
Tác giả Nguyễn Sử
Duyên khởi
Mùa thu năm Hưng Long 18 (1310) Tôn giả Pháp Loa vâng chiếu thăng đường giảng giải yếu chỉ của kinh Hoa Nghiêm nhân đại lễ trai đàn Vu Lan cho vua Nhân Tông[2]. Mười một năm sau(1321) Trụ trì chùa Hiển Linh Diên Quang là Thu Tử cung thỉnh Pháp Loa đến chùa giảng phẩm Thập địa trong kinh Hoa Nghiêm.Tiếp đó (1322), Hoài Ninh cùng chủ sự tăng Huyền Quang dâng sớ thỉnh mời sư đến chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại giảng hội thứ 2 kinh Hoa Nghiêm. Về sau, qua 9 hội, người đến nghe giảng nhiều thì cũng hơn 1000 người, ít thì cũng có hơn 500 – 600 người. Tháng 3 cùng năm Huệ Nhân đại vương cung thỉnh Pháp Loa đến chùa Xí Thịnh Quang giảng hội thứ 2 của kinh Hoa Nghiêm. Tháng 9, năm Đại Khánh 10 (1323) Tư Đồ Văn Huệ vương và Uy Huệ vương mời Pháp Loa đến chùa Báo Ân ở hương Siêu Loại để trao truyền Bồ tát giới cùng nhận phép Quán đỉnh. Bảo Vân Công chúa thì mời sư đến chùa Siêu Loại để giảng hội 3 và hội 4 của kinh Hoa Nghiêm. Sau đó Bảo Từ Hoàng Thái hậu cùng Tư đồ Văn Huệ vương cung thỉnh Pháp Loa về chùa Quỳnh Lâm giảng hội thứ 5 của kinh. Tháng 2 năm đầu Khai Thái, Pháp Loa vâng nội chỉ của Chiêu Từ Hoàng thái phi về phủ Kiến Xương giảng hội thứ 6 của kinh Hoa Nghiêm. Ước chừng thời gian giảng một hội này của Pháp Loa trong tầm 1 tháng, bởi ngày 15 tháng 3 cùng năm đó Pháp Loa lại đến nơi khác. Tới tháng 12, Bảo Huệ quốc mẫu cung thỉnh Pháp Loa đến phủ đệ Dưỡng Phúc giảng hội thứ 7 kinh Hoa Nghiêm.Tháng 3, Tá Thánh thái sư cùng Hoa Dương công chúa cung thỉnh Pháp Loa đến chùa Thiên Quang giảng hội thứ 8 thuộc kinh Hoa Nghiêm. Sau đó Sư lại vâng mệnh Bảo Từ Hoàng thái hậu giảng hội thứ 9 kinh Hoa Nghiêm ở viện Quỳnh Lâm đồng thời dựng lễ hội Nghìn Phật trong 7 ngày đêm.Tháng Giêng, ngày 15, năm Khai Hựu 2 (1330) lúc này Pháp Loa đã 47 tuổi. Đại sưAn Lạc Kiên Đức cùng thí chủ là Công chúa Lệ Bảo mời Pháp Loa đến viện An Lạc Tạng để giảng lại hội 1 và hội 2 kinh Hoa Nghiêm.
Pháp Loa thiền sư là một trong những người hiếm hoi duy nhất mà có thể cho thấy được một lịch trình dầy đặc về công cuộc hoằng pháp của mình, đặc biệt là hoằng dương kinh Hoa Nghiêm. Cổ nhân có câu: “Muốn hay Phật phú quý, mời xem Hoa Nghiêm kinh” có lẽ cái ý ban đầu của thiền sư cũng là mang bảo tạng của Như lai mà phổ hoá cho muôn người.
Kết cấuHoa Nghiêm
Hoa Nghiêm vốn không phải là một chỉnh thể theo cái nghĩa thông thường mà ta thường biết. Đó là một tập hợp đại thành của các kinh điển đơn lẻ, để biểu đạt về một thế giới. Trên phương diện tổng thể, tưởng chừng kết cấu đó rời rạc, nhưng trên phương diện nội dung nó tự thành một hệ thống, kết cấu logic hoà làm một cách chặt chẽ.
Lấy trung tâm là tư tưởng phật Lô Xá Na, bồ tát Phổ Hiền là đại diện thực tiễn cho giáo chỉ ấy, lấy Văn Thù Sư lợi làm cầu nối với những lý luận Bát nhã của Đại thừa. Một lý lẽ về hạnh Bồ tát mới được nhắc đến.
