văn chương, tư tưởng của Goethe, Heine và Nietzsche, vẫn có một con đường mang tên Iqbal-Ufer. Và tại thành phố Buenos Aires, Argentina, cũng dựng một bảng tưởng niệm khắc tên tuổi sự nghiệp của ông tại công trường Plaza de Pakistan.
Một dân tộc có thể nuôi ý thức dân tộc qua niềm tin tôn giáo, mà không thành quá khích, không chủ trương độc tôn về tín ngưỡng. Tôn giáo giúp mọi người gần gũi nhau, thiết tha với nhau hơn, nhưng những người hiểu biết vẫn có thể giữ một tinh thần bao dung đối với các tôn giáo khác. Chế độ quá khích, độc tôn hay không là do trình độ dân trí cao hay thấp. Sau khi nước Ba Lan được tự do, thiết lập chế độ dân chủ, các tu sĩ lại trở về đời sống tôn giáo; ngay cả ảnh hưởng của các giáo sĩ trong nền giáo dục cũng không cao hơn thời còn chế độ độc tài, mặc dù giáo dục vốn là phạm vi sở trường của họ từ cả ngàn năm nay. Dân trí Ba Lan đã đủ cao để giữ được tinh thần bao dung, một đặc tính của xã hội dân chủ.
Một người Québec làm bạn vong niên rất thân với tôi (ông hơn tôi vài chục tuổi), cũng là một người suốt đời vận động cho Québec độc lập, là Jacques Langlais, nay đã qua đời. Cái tên của ông cho biết tổ tiên gốc người Anh, xưa kia vì trung thành với Anh hoàng nên họ bỏ Mỹ sang Québec tị nạn, như ông giải thích trong cuốn hồi ký. Ông là một linh mục với tinh thần rất cởi mở, bao dung. Luận án tiến sĩ của ông viết về Phật Giáo. Hồi 1980 ông tích cực giúp tôi trong cuộc vận động đòi bỏ án tử hình cho hai thượng tọa Tuệ Sĩ và Trí Siêu; mà nhờ uy tín của ông mới tổ chức được các cuộc họp báo, mời nhiều người có uy tín tham dự, ký tên vào kiến nghị gửi chính phủ Canada yêu cầu can thiệp. Ông với tôi cùng tham dự việc tổ chức lễ tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Montréal, tại một ngôi giáo đường lớn nhất.
Nói Jacques Langlais có tinh thần bao dung cũng không đủ. Ông sống đức khiêm tốn, bao dung, trong cuộc sống hàng ngày. Hồi còn trẻ, ông có lần đi sang xứ Bengal, lúc đó còn là thuộc địa của Anh. Ông được một người bạn học nhờ đưa quà về cho cha mẹ anh ở một làng xa xôi hẻo lánh; phải đi xe, rồi đi thuyền cả ngày mới tới. Sau mấy ngày sống với gia đình người Bengal này, Langlais thấy ông bố người bạn tỏ vẻ bối rối, rồi nói rằng bà vợ ông rất muốn gặp người bạn ngoại quốc của con trai mình; nhưng phong tục Hồi Giáo không cho phép bà được gặp một người đàn ông lạ. Jacques tỏ ý cũng tiếc, và thông cảm với nỗi khó khăn đó. Tiếp đó, ông bố người bạn lại rụt rè tỏ ý có một cách giúp bà mẹ toại nguyện. Ông cụ xin đưa ra một đề nghị, và nói trước rằng nếu Jacques không đồng ý thì xin bỏ qua. Đề nghị là nếu Langlais nhận ông bà như cha mẹ nuôi thì bà mẹ sẽ được phép gặp đứa con nuôi của mình! Jacques Langlais vui vẻ chấp nhận, không cần suy nghĩ gì cả. Ông kể lại trong hồi ký, cảnh một linh mục Công Giáo tham dự một lễ nhận cha mẹ nuôi, được cử hành hoàn toàn theo nghi thức Hồi Giáo!
Một người có tinh thần cởi mở và bao dung trong tín ngưỡng như vậy, nhưng Jacques Langlais lại là một tiếng nói có uy tín trong phong trào đòi bảo vệ văn hóa Pháp ở Québec, đòi tỉnh này tách khỏi Canada làm một nước độc lập.
Sau khi đã nhìn nhận vai trò tín ngưỡng trong các cuộc cách mạng giành độc lập, chúng ta phải nói rõ thêm, là trường hợp Việt Nam có tính chất riêng. Tôn giáo không thúc đẩy người Việt nổi dậy đòi tự trị như ở Ba Lan, Nam Sudan, Kosovo hay Ái Nhĩ Lan. Trong thời Bắc thuộc, các viên quan cai trị nhà Hán, nhà Đường không cấm dân bản xứ thờ phượng các thần linh cũ. Họ cũng không ép buộc dân bản xứ theo một tôn giáo mới đưa từ Trung Quốc qua. Nguyên nhân chính và quan trọng nhất khiến dân Việt phản kháng là chính sách cai trị hà khắc của quan lại. Họ nổi dậy vì bị bóc lột và bị khinh thường.
Như vậy thì tín ngưỡng đóng vai trò nào trong việc tranh đấu giành độc lập của dân Việt?
Trong một ngàn năm Bắc thuộc, các tín ngưỡng cổ truyền đã giúp bảo tồn một hồn tính dân tộc và nuôi dưỡng niềm tự tin và tự hào về truyền thống tâm linh sẵn có từ lâu đời. Các vị thần thánh mà người Việt quen thờ phượng trước khi người Hán tới, trong hàng ngàn năm, đã dần dần biến thành những vị thần “hộ quốc,” nuôi dưỡng óc đề kháng.
Lại thêm một tôn giáo mới giúp dân Việt thêm tự tin và hãnh diện về trình độ văn hóa của họ, là Phật giáo. Đạo Phật tới nước ta theo đường biển, trước khi vào miền Nam Trung Quốc. Trong một ngàn năm Bắc thuộc đạo Phật đã phát triển về tín ngưỡng, tổ chức và tư tưởng. Dân Việt có thể tự hào họ đã có sẵn một nền văn minh tinh thần, với các quy tắc đầy đủ cho cuộc sống hàng ngày, không thua kém gì hệ thống luân lý Khổng giáo do người Hán mang tới. Không những thế, các chùa chiền còn trở thành môi trường đào tạo lớp người có học trong xã hội Việt Nam; một số người biết chữ sống bên ngoài và biệt lập với hệ thống giáo dục do các quan cai trị người Hán đặt ra. Chính những người này sẽ góp phần lãnh đạo trong các cuộc vận động khởi nghĩa cũng như trong việc quản trị việc quốc gia mỗi lần dân Việt giành được quyền tự chủ.