
Nguyễn Trãi nhắc đến nhà Triệu, từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, làm dẫn chứng lịch sử để xác định: “Duy nước Đại Việt ta đây, thực là một nước văn hiến.” Viết như vậy để nói dân Đại Việt đã có một truyền thống lâu đời ngang hàng với văn minh Trung Quốc: Triệu, Đinh, Lý, Trần sánh với Hán, Đường, Tống, Minh. Người Việt vào thế kỷ 15 đọc Bình Ngô Đại Cáo không ai thắc mắc: Thời nhà Triệu dân mình đã có văn hiến hay chưa? Thời đó, hai chữ “văn hiến” chưa chắc đã được dùng trong tiếng nói của dân mình. Hai chữ này diễn tả tình trạng một xã hội loài người đã tiến bộ, có nếp sống tốt đẹp (văn) và có trật tự, quy củ (hiến). Có bằng chứng nào cho thấy dân Lạc Việt đã sống tốt đẹp và quy củ với nhau hay không?
Nhưng khi nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể xác nhận một điều: Chính sách đồng hóa của người Hán thất bại ở nước ta, vì nước mình thực sự đã có một nền nếp sống riêng biệt và đủ vững mạnh, gọi là văn minh, hoặc văn hiến, trước khi bị quân Hán xâm lăng. Việc đồng hóa chỉ thành công nếu các đế quốc Hán, Đường xóa bỏ được nếp sống cũ của người dân Lạc Việt, biến họ thành người Hoa. Nếu không, người ta vẫn tập nhiễm những điều hay, lạ mới học, nhưng vẫn bảo vệ nền nếp cũ. Nếu dân tộc Việt sau cả ngàn năm vẫn chưa biến mất, thì chắc họ đã có một nếp sống thuần hậu và sâu bền đủ để cưỡng lại sức mạnh đồng hóa của văn minh Trung Hoa.
Một đế quốc phải làm gì, và phải dùng thời gian bao lâu thì mới đồng hóa được đám dân bị xâm chiếm và thống trị? Có người đoán khoảng ba năm, có người nghĩ cần vài chục năm.
Trong Chi Chu Lục, tập 3, viết năm 1943, nhà cách mạng Lý Đông A đã báo động thấy một số người trong chính quyền Trung Hoa lúc đó đề nghị một chính sách thôn tính và đồng hóa các nước láng giềng. Khi đó Quốc Dân Đảng còn cai trị trong lục địa; Tưởng Giới Thạch đang phải đối phó với cuộc xâm lăng của Nhật Bản, và tùy thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ. Nhưng đã có nhiều sĩ quan Quốc Dân Đảng nghĩ tới một kế hoạch thôn tính các nước chung quanh! Lý Đông A có dịp đọc một số tài liệu cho thấy họ chủ trương bành trướng ảnh hưởng trên các nước Đông Nam Á, Việt Nam và Hàn Quốc, với ý định sau cùng sẽ đồng hóa các dân tộc này. Lý Đông A dẫn một câu nêu trong các tài liệu trên, họ nói rằng, “Tam niên dưỡng nhi giáo chi tất giai ngô dân,” nghĩa là, “Sau ba năm nuôi dạy tất họ sẽ thành dân nước ta.”
Nuôi là phát triển kinh tế. Dạy là truyền bá văn hóa. Con số ba năm thì hơi lạc quan! Lối tiên đoán này cũng giống lời nhà thừa sai Paul Franҫois Puginier năm 1863 khi viết thư cho Thống đốc Nam Kỳ Bonard, xin giúp mở các trường dậy tiếng Pháp ở miền Bắc. Puginier hứa hẹn, “Trong 20 năm, không cần ai ép buộc, xứ này (miền Bắc Việt Nam) sẽ được Ki Tô hóa và Pháp hóa.” Một tu sĩ có cái nhìn lịch sử xa hơn các sĩ quan Quốc Dân Đảng, nên cho con số 20 năm nuôi dậy, dài gấp bẩy lần con số ba năm. Nhưng người Pháp cai trị Bắc Kỳ 60 năm, hiện tượng đồng hóa mà Puginier phác họa cũng không thành. Nếu người Pháp không chiếm Việt Nam thì chắc nhiều người Việt vẫn theo đạo Chúa. Nhưng dân Việt thì chắc chắn không biến thành Pháp.
