
Hình minh hoạ (Làng Mai)
(Tham luận của Tâm Huy Huỳnh Kim Quang nhân Ðại Hội Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ vào thượng tuần tháng 4 name 2004 tại chùa Diệu Pháp, thành phố San Gabriel, California, Hoa Kỳ)
Kính thưa quý anh chị em Gia Ðình Phật Tử,
Ngay từ những ngày đầu có mặt, cách nay trên sáu mươi năm, Gia Ðình Phật Hóa Phổ rồi đến Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã thể hiện rõ tâm nguyện muốn đem đạo Phật vào sinh hoạt của từng cá nhân, vào nếp sống gia đình, và qua đó, đem đạo Phật vào xã hội. Ðây có thể nói là phương cách truyền bá Chánh pháp không những mang tính sáng tạo, tính thời đại, mà còn đem lại những thành tựu cụ thể và to lớn trên bình diện xã hội.
Cũng ngay từ bước đầu ấy, những nhà sáng lập Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã xác định hai vấn đề trọng yếu, đó là đối tượng và phương pháp Phật hóa gia đình. Về đối tượng thì nhắm đến tuổi trẻ và phương pháp là giáo dục trong tinh thần của đạo Phật. Sở dĩ chọn tuổi trẻ vì hai lý do: Thứ nhất, tuổi trẻ là giai kỳ tốt nhất và cần nhất cho sự huân tập và nuôi dưỡng. Thứ hai, tuổi trẻ là mầm non của tương lai, là yếu tố chủ chốt cho sự phát triển, là thế hệ kế thừa và gánh vác trọng trách mai hậu. Phương thức quan trọng nhất để đạt đến kết quả toàn hảo trong việc huân tập, nuôi dưỡng và phát triển tuổi trẻ không gì hơn là giáo dục. Qua giáo dục bằng Chánh pháp, con người có thể được chuyển hóa ba nghiệp thân, miệng và ý để giải khổ những nghiệp bất thiện hầu hướng đến mục đích giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt lại một cách nghiêm túc vấn đề này, đó là bằng cách nào để ứng dụng phương thức giáo dục trong tinh thần Chánh pháp đối với tuổi trẻ Gia Ðình Phật Tử Việt Nam để đạt đến thành tựu mỹ mãn nhất?
Ý nghĩa giáo dục:
Ðể trả lời cho câu hỏi trên, trước hết chúng ta phải hiểu nội dung của giáo dục và giáo dục theo tinh thần của Chánh pháp là gì. Vậy giáo dục là gì? Dục là nuôi dưỡng, chăm sóc làm cho khôn lớn, làm cho trưởng thành, làm cho phát triển, làm cho siêu việt cả hai mặt tinh thần và thể chất. Giáo là dạy dỗ, là hướng dẫn, là chỉ bày, là khai thị bằng cả thân, khẩu và ý. Khẩu giáo là dùng lời lẽ để dạy dỗ. Thân giáo là dùng nghi biểu của thân hành để dạy dỗ. Ý giáo là đem tâm nguyện, đem tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục con em, vận dụng hết khả năng để hoàn thành mục tiêu cao cả. Như vậy giáo dục tuổi trẻ tức là lấy sự dạy dỗ, sự khai thị băèng cả thân, khẩu và ý giáo như là chất liệu để nuôi dưỡng tuổi trẻ, làm cho tuổi trẻ trưởng thành, làm cho con em nên người.
Ðó là ý nghĩa của giáo dục bình thường, còn giáo dục theo tinh thần của Chánh pháp là gì? Là dạy dỗ, nuôi dưỡng tuổi trẻ bằng Chánh pháp của đức Phật. Nhờ thấm nhuận Chánh pháp mà tuổi trẻ trưởng thành, mở tâm và trí để phát huy diệu lực của từ bi và trí tuệ hầu thành tựu mục tiêu giác ngộ và giải thoát cho tự thân và muôn loại chúng sinh.