Trong đó lý về Bồ Tát đại thể có thể phân chia thành ba bộ phận.
Thứ nhất là các hạnh của “trước Địa” từ kính tín tam bảo, phối hợp với việc tu tập mười ba la mật, trong đó giảng về Thập trụ, Thập hành, Thập vô tận tạng, Thập hồi hướng, và dừng ở Thập địa – đó dường như là một sự ám ảnh hay khát khao với sự viên mãn tròn đầy và cũng là những bước của các hành giả bước trên con đường tu tập và lập chí.
Thứ hai là bước “nhập địa” các hạnh của Bồ tát bắt đầu bởi Thập địa, Bồ tát mới tu hành coi đó là sơ địa Bồ tát, toàn bộ tu tập được đặt vào một điểm khởi đầu đó là “qua gốc phàm phu, vào bị bồ tát “ “sinh trong nhà Phật”
Bước ba đó là sự thể nhập vào Phật tính, các hạnh của Bồ tát, tức tu hành bước vào Phật giới, từ đó mà đạt được thần thông Thập minh phẩm và trí tuệ Thập nhẫn phẩm đề cập đến vì phổ cứu chúng sinh mà xuất thế, thâm nhập nhất thiết thế gian chúng sinh Nhập pháp giới phẩm. Ba giai đoạn đó chính là thể hiện con đường mà từ Phàm phu trở thành Bồ tát – rồi trở thành Phật.
Tổng quan Hoa Nghiêm không ngoài việc lấy ánh sáng làm trung tâm, xác lập vị trí pháp thân của Lô Xá Na Phật để cấu thành nên tất cả sự vật trên thế gian, tất cả sự vật khách quan đều là do tâm kiến tạo. Lấy Văn Thù Sư Lợi bồ tát làm đại biểu cho những hoài nghi trong tính không Bát nhã với tư tưởng đại thừa đương thời. Xác lập chủ quan duy tâm về Tam giới đều do tâm kiến tạo, xác lập nên nền tảng duy thức học. 4. Đề xuất tâm tính bản giác và tính khởi luận.
Ảo tượng Hoa Nghiêm
Nếu nói rằng Duy Ma lấy nhiệm vụ giải quyết những vấn đề giữ xuất thế gian và thế gian thống nhất với nhau để thế giới của Phật đi vào thế giới thế tục thì Hoa Nghiêm với một hệ thống dầy dặn đang luận thuật về những mối quan hệ giữa Phật và chúng sinh, thâm nhập chúng sinh và lợi ích chung sinh, và coi chúng sinh như mục đích tối thượng của mình. Thuyết minh mối quan hệ giữa Phật và chúng sinh trong một mối quan hệ mật thiết.
Thời gian trong khoảng khắc, trong từng sát na và thời gian trong vô hạn, không gian nhỏ nhất cho tới những không gian không thể lường được cùng tận, sự vật giữa người và ta, giữa chúng sinh và Phật đều bao hàm làm một, thẩm thấu vào nhau “tương tức tương nhập” “một là tất cả” “Tất cả là một” được liên hệ, bao hàm một cách mật thiết với nhau, hình thành những biên tế vô cùng rộng rãi, tầng tầng vô tận và phổ biến thị hiện trong mắt lưới của thế giới, mỗi một sự vật đều được phản ánh trong từng mắt lướt đó và trong đó có cá biệt nhưng cũng là toàn thể của thực tính, trên phương diện thực tiễn đề xướng việc thâm nhập pháp giới và hạnh nguyện Phổ Hiền, từ đó hình thành nên một hệ thống triết học mang tính Phiếm Phật luận[3]
Trong toàn bộ hệ thống dịch kinh điển của Phật giáo vô cùng phong phú, logic lại chặt chẽ đến mức hoàn hảo thì Hoa Nghiêm phải xét ở hàng đầu, người biên tập lại Hoa Nghiêm có lẽ phải là bậc đại trí mới làm được việc ấy.Văn phong và cách sử dụng ngôn ngữ của Hoa Nghiêm có thể xem như là một tập đại thành về phương tiện dùng dùng ảo tượng để miêu tả thế giới thần thoại, biểu đạt giáo nghĩa.
Thế giới Duy Ma hay Pháp Hoa đều thông qua việc ẩn dụ và tưởng tượng để biểu đạt giáo lý của mình, đâu đâu cũng có những thần thoại. Nhưng những nơi Phật giảng đạo đa phần đều tại thế gian, Như Duy Ma ở trong pháp hội vườn Xoài, Pháp Hoa trong Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá, người nghe đều lấy con người làm chủ thể. Pháp Hoa tuy có thiên long quỷ thần tham dự, chẳng qua là sự giải thích của Phật giáo, để giải đáp cho sự tướng, đều là nhân duyên thí dụ, thuộc về phương tiện giả thuyết, không thể chấp trước vào đó, bởi chấp trước vào đó sẽ luôn trở thành hý luận.
