Site icon Sen Trắng

Sen Trắng kết tập: Trang Tưởng niệm và Tang Lễ Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Nguyên Chứng, Hiệu: Tuệ Sỹ

NHẤT TÂM ĐẢNH LỄ GIÁC LINH
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG Thượng NGUYÊN Hạ CHỨNG
hiệu TUỆ SỸ
Chánh Thư Ký-Xử Lý Viện Tăng Thống
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất 

TIỂU HÒA THƯỢNG THÍCH NGUYÊN CHỨNG
Hiệu: Tuệ Sỹ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 05 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào;

Thân phụ: Cụ ông Phạm Văn Phận, Pháp danh Trung Thảo, Thân mẫu: Cụ bà Đặng Thị Chín, Pháp danh Diệu Chánh,

Đồng nguyên quán xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, Trung phần Việt Nam.

Thuở nhỏ Thầy thường được theo mẹ đi chùa làng gần nhà, là nhân duyên để đến lúc Thầy chỉ muốn ở chùa không về nhà nữa. Năm 1952, do chạy giặc, Thầy được cha mẹ gởi lên chùa hành điệu hầu sư phụ là Hòa thượng khai sơn chùa Trang Nghiêm, làng Tân An, tỉnh Paksé, Lào. Năm 1954, 9 tuổi, Thầy chính thức được thế phát xuất gia tại chùa này. Đến năm 12 tuổi, vị Trụ trì chùa nhận thấy khả năng và thiên tư đặc biệt của người học trò này, đã khuyên gia đình nên đưa Thầy về Việt Nam để rộng đường tu học. Năm 1960 Thầy trở về Việt Nam, sống xa gia đình tại chùa Bồ đề, một ngôi chùa nhỏ gần cầu Gia Hội, Huế. Hành trang Thầy lúc đó là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chữ Hán Thầy luôn giữ bên mình, đến năm 1968 do biến cố Tết Mậu thân mới bị lạc mất ở chùa Từ Đàm, Huế. Chú của Thầy là Hòa thượng Thích Trí Quang, một nhà lãnh đạo nổi danh của Phật Giáo trong thập niên 1960, lúc ấy cũng đang sống tại Huế.

Tuy vậy với bản tính độc lập, Thầy đã một mình giong ruổi qua các địa phương: Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Tiền Giang và các tỉnh miền Nam, tự lập và sống nương nhờ các tự viện lớn nhỏ. Năm 1961, 16 tuổi, Thầy thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thích Hành Trụ tại Sài Gòn. Năm này, Thầy thọ an cư Sa-di giới đầu tiên tại chùa Phật Ân, tỉnh Tiền Giang cùng với thầy Trí Minh. Sau cùng Thầy được Hòa thượng (viết tắt là HT) Thích Trí Thủ nhận về thiền viện Quảng Hương Già-lam ở Gò Vấp, Sài Gòn. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Ðẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964, học tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Phân khoa Phật học niên khóa 1965. Với các bài viết về Thế Thân (Vasubandhu), về A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận, HT Thích Đức Nhuận là người đầu tiên phát hiện tài năng của người tu sĩ trẻ, đã giới thiệu Thầy vào Viện ĐH Vạn Hạnh. HT Thích Mãn Giác phó Viện trưởng lúc đó đã đề nghị Viện trao bằng Cử nhân cho Thầy, nhưng Thầy xin phép được từ chối.

Thầy được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Ðại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu Phật học và những khảo luận Triết học có giá trị cao như Ðại Cương Về Thiền Quán, do Đại lão HT Thích Đôn Hậu giới thiệu, Liên Hoa ấn quán in 1967, Triết Học về Tánh Không (An Tiêm xuất bản, Saigon 1970), v.v… Sau đó Thầy kiêm Xử lý Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Đại học này (niên khóa 1972-1973). Thầy tinh thông chữ Hán, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng, thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit. Thầy cũng đọc hiểu tiếng Ðức, nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền Luận nổi tiếng của D.T. Suzuki bản Việt ngữ tập 2 và 3 là do Thầy dịch, in và tái bản nhiều lần từ 1972 đến 1975.

Năm 1973, HT. Thích Trí Thủ thấy Thầy mãi lo việc nghiên cứu và giảng dạy, Ngài đã đốc thúc Thầy chuẩn bị thọ Đại giới Tỳ-kheo, và Sa-di Tuệ Sỹ đã chính thức thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang năm 1973, với HT. Đàn đầu Thích Phúc Hộ, HT. Yết-ma Thích Giác Tánh, Giáo thọ sư HT. Thích Trí Nghiêm, Thích Huệ Hưng.

HT. Tuệ Sỹ không chỉ uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Ðại Thừa, Thầy còn tinh thông triết học Tây phương, văn chương, thơ, âm nhạc. HT nghiên cứu thẳng từ nguyên tác của các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng của Trung quốc như Tô Đông Pha, Lý Hạ, Đỗ Phủ… Ngoài những khảo luận Triết học và Phật học, HT đã viết tác phẩm đầy thi vị: ‘Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng’ (Ca Dao xb, Sài Gòn, 1973). Về âm nhạc, HT chơi đàn guitar, violon, piano, thổi sáo. Thầy tìm hiểu âm nhạc dân tộc, lại rất am tường nhạc cổ điển Tây phương. HT làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn và các tiểu luận triết học, phê bình văn học đặc sắc, phần lớn đăng trên các tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975) tại Sài Gòn. Đồng thời HT cũng là Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng của Ðại học Vạn Hạnh. Tập thơ đặc sắc bằng chữ Hán, ‘Ngục trung mị ngữ’ được HT làm trong tù sau năm 1975, và các tập thơ ‘Giấc mơ Trường sơn’, ‘Những điệp khúc cho dương cầm’, ‘Thiên lý độc hành’ sau này đã được dịch ra Anh, Pháp, Nhật ngữ, phát hành rộng rãi tại hải ngoại.

Từ trẻ HT đã thuộc lòng các bộ Kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Thắng Man, Duy-ma- cật… Duy-ma-cật sở thuyết là bộ kinh nêu cao tinh thần sống đạo mà chẳng cần y áo hay sự suy tôn kiểu cách. Có thể nói, tư tưởng Bồ-tát đạo trong kinh này và bộ kinh Pháp Hoa đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Thầy. Với kiến thức Phật Học uyên thâm, HT đã viết giảng luận “Huyền thoại Duy-ma-cật”, và đi theo hình mẫu lý tưởng này, HT đã không ngại dấn thân phụng sự, và ngài đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh ôn hòa cho các giá trị nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Năm 1973 HT về Nha Trang làm Giám học Phật học viện Trung phần (tức Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức), do HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Năm 1975, HT Tuệ Sỹ đang phụ trách giảng dạy tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang. Sau biến cố 30/4/1975, cơ sở này bị đóng cửa, HT về ẩn cư tại một miếng rẫy chùa ở ven rừng Vạn Giã, cách Nha Trang chừng 60 km.

Ðến năm 1977, HT vào Sài Gòn lánh nạn ở chùa Tập Thành quận Bình Thạnh. Năm 1978, HT bị nhà cầm quyền bắt giam 3 năm không xét xử (tội cư trú bất hợp pháp), cuối năm 1980 thì được phóng thích.

Do hoàn cảnh mấy năm lang thang và ở tù, nhận thấy giới thể bị ảnh hưởng, có thể không thanh tịnh (*), HT được thọ lại Đại giới Cụ túc tại Quảng Hương Già-lam năm 1982 do HT. Thích Trí Thủ làm đàn đầu, HT. Thích Trí Quang làm tôn chứng, HT. Thích Trí Tịnh làm tuyên luật sư.

Từ năm 1980 đến 1984, HT làm Giáo thọ sư cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già-lam do Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Tháng 4/1984, HT lại bị bắt cùng Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 9 năm 1988, không chấp nhận luật sư chỉ định biện hộ mà hai thầy tự biện hộ cho mình, nhà cầm quyền đã kết án TỬ HÌNH hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Do sự tranh đấu tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải vội vã giảm án hai Thầy xuống còn 20 năm khổ sai, đem giam HT tại Xuân Lộc, Đồng Nai, sau đó chuyển riêng HT ra trại A-20 tỉnh Phú Yên. Tháng 10/1994, với sự phản kháng trong tù, HT bị nhà cầm quyền tách đưa ra trại giam Ba sao, miền Bắc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã được Tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền (Hellman-Hammett Awards) cùng với 7 nhà đấu tranh khác vào ngày 03/8/1998.

Năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng, cùng với một số người khác. Trước đó, HT đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà cầm quyền áp lực buộc HT ký vào lá đơn gửi ông Chủ tịch nước “xin khoan hồng”, HT đã trả lời nội dung: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.” Công an thuyết phục: không viết đơn thì không có lý do để thả được. HT đã khẳng khái đáp: “Đó là việc của các ông; nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn, tôi sẽ tuyệt thực phản đối.” Và Hà Nội đã phải trả tự do cho HT vào ngày 01/9/1998, sau 10 ngày Thầy không ăn và tiếp theo cả không uống, tổng cộng 14 ngày. Hòa thượng Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, bên ngoài không biết. Thấy sức khoẻ HT suy sụp nhanh chóng, chính quyền đã vội đưa bác sĩ vào xin điều trị, và đưa Thầy ra khỏi trại giam.

Ngày 02/9/1998, lúc 10 giờ 45, Hòa thượng Tuệ Sỹ được đưa lên xe lửa về Nam. Ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên xe với sức khỏe rất yếu sau khi tuyệt thực trong tù, HT không chịu nổi nên được đưa xuống ga Nha Trang, về tạm ở Phật học viện Hải Ðức. Ít lâu sau công an lại ra lệnh HT phải về chùa Già Lam ở Sài-gòn, không được phép ở Nha Trang. Hòa thượng từ chối, viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, nói “một là tôi tự do ở đâu tôi muốn, hai là vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để nhốt tôi vào nhà tù lớn hơn là cả đất nước này”. Tin này lập tức được loan truyền trên báo chí hải ngoại thời đó.

Trước sau, Hòa thượng đã lãnh một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc, trải qua các nhà tù khắc nghiệt khắp nam trung bắc. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể thay đổi được một người đã quyết tâm sống trọn vẹn với những giá trị mình đã lựa chọn, và vẫn giữ được lòng thanh thản bao dung không chút oán hận của Thầy.

Tháng 4 năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đề cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN.

Năm 2002, với trách nhiệm Đệ Nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là quyền phục hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Những lời tuyên bố của người tù lương tâm tôn giáo Thích Tuệ Sỹ tại tòa án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là tấm gương sáng, là niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc.” Ðối với Hòa thượng Tuệ Sỹ, sức mạnh của Phật giáo không phải là Chính trị, mà là Văn hóa và Xã hội, trong đó Giáo dục có vai trò rất quan trọng. Nhưng công cuộc giáo dục này phải do Giáo hội độc lập đề ra, không thể chịu sự kiểm soát hay áp đặt của bất cứ thế lực nào, thì mới mong đào tạo ra những thế hệ tăng ni có tài đức để phụng sự xã hội, xứng danh trong hàng Tăng Bảo.

Tiếp đến, đầu tháng 3/2003, Hòa thượng Tuệ Sỹ khâm lệnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, từ nơi bị quản thúc tại Quảng Hương Già-lam, Thầy đã tháp tùng Hòa thượng Thích Huyền Quang ra Hà Nội chữa bệnh và chuẩn bị gặp Thủ tướng đương thời là ông Phan Văn Khải, để yêu cầu ngài Thủ tướng giải quyết việc đã đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975, cũng như sự cấm đoán, quản chế không xét xử bản thân Hòa thượng cùng với HT. Thích Quảng Độ và một số Tăng ni, Phật tử khác. Trong dịp này, đại diện ngoại giao của 6 nước thành viên Khối Liên Âu và Hoa Kỳ tại Hà Nội đã chủ động tìm gặp Hòa thượng Tuệ Sỹ, mời Hòa thượng đến thăm, làm việc tại trụ sở ngoại giao của phái bộ Liên Âu ở Hà Nội. Họ đón Hòa thượng đi một mình, không có thị giả, người phiên dịch.

Ngày 01/10/2003, Hòa thượng đã cùng nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Sau Đại hội này, hai vị Đại lão Hòa thượng cũng như Hòa thượng Tuệ Sỹ và một số Tăng ni tham dự đã bị nhà cầm quyền quản chế mỗi người một nơi, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên với tinh thần ‘uy vũ bất năng khuất’, Hòa thượng đã sát cánh cùng nhị vị HT Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ ủy thác cho các GHPGVNTN Hải ngoại tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu trong cùng năm 2003. Chính Đại hội này đã công bố đầy đủ nhân sự lãnh đạo Giáo hội trong nước và hải ngoại, và toàn thể Tăng ni Phật tử đã suy tôn Đại lão HT Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN.

Năm 2008, đức Đệ Tứ Tăng thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang viên tịch. Ngôi vị được trao lại cho Đại lão HT Thích Quảng Độ truyền thừa, là Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN.

Từ đây, Hòa thượng Tuệ Sỹ được yên tâm dành hết thời gian và sức lực cho công việc trước tác, phiên dịch Phật ngôn, và đào tạo từng nhóm tăng ni đủ trình độ nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển sau này. Trong thời gian này HT đã hoàn thành phiên dịch, hiệu đính 4 bộ kinh A-hàm, kinh Duy-ma-cật sở thuyết, bộ Luật Tứ phần, các bộ Luận Thành Duy Thức, A-tì-đạt-ma Câu-xá, và nhiều trước tác khác…

Tháng 03/ 2019, Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN dự tri thời chí, biết sức khỏe không còn nhiều, Ngài đã mời HT Thích Tuệ Sỹ đến gặp tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn để phú chúc di ngôn và ấn tín của Viện Tăng thống GHPGVNTN, ủy nhiệm Hòa thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Ngài viên tịch.

Đến tháng 02/2020 Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch tại chùa Từ Hiếu. Lúc này, HT Thích Tuệ Sỹ đang chữa trọng bệnh tại Nhật Bản và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid, không thể về nước.

Tháng 10/2020 ngay khi có lại các chuyến bay thương mại, Hòa thượng là một trong số người đầu tiên về nước, dù lúc đó các bác sĩ Nhật Bản khuyên nên ở lại chữa trị, nếu không thì cuộc sống không thể kéo dài quá 6 tháng.

Qua năm 2021, đại dịch Covid bùng phát trở lại ở châu Á trong đó có Việt Nam, mà nặng nhất là Sài-gòn. Với sự phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền, mọi dịch vụ y tế lúc đó bị đình trệ ngoại trừ việc chữa bệnh Covid, tuy nhiên Hòa thượng vẫn kiên trì mạnh mẽ chống chọi cơn bạo bệnh để hàng ngày vẫn ngồi bên bàn dịch Kinh, hiệu đính các tác phẩm, tổ chức sắp xếp thư mục cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn học thuật quốc tế.

Tháng 11/2021 Ngài chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Hội đồng Hoằng pháp, quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời để kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng do chư tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương – Viện Tăng thống GHPGVNTN đã thành lập từ năm 1973 nhưng sau đó bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều chướng duyên khác.

Ngày 03/12/2021 Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời chính thức được thành lập theo Thông bạch số 11/VTT/VP. Từ đây, công việc phiên dịch, hiệu đính, chứng nghĩa chuyết văn và tổ chức in ấn được đẩy mạnh, thảy thảy đều theo quy củ đã định, để cuối cùng hình thành 29 tập đầu tiên được khởi in trong năm 2022, với công đức dự phần của các bậc Tôn túc cho đến Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước, đặt nền móng cho công trình Đại Tạng Kinh VN chính thức được tiếp nối từ Hội nghị Toàn thể Hội đồng Phiên dịch Tam tạng tháng 10/1973.

Qua năm 2022:

Ngày 21/8, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN đã suy cử HT. Thích Tuệ Sỹ đảm nhiệm trách vụ Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống.

Tiếp ngày 22/8 tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài-gòn, đã cử hành lễ truyền trao ấn tín và khai ấn Viện Tăng Thống cho Hòa thượng.

Từ đó, Hòa thượng đã dành hết thời gian và sức khỏe còn lại để chuyên tâm phiên dịch kinh tạng, hiệu đính, chứng nghĩa cho các dịch phẩm của hàng hậu bối.

Những ngày cuối đời, từ giường bệnh, Hòa thượng đã cẩn thận sắp xếp, dặn dò những việc cần làm của GHPGVNTN cũng như công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng, sau đó đã thuận thế vô thường thâu thần thị tịch tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, vào lúc 16:00 giờ, ngày 24 tháng 11 năm 2023, nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, trụ thế 79 năm, giới lạp 46[*].

Sự ra đi của Hòa thượng không chỉ là mất mát lớn lao của GHPGVNTN mà còn là niềm đau chung của Phật giáo Việt Nam, cũng như là sự khuất bóng đáng tiếc của một anh tài tinh hoa Dân tộc; nhưng di sản Văn hóa, Giáo dục to lớn mà Hòa thượng để lại xứng đáng làm tư lương tối thiết cho hành giả và học giả muôn đời sau.

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Sài Gòn ngày 24/11 năm 2023.
Môn đồ Pháp quyến

[*] Giới lạp là lấy số năm thọ Cụ túc làm tuổi; hạ lạp là lấy số năm an cư kết hạ làm tuổi. Giới lạp của Hòa thượng Tuệ Sỹ nếu tính từ khi thọ đại giới (1973) đến khi viên tịch (2023) là 50 năm; nhưng khi còn sinh tiền, Hòa thượng có căn dặn là trừ bớt 4 năm lang thang bất định và ở tù mà Hòa thượng tự xét là “giới thể có thể bị ảnh hưởng, không thanh tịnh.” Vì lẽ đó, môn đồ pháp quyến phụng mệnh ân sư, chỉ ghi 46 giới lạp.

The Official Biography of The Most Venerable Thích Nguyên Chứng

TUỆ SỸ: TỰA “HUYỀN THOẠI DUY MA CẬT”: Vị Bồ tát ấy, sống giữa mọi người, cũng gánh chịu thân phận như mọi sinh vật; cũng lăn lóc trong trường đời để phấn đấu cho sự sống và lẽ sống, trên sân khấu kịch đời nhộn nhịp; người ta có thể bắt gặp ông trong chốn quan trường nơi mà tầng lớp thống trị thường trực đấu tranh quyền lực với nhau bằng bạo lực và bằng gian dối; gặp ông trong các giảng đường, học đường nơi mà các thế hệ trao truyền cho nhau và đón nhận kiến thức tích lũy, có cái thiện mà cũng có nhiều cái bất thiện; người ta cũng gặp ông trong chỗ hang cùng, ngõ hẻm, trong chỗ bùn sình, lầy lội, dưới đáy của xã hội, nơi mà nhiều lớp người đang sống vật vờ trong cảnh tối tăm, cùng khốn. Ông đến những chỗ đó, bằng phép lạ nào đó, mà những bạo chúa trở thành hiền minh, những kẻ khốn cùng trở thành gia chủ hạnh phúc. Đấy là những sự nghiệp được thực hiện bằng thần thông du hý tam muội, mà trong con mắt phàm phu thì chẳng có gì là vĩ đại. Nhưng trong cách nhìn của bậc trí, đó là thần thông diệu dụng còn ly kỳ hơn cả việc nhét nguyên hòn núi Tu-di vào một hạt cải; rót tất cả khối nước từ bốn đại dương vào một lỗ rốn; ôm cả một thế giới Ngân hà chu du khắp vũ trụ.