Người Hán theo đúng con đường “nuôi và dậy” đó khi đồng hóa các sắc dân ở phía Nam Trường Giang trong vài ngàn năm. Họ đem tới những khí cụ nông nghiệp mới để khai thác đất đai hữu hiệu hơn, dân bản xứ được “nuôi” như vậy, được no đủ, phải biết ơn người Hán. Nhưng công trình Hán hóa có kết quả chắc chắn và lâu dài là việc “dậy.” Tức là thay đổi văn hóa, phong tục, ngôn ngữ dân địa phương. Xâm chiếm, di dân, truyền bá phong tục tập quán của người Hán, dậy chữ Hán cùng với tư tưởng luân lý, chính trị Khổng Mạnh và áp dụng hệ thống cai trị kiểu Pháp Gia; đó là chính sách bành trướng, đồng hóa, thực hiện liên tục.
Văn minh Lạc Việt
Khi sử gia như Tư Mã Thiên dùng tên gọi Bách Việt lần đầu, tên gọi này chắc đã quen thuộc đối với người Trung Hoa rồi. Bách Việt bao gồm tất cả các nhóm dân cư ở miền Hoa Nam, phía Nam Trường Giang (sông Dương Tử), nói chung họ sống khác lối người Hán. Dần dần nhiều nhóm được định danh riêng rẽ để phân biệt họ với nhau, như dân Việt (viết 粵, ở Quảng Đông), Tây Việt (西越), Âu Việt (毆越, Quảng Tây), Mân Việt (閩越, Phúc Kiến) hoặc Lạc Việt (鵅越, miền Bắc Việt Nam). Cần phân biệt, vì những sắc dân này tuy cùng giống Nam Á, Nam Đảo, pha với Tày Tháinhư nhau nhưng cũng không phải một dân tộc thuần nhất.
Sử gia Lê Mạnh Hùng, trong sách Nhìn Lại Sử Việt (tập I), cho biết trong sử sách Trung Quốc khi họ nói đến “Nam Man” thì từ này chỉ bao gồm cả dân những nước Ngô, Việt và Sở, những vùng phía Bắc địa giới Việt Nam ngày nay. Tên nước Việt (越 của Câu Tiễn) cũng được dùng để chỉ chung các sắc dân phía Nam. Việt nghĩa là “vượt ra ngoài” tầm ảnh hưởng của văn minh Hoa Hạ, theo cách giải thích của Lưu Hy, đời Hán. Lê Mạnh Hùng dẫn Đại Việt Sử Lược (viết khoảng thế kỷ 13) có ghi chuyện Việt Vương Câu Tiễn, vào cuối thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, sau khi phá nước Ngô xong đã sai người sang dụ Hùng Vương thần phục, nhưng bị vua Hùng từ chối. Theo ông, điều đó chứng tỏ dân Lạc không phải là một trong những sắc dân gọi chung là Bách Việt trong sử Trung Hoa.
Theo Lê Thành Khôi, trong Histoire du Việt Nam (Sudestasie, 1981) thì Lạc là tên xưa nhất mà người Trung Hoa dùng để gọi tổ tiên chúng ta. Đám dân sống ở miền châu thổ sông Hồng, sông Mã quá xa xôi, các sử gia đời Hán có lúc cho biết họ thuộc một nước “Việt Thường” nào đó, nói tiếng gì mà dịch qua ba lần mới hiểu. Sau này quen dần mới gọi tên là dân Lạc; một tên gọi có thể gốc từ tên gọi cây Lúa, theo cách phát âm thời đó.
Tên nước Âu Lạc sau này ghép hai sắc dân Tây Âu và Lạc Việt. Theo Lê Mạnh Hùng, sau này các sử gia Trung Hoa ghép Việt cũ của họ với tên Lạc của người mình, gọi dân ta là Lạc Việt; vì thế gây mối hiểu lầm rằng tổ tiên người Việt bây giờ cũng nằm trong nhóm Bách Việt.
Tên Lạc được ghép thành Lạc Việt vào giữa thế kỷ thứ nhất, kết quả của tiếp xúc nhiều với các sắc dân Bách Việt từ miền Nam Trung Quốc đi xuống vùng đất của dân Lạc. Người đầu tiên nhắc đến tên Lạc Việt là Ban Cố, viết trong Hán Thư, Giả Quyên Truyện. Các sử gia Việt Nam sau này gọi tên Lạc Việt cho tiện, không thấy cần phải tra cứu thêm từ nguồn gốc tìm tên khác, mà việc tra cứu này cũng khó thực hiện. Đến thế kỷ thứ tư, thứ năm, sách vở người Hán mới nhắc đến tên Hùng Vương, trong những sách Giao Châu Ngoại Vực Ký, Thủy Kinh Chú, hai cuốn được nhắc đến tên trong Cựu Đường Thư nhưng đã thất truyền. Còn tên nước Văn Lang được nói đến trễ hơn nữa, lần đầu trong sách Thông Điển của Đỗ Hựu, vào thế kỷ thứ tám.