Đến Hoa Nghiêm câu chuyện đã không còn như vậy, toàn kinh bất luận là bản bộ 60 quyển hay 80 quyển, đều là những ảo tượng, đâu đâu cũng là thần thoại, làm người đọc phảng phảng phất phất như lúc ở phương trời này khi thì ở một thế giới khác. Lúc thì ánh sáng của Phật rực rỡ trong muôn ngàn thế giới, Phật tới Thần đi làm cho người ta chẳng hay mình đang ở phương trời nào. Trong những nơi Phật hội tập thuyết pháp, bao gồm Đao Lợi thiên như thiên cung của Đế Thích, Thiên cung Dạ Ma, thiên cung Đâu Suất cho đến Tha hoá tự tại thiên
Các cuộc hội tập ở thiên cung chắc chắn sẽ không có sự tham dự của con người, và trên mặt đất cũng phải đạt được ít nhất như Đại thanh văn, đại Bồ tát mới có đủ tư cách, đủ điều kiện tham dự.
Nếu như nói Duy Ma, Pháp Hoa là nền tảng của kinh điển Đại thừa , người học Phật phải thâm nhập vào mọi phương diện của xã hội, và kết hợp lại thành một con người trên mọi phương diện. Hoa Nghiêm dẫn người ta đến những phương trời khác một phương trời mà được coi như “Một cuộc thay đổi toàn diện trên sân khấu mà tấn kịch tôn giáo vĩ đại của Phật giáo đại thừa được trình diễn [4]
Thế gian Tịnh nhãn phẩm hình dung nơi đạo tràng của Phật, lúc mới thành chính giác “Đất rải kim cương, chúng bảo tạp hoa, biến thành trang sức, vô lượng diệu sắc, bảo tràng phan cái, quang minh chiếu rọi, diệu hương hoa mạn, vây chụm chung quanh, tất bảo la võng, phủ che trên đỉnh, mưa vô tận bảo, hiển hiện tự tại, các hàng bảo thụ, hoa lá sáng ngời”
Hay như Ví như hư không bao gồm các sắc tướng, đối với các cảnh giới không chỗ phân biệt. Lại như hư không khắp cùng tất cả, bình đẳng vào trong tất cả quốc độ. Thân Phật thường khắp ngồi trong tất cả đạo tràng của chúng Bồ Tát, oai quang của Phật chói rỡ như mặt trời mọc lên soi sáng thế giới. Phước đức của Phật rộng lớn như biển cả, đều đã thanh tịnh, mà luôn thị hiện sanh vào quốc độ chư Phật. Vô biên sắc tướng, đầy đủ ánh sáng, cùng khắp pháp giới, bình đẳng không sai khác. Diễn thuyết tất cả pháp như giăng bủa mây lớn. Mỗi đầu sợi lông đều có thể dung thọ tất cả thế giới mà vẫn không chướng ngại. Ðều hiện vô lượng thần thông giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh. Thân Phật khắp mười phương mà không có tướng qua lại. Trí Phật vào tất cả tướng mà rõ thấu các pháp đều không tịch. Tất cả thần biến của chư Phật ba đời đều thấy cả trong quang minh. Tất cả sự trang nghiêm của tất cả Phật độ trong kiếp số bất tư nghì đều làm cho hiển hiện….
Phật quang phổ chiếu
Trong cách kinh điển Đại thừa có không ít những biểu tượng về ánh sáng để phiếm chỉ về Phật pháp hay trí tuệ của đức Phật, miêu tả cho sự giác ngộ, nhưng những nguồn căn của ánh sáng đó từ phương trời nào thì không hề giống nhau. Duy Ma kinh coi Ánh sáng phát xuất từ “Lọng báu”, lọng báu đây tương đương với bảo tạng, là ẩn dụ của kinh Phật. Kinh Kim quang minh nói ánh sáng có gốc từ Trống vàng, trống vàng này là tên gọi khác của pháp cổ, ẩn dụ những pháp mà đức Phật sở thuyết, quang minh là điềm vậy. Pháp Hoa lại nhận rằng bản thân Thế tôn cũng có thể phát ra ánh sáng và giải thích rằng đó là điềm trước khi đức Phật thuyết pháp, là thần biến của Phật, là biến tướng của thần thông, thị hiện quang minh rộng lớn của đức Phật, có thể soi chiếu toàn thế giới, lợi ích cho chúng sinh, là một thụỵ tướng. Tư tưởng của Pháp Hoa sớm đã được xuất pháp từ trong Đạo hạnh bát nhã kinh tiểu phẩm, đối với việc Phóng quang hay tán thán ánh sáng, hoặc trực tiếp sử dụng tên ánh sáng làm kinh.