Vậy thì, Huyền thoại Duy-ma-cật không phải là truyện thần kỳ sáng thế, không phải là ký ức mập mờ mộng tưởng về quá khứ nhân loại, hay là sự thăng hoa từ những ức chế trong đời thường. Huyền thoại Duy-ma-cật là chuyện thường ngày của mọi sinh linh và tự biết đang đổi thay trong từng khoảnh khắc, nhìn thấy vô biên trong hạt cát.
Haṃsādiccapathe yanti,
ākāse yanti iddhiyā;
nīyanti dhīrā lokamhā,
jetvā māraṃ savāhiniṃ.
(Dhp. 175)
Thiên nga bay theo đường mặt trời,
Người có thần thông bay trong hư không;
Bậc trí dẫn ra khỏi thế gian,
Sau khi chiến thắng Ma quân.
Quảng Hương Già-lam,
PL. 2550

TUỆ SỸ: THE LEGEND OF MANJUSHRI: That Bodhisattva, living among people, also endures fate like all creatures; rolls in the school of life to strive for life and the reason for living, on the bustling stage of life’s drama; one may encounter him in the corridors of power where the ruling classes constantly struggle for power with each other through violence and deceit; meet him in lecture halls, schools where generations pass on and receive accumulated knowledge, with the good and also much of the bad; one also meets him in destitute dens, alleys, in muddy swamps, at the bottom of society, where many people are living in a dim, miserable, and destitute situation. He comes to those places by some miracle, and tyrants become benevolent, and the disadvantaged become happy homeowners. These are deeds performed by miraculous psychic powers, which are nothing extraordinary in the eyes of ordinary people. But in the eyes of the wise, that is a miraculous psychic power even more mystical than stuffing Mount Sumeru into a mustard seed, pouring all the water from the four great oceans into a navel, embracing an entire Milky Way galaxy traveling across the universe.

Therefore, the legend of Manjushri is not a mythical creation story, not a vague, dreamy memory of humanity’s past, or an exaltation from the repressions of daily life. The legend of Manjushri is the everyday story of all sentient beings and self-awareness changing at every moment, seeing infinity in a grain of sand.

Haṃsādiccapathe yanti,
ākāse yanti iddhiyā;
nīyanti dhīrā lokamhā,
jetvā māraṃ savāhiniṃ.
(Dhp. 175)

Swans travel along the sun’s path,
Those with psychic powers fly through the sky;
The wise lead out of this world,
After defeating Mara and his army.

Quang Huong Già-lam,
Buddhist era 2550

26/11/2023 PL.2567: TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ Chánh Thư Ký – XLTV Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất | LỄ CÚNG NGỌ – CUNG TIẾN GIÁC LINH MỘT SỐ PHÁI ĐOÀN DÂNG HƯƠNG – ĐẢNH LỄ – THỌ TANG | Vào hồi 16g00. | Nguồn: GĐPTVNTG

Màu áo lam! Tang lễ không bát hương, không vòng hoa, không phúng điếu, không xướng danh, không pháp từ, không đáp từ, không sổ tang, không tiểu sử, không ai điếu, không truy niệm – nhưng có những thế hệ tiêp nối mạng mạch của Phật giáo!(Ảnh: Chế Lik)

Thiên Lý Độc Hành

“Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào”

Hình ảnh Lễ nhập kim quan Đức Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ

Nguồn: Hội Đồng Hoằng Pháp

Hình ảnh Cung thỉnh giác linh tham lễ Phật Tổ
tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam

Nguồn: Hội Đồng Hoằng Pháp

Hình ảnh Cung thỉnh giác linh tham lễ Phật Tổ
tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam

Nguồn: Phước Châu

Lễ Cung Thỉnh Kim Quan Trà Tỳ – Tang lễ Đức Trưởng Lão Hoà Thượng
thượng Nguyên hạ Chứng hiệu Tuệ Sỹ
Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống Tôn sư.

Ảnh: Nhuận Pháp | Nguồn: Hội Đồng Hoằng Pháp

Lễ Cung Thỉnh Kim Quan Trà Tỳ – Tang lễ Đức Trưởng Lão Hoà Thượng
thượng Nguyên hạ Chứng hiệu Tuệ Sỹ
Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống Tôn sư.

Ảnh: Phước Châu | Nguồn: Hội Đồng Hoằng Pháp

Tụng giới, kính viếng

Nguồn: GĐPTVNTG

Cung Đón Xá Lợi – Đức Trưởng Lão Hoà Thượng thượng Nguyên hạ Chứng hiệu Tuệ Sỹ Tôn Sư.

Ảnh: Phước Châu

Tôi rất đau buồn khi được biết Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vừa viên tịch ở tuổi 81. Tôi xin dâng lời cầu nguyện lên Cố Hoà Thượng và gửi lời chia buồn đến chư Huynh Đệ Pháp Lữ của Cố Hoà Thượng cũng như đông đảo Phật Tử của Ngài.

Tôi được biết rằng Cố Trưởng lão Hoà Thượng đã tận tuỵ cống hiến hết mình để phụng sự tha nhân. Mặc dù Ngài ấy không còn ở bên cạnh chúng ta nữa; nhưng chúng ta cũng cảm thấy được an ủi rằng Cố Trưởng lão Hoà Thượng đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Cách tốt nhất mà các môn đệ của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng có thể bày tỏ lòng kính trọng đối với Ngài ấy là noi theo tấm gương của Ngài ấy đã cống hiến hết mình để phụng sự tha nhân.

Với những lời cầu nguyện chân thành!

Đạt Lai Lạt Ma (đã ký)
30 – 11 – 2023

VĂN PHÒNG THÁNH ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

Nhân tuần thất thứ 3 của Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ tại chùa Phật Ân (14/12/2023), trao bản Điện thư phân ưu của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma XIVcho Ban Điều hành tang lễ và Môn đồ pháp quyến. | Ảnh: Pháp Uyển

CUỐI CÙNG SÔNG NÚI GẶP NHAU

Chiều thứ Bảy tuần rồi, trong Lễ Tưởng Niệm Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tôi được giao trách nhiệm tường thuật sự hình thành của Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Tôi thưa nhiều chi tiết nhưng có một chuyện chưa kịp thưa, đó là làm thế nào Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lại có thể đến tận tay Đức Đạt Lai Lạt Ma và đến một cách nhanh chóng trong khi nhiều nơi tại hải ngoại chưa có.

Chuyện rằng, sau thời gian biên tập và in ấn, Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được hoàn tất vào giữa tháng 11, 2023. Cũng trong thời điểm đó, một phái đoàn tăng ni và Phật tử Việt Nam đang chuẩn bị lên đường hành hương viếng thăm các Phật tích tại Ấn Độ. Huynh trưởng GĐPT Tâm Thường Định và cũng là thành viên của Ban biên tập Kỷ Yếu chợt nghĩ ra một sáng kiến rất trang nghiêm nhưng cũng rất dễ thương: Thỉnh Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cùng lên đường hành hương với chư tăng ni và đồng bào Phật Tử. Một trong những cuốn Kỷ yếu đầu tiên được gói kỹ và trao cho một Thượng tọa trong đoàn hành hương.

Thay vì gởi tác phẩm theo hành lý, Thượng tọa đã trân trọng cầm Kỷ Yếu lên máy bay. Chuyến đi được chuẩn bị từ trước. Khi rời Mỹ, giống như nhiều triệu Phật tử Việt Nam khác, Thượng tọa cảm thấy rất nặng lòng. Hòa thượng Tuệ Sỹ vừa viên tịch để lại một nỗi buồn chung trong lòng nhiều triệu Phật tử. Vầng trăng tròn Hạ Nguyên vừa khuất sau rặng Hy Mã Lạp Sơn.

Thượng tọa xuống máy bay nhưng hành lý không xuống. Tất cả đều bị để lại đâu đó trên hành trình dài, ngoại trừ cuốn Kỷ Yếu.

Thượng tọa đã chuẩn bị mọi thứ lễ nghi cúng dường nếu được đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng khi đến nơi thì không có gì cả. Vì thế, khi được phép đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma Thượng tọa chọn dâng lên Ngài cuốn Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thay vì mang theo để tiếp tục cuộc hành hương.

Thượng tọa giải thích cho các phụ tá của Đức Đạt Lai Lạt Ma biết bức hình trong trang bìa là Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, lãnh đạo tinh thần cao nhất của Phật Giáo Việt Nam, vừa viên tịch. Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau khi được các phụ tá bạch lên ngài, đã xúc động nhận món quà cúng dường đầy ý nghĩa.

Ngài có lẽ không đọc được tiếng Việt nhưng khi nhìn ánh mắt tinh anh sâu thẳm của thiền sư Việt Nam trong chiếc áo màu nâu đơn giản Ngài cảm nhận ra được đó là một nhà tư tưởng Phật Giáo lớn, không phải riêng của Phật Giáo Việt Nam thôi mà của Phật giáo thế giới nói chung. Ngài nhận cuốn kỷ yếu và hãnh diện giới thiệu đến chư tăng ni Tây Tạng, Việt Nam và đại chúng đang có mặt để cùng xem hình ảnh một bậc cao tăng vừa viên tịch.

Ngày 30 tháng 11, Đức Đạt Lai Lạt Ma gởi điện phân ưu đến GHPGVNTN trong đó có viết: “Tôi rất đau buồn khi được biết Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vừa viên tịch ở tuổi 81. Tôi xin dâng lời cầu nguyện lên Cố Hòa Thượng và gửi lời chia buồn đến chư Huynh Đệ Pháp Lữ của Cố Hoà Thượng cũng như đông đảo Phật Tử của Ngài. Tôi được biết rằng Cố Trưởng lão Hòa Thượng đã tận tụy cống hiến hết mình để phụng sự tha nhân. Mặc dù Ngài ấy không còn ở bên cạnh chúng ta nữa; nhưng chúng ta cũng cảm thấy được an ủi rằng Cố Trưởng lão Hòa Thượng đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Cách tốt nhất mà các môn đệ của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng có thể bày tỏ lòng kính trọng đối với Ngài ấy là noi theo tấm gương của Ngài ấy đã cống hiến hết mình để phụng sự tha nhân. Với những lời cầu nguyện chân thành!”

Quyết định dễ thương của Huynh trưởng Tâm Thường Định khi “cung thỉnh Ôn đi hành hương Ấn Độ” và quyết định sáng suốt của vị Thượng tọa chọn dâng Kỷ Yếu lên Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Thế nhưng, sợi tơ nhân duyên giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ không hoàn thành từ những khoảnh khắc đó mà đã được đan dệt trong hằng hà sa số kiếp. Cánh hoa Đàm vừa nở trong một lần hạnh ngộ của hai Ngài.

Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ không phải là một tác phẩm lớn về văn chương hay học thuật như nhiều tác phẩm mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được tặng trước đây. Thế nhưng Ngài trân quý bởi vì nhờ chiếc cầu nhân duyên đó mà hai Ngài đã gặp nhau.

Hành trạng của hai bậc đại tăng có nhiều điểm giống nhau. Một người lưu vong trên đất khách 64 năm chưa trở về và một người lưu vong trên chính quê hương mình với một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc.

Dù bản thân hai Ngài chịu đựng biết bao khó khăn thử thách nhưng thay vì gieo rắc hận thù hai Ngài đã dành hết cả đời để hoằng dương Chánh Pháp của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Mỗi Ngài là tác giả của hàng trăm tác phẩm Kinh Luật Luận uyên thâm bên cạnh tình yêu sâu đậm dành cho dân tộc. Tình thương là ngọn nến không bao giờ tàn.

Hôm nay, hai bậc đại tăng, một vị vừa từ giã quê hương Việt Nam ra đi và một vị còn đang sống lưu vong nơi xứ người. Dù không cùng sinh ra trên một đất nước nhưng cùng mang một đại nguyện vô úy cao dày như Hy Mã Lạp Sơn và một tâm từ bi như nước Sông Hằng cuồn cuộn.

Cuối cùng, sông núi gặp nhau.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo

Cuối cùng tranh cũng vừa về đến bên Ôn, dẫu muộn vẫn tròn một khối tình chung của người mong khắc họa lại một Chân Dung vượt thời gian, thời gian của lịch sử điêu tàn… Ông không vẽ dung nhan, mà cố vẽ cho bằng được tư tưởng của Thầy, điều này có tham vọng lắm chăng? Kẻ múa cọ chỉ mong gởi một chút tâm ý, như hương lòng thành kính gởi về đấng Cố Nhân…

“Cố nhân bất khả tầm
Vô thường hội kiến vô thường biệt
Vị nhân ngã tâm thương”

“Vô thường gặp mất khó tìm
Lòng ta đau xót không hình bóng ai”

(viết thay đạo hữu họa sĩ Nguyên Bảo Trần Quang Phước và tri ân Huynh trưởng Quảng Hải Phan Trung Kiên đã chuyển tranh về còn kịp lúc)

* Chuông đại hồng trên đồi Chùa Hải Đức, nơi Ôn Tuệ Sỹ gắn bó sâu đậm một thời, cũng là ý nghĩa Ôn luôn gióng tiếng chuông Tĩnh Thức, Tĩnh Giác.

Sóng Hải Triều Âm diễn tả công hạnh Ôn luôn truyền trao Đạo Pháp thậm thâm muôn phương.

Rạng đông là hoài bảo, hành hoạt của Ôn mong cho Đạo Pháp và Dân Tộc rạng ngời.

Rặng núi Trường Sơn là những gì Ôn tâm ước, tỏ bày trong tập thơ xuất hiện sớm nhất của Ôn, “Giấc Mơ Trường Sơn”. Cố nhiên chỉ đứng ở Thượng Lào mới thấy được Trường Sơn và Thái Bình Dương. Từ Thượng Lào, vị tăng 12 tuổi đã lê dép mỏng về quê nhà để trọn đời đem hết tâm sức, trí tuệ hi hiến cho Đạo cho Dân. | Quảng Pháp

Tăng Ni Hệ Phái Vĩnh Nghiêm – Hoà Thượng Thích Thanh Tùng Trưởng Đoàn cùng chư Tôn Đức Bái Biệt Hoà Thượng Tuệ Sỹ | Ảnh: Nhân Phúc

Hoà thượng Luật Sư Thích Minh Thông, Hoà thượng Thích Lệ Trang Phương trượng Chùa Định Thành cùng chư Tăng các trú xứ đảnh lễ Giác linh Đức Trưởng Lão Hoà thượng thượng Nguyên hạ Chứng – Hiệu: Tuệ Sỹ tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai. | Ảnh: Nhân Phúc

Sinh tử như nhiên, Vô úy bịnh khổ. Phật sự vô khả nại hà…

Ngày 15/10/Quý Mão, Chư Hoà thượng Thích Viên Định, Thích Chí Thắng, Thích Viên Kiên, Thích Lệ Trụ, Thích Thông Siêu và Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước cùng quý Thầy, quý Sư cô và đạo tràng phật tử đến chùa Phật Ân đảnh lễ viếng tang Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. | Fb Trung Kien Phuoc

Phái Đoàn Sư Giác Minh Luật và CLB Nhân Sinh kính viếng

Phái đoàn Sư Cô Hương Nhũ kính viếng

Ni Chúng Chùa Thiên Long
Thành kính tưởng Niệm Ôn Tuệ Sỹ

Nhận tin Ôn đã ra đi
Thiên Long Ni Tự chúng Ni ngỡ ngàng
Tâm tư tất dạ bàng hoàng
Bởi vì từng đã lo toan mỗi ngày
Thức ăn thức uống đủ đầy
Hai thời trai phạn hàng ngày hiến dâng
Kính Ôn Tuệ Sỹ, Chân nhân
Ẩn mình Hương Tích, chuyên cần dịch kinh
Nhớ Ôn ngày đó chí tình
Quang lâm Ni viện, thời kinh nguyện cầu
Tâm Đăng Ni Trưởng qua mau
Cơn bịnh đã kéo bao lâu nay rồi
Chúng Ni lòng dạ bồi hồi
Dặn lòng ghi nhớ lời Ôn giải bày
Pháp môn Niệm Phật xưa nay
Muốn được thành tựu, phải dày công tu
Lời Ôn khơi sáng đèn lu
Chúng Ni nguyện giữ cho dù gian nguy
Tiếc khi sức khỏe yếu đi
Ôn cho nhắn gọi chúng Ni đến gần
Nhưng mà Ni chúng chậm chân
Đến nơi Ôn đã tịnh an giấc nồng
Bây giờ Ôn đã thong dong
Bước chân thanh thản cõi không Ôn vào.
Người đời tiếc nhớ biết bao
Danh Tăng đức độ tài cao ai bì
Khắp nơi ai cũng nể vì
Thanh Văn ba tạng khắc ghi công Ngài.
Melbourne 29/11/2023
Phật tử Thanh Phi
(Cảm tác theo lời kể của Ni Sư Tâm Vân,
Trụ Trì Chùa Thiên Long, Phú Nhuận, Sài Gòn)

Lễ hoa đăng cúng dường

Ảnh: GĐPTVNTG

Gia Đình Phật Tử về Viếng và Thọ Tang Ôn

Nguồn: GĐPTVNTG

TUỆ SỸ & TINH THẦN QUÝ TỘC ĐÔNG PHƯƠNG

Inra Sara
Tin Tuệ Sỹ mất, tôi không buồn.

Như thuở làm sinh viên Sài Gòn 1977-78, người tôi muốn tìm gặp không là Chế Lan Viên, không phải Bùi Giáng hay Trịnh Công Sơn, mà Tuệ Sỹ – duy nhất. Không gặp được ông, tôi không buồn. Nghe tin ông bị kết ản tử hình, tôi cũng không buồn.

Tại sao? Bởi tôi biết ông không thể chết, nói khác đi: Tinh thần Quý tộc Đông phương nơi ông không thể bị giết chết.

Khác với nỗi sa đọa của ngôn ngữ thời thượng, khi đại bộ phận quần chúng cho rằng quý tộc hẳn thuộc thành phần giàu có. Mà giàu có hôm nay là giàu từ thói tham lam vô độ “ăn của dân không từ thứ gì”, giàu từ dối trá trắng trợn, hoặc trục lợi nhờ khai thác sơ hở của pháp luật. Và giàu ấy phải được thể hiện qua ở biệt thự, đi xe sang, tiệc tùng sơn hào hải vị với kẻ hầu người hạ, thỉnh thoảng đi chùa làm thiện nguyện. Ngoài ra không gì hơn không gì khác.

Là thứ giàu mà không sang, phú mà thiếu quý.

Ngược lại sinh linh mang tinh thần quý tộc hội đủ ba yếu tố:
[1] Ý thức đào luyện văn hóa không ngưng nghỉ, văn hóa không chỉ hạn định ở mở rộng hiểu biết, mà còn phát triển đời sống tâm linh;
[2] Ý hướng tự do, tự do đòi hỏi kỉ luật tự thân nghiêm ngặt, để không phải lụy bất cứ thứ gì trói buộc khả tính của mình; và
[3] Tinh thần trách nhiệm: thành tín, danh dự và tràn dũng khí.

Tuệ Sỹ là con người như thế.

“Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ…”

Ông ghé trần gian này một lần và chỉ một lần, rồi đi, tinh thần cùng khí chất quý tộc ông ở lại, cùng nỗi kiêu hãnh sang trọng. Như mạch nước ngầm, dòng sông ẩn mãi trầm chảy dưới mảnh đất hình chữ S này.