Vào đầu thời Hán thuộc, dân Lạc Việt bị chiếm đóng nhưng vẫn được cai trị một cách lỏng lẻo, không chặt chẽ như những sắc dân khác trong vùng Hoa Nam. Chỉ từ thời Mã Viện, giữa thế kỷ thứ nhất, tổ tiên chúng ta mới được gom chung với các nhóm dân phía Bắc, đặt dưới cùng một hệ thống cai trị. Vì Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, rồi đời nhà Lý rút lại còn Đại Việt, cho nên chữ Việt mới dính liền với tên gọi dân tộc Việt Nam. Những đám dân Bách Việt khác đã Hán hóa không dùng tên gọi đó nữa; chỉ còn vùng Quảng Đông vẫn lưu luyến với tên Việt (viết cách khác, 粵). Nếu quốc hiệu Đại Nam đời Minh Mạng được tiếp tục dùng thì chắc bây giờ chúng ta sẽ chỉ tự xưng mình là dân Nam, người Nam, chứ không tự gọi mình là người Việt!
Sử sách Trung Quốc ghi chép nhiều về các công trình “khai hóa” của đám “quan cai trị” tại Giao Chỉ, nhằm đề cao văn minh Hán tộc, chắc do chính các viên quan này báo cáo. Một chi tiết được họ nhấn mạnh là việc truyền bá các kỹ thuật mới trong nghề nông, giúp dân bản xứ đầy đủ thực phẩm. Điều này tương tự như họ đã làm ở miền Nam Trung Quốc. Tại nước ta, sách sử Trung Hoa ghi công của Nhâm Diên. Khi làm thái thú quận Cửu Chân (năm 29 đến 33) phía Bắc Trung Việt bây giờ, thấy dân còn canh tác theo lối đốt rừng, làm rẫy, thường phải đi mua thóc gạo từ quận Giao Chỉ, Nhâm Diên đã dậy họ dùng cày bừa bằng sắt, dùng trâu bò kéo cày. Đó là những phát minh kỹ thuật đã xuất hiện từ mấy thế kỷ trước ở Trung Quốc. Người đời sau căn cứ vào đó để nói đến ơn “khai hóa” của ông.
Nhưng chúng ta biết trình độ nông nghiệp của dân Lạc Việt không chắc đã chậm tiến quá đáng đến mức phải học “làm ruộng” với các quan người Hán. Thời Triệu Đà, nước Nam Việt đã nhập cảng cày bừa bằng sắt, có lúc bị Lã Hậu “cấm vận.” Cây lúa được trồng trong vùng Đông Nam Á trước khi người Trung Hoa biết đến. Một cuốn sách đời Đông Hán đã ghi: “Giao Chỉ trồng lúa mỗi năm hai mùa.” Một sách khác, Văn Tuyển, viết “Một năm tám lứa kén tằm đến từ Giao Chỉ.” Thời Sĩ Nhiếp, mỗi năm cống tiến Ngô Tôn Quyền “vải mỏng thường tới số hàng ngàn.” Nếu kinh tế Giao Chỉ chậm tiến thì làm sao có nhiều của cải để cống tiến, khiến các vua quan phương Bắc nhòm ngó mãi?
Trong các di chỉ Đông Sơn ta thấy người Lạc Việt đã bắt đầu dùng lưỡi cày bằng đồng thay vì bằng đá, đã dùng cả những lưỡi hái làm bằng đồng, được tìm thấy trong các công trình khảo cổ. Tiếng cày trong ngôn ngữ Việt Nam cũng giống như trong tiếng Mường (càl), có gốc từ tiếng gal. Người sắc tộc Khờ Ho ở Trường Sơn gọi cầy là ngal, người Khmer gọi là angal, tất cả liên hệ tới gốc tiếng Phạn (Sanskrit) là langala. Căn cứ vào những tên gọi đó, sử gia Lê Thành Khôi xác định không phải người Hán đã đưa các dụng cụ nông nghiệp qua dạy dân mình; người Việt đã biết dùng cày bừa từ lâu trước khi đất nước bị chiếm đóng.