Sự hình dung thân của Phật, với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, da là mầu vàng thì chưa hề có việc thân phật phóng quang. Đến kinh điển Đại thừa dường như thân Phật phát ra ánh sáng đã trở thành một tiêu chí, và luôn được đặt vào những nơi quan trọng, và không ngừng để triển khai điều đó.
Hiện tượng này là một điều đáng chú ý, bởi vì sao ánh sáng luôn luôn được dùng để chỉ thân của Phật, hoặc nói ánh sáng có gì để làm tiêu chí cho Phật. Hoa Nghiêm Kinh có nói “Vì độ tất thảy chúng sinh, phóng đại quang minh khó tư nghì, lấy điều đó để cứu độ quần sinh” lại nói “nhân duyên sở sinh không phải là tính của sinh, pháp thân của Như Lai cũng chẳng phải thân, trạm nhiên thường trụ như hư không, bởi thế hoá đạo thành pháp quang” ở đây Pháp thân là toàn bộ lý luận và thực tiễn được nhân cách hoá trong Hoa Nghiêm, tính thường trụ bất biến để hoá đạo chúng sinh, tính năng đó chỉ có thể do ánh sáng – ban phát trí tuệ, được biểu hiện ra bên ngoài hình tướng.
Bản thân ngay như ánh sáng do Bồ Tát thị hiện cũng có muôn vàn danh xưng khác nhau như thiện hiện, thanh tịnh, tế độ, ái lạc, đức tụ, thâm trí, tuệ đăng, pháp tự tại, thanh lương, bảo thắng, tạp trang nghiêm…… Bồ tát quang pháp được biến thiên như vật cũng chính bởi chúng sinh có muôn vàn nên pháp môn cũng vậy.
Đại Trí Độ luận cho rằng “Phật dùng thần lục, muốn trụ liền trục, bỏ thần lực thì diệt. Phật quang như đèn, thần lực như nến, nếu Phật chẳng rời thần lực, ánh sáng bất diệt vậy”. Phật – ánh sáng của Phật là thần lực của Phật, là một biểu hiện mang tính phổ biến. Thần lực là tính đầu tiên, phật quan là phái sinh của thần lực của Phật. Như Trịnh Xuân Thuận thì “Mọi con đường đều dẫn đến ánh thị giác”[5] và ánh sáng lại chính là vị thần vĩ đại kiến tạo nên vũ trụ và “không phải các tia vũ trụ, cũng chẳng phải các sóng hấp dẫn là các sứ giả chính của vũ trụ. Chính ánh sáng mới là cái đảm nhiệm vai trò này” [6]
Đại Trí Độ luận nói chúng sinh phải nhận được ánh sáng đó thì mới có thể đạt được vô thượng bồ đề, nhấn mạnh ánh sáng của Phật phổ chiếu tất thảy, vạn vật và chúng sinh đều dưới sự chiếu rọi đó mới có thể đạt được vô thượng bồ đề. Hoa Nghiêm hình thành, không những Phật có thể phát ra ánh sáng mà ánh sáng đó cũng chính là Phật, từ đó mà xác lập lên hình tượng của Lô Xá Na Phật. Phật trí có thể thể hiện trên tất cả sự vật, trong tất cả sự vật cũng đều bao hàm trí tuệ, và có thể tuyên giảng trí tuệ đó. Ánh sáng không còn là thần lực nữa mà đã biến thành một tượng trưng của trí tuệ, Phật quang phổ chiếu trở thành tượng trưng của Phật trí, Phật trí phổ cập đến tất cả chúng sinh trên thế giới và trong nhận thức của từng sự vật. Phật thân được hoá hiện thành ánh sáng, thành một chỉnh thể ánh sáng,
Ánh sáng đó với những kinh điển Bát Nhã khá tương đồng nhưng Hoa Nghiêm lại càng nhấn mạnh trong mỗi một sợi lông đều bam hàm chỉnh thể của Phật. Và bất cứ bộ phận nào có thể phát ra ánh sáng đều thuộc về chỉnh thể của thân phật, chỉ cần phát ra ánh sáng, đó là trí tuệ, đó là sự khơi gọi, gần nơi đạo tràng, xa như thập phương vi trần thế giới, các loại chúng sinh, không đâu không tới, không đâu không chiếu rọi. Ánh sáng là Phật, và cũng là tượng trưng của trí tuệ không có biên giới, cho mọi vật có thể thành được phật tính, điều này cũng là một sự phản ánh về Phật tính không đâu không có, không đâu không thuyết pháp.