Thầy Trong Ba Ngàn Thế Giới

Ảnh: Nhuận Pháp

Vào lúc 3pm chiều ngày thứ Ba, 28/11/2023: TT Phổ Hương (Trụ Trì Chùa Long Quang, Sydney, Úc) và TT Nguyên Tạng (Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, Melbourne; kiêm Tổng Thư Ký Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại UĐL-TTL) thay mặt Giáo Hội Úc đã về đến Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, kính viếng Giác Linh Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. TT Nguyên Tạng đã có phân ưu đến HT Thích Đức Thắng, Thủ Tòa Hoằng Giới HĐPGTU GHPGVNTN, HT Thích Minh Tâm, Trưởng Ban Tổ Chức Tang Lễ Trưởng Lão HT Thích Tuệ Sỹ, TT Thích Hạnh Viên cùng toàn thể Môn Đồ Pháp Quyến trước sự mất mát lớn lao này. TT Nguyên Tạng cũng dâng hương cúng dường và có lời tán dương công hạnh hộ trì Chánh Pháp của Ôn như sau: ” Đúng như lời thẩm định của nhiều Chư Tôn Đức Giáo Phẩm rằng “Thầy Tuệ Sỹ là viên ngọc quý của Phật Giáo Việt Nam”. Quả thật Ôn Tuệ Sỹ là hiện thân của minh triết trong đời sống phạm hạnh và trong văn chương chữ nghĩa. Uy phong đạo hạnh, ngôn từ của Ngài lúc nào cũng tỏa sáng, những lời Đạo từ vàng ngọc của Ngài về một tương lai Phật Giáo Việt Nam phát triển là kim chỉ nam và là một tia sáng soi đường dẫn lối cho hàng hậu thế. Bên cạnh đó, công hạnh nhẫn nhục, chịu đựng sự giam cầm tù đày với bao thống khổ mà ý chí vẫn kiên cường, lập trường vẫn kiên định không xu thời, và trong nỗ lực cuối đời, Ôn đã tiếp nối công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam và ấn hành thành công đợt 1 bộ Thanh Văn Tạng 29 tập. Bao thế hệ Tăng Ni trong và ngoài nước đều nương nhờ ơn đức giáo dưỡng của Ôn. Công đức hộ trì và bảo vệ Chánh Pháp của Ôn thật vô biên, tứ chúng hậu thế sẽ mãi tạc dạ ghi lòng. Hàng hậu học đệ tử chúng con xin thành kính đảnh lễ Giác Linh Ôn và niệm ơn Ôn đã thị hiện vào cõi giới Việt Nam và đã làm rạng danh cho nền Phật Giáo Việt Nam trong hậu bán thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ 21 này. Kính nguyện Giác Linh Ôn chứng vô sanh quả và sớm tái sanh trở lại thế giới Ta-ba để tiếp tục công cuộc hoằng Pháp lợi sanh” | Nguồn: Tu Viện Quảng Đức, Úc Đại Lợi

U.S DEPARTMENT of STATE: On behalf of the American people, we share our deep condolences with the people of Vietnam and followers around the world on the passing of the Most Venerable Thích Tuệ Sỹ, a prominent leader of the Unified Buddhist Church of Vietnam.

For decades, Thích Tuệ Sỹ was a tireless champion for freedom of religion or belief and related human rights, which led Vietnamese authorities to imprison him for more than a decade. He was also a learned scholar and prolific writer and philosopher.

Thích Tuệ Sỹ’s voice will be sorely missed as we reflect on his advocacy for the people of Vietnam. Our thoughts are with his UBCV community in Vietnam and around the world.

Thay mặt nhân dân Hoa Kỳ, chúng tôi xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến nhân dân Việt Nam và tín đồ Phật Giáo trên toàn thế giới trước sự viên tịch của Đại Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Trong nhiều thập niên, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là nhà tranh đấu không mệt mỏi vì tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và các quyền liên quan đến con người, khiến nhà cầm quyền Việt Nam đã bỏ tù ngài trong một thời gian hơn mười năm. Hòa thượng đồng thời là một học giả uyên bác, nhà văn và một triết gia với nhiều tác phẩm.

Tiếng nói của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ được nhớ vô cùng mỗi khi chúng ta suy gẫm về những hoạt động tích cực của ngài vì dân tộc Việt Nam. Chúng tôi cùng hướng lòng đến với cộng đồng GHPGVNTN của ngài tại Việt Nam và trên toàn thế giới.. | HĐHP dịch Việt

Kính gởi Hòa th ượng Thích Minh Tâm,
Trưởng Ban tổ chức tang lễ Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Chùa Phật An,
Long Thành Đồng Nai
Thành phố Hồ Chí Minh,
ngày 27 tháng 11 năm 2023

Kính thưa Hòa Thương,

Thật xót xa khi biết tin về sự ra đi của vị rất đáng kính Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký – Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, người mà tôi đã hân hạnh được gặp vào tháng 7 năm ngoái.

Tôi biết Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được rất nhiều kính trọng vì những hành động bảo vệ cộng đồng Phật Giáo Việt Nam và vô số ấn phẩm rất giá trị của ngài. Với cá nhân, rất ngưỡng mộ trình độ tiếng Pháp của ngài qua lần trò chuyện.

Cho phép tôi được bày tỏ lời chia buồn chân thành đến các thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất và các đệ tử của Ngài.

Kính thưa Hòa Thượng, xin hãy nhận nơi đây sự quan tâm sâu sắc của tôi

Emmanuelle PAVILLON-GROSSER

LỄ TƯỞNG NIỆM TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ

do GHPGVNTN HOA KỲ tổ chức tại chùa Bát Nhã,
Santa Ana, Trụ sở Hội Đồng Điều Hành
Chiều ngày 26 tháng Mười Một, 2023
Ảnh: Huynh trưởng Nguyên Viên Lê Thành, GĐPT Pháp Vân
thuộc Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân Pomona California.

Lễ Tưởng niệm Cố Trưởng Lão Hoà Thượng- Thượng Tuệ Hạ Sỹ
tại Bồ Đề Đạo Tràng – Ấn Độ 29.11.2023

Thể theo tinh thần của người con Phật thành kính tri ân bậc tiền bối đã có sự cống hiến vĩ đại cho sự nghiệp hoằng Pháp lợi sinh, dẫn dắt hậu lai; Chư Tăng Ni Việt Nam tại Bồ Đề Đạo Tràng đồng tâm tổ chức buổi Lễ tưởng niệm tri ân Giác Linh Cố Đại Lão Hoà Thượng – Thượng Tuệ Hạ Sỹ dưới Cội Bồ Đề linh thiêng của Bảo Tháp Đại Giác – vào lúc 9:30 sáng ngày 29/11/2023

Khi giông bão của lòng người lắng xuống, cơn sóng cuồng nộ của ma quỷ lặng yên, nhưng đau đớn thay, ngôi nhà Giáo Hội gần như thành bình địa! Trên hoang tàn đổ nát ấy Thầy vì hai ngàn năm lịch sử Đạo Phật Việt Nam mà nhận lãnh trọng nhiệm xây dựng lại từ đầu.

Ôi, thiên nan vạn nan! Làm sao để vực dậy nội lực của Giáo Hội giữa thời đại tràn ngập hận thù, nghi kỵ và tà thuyết? Dù thân mang trọng bệnh, nguồn mạch trí tuệ và từ bi vẫn không hề suy giảm, Thầy liễu triệt được rằng chỉ có Chánh Pháp thực sự mới soi tỏ lòng người để xua tan đêm dày tăm tối tham, sân, si.

Từ bi nguyện ấy, Thầy khuyến tấn thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp để xiển dương Chánh Pháp đến mọi người, mọi nơi. Cùng lúc, Thầy phục hồi công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam để bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và làm kim chỉ nam cho việc nghiên tầm Phật Pháp.

Nhờ vậy, niềm tin của Tăng, Ni và Phật tử mười phương đối với vận đồ của Đạo Pháp và Dân Tộc được tăng trưởng và cơ đồ của Giáo Hội được dựng lại. | Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Xưng Tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Lễ Tưởng Niệm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tại Chùa Đại Nam 大南寺 , Himeji, Nhật Bản 11:15am, Sunday 26/11/2023 | Ảnh: Quang Duc Homepage

LỄ TƯỞNG NIỆM TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ | Chùa Phật Đà, San Diego, California, USA. | 26.11.2023

Lễ Tưởng Niệm Đức Trưởng Lão HT Thích Tuệ Sỹ tại Tổ Đình Pháp Hoa Nam Úc | TT. Thích Viên Trí (SA)Thích Viên ThànhNhiếp ảnh: Hoàng Lan QTD | Nguồn: Quang Duc Homepage

Ngã Nguyện Vô Cùng

Tâm chí nhỏ thì nhìn thấy cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.

Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.

Trong thiền môn, tâm chí cũng có nhỏ và lớn như vậy. Nhỏ thì mục đích đặt nơi giới phẩm đại đức, thượng tọa, hòa thượng…, hoặc nơi chức danh trụ trì, viện chủ, hội chủ (một giáo hội hay hội đoàn). Lớn thì mục tiêu là làm Phật, trước hết là tu tập hành trì, chứng ngộ chân lý để thoát ly sinh tử (sinh tử đại sự[1]), nguyện nhiều đời nhiều kiếp cho đến vô tận vị lai luôn hết lòng hoằng truyền Chánh Pháp, cứu khổ và hóa độ hằng hà sa số chúng sanh.
Làm trưởng tử của đức Phật thì tâm chí phải cao rộng, không thể thấp bé quẩn quanh nơi ngôi vị hay ngôi chùa. Thậm chí làm người phật-tử tại gia cũng cần học theo tâm chí như thế.

Tâm chí cao rộng thì trải cả thệ nguyện của mình đến vô cùng vị lai, bao trùm cả vô tận không gian. Nơi nào có thế giới khổ đau, có chúng sinh khổ đau, nơi đó xin nguyện có mặt để giáo hóa, không chỉ trong hiện tại mà đời đời kiếp kiếp tương lai.

Nói ra thì có vẻ như là điều không tưởng. Ít người tin là có thể thực hiện được, khi nhìn chung quanh, chỉ thấy đa số là những con người bình thường, tài năng giới hạn, đức độ khiếm khuyết… Có chăng thì là hàng bồ-tát mới thực hiện được.

Nhưng bồ-tát, thực ra không phải là những vị thần linh bay trên trời cao hay ở một cõi ngoài kiếp nhân sinh này. Một khi từ lòng thương cảm trước thống khổ thế gian, cất lên ước nguyện đem lại hạnh phúc an vui thực sự cho số đông, tức khởi phát bồ-đề nguyện, là có thể cất được bước chân đầu tiên trên bồ-đề hành. Nguyện lớn dẫn đường cho những phương tiện thiện xảo hóa độ chúng sanh.

Nghiệm thật kỹ sẽ thấy chung quanh có rất nhiều vị bồ-tát thường tiếp xúc chúng ta, thường nâng đỡ, giáo dục, khuyến hóa chúng ta vượt qua những khổ đau, kiếp nạn của đời thường. Bồ-tát sơ tâm thì giáo hóa nhỏ; đại bồ-tát thì giáo hóa lớn.

Giáo hóa lớn là trải cả sinh mệnh và tâm chí của mình cho việc hoằng truyền Chánh Pháp, cứu khổ chúng sinh; dù hư không có hao mòn hay có một giới hạn nào đó, thệ nguyện của tôi cũng vô cùng tận[2].

Chắp tay ngưỡng vọng những vị bồ-tát đã đến và đi, và sẽ trở lại thế gian thống khổ này để tiếp tục thực hiện con đường hóa độ dài xa vô tận.

California, ngày 22 tháng 11 năm 2023

_____________________
[1] Chỉ có sinh-tử là việc lớn, tức là phải thoát ly cõi luân hồi sinh-tử.
[2] “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng 虛空有盡,我願無窮” – Hư không dù có giới hạn thì nguyện của tôi cũng không cùng tận – trong bài sám Quy Mạng, là một cách diễn đạt khác của Thiền sư Di Sơn Kiểu Nhiên (730 – 799) về thề nguyện vô tận của hàng Bồ-tát đối với Chánh Pháp cũng như đối với việc độ sinh, qua văn phát nguyện của ngài A-nan trong kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong / Thước-ca-ra tâm vô động chuyển” 舜若多性可銷亡 爍迦囉心無動轉 – Tánh hư không dù có thể tiêu vong, tâm kiên cố cũng không động chuyển (Tiếng Phạn: Thuấn-nhã-đa phiên âm từ chữ śūnya, tức là hư không, tính không; Thước-ca-ra phiên âm của chữ Vajra, nghĩa là kim cương, hay sấm sét – dùng trong câu này là nói tính chất kiên cố, sắc bén có thể chặt đứt vật khác nhưng không thể bị phá hủy của kim cương để nói tâm nguyện bất hoại đối với Chánh Pháp).

TTPG Viên Minh – Lễ Tưởng Niệm cố Trưởng Lão Hoà Thượng đạo hiệu Thích Tuệ Sỹ | Chủ Nhật, ngày 26 tháng 11, 2023

“Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ba bậc tôn đức khai sáng một thời đại mới của Phật giáo Việt Nam. Nhìn lại những năm tháng đầy đau thương, chịu đựng trong lao tù mà các tôn đức phải trải qua thật không khỏi đau lòng. Nhưng dù bao nhiêu đau thương, chịu đựng dòng Suối Từ kỳ diệu vẫn chảy. Mỗi thời kỳ đều có những bậc cao tăng thạc đức đứng ra chèo lái con thuyền đạo pháp. Những chịu đựng hy sinh của các ngài sẽ không rơi vào quên lãng mà đã nở thành những bông Hoa Đàm làm đẹp con đường hoằng dương Chánh Pháp của đức Thế Tôn”. | Thị Nghĩa Trần Trung Đạo, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và GHPGVNTN trong Dòng Sống của Dân Tộc và Hướng Đi của Thời Đại
Hôm nay hàng trăm đồng bào Việt Nam cùng với các bậc tăng ni, Phật tử đã có mặt để dự buổi lễ tưởng niệm và thọ tang Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lúc 10:30 sáng thứ Bảy, ngày 25 tháng 11, 2023. | TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI ONTARIO- CHÙA PHÁP VÂN | (Ảnh: Ngọc Phan & Khanh Lan Ho)

Điếu Văn Thành Kính Tưởng Niệm
Trưởng Lão Hòa Thượng Tuệ Sỹ
Thích Nguyên Chứng

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật,
Thành kính đảnh lễ chư tôn đức Ban Tang Lễ
và chư tôn đức trong môn đồ Pháp quyến!

Cung kính đảnh lễ Giác linh Trưởng Lão Hoà thượng
thượng Nguyên hạ Chứng – Pháp Hiệu: Tuệ Sỹ!!!

Hỡi ôi!
Có phải nhịp Vô thường đang vang vang tiếng vọng…?
Một chiều Thu, Thái bình dương đìu hiu buồn cô quạnh,
Sông Đồng Nai, con nước cuồn cuộn vội đổ về Đông,
Ôi! Đất Trời ngấn nghẹn khóc vỡ gan, ai ai cũng khóc;
Biển Nước Việt Nam nhỏ lệ buồn nát ruột, mọi người tự nhiên buồn.

Đất Đồng Nai cơn gió đầu Đông rào rạt, luân phiên thổi năm canh,
Phương trời Đông,
Giông tố loan tin,
Hỡi ôi!
Bờ Tây – Thái Bình Dương, Mỹ Quốc dập dìu con sóng biếc,
Đất Trời như u ám ngấn nghẹn ly tang,
Nghe tin tấc dạ bùi ngùi…
Ôi! Vô thường tang thương, nhanh như chớp,
Đây phương trời Tây, cơn gió Thu năm canh xào xạc thổi,
Từ xa xôi nửa vòng Trái Đất,
Mượn bút thay lời Đạo tình như có mặt chít mảnh khăn tang,
Tấm lòng này… kính bút kính lễ khóc lễ Giác linh.
Phật Ân… Hạc Vàng đã sải cánh trở về Tây!
An Phước, Long Thành, Đồng Nai địa linh nhân kiệt,
Non xanh, nước biếc, đất lành sanh người Hiền sĩ,
Núi Pháp uy nghiêm Hạc Vàng bay lượn về Tây.

Nhịp vô thường vang âm vang tiếng huyền ảo, Diệu Pháp Nguyên Chứng:
Thuận thế vô thường, “ta đi vào cõi mộng”, mình vận Cà-sa khởi gót về Tây;
Cõi hồng trần phù dung vang vọng tiếng thanh, Ứng Lượng Tuệ Sỹ:
Giác
 ngộ vô ngã, “như sương mai, ánh chớp”, thong dong quảy Bát quay về Núi cũ!

Rõ là,
Đất Mẹ Việt Nam cội nguồn Sông Núi của Bậc Hiền sĩ,
Trời Đồng Nai – Đông Nam Bộ dâng lên cao niềm xúc cảm!
Tăng Ni, hàng Sa Môn ngấn nghẹn kính cẩn tiễn đưa Người đức độ,
Môn đồ, hàng Tứ chúng Pháp tử dạ bùi ngùi chít mảnh khăn tang,
Phật Tử khắp nơi trên Thế Giới ngậm ngùi phục bái bậc Chân Nhân Vô úy!!
Ôi, âm vang như sấm chớp!
Người đã đi thật rồi sao, đã đi thật rồi sao!
Ôi!… Đi thật rồi sao!
Tuệ Sỹ đã đi thật rồi!
Cả cuộc đời hành Đạo,
Đạo Pháp – Dân Tộc, Đông Tây đều thấm hóa,
Đạo thể vốn đã vuông tròn, nhập Niết-bàn bất diệt vô sanh,
Giáo Hội kính cẩn ghi gương người Đạo hạnh,
Ta-bà phủ phục lưu dấu bóng Chân nhân.
Xuôi bờ Đông Suối Sông rỉ lệ từ dãy Trường Sơn đổ ra Biển
Pháp thể khinh an, mình vận Cà sa, Quảy Bát, đi thật rồi…!
Ồ ! Đã đi thật rồi…
Cõi mộng Ta-bà, bảy mươi chín năm tùy duyên hạnh ngộ,
Bốn mươi sáu năm trường Giới lạp Giác ngộ độ vô tham,
Sanh – tử, Tử – sanh sao có thể sờn lòng người Pháp lữ,
Khoác Y, Chân nhân Vô úy thể nhập tánh giác Chơn như!

Kính bạch Giác linh Đức Ngài Trưởng Lão Hòa thượng,
Trước án kim quan của Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống,
Trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt,
Trang nghiêm thanh tịnh,
Chúng con thành kính nghiêng mình tiễn biệt Đức Ngài cao đăng Phật quốc.
Trưởng lão Hòa thượng trở về nơi cõi Phật,
Dẫu biết rằng sinh tử là lẽ thường,
Nhưng làm sao tránh khỏi bùi ngùi xúc động!
Kính Nhớ Giác linh xưa:

Paksé, Lào đủ duyên thị hiện;
Sa Môn hạnh theo hạnh nguyện tái lai,
Đã nhiều kiếp là đấng anh tài tuấn kiệt,
Nay hiện phàm để hiển bày chân pháp tánh!
Năm Ất Dậu – 1945, một Cao Tăng tái kiếp làm hài nhi
Ngày 5 tháng 4, đã xuất hiện ở chốn Ta-bà.
Thuở mới sanh có tên là Văn Thương
Thuộc dòng Phạm tộc uy danh
Vốn là chân Pháp khí
Thân tướng trượng phu,
Cốt cách phương phi
Ý chí bất phàm,
Thật duyên lành nên hội ngộ trong nhà Cư sĩ,
Trong gia đình, Thân Phụ Mẫu đều tin kính Phật:
Thân phụ của Ngài là cụ ông Văn Phận – Pháp danh Trung Thảo,
Thân mẫu: Cụ bà Đặng Thị Chín, Pháp danh Diệu Chánh.

Thuở nhỏ lễ phép, hiền hoà, hiếu thảo…
Lại thêm duyên tốt Mẹ thường tạo duyên,
Thầy thường được theo mẹ đi chùa làng gần nhà
Người mẹ hiền sớm tối đã thấy Văn Thương có ý ngộ lý Thiền môn,
Để đến lúc Thầy chỉ muốn ở chùa không về nhà nữa
Năm 1952, vì do chạy giặc Thầy đã kết duyên lành trong Phật pháp:
Cha mẹ đã gởi lên chùa hành điệu
Theo hầu sư phụ là Hòa thượng khai sơn chùa Trang Nghiêm,
Ở làng Tân An, tỉnh Paksé, Lào.
Năm 1954, Thầy chính thức được thế phát xuất gia.
Thật là:
Tái lai vốn sẵn hiện tiền,
Nhân duyên đưa đến
Hạt giống Pháp khí Đại thừa đã đâm chồi
Để mai sau trở nên người Đại chí.