Trong bảy, tám thế kỷ thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, nghề đúc đồ đồng đã phát triển trong địa giới nước ta, từ miền Bắc Trung phần lên tới biên giới Hoa Việt, dấu tích còn thấy trên những trống đồng đào được ở Đông Sơn, Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa. Văn hóa Đông Sơn bao gồm nhiều địa điểm đã đào được các di chỉ thời văn minh đồ đồng, đồ sắt, cùng một thời gian. Các địa điểm này rải rác khắp vùng Đông Nam Á, từ Đông Sơn, Thanh Hóa đến Non Nok Tha, Thái Lan, Ban Chiang, Ban Ang ở Lào, qua Gua Cha, Kuala Selinsing ở Mã Lai Á. Trong cùng thời gian này, đồ đồng cũng được chế tạo trên các đảo thuộc Indonesia bây giờ. Người ta sản xuất những con dao và lưỡi rìu bằng đồng, đặc biệt là trống đồng. Các khối dân trong vùng Đông Nam Á đã tiến bộ theo cùng nhịp với nhau trước khi người Hán xuống nước ta.
Phân tích các di vật bằng đồng thì thấy những người thợ đã rút kinh nghiệm tìm ra được tỷ lệ hợp kim đồng, thiếc và chì tốt nhất để chế ra thứ đồng dễ khắc, các nét vẽ (hoa văn) rõ và bền. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm ra nhiều lò luyện sắt đã được sử dụng trong thời kỳ Đông Sơn, trước thế kỷ thứ nhất khi nhà Hán bắt đầu trực tiếp cai trị. Coi kỹ những rỉ sắt và những mảnh tường lò nung còn lại, người ta thấy các lò sắt này chịu được nhiệt độ lên tới 1,300 hay 1,400 độ. Công nhân thời đó đã biết phương pháp dùng than để đốt dần dần khí ốc xy nằm trong quặng mỏ sắt.
Trong tập san Khảo Cổ Học, những năm 1974, 76, nhà khảo cổ Bùi Huy Hồng đã tìm trong các hình họa trên mặt trống đồng Hoàng Hạ, ông thấy dấu vết của một thứ lịch ngày tháng dựa theo tuần trăng. Có dấu hiệu người Việt thời đó đã biết dùng “com pa” khi vẽ hình tròn và biết cách chia một vòng tròn làm sáu phần bằng nhau, mỗi cung tương đương với một bán kính. Nếu không tự phát kiến ra môn hình học, những nghệ nhân thời đó không thể vẽ ra các kiểu hoa văn như vậy. Với trình độ suy nghĩ các vấn đề trừu tượng khá xa như vậy, không thể nói rằng dân Giao Chỉ còn sống trong tình trạng man dã. Những trống đồng được nhiều nhà khảo cổ ngoại quốc và Việt Nam đồng ý về công dụng là đóng vai trò làm biểu tượng cho uy quyền của vua hoặc các tộc trưởng (lạc hầu, lạc tướng). Nghĩa là dân Việt thời đó đã thiết lập được một hình thức tổ chức chính quyền, dù tổ chức vẫn còn thô sơ.
Nền nếp văn minh đủ vững chắc
Đầu kỷ nguyên Tây lịch, trước cuộc chinh phục của Mã Viện, vua nhà Hán mất ngôi vì Vương Mãng tiếm quyền, chờ 20 năm cho đến năm 29 thì nhà Hán mới tái lập. Trong thời gian loạn lạc đó nhiều nho sĩ chạy sang Giao Chỉ, họ góp phần gây ảnh hưởng văn minh phương Bắc trên người địa phương, giúp các quan lại trong việc dạy chữ Hán và Nho giáo, “giáo hóa” người bản xứ.
