
Tác giả: Sujàtà Tâm Phùng Đoàn Thị Bướm; Tâm Giác Tâm Đặng Văn Thành; Diệu Mỹ Phạm Trịnh Thụy Nga; Quảng Tịnh Nguyễn Chí Thanh
LỜI MỞ: Gia Đình Phật Tử Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ tính đến hôm nay đã tròn 40 năm, một thời gian khá dài để chúng ta nhìn lại những thành quả đã mang lại cho tập thể, và những lợi ích mà đoàn viên đã gặt hái được trong suốt thời gian tham gia sinh hoạt với Tổ Chức. Chúng ta có thể tự hào rằng trong 20 năm đầu sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ phát triển rộng và mạnh tại những nơi có người Việt cư ngụ đông đảo. Tinh thần của huynh trưởng và đoàn sinh rất hăng say, tích cực tham gia các hoạt động của Tổ Chức. Dù Trại hoặc Đại Hội tổ chức những nơi xa xôi cách trở nhưng đa số anh chị em cũng cố gắng thu xếp thì giờ và công việc tư riêng để có mặt cho bằng được. Có thể nói vào giữa thập niên 90 là thời điểm sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử tại Hoa Kỳ hưng thịnh nhất. Một trong những yếu tố tích cực đóng góp vào sự hưng thịnh này là cho đến năm thập niên 1990, số người Việt tị nạn vẫn còn đều đặn đến định cư tại Hoa Kỳ và phần lớn phụ huynh còn lưu tâm rất nhiều đến việc gìn giữ văn hóa Việt trong con em của mình.
Liền sau thời điểm hưng thịnh đó, mầm móng rạn nứt bắt đầu hiện diện tạo sự phân hóa ngày càng trầm trọng trong Tổ Chức. Nhân lực suy giảm, tinh thần anh chị em huynh trưởng suy yếu, niềm tin vào tổ chức lung lay đã đưa Tổ Chức ngày càng xuống dốc. Nguồn nhân lực và năng lực của tổ chức vốn đã giới hạn nay bị phung phí trong việc chống đỡ sóng gió và hàn gắn những vết thương tinh thần, thay vì được tập trung vào việc giáo dục đàn em, kiện toàn và phát triển tổ chức. Do những áp lực ngoại tại, những bất đồng từ trong nội bộ, và những tham vọng chạy theo hư danh hảo huyền của một số cá nhân đã khiến cho tập thể bị chia năm xẻ bảy đến ngày hôm nay.
Giờ đây, sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử tại Hoa Kỳ vẫn đang cố gắng để tồn tại, nếu không muốn nói là đang dậm chân tại chỗ và vì vậy bị đẩy lùi so với đà tiến văn minh xã hội, của khoa học kỹ thuật. Cái thách thức lớn nhất của tổ chức hiện giờ là mạng lưới toàn cầu (internet), hệ thống truyền thông tân tiến (media) đang thu hút và ảnh hưởng rất mạnh đến giới trẻ, con em trong tổ chức chúng ta. Những ảnh hưởng tốt thì ít mà xấu thì nhiều. Điều này đã và đang lôi kéo tuổi trẻ xa rời dần nếp sống tâm linh là nếp sống mà tổ chức GĐPT chúng ta cố gắng xây dựng.
Chúng ta có thể nhận ra được sự mất dần cảm hứng sinh hoạt của phần lớn các em sinh ra và lớn lên tại đây. Mặc dù Ban Hướng Dẫn Trung Ương trong những nhiệm kỳ qua đã có những nhận thức rõ rệt về nhu cầu làm mới, nhưng vì thiếu nhân lực và sự điều hợp khéo léo nên vẫn chưa có được sự cải tiến cụ thể, ngoại trừ việc đã hình thành được một Sứ Mệnh và Định Hướng tương đối tương đương với các tổ chức tại Hoa Kỳ và một ít cố gắng thay đổi chương trình tu học Phật pháp. Hiện trạng này đã khiến cho hàng huynh trưởng, những người có trách nhiệm không khỏi trăn trở, ưu tư và luôn cố tìm phương cách để Tổ Chức được trở mình, sống đẹp và sống lành mạnh.
Với thao thức đó, chúng tôi xin góp vài thiển ý nhỏ vào việc xây dựng hướng tiến tương lai của tổ chức với ước mong vun bồi thêm cho vườn Lam luôn được xinh tươi nẩy nở.
Qua bài viết hạn hẹp này, chúng tôi xin mạo muội nêu lên một số thực trạng hiện nay của các cấp Đoàn viên và đề nghị một vài phương thức làm mới hầu mong sinh hoạt của Tổ Chức từ Trung Ương đến địa phương được ngày một thăng tiến hơn.