Năm 1960, Thầy trở về Việt Nam
Xa quê, lìa bỏ tình nhà
Hòa chung thế sự một nhà Từ bi
Sư đi và trú tại chùa Bồ đề,
Ngôi Già lam nhỏ gần cầu Gia Hội, Huế
Hành trang của người Hiền sĩ là Vô tướng
Nhưng lúc đó pháp diệu tướng là bộ Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh thư Hán tự Thầy luôn giữ bên mình
Năm 1968, biến cố Tết Mậu thân
Thầy bị lạc mất ở chùa Từ Đàm, Huế.
Đất Thần kinh – xứ Huế
Là nơi long tượng thường xuất hiện
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang
Là bậc Mô phạm Đại thừa khí
Vốn là Chú của Thầy
Một nhà lãnh đạo nổi danh của Phật Giáo Việt Nam
Lúc ấy cũng đang sống tại Huế.

Tuy vậy, với bản tính độc lập,
Bậc anh tài, thanh niên Đại chí
Thầy đã một mình giong ruổi khắp nơi
Qua các địa phương:
Nào Huế đến Nha Trang
Nào Sài Gòn đến Tiền Giang
Và trải dài theo các tỉnh miền Nam
Ý chí tự cường tự lập
Sống đời sống du phương
Nương nhờ các tự viện lớn nhỏ khắp nơi.

Năm 1961, đất Sài Gòn vang danh một thuở
Ở tuổi 16, Thầy thọ giới Sa-di
Với Hòa thượng Thích Hành Trụ
Cùng năm này, thắng duyên hội đủ
Thầy thọ an cư Sa-di giới đầu tiên tại chùa Phật Ân
Nơi tỉnh Tiền Giang cùng với thầy Trí Minh
Lần hồi nương theo pháp nhân duyên
Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ
Bậc Hiền sĩ, bậc Tôn sư phạm hạnh
Đã nhận về thiền viện Quảng Hương Già-lam Gò Vấp.

Đất Sài Gòn nơi Thủ Đô tàng long ngọa hổ
Thầy tốt nghiệp Viện Cao Ðẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964
Học tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh
Phân khoa Phật học niên khóa 1965.
Với các luận triết về Thế Thân (Vasubandhu)
Về A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận
Bậc chân tài Pháp khí tỏ rõ
Hòa thượng Thích Đức Nhuận bậc Mô phạm
Là người đầu tiên đã phát hiện:
Đây là Pháp Khí
Tài năng của người tu sĩ trẻ đã được Hòa thượng
tỏ tường
Ngài đã giới thiệu Thầy vào Viện Đại học Vạn Hạnh
Hòa thượng Thích Mãn Giác
Đương kim phó Viện trưởng khi đó đã đề nghị:
Anh tài trong bốn chúng
Viện nên trao bằng Cử nhân cho Thầy
Nhưng hay thay! Học sĩ tròn đầy
Thầy xin phép được từ chối nhận.

Năm 1970, nhờ những công trình nghiên cứu Phật học
Và những khảo luận Triết học có giá trị cao
Thật trứ danh như Ðại Cương Về Thiền Quán
Do Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu giới thiệu
Liên Hoa ấn quán in 1967,
Triết Học về Tánh Không (An Tiêm xuất bản, Saigon 1970), v.v…
Thầy được đặc cách bổ nhiệm làm:
Giáo sư thực thụ Viện Ðại Học Vạn Hạnh
Sau đó Thầy kiêm Xử lý Khoa trưởng
Phân khoa Phật học niên khóa 1972-1973.
Thầy tinh thông chữ Hán
Biết nhiều ngoại ngữ như:
Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng
Thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit
Bậc trí sĩ uyên bác, Thầy đọc hiểu tiếng Ðức
Nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin
Tác phẩm Thiền Luận nổi tiếng của D.T. Suzuki
Bản Việt ngữ tập 2 và 3 là do Thầy dịch
Đã được in và tái bản nhiều lần từ 1972 đến 1975.

Năm 1973, Thích Trí Thủ bậc Tôn sư
Nhận thấy Thầy mải lo việc nghiên cứu và giảng dạy
Ngài đã đốc thúc Thầy chuẩn bị thọ Đại giới Tỳ-kheo
Và Sa-di Tuệ Sỹ đã chính thức thọ giới Cụ túc
Tại Đại giới đàn Phước Huệ
Tổ chức tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang
Kể từ đó Tuệ Sỹ trở nên người Phạm chí:

Tánh giác chơn như, Nguyên chủng Bồ Đề, hoa đạo đức Đại sĩ rộ nở,
giới thể trang nghiêm, trí sáng tợ như vầng nhật nguyệt;
Trí như Bát Nhã, Chứng ngộ Pháp thân, cõi nghĩa nhân Pháp khí tỏa sáng,
giới thân diễm lệ, khắp càn khôn Y báu lung linh!!

Tuệ Sỹ dung thông Pháp giáo
Uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy
Tinh thông Ðại Thừa giáo
Thầy còn là một ngôi sao lớn
Tinh thông triết học trong bầu trời Tây phương
Văn chương, thơ, âm nhạc…
Tất thảy đều thông suốt.
Ngoài những khảo luận Triết học và Phật học
Ngài đã viết tác phẩm đầy thi vị: ‘Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng’.
Về âm nhạc:
Hòa thượng chơi đàn guitar
Đánh violon, piano, thổi sáo
Thầy tìm hiểu âm nhạc dân tộc
Lại rất am tường nhạc cổ điển Tây phương.

Tuệ Sỹ làm nhiều thơ
Viết một số truyện ngắn
Và các tiểu luận triết học
Phê bình văn học đặc sắc
Phần lớn đăng trên các tạp chí Khởi Hành (1969-1972)
và Thời Tập (1973-1975) tại Sài Gòn.

Đồng thời Hòa thượng cũng là Tổng thư ký
Tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng của Ðại học Vạn Hạnh.

Tập thơ chữ Hán đặc sắc:
‘Ngục trung mị ngữ’
Được Ngài làm trong tù sau năm 1975
Tập thơ ‘Giấc mơ Trường sơn’,
‘Những điệp khúc cho dương cầm’
‘Thiên lý độc hành’
sau này đã được dịch ra Anh, Pháp, Nhật ngữ
Phát hành rộng rãi khắp nơi trên thế giới.

Tư tưởng Bồ-tát đạo
Thực hành Đại thừa giáo
Đã trở thành kim chỉ nam
Trong hành trạng và giáo hóa của Ngài
Pháp Hoa kinh, Duy Ma Cật
Đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Thầy
Ngài đã trở thành biểu tượng uy đức
Của sự đấu tranh ôn hòa
Hy hiến cho các giá trị nhân quyền
Và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Năm 1973, Hòa thượng về Nha Trang
Làm Giám học Phật học viện Trung phần
Do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Năm 1975 lịch sử,
Tại Phật học viện Trung phần
Hòa thượng Tuệ Sỹ đang phụ trách giảng dạy
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975
Cơ sở này bị đóng cửa
Đức Ngài về ẩn cư tại một miếng rẫy chùa
Ở ven rừng Vạn Giã, cách Nha Trang chừng 60 km.

Ðến năm 1977, vào Sài Gòn lánh nạn
Trú ở chùa Tập Thành Bình Thạnh.
Năm 1978, Hòa thượng bị nhà cầm quyền bắt giam:
Với 3 năm không xét xử
(tội cư trú bất hợp pháp)
Cuối năm 1980 thì được phóng thích.

Do hoàn cảnh mấy năm lang thang và ở tù
Ngài nhận thấy giới thể bị ảnh hưởng
Có thể không thanh tịnh
Tại Quảng Hương Già-lam năm 1982
Hòa Thượng được thọ lại Đại giới Cụ túc
Do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ làm đàn đầu,
Hòa thượng Thích Trí Quang làm tôn chứng
Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm tuyên luật sư.

Cũng trong khoảng thời gian ấy
Từ năm 1980 đến 1984
Hòa thượng làm Giáo thọ sư
Cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già-lam
Do Trưởng Lão Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Vòng thời gian xoay chuyển
Tháng 4 năm 1984, Ngài lại bị bắt
Trong lúc ấy cùng có Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát
Và cùng 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử
Vào cuối tháng 9 năm 1988,
Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày
Ngài không chấp nhận luật sư chỉ định biện hộ
Mà hai thầy tự biện hộ cho mình
Nhà cầm quyền đã kết án Tử hình:
Hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu
Vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Cảm phục Tuệ Dũng và Vô úy của các Ngài
Cùng sự tranh đấu tích cực
Của các nhân sĩ trong và ngoài nước
Sự can thiệp tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế
Hà Nội phải vội vã giảm án hai Thầy
Xuống còn 20 năm khổ sai
Họ đã đem giam Hòa thượng tại Xuân Lộc, Đồng Nai
Sau đó chuyển riêng Hòa thượng ra trại A-20 tỉnh Phú Yên.
Tháng 10 năm 1994, với sự phản kháng trong tù
Hòa thượng bị nhà cầm quyền:
Tách đưa ra trại giam Ba sao, miền Bắc.
Tổ chức Human Rights Watch cảm phục:
Trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền
(Hellman-Hammett Awards)

Cùng với 7 nhà đấu tranh khác vào ngày 03 tháng 8 năm 1998.
Cùng năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng
Trước đó, Hòa thượng đã tuyệt thực trong tù
Với những lời Dũng lực – Tuệ khí trứ danh:
“Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này,
tính pháp lý của bản án này,
các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.”

Ngày 02 tháng 9 năm 1998,
Hòa thượng Tuệ Sỹ được đưa lên xe lửa về Nam.

Uy đức, Trí đức, Dũng khí vượt tầm pháp giới
Tháng 4 năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã:
Đề cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN.

Năm 2002, với trách nhiệm Pháp vụ
Pháp sự: Đệ Nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo
Ngài là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Là một trong những trụ cột
Người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị:
Hòa Thượng Thích Huyền Quang
Và Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ
Đồng hành trong công cuộc đấu tranh:
Đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam
Nhất là quyền phục hoạt:
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Đầu tháng 3 năm 2003
Khâm lệnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang
Bị quản thúc tại Quảng Hương Già-lam
Thầy đã tháp tùng Hòa thượng Thích Huyền Quang
Nhị vị ra Hà Nội chữa bệnh
Và chuẩn bị gặp Thủ tướng đương thời:
Phan Văn Khải, để yêu cầu ngài Thủ tướng giải quyết:
Việc đã đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975
Cũng như sự cấm đoán
Quản chế không xét xử bản thân Hòa thượng
Cùng với Hòa thượng Thích Quảng Độ
Và một số Tăng ni, Phật tử khác.
Trong dịp này, đại diện ngoại giao:
Sáu nước thành viên Khối Liên Âu và Hoa Kỳ
Đã chủ động tìm gặp Hòa thượng Tuệ Sỹ
Mời Hòa thượng đến thăm
Và làm việc tại trụ sở ngoại giao của phái bộ Liên Âu ở Hà Nội.

Ngày 01 tháng 10 năm 2003,
tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định
Hòa thượng đã cùng nhị vị Hòa thượng:
Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ
Những bậc Long tượng của Thiền gia
Tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN.
Sau Đại hội này, hai vị Đại lão Hòa thượng
cũng như Hòa thượng Tuệ Sỹ
và một số Tăng ni tham dự đã bị:
Nhà cầm quyền quản chế mỗi người một nơi
giám sát chặt chẽ.
Tuy gian nguy nhưng tinh thần Vô úy :
‘Uy vũ bất năng khuất’
Hòa thượng đã sát cánh cùng nhị vị Hòa thượng:
Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ
Đã ủy thác cho các GHPGVNTN Hải ngoại:
Tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN
Tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu.
Chính Đại hội này – năm 2023
Đã công bố đầy đủ nhân sự:
Lãnh đạo Giáo hội trong nước và hải ngoại
Toàn thể Tăng Ni Phật tử đã suy tôn:
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị
Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN.

Năm 2008 là năm huyền vi lịch sử
Đức Đệ Tứ Tăng thống GHPGVNTN:
Thích Huyền Quang viên tịch.
Ngôi vị cao cả được trao lại cho:
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ truyền thừa
Ngôi vị Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN.

Trong khi Pháp sự trọng vụ ngút ngàn
Tuệ Sỹ Hòa thượng dành hết thời gian
Và sức lực cho công việc trước tác
Nào phiên dịch Phật ngôn
Nào Phật sự đào tạo từng nhóm Tăng Ni
Để đủ trình độ nghiên cứu Phật học
Gieo trồng hạt giống phiên dịch kinh điển sau này.

Trong thời gian này:
Hòa thượng đã hoàn thành phiên dịch
Và hiệu đính 4 bộ kinh A-hàm
Kinh Duy-ma-cật sở thuyết
Bộ Luật Tứ phần
Các bộ Luận Thành Duy Thức
A-tì-đạt-ma Câu-xá
và nhiều trước tác khác…

Ôi chân đức, uy linh
Văn thao bút nhạy!
Hy hiến, Dũng Tuệ cân bằng
Phát huy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Đắp xây Tăng già Bản thệ
Trung hưng giáo Pháp.

Tháng 03 năm 2019,
những ngày tháng tri hội
Đức Đại lão Hòa thượng:
Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN dự tri thời chí
Ngài tự biết sức khỏe không còn nhiều
Ngài đã mời Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tương hội
Đã gặp nhau tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn
Đức Đệ Ngũ Tăng thống phú chúc di ngôn và ấn tín:
Của Viện Tăng thống GHPGVNTN
Ủy nhiệm Hòa thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo
Đảm nhiệm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Ngài viên tịch.

Đến tháng 02 năm 2020,
Đại lão Hòa thượng Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN
Đã thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch tại chùa Từ Hiếu.

Lúc này, HT Thích Tuệ Sỹ đang chữa trọng bệnh tại Nhật Bản
và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid, không thể về nước.

Tháng 11 năm 2021,
Ngài chủ trì Đại hội lần thứ nhất:
Hội đồng Hoằng pháp
Quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời
Nhằm để kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng
Từ Chư tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương – Viện Tăng thống GHPGVNTN
Vốn đã thành lập từ năm 1973.

Ngày 03 tháng 12 năm 2021,
Thông bạch số 11/VTT/VP chính thức công bố:
Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời được thành lập.
Từ đây, Phật sự tiếp nối
Công việc phiên dịch
Cho đến hiệu đính
Chứng nghĩa chuyết văn
Và tổ chức in ấn được đẩy mạnh
Tất thảy đều theo quy củ đã định
Đã hình thành 29 tập đầu tiên
Và được khởi in trong năm 2022
Thật hoan hỷ thay!
Với công đức dự phần của các bậc Tôn túc
Cho đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước
Đã đặt nền móng cho công trình Đại Tạng Kinh Việt Nam
Kể từ đó chính thức được tiếp nối
Từ Hội nghị Toàn thể:
Hội đồng Phiên dịch Tam tạng tháng 10 năm 1973 lịch sử.

Cũng trong năm 2022 lịch sử lưu dấu ấn:
tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai,
Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN
Đã suy cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Đảm nhiệm trách vụ:
Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống.

Pháp sự hanh thông
Vào ngày 22 tháng 8
Tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài-gòn
Hội đồng đã cử hành lễ truyền trao ấn tín
Và khai ấn Viện Tăng Thống cho Hòa thượng đương vị.

Quả thật là Chân Đức Tuệ Giác,
Trở nên lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngoài thời gian lãnh đạo, hoạt động Phật sự,
Trưởng lão Hòa thượng còn dành thời gian viết sách,
Sáng tác thơ văn hoằng pháp
Để lại bút tích cho hậu nhân.

Gương hạnh tuệ sáng ngời Đuốc Tuệ,
Mọi Phật sự vẫn tuỳ duyên vô ngại,
Vô cầu, vô chấp với khí lượng vô tham,
Việt Nam sáng ngời gương Vô uý!
Nơi trần thế vẫn ghi tạc dòng tưởng nhớ:
Đạo hạnh,
Chân nhân,
Uy đức,
Vô uý,
Hiền sĩ,
Ứng lượng khí,
Sáng tỏ giáo hạnh tùy duyên!
Những đóng góp,
Và dấn thân của Ngài,
Muôn người, muôn nơi đều ghi nhận,
Ôi! Gương sáng ngàn đời,
Đạo pháp và Dân tộc sáng ngời trong uy đức ấy!

Tất cả pháp sự:
Dù thế sự hay là Phật sự đều một lòng hy hiến
Dựng xây bằng chân tâm siêu thế
Trọng trách hành hoạt trong nhân sinh
Hành Đạo trong Nhân thế
Tất cả đều được vun bón trên tự tánh Niết-bàn!
Tất cả đều trở thành hoa hương diễm lệ của tánh Bát-nhã!
Tất cả đều trở thành giới đức vô úy trang nghiêm:
Bậc Chân nhân Hiền sĩ hành đạo trong lòng Nhân thế
Để huy hoàng Phật Nhật Tông Môn,
Để hưng phát Tăng Đồ GHPGVNTN!!
Ôi thật thanh cao!
Ngài đã dụng Pháp hòa đồng cùng Xuất ly Pháp
Dụng thể tánh dù là Chân Đế hay là Tục Đế tất thảy đều phi phàm
Liễu Đạo màu, Vô úy, Vô Ngại, Vô cầu, Vô ngã
Tùy duyên, thong dong tự tại vào ra trong các cõi.

Những ngày cuối đời,
Từ nơi giường bệnh tỏ rõ:
Sanh với Tử – Tử sanh như trò đuổi bắt,
Sanh Tử như giấc ngủ nối dài,
Quy luật Vô thường:
Có đến có đi,
Dù thân có bệnh, nệ hà chi cơn sanh tử gần kề
Còn mất là lẽ thường trong Vũ trụ!
Hòa thượng đã cẩn thận sắp xếp mọi sự
Ân cần dặn dò những việc cần làm của GHPGVNTN
Cũng như công trình phiên dịch:
Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng đồng hành sự.

Một buổi chiều,
Phật Ân tự Trời đất âm u,
Vận khí với hình chuyển,
Dòng thời gian chiếu tỏ gốc tử sanh,
ngày 24 tháng 11 năm 2023 là ngày báo hiệu
(nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão)
Vào phút giây trong lúc ấn định 16 giờ,
An nhiên thu thần viên tịch,

Dẫu rằng,
Hòa thượng đã đi vào thế giới vô tung bất diệt,
Sau cùng thân dừng lại vô âm.
Cơn sanh tử, hỡi đưa Người vào nơi an nghỉ
Rõ hồng trần nhé tỏ rõ ánh ban mai:
Buông thể xác nhẹ nhàng quên thân tứ đại,
Thoát hồng trần nhập Phật cảnh thỏa rong chơi!

Phật sự đã tinh cần,
Tâm nguyện đã di ngôn,
Bậc Sa-môn những việc cần làm cũng đã làm,
Thế sự vô thường là lẽ đương nhiên,
Có sanh ắt có tử,
Có có nên có diệt là lẽ thường,
Sanh không diệt mới trở thành vô lý,
Ngài thuận thế vô thường,
Xả bỏ báo thân giả hợp,
Tứ đại rồi đây trả về cho Tứ đại,
Bớt nợ hồng trần,
Bậc Hiền sĩ quẳng gánh rong chơi!

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội,
Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ,
Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Vọng khấu, đảnh lễ Giác linh Ngài cao đăng Phật quốc!