Tích Quang, thái thú Giao Chỉ từ năm thứ nhất đến năm 25 Công Nguyên, được sử nhà Hán ghi đã cải tổ tục lệ hôn nhân của người Lạc Việt. Nhâm Diên cũng được kể công trạng “lập trường học, giảng đạo Lễ Nghĩa” cho dân Giao Chỉ, Cửu Chân (Kiến lập học hiểu, đạo chi Lễ Nghĩa; 建 立 學 校; 導 之 禮 義). Sử chép hai ông này còn dậy cho nhiều di dân gốc từ phía Bắc sống tại phương Nam; sống lâu ngày đã “quên mất lễ nghĩa.” Sự kiện “giáo hóa lại” này chứng tỏ nhiều di dân xuất phát từ các miền phía Nam Trường Giang, từ vùng Phúc Kiến, Lưỡng Quảng chạy xuống đất Giao Chỉ, họ đã bị Hán hóa rồi nhưng lại tập theo lối sống của người Việt. Đời sống của tổ tiên họ thực ra gần gũi với dân Lạc Việt chứ không giống người Hán phương Bắc. Dù khi đi theo các đạo quân người Hán; khi sang ở nước ta họ đã bị Hán hóa rồi, sau một thời gian chính họ lại theo các phong tục địa phương. Có thể chỉ là trở về với lối sống của tổ tiên họ trước khi bị người Hán đô hộ. Thời nay chúng ta cũng chứng kiến nhiều người Hoa sinh sống ở Việt Nam sau vài ba đời đã biến thành người Việt một cách tự nhiên, dễ dàng nhận đất mới là quê hương. Trước đây vài ngàn năm chắc nhiều người Hoa cũng đồng hóa thành người Việt nhanh như vậy. Nhất là thời đó chưa có một nước hay một dân tộc Trung Hoa; chỉ gồm tập họp các sắc dân phức tạp dưới quyền một ông hoàng đế. Đối với người dân Tiều, dân Mân thì vua quan nhà Đường cũng chẳng phải là “đồng bào” của họ. Nếu những di dân phương Bắc tới sống rồi học lối sống theo của Lạc Việt, khiến các ông Tích Quang, Nhâm Diên phải “cải tạo” lại, thì chắc trình độ văn minh của người bản xứ phải khá cao rồi, đủ tươi đẹp và quy củ để lôi cuốn người từ xa tới.
Khi sử nhà Hán chê Triệu Đà học sống theo lối người miền Nam thì chắc trong các đạo quân ông mang theo nhiều người cũng thay đổi như ông. Có thể chỉ vì sống theo lối địa phương mới phù hợp với đất đai, khí hậu. Nhưng chắc chắn lối sống đó không thể coi là “man rợ.” Triệu Đà gốc người Chân Định, tỉnh Hà Bắc. Ông ở trong đám 500,000 quân viễn chinh của nhà Tần xuống tiếp viện cho Đồ Thư. Ông được trao quyền làm quan Úy quận Nam Hải lúc nhà Tần đang sụp đổ; sau chiếm lấy cả hai quận khác, lập nước Nam Việt, năm 206 thì tự xưng hoàng đế. Mười năm sau, 196 trước Công Nguyên, sứ thần nhà Hán là Lục Giả (陸賈) xuống gặp Triệu Đà để thuyết phục ông ta bỏ đế hiệu, chịu nhận tước vương nhà Hán sắc phong. Sống lâu năm ở vùng Quảng Đông nhiều năm, Triệu Đà theo nhiều tập quán địa phương, cho nên đã bị sứ giả nhà Hán chê.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, một điều Lục Giả chỉ trích Triệu Đà vì ông ta đã bỏ không đội mũ có giải như lễ nghi của triều đình phương Bắc. Có lẽ khi sứ giả tới thì đang mùa nóng chẳng ai muốn đội mũ. Nhưng Triệu Đà không đội mũ trong lúc tiếp kiến đại quan triều đình tức là bất chấp cả lễ nghi. Ông đã đồng hóa theo lối sống phương Nam phóng khoáng rồi. Triệu Đà sau hơn 20 năm sống với dân địa phương, còn tập theo nhiều thói quen của họ như búi tóc trên đầu, ngồi xổm khi tiếp khách.