Những yếu tố căn bản:
Ðể hoàn thành mục đích của giáo dục tuổi trẻ Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, chúng ta cần quan tâm và đáp ứng một số những thành tố quan yếu sau đây:
Thứ nhất, Chánh pháp là pháp môn khai thị sự liễu ngộ và thân chứng, không phải là hệ thống lý thuyết thuần lý mang tính hý luận. Liễu ngộ là giác ngộ bản thể của vạn pháp. Thân chứng là tự thân tu tập để chứng nhập vào cảnh giới thánh trí tự chứng của chư Phật, hay là tri kiến Phật. Như vậy, Chánh pháp là con đường diệt khổ và chứng đắc Niết bàn. Muốn diệt khổ và chứng Niết bàn thì phải vận dụng đến trí tuệ Bát nhã. Ngoài con đường khai mở trí tuệ để giác ngộ bản chất các pháp ra không còn con đường nào khác để diệt khổ và dẫn đến Niết bàn được. Cho nên, nội dung của Chánh pháp cũng là nội dung của trí tuệ giác ngộ. Trong ý nghĩa đó, giáo dục bằng Chánh pháp tức là chỉ bày, dạy dỗ cho tuổi trẻ hưng phát và thành tựu trí tuệ giác ngộ để lấy đó làm chất liệu nuôi dưỡng và trưởng thành cho con em. Trí tuệ giác ngộ không phải là tri thức thường nghiệm bị điều động bởi vô minh và các phiền não như tham, sân và si chỉ biết phục tùng theo bản tánh điên đảo của chúng sinh. Trí tuệ giác ngộ là nhận thức quán triệt đối với thực thể của tất cả mọi hiện tượng có khả tính vượt lên trên những trói buộc và tận diệt khổ đau.
Thứ hai, tuy nhiên, vấn đề khó khăn là giáo dục Chánh pháp bằng cách nào để tuổi trẻ có thể phát triển được trí tuệ giác ngộ? Thật ra chúng ta đã có được phân nửa câu trả lời cho câu hỏi này rồi. Phân nửa ấy chính là bản thân Chánh pháp đã là những lời dạy, những chỉ dẫn, những khai thị cho trí tuệ giác ngộ. Phân nửa còn lại của câu trả lời là phương thức mà nhà giáo dục sử dụng để giúp tuổi trẻ tự khai phá ra nguyên lý, tự thẩm thấu vào nội dung Chánh pháp. Ở đây chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến hai điểm: Thứ nhất, bản thân Chánh pháp là những khai thị cho trí tuệ giác ngộ. Thứ hai, phương thức giúp tuổi trẻ tự khai phá ra chân lý, tự thẩm thấu vào Chánh pháp. Về điểm thứ nhất, tự thân Chánh pháp là những khai thị cho trí tuệ giác ngộ. Không có bất cứ một điều gì trong Chánh pháp, hay một lời dạy nào của đức Phật, mà không là khai thị cho trí tuệ giác ngộ. Chẳng hạn, đức Phật dạy về giáo lý vô thường. Vô thường, như vậy, không phải là một phạm trù tư tưởng hay triết lýchỉ để suy tư theo chiều vọng niệm của tri thức thường nghiệm, cũng không phải là một chủ đề giáo dục thuần túy để bắt các học sinh phải học thuộc lòng, phải viết các bài luận văn. Vô thường là một khai thị về thực thể của các pháp, rằng tự thân các pháp thì không bất động, không thường hằng, mà luôn luôn biến dịch, thay đổi, chuyển vận, bất an, khổ não. Nhưng vấn đề không phải chỉ biết một cách từ chương, máy móc như vậy là đủ để thẩm thấu Chánh pháp. Vấn đề là đối với tất cả pháp chúng ta có thể thâm nhập vào ý nghĩa vô thường bằng chính kinh nghiệm thực chứng của bản thân chúng ta. Ðiều này có nghĩa là đối với ý nghĩa vô thường, chúng ta không phải chỉ hiểu biết suông mà còn có quá trình tư duy, tâm đắc, nghiệm chứng qua cuộc sống hằng ngày nữa. Ðây chính là một phần trong điểm thứ hai ở trên mà chúng ta muốn lưu ý. Tức là muốn thẩm thấu Chánh pháp thì cần phải có thực nghiệm, thực nghiệm bằng quán chiếu hay thực nghiệm bằng thân chứng trong quá trình cuộc sống. Ðến đây, vấn đề này được đặt ra là nhà giáo dục giúp tuổi trẻ như thế nào để các em có thể tự mình triển khai trí tuệ giác ngộ? Ðiều vô cùng quan trọng cần nhấn mạnh ở đây trước tiên đó là trí tuệ thì không bao giờ bị đóng khung, bị trói buộc, bị thành kiến, bị định kiến. Bởi vì chỉ có một tâm thức, một kiến giải siêu việt lên trên tất cả mọi trói buộc và ở trạng thái bén nhạy, minh mẫn phi thường thì mới là trí tuệ giác ngộ, trí tuệ thể nhập vào tận nguồn cội của các pháp. Chính vì vậy, nhà giáo dục tuổi trẻ giúp con em không để chúng bị đóng khung, bị định kiến, bị thành kiến, bị trói buộc trong bất cứ quan điểm nào, hệ thống tư tưởng hay giáo dục nào. Giúp con em mở tâm và trí ra đối với tất cả mọi hiện tượng, mọi hoàn cảnh. Ðây chính là vai trò trọng đại và khó khăn nhất của nhà giáo dục, hơn nữa là nhà giáo dục Chánh pháp.