Con, Khất sĩ Thích Giác Chinh
Pháp Hiệu: Pháp Thuận

Người Học trò đã có duyên đến Tu Viện Quảng Hương Già Lam Gò Vấp,
Sài Gòn theo học 4 năm chuyên khoa Phạn Văn,
đã được Ôn dạy cho nhiều bản Kinh nguyên gốc Phạn,
trong đó Bản Kinh văn Bát nhã tâm kinh là tinh túy mà con đã được Ôn chỉ dạy.

Thiền Thất Vô Ưu,
Rừng Thiền Pháp Thuận Thiền Viện,
Ngày 25 tháng 11 năm 2023,
San Diego, Tiểu bang California, Mỹ Quốc,
Cung kính lễ!

THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM VÀ ĐẢNH LỄ GIÁC LINH TRƯỞNG LÃO HOÀ THƯỢNG
Huý thượng NGUYÊN hạ CHỨNG hiệu THÍCH TUỆ SỸ(1945- Nov 24.2023)

Tiễn Bạn!

Hàn Tuấn
Hai người như được sinh ra
Cùng nhau góp sức thiết tha với đời
Trái tim rộng mở đất trời
Kiến văn, tri thức gọi mời đó đây
Tuổi trung niên luôn tràn đầy
Mong đem sở học tỏ bày, tiếc chi
Con thuyền Phật giáo lâm nguy
Vẫn luôn kiên định những gì mình mang!
Dù chông gai cũng chẳng màng
Mạnh Thát, Tuệ Sĩ hiên ngang ngẩng đầu
Biết là gian khổ, dài lâu
Nào ai biết được bể dâu vẫn còn
Mỗi ngày qua có hao mòn
Tín tâm bất hoại, lòng son giữ gìn
Cường quyền, bạo lực, vô minh
Không làm nhụt chí khiến mình đổi thay
Hạnh “vô uý” luôn tỏ bày
Ma vương khiếp sợ, đi ngay tức thì
Huân tập trí tuệ Từ Bi
Nhận chân “giả ngụy”, đường đi vững bền
Kiếp nạn này cũng nói lên
Quê hương, Đạo pháp càng nên giữ gìn
Thời gian thấu hiểu được “tình”
Để đi đến đích, cho mình sáng trong
Nhưng rồi nửa cuộc, người mong
Một vì sao sáng đã không cháy cùng
Một người ở lại sầu chung
Trần gian chợt tối, chập chùng câu kinh
Bạn nằm đó thật an bình
Hẹn ngày gặp bạn chúng mình bước đi
“Đôi mắt ướt”, vàng thiên di
“Áo màu xanh”, vẫn chỉ màu xanh …!
“Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Ngàn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương”*
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !
KÍNH TIỄN GIÁC LINH THẦY VỀ CÕI PHẬT !
TB: *Thơ của Thầy Tuệ Sĩ
Hàn Tuấn cảm tác bài thơ này từ bức ảnh : Thầy Lê Mạnh Thát di quan Thầy Tuệ Sĩ

Tôi như chợt nhìn ra cuộc vận động lặng lẽ, và là rường cột của Thầy Tuệ Sỹ chủ xướng. Chủ ý của Thầy là dành sức cho vận mệnh Phật Giáo Việt Nam độc lập và tinh khiết – một ngày mai phải đến. Sau năm 1975, việc tách nhập Phật Giáo, tạo thành nhánh mới vào năm 1981, mọi thứ hoàn toàn là chỏng trơ, với toàn bộ trí tuệ kinh điển, đều là của những bậc đại sư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tạo dựng, chuyển soạn, phiên dịch… Ngoài đền đài, những tượng Phật to lớn và ngôn từ thao túng trục lợi dân chúng của giáo hội mới, xương sống của Phật Giáo Việt Nam độc lập là kinh điển hình thành mọi lý thuyết, vẫn sừng sững không thể xâm phạm và xoá bỏ. Nếu cam tâm huỷ diệt, tức có nghĩa huỷ diệt luôn cả bộ mặt sơn son thếp vàng vô hồn của Giáo Hội Phật Giáo mà nhà nước dựng lên. 

Đời người thì hữu hạn, và cả một chế độ cũng hữu hạn. Tiếp tục duy trì trí tuệ thật, của Phật Giáo thật, là chuyện của trăm năm sau, của những thế hệ tìm thấy chỗ dựa để dựng lại xã hội Việt Nam, với Phật giáo đang suy đồi vì danh lợi và chính trị. Và hơn hết, dành sức cho tri thức Phật Giáo, cũng đồng nghĩa làm thất bại những lời vu cáo về “lợi dụng tôn giáo, hoạt động chính trị”.

Cũng như nhiều năm trước, đột nhiên Thầy Tuệ Sỹ phải bước ra, cất tiếng trong vận mệnh của Phật Giáo Việt Nam trong bi thương. Hôm nay, ngài chấp nhận im lặng trước những câu hỏi không thể trả lời một lần, mà đang dồn sức lực cuối cùng, hành động cho tương lai của Việt Nam, tương lai của vận mệnh Phật Giáo Việt Nam ngàn đời.

Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ ngọn đuốc sáng. Đây có thể là ước nguyện xa vời, thậm chí sáo rỗng  đối với một số người. Nhưng đó chính là mặt đất kim cang để trên đó tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình”, lời của Thầy nói với tuổi trẻ Việt Nam từ nhiều năm trước, đến nay vẫn y nguyên vậy. Sự kiên quyết và hành hoạt không lùi bước của Thầy có thể được xem như một thái độ chính trị cho đạo Phật trước buổi hỗn mang, nhưng chung quyết vẫn là ý chí và tâm nguyện của một người kiên tâm thừa tự chánh pháp, nguyện soi đường cho thế hệ Việt mai sau. | Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh

Ảnh thị giả lén chụp trong thời hành thiền của HT
tại bệnh viện cuối tháng 9/2023, lúc trời mờ sáng.

“Một người nghiêm cẩn giới luật như Ôn luôn khiến tôi lo âu vì lỡ trong thời gian an cư lại xảy ra sự cố về sức khỏe mà Ôn nhất định không chịu nhập viện để điều trị. Nỗi lo của tôi đã thành sự thật, khi xuất hạ, lượng hồng huyết cầu của Ôn giảm xuống dưới 50% và bị viêm phổi nặng. Trở về nhìn Sư Phụ tiều tụy xanh xao, tôi van nài Ôn nhập viện ngay. Cuộc chiến cam go ngộp thở, tranh giành sự sống hàng ngày lại tiếp diễn… Không phải đệ tử nào cũng hiểu việc trụ thế của Ôn quan trọng thế nào với Phật Giáo Việt Nam trong hiện tại và lâu mãi về sau, nhưng mọi người đều không thể chịu được khi nhìn hình ảnh vị chân sư khả kính, song gầy yếu của mình bị những cơn đau như sóng biển vùi dập. Nghị lực thiền định của Ôn rất lớn, nhưng những biểu hiện run bần bật, toát mồ hôi lạnh trên gương mặt của Ngài khiến nhiều người bật khóc. Mọi người đồng lòng cầu khẩn Ôn đi chữa bệnh, bị ép quá có lần Ôn đã vẫy taxi rồi bỏ đi suốt một ngày. Những người biết chuyện đổ xô đi tìm, song Sài Gòn rộng lớn, 15 triệu con người chen chúc, biết tìm Ôn nơi nào? Đến tối muộn Ôn về và đồng ý đi chữa bệnh. Ôn nói: ‘Nếu bây giờ tôi buông xuôi không chữa bệnh, thì đã phụ lòng mọi người lo lắng, chăm sóc cho tôi suốt thời gian qua, thêm nữa nhân duyên với cõi này chưa dứt, thành ra tôi đồng ý kéo dài thêm thọ mệnh để làm nốt những việc cần làm’”… | Quảng Diệu Trần Bảo Toàn, Chiến Binh Tuệ Sỹ

Tuệ Sỹ, buông tay nơi vách núi

Nhà báo Mạnh Kim

Không có ngôn từ nào đủ để miêu tả chính xác và đầy đủ về chân dung một người nhỏ thó về ngoại hình nhưng quá khổ về tầm vóc của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy không chỉ là một nhà tu. Thầy là một nhân vật văn hóa vĩ đại với dấu ấn vĩ đại trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Thầy là nhà thơ, Thầy là nhà văn, Thầy là nhà nghiên cứu Phật học, Thầy là triết gia, Thầy là thiền sư, Thầy là giảng sư của nhiều thế hệ…

Thầy là một người rất Việt Nam, một con người phi thường, một nhân vật ngoại hạng. Tất cả những gì được tích lũy trong con người bình dị này đều do tự học. Thầy tự học tiếng Phạn, tự học chữ Hán, tự học dương cầm… Chỉ có một trí tuệ siêu việt khác thường mới có thể lãnh hội ít nhất 12 ngôn ngữ với trình độ thông thạo tuyệt luân…

Đạo Phật được truyền dạy qua Thầy là một môn Phật học cao thâm vượt quá khuôn khổ một tôn giáo với tín ngưỡng thờ phụng dân gian để trở thành một triết lý huyền diệu mà không bao giờ có thể thẩm thấu đến tận cùng nếu chỉ “tu” mà không có “học”.

Thầy Tuệ Sỹ đã cứu tôi, dù tôi không phải là đệ tử của Thầy. Những năm tháng nghèo khổ và hoàn toàn lạc lõng vô định những năm 1990, tôi đã đi tìm những cái phao triết học, đặc biệt Phật học, để dò dẫm bước tới. Và chỉ khi “gặp” được Thầy Tuệ Sỹ, cùng với những trí tuệ trác tuyệt ở thời của Thầy, trong đó có Phạm Công Thiện, Thích Minh Châu, Trí Hải…, tôi mới tự “trị liệu” được cho mình. Tôi vĩnh viễn biết ơn những vị thầy này, đặc biệt Thầy Tuệ Sỹ.

Một số nhân vật xuất hiện trên đời dường như để cho thấy họ vượt ra khỏi và hoàn toàn không bị bất kỳ quy luật thông thường nào có thể khiến họ khuất phục. Cuộc đời của Thầy Tuệ Sỹ không chỉ là tấm gương đồng bóng loáng sáng rực cho trí tuệ minh mẫn và sức làm việc cổ kim hiếm có mà còn là hình ảnh sừng sững đứng vững trước những trận phong ba kinh hồn, từ bản án tử hình đến những năm tháng tù tội.

Từ khi là giảng sư Phật học tại Đại học Vạn Hạnh khi chỉ hơn 20 tuổi, Thầy Tuệ Sỹ đã là một cây cổ thụ. Suốt hơn nửa thế kỷ, cây cổ thụ Tuệ Sỹ không ngừng tỏa bóng mát cho thế gian. Giờ đây cây cổ thụ đã trút hết lá. Thầy phẩy tay áo cà sa, thanh thản, mỉm cười. Nếu những năm tháng sống ở đời không khác gì việc níu vào vách núi để làm những gì phải làm cho chúng sinh, bây giờ Thầy nhẹ nhàng buông tay. Thầy, đứng dậy, đi về với Phật.

Ai Điếu Hòa Thượng Tuệ Sỹ

Một giọt sương rơi
Cho hiên chùa thêm quạnh
Một vầng trăng về tây
Cho biển tối thêm sâu
Một Tăng Triệu thời nay
Giũ áo qua cầu
Tiếng thạch sùng khuya
Gió lùa tàng kinh các
Cầm đèn tuệ chênh vênh
sống một đời cao sĩ
Vóc hạc gầy mong manh
hồn chứa hết tam thiên
Chí cao vợi
cô đơn
dặm trần không tri kỷ
Phiên chợ đời phũ phàng
Sao đắt đỏ chữ duyên
Trời nam lặng một bóng người
vai gầy cõng đạo, một trời sở tri
việc xong, quẳng gậy mà đi
hổ khê áo cỏ dặm về trăng soi…
Toại Khanh

Hạnh Chi: Năm vóc sát đất…

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Giờ phút này đây
Trọn vẹn tâm ý
Chúng con gần, xa
Không còn gì hơn
Ngoài câu niệm Phật
Hướng về trời Nam
Đảnh lễ Giác Linh
Sư Phụ uy nghiêm
Đã về với Phật

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

4 giờ, chiều Thứ Sáu ngày 24 tháng 11 năm 2023
(Nhằm ngày 12 tháng 11, năm Quý Mão)
Đệ tử Hạnh Chi
Khể thủ cẩn bái

Kính Dâng Tuệ Sỹ Thượng Nhân

Cuộc lữ hề đi thôi
Vượt thác ghềnh hề chèo với trăng
Mang mang hề đất trời
Mơ Trường Sơn hề Thiên lý độc hành.
Thưa bậc Thiện tuệ!
Hỏi trang Thượng sỹ!
Người từ đâu đến
Người đi về đâu?
Hỏi gió Trường sơn, mặc khách về đâu, chỉ thấy rừng cây, đứng ngắm trăng ngàn mơ huyễn thoại
Gọi triều Đông hải, cô thuyền ẩn tích, mới hay con sóng, xóa nhòa vết nhạn giữa tầng không.
Gõ thất Duy-ma, thất chủ đã lên Hương Tích mượn bồ đoàn, tám vạn bốn ngàn tòa đãi khách
Vào hang Ca-diếp, Đầu đà đang ẩn Kê Túc đợi Từ thị, thiên bá ức linh tải chờ người.
Hỏi Trúc Đạo Sinh đá gật đầu cười
Đến Đường Lâm Tế sư rền giọng hét
Bụi chẳng thèm bay, bóng trúc quét
Nước không gợn sóng, ánh trăng soi
Tào Khê chảy mãi không lời
Linh sơn mây trắng ngàn đời du du.
Kính lạy Giác linh Tôn sư!
Con về lạy dưới chân Thầy
Nghe bao pháp nhũ đủ đầy trong tâm
Chùa xưa vọng tiếng chuông trầm
Cỏ cây mây nước cũng thầm dâng hương.
Nhớ Giác linh xưa!
Hương quán Quảng Bình
Xuất sanh Pakxé
Ấu niên vào chùa ngâm kinh xướng kệ
Bảy tuổi hồi hương học đạo hành Thiền.
Hải Đức Nha Trang quy tụ trí thức ba miền
Quảng Hương Già Lam thu hút anh tài khắp chốn.
Học đường Vạn Hạnh gửi tâm tư giữa trời Nam hỗn độn
Tạp chí Tư Tưởng dâng ý nguyện về Phật Việt thiêng liêng.
Viết sách, làm thơ, chơi nhạc tùy duyên
Khảo cứu, biên thư, dịch thuật mẫn cán.
Khóc vận mệnh bao phen khi quê hương lửa đạn
Buồn trí thức nửa mùa lúc tổ quốc lâm nguy
Giun dế cắn đứt cà non Người vì đời đổ lệ tàm ty
Bọ rùa nhắm tàn dãy bí Thầy phong kín nổi hờn ngoan thạch. (1)
Dấn thân ư? Oan ức không cần biện bạch
Tù đày ư? Khóa miệng cũng vẫn hành Thiền
Trở về sau bản án chung niên
Dựng lại cả một miền Tuệ giác.
Đem cái học Khổ, Không hỏi ngài Duy-ma-cật
Vận hùng tâm Thọ, Nguyện vấn hoàng hậu Thắng Man
A-tỳ-đạt-ma Câu-xá ngàn trang
Trường, Trung, Tạp, Tăng A-hàm bốn bộ.
Truyền thống tổ tiên đang dần vào tuyệt lộ
Đại lao cổ đức làm Bỉnh pháp Tỳ-kheo
Cô thân giữ vững tay chèo
Tử sinh bóng hạc bọt bèo trường không.
Kính lạy Giác linh Tôn sư!
Tổ quốc bốn mươi kỷ tâm linh, rót xuống trăm năm đấng Tuệ tài kiệt xuất
Quê hương hai ngàn năm Phật giáo, vọng về thời đại bậc Sỹ khí vô song.
Tuệ ngọc ngời soi, ngoan thạch châu tuần, trí đức bàng hoàng trời kinh viện
Giới châu ánh hiện, mây ngàn hội tụ, biện tài chất ngất đất già-lam
Tuyết lãnh hạc gầy, chữ nghĩa tam thiên dậy ba đào bốn biển
Hằng giang nguyệt ấn, khơi nguồn huyền thoại, kinh thư bát vạn nhòa cổ lục năm châu.
Giấc Mơ Trường Sơn gọi gió biển về đâu
Ngục Trung Mỵ Ngữ (2) gieo u sầu nhân thế
Độc đối thành tùng kể lể
Đạp trước hồng lô ngủ vùi (3)
Thỏng tay vào chợ rong chơi
Dời trang Kinh Phật vào đời mông lung.
Thầy ơi!
Với các bậc kỳ tài, Thầy trọng thị, khiêm cung
Cùng những kẻ hậu lai, Thầy từ ái, nâng đỡ
Chưa thấy Thầy chê bai ai dù chuyện hay chuyện dở
Chẳng thấy Thầy khuất phục ai dù bạo thế cường quyền
Pañca- sīla Người rất mực trinh tuyền
Pātimokkha Thầy tinh chuyên trì niệm.
Than ôi! Lô hỏa thuần thanh chừ tắt lịm
Hỡi ôi! Chiên đàn hải ngạn chừ thanh lương
Huyết thống tâm linh tìm đâu chỗ tựa nương
Sự nghiệp thánh điển còn ai người chèo lái
Thất chúng về vọng bái
Người thanh thản ra đi
Trên linh đài Người mỉm mật huyền vi
Dưới kim quan chúng thầm thì huyết lệ
Xao xác tiếng gà bên trời Tây kể lể
Bơ vơ điệu thở giữa hồn Việt ngậm ngùi
Kính dâng vài chữ bồi hồi
Trường Sơn viễn mộng xa rồi Thầy ơi!
Thùy Ngữ Thất, Mạnh Đông năm Qúy Mão.
Đệ tử Thích Nguyên Hiền kính lễ.
Chú thích:
(1) Hai câu này lấy ý từ bài thơ TA BIẾT trong Giấc Mơ Trường Sơn.
(2) Giấc Mơ Trường Sơn và Ngục Trung Mỵ Ngữ là tên hai tập thơ chữ Việt và chữ Hán của Tuệ Sỹ.
(3) Độc đối thanh tùng và Hồng lô thụy bãi là những ý trong các bài thơ của Ngục Trung Mỵ Ngữ.

Ôn Đi Ra Từ Trang Kinh…

Minh Hạnh

Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Tráng, vào những ngày tháng cuối đời, môn nhơn hậu học thỉnh Ngài giảng luận và chú thích thêm cho một luận kinh. Thân đã luy, hơi đã yếu, Ngài gượng sức mà chú giảng, được một đoạn, bỏ kinh luận xuống, bảo “sức tôi đã yếu, đây là đoạn chú giảng cuối cùng của đời tôi”.

Rồi thì, vài ba ngày sau vào năm 663, tại Ngọc Hoa Tự cũng là Dịch Trường, Ngài gác bút nghìn thu. Lúc trút hơi thở cuối cùng để trực hướng Đâu Suất Nội Viện của Di Lạc Từ Tôn, trên tay Ngài vẫn còn cầm cuốn Kinh Văn Lời Phật.

Đúng một ngàn bốn trăm năm sau, dương lịch 2023 niên canh Quý Mão, trong Tăng – già Phật giáo Việt Nam tái hiện lại hình ảnh ngài Tam Tạng Huyền Tráng, qua hình hài tợ khói tợ sương của Thánh Tăng Tuệ Sỹ.

Thọ dụng thân của Ôn đã đến hồi hư hao tan rã vào cõi mộng, nhưng Pháp thân kia, hình ảnh đó đã hoà nhập vào ngòi thần bút, lưu lại trên từng trang sách, trang kinh mà Ôn đã viết đã dịch đã chú giải từ thuở Ôn chưa kịp tuổi đôi mươi.