Trong ngôi mộ người cháu nội kế vị ông là Triệu Hồ, mới đào lên vào năm 1982, người ta thấy nhiều nét trang trí trên những món đồ được chôn theo (tùy táng) giống như mẫu vẽ trên trống đồng ở nước ta. Nhưng trong mộ không thấy còn một chữ Hán nào ngoài miếng ngọc khắc bốn chữ Văn Đế Hành Tỷ. Chữ Đế cho thấy Triệu Hồ vẫn xưng là hoàng đế, mặc dù bên ngoài giả bộ nhận tước vương. Năm 2012 Trung Quốc đem triển lãm nhiều món đồ tùy táng tối cổ, tại Viện Bảo Tàng Fitzwilliam bên Anh. Một nửa các vật trưng bày lấy từ mộ các vương hầu vùng nước Chu, tức là nước của các thiên tử rất sang và quý. Còn một nửa lấy từ ngôi mộ của Triệu Văn Đế, hiện nay là một viện bảo tàng tại thành phố Quảng Châu. Bảo vật trưng bày được chú ý nhất là bộ đồ tẩm liệm giác toàn bằng ngọc, che phủ toàn thân. Bộ đồ ngọc này cho thấy kinh tế Nam Việt phong phú, lại chứng tỏ trình độ mỹ thuật và khả năng kỹ thuật đã tiến rất xa, không thua gì người miền Bắc. Nếu ở Quảng Châu đã có những thợ khéo như vậy, thì chắc hẳn những công nhân mỹ thuật ở đất Âu Lạc cũ cũng không thua.
Triệu Đà đã sai quân đi đánh chiếm miền Bắc và Bắc Trung phần Việt Nam, chia ra hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, cho lính đồn trú và đặt người thu thuế (cống phẩm). Sử chỉ nói đến hai viên quan đến trình diện để công nhận chính quyền mới. Nhưng một trăm nau sau khi chiếm nước Nam Việt, sử nhà Hán lại ghi chép nhiều quyết định nhằm “khai hóa,” dậy người Lạc Việt lối sống mới.
Vì thế, họ mô tả trình độ người dân Lạc Việt còn rất “man rợ, cần phải được “cải tạo.” Hậu Hán Thư, quyển 83, “Nam Man Tây Nam Di liệt truyện,” tả lối sống dân Man (Mọi) ở Giao Chỉ như sau: “Người sống như cầm thú, người trên kẻ dưới không phân biệt; búi tóc ra sau cổ, chùm vải lên đầu lấy làm đẹp đẽ;” (Nhân như cầm thú, trưởng ấu vô biệt, hạng kế đồ, dĩ bố quán đầu nhi trước chi; 人如禽獸,長幼無別. 項髻徒,以布貫頭而 著之). Họ chú ý đến sự khác biệt trong quần áo, tóc tai, là những biểu hiện bên ngoài làm nổi bật sự khác biệt giữa người Lạc Việt và người Hán. Nhưng khác nhau như vậy có thể gọi là một bên văn minh, một bên man rợ, cần thay đổi hay không? Vào thế kỷ 15, khi nhà Minh sang nước Nam họ lại bắt dân chúng cắt bỏ cái búi tóc, nhưng cũng không thành công! Đến thế kỷ 20 người Việt vẫn còn búi tó, chưa chịu bỏ; các nhà Nho đều búi tó, bên ngoài đội “khăn xếp.” Báo Phong Hóa còn đem cái búi tó của cụ Nguyễn Văn Tố ra chế nhạo, không biết rằng từ thời Lê Lợi đến Quang Trung, cái “búi tó” này vẫn tượng trưng cho tinh thần đề kháng, bảo vệ nếp sống cổ truyền của dân Việt!
Đọc đoạn trên trong Hậu Hán Thư, ngoài những nhận xét về đầu tóc, y phục không theo lối Hán họ còn nói trong xã hội miền Nam “trưởng ấu” không phân biệt. Ý nói người Giao Chỉ không phân biệt vai trò của Cha và Con theo luân lý người Hán. Có thể suy ra rằng nếp sống dân Lạc Việt thời đó, cũng như nhiều sắc dân miền Nam Trung Quốc, chắc còn nhiều tập tục do chế độ mẫu hệ để lại; người đàn bà đóng vai chính trong gia đình, khác quan niệm của người Hán. Cho nên, một cố gắng quan trọng nhất nhằm thay đổi phong tục dân bị trị là cải cách hôn phối, áp đặt và củng cố chế độ phụ hệ, đề cao uy quyền của gia trưởng theo tư tưởng Nho Giáo, hạ thấp vai trò của phụ nữ trong xã hội. Công việc cải cách này, ngay ở vùng Phúc Kiến đến đời Tống vẫn làm chưa xong, như ta thấy trong chuyện Chu Hi, khi ông đến trấn nhậm vào thế kỷ 12 phải ra lệnh thi hành nghiêm chỉnh hơn.