Thứ ba, chính vì giáo dục bằng Chánh pháp, cho nên, người đảm trách việc giáo dục tuổi trẻ phải là người hiểu biết thấu triệt và có kinh nghiệm thân chứng đối với Chánh pháp của chư Phật. Nhà giáo dục Chánh pháp cho tuổi trẻ nếu không có một số hiểu biết căn bản và những thực nghiệm đối với Chánh pháp thì không thể làm tròn được trọng trách là người hướng đạo, là vị thầy khai thị trí tuệ giác ngộ cho con em. Và như vậy thì nhà giáo dục Chánh pháp cho tuổi trẻ chỉ là người rao giảng chữ nghĩa một cách máy móc, không thể mang lại chất liệu Chánh pháp thật sự để nuôi dưỡng thanh thiếu nhi. Chính vì thế, chúng ta cần phải đào luyện thật kỹ không chỉ về mặt kiến giải mà còn về mặt tâm đắc đối với Chánh pháp cho những Huynh trưởng đảm nhận trách nhiệm là nhà giáo dục tuổi trẻ. Xin đừng quên rằng những Huynh trưởng làm phận sự giáo dục là những người đang thay thế vai trò hóa đạo của chư Phật, của quý Thầy để dạy dỗ, chuyển hóa các em, cho nên, phải đặc biệt và nghiêm túc quan tâm đến vai trò và khả năng của những Huynh trưởng làm giáo dục.
Thứ tư, nhà giáo dục tuổi trẻ bằng Chánh pháp cần phải cẩn trọng đối với phương pháp giáo dục cho từng lớp tuổi của các em. Chẳng hạn, phương pháp giáo dục và tâm lý hành xử của nhà giáo dục phải khác biệt và thích ứng với từng lớp tuổi của các em thuộc ngành oanh vũ, thiếu niên và thanh niên. Ở đây, nhà giáo dục, trước hết, cần phải được hướng dẫn về tâm lý giáo dục tuổi trẻ. Việc này có thể thực hiện bằng những lớp tu nghiệp tâm lý giáo dục, hoặc bằng những buổi hội thảo tổng quan về tâm lý giáo dục tại các đơn vị do những vị có thẩm quyền về lãnh vực tâm lý giáo dục phụ trách. Những Huynh trưởng làm công tác giáo dục tuổi trẻ cần phải hiểu tâm lý của các em theo từng giai kỳ phát triển của tâm-sinh lý để có thể không những giúp các em về mặt kiến thức Phật pháp mà còn về mặt phát triển toàn vẹn của một con người. Giáo dục trong nội dung Chánh pháp tức là mở bày trí tuệ giác ngộ cho tuổi trẻ. Ðiều này không có nghĩa là thả lỏng cho các em tự buông lung trong tâm thức vọng niệm của một chúng sinh, mà có nghĩa là nhà giáo dục đóng vai trò hướng dẫn, khai thị và trợ duyên cho tuổi trẻ phát triển khả năng của trí tuệ hướng đến đời sống sinh động, sáng tạo, tỉnh giác, có tu dưỡng, đạo đức và lý tưởng tự giác giác tha. Hình ảnh đức Phật dùng biểu tượng của một chậu nước trong sạch và chậu nước dơ sau khi đã rửa chân để khai thị cho tôn giả La Hầu La về bản chất ô trược không ích dụng của người buông lung ba nghiệp thao tác theo tham, sân, si vàphẩm tính thanh tịnh hữu ích của một người tinh tấn tu tập Chánh pháp để thanh tịnh hóa ba nghiệp, là một bài học quý giá cho nhà giáo dục tuổi trẻ để từ đó suy nghiệm về những phương thức và tâm lý giáo dục nhằm đáp ứng được cá tính sai biệt của từng lớp tuổi của con em.