Hơn 60 năm dịch giải tam tạng Thánh điển, chú thích giảng luận, thi văn sáng tác, là Tạng Thân Như Tại mà Ôn để lại cho đời cho đạo.

“Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt,
Tình thương hiện tháp chín tầng mây”

Cung kính tiễn Thầy trực hướng Tây hành,
Từ bi ngó xuống chỉ đường đàn con dại.

Nam mô Lâm Tế tông, Liễu Quán phái, huý thượng Nguyên hạ Chứng, tự Thị Ngạn, hiệu Tuệ Sỹ đại Trưởng lão Giác Linh hoà thượng chứng minh.

– Những hình ảnh của Ôn đi ra từ trang kinh Duy Ma Cật : “Thân bệnh, tâm không bệnh”

“Hư không hữu tận,
Ngã nguyện vô cùng”
—————————
GĐPT. Ninh Thuận nhất tâm đảnh lễ Bậc Long Trượng,
cội bách tùng của Phật giáo Việt Nam.
Nam mô Lâm Tế Chánh Tông tứ thập tứ thế,
sung Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội,
Tăng Thống Viện xử lý thường vụ,
nguyên Hóa Đạo Viện đệ nhất phó viện trưởng,
húy thượng Nguyên hạ Chứng, hiệu Tuệ Sỹ hòa Thượng
giác linh cao đăng Phật quốc

Thầy Tuệ Sỹ, Một Lần Duyên Ngộ

Đồng Chuông Tử

Sáng nay, mình vừa thức giấc, không như thường lệ, liền mở điện thoại ra xem tin tức mạng xã hội đã thấy ngập tràn thông tin về sự thuận thế viên tịch của thầy.

Thời gian qua, thấy bạn fb Tran Triet liên tục đăng các bài viết liên quan về thầy, lòng mình có linh cảm vô thường. Muốn viết đôi dòng về nhân duyên gặp gỡ, nhưng việc thế tục cuốn sóng hối hả mệt nhoài nên còn lần lữa.

Đầu giờ chiều một ngày mùa thu cách đây hơn 15 năm, một cư sĩ họa sĩ nổi tiếng ghé chơi Chùa Lá, Gò Vấp, rồi đèo mình đến Chùa Già Lam thăm thầy Tuệ Sỹ.

Thông qua một thị giả, thật hạnh phước kì duyên thầy đã đến thong dong, tự tại, trong veo và thân thiện hồn nhiên.

Trong khoảnh khắc trò chuyện vui tươi, thầy kể về bạn thầy là thi sĩ Sơn Núi (thi sĩ Nguyễn Đức Sơn ở Phương Bối – NV) có nhiều lần ghé chùa mà nghịch duyên thay, thường nhằm lúc thầy nhập thất.

Có lần thi sĩ Sơn Núi không biết nghe ai, cưỡi chiếc Chaly thần thánh ghé chùa, đến gần thất lão oang oang với vào “mi in sách ở nước ngoài nghe giang hồ đồn được nhiều tiền lắm mà đếch lì xì thằng bạn nghèo nghen, giận giận giận”.

Thầy ở trong thất nghe hết, mà chỉ biết tủm tỉm cười. Nhớ bạn lắm, nhưng đành im lặng thôi.

Chợt thầy hỏi mình “Chuông có đi tu không mà còn để hình tướng đó?”, khi thầy thấy mình mặc áo lam nhưng để tóc dài ngoằng, cột búi. Mình hồi đáp “Dạ thầy nghĩ con tu thì con tu, thầy nghĩ con không tu thì con không tu hihi”. Thầy bỗng sểnh đôi lông mày ngạc nhiên tươi cười.

Thầy Tuệ Sỹ bèn bảo “Rảnh rảnh Chuông nhớ về Già Lam chơi nhé!”. Mình “Dạ” mà lòng vui vui khôn tả.

Ngồi chơi riêng tư được vài giờ đồng hồ thì nhiều đệ tử là các ni sư, đại đức yêu quý thầy ùa đến vây quanh, không khí rộn ràng rổn rảng, tràn ngập tiếng cười, trong trẻo như đang ngự trên cõi trời bao la muôn vầng mây trắng lững lờ.

Chào tạm biệt thầy, một vị chân tu bình dị, bát ngát trí huệ, vô ưu phiền trược, nhân tượng ốm gầy mà Phật tâm mênh mông mặc thế tục thâm lậm thô lầm.

Chia tay thầy, những người đệ tử mới quen và Chùa Lam ấm áp, người anh cư sĩ, họa sĩ lại đèo mình quay về Chùa Lá, nơi mình quanh năm suốt tháng nghiên cứu kinh kệ, thường hay khua chuông gõ mõ, làm thơ viết báo rềnh ràng chay mặn sơn khê.

A Di Đà Phật, bài viết nhỏ bé này xin được làm đóa hoa, nén trầm tưởng vọng thầy từ một nơi xa xôi, hẻo lánh trong lúc tiết trời đang ngỡ ngàng chớm lạnh đông đoan.

Ôn ra đi để lại nụ cười

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo

Trước khi đi ngủ, gần nửa đêm 23 tháng 11, tôi nhắn tin cho Tâm Thường Định hỏi ai sẽ thức tối nay. Tâm Thường Định bảo “Quảng Pháp thức tối nay”. Chúng tôi dặn dò nhau khi có việc gì sẽ gọi.

Sau 4 giờ sáng vài phút tức sau 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 tại Việt Nam, có tiếng phone reo. Quảng Pháp gọi. Bên kia là tiếng khóc và vài giây sau là tiếng nói nhỏ “Ôn đi rồi anh”, “Bao giờ?”, “Mới đây thôi”. Quảng Pháp chào để báo tin cho các thầy và anh chị em khác. Một lúc sau, phone lại reo, Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, Phó Thư Ký của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN gọi. “Bạch thầy, con biết rồi, Quảng Pháp vừa gọi con”, tôi mở lời trước. Hai thầy trò khóc với nhau vài phút rồi hẹn vào “Zoom” bàn công việc.

Nhắc lại, sáng 15 tháng 9 năm 2023, tôi nhận tin nhắn từ Quảng Diệu Trần Bảo Toàn, nguyên văn: “Lần này Ôn TS chắc không qua khỏi 3 tháng nữa rồi, hồng huyết cầu còn 50%, suy tủy không sanh hồng huyết cầu, di căn qua phổi, oxy trong máu giảm còn 85-90%…. Ôn có thể đi bất cứ lúc nào, con đã chuyển vào viện. Con báo Chú hay. Giờ không thể làm gì nữa, trừ việc để Ôn không đau đớn mà viên tịch thôi.”

Trong suốt bốn năm, chúng tôi đã nhận nhiều tin nhắn về bệnh tình của Ôn. Mỗi hai tuần, mỗi tháng hay khi cấp bách chúng tôi nhận mỗi ngày để biết bệnh tình của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhiều khi thập tử nhất sanh nhưng Ôn không than thở hay kể lể. Khi cần, Ôn tập họp chúng tôi để nghe, để bàn, để dặn “những vấn đề” chứ không nói chuyện sống chết. Học trò có lẽ lo lắng sức khỏe của Thầy hơn chính Thầy. Lần này, theo lời Quảng Diệu, sau kết quả thử nghiệm của bác sĩ, bệnh của Ôn tới hồi nguy ngập.

Quảng Diệu Trần Bảo Toàn là đệ tử tại gia gần gũi và thân tín nhất của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Hơn hai mươi năm trước, ngọn gió nhân duyên thổi những hạt thông vàng đến cuộc đời Bảo Toàn. Nhà quản trị kinh tế thương mại trẻ tuổi từ Thụy Sĩ trở thành đệ tử tại gia của Ôn Tuệ Sỹ. Hòa thượng ban cho Trần Bảo Toàn pháp danh Quảng Diệu. “Diệu” có nghĩa là vi diệu hay kỳ diệu bởi vì trong hành trình 25 năm sau trong thời gian trụ thế của Ôn và cuộc đời của Quảng Diệu đã gắn bó với nhau một cách diệu kỳ. Ôn chứng minh cho hôn lễ của Bảo Toàn và Thu Hương.

Hạt thông nhân duyên thấm đẫm nước Suối Từ đã nẩy mầm và lớn lên từ đó.

Khi Ôn trở bệnh nặng, Quảng Diệu thỉnh Ôn về để mời bác sĩ đến tận nhà chăm sóc. Ôn sống một thời gian khá dài trong căn phòng riêng dành cho Ôn. Nơi đó, Ôn có một không gian yên tỉnh, độc lập để đọc sách, dịch kinh. Nơi đó, Ôn không còn “nhớ dương cầm” nữa mà tiếng dương cầm có thể vang lên bất cứ khi nào Ôn thích. Nơi đó có tiếng nước reo trong chiếc hồ nhỏ, và nơi đó có cả tiếng cười trẻ thơ khi Ôn quây quần bên các cháu.

Quảng Diệu và tôi có mối thân tình trước Ôn nữa nhưng tôi không phải là Ôn. Ôn duy nhất trong khi tôi là một trong hàng trăm, hàng ngàn người làm thơ, viết văn và lang thang khắp chốn ta bà chờ một ngày nào đó chưa biết để đi qua bến khác. Tình cảm của chú cháu chúng tôi cũng không mọc lên một cây thông, một cụm hoa hay một bụi cỏ nào. Nhân duyên chúng tôi chỉ là những ngọn gió lành thổi mát đời nhau khi cần đến.

Là một cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh lấy tư tưởng “Duy Tuệ Thị Nghiệp” làm kim chỉ nam và yêu thích thơ văn dĩ nhiên tôi biết và đọc Ôn từ những ngày mới đặt chân lên trên các giảng đường. Tôi chỉ học Ôn sau này nhưng ngày đó tôi chưa học Ôn một lớp nào. Ôn dạy Phật Khoa trong các lớp học trên lầu ba ít sinh viên và yên tỉnh trong lúc chúng tôi học kinh tế chính trị đông đảo và ồn ào trong các giảng đường 18, giảng đường 19 dưới lầu hai.

Hội đồng giáo sư đại học Vạn Hạnh là kết hợp tinh hoa của thời đại mà chắc hàng trăm năm sau cũng chưa có thể có. Khi gặp những vị mà tên tuổi của họ ngày đó đã trở thành huyền thoại, chúng tôi cũng chỉ cúi đầu chào. Dù sao, ba năm miệt mài đèn sách ở Đại Học Vạn Hạnh, tôi đã thay đổi tận căn bản nhận thức của mình trong nhiều lãnh vực.

Một lần kể chuyện Quán Café Bà Vú, Ôn bảo “Tôi đọc bài thơ đó rồi”. Ôn nói vài lời khuyến khích rồi tiếp: “Ngày đó các anh chờ tôi ra đâu phải uống café thôi mà còn chờ tôi ra để trả tiền giùm”, “Bộ Ôn giàu lắm sao?” tôi hỏi. “Giàu có gì đâu nhưng tôi có lương, dạy Phật Khoa đó, còn các anh thì không.” Nói xong Ôn cười lớn, một nụ cười hồn nhiên mà các học trò của Ôn sẽ nhớ mãi. Ôn dạy ở Vạn Hạnh nhiều năm trước khi tôi vào trường. Học trò Ôn nhiều vị có tiếng tăm và lớn tuổi hơn Ôn nhiều.

Ôn là thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Kinh Điển khi chỉ mới 28 tuổi đời. Ôn nhỏ hơn các thành viên khác như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu gần ba chục tuổi. Tôi hình dung trong phiên họp của Hội Đồng chắc Ôn phải đứng suốt hay ngồi sau xa.

Tin nhắn vẫn qua lại giữa hai chú cháu mỗi khi cần suốt bốn năm như thế qua nhiều giai đoạn. Bệnh tình Ôn có khi nguy ngập tưởng Ôn sẽ ra đi ngay nhưng lại khỏe sau một thời gian thuốc thang tịnh dưỡng. Ôn nhập viện lần này có thể là lần cuối vì như bác sĩ nói Ôn sẽ khó mà hồi phục. Làm gì đây? Tôi tự hỏi, chẳng lẽ ngồi chờ Ôn ra đi để khóc, để đám tang, để tiếc thương khi Ôn không còn nghe được nữa.

Buổi chiều 15 tháng 9, 2023 Hội Đồng Hoằng Pháp họp để nghe cập nhật các tin tức mới về sức khỏe Ôn. Chúng tôi đồng ý rằng trong lúc theo dõi bệnh tình của Ôn sẽ phát hành một tuyển tập gọi là Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Thượng Tọa Nguyên Tạng là người đặt tựa cho kỷ yếu. Ôn chắc chắn không cần nghe hay đọc những lời ca ngợi, tri ân nhưng đệ tử chúng tôi thì lại rất cần. Tri ân Ôn là một cách căn dặn chính mình để tinh tấn tu học và để nhớ những lời dặn dò của Ôn cho dù Ôn không còn bên cạnh nữa.

Hòa thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Trưởng Ban Báo Chí Hội Đồng Hoằng Pháp chấp thuận đề nghị của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thời gian 10 ngày để mời các tác giả viết và viết. Mười ngày là một thời gian quá ngắn để viết về một bậc chân tu ở tầm vóc như Ôn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để hoàn tất phần bài vở. Không ai biết khi nào ngọn gió vô thường sẽ thổi qua đây. Chúng tôi nhận được sự chiếu cố của chư tôn đức và đáp ứng nồng nhiệt của các văn nghệ sĩ trong nhiều lãnh vực.

Ban Chủ Biên gồm Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng và Thượng Tọa Thích Hạnh Viên. Ban Biên Tập Kỷ Yếu gồm: Thị Nghĩa – Trần Trung Đạo, Nguyên Đạo – Văn Công Tuấn, Tâm Huy – Huỳnh Kim Quang, Tâm Quang – Vĩnh Hảo, Quảng Diệu – Trần Bảo Toàn, Tâm Thường Định – Bạch Xuân Phẻ. Một ban kỹ thuật với Nguyên Túc – Nguyễn Sung, Quảng Pháp – Trần Minh Triết, Nhuận Pháp – Trần Nguyễn Nhị Lâm làm việc ngày đêm để thiết kế hình thức và nội dung kỷ yếu.

Tôi phải đi xa nhiều lần trong thời gian kỷ yếu được biên tập. Tuy nhiên, với sự tận tụy của các anh trong Ban Biên Tập cuối cùng Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được ra đời. Ban kỹ thuật trong nước vội vã tìm cách in vài cuốn để trình lên Ôn. Ôn có khi khỏe khi mệt. Khi khỏe Ôn đọc vài trang và cứ thế đọc xong cuốn kỷ yếu dày trên 500 trang của gần 70 tác giả.

Tôi ở xa về. Nhìn tấm hình Ôn đang đọc những bài viết tri ân Ôn, tôi hồi hộp hỏi anh em “Đọc xong Ôn có nói gì không?” “Không, Ôn chỉ mỉm cười.” Tôi cảm động quá vì đó cũng là tất cả những gì chúng tôi mong muốn.

Ôn ra đi để lại nụ cười.

Vết Hạc

Đồng Thiện

Tôi đang ngon giấc, chợt nhiên đầu đau như búa bổ, đau như thể dây sắt niền siết vậy, khí huyết trong người nhộn nhạo chịu không nổi phải dậy lấy tylenol để uống thì hay tin thầy đã tịch, lúc ấy là bốn giờ sáng bên này tức bốn giờ chiều bên kia.

Thầy tịch rồi, xác thân trả lại cho tứ đại riêng tinh anh thì sống mãi với tứ chứng và nước non này. Khi sống thầy trụ Thị Ngạn am, giờ thì Thị Ngạn hay bỉ ngạn cũng là một “phương trời mộng”, “một cung trời hội”…Chữ nghĩa thế gian tán tụng thế nào cũng không làm sao nói hết được công hạnh của thầy, giờ đây tứ chúng bơ vơ như đàn con thơ. Thầy đi rồi khúc dương cầm thôi thánh thót, thiền thất vắng bóng Người, nước non này tiễn bậc hiền sĩ quẩy gót về tây…

Dẫu biết vô thường là thế nhưng khi hay tin thầy tịch vẫn không sao kiềm được giọt lệ tràn. Tấm thân gầy gò đã chiến đấu với bệnh tật bao nhiêu năm nay, giờ thì thầy yên nghỉ rồi nhưng tôi tin chắc thầy không rời tứ chúng, không bỏ nước non này! Di sản của thầy còn đó, tư tưởng của thầy còn đây, hình bóng thầy mãi mãi trong tâm tưởng chúng con.

Thầy đã về “Một phương trời mộng”
Bóng thầy lồng lộng tựa hư không
Chí bình sinh trùng hưng dòng Phật Việt
Chèo chống con thuyền giáo hội qua bão dông
Dịch kinh dạy chúng
Chấn tác thiền môn
Bóng hạc gầy trên trường sơn
Khúc dương cầm văng vẳng ba ngàn thế giới
“Thiên lý độc hành”
Tám vạn bốn ngàn ai tri kỷ?
Ngục thất ngồi gõ ngón tay trên mảng tường rêu
Thị Ngạn am đêm đêm lặng lẽ chong đèn
Ngày gầy hao nắng quái
Đôi mắt nào thấu ba ngàn thế giới
Hồn mênh mông đọng lại một câu thơ
Đêm chưa tàn ngày mới chưa lên
Quốc vận này lắm độ chênh vênh
Cơ nghiệp Như Lai còn đó
Tứ chúng còn đây
Bậc long tượng lòng tràn đầy từ bi
Vị sư vương dõng mãnh vô úy
Thạch trụ thiền lâm giữ giòng đời loạn động
Mây nước mười phương
Bóng ngã trường sơn
Sao rơi nguyệt lặn
Vết hạc từ đây vĩnh viễn trên ngàn

Đồng Thiện
Atlanta, 11/24/23

“Thắp Đèn Khuya Ngồi Kể Chuyện Trăng Tàn” | Ảnh: Vũ & Lặng Yên

Niệm

Người nằm xuống năm châu đều đứng dậy,
Cúi đầu chào cung kính tiễn về Tây.
Thong dong bước người về nghe gió gọi,
Hoà chân tâm thắp sáng cả khung trời.
Con nước ấy lững lờ trôi chậm lại,
Thời gian kia như thấu hiểu chốn này.
Hoa bên đường đôi lúc cũng đổi thay,
Cỏ trở giấc sau bao ngày yên lặng.
Dòng sông kia âm thầm nghe tĩnh lặng,
Chốn nhân gian quảy dép cõi Niết bàn.
Đến là đến như ngàn sao lấp lánh,
Đi là đi tựa cánh hạc mây ngàn.
Tuỳ duyên hiện thênh thang qua cõi tạm,
Giữa nhân gian một kiếp hoá nghìn trùng.
Sen đã nở bên thềm xưa lối cũ,
Hương còn bay lan toả cả ngàn phương.
Thích Đức Thành
P/s: Ngày 15 tháng 10 / Quý Mão – 27/11/23…. Rằm hạ nguyên…