Cải tổ hôn phối
Mở đầu công tác “phụ hệ hóa,” các quan lại người Hán bắt dân “Man” theo tục lệ mới về hôn nhân. Hậu Hán Thư kể Tích Quang ở Giao Chỉ và Nhâm Diên ở Cửu Chân, ngoài việc dậy dân cầy cấy, chế ra mũ, dép, còn “giảng dậy việc mai mối con gái (môi phinh); (nhờ thế) lần đầu dân địa phương biết tục lệ cưới gả và biết nhà trai;” (sơ thiết môi phinh, thủy tri nhân thú; 初設媒娉 始知姻娶). Nhờ cuộc cải cách phong tục này, “Lần đầu dân ở Giao Chỉ biết bên nhà trai – tức gia đình người bố – là ai,” (thủy tri nhân, 始知姻). Các quan nhà Hán đã chê nhiều người dân Lạc không biết đến giòng họ cha đẻ mình. Hiển nhiên, họ “kém văn minh” vì vẫn còn để phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Theo Nguyễn Duy Chính giải thích, có thể hiểu câu này là “sơ khởi đặt ra việc làm mối, hỏi vợ, từ đó mới có việc lấy nhau qua môi giới.” Có lẽ trước cuộc cải tạo này, dân Việt ai thích nhau là kết đôi, không cần người làm mai. Thay đổi phong tục, các quan Tàu cũng đặt ra thêm một nghi lễ nữa trong việc hôn nhân. Khi các quan Tàu tự nhận đã “dạy dân lễ nghĩa,” họ chỉ bày vẽ thêm hình thức phức tạp cho dân bản xứ theo, cho giống tục lệ người Hán.
Những cuộc cải cách ở Giao Châu kết quả ra sao? Trong Tam Quốc Chí (cuốn sử, không phải bộ tiểu thuyết tên Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa) nhắc lại lời tường thuật của một viên quan ở Giao Chỉ là Tiết Tổng. Ông ta đã làm việc ở nước ta khi thuộc vùng ảnh hưởng của nước Ngô, dưới quyền Sĩ Nhiếp. Tiết Tổng sau được về làm quan ở Hợp Phố, thuộc Quảng Tây, Quảng Đông bây giờ. Năm 231, Tiết Tổng dâng sớ lên Tôn Quyền trình bày việc “giáo hóa” dân miền Nam không có kết quả nào hết. Vì họ theo phong tục khác nhau, nói tiếng khác nhau, quan cai trị muốn thông tin phải dịch qua nhiều người dân mới hiểu được. Tiết Tổng nhắc lại các công trình “giáo hóa” của Tích Quang và Nhâm Diên đời trước, và than thở: “Theo sách ghi chép lại thì việc giáo hóa đã thi hành bốn trăm năm nay rồi, nhưng theo sự quan sát của tôi từ lúc đến làm quan và đi đây đi đó thì thực tế khác hẳn.” Tiết Tổng kể ra nhiều thí dụ: “Tại Châu Nhai, (đảo Hải Nam) cứ đến tháng Tám thì các tộc trưởng cho mọi người ra đồng tụ họp, trai gái tìm nhau kết làm vợ chồng, cha mẹ không ngăn cản được. Tại huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ và Đô Long ở quận Cửu Chân, phong tục cho phép người em trai lấy người chị dâu khi anh chết, bao đời trước họ đã theo tục lệ đó rồi, các quan cũng đành chịu cho họ theo, không ngăn cản được. Ở quận Nhật Nam, đàn ông đàn bà lõa thể mà không biết xấu hổ.” Bản sớ trên nêu cao tấm gương của Nhâm Diên đời trước, đề nghị các quan lại phải làm nhiệm vụ chỉnh đốn phong tục.
Keith Taylor, trong The Birth of Vietnam, nhận xét rằng tục lệ người đàn bà góa lấy anh hoặc em trai chồng khi chồng chết (Lerivate) cũng tương tự như tục lệ người đàn ông góa được phép lấy chị hoặc em gái vợ (Sororate); cả hai phong tục đó được áp dụng trong nhiều sắc dân trên thế giới. Đó là những biến thái của phong tục đa phu (mẫu hệ) hoặc đa thê (phụ hệ). Điều mà Tiết Tổng nêu ra để chỉ trích có thể chứng tỏ chế độ mẫu hệ vẫn còn thông dụng tại Giao Chỉ và Cửu Chân nước ta trong mấy thế kỷ đầu Tây Lịch.