I. Thực trạng hiện tại
Oanh Vũ:
- Khó khăn về ngôn ngữ (tiếng Việt)
- Thiếu sự chú ý trong lớp học, họp Đoàn và sinh hoạt vòng tròn. (Ở nhà được nuông chiều, được cha mẹ cung cấp mọi thứ đồ chơi và những nhu cầu khác, nên khi đến sinh hoạt không chú tâm.)
- Dễ bị nhàm chán với những sinh hoạt lặp lại (routine)
- Thiếu sự hòa đồng giữa các em 11-12 tuổi với những em nhỏ tuổi hơn. (Các em trong lứa tuổi 11 và 12 phát triển rất nhanh về mặt tâm lý và vật lý, nên có khoảng cách xa với các em từ 10 tuổi trở xuống).
Thiếu:
- Không hiểu rõ mục đích và lý tưởng của Gia Đình Phật Tử
- Thiếu hạnh bố thí; thể hiện tinh thần hy sinh vì tập thể rất giới hạn
- Thích mạo hiểm, hiếu kỳ về những điều mới lạ nên bị nhàm chán với những sinh hoạt lặp lại.
- Đa số nghỉ sinh hoạt vào những năm cuối ở Trung Học (Lớp 11, 12)
- Lúc đi làm có tiền, các em cảm thấy việc sinh hoạt với GĐPT không quan trọng và cần thiết nữa – Một phần bị ảnh hưởng do có tiền mua sắm các nhu cầu cho cá nhân.
- Ảnh hưởng bởi áp lực bạn bè (peer pressure) về bạn trai/gái, về tình dục (sex), bị thu hút theo xu hướng mới (latest trend), bị lôi cuốn theo truyền thông xã hội (social media) v.v. nên nghĩ GĐPT là lỗi thời (old fashion).
Thanh:
- Bận rộn lo đầu tư vào việc học hành để lo cho tương lai của mình nên không thường xuyên đến sinh hoạt, không quan tâm đến sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử
- Bị thu hút bởi những điều mới lạ bên ngoài nên thích tham gia với các hội đoàn ở nhà trường như hội Sorority, Fraternity … mà lơ là với các hoạt động của Gia Đình Phật Tử
- Nghĩ rằng việc tham gia GĐPT không có lợi ích cho tương lai của mình (ví dụ: không giúp mình tìm việc làm tốt, lãnh được học bổng (scholarship), điểm phục vụ cộng đồng (community service points) v.v.)
- Thiếu tự tin về việc xếp đặt và chọn đường hướng tương lai cho mình. (Như đang đứng trước ngã ba đường, cần có sự cố vấn hướng dẫn thiết thực).
Huynh Trưởng: (Vấn đề của một thiểu số huynh trưởng)
- Thiếu sự cảm thông giữa đồng sự
- Dễ buồn giận khi ai nói đụng đến mình
- Chú ý tới những điểm tiêu cực của người khác, ít quan tâm tới những việc làm tốt của đồng sự
- Chưa thành thật đến với nhau và xây dựng cho nhau khi thấy những điểm không đẹp – Sợ đụng chạm, mích lòng
- Vì tính cả nể nên không dám góp ý với những anh chị lớn khi thấy những điểm không vừa lòng
- Còn nặng tính địa phương – phân biệt Đơn Vị mình – Đơn Vị bạn, Miền mình – Miền bạn, nên hay đặt quyền lợi của địa phương lên trên – lắm lúc gây khó khăn cho sinh hoạt của tập thể. Ví dụ như: hay biện hộ cho các Huynh Trưởng tại Đơn Vị, tại Miền của mình để được xét cấp, tham dự trại v.v., khi họ chưa hội đủ điều kiện
- Thiếu tinh thần cọng tác, đôn đốc, thăm hỏi – Quan niệm việc ai nấy lo – sợ dẫm chân lên nhau
- Ít tự nguyện nhận lãnh công việc vì quá bận rộn.
- Thường nghĩ rằng làm việc cho GĐPT là làm theo tinh thần tự nguyện, khi nào rãnh và thuận tiện thì làm nên thiếu sự quan tâm, chuẩn bị việc được giao phó.
- Huynh trưởng trẻ thích sống theo kiểu Mỹ — hưởng thụ tối đa trong cuộc sống – vì cho rằng đời người chỉ sống được một lần (enjoy life to the fullest, you only live once) nên không dốc tâm vào việc sinh hoạt hằng tuần. Một vài thiểu số ưa ở nhà coi football game, đi dự tiệc (party), hoặc đi chơi đây đó vào cuối tuần hơn là dành thời gian đến sinh hoạt.
(Còn tiếp)