𝐀́𝐨 𝐦𝐚̀𝐮 𝐱𝐚𝐧𝐡 𝐬𝐞̃ 𝐱𝐚𝐧𝐡 𝐦𝐚̃𝐢 𝐭𝐫𝐞̂𝐧 đ𝐨̂̀𝐢 𝐡𝐨𝐚𝐧𝐠

“Mỗi Đại Xã hội, để tồn tại và phát triển được – như một con tàu lớn muốn nổi được trên đại dương và vượt được biển lớn đều cần những chiếc mỏ neo và la bàn – đều cần một nền tảng lương tâm và trí tuệ. Chiếc mỏ neo lương tâm là để giữ cho con tàu không tròng trành, không chìm đắm trước ba đào dông bão. Chiếc la bàn trí tuệ là để nó tiến được lên phía trước, không lạc lối giữa bao la trùng khơi. Tuệ Sỹ vừa là một chiếc mỏ neo, vừa là một chiếc la bàn như vậy trong truyền thống Việt Nam. Trong một xã hội nhỏ, của một bầy người tiền sử, hay một bộ lạc chẳng hạn, nơi mọi người đều biết nhau, hoặc gần như đều biết nhau khá rõ, hầu hết các mối quan hệ đều có thể điều chỉnh theo sự vụ cụ thể, theo các lợi ích chung và riêng mà bất kỳ ai biết tư duy duy lý cũng biết không được phép xâm phạm. Chỉ trong một Đại Xã hội, khi nhiều người sống chung với nhau nhưng không có quan hệ máu mủ gì, thậm chí không hề quen biết nhau, người ta mới cần tới những chuẩn mực đạo đức, tới công lý phổ quát, và do đó, tới một nền chính trị và cai trị – tới lương tâm và tư tưởng. Tuệ Sỹ là cả lương tâm và tư tưởng.”.
Đây chính là ý Phạm Công Thiện khi ông nói về Tuệ Sỹ bằng những danh từ có thể khiến ta giật mình, nhưng không hẳn là khoa đại: “bậc thầy của cả một dân tộc, chưa nói là bậc thầy của cả thế giới”. Để hiểu nhận xét đó, cần đặt nó trong dòng chảy lịch sử. Tuệ Sỹ là người kế thừa xuất sắc của một truyền thống đã khởi đi ít ra là từ Khương Tăng Hội (mất năm 280), và rất có thể còn lâu đời hơn thế. Truyền thống này, dẫu qua bao biến thiên, dẫu “còi rộn rã bởi hoang đương đã đổi” bao nhiêu lần đi nữa, dẫu chính thể nào, triều đại nào, quốc gia nào, lãnh tụ nào, vẫn chảy như một mạch ngầm âm ỉ, không dứt, tưới mát cho tâm hồn Việt Nam – để những con người vì tình cờ lịch sử mà quần cư ở dải đất cực nam ven Thái Bình Dương này có gì đó chung, có gì đó gọi là bản sắc, để phân biệt mình với thế giới, để tự hào một cách khiêm nhường đứng giữa thế giới.
Từ:
“Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai” của Mãn Giác Thiền sư.
Tới:
“Như kim khám phá đồng hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”
của Trần Nhân Tông,
Rồi:
“Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then”
Của Nguyễn Trãi,
Sang:
“Hoa nở lá rơi ngay trước mắt
Cõi lòng năm tháng vẫn không thay”
của Nguyễn Du,
“Ai biết mình tóc trắng.
Vì yêu ngọn nến tàn”
của Tuệ Sỹ.
Hai ông Tuệ Sỹ- Mạnh Thát- Một Quảng Bình- Một Quảng Trị.
Tổng cộng gần 40 năm tù mà nói chuyện lúc nào cũng cười!
Là một mạch nguồn liền lạc, không dứt, là một minh chứng sống, hiển hiện trước mắt cho những lý lẽ tưởng như hoang đường của Phật giáo, về nghiệp, về tái sinh, về tiền kiếp. Tất cả họ đều ý thức được về mạch ngầm đấy, giống như những thành viên của một câu lạc bộ kết nạp hạn chế, họ biết mình đang đặt những viên gạch, trát những lớp vữa, đặt những kèo nhà, để xây lên ngôi nhà Việt Nam – một ngôi nhà dẫu không lớn lao bề thế, nhưng vẫn đủ ấm cúng và yêu thương. Chính những điều này, cũng Tuệ Sỹ đã diễn giải một cách duy lý nhất có thể trong “Tổng quan về nghiệp” và nhiều công trình lớn khác của ông. Quá trình chuyển thế, chuyển kiếp đó diễn ra một cách tự nhiên, không chỉ là với những cá nhân đã nêu tên ở trên kia, mà với cả một nền tảng dần trở nên vững vàng cho tiếng Việt, văn hóa Việt, người Việt, là nguồn cảm hứng, là tri thức nhận được từ tầng tầng lớp lớp những người đi trước, dần định hình, trở nên một dòng chảy mãnh liệt, nhất quán, không gì ngăn trở nổi, “là dấu hiệu của nguồn mạch ngầm vẫn luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam”. Nhưng chắc chắn mạch ngầm đó không chỉ chảy với Phật giáo. Cùng bước đường đấy, dân tộc đã trưởng thành lên, vượt qua sóng gió, học cách bao dung, trên một nền tảng tư tưởng rất thật, rất Việt Nam, và vươn được tới tầm nhân loại: “vai mang xiềng xích, vẫn thương bạo tàn”. Sự vượt trội của Tuệ Sỹ trong một thời đại nhiều cam go của đất nước không chỉ thuần túy là sự vượt trội của một thần đồng, một trí tuệ lớn, một tinh thần làm việc đến chết, mà chính là hiện thân cho sự vượt trội của tư tưởng, văn chương, và nhất là thi ca, so với chính trị – mọi thứ chính trị. Phải nói cho sòng phẳng: Chính trị tốt thật sự cứu giúp được cho rất nhiều người, một cách thiết thực và hữu ích. Nhưng thực tế là để định hình được bản sắc chung cho cả một tập hợp người đông đảo, luôn phải có những cá nhân đứng ra ngoài, và đứng trên, chính trị. Chậm rãi mà chắc chắn, đầy đau khổ nhưng không ngừng nghỉ, họ đều có một điểm chung: Tin rằng con người có thể làm nên những điều đẹp đẽ và nhân hậu. Đó là Henry David Thoreau và Walt Whitman của người Mỹ, là Basho và Kawabata của người Nhật, là Rilke và Caspar David Friedrich của người Đức, là Trần Tử Ngang và Tào Tuyết Cần của người Trung Hoa, là Tolstoy và Tchaikovsky của người Nga, và bao nhiêu vĩ nhân như vậy của những dân tộc khác.
Như Tuệ Sỹ.
24.11.2023
Trần Trọng Hải Minh.

Độc Hành Kỳ Đạo

Fb Sơn Dã

1- Cảnh Xuân từng trao đổi với thầy Mạnh-tử rằng: “người mà như Công Tôn Diễn, như Trương Nghi, chỉ cần chau mày là khắp chư hầu khiếp vía, còn nếu ngồi yên thì chiến sự bình yên thiên hạ thái bình há chẳng đáng gọi là bậc đại trượng phu trong đời sao?”. Thầy Mạnh-tử nghe vậy nghiêm nét mặt bảo: “Chỉ có thế mà ông đã cho là đại trượng phu sao? Lẽ nào ông chưa học Lễ ư?! Người con trai khi làm lễ đội mũ thành niên sẽ được cha chỉ bảo; người con gái khi xuất giá sẽ được mẹ khuyên răn, lúc được ra cửa thời dặn dò rằng ‘về nhà [chồng] rồi, mọi sự đều phải cung kính mà giữ gìn khuôn phép, đừng làm trái [đạo] [với] chồng’ lấy sự tòng thuận làm mực thước. [Còn như con trai] phải sống được trong đạo NHÂN, phải đứng được vào chỗ LỄ, phải đi được trên con đường NGHĨA; lúc đắc chí thì cùng người trong thiên hạ đồng hành, nhược bằng thất chí thì độc bộ độc hành trong cái ĐẠO của mình. Giàu sang chẳng loạn tâm, nghèo hèn không nhụt chí, uy vũ cường quyền không thể khuất phục, như vậy đó mới đáng để xưng tán là bậc đại trượng phu.”[1]

2- Cung kính ngưỡng bạch Thầy,

Bảy mươi chín xuân thu, non ba vạn ngày đều đặn, hoàng hôn buông xuống rồi lại ngắm bình minh lên, Thầy vẫn ngồi đó, giữa khung trời tịch mặc lặng lẽ gìn Pháp mạch thiền gia. Ấy vậy mà, chiều nay, một buổi hoàng hôn chớm đông vừa khuất dạng, cội lão tùng cũng đã ngả về tây, vậy là:
Quán trọ chiều nay không ngăn nỗi,
Một bước thong dong – một nẻo về…

Thời khắc tương giao trên lằn ranh của tử – sinh đi và ở, tiễn biệt Thầy, con biết viết gì đây khi Thầy đã là hiện thân tròn đầy của bậc ĐẠI TRƯƠNG PHU, khi danh lợi chẳng thể loạn tâm, khi khốn khó nghèo hèn không thể làm nhụt chí, khi mà uy vũ cường quyền hằn lên trên bản án tử với mười bảy năm tù đày lao lý, lại chưa từng khuất phục được ngọn núi Tu-di ẩn trong lớp hình hài mai hạc hao gầy của Thầy dẫu chỉ mảy may. Viết gì đây khi ngôn ngữ trần gian bỗng trở nên bất lực trước nguồn tuệ thênh thang sớm đã thành “huyền thoại”, khi một Duy-ma thị hiện bằng xương thịt giữa gió bụi đời phàm.

3- Bất năng dữ dân do chi, cố thiên lý độc hành kỳ đạo 不能與民由之,故千里獨行其道 thật vậy, thiên lý quan san đã không thể cùng người chung bước, nếp đạo nhà Thầy lặng lẽ một mình đi. Ai ngán ai! Như lão cư sĩ họ Tô từng viết:
“Mặc tiếng mưa xuyên vỗ lá rừng,
Ngâm nga lững thững chẳng chồn chân.
Giầy rơm gậy trúc hơn ngựa tốt,
Ai ngán?”[2]
Và ở nơi xa ấy,
“Tà dương trên đỉnh đón chân người.
Quay đầu nhìn lại cung đường cũ,
Lối về,
Chẳng gió mưa chi, chẳng nắng hồng!”[3]

4- “Ai nói người học Thiền phải chịu đày đọa thân tâm? Họ nhàn hạ, họ thong dong, họ tiêu sái; họ lãng đãng như Lô Sơn thấp thoáng giữa mây trắng và sương mù. Tuy nhiên như thế, nhưng ai quyết rằng tâm hồn đó trầm mặc như nước hồ không dao động? Giữa lòng Lô Sơn, dải Ngân hà trên bầu trời cô tịch không ngừng đổ xuống ầm ầm như sấm sét.

Thi sỹ và Thiền sư cùng lao đao, và cùng tiêu sái, trong cùng một cõi trầm mặc phiêu bồng, vừa Không vừa Tĩnh. Ngọc đường kim mã, hay Giang bắc, Giang nam; lão thần nghinh ngang nơi ngọc đường kim mã, hay lão thần cô quạnh nơi Hoàng Châu, Huệ Châu…, đày ải hay không đày ải, hồn thơ vẫn điềm đạm bao la trong trời thơ huy hoàng bát ngát.” [4]

5- Cung tán:

源流從佛出,
證理契禪機。
慧燈挑日月,
士氣吞晴天。

NGUYÊN lưu tùng Phật xuất,
CHỨNG lý khế thiền ky.
TUỆ đăng khiêu nhật ngoạt,
SỸ khí thốn thanh thiên. [5]

Bậc HIỀN GIẢ, TRÍ GIẢ trăm năm khó gặp, đã tùy duyên nhập mộng ghé cõi này, dẫu biết rằng nhạn quá trường không, song, ơn pháp hóa dễ đâu mai một.

Bảy mươi chín xuân thu, bốn mươi sáu giới lạp, mười bảy năm tù đày lao ngục, nhoẻn miệng cười bản án tử hình theo ngọn gió trảm xuân phong.

Đường thiên lý, Thầy lại độc hành độc bộ,
Trăng đại ngàn, chừ quải ngọn cô phong…

Dã Hạc Cư, 24.11.2023
(Hạ Ngươn ngày 12 năm Quý Mão)

Hậu học Sơn Dã cung tiến Giác linh Ôn
________________
[1] 景春曰:“公孫衍、張儀豈不誠大丈夫哉?一怒而諸侯懼,安居而天下熄。”
孟子曰:「是焉得為大丈夫乎?子未學禮乎?丈夫之冠也,父命之;女子之嫁也,母命之,往送之門,戒之曰:『往之女家, 必敬必戒,無違夫子!’以順為正者,妾婦之道也。居天下之廣居,立天下之正位,行天下之大道。得志,與民由之;不得志,獨行 其道。富貴不能淫,貧賤不能移,威武不能屈,此之謂大丈夫。”
Cảnh Xuân viết: Công Tôn Diễn, Trương Nghi khởi bất thành đại trượng phu tai? Nhất nộ nhi chư hầu cụ, an cư nhi thiên hạ tức.
Mạnh tử viết: Thị yên đắc vi đại trượng phu hồ? Tử vị học Lễ hồ? Trượng phu chi quán dã, phụ mệnh chi; Nữ tử chi giá dã, mẫu mệnh chi, vãng tống chi môn, giới chi viết “vãng chi nữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử” dĩ thuận vi chính giả. Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính lập, hành thiên hạ chi đại đạo; Đắc chí, dữ nhân do chi; Bất đắc chí, độc hành kỳ đạo. Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu.
[楊伯峻.(2013). 《孟子譯註》.北京:中華書局, 128頁]
[2][3] Bài từ của Tô Đông Pha
【定風波】
莫聽穿林打葉聲,
何妨吟嘯且徐行。
竹杖芒鞋輕勝馬,誰怕?
壹蓑煙雨任平生。
料峭春風吹酒醒,微冷,
山頭斜照卻相迎。
回首向來蕭瑟處,歸去,
也無風雨也無晴。
【âm】
Mạc thính xuyên lâm đả vũ thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả đồ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
thùy phạ?
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sanh.
Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh,
vi lãnh,
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh.
Hồi thử hướng lai tiêu sắt xứ,
quy khứ,
Dã vô phong vũ dã vô tình.
[4] Tuệ Sỹ. (2008). Tô Đông Pha – Những phương trời viễn mộng. NXB Văn hóa Sài Gòn, tr. 83
[5] Tạm dịch
NGUYÊN khởi tiếp nguồn Bụt,
CHỨNG lý hợp thiền cơ,
TUỆ đăng khêu nhật nguyệt,
SỸ khí nuốt trời xanh.

Văn hoá nảy sinh từ cuộc sống, các nhà văn hóa lỗi lạc như Trời Đất sinh ra để dẫn dắt những cộng đồng văn hoá đó; nó hình thành tự nhiên, chẳng có Nghị quyết hay ai chỉ đạo xây dựng nên được! Cho nên đường lối quản lý văn hoá là phát hiện ra những sự kiện văn hoá, nhân vật văn hoá, cộng đồng văn hoá có giá trị Chân, Thiện, Mỹ đích thực thì bảo tồn, tạo điều kiện cho nó phát triển bình thường trong đời sống xã hội và có thể trở thành những di sản văn hoá của dân tộc và nhân loại. | Mạc Văn Trang, Suy Tư Từ Một Sự Kiện Văn Hóa.
Hôm nay là một ngày đầu tuần rất bận rộn và mỏi mệt, cả văn phòng ai nấy bận bịu với phần công việc của mỗi người, im lìm không ai nói chuyện cả ngày. Bữa trưa ăn cơm xong, tôi chợt nhớ về âm điệu của bài thơ này của sư Tuệ Sỹ nên lấy giấy ra chép lại chơi:

Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian thường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn

Dịch nghĩa:
Xin dùng thứ cơm ngục tù này
Cúng dường Đức Thế Tôn tối thắng
Cõi đời hận thù đổ máu kéo dài mãi
Bưng bình bát mà lòng thương bằng giọt lệ không lời

Bài này trích trong tập Ngục Trung Mị Ngữ, sư làm khi bị giam cầm trong nhà ngục của cộng sản với án tử hình vì tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Chữ “lệ” câu 4 cũng đã có nhiều bài tranh biện về cách hiểu, chưa thấy ai cầm tới hỏi sư đã viết câu đó với ý gì. Tôi thích bài này cùng bài Ẩn Giả Tưởng của sư lắm. Đọc thấy được trí tuệ và đạo lực của một nhà tu hành.

Thời bây giờ, nhà tu trong các đạo giáo tuy cũng có nhưng ít thấy ai có cả trí tuệ uyên bác và đức hạnh viên mãn, hoặc đơn sơ vô tranh nhưng dám cả lòng hy sinh thân mình cho tha nhân; cá tính thì hoặc dốt hoặc hư hoặc hèn, còn phần lớn thì chỉ ở mức biết đọc biết viết các thứ sách vở người đời không thèm đọc. Tựu chung thì cũng là bợ đỡ cường hào quyền quý, sợ cộng sản như sợ cọp, đặng giữ rịt lấy cái ghế cóc như lý trưởng xã trưởng thời xưa, lời lãi thế gian nhưng xấu mặt hổ ngươi trước Tạo Hoá.

Hình ảnh sư Tuệ Sỹ ốm như con cò hương lấy cơm tù cúng dường Phật, hình ảnh Đức cha Thuận bỏ rượu lễ bánh thánh trong lòng bàn tay mà làm lễ lén trong tù; hai hình ảnh này đánh động tâm hồn tôi như thể khiến nó tan biến đi. Ha, những nghi thức khoa trương kèn đồng trống ếch chũm choẹ phèng la, đem lại sự tự mãn cho con người nhưng có cảm động được các đấng thiêng liêng không? Tôi không biết… Chỉ là một câu hỏi!

Ngục tù cộng sản nhỏ nhỏ nhốt đặng tấm thân, ngục tù biên giới một nước độc tài lớn hơn chút thì nhốt đặng cây viết và cái miệng nói lời công chánh, nhưng không có xiềng xích nào trói buộc đặng tư tưởng của những người tự do. | Facebook: Hai Le

* Trong bài này, tác giả nhớ sai một từ, thay vì “trường”, tác giả ghi là “thường”. Thầy Đạo Sinh đã ghi chú như sau: “Thế gian TRƯỜNG (長) huyết hận.”

Lời dạy cuối cùng của Thầy!

Vào lúc, 4 giờ AM ngày 26 tháng 10 năm 2023 tại Quận 2 Sài Gòn. Thầy dạy rằng: “Trong vòng một tháng nữa Thầy sẽ ra đi, Thầy đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Các con dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải nhớ đi bằng đôi chân và nhìn bằng đôi mắt của chính mình. Khi Thầy đi rồi, có buồn thì buồn ít thôi. Sách của Thầy để lại nhiều lắm, hãy siêng đọc sách, học hỏi và nghiên cứu mà tu tập. Mỗi lần đọc sách, nghiên cứu…, in như Thầy đang hiện hữu vậy đó. Đọc sách và tu tập cho mình, tức là giúp cho mọi người”.

Thầy đã dự tri thời chí. Nên ai có duyên đến hầu thăm Thầy, cũng đều được Thầy báo trước. | Thích Nữ Diệu Như 

Ngài đã đi thật rồi!

TKN TN Giác Anh

Kính bạch Ôn, ba ngàn thế giới không đâu là không Tịnh Độ. Cung thỉnh Ôn luôn nhớ về quốc độ này, thưa Ôn. Quốc độ này còn nhiều nỗi điêu linh thống khổ, còn cần lắm những bậc hóa thân Bồ Tát như Ôn. Đời này, mặc dù nguyện của Ôn đã một phần thành tựu, là dịch thuật và hoàn mãn in ấn bộ Thanh Văn Tạng. Nhưng tâm nguyện đời này của Ôn vẫn chưa xong, còn Bồ Tát Tạng và Mật Tạng nữa, kính bạch Ôn. Cung thỉnh Ôn nghỉ ngơi rồi quay trở lại với chúng con, kính bạch Ôn.

Hư không hữu tận – Ngã nguyện vô cùng.