Nhưng câu chuyện kể trên cũng cho thấy phong tục ở các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và đảo Hải Nam vẫn chưa bị Hán hóa, sau khi đã bị người Hán chiếm đóng hơn 400 năm, và trực tiếp cai trị hơn hai trăm năm sau thời Mã Viện. Dân Lạc Việt khó thay đổi? Hay là những công phu “giáo hóa” của các ông quan được sử Hán ca tụng thật ra chỉ dựa trên lời của chính các vị quan có tài viết báo cáo?
Nhâm Diên được ca ngợi về công trình giáo hóa phương Nam với việc lập “văn phòng se duyên” cho dân bản xứ. Ông còn ra lệnh cho các thuộc lại góp tiền để giúp dân làm đám cưới; một điều rất khó tin là có thật nhưng sử còn nói rõ trong “đợt cải tạo” này có đến “hai ngàn người kết hôn.” Với việc cải tổ hôn nhân, chế độ phụ hệ và “độc phu, độc thê” được thiết lập. Từ đó trở đi, sử Trung Hoa ghi chép, “người (đàn ông) phương Nam mới biết rõ đứa trẻ nào là con mình.” Hậu Hán Thư kể rằng dân chúng Cửu Chân biết ơn công đức Nhâm Diên, nhiều người đặt tên con là Nhâm, chắc đám trẻ này do đám 2000 người được lãnh trợ cấp đám cưới sinh ra.
Ông thầy của Tiết Tổng là Lưu Hy cũng làm việc dưới quyền Sĩ Nhiếp, sống ở nước ta hơn mười năm. Ông coi dân Giao Chỉ là “man rợ” không thể nào sửa được, đặc biệt là đàn bà con gái quá phóng túng; đến nỗi ông than rằng chỉ mong tìm đường sớm trở về phương Bắc mà thôi. Lưu Hy có óc quan sát kỹ. Sau khi về Tàu ông viết cuốn sách tựa là “Thích Danh,” (Giải nghĩa về Danh), trong phần bàn về trang phục phụ nữ, ông nói rằng tục lệ đeo hoa tai bắt nguồn từ đàn bà thuộc các giống dân “man di” ở phương Nam. Ông kể rằng những phụ nữ ở phương Nam quen “sống lang chạ bừa bãi, cho nên họ phải đeo các thứ lục lạc vào tai; chúng kêu leng keng, khiến họ phải ở trong nhà không dám ra đường. Bây giờ tại Trung Nguyên người ta cũng bắt chước thói đó.” Các bà các cô ngày nay thích đeo nhiều nữ trang nếu đọc nhận xét của Lưu Hy chắc phải nghiến răng. Ông cho nguồn gốc tục đeo hoa tai là các ông chồng đặt ra để bảo vệ tiết hạnh các bà vợ. Bà nào đêm thức dậy mà ra khỏi chỗ nằm, hoa tai kêu leng keng thì chồng biết ngay. Không biết lối giải thích này có đúng như vậy hay không. Nhưng tình trạng các phụ nữ Trung Hoa tập theo “mốt” đàn bà Giao Chỉ chắc có thật; vì dân ở phía Nam đã dùng đồ đồng trước và nhiều hơn người phương Bắc. Chắc họ phải sản xuất ra nhiều tay thợ khéo hơn. Phụ nữ phương Nam cũng quen nếp sống tự do, phóng khoáng, chắc họ cũng sáng chế ra nhiều loại “hoa tai” đẹp hơn. Lưu Hy không giải thích tại sao sau khi những cái hoa tai sang đến Trung Nguyên thì ngày càng nhỏ đi. Có phải vì các bà bên đó không muốn tiếng kêu leng keng làm mất giấc ngủ của chồng chăng?
Tất nhiên, sử gia người Hán viết theo quan điểm của những người cai trị; thường họ phải dựa trên báo cáo hay hồi ký của các quan cai trị mà biết các sự kiện và biến cố đã xẩy ra. Mức độ khả tín của các báo cáo và hồi ký đó không cao lắm. Muốn kể công trạng khai hóa của mình, thế nào các quan đô hộ cũng phải hạ thấp trình độ văn minh của dân bản xứ. Các bản báo cáo như thế chắc được giới lãnh đạo trong triều đình ủng hộ và cổ võ, bởi vì họ có thể vin vào đó tuyên dương chính sách giáo hóa của thiên triều. Mục đích sau cùng là đồng hóa dân Việt để việc cai trị có thể kéo dài mãi mãi, một cách dễ dàng hơn. Nhưng cuối cùng họ vẫn thất bại, vì giống dân này mạnh hơn họ tưởng.
__________________________________________