Mặt trời là trung tâm của hệ Mặt trời, ánh sáng cũng gốc từ Mặt trời, trong các thần thoại của Phật giáo Mặt trời được nhân cách hoá thành “Nhật thiên” hoặc Nhật Thiên Tử. Đến Hoa Nghiêm, ánh sáng được hoá hiện thành trí tuệ và sáng tạo hạnh phúc, một tượng trưng của trí, giác, và lợi ích chúng sinh. Cũng từ đó một hệ thống Phật mới được định danh là Đại Nhật Phật cũng được thị hiện. Lô Xá Na phật là một giáo lý được hình tượng hoá, sự tồn tại vĩnh hằng nhưng không phải sự vĩnh hằng sáng thế, nơi “nhất thiết thế giới hải” không phải là thành quả đơn nhất mà sự hình thành thế giới đó, chí ít có thể thấy ở ba nguyên nhân chủ yếu: 1 là thần lực của Phật (thần không phải một thực tế mà là sự biến hoá ) và nguyện lực của bồ tát, 2. Là nghiệp lực của chúng sinh và thiện căn của bồ tát, 3. Pháp là như thế. Hai nguyên nhân đầu tiên có nhẽ chẳng có gì đáng bàn, Pháp là như thế có thể coi như một thuyết “không có nhân”. Thế giới vốn là như thế, không có một nguyên nhân đầu tiên cho sự sáng tạo, và cũng không có lực đầu tiên cho một sự khởi đầu nào…
Tiểu kết
Những suy nghiệm về một thế giới ảo tượng – ánh sáng của Hoa Nghiêm đã biến Phật pháp vừa cá nhân hoá vừa phổ biến, dẫn tới những thế giới quan của Phật giáo lại thêm một lần nữa chuyển mình, trong đó việc trực tiếp biểu hiện là hình tượng phật Lô Xá Na trở thành tượng trưng của ánh sáng, đại diện cho tất cả Phật pháp.
Nơi nào có ánh sáng thì bóng tối sẽ được xua tan, ngu muội được quét sạch, đó là giác ngộ, thế giới trở nên lương thiện, phú quý tồn tại. Hoa Tạng thế giới ánh sáng vô biên, không đầu không cuối, thuần khiết như hoa sen, phú quý như bảo hâu, một Utopia của Phật giáo được tái hiện dưới một phương diện khác.
Những thần dị đó, tưởng chừng như xa rời hiện thực của xã hội, thoát li sinh hoạt thực tế của chúng sinh, nhưng thực tế đấy cũng là một phương tiện để dẫn lối cho những người tin cầu, nhưng ngôn từ hoa lệ, ảo tượng đó cũng làm cho văn từ chìm khuất bởi những mỹ tự, làm người ta mải miết đi lạc vào sự hoa lệ của ngôn từ, làm ẩn ý cũng trở nên mơ hồ mà thực ý lại khó lĩnh hội. Nếu ai đó muốn mong đi tìm cầu những tư tưởng siêu việt trong Phật giáo dẫu rằng nó có hiển lộ ra đó trên văn nghĩa nhưng về bản chất đó không phải là điều mà Phật pháp hướng đến
Và nếu muốn tìm thấy được nhiều điều hơn thì hãy thả lòng mình vào trong dòng ánh sáng vô cùng vô tận, ở đó không còn tự ngã, không còn những ý niệm về biên tế của thế giới. Đó mới thực là những ảo tượng và ánh sáng trong Hoa Nghiêm mang tới hay chăng?
[1] Viện nghiên cứu Tôn giáo.
[2] Theo Thị giả Trung Minh, Thanh Mai Viên Thông tháp bi
[3] Nhiều Phật, và đa dạng trong trùng trùng vô tận của phạm võng.
[4] Suzuki Tuệ Sỹ (dịch và bình chú, Kinh Hoa Nghiêm: Lý tưởng Bồ tát và Phật.
[5] Trịnh Xuân Thuận, Những con đường của ánh sáng, Vật lý và siêu hình học của ánh sáng và bóng tối. T.2, Tr. 210.
[6] Nt. Lời tựa.