BỘ ẢNH LỄ TRUY TÁN CÔNG HẠNH VÀ TƯỞNG NIỆM
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ
Chánh Thư Ký – Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN

Ảnh: Nguyên Viên Lê Thành

Đôi lời bộc bạch của nhóm Kết Tập: Từ thời khắc hoàn mãn buổi lễ Tưởng Niệm đến nay, vô số hình ảnh và thông tin đã được phổ biến rộng rãi, tất nhiên từ các cơ quan truyền thông báo chí cộng đồng, từ những vị Tăng, Ni Phật giáo và chư thiện hữu tri thức cảm kích nhân cách cùng hành hoạt của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ mà đã đến tham dự, hoặc tuy ở xa không thể có mặt, vẫn có thể chia sẻ cảm xúc cho nhau qua các phương tiện truyền thông online. Trong vô số hình ảnh từ nhiều nguồn, bộ ảnh thực hiện công phu và nhiều nhất, đầy đủ nhất từng thời khắc buổi lễ, tin chắc là của Trưởng Nguyên Viên Lê Thành, Gia trưởng Gia Đình Phật Tử Pháp Vân, Pomona. Sau ống kính của một nhiếp ảnh gia nhà Lam chuyên nghiệp, là cả một tấm lòng, là tâm tình tha thiết không chỉ riêng đối với bậc Trưởng Lão, mà còn thể hiện tinh thần Áo lam đồng nguyên. Một sự dung hòa tự nhiên trong tình cảm và hành động của bất kỳ một Huynh trưởng nào trước mọi Phật sự mang ý nghĩa, giá trị để đem lại nguồn lợi lạc chung cho Đạo Pháp, Dân Tộc và tập thể Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong mọi quốc độ. Tâm tình hoài bão đó, một phần cũng  chính là tâm nguyện thiết tha của bậc Trưởng Lão vừa mới viên tịch, đã đặt trọn niềm kỳ vọng nơi thế hệ con cháu Áo Lam, bàng bạc trong mọi thông điệp chung, riêng từng chia sẻ trong mọi hoàn cảnh và bổn phận trách nhiệm của người thừa tự và truyền đăng tục diệm Chánh Pháp.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

LỜI NGUYỆN CẦU ĐÊM THẮP NẾN
TƯỞNG NIỆM HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ

Ni sư Thích Nữ Huệ Thảo thay mặt BTC tuyên đọc.
Vĩnh Hảo chấp bút
Nam mô Tây-Thiên Đông-độ Việt-Nam Truyền-Giáo Truyền-Giới
Lịch-Đại Tổ-Sư thùy từ chứng giám

Hôm nay chúng con qui tụ nơi đạo tràng này, tĩnh tâm qui-hướng về nơi tịch-diệt niết-bàn, về nơi mà chư Phật, chư Tổ từng-đến-từng-đi, từng không-đến-không-đi; qui hướng về nơi tuyệt nhiên vắng lặng của bản tâm trước sự biến hiện của ba cõi; qui-hướng về những cung trời diệu lạc hay nơi cõi đời thống khổ mà Thầy chúng con làm khách vãng lai, thong dong qua lại đi về.

Thế nhưng, trên thực tế của thế giới tương đối này, Thầy đã ra đi, thực sự ra đi, để lại một di sản kỳ tuyệt của Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng lực.

Di sản của Thầy vun bồi nền tảng Bồ-đề-nguyện và Bồ-đề-hành cho chúng con để dõng mãnh dấn thân hoằng truyền Chánh đạo, lợi ích chúng-sanh.

Giờ này, trong giây phút lắng lòng thanh tịnh, chúng con quán niệm di nguyện của Thầy: rải tro trên biển lớn, để tro bụi nhục thân tan theo nước, “bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư-không”; chúng con đã hiểu thật sâu, đã thâm nhập sở hành vô-trụ-xứ và thệ nguyện vô tận của Thầy đối với Chánh pháp và đối với con đường hóa độ chúng-sanh.

Nguyện: từng hạt bụi nhục thân của Thầy hóa thành từng ngọn hoa-đăng bi-trí-dũng, mỗi ngọn hoa đăng lan tỏa đến nhiều ngọn hoa đăng khác, nhiều ngọn hoa đăng lại truyền tiếp cho vô số hoa đăng khắp vô tận thời gian, khắp vô tận hư-không-giới, không nơi nào mà không ứng hiện. Đăng truyền đăng, tâm ấn tâm, đèn tuệ tương-tục biến mãn thập-phương-giới. Hư không dù có giới hạn hay tận diệt, thệ nguyện của Thầy, của chúng con sẽ không bao giờ cùng tận.

Nam mô Vô Tận Đăng Bồ tát Ma ha tát

Ảnh: Sư Cô Thiền Nhi

THẦY TUỆ SỸ, NHƯ VOI GIỮA TRẬN TIỀN

… Rất nhiều trăm năm về sau, Phật Giáo VN sẽ vẫn còn mang ơn Thẩy Tuệ Sỹ. Những người học Phật khi mở sách ra đọc, sẽ vẫn còn thấy hình bóng Thầy Tuệ Sỹ trên những dòng chữ. Có thể hình dung rằng, những người học Phật vẫn đang thọ dụng các công trình của Thầy, khi mở ra các trang Kinh A Hàm, khi đọc bản dịch Thiền Luận, khi đọc chú giái Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết và nhiều kinh luận khác. Và tương tự, sẽ có rất nhiều người sáng tác văn học, thí dụ, chính chúng con, vẫn còn chịu ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ khi làm thơ Thiền hay câu đối Thiền. Thầy Tuệ Sỹ đã bao phủ cả một bầu trời Phật học lớn như thế. Chúng con sẽ thấy những gì đời sau học, cũng có một phần xương tủy, máu thịt, tim óc của Thầy.

Trong truyện bản sanh Jataka số 30, kể về một con voi chúa, một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca, vì lòng từ bi, voi đã tự quyên sinh để lấy thân xác làm thức ăn cứu đói cho 700 người đi lạc trong rừng sắp chết đói. Thầy Tuệ Sỹ đã là một con voi chúa như thế.

Từ thập niên 1980s tới giờ, đã nhiều lần, khi đọc tin hay dịch tin về Thầy Tuệ Sỹ, tự nhiên nước mắt của chúng con rơi xuống, không cầm được. Nói ra thì có vẻ con nít, nhưng sự thật là như thế, chúng con đã từng khóc như con nít. Và bây giờ, khi viết những dòng chữ này, nước mắt cũng rưng rưng. Mất mát này quá lớn.

Nơi đây, để kết luận, chúng con xin đọc 2 câu đối kính dâng Thầy Tuệ Sỹ:

Hiện trăng đáy nước, ngồi giữa sắc không, dịch Tam Tạng.
Mưa pháp lưng trời, bước qua thực huyễn, luận Nhất Thừa.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ảnh: Huynh Trưởng Diệu Nghiêm Trần Thị Thủy Tiên

Ban Hướng dẫn Trung Ương GĐPT VN tại Hoa Kỳ thiết Lễ tưởng niệm Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư ký kiêm xử lý thường vụ viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại TTTH Thích Quảng Đức- Sanbernadino-California-Hoa kỳ ( 12/2/23) | Ảnh: Nhật Lực Lê Khắc Long

Tôi xin phép trưởng Nhật Lực Lê Khắc Long được chia sẻ bộ ảnh Lễ Tưởng Niệm và Thọ Tang Trưởng Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký – Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thượng Nguyên hạ Chứng – Hiệu Tuệ Sỹ, do Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ tổ chức tại Trung Tâm Tu Học và Huấn Luyện Thích Quảng Đức, ngày 12 tháng Hai, 2023.

Trọng trách Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, có lần, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã từng đề nghị ban hành Giáo Chỉ tấn phong Thầy vào vai trò này khoảng năm 2006. Song, bấy giờ Thầy Tuệ Sỹ đã từ khước, nêu rõ lý do Thầy “không có vị trí gì trong Viện Tăng Thống”, thì không thể làm Chánh Thư Ký được. Tất nhiên còn phải biết và hiểu những nguyên nhân xa, gần của vấn đề này. Ngày nay, tuy Hòa Thượng Thiện Hạnh đã viên tịch rồi, nhưng tôi biết vẫn còn rất nhiều vị Sư Trưởng, Tôn Túc khác biết rõ một cách chi tiết sự kiện này.

Và hôm nay tôi nhắc lại, cốt để thấy ý chí và tinh thần gìn giữ Đạo Thống của Thầy như thế nào, thông qua việc tôn trọng bản Hiến Chương của Giáo Hội, khi mà Hội Đồng Lưỡng Viện còn hành hoạt, trong hoàn cảnh, thời điểm, và điều kiện buổi đó.

Trở lại, hình ảnh GĐPT Việt Nam, bất luận cơ chế hay tổ chức nào, bên này hoặc bên kia, danh xưng này hoặc danh xưng khác, bề mặt tuy thấy có sự phân toái, nhưng đó chỉ là những vọng tưởng nhất thời. “Tình Lam” là một thể duy nhất tuy không một từ nào được ghi rõ trong Nội Quy và Quy Chế, như đó chính là cái Toàn Thể, Tổng Thể, vì ai cũng biết nó kết tinh bằng xương máu và nước mắt của các Bậc Sư Trưởng, Tiền Bối hữu công quá vãng lẫn Hiện Tiền của Tổ Chức chúng ta, và cũng của chính Anh-Chị-Em tại hàng đang bỏ hết tâm tư và sức lực để tài bồi. “Tình Lam” vì vậy, không chỉ là sợi dây bện chặt lòng bao dung yêu thương giữa các cá nhân thành viên với nhau, mà nó là chiếc cầu ý chí vượt thắng để  nối các tổ chức GĐPT dị biệt, xóa bỏ phân ranh ngã chấp để hòa chung vào biển Tuệ Giác.

Trong bản nguyện của Thầy, hình ảnh GĐPTVN là hình ảnh đẹp, gần gũi và tha thiết caủ lý tưởng và sự nghiệp truyền thừa Cháp Pháp. Hình ảnh GĐPT vì vậy, hôm nay trong thời khắc Thọ Tang quả thật đẹp! Duy chỉ có điều từ trong những hình ảnh lẻ bầy như vậy, vẫn gợi lên một nỗi u hoài man man.

Bao giờ cho đến bao giờ nhỉ, màu lam biên địa hóa như không!? | Quảng Pháp Trần Minh Triết

Phật giáo Việt Nam sau Thầy Nhất Hạnh và Thầy Tuệ Sỹ

Thục-Quyên | Gửi tới BBC từ Munich, Đức

Hòa thượng Tuệ Sỹ đã viên tịch ngày 24/11/2023, trụ thế 79 năm, với 41 hạ lạp. (46 Giới Lạp, ghi chú của ST)

Gần hai năm trước, Hoà thượng Nhất Hạnh an nhiên thị tịch ngày 22/01/2022, trụ thế 96 năm với 70 hạ lạp.

Nhị vị Hoà thượng cách nhau 17 năm tuổi đời, và theo lời kể của ni sư Chân Không thì “Thầy Tuệ Sỹ là vị tu sĩ hiểu kinh rất là nhanh, hiểu thấu, giỏi và giảng dạy thật hay về Duy Thức học. Học ở Đại Học Van Hạnh năm 1964/1965 sư chú cùng là học trò được học với Thầy Nhất Hạnh về Pháp Tướng Duy Thức Học và Pháp Tánh Không Tuệ Học.

Sư cô Chân Không hồi đó được học cùng lớp, cùng thầy và cùng thi một bài luận. Tuy là chủ tịch sinh viên Đại Đọc Vạn Hạnh năm 1964 mà chỉ có được 12/20 điểm trong khi chú em Tuệ Sỹ giỏi quá chừng, chú được 16/20 điểm.”

Những vị cao tăng uyên bác

Nhị vị Hòa thượng là hai trong số nhiều đỉnh núi của Phật giáo Việt Nam.

Đỉnh càng cao để càng nhiều người xa gần có thể ngẩng đầu chiêm ngưỡng và định hướng, thì con số những hòn đá to nhỏ, những hạt cát bụi nằm bên dưới, càng hằng hà sa số, và nương dựa, quyện vào nhau để tạo nên chân và thân núi vững vàng.

Thành thử cái này có thì cái kia có, có hạt sỏi dưới chân núi để tảng đá trên kia có thể sừng sững trước bão giông.

Bàn đến những thăng trầm của Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại thì chẳng nên mắc vào sai lầm ấu trĩ, chỉ nhìn các đỉnh núi rồi so sánh có không, cao thấp, lớn nhỏ, mà phải học hiểu những tính tương tức và tùy duyên trong cách hành đạo của tứ chúng Phật tử, từ các vị tôn túc đến hàng tăng ni, cư sĩ.

“Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan” (thơ Tuệ Sỹ)

Suốt gần 50 năm pháp nạn, Thầy Tuệ Sỹ thường được coi là người tu sĩ tiêu biểu cho biết bao người Việt Nam mất tự do ngay trên quê hương của mình

Trách Lung
Trách lung do tự tạo
Tản bộ nhược nhàn du
Tiếu độc thoại ảnh hưởng
Không tiêu vĩnh nhật tù
(Thơ Tuệ Sỹ)

Lồng Hẹp
Nhà tù chật, khó giam lòng tự tại
Khách nhàn du, ta thả bộ thong dong
Ta cười nói, mình ta nghe thanh thản
Ngày tù dài, trôi nhẹ tựa như không.
(Huệ Trân-Hạnh Chi tạm dịch)

trong khi Thầy Nhất Hạnh là một trong số những nhà tu khoác nâu sòng bôn ba nơi quê người, cặm cụi xây dựng, xiển dương đạo pháp, với tấm lòng lúc nào cũng trĩu nặng vận mệnh nước nhà:
vai gánh lấy trọn vẹn giang sơn
đòn gánh trĩu hai đầu văn hóa
Đông Tây tiếng gà bồn chồn tấc dạ
nghiêng gối hỏi thầm: trời bên ấy sáng chưa?
(Thơ Nhất Hạnh)

Nhìn lại lịch sử
Cũng vì vậy, tang lễ nhị vị Hoà thượng dù được giữ trang nghiêm thanh tịnh đúng theo nghi thức truyền thống thiền môn, và dù không gặp nhiều khó khăn quấy nhiễu lộ liễu từ phía chính phủ, nhưng lại vẫn gây lên những đợt sóng ý thức và đàm luận mạnh mẽ, trong nước cũng như tại hải ngoại, liên quan đến tự do tôn giáo và vận mệnh Phật giáo Việt Nam.

Đây là những dịp để dừng lại, nhìn sâu vào sự việc, nhớ lại những giai đoạn đau thương của Phật giáo Việt độc lập truyền thống, khi những minh sư hiền giả bị tù đày, hãm hại, bức tử, rồi đến những năm tháng dài họ bị cô lập bằng nhiều cách khác nhau, với mục đích dùng tình trạng thiếu truyền thông để gây sự rạn nứt hàng ngũ và tan rã nội bộ.

Thảm trạng chia rẽ và suy yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuy đã thực sự xảy ra nhưng mức trầm trọng cho tới nay không được đánh giá chính xác, vì tùy thuộc quá nhiều những trách móc lệch lạc, vô căn cứ, và phân tích hời hợt, hoặc vô tình do những người không am hiểu đạo Phật, hoặc cố ý bởi những kẻ đang rắp tâm đánh phá.

Suy yếu ra sao, thật ra chỉ cần thoát khỏi khuynh hướng bị kẹt vào khái niệm, thì sẽ thấy bất bạo động trong Phật giáo chẳng phải là bất động, không biểu hiện không phải là không có.

Tang lễ của nhị vị Hoà thượng là những dịp để nội lực của Phật giáo được biểu hiện rõ ràng.

Sự kiên quyết giữ vững những giá trị sống theo chánh pháp, trong mắt người đời có lúc bị xem như những thái độ chính trị của quý thầy rồi để tôn sùng hay dè bỉu. Nhưng nếu biết dùng sự nhận thức bất nhị của Phật giáo thì sẽ thấy quý thầy là những người đã từng tháo tung những biên giới nhận thức do lề thói khái-niệm và phân-biệt chằng chịt giăng mắc, thì đâu còn bị sai sử bởi những biên giới giữa sinh/diệt, có/không, dơ/sạch, còn/mất, phải/trái…

Năm xưa tôi nghe Thầy Nhất Hạnh dặn dò, mình là người tu thì có bổn phận là một người tu giỏi, những việc khác, người khác sẽ làm giỏi hơn mình. Nay lại nghe thầy Hạnh Viên kể lại, Ôn Tuệ Sỹ nói là một người đi tu, điều đáng nói là sự giác ngộ và giá trị tu tập của mình, còn những chuyện khác đó là sự đối phó với đời thường, không có gì đáng nói.

Thầy Tuệ Sỹ cũng nhắn nhủ các tăng sinh Huế “nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai xử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian” và “Nếu có tài, gặp cơ duyên thích hợp thì đem ra phụ giúp cho đời, đem khả năng của mình ra để phục vụ nhân sinh. Hợp thời thế thì làm, bằng không thì cũng chẳng buồn bã chi. “Bất đắc chí, độc hành kỳ đạo”, có bạn đồng hành để xây dựng xã hội thì mình đi vào, không thì sống với triết lý riêng của mình. Sống với thiên nhiên, với vũ trụ của mình.”

Nhân duyên đã đầy đủ và thuận lợi để từ cuối thế kỷ thứ 20, Phật giáo Việt Nam đã vang danh thế giới với triết lý bất bạo động, dẫn đầu Phong trào Gìn giữ Hòa bình, Bảo vệ Môi sinh cùng những thông điệp sống tích cực. Nhờ đó mà Phật giáo Việt Nam trong mắt thế giới không khệ nệ chùa to, Phật vàng, mà thấp thoáng những vị cao tăng, uyên bác.

Và cứ như thế, gần nửa thế kỷ qua, quý thầy đã tương tức với nhau dẫn dắt Phật giáo gìn giữ giá trị truyền thống, đồng thời tùy duyên nhập thế và sinh động.

Thầy Nhất Hạnh từ Cốc Ngồi Yên, Thầy Tuệ Sỹ từ Thị Ngạn Am, đã gửi lại cho hậu thế một gia tài đồ sộ kinh điển, một kho tàng trước tác văn chương học thuật…

Trong khi Thầy Tuệ Sỹ

“Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”

và nhắn với huynh đệ phương xa

“Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn”

Dịch nôm:
Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền
nang, vá áo chép kinh đất khách. (Huệ Trân-Hạnh Chi tạm dịch)

Thì Thầy Nhất Hạnh vẫn cần mẫn bên trời Tây

Quét lá chốn bản môn
Ta cùng người thị hiện
Đi về phía mặt trời
Hẹn nhau cùng lên tiếng.

Nhổ cỏ chốn bản môn
Ta nhớ chú điệu xưa
Bụt che chở ngàn đời
Cho muôn ngàn cậu bé

Khâu áo chốn tích môn
Cho đời lành lặn lại
Mũi kim sợi chỉ này
Là công phu gặt hái.

Nay nhị vị Hòa thượng đã là những Áng Mây Trắng Thong Dong.

Vận mệnh Phật giáo Việt Nam phải do tứ chúng Phật tử, từ các vị tôn túc đến hàng tăng ni, cư sĩ, đồng gánh vác. Nhưng gia tài để lại, liệu huynh đệ và hàng hậu học có tiếp xúc và tiếp nhận được nguồn suối của nhận thức, của hiểu biết và của lòng yêu thương để thể hiện và tiếp nối hay không?

Chắc chắn là được nếu tất cả lưu tâm nuôi dưỡng để sự truyền thông với nhau không bị gián đoạn bởi thế quyền mà cũng chẳng vì tâm phân biệt trong chính mỗi người.

Tam Thất Trai Tuần

Nhân tuần thất thứ 3 của Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ tại chùa Phật Ân (14/12/2023), đại diện văn phòng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV đã chính thức trao Thư phân ưu của Ngài cho Ban Điều hành tang lễ và Môn đồ pháp quyến. | Ảnh: Pháp Uyển

________________________

 

Exit mobile version