Thứ năm, là mối tương duyên tương quan không thể tách rời trong vai trò và trách nhiệm của tổ chức GÐPT, các Huynh trưởng làm giáo dục, tuổi trẻ, phụ huynh và quý Thầy và Sư cô cố vấn giáo hạnh. Những vị có trách nhiệm lo về bộ phận giáo dục trong tổ chức GÐPT cần phải quan tâm thường xuyên đến quá trình dạy dỗ con em, đến tính kiến hiệu của chương trình giáo dục đang thực hiện, đến khả năng và phẩm hạnh của những Huynh trưởng đang làm công tác giáo dục. Khi thấy có điều gì không ổn thì cần phải nghiên cứu giải pháp tức thì. Các Huynh trưởng làm phận sự giáo dục cũng phải có trách nhiệm quan tâm đến sự hữu hiệu và những ưu khuyết điểm của chương trình giáo dục của tổ chức đang thực hiện, cũng như tình trạng học tập của các em để kịp thời báo cáo lên ban giáo dục hầu đề xuất giải pháp thích ứng. Mối liên hệ chặc chẽ giữa tổ chức GÐPT và các phụ huynh cũng là yếu tố then chốt đưa đến thành tựu việc giáo dục con em. Những hồi ứng thích đáng của các phụ Huynh sẽ là những phản ảnh ích lợi cho công tác giáo dục mà tổ chức GÐPT cần đặc biệt quan tâm và tiếp nhận. Những đóng góp về mặt tinh thần và vật chất của khối phụ huynh để hỗ trợ cho công tác giáo dục là điều vô cùng cần thiết. Những khuyến khích và chăm sóc kỹ lưỡng đối với việc học tập của con em của các phụ huynh tại nhà là điều không thể thiếu được. Quý Thầy và Sư cô trú trì làm nhiệm vụ Cố vấn giáo hạnh cho GÐPT cũng đóng một vai trò trọng yếu để việc giáo dục tuổi trẻ được kết quả mỹ mãn. Quý Thầy và Sư cô cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đối với việc giáo dục tuổi trẻ vì tương lai của Phật pháp. Chính vì vậy, các em cần được sự che chở, bảo bọc, thương yêu và thông cảm của quý Thầy và Sư cô cả về mặt tinh thần, vật chất lẫn cơ sở sinh hoạt. Quý Thầy và Sư cô không vì bất cứ một lý do gì mà ruồng bỏ các em, bởi chính vì các em chưa trưởng thành, chưa chín chắn cho nên mới càng cần đến sự dạy dỗ, nuôi dưỡng, nhất là đối với chất liệu của Chánh pháp.
Kính thưa quý anh chị em Gia Ðình Phật Tử,
Khi chúng ta nhìn về tương lai, dù là tương lai của xã hội hay tương lai của Phật pháp, thì tuổi trẻ vẫn là lực lượng then chốt, vẫn là niềm kỳ vọng mà chúng ta đều muốn đặt hết sự tin tưởng của mình vào. Nhưng tương lai ấy có tươi sáng huy hoàng hay không còn tùy thuộc vào những gì mà hôm nay chúng ta hun đúc và nuôi dưỡng nó. Chất liệu để nuôi dưỡng cho tương lai xán lạn không gì giá trị bằng giáo dục Chánh pháp. Chính vì vậy, xin mỗi người trong chúng ta hãy cẩn trọng quan tâm và nhiệt thành đóng góp sức mình cho công tác giáo dục tuổi trẻ bằng Chánh pháp. Trong lòng thành thiết tha ấy chúng tôi xin đặt niềm tin vào sứ mệnh giáo dục tuổi trẻ đối với tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, một tổ chức mà suốt trên sáu mươi năm qua đã không ngừng tận lực đóng góp sức mình cho sứ mệnh thiêng liêng và cao cả này.
Trân trọng cám ơn và kính chào quý anh chị em